Bộ Y tế đồng ý mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia
Bộ Y tế vừa có công văn gửi Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXHVN) về đề xuất mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2018 do BHXH VN thực hiện, sau khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo.
Theo đó, Bộ Y tế thống nhất về Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia do BHXH VN đề xuất thí điểm tổ chức thực hiện đấu thầu năm 2018. Việc tổ chức thực hiện đấu thầu tập trung các thuốc thuộc Danh mục trên cần tuân thủ các qui định. BHXH VN có trách nhiệm đảm bảo cung ứng kịp thời, đủ thuốc thuộc Danh mục trên để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế.
Bộ Y tế cũng đề nghị BHXH VN lấy ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính đối với Danh mục trên theo chỉ đạo của Chính phủ; xem xét ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến việc thí điểm tổ chức đấu thầu tập trung của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và ý kiến của Hội đồng Tư vấn quốc gia về đấu thầu thuốc. (Công an Nhân dân, trang 1)
Xét xử vụ chạy thận ở Hòa Bình: Viện kiểm sát muốn trả hồ sơ, điều tra bổ sung
Đúng 1 năm sau ngày sự cố y khoa khiến 9 người chết xảy ra, gia đình các nạn nhân mong tòa tuyên bản án khách quan để an ủi người quá cố. Ngược lại, kiểm sát viên đề nghị trả hồ sơ vì vụ án có dấu hiệu hợp lý hóa tài liệu.
Tròn 1 năm ngày mất
Ngày 29/5 cũng là ngày giỗ đầu của 7 trong 9 nạn nhân tử vong khi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình). Còn lại, 1 người khác mất ngày 4/6/2017 và 1 người mất đầu năm 2018 - chết sau khi chạy chữa khắp nơi trong vô vọng theo lời người nhà kể. Trước TAND TP Hòa Bình, tất cả gia đình các nạn nhân đều mong mỏi sớm có được bản án khách quan, không oan sai để an ủi hương hồn người quá cố.
“Buổi sáng hôm ấy cháu vẫn còn kể cho mẹ nghe về chuyến đi du lịch nước ngoài. Cháu đi du lịch nước ngoài về tới nhà lúc 2h sáng hôm đó, 7h cháu tranh thủ đi chạy thận và còn hẹn mẹ “trưa về con kể tiếp” nhưng cháu đi mãi không thấy về. Ai bù đắp được nỗi đau cho gia đình tôi?”. Đây là câu chuyện của ông Đinh Công Tính - bố nạn nhân Đinh Thị Hằng.
“Họ chết một cách oan ức, họ bị bệnh nhưng không phải chết vì bệnh. Họ chết dưới mũi kim truyền lọc máu của BV Hòa Bình… Chúng tôi đã nén nỗi đau, kìm chế bức xúc để không gây mất trật tự, để các bác sĩ tiếp tục cứu các bệnh nhân khác. Điều khiến cho các nạn nhân bức xúc là 3 tháng đầu từ ngày xảy ra sự cố, Ban lãnh đạo bệnh viện, đứng đầu là giám đốc Trương Quý Dương không có một lời chia sẻ, động viên hay xin lỗi… chúng tôi cảm giác họ coi 8 nạn nhân tử vong như 8 con gà con vịt” - lời ông Tính.
Người đàn ông tiếp lời: “Họ không đồng cảm, không thông cảm… Nếu có động viên kịp thời, kể cả lời nói thôi thì nỗi đau xót của chúng tôi phần nào nguôi đi nhưng càng đầy ắp những bức xúc trong các gia đình tôi vì cách đối xử của bệnh viện. Chúng tôi đã giải trình tất cả những việc mua bán nhưng cuối cùng họ lại đòi chúng tôi xuất trình hóa đơn đỏ. Thử hỏi từ cổ chí kim, có chỗ nào có hóa đơn đỏ cho đám ma không?”.
Một phụ nữ khác - vợ của nạn nhân Bùi Văn Chính kể: “Chồng tôi vẫn khỏe mạnh, làm bảo vệ ở đây nên tự đi chạy thận, không cần ai chăm sóc. Sáng hôm đó cuối tuần, tôi ở quê lên chơi và cùng vào viện cho ông ấy chạy thận. Được một lát, thấy ông ấy kêu khó thở, tôi nghĩ như mọi lần nên động viên nhưng họ chuyển ông lên phòng hồi sức. Tôi không được vào mà cũng không biết chồng mình chết lúc nào. Đến 4h sáng (30/5), bệnh viện cho tôi đưa ông ấy về mai táng”.
Những tranh cãi kịch liệt
Không chỉ có mâu thuẫn trong đền bù giữa gia đình các nạn nhân và bệnh viện, phiên tòa xử 3 bị cáo gây sự cố y khoa còn chứng kiến những tranh cãi kịch liệt, gay gắt của các luật sư, thậm chí của các luật sư bào chữa cho những bị cáo không đối lập quyền lợi. Ngay phần xét hỏi, chủ tọa đã yêu cầu công an “mời” luật sư Trần Vũ Hải - bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc ra khỏi phòng xử vì không tuân thủ nội quy. Ngay sau đó, luật sư Lê Văn Thiệp - bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương cũng đề nghị chủ tọa yêu cầu luật sư Hải ra ngoài vì quá mất trật tự.
Đến phần tranh luận, luật sư Nguyễn Danh Huế - bảo vệ cho BV Hòa Bình yêu cầu tòa khởi tố giám đốc Cty Thiên Sơn; làm rõ nghi vấn về việc thông thầu; lợi ích nhóm trong chạy thận… Đáp lại, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương - bảo vệ Cty Thiên Sơn cho rằng những căn cứ của ông Huế nêu ra là vô lý. Bà Hương nhìn sang ông Huế, nói: “Biết thì hãy nói, không biết rõ ngọn ngành thì đừng nói”.
Về việc ông Huế đề nghị “xử lý” ông Trương Quý Dương nguyên Giám đốc BV Hòa Bình, luật sư Hương nói: “Tình đồng nghiệp của các vị thế nào? Không biết yêu cầu này có đại diện cho 700 con người của bệnh viện nhưng nếu có, tôi thật sự đau lòng”. Đáp lại, ông Huế cho rằng bà Hương không có mặt tại tòa khi ông phát biểu, chủ tọa cần ngắt phần nói của bà vì: “Không biết gì, chỉ nói luyên thuyên”. Luật sư của BV Hòa Bình khẳng định, chỉ đề nghị tòa tuyên ông Dương phải bồi thường thay bệnh viện trong trường hợp xác định bệnh viện có lỗi, phải bồi thường.
Trợ giúp viên pháp lý của tỉnh Hòa Bình cũng bị luật sư Trần Hồng Phúc - bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương phản ứng gay gắt khi đề nghị tòa tuyên trả hồ sơ phần hình sự nhưng tuyên án phần dân sự. Bà Phúc cho rằng đây là một vụ án hình sự có phần dân sự, không thể tách ra. Nữ luật sư quát to trong phiên xử: “Không có lý thuyết, không có trường học nào đi dạy dỗ như vậy”.
“Phải biết chất lượng nước bơm vào người bệnh”
Sau 4 ngày các luật sư của bị cáo Hoàng Công Lương trình bày quan điểm, kiểm sát viên được phép đối đáp lại. Theo người giữ quyền công tố, bị cáo Hoàng Công Lương và những người liên quan từng khai, Lương được giao phụ trách chuyên môn tại Đơn nguyên thận nhân tạo. Việc những người này thay đổi lời khai tại tòa, nói bị cáo Lương không được giao nhiệm vụ là chưa đúng nên sẽ không áp dụng quy tắc suy đoán vô tội.
Hành vi của Hoàng Công Lương cũng được làm rõ tại tòa. Cụ thể, ngày 29/4/2017, bị cáo ký đề xuất sửa chữa hệ thống lọc nước RO 2 dùng cho chạy thận… Ngày 29/5/2017, bị cáo chỉ nghe điều dưỡng thông báo đã sửa xong nhưng ra lệnh chạy thận gây chết người. Kiểm sát viên khẳng định, bị cáo Lương buộc phải biết nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng bởi quy trình kỹ thuật lọc máu gồm 8 bước, trong đó bước 1 là kiểm tra máy trong tình trạng vô trùng.
Ngoài ra, bị cáo Lương chỉ có vai trò phụ trách chuyên môn nhưng đã tự ý ra y lệnh khi chưa xin ý kiến của trưởng khoa nên phải chịu trách nhiệm. Các nạn nhân hôm xảy ra sự cố chỉ lọc máu chu kỳ, không phải lọc máu cấp cứu nên phía công tố cũng loại trừ tình huống cấp thiết.
Tiếp đến, kiểm sát viên cho rằng quá trình xét xử đã xuất hiện nhiều chứng cứ, tình tiết mới như vi bằng về băng ghi âm giữa ông Hoàng Công Tình - Phó khoa (chú ruột bị cáo Lương) và ông Đinh Tiến Công - Điều dưỡng trưởng, cùng ở khoa Hồi sức tích cực. Đoạn ghi âm thể hiện ông Công viết thêm nội dung phân công bị cáo Lương vào sổ giao ban các năm 2015 - 2016 sau khi sự cố xảy ra.
Đại diện VKSND nhận thấy, vụ án có dấu hiệu của việc hợp lý hóa tài liệu; cần làm rõ việc có hay không các cán bộ tại BV Hòa Bình đã đối phó với cơ quan điều tra hoặc đổ trách nhiệm cho bị cáo Hoàng Công Lương. Ngoài ra, 2 công văn của Bộ Y tế gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình và Văn phòng Luật sư Nguyễn Chiến (bào chữa cho bị cáo Lương) dù trả lời 1 vấn đề nhưng có sự mâu thuẫn, gây hiểu nhầm ảnh hưởng tới việc xác định tội danh.
“Qua trả lời của ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, kiểm sát viên thấy ông Quang không nắm được nội dung này. Vì vậy, cần xem xét mâu thuẫn giữa hai công văn trên… VKSND xác định đây là các tình tiết mới cần điều tra bổ sung. Do vậy đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án” - người giữ quyền công tố nói.
Hôm nay (30/5), tòa tiếp tục làm việc. (Tiền phong, trang 11)
Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 8: “Đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ xung vụ chạy thận làm chín người chết”; Báo An ninh Thủ đô, trang 9: “Xét xử vụ tai biến y khoa khiến 9 người tử vong ở Hòa Bình: Viện Kiểm sát đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ xung”; Báo Nông thôn Ngày nay, trang 7: “Vụ án 9 bệnh nhân chạy thận tử vong: Xuất hiện tình tiết mới, tòa quay lại phần xét hỏi”; Báo Tuổi trẻ, trang 4: “Xét xử vụ chạy thận làm 9 người tử vong: Đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ xung”
Không chủ quan trước khả năng dịch Ebola xâm nhập Việt Nam
Từ đầu tháng 4-2018, dịch bệnh Ebola tái bùng phát tại nước Cộng hòa dân chủ Congo và đến nay tiếp tục diễn biến phức tạp.
Theo các chuyên gia, hiện tại, nguy cơ dịch Ebola lây lan vào nước ta là thấp, tuy nhiên không chủ quan và không loại trừ việc ghi nhận trường hợp bệnh Ebola về từ vùng có dịch tại Việt Nam. Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) theo dõi sát diễn biến tình hình dịch tại Congo, đánh giá nguy cơ tình hình dịch xâm nhập vào Việt Nam.
Để ngăn ngừa dịch bệnh Ebola xâm nhập vào trong nước, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác giám sát bệnh truyền nhiễm tại cửa khẩu, cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc Ebola về từ vùng có dịch và sẵn sàng các biện pháp xử lý kịp thời.
Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế quốc gia - Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tổ chức WHO để giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh do virus Ebola trên thế giới và chủ động chỉ đạo các địa phương triển khai các hoạt động phòng chống dịch một cách phù hợp, hiệu quả.
Theo thông báo của tổ chức WHO, từ ngày 18 đến 25-5 đã ghi nhận thêm 14 trường hợp mắc mới, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Tích lũy từ 4-4 đến 25-5 có 58 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Ebola, trong đó có 27 trường hợp tử vong (tỷ lệ chết/mắc 47%). Có 28 trường hợp xác định, 30 trường hợp nghi ngờ, trong đó có 3 trường hợp là nhân viên y tế. (An ninh Thủ đô, trang 2)
Vui đón Tết thiếu nhi 1-6 tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn
Ngày 29-5, tại Hà Nội, thực hiện tinh thần tình nguyện vì cộng đồng, nhân dịp Quốc tế thiếu nhi 1-6, Đoàn Cơ sở Báo An ninh Thủ đô phối hợp với Bệnh viện Xanh Pôn, BIDV chi nhánh Đông Hà Nội, Quỹ Tấm lòng Việt (Đài truyền hình Việt Nam), PVcomBank, trường Đại học Greenwich tổ chức chương trình “Chào mừng ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6”.
Chương trình “Chào mừng ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6” đã khiến hội trường Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn trở nên sôi nổi, đông đảo các bậc phụ huynh và em nhỏ tới đây thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc. Nhiều tiết mục đã tạo được ấn tượng với các bệnh nhi, như: vở kịch “Con đã lớn rồi”, hoạt cảnh “Bạch Tuyết và 7 chú lùn” do CLB Cánh diều hồng thể hiện; tiết mục “Xứ xở thần tiên” – CLB Thiên thần, nhảy zumba “Pitantra” – CLB Na Miu...
Đặc biệt, màn biểu diễn của ảo thuật gia Phúc Anh đã thu hút được ánh mắt chú ý, nụ cười và sự tò mò của các em nhỏ. Bên cạnh đó, các trò chơi do các sinh viên tình nguyện đến từ trường Đại học Greenwich và những phần quà hấp dẫn cũng nhận được sự tham gia nhiệt tình từ các em thiếu nhi.
Tại chương trình “Chào mừng ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6”, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Hưng – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chia sẻ, chương trình tổ chức chu đáo, thể hiện sự quan tâm, tình cảm ấm áp của các đơn vị, các nhà hảo tâm với thế hệ trẻ, các em mầm non của đất nước. Các em nhỏ đang điều trị tại bệnh viện gặp phải nhiều thiệt thòi khi có tổn thất về sức khỏe và tinh thần, do đó các chương trình bổ ích và lý thú được tổ chức là nguồn động viên rất lớn cho các bệnh nhi qua những khó khăn. Bác sĩ Nguyễn Đình Hưng kỳ vọng các em nhỏ sẽ có nhiều nghị lực để vượt qua bệnh tật.
Trong khuôn khổ chương trình “Chào mừng ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6”, với mong muốn động viên các bệnh nhi sớm khỏe mạnh và đoàn viên bên gia đình, các nhà hảo tâm đã tặng khoảng 400 phần quà cho các em nhỏ đang điều trị nội trú tại 7 khoa nhi Bệnh viện Đa Khoa Xanh Pôn. Cùng với đó, Quỹ Tấm lòng Việt (Đài truyền hình Việt Nam) đã tặng 10.000.000 đồng cho 8 bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện. (An ninh Thủ đô, trang 8)
Nghiện game là tình trạng bệnh lý tâm thần cần được điều trị
Chỉ vì nghiện chơi game mà con sẵn sàng giết bố, cháu sát hại bà, anh em đâm chém nhau…
Nhiều vụ án mạng đau lòng đã xảy ra với không ít bài học đắt giá song hiện vẫn có khá nhiều người, nhất là các bạn trẻ vẫn mê đắm trong thế giới game online, tự đẩy mình vào con đường phạm tội, thậm chí mất mạng. Đây là một trong những lý do WHO liệt kê chứng "nghiện game" là bệnh tâm thần.
Giết người, mất mạng vì "nghiện game"
Cách đây không, tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đã xảy ra một vụ án mạng. Chỉ vì tranh cãi về tên một nhân vật trong game điện thoại mà một đối tượng đã dùng dao chém vào đầu nạn nhân gây tử vong tại chỗ.
Còn trên mạng xã hội, sự xuất hiện của một clip ghi lại cảnh người đàn ông trung niên bị một thiếu niên đánh trả vì bị bắt về khi đang chơi game tại quán internet cũng gây xôn xao dư luận. Theo clip này, sau khi đi tìm và bắt gặp con đang “cày” game, ông bố đã vô cùng tức giận, đánh cậu con trai và bắt con đi về. Tuy vậy, người con đã quay lại đá rất mạnh vào người bố mình khiến ông suýt ngã. Trước đó, vào năm 2016, câu chuyện về một thanh niên tử vong bất thường sau nhiều ngày bỏ nhà đi chơi game cũng khiến nhiều phụ huynh hoang mang.
Hiện chưa có thống kê về số người "nghiện game", nhưng số thanh thiếu niên "nghiện game" online phải đến các trung tâm, bệnh viện để khám, điều trị bệnh không hề nhỏ, tiêu tốn khá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.
“Tương tự như nghiện ma túy, chứng "nghiện game" online được các nhà khoa học xem xét đưa vào một trong những loại bệnh lý tâm thần. Nguyên nhân là do chơi game online quá lâu trong thời gian dài sẽ gây ra nhiều tác động xấu cả về sức khỏe lẫn tinh thần, gây rối loạn tâm sinh lý " - Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú - Giám đốc Trung tâm tham vấn sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên cho biết.
Cũng theo Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú, về sức khỏe, việc chơi game thường xuyên khiến người chơi phải tiếp xúc trực tiếp với màn hình máy tính hoặc điện thoại với ánh sáng yếu, phản quang sắc xanh liên tục trong nhiều giờ, gây rối loạn về giấc ngủ, ngủ không sâu, dễ bị gián đoạn giấc ngủ. Điều này rất có hại với sức khỏe và não bộ, cơ thể dễ bị suy nhược, không tập trung. Nếu tình trạng này kéo dài thường xuyên sẽ gây suy giảm tế bào thần kinh, giảmtrí nhớ dẫn đến làm tổn thương não bộ.
Ngoài ta, việc chơi game thường xuyên ngồi quá lâu một chỗ với một tư thế khiến cơ bắp dễ bị tổn thương, gây tổn thương cột sống, thoát vị đĩa đệm. Thậm chí, việc ngồi lâu một chỗ sẽ khiến các cơ quan sinh dục bị chèn ép, tác động xấu tới cơ quan sinh dục, làm giảm lượng tinh trùng và dẫn đến nguy cơ vô sinh cao hơn ở nam giới. Đặc biệt, chơi game liên tục kéo dài sẽ khiến cơ thể kém linh động và nhanh nhẹn gây mất tập trung, mất trí nhớ tạm thời.
"Nghiện game" dễ có các hành vi sai trái, bạo lực
Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú còn lo ngại, về mặt tinh thần, những game thủ sau thời gian dài chơi game dễ bị cuốn hút và ảnh hưởng bởi cuộc sống ảo trong game, dễ rơi vào tình trạng bị cô lập do hạn chế các mối quan hệ ngoài đời thật. Ngoài ra, người nghiện game dễ bị rối loạn tâm sinh lý, một phần do hưng phấn hoặc tiêu cực quá mức khi chơi game. Một phần do bị ảnh hưởng bởi tính cách của các nhân vật trong game nên dễ dẫn đến các hành vi sai trái, bạo lực.
Game online dễ gây nghiện, chúng khiến người chơi quên mất bản thân và những công việc khác trong cuộc sống. Những người nghiện game luôn đắm chìm vào không gian của trò chơi, thậm chí ảo tưởng mình là nhân vật trong trò chơi, dẫn đến tình trạng quên ăn quên ngủ, quên mục đích học hành. Trẻ em đam mê chơi trò chơi bạo lực thường bị ảnh hưởng bởi những những hình ảnh này và trở nên hung hăng hơn, dễ trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân của những hành vi bạo lực ngoài đời. Mặt khác, để có tiền chơi game, một số cá nhân còn có hành vi trộm cắp, cướp giật tài sản thậm chí tước đoạt tính mạng của người khác.
Liên quan đến chứng nghiện game, năm 2018, lần đầu tiên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt kê chứng nghiện game là một tình trạng bệnh lý tâm thần cần được điều trị. Trong Bảng danh sách Phân loại quốc tế về bệnh tật mới (ICD -11), "rối loạn chơi game" (gaming disorder) được liệt kê là một trình trạng sức khỏe tâm thần.
Đó là những người ưu tiên chơi game hơn các hoạt động, sở thích khác trong cuộc sống và đã kéo dài tình trạng này quá 1 năm. Tuy vậy, khoảng thời gian xem xét tiêu chuẩn này có thể rút ngắn nếu các triệu chứng thể hiện ở mức nghiêm trọng, như: Không thể kiểm soát việc chơi game (về tần suất, cường độ và thời gian kéo dài), dành nhiều ưu tiên cho việc chơi game hoặc vẫn tiếp tục chơi hoặc tăng thêm thời gian chơi bất chấp các hậu quả tiêu cực.
Ước tính, tỷ lệ người chơi game có vấn đề sức khỏe tâm thần dao động trong khoảng 2-20%. “Có thể nói, việc WHO coi "nghiện game" là một chứng rối loạn tâm thần đã khẳng định, chơi game có thể gây ra vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và rất cần được giám sát. Đây tiếp tục là hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ đối với những cá nhân đã và đang có ý định sa đà, đắm chìm trong game online” - Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú nhận định. (An ninh Thủ đô, trang 15)
Cùng chủ đề Báo Lao động, trang 1: “Thâu đêm “phê” game”
Tổng LĐLĐ VN đề nghị tòa lưu tâm các chứng cứ gỡ tội cho bị cáo Hoàng Công Lương
Sáng nay 29.5, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã gửi công văn đến Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình đề nghị xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương công tâm, không để làm oan người vô tội.
Tại công văn số 1026/TLĐ, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN) nêu rõ: “Với tư cách là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, Tổng LĐLĐVN đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, trực tiếp là Hội đồng xét xử, xem xét cẩn trọng, khách quan, toàn diện các chứng cứ của vụ án, trong đó đặc biệt lưu tâm các chứng cứ gỡ tội cho bị cáo Hoàng Công Lương, không để làm oan người vô tội”.
Chia sẻ với Thanh Niên chiều nay, Phó chủ tịch LĐLĐVN Mai Đức Chính cho biết, những ngày qua, Tổng LĐLĐVN đã theo dõi sát sao việc Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình xét xử bị cáo Hoàng Công Lương - bác sĩ, đoàn viên công đoàn khối kỹ thuật, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cùng một số bị cáo khác liên quan trọng vụ chạy thận nhân tạo gây chết 9 người. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận và các cấp công đoàn hết sức quan tâm.
“Qua quá trình thẩm vấn, theo dõi phần tranh luận tại tòa đã cho thấy, vụ án xuất hiện nhiều tình tiết mới, phức tạp, cần được xem xét toàn diện. Trong đó, có nhiều chứng cứ các luật sư cung cấp tại phiên tòa, lời kêu oan của bị cáo Hoàng Công Lương và lời đề nghị tuyên bị cáo không phạm tội của bị hại và đại diện bị hại có thể gây ra oan sai. Vì vậy, tôi đã thay mặt Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐVN ký công văn gửi Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình về việc xét xử khách quan, công bằng đối với bị cáo Hoàng Công Lương”, ông Mai Đức Chính nói. (Thanh niên, trang 5)
Cùng chủ đề Báo Lao động, trang 5: “Vụ xét xử bị cáo Hoàng Công Lương: Tổng LĐLĐVN đề nghị TAND TP.Hòa Bình cần trọng, khách quan”
Bệnh viện Nhiệt đới TW cảnh báo: 1 tuần, 2 trẻ chết vì chó dại cắn
Chỉ trong một tuần, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW tiếp nhận hai bệnh nhi lên cơn dại. Các cháu bé vào viện trong trạng thái kích thích tinh thần, sợ gió, sợ nước và tiến triển bệnh ngày càng nặng, sau đó, nhanh chóng tử vong.
Trao đổi với phóng viên ngày 28/5, PGS. TS Bùi Vũ Huy - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cho biết, một cháu bé 12 tuổi (dân tộc Mường, sống tại Hoà Bình) tử vong sau một tuần vào viện và trường hợp cháu bé 9 tuổi (dân tộc Mông, Lạng Sơn) tử vong chỉ nửa ngày nhập viện.
“Các cháu bé này đều ở giai đoạn rõ rệt của bệnh dại, bị kích thích tinh thần, hoảng hốt, sợ nước, sợ gió rất rõ. Dù được các bác sĩ tích cực hỗ trợ nhưng cả hai cháu đều tử vong”- BS Huy nói
Các chuyên gia cho hay, qua khai thác tiền sử, gia đình hai cháu đều không biết con mình bị chó cắn. Riêng với gia đình cháu bé 12 tuổi, bị chó cắn, sau đó 13 ngày con chó chết, khi trẻ có biểu hiện bất thường, cha mẹ mới đưa con đến cơ sở y tế.
Còn trường hợp cháu bé 9 tuổi ở Lạng Sơn, gia đình có nuôi chó mẹ và đàn chó con. Khi chó mẹ có biểu hiện ốm, gia đình bán đi và giữ đàn chó con tiếp tục chăm sóc. Trong quá trình chăm sóc chó, cháu nhỏ bị một con chó con gặm vào tay nhưng cũng không nói lại với gia đình.
PGS. TS Bùi Vũ Huy cho biết, chỉ trong một tuần đã có 2 cháu tử vong vì bệnh dại là chuyện rất bất thường. Lí do chủ yếu do gia đình, cộng đồng chưa có ý thức nhiều trong phòng chống bệnh dại.
Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 59.000 người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc xin phòng dại. Các trường hợp tử vong do bệnh dại do không đi tiêm phòng vắc xin và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắc xin cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng, chống bệnh dại.
Người nhiễm vi rút dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%, mặc dù vậy bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc xin đúng và đầy đủ. Vì vậy, để ngăn ngừa bệnh dại trên người, Tổ chức y tế khuyến cáo người bị động vật cắn cần được tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh dại.
“Chính vì vậy, để phòng tránh bệnh một cách tốt nhất, biện pháp duy nhất có hiệu quả để ngăn ngừa người bị bệnh dại là khi bị phơi nhiễm với vi rút dại do bị con vật cắn, cào, liếm trên da và niêm mạc bị tổn thương hoặc chăm sóc con vật bị ốm, nghi bị bệnh dại,… người đó phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối đặc, các chất sát khuẩn như cồn y tế, cồn i-ốt... Sau đó đến cơ sở y tế để được khám và có chỉ định phác đồ điều trị dự phòng hợp lý càng sớm càng tốt”- BS Bùi Vũ Huy khuyến cáo.
Đồng thời BS Huy cũng khuyến cáo: Do thời gian ủ bệnh dài nên các trường hợp bị nhiễm vi rút dại nhưng chưa có triệu chứng dại vẫn nên đi tiêm vắc xin phòng dại để tạo miễn dịch trước khi vi rút dại xâm nhập hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra, người nghi ngờ bị dại tuyệt đối không đi chữa thuốc nam.
Các chuyên gia khuyến cáo việc tiêm phòng dại cho chó mèo cũng là một trong các giải pháp để ngăn ngừa bệnh dại
Khi chó nghi dại/dại chết phải chôn sâu đổ vôi bột để sát khuẩn. Tuyệt đối không làm thịt chó ốm nghi dại vì trong quá trình làm thịt sẽ bị lây nhiễm vi rút qua các vết thương. Đặc biệt, khi chó, mèo bị dại thường rất hung dữ, cắn nhiều người và các vật khác như chó, mèo, trâu, bò, lợn, ngựa... sẽ gây ra ổ dịch dại ở động vật lưu truyền năm này sang năm khác, đó là nguyên nhân chính khiến bệnh dại lưu hành. Vì vậy, việc xử lý triệt để ổ dịch dại ở động vật là quan trọng nhất.
Người dân cũng không nên bán hoặc di chuyển chó, mèo ốm, nghi dại nhằm giảm nguy cơ lây truyền bệnh dại cho người và lây lan bệnh dại ở các con vật khác ở nhiều vùng khác. Chó, mèo nuôi phải tiêm vắc xin phòng dại liên tục hàng năm theo đúng quy định của ngành thú y sẽ tạo được miễn dịch bảo vệ cho chó không bị bệnh dại. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4)
Phẫu thuật thành công bệnh nhân bị thanh sắt xuyên ổ bụng
TS. Ngô Vi Hải, Chủ nhiệm khoa phẫu thuât Tim mạch , Viện tim mạch- Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, các bác sĩ của Bệnh viện TWQĐ 108 đã kịp thời hỗ trợ, cùng bác sỹ Bệnh viện Quân y 5- QK3 (Ninh Bình) cấp cứu thành công trường hợp bệnh nhân bị thanh sắt chọc từ nếp bẹn xuyên ổ bụng..
Trước đó, vào lúc 18h30' ngày 24/5, Bệnh viện Quân y 5- QK3 tiếp nhận bệnh nhân Bùi Văn P, là công nhân, sinh năm 1975 trong tình trạng cấp cứu tối khẩn cấp, bị thanh sắt chọc từ nếp bẹn phải xuyên vào ổ bụng, bệnh nhân bị rách mạch máu lớn, sốc mất máu; huyết áp 50/20mmHg, Bệnh viện Quân y 5 đã khẩn trương cấp cứu kịp thời, mở ổ bụng hút ra tổng cộng 4500ml máu, phát hiện có rách mạch máu lớn, đã kẹp tạm và chèn gạc cầm máu, gọi điện thoại đề nghị chi viện từ Bệnh viện TWQĐ 108.
Ngay lập tức, Trung tướng GS.TS Mai Hồng Bàng- Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108 đã điều động một kíp bác sĩ cấp cứu, gồm: TS Ngô Vi Hải, Chủ nhiệm khoa, bác sĩ Ngô Tuấn Anh, phó chủ nhiệm khoa phẫu thuật Tim mạch, Viện tim mạch- Bệnh viện TWQĐ 108 mang theo dụng cụ phẫu thuật chuyên khoa đã kịp thời có mặt tại phòng mổ, BV quân y 5 để thực hiện nhiệm vụ.
Các bác sỹ nhận định, đây là ca Tổn thương rách tĩnh mạch chậu phải, thủng mạc treo gây rách nhiều nhánh động và tĩnh mạch mạc treo. Các BS tiến hành cắt lọc khâu nối lại tĩnh mạch chậu phải, khâu cầm máu và phục hồi một số nhánh động và tĩnh mạch treo tràng trên.
Ca mổ kết thúc lúc 01h30' phút ngày 25/5. Bệnh nhân được truyền tổng cộng 3000ml máu. Mạch 75 lần/phút, huyết áp 105/60mmHg. Kíp bác sỹ Bệnh viện TWQĐ 108 ở lại theo dõi bệnh nhân đến 3h sáng cùng ngày.
Thành công của ca phẫu thuật, một lần nữa khẳng định hiệu quả của sự phối hợp công tác tuyến trong cấp cứu và điều trị bệnh nhân, Bệnh viện TWQĐ 108 là bệnh viện tuyến cuối, luôn có vai trò chi viện kịp thời các bệnh viện quân y tuyến trước. (Sức khỏe & Đời sống, trang 5)
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm việc tại TP.HCM: Tăng cường tuyên truyền, giảm thiếu tác hại do ma túy, HIV
Chiều 28/5, Đoàn công tác Ủy ban Quốc gia về phòng chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - Phó chủ tịch thường trực Uỷ ban làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM. Sáng cùng ngày, cũng tại TP HCM, đoàn đã đến thăm một số cơ sở điều trị HIV và cai nghiện ma túy.
Báo cáo trước đoàn đại biểu Ủy ban Quốc gia về phòng chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh – Xã hội cho biết, tình hình ma túy tại TP.HCM chưa có chiều hướng giảm, diễn biến vẫn phức tạp; tiếp tục xu hướng gia tăng số vụ mua bán, vận chuyển và sử dụng các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần và xuất hiện nhiều loại ma túy mới. Số người nghiện ma túy trên địa bàn thành phố có hồ sơ quản lý tăng. Số người nghiện mới có xu hướng trẻ hóa và sử dụng nhiều loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp (ma túy đá) rất nguy hiểm và diễn biến phức tạp.
Cụ thể trong năm 2017, TP.HCM đã điều tra khám phá 1.407 vụ (giảm 130 vụ, tỷ lệ 8,46% so với cùng kỳ năm 2016), bắt 3.160 đối tượng (giảm 16 đối tượng, tỷ lệ 0,5% so với cùng kỳ năm 2016) có hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Trong đó, số vụ liên quan đến mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy là 1.306 vụ, 2.631 đối tượng (giảm 151 vụ, tăng 123 đối tượng so với cùng kỳ) và 101 vụ, 529 đối tượng liên quan đến hành vi sử dụng trái phép chất ma túy (tăng 21 vụ, giảm 139 đối tượng so với cùng kỳ).
Về hoạt động mại dâm, đại diện TP.HCM tự đánh giá vẫn còn diễn biến khá phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, biểu hiện dưới nhiều hình thức kinh doanh núp bóng, trá hình như: kinh doanh nhà hàng, khách sạn, quán bar, cà phê, hớt tóc thanh nữ, massage, karaoke…
Công an thành phố đã triệt phá 140 vụ tổ chức môi giới mại dâm, xử lý 734 đối tượng. Công an các quận, huyện đã tổ chức kiểm tra hành chính 2.142 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện (gồm 24 quán bar, 111 nhà hàng, 195 quán karaoke, 877 khách sạn và 935 cơ sở dịch vụ khác).
Về tình hình HIV, tính đến hết tháng 3, thành phố có số người nhiễm HIV lũy tích là 57.475 người, trong đó còn sống 46.853 người. Toàn thành phố có 24/24 quận huyện có người nhiễm HIV/AIDS. Tỷ lệ hiện nhiễm là 693 người mắc trên 100.000 dân. So với toàn quốc, số người nhiễm HIV tại TP.HCM chiếm 23% số người nhiễm.
Phân bố người nhiễm HIV còn sống trên TP.HCM đến hết tháng 3 ở nam giới chiếm 76,7%, tập trung chủ yếu ở độ tuổi 30-39. Về đường lây, chủ yếu qua máu, quan hệ tình dục không an toàn, trong đó 41% không rõ nguyên nhân. Số người nhiễm HIV phát hiện mới từ đầu năm đến hết tháng 3 là 444 người, nam giới chiếm hơn 80%, tuổi chủ yếu từ 16-29, đường lây chính là quan hệ tình dục không an toàn (chiếm 60,4%).
Đối với nhóm nguy cơ cao, qua triển khai giám sát ghi nhận tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm chích ma túy giảm, tuy nhiên tỳ lệ nhiễm HIV nhóm phụ nữ bán dâm lại tăng so với năm 2017. Số người mắc bệnh trong nhóm đồng tính nam tăng nhanh trong hai năm gần đây.
Giải thích về những hạn chế trong công tác phòng chống HIV, ma túy và mại dâm, phía TP.HCM cho rằng, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa tội phạm ma túy, mại dâm, HIV/AIDS có nơi, có lúc còn chưa thường xuyên, sâu rộng và cụ thể trong nhân dân, nên một bộ phận người dân còn chủ quan, sơ hở, mất cảnh giác tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động. Việc vận động nguồn kinh phí ngoài xã hội hỗ trợ hoạt động phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội tại các địa bàn quận, huyện chưa được triển khai thực hiện hiệu quả.
TP.HCM là một đô thị lớn, bên cạnh mặt tích cực, thành phố phải đối mặt với tình hình phức tạp của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy; tình hình mua bán, vận chuyển và sử dụng các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần gia tăng, có nhiều loại ma túy mới xuất hiện tiềm ẩn nhiều nguy cơ và phức tạp.
Việc triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện gặp khó khăn do các Bộ - ngành chưa ban hành kịp thời, đầy đủ các tài liệu, chương trình và phương pháp điều trị nghiện, các biện pháp dự phòng và điều trị nghiện ma túy thống nhất theo hướng đổi mới; công tác cai nghiện tại cộng đồng được chỉ đạo quyết liệt nhưng gặp nhiều khó khăn như người nghiện ma túy không tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng, hơn nữa người nghiện ma túy tổng hợp chiếm khoảng 60-70%, họ dễ bị kích động, loạn thần không làm chủ được hành vi nên không tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng và dễ gây ra hành vi vi phạm pháp luật, gây nhiều hệ lụy cho xã hội…
Về công tác phòng, chống mại dâm, một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống tệ nạn mại dâm không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng, chống mại dâm trong tình hình mới; đồng thời chưa có biện pháp chế tài về xử lý đối với các đối tượng hoạt động mại dâm nam, mại dâm đồng tính, mại dâm chuyển giới và các đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi khiêu dâm, kích dục. Trong khi đó, những hành vi này hiện nay đang diễn ra rất phổ biến trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: nhà hàng, quán bar, vũ trường, cơ sở massage, xông hơi, xoa bóp, karaoke, hớt tóc gội đầu, cà phê đèn mờ… nhằm mục đích cạnh tranh để câu kéo khách.
Về công tác phòng, chống HIV/AIDS, theo ước tính, vẫn còn số lượng lớn người nhiễm HIV ở cộng đồng, tuy nhiên, chưa có ước tính nào thật sự đáng tin cậy để có được con số gần chính xác số lượng người nhiễm HIV của thành phố. Sự kỳ thị phân biệt đối xử của cộng đồng, đặc biệt là các cơ sở y tế sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp cận xét nghiệm, điều trị, khống chế lây nhiễm HIV. Các Trung tâm Y tế quận, huyện đã được kiện toàn, nhưng việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS thông qua quỹ bảo hiểm y tế chi trả vẫn chưa được triển khai do các cơ sở y tế này đang tiến hành hoàn tất các thủ tục để ký kết hợp khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, trưởng đoàn công tác đánh giá cao tính toàn diện, đầy đủ trong báo cáo của TP.HCM trong công tác phòng chống AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm.
Hoan nghênh những nỗ lực của TP.HCM trong công tác triển khai phòng chống HIV, ma túy, mại dâm, tuy nhiên Bộ trưởng lưu ý trong điều trị ma túy, TP.HCM không nên cho rằng những người nghiện ma túy đá là không nghiện thuốc phiện, chính vì vậy, công tác điều trị Methadone cần được tăng cường đảm bảo cho cả nhóm này.
Về điều trị HIV, cần mở rộng việc điều trị HIV xuống trạm y tế xã phường. Tăng cường công tác truyền thông tuyên truyền giảm tác hại bởi đây là khâu quan trọng giúp khống chế số lượng người mắc mới.
Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng góp ý nên khuyến khích tăng cai nghiện tự nguyện tự nguyện. Tăng cường sự hỗ trợ của nhà nước nếu gia đình không có điều kiện. Cần tăng cường dự phòng bằng cách tuyên truyền người dân, ngăn mua bán ma túy hơn là phát hiện người nghiện rồi mang đi cai nghiện.
Sáng cùng ngày, đoàn đã làm việc với cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và điều trị HIV/AIDS bằng ARV tại Trung tâm Y tế Dự phòng Quận Gò Vấp; đồng thời kiểm tra công tác cai nghiện tại cơ sở Xã hội Nhị Xuân (Hóc Môn). Tại các cơ sở, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thăm và nghe các báo cáo.
BS. Nguyễn Trung Hòa – Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Quận Gò Vấp cho biết, đến hết tháng 4/2018, khoa Tham vấn Hỗ trợ Cộng đồng - HIV/AIDS quận đang điều trị ngoại trú cho 1.436 người nhiễm HIV, nam giới nhiễm HIV đang điều trị vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn nữ giới (71,5% so với 28,5%).
“Kinh phí từ các nguồn tài trợ chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng kinh phí cho hoạt động của phòng chống HIV/AIDS, nhưng trong thời gian tới ngân sách tài trợ của các tổ chức quốc tế có xu hướng giảm dần,” Ông Hòa cho biết.
Về chế độ bảo hiểm y tế, để giúp bệnh nhân hiểu được lợi ích của BHYT trong điều trị ARV và gia tăng số lượng bệnh nhân tham gia BHYT, quận Gò Vấp đã triển khai tư vấn BHYT cho bệnh nhân tại phòng khám ngoại trú. Tuy nhiên, hoạt động khám chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS vẫn còn nhiều bất cập. Tỷ lệ bệnh nhân tham gia BHYT là 1.167 người, chiếm tỷ lệ 81% Tỷ lệ bệnh nhân không có thẻ BHYT với các lý do như không biết thủ tục, quyền lợi khi mua thẻ, sợ lộ thông tin, không đủ tiền mua thẻ và không có giấy tờ tùy thân. Bệnh nhân ngoài TP.HCM và những bệnh nhân không có giấy tờ tùy thân cũng gặp nhiều khó khăn khi không đủ kinh phí hoặc không được hỗ trợ cơ chế mua thẻ BHYT.
Vấn đề chuyển BHYT của bệnh nhân đang điều trị về Trung tâm Y tế Quận còn nhiều vướng mắc (do bản thân bệnh nhân, do thủ tục…) và như vậy sẽ trở ngại khi làm thủ tục ký hợp đồng với cơ sở xét nghiệm CD4 và tải lượng virus.
Cũng trong sáng 28/5, Đoàn Kiểm tra Công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tại TP.HCM đã đến Cơ sở Xã hội Nhị Xuân. Đây là nơi tiếp nhận, quản lý, giao dục và chăm sóc sức khỏe cho người nghiện ma túy của Lực lượng Thanh niên Xung phong TP.HCM.
Tính từ 5/12/2014 đến ngày 24/5/2018, đơn vị đã tiếp nhận 19.363 lượt người cai nghiện. Trong đó, học viên không có nơi cư trú ổn định là 14.116 người và học viên tự nguyện là 3.640 người và học viên cắt cơn nghiện cộng đồng là 1.607 người. (Sức khỏe & Đời sống, trang 5)