Chính sách bất hợp lý bóp nghẹt y tế cơ sở
Theo Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, sự bất hợp lý về chính sách đã bóp nghẹt sự phát triển của trạm y tế xã, phường.
Sáng 29/5, là người phát biểu đầu tiên tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nói rằng, đến nay Việt Nam “có thể yên tâm công bố hết COVID-19”, bởi đã hội tụ đủ yếu tố cần thiết. Khi không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A, cần coi COVID-19 là bệnh lý chuyên khoa và xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác. Việc chi trả cũng cần ứng xử như các bệnh lý khác, nghĩa là do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.
Đề cập y tế cơ sở, ông Hiếu, cho rằng, sự bất hợp lý về chính sách đã “bóp nghẹt” sự phát triển của các trạm y tế xã phường. “Không lý gì cùng là một bệnh nếu chữa ở xã chỉ được dùng thuốc hạ áp giá 100 đồng/viên, còn lên tỉnh, huyện lại được cấp viên thuốc đắt tiền hơn. Một đêm trực tiền thù lao chẳng đáng là bao; khám một bệnh nhân được 27.000 đồng mà còn bị trừ ngược, trừ xuôi”, ông Hiếu bày tỏ. Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre, cho rằng, mạng lưới y tế cơ sở hiện nay dù bao phủ rộng khắp, song “chưa đáp ứng được nhu cầu”. Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, hệ thống y tế cơ sở cho thấy sự quá tải, nguyên nhân chủ yếu là thiếu nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất; nhiều trạm y tế thiếu bác sĩ.
Cùng với đó, chính sách tinh giản biên chế khiến nhân lực cho y tế cơ sở không đảm bảo. Trong khi đó, sinh viên mới ra trường không về công tác tại y tế cơ sở, điều kiện để lực lượng tại chỗ đi học để nâng cao trình độ cũng rất khó khăn. “Với tình trạng trên, nếu không sớm có chính sách phù hợp thì 10 - 15 năm nữa, trạm y tế sẽ không có bác sỹ làm việc”, bà Nhi cảnh báo.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, phản ánh, hiện chế độ tiền lương của nhân viên y tế được áp dụng từ năm 2004, còn chế độ phụ cấp tại các nghị định của Chính phủ cũng đã được ban hành hơn 10 năm trước. “Như vậy, đây không phải kết quả đạt được, mà là hạn chế của công tác xây dựng chính sách đối với nhân viên y tế tại tuyến cơ sở”, bà Hà nhận định.
Theo bà, vừa qua, Chính phủ đã ban hành nghị định, áp dụng mức phụ cấp 100% đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn tại tuyến y tế cơ sở, nhưng thời gian áp dụng cũng chỉ đến hết năm 2023, từ năm 2024 thì chưa rõ phụ cấp của nhân viên y tế được điều chỉnh như thế nào. “Tôi đề nghị đưa nội dung ban hành quy định lương và phụ cấp này vào nội dung cần thực hiện về chính sách đối với cán bộ tuyến y tế cơ sở”, bà Hà nói.
Cần thử nghiệm mô hình mới
Đề cập giải pháp để y tế cơ sở không bị teo tóp, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, cần thử nghiệm một mô hình mới, coi các trạm y tế xã, phường là phòng khám của trung tâm y tế quận huyện. “Khi đã vận hành trơn tru, chúng ta sẽ tiến lên một bước nữa - phối hợp giữa bệnh viện tỉnh và các trung tâm y tế quận, huyện. Các bác sỹ giỏi ở tỉnh sẽ về huyện làm việc định kỳ trong tuần, những bệnh nhân sau mổ sẽ được khám lại ở huyện khi hệ thống đã liên thông thực sự”, ông Hiếu nêu.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình), cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ông Huy cũng đề nghị quan tâm đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế chi trả của quỹ bảo hiểm y tế theo hướng tăng chi cho y tế cơ sở. Thực hiện điều động, luân phiên hợp lý bác sĩ, cán bộ y tế để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế
xã. “Chúng tôi cho rằng, mấu chốt vấn đề để giải quyết triệt để bài toán của y tế cơ sở là cần một cơ chế tài chính theo hướng ngân sách nhà nước cấp đủ kinh phí nhằm đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên cho đơn vị y tế cơ sở, chênh lệch giữa thu dịch vụ và chi phí trực tiếp thực hiện dịch vụ được phép giữ lại để sử dụng theo quy định nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nói (Tiền phong, trang 4).
Giải quyết khan hiếm vaccine tiêm chủng mở rộng: Địa phương đăng ký, Bộ Y tế sẽ đặt hàng
Ngày 29-5, trao đổi với báo chí về giải pháp giải quyết tình trạng khan hiếm, thiếu hụt nhiều loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, ông Lê Thành Công, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), cho biết, Bộ Y tế đã có dự thảo tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất một số giải pháp để bảo đảm vaccine trong năm 2023.
Trong đó, đối với vaccine sản xuất trong nước (vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT); vaccine phòng lao (BCG); vaccine uốn ván, bạch hầu, vaccine viêm não Nhật Bản; vaccine viêm gan B; vaccine sởi, sởi - rubella (MRVAC), vaccine bại liệt (bOPV)…), Bộ Y tế đề nghị thực hiện theo hình thức đặt hàng với quy trình các địa phương đăng ký nhu cầu với Bộ Y tế; thực hiện ủy quyền cho Bộ Y tế đặt hàng. Bộ Y tế căn cứ vào số lượng, nhu cầu thông báo cho các cơ sở sản xuất để xây dựng phương án giá đặt hàng tính đủ các yếu tố chi phí. Bộ Y tế tổng hợp phương án giá, gửi Bộ Tài chính để thẩm định, phê duyệt giá đặt hàng. Các địa phương căn cứ vào số lượng đã đăng ký, giá được duyệt, thực hiện ký hợp đồng mua và thanh toán trực tiếp cho đơn vị sản xuất.
Đối với vaccine nhập khẩu, Bộ Y tế đã làm việc với một số tổ chức quốc tế và nhà tài trợ, cam kết sẽ đảm bảo cho nhu cầu vaccine năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024. Đối với vaccine “5 trong 1” (phòng viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib), Bộ Y tế thực hiện đấu thầu tập trung. Các địa phương đăng ký số lượng và đơn vị mua sắm tập trung của Bộ Y tế tiến hành đàm phán giá, ký thỏa thuận khung; các địa phương ký hợp đồng và thanh toán trực tiếp cho nhà cung cấp từ nguồn ngân sách địa phương.
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, do quy trình trên chưa có trong quy định về đặt hàng và giá đặt hàng nên để đáp ứng tính chất cấp bách của tình hình hiện nay, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết cho phép thực hiện cơ chế đặt hàng đặc thù nêu trên. Về lâu dài, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính hoàn thiện các quy định pháp luật về giá và đặt hàng (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Thiếu thuốc, vật tư y tế: Trăn trở việc sợ mua sắm, đấu thầu
Quốc hội dành trọn ngày 29/5 để thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Các đại biểu cho rằng, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, khiến bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc; máy móc, thiết bị hư hỏng cũng không thể sửa chữa.
Chuyện gì xảy ra nếu dịch bệnh quay lại?
Về tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho rằng vẫn xảy ra phổ biến, chưa được giải quyết dứt điểm. Điều này dẫn đến thực tế đau lòng là bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc theo đơn của bác sĩ. Có nơi do vật tư y tế cạn kiệt phải chuyển viện các bệnh nhân phẫu thuật thông thường; máy móc, thiết bị hư hỏng cũng không thể sửa chữa.
“Gần đây, Bộ Y tế ban hành Thông tư 08, nhưng lại không hướng dẫn thủ tục làm hồ sơ như thế nào sau khi bãi bỏ Thông tư 14. Thành thử các cơ sở y tế lại quay về thực hiện theo Nghị định 98, tức là phải có 3 báo giá, nên thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn chưa đến hồi kết”, ông Phước nói.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) đánh giá, trong cơ chế đấu thầu được Quốc hội thảo luận vừa qua cũng chưa thấy điểm nào để gỡ rối. Bà lo ngại, nếu có dịch bệnh tương tự xảy ra sẽ lại “tiếp tục thiếu”. “Dịch bệnh thì thiếu vắc xin, bây giờ bình thường thì các cơ sở y tế điều trị tiếp tục thiếu thuốc, thiếu vắc xin thì biết bao giờ tình trạng này mới khắc phục được?”, bà Lan đặt câu hỏi.
Bà Lan đề nghị báo cáo cần cân bằng giữa “xây” và “chống”. “Tuy nhiên, phần “xây” làm rất chậm và chỉ tập trung phần “chống”, làm tôi liên tưởng đến một bệnh nhân thập tử nhất sinh, như đất nước chúng ta trong cơn đại dịch. Song thay vì bồi bổ để nâng cao thể trạng bệnh nhân thì tập trung từng đoạn, cắt bỏ phần hoại tử rồi cho dùng thuốc nặng, kết quả chắc chắn bệnh nhân sẽ chết”, bà nói. Bà đề nghị việc giám sát phải đi vào thực tế rằng trong tương lai, dịch bệnh có thể quay trở lại, sẽ đối phó tốt hơn, bảo vệ được người dân, bớt người chết. “Cứ e dè, sợ hãi, tự làm khó mình như thế, không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi dịch bệnh quay trở lại, nhất là hiện nay không chỉ có COVID-19 mà còn nguy cơ khác”, bà Lan nói.
Giải trình những vấn đề đại biểu nêu ra, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, để giải quyết căn cơ việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trình Quốc hội sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật Giá. Bộ Y tế đang hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế… Bộ trưởng Y tế nhận định, với các giải pháp tích cực, đến thời điểm này cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh. “Bộ Y tế mong muốn nhận được sự đồng hành để tháo gỡ vấn đề liên quan đến tâm lý sợ mua sắm, sợ đấu thầu bằng những chính sách, giải pháp mang tính chất pháp lý đầy đủ và căn cơ”, bà nói.
Cơ sở y tế liên tục bị doanh nghiệp đòi nợ
Về công tác phòng, chống dịch, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia khống chế thành công đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng có những sai phạm nghiêm trọng. Thậm chí, có những sai phạm xảy ra trong những lĩnh vực hiếm khi có sai phạm như nghiên cứu khoa học, nghiệm thu, chuyển giao công nghệ, với những cú lừa ngoạn mục của Cty Việt Á trong tổ chức cơ sở sản xuất, test kit. “Thật đau đớn, thật đáng lên án và sự trả giá là quá đắt, quá lớn”, ông Trí nói.
Bày tỏ sự đồng tình việc xử lý thật nghiêm khắc những người đã tham ô, tham nhũng trong hoạt động phòng, chống dịch COVID- 19, tuy nhiên, ông Trí cũng đề nghị xem xét “thật có lý, có tình, thật công bằng với những ai có sai sót nhưng không phải vụ lợi mà vì để kịp thời chống dịch vì lợi ích cộng đồng”. “Chúng ta nên chấm dứt sớm việc này để xã hội ổn định, cán bộ vững lòng thực hiện những công vụ mới”, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị. Trong khi đó, đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho rằng, với những việc chưa từng có tiền lệ thì không tránh khỏi thiếu sót. “Nếu chúng ta áp dụng chính sách pháp luật trong thời bình để giải quyết, để đánh giá những quyết định trong “thời chiến” thì thật không công bằng”, ông Phước nói. Ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan tập trung chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở; tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách hướng dẫn giải quyết những tồn tại. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) bày tỏ trăn trở trước những bất cập, lỗ hổng của các quy định pháp luật và những vấn đề tồn tại khác. Theo ông, khi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đi giám sát chuyên đề trên, một bác sĩ kể rằng, trong quá trình phòng, chống dịch, đội ngũ y sĩ, bác sĩ của đơn vị đã cố gắng hết sức mình, động viên nhau, làm mọi cách để có thuốc, ôxy, sinh phẩm để cứu bệnh nhân, vì sinh mệnh con người là quý nhất. Thời điểm đó, xã hội xem họ là những “anh hùng áo trắng”. Tuy nhiên khi hết dịch, nhiệm vụ chiếm nhiều thời gian, tâm trí và công sức nhất của các bác sĩ, nhà quản lý y tế là viết báo cáo giải trình cho cơ quan chức năng…
“Vị bác sĩ này cũng cám ơn Trung ương đã ban hành kịp thời những hướng dẫn xử lý, phân hóa đối tượng nên rất nhiều trường hợp không vướng vào vòng lao lý. Vị bác sĩ nói thêm rằng, nếu chỉ đạo trên có sớm hơn thì hay biết bao nhiêu”, ông Thông kể lại. Ông thông tin thêm về một nỗi lo khác của các cơ sở y tế là làm sao trả nợ cho doanh nghiệp những vật tư y tế, ôxy, thuốc men đã mượn để chữa trị bệnh nhân. “Bây giờ, các doanh nghiệp liên tục đòi nợ nhưng không có cơ sở để hoàn trả”, ông Thông nói (Tiền phong, trang 3; Lao động, trang 2).
TPHCM: Đầu tư hạ tầng, thu hút nhân lực y tế cơ sở
Nâng cao chất lượng hoạt động của tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng đã được ngành y tế TPHCM đặc biệt quan tâm, trong đó củng cố cơ sở hạ tầng là hoạt động ưu tiên.
Bằng ngân sách hàng năm, ngành y tế TPHCM ưu tiên nâng cấp, sửa chữa được 50 trạm y tế (TYT) theo mô hình y học gia đình. Trong năm 2023 sẽ triển khai 146 trạm từ nguồn ngân sách của Chính phủ. Ngoài cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thích hợp cho trạm cũng rất cần thiết. Sở Y tế TPHCM đã thí điểm thành công đưa máy X quang có trí tuệ nhân tạo (AI) về xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) và sẽ tham mưu UBND TPHCM tiếp tục cho thực hiện ở những trạm y tế xa thành phố.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, ngành y tế TP tiếp tục duy trì và phát triển kết nối từ xa giữa các bác sĩ công tác ở TYT với các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện của thành phố để được hội chẩn, tư vấn chuyên môn từ xa. Đồng thời, mở rộng danh mục thuốc cho trạm, các bác sĩ ở trạm ưu tiên hàng đầu là quản lý các bệnh mạn tính không lây nhiễm như: đái tháo đường, tim mạch, phổi mạn tính, ung thư (giai đoạn chăm sóc giảm nhẹ); mở rộng danh mục thuốc khám chữa bệnh BHYT tại TYT, nhất là các thuốc điều trị ngoại trú cho các bệnh không lây nhiễm. Nhìn nhận tuyến y tế cơ sở còn thiếu và yếu về nhiều mặt, để củng cố và nâng chất, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng cho rằng, ngoài việc đầu tư hạ tầng, trang thiết bị y tế hiện đại thì cần có chính sách đãi ngộ phù hợp trong việc thu hút nhân lực, tăng cường bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình về TYT. Hiện y tế cơ sở của TPHCM chỉ có 0,25 bác sĩ đa khoa/10.000 dân, tỷ lệ này là quá thấp. Ngoài ra, cần phát triển rộng khắp mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng bởi đây là lực lượng sẽ theo dõi sát nhất các vấn đề sức khỏe của người dân. Đây chính là lực lượng nòng cốt trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng, cần có chính sách đầu tư đúng mức cho hệ thống y tế cơ sở. Các cơ sở y tế tuyến phường xã, phòng khám tư được hoạt động theo cơ chế bác sĩ gia đình sẽ là nơi khám chữa bệnh ban đầu cho người dân. Đây cũng là nơi để họ có thể tiếp cận dịch vụ y khoa ngay trong khu vực mình sinh sống mà không phải vào bệnh viện. Nếu được tạo thêm cơ chế hỗ trợ trong chuyển bệnh, hỗ trợ chuyên môn, hội chẩn trực tuyến từ xa của tuyến trên thì đây chắc chắn sẽ là tuyến y tế cơ sở hoàn chỉnh (Sài Gòn giải phóng, trang 2).
Mỗi năm, hơn 8 triệu người tử vong do thuốc lá
Ngày 29-5, Bộ Y tế tổ chức hội thảo triển khai Thông tư số 11/2023/TT-BYT ngày 11-5-2023 của Bộ Y tế quy định về việc thực hiện cấm hút thuốc lá và xét tặng Giải thưởng Môi trường không thuốc lá.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nêu rõ, thuốc lá là sản phẩm hợp pháp duy nhất làm chết một nửa số người sử dụng thường xuyên và hút thuốc lá tự động. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu đe dọa sức khỏe người dân ở các nước đang phát triển và gây ra 25 loại bệnh khác nhau. Hiện nay, trên thế giới mỗi ngày có khoảng 21.000 người tử vong và trung bình 4 giây có 1 người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
"Hút thuốc lá là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và đặc biệt là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh không lây nhiễm. Ước tính mỗi năm gây ra 60.000 ca ung thư ở Việt Nam", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Sửa đổi Luật Dược để ban hành cơ chế đặc thù về thuốc hiếm
Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Dược, xây dựng để ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với các thuốc hiếm. Bệnh nhân chỉ biết nằm... chờ thuốc
Các bác sĩ trực tiếp cứu chữa người bệnh chỉ biết thở dài, lắc đầu vì tình trạng này đã nhiều lần xảy ra mà chưa có giải pháp để xử lí. Vấn đề này khiến người bệnh chỉ biết nằm chờ thuốc, thậm chí đã có những trường hợp không thể chờ vì tình trạng quá nặng. Không ít chuyên gia đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, việc tổ chức đấu thầu thuốc được thực hiện ở 3 cấp. Tại cấp Trung ương, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức đấu thầu và đàm phán giá (50 danh mục đấu thầu tập trung quốc gia, 27 danh mục thuốc điều trị HIV/AIDS, 701 thuốc thuộc danh mục đàm phán giá).
Tại địa phương, việc đấu thầu tập trung do đơn vị mua thuốc tập trung cấp địa phương thực hiện (129 danh mục); Các cơ sở y tế tự thực hiện mua sắm các thuốc còn lại. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng nêu rõ, trong thời gian vừa qua, việc cung ứng, mua sắm một số loại thuốc, nhất là thuốc chuyên khoa, thuốc hiếm tại một số cơ sở y tế công lập gặp nhiều khó khăn; ảnh hưởng đến công tác khám, điều trị cho người dân.
Việc cấp phép đăng kí, cấp phép nhập khẩu, kinh doanh dược gặp khó khăn do trình tự, thủ tục gia hạn đăng kí lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được quy định “cứng” trong Luật Dược, trong khi đó, quy định về quản lí dược của nhiều nước đã có thay đổi (đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19).
Số lượng hồ sơ yêu cầu gia hạn ngày càng tăng; nhân lực quản lí và thực hiện việc gia hạn đăng kí lưu hành tại Bộ Y tế còn thiếu, chất lượng hồ sơ do doanh nghiệp nộp chưa cao; mức phí chi trả cho chuyên gia thẩm định thấp trong khi yêu cầu phải có chuyên môn cao, trách nhiệm lớn, rủi ro pháp lí nên chưa khuyến khích chuyên gia tham gia.
Chi phí đầu vào gia tăng dẫn đến tăng giá một số loại thuốc trong khi theo quy định, giá kế hoạch được tham khảo kết quả trúng thầu trước đó (trong vòng 12 tháng) nên có hiện tượng nhà thầu không tham gia đấu thầu, bỏ thầu.
Theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn chỉ lựa chọn 1 nhà thầu trúng thầu đối với mỗi phần của gói thầu đấu thầu tập trung cấp quốc gia dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc nếu nhà thầu bị gián đoạn cung ứng, giảm tính cạnh tranh sau 1-2 lần đấu thầu.
Sẽ có 3 -6 trung tâm thuốc hiếm
Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với lãnh đạo Bộ Y tế và một số địa phương, bệnh viện lớn hồi đầu tháng 2.2023, Bộ Y tế đã kiến nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Dược.
Cho phép xây dựng để ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ một số loại thuốc hiếm, thuốc cần thiết cho điều trị các bệnh hiếm gặp; cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước triển khai sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.
Chia sẻ về kế hoạch dự trữ thuốc hiếm trong thời gian tới, ông Lê Việt Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lí Dược, Bộ Y tế - cho biết: Bộ Y tế đã và đang khẩn trương triển khai việc hình thành các trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung với dự kiến hình thành 3-6 trung tâm trên cả nước.
Số lượng danh mục các thuốc dự trữ khoảng từ 15-20 loại và thuốc giải độc Botulinum là 1 trong các loại thuốc nằm trong danh mục các thuốc này.
Cục Quản lí Dược cũng đang họp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nghiên cứu về cơ chế tồn trữ của WHO, và làm sao để có sự liên thông giữa việc tồn trữ thuốc hiếm, thuốc ít nguồn cung ở Việt Nam cũng như các nước trong khu vực, các kho của WHO.
Cục Quản lí dược đã có những văn bản đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước cần chủ động trong nhu cầu, cũng như dự trù số lượng cần thiết và mua sắm thuốc đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, đặc biệt với các thuốc hiếm (Lao động, trang 2).
Bắt nhịp chuyển đổi số trong khám chữa bệnh
Những năm qua, các đơn vị y tế trên địa bàn TPHCM đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, điều hành và phục vụ người bệnh. Nhiều giải pháp chuyển đổi số được ứng dụng, góp phần cải thiện đáng kể bộ mặt y tế thành phố.
Công nghệ - trợ thủ đắc lực
Mỗi ngày, Bệnh viện (BV) Bình Dân tiếp nhận hơn 2.000 người bệnh đến khám, điều trị ngoại trú và gần 900 người bệnh điều trị nội trú. Nếu như trước đây, điều dưỡng của BV phải viết tay 5 biểu mẫu trên giấy sau khi chăm sóc người bệnh, thì giờ đây BV đã phát triển các nội dung trên 1 biểu mẫu điện tử, giúp rút ngắn thời gian ghi chép. Các thông số như mạch, nhiệt độ, huyết áp của người bệnh được vẽ tự động ngay khi nhập các dữ liệu. Chỉ cần một chiếc máy tính bảng, điều dưỡng có thể truy cập nhanh tất cả các hồ sơ người bệnh, y lệnh điều trị từ các bác sĩ mà không cần mang theo hồ sơ giấy khi chăm sóc người bệnh tại giường bệnh như trước.
Theo ban giám đốc BV Bình Dân, ngay từ đầu năm 2022, BV đã ưu tiên triển khai chuyển đổi số, hướng đến hoàn thiện bệnh án điện tử. Toàn bộ mã nguồn do đội ngũ kỹ sư CNTT của BV thực hiện và hoàn thiện theo yêu cầu thực tế trong hoạt động khám, điều trị. Đến nay, gần như các module trong hồ sơ bệnh án đã được làm xong và hoạt động suôn sẻ, đạt yêu cầu theo quy định về hồ sơ bệnh án điện tử. Bên cạnh đó, BV ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hướng dẫn người dân về các thông tin như lịch khám, chi phí, những điều cần lưu ý khi thăm khám...
Tương tự, BV Thống Nhất đã đưa vào sử dụng thẻ thông minh để phục vụ người bệnh từ năm 2020, mang lại hiệu quả lớn cho cả người bệnh và bác sĩ. Người dân khi đến khám tại BV đều được phát một thẻ khám bệnh thông minh dùng để đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến; lựa chọn bác sĩ, phòng khám theo yêu cầu; thanh toán viện phí và các dịch vụ ngay tại ki ốt được đặt ở các lối đi.
Bác sĩ Nguyễn Thế Hân, Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu, BV Thống Nhất, cho biết, từ khi đưa vào sử dụng thẻ khám bệnh thông minh, người bệnh đã giảm được thời gian chờ đợi. Trong khi đó, nhân viên y tế cũng giảm bớt áp lực công việc. Việc tích hợp thẻ bảo hiểm y tế vào căn cước công dân gắn chip (do ngành y tế TPHCM phối hợp cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện) cũng giúp người dân khi đi khám chữa bệnh không cần mang thẻ bảo hiểm y tế; nhân viên y tế không mất thời gian thao tác, nhập liệu thông tin.
Chỉ cần cú nhấp chuột
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, nếu như trước đây các cơ sở khám chữa bệnh khi có thay đổi thông tin liên quan đến giấy phép hoạt động hoặc thay đổi nhân sự hành nghề thì sẽ phải gửi hồ sơ giấy về sở y tế xem xét, thì giờ đây chỉ cần cập nhật thông tin thay đổi bằng hình thức trực tuyến. Thông tin sẽ được xử lý trong vòng 5 ngày làm việc và sẽ được công khai trên cổng tra cứu của ngành tại địa chỉ https://thongtin.medinet.org.vn.
Việc này nhằm tạo thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện thủ tục đăng ký hành nghề theo đúng quy định của pháp luật; công khai, minh bạch thông tin đến người dân; cơ quan Bảo hiểm xã hội giám sát, rà soát và xác định quá trình hành nghề hợp pháp tại cơ sở khám chữa bệnh trong việc quyết toán bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, Sở Y tế TPHCM cũng tiến hành chuyển đổi số trong công tác thẩm định, phê duyệt danh mục kỹ thuật, giúp rút ngắn nhiều công đoạn, tiết kiệm thời gian đi lại của các chuyên gia, tiết kiệm giấy mực do không phải photocopy ra nhiều bản gửi đến các chuyên gia để thẩm định.
Việc hình thành dữ liệu lớn về danh mục kỹ thuật của các cơ sở khám chữa bệnh là nền tảng quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng giám sát, kiểm tra sự tuân thủ các danh mục kỹ thuật được phê duyệt; đồng thời giúp công khai, minh bạch thông tin để người dân biết, cùng giám sát và kịp thời phản ánh những cơ sở thực hiện các kỹ thuật chưa được phê duyệt. Đến nay, đã có gần 50.000 kỹ thuật của tất cả BV công lập, ngoài công lập thuộc trách nhiệm quản lý của Sở Y tế TPHCM được số hóa và người dân có thể dễ dàng tra cứu trên cổng thông tin điện tử của ngành.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, hiện ngành y tế thành phố đưa ra những khuyến cáo đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số hướng đến xây dựng BV thông minh. “Chuyển đổi số được xem là một trong những hoạt động trọng tâm trong kế hoạch hoạt động hàng năm của BV, do giám đốc BV trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Đồng thời cần phổ biến và quán triệt đến từng viên chức, người lao động trong BV để có nhận thức đúng về ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động chuyển đổi số; ưu tiên phân bổ nguồn lực để tuyển dụng bổ sung nhân lực cho phòng CNTT, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên chuyên trách CNTT được học tập nâng cao trình độ”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh (Sài Gòn giải phóng, trang 4).
Thuốc lá điện tử không hoá đơn, xuất xứ, mua bán công khai
Thuốc lá điện tử hiện nay được bán trôi nổi trên thị trường với đủ các mức giá. Bất kì đối tượng nào, kể cả học sinh, đều có thể tiếp cận và đặt mua trên các nền tảng thương mại điện tử hoặc các cửa hàng. Tất cả đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đây là thực trạng mà các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh hết sức lo lắng.
Không có hoá đơn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Có mặt tại một cửa hàng bán thuốc lá điện tử (Vape) trên phố Hoà Mã (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), không gian nhỏ hẹp, khói thuốc mù mịt bởi việc kiểm tra, thử các loại thuốc của người mua và người bán.
"Cửa hàng có đủ loại, bên em còn có loại dùng một lần, khách cần loại nào bọn em sẽ tư vấn" - nhân viên tại cửa hàng này mời chào khách.
Nhân viên này còn cho biết, cửa hàng mới "tậu" thêm dòng pod mới có tên Box160W, công suất 160W, có nút điều chỉnh và màn hình hiển thị, tích hợp 2 pin liền máy và cổng sạc nhanh.
Ngoài ra khi mua còn được tặng 60ml tinh dầu tùy thích. Giá bán trọn gói 550.000 đồng.
Người bán cho biết, khách hàng trẻ như học sinh, sinh viên thường thích dòng máy này vì vừa túi tiền vừa có thể dùng được nhiều loại tinh dầu khác nhau. Một số dòng rẻ hơn có giá khoảng 100.000 - 300.000 đồng. Các bạn thường thích dùng những loại có công suất lớn (25W - 60W). Điều chỉnh công suất càng lớn càng cho cảm giác "hưng phấn" hơn.
Khi hỏi sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ không, chính những nhân viên bán hàng cũng không thể đưa ra bất kỳ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc, xuất xứ; cũng như không có hoá đơn chứng từ của sản phẩm.
"Mặt hàng này không phải là hàng cấm vì ở Việt Nam không ban hành lệnh cấm về thuốc lá điện tử. Hàng cũng không có nguồn gốc, xuất xứ gì cả, mình nhập bên Trung (Trung Quốc) không có hoá đơn gì đâu" - nhân viên một cửa hàng kinh doanh mặt hàng thuốc lá điện tử ở địa chỉ số 16 Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội thừa nhận.
Nhân viên này tiết lộ, mặt hàng thuốc lá điện tử hiện nay được bán trôi nổi trên thị trường với đủ các mức giá. Bất kỳ đối tượng nào, kể cả học sinh, đều có thể tiếp cận và đặt mua trên các nền tảng thương mại điện tử.
Dù vậy, khi được hỏi, liệu loại thuốc này có gây ảnh hưởng đến học sinh - lứa tuổi đang trong giai đoạn phát triển về tinh thần, thể chất, người này trả lời một cách mơ hồ: "Tuỳ từng cơ địa, nếu hút được thuốc lá truyền thống là hút được thuốc lá điện tử".
Tại cửa hàng Podsyste*** ở ngõ 82 Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa, Hà Nội), rất nhiều mặt hàng thuốc lá điện tử được bày bán công khai, không tem mác, không nhãn hiệu. Nếu muốn mua loại nào, nhân viên sẽ tư vấn. Và cũng như bao cửa hàng khác, nhân viên không thể xuất được hoá đơn theo yêu cầu của khách hàng.
Bán tràn lan trên mạng, muốn mua bao nhiêu cũng có
Chỉ cần gõ cụm từ tìm kiếm "thuốc lá điện tử" trên Google sẽ có khoảng 73,9 triệu kết quả trong 0.5 giây. Các trang mạng xã hội điện tử thuốc lá điện tử cũng được quảng cáo, bán tràn lan. Cùng với đó là phần giới thiệu sản phẩm, ưu đãi cực hời khi chốt đơn và "miễn ship hàng giao tận giường".
Theo ghi nhận của chúng tôi, fanpage "Thuốc lá điện tử giá rẻ" trên mạng xã hội Facebook với hơn 5.000 người thích, vừa đăng clip một nam thanh niên, tóc nhuộm bạc, tay cầm chiếc Pod (thiết bị thuốc lá điện tử) rít một hơi thật mạnh, rồi nhả khói điệu nghệ. Nam thanh niên vừa hút vừa livestream, vô tư quảng cáo về sản phẩm thuốc lá điện tử để chèo kéo khách mua hàng.
Theo nam thanh niên này, khi mua hàng online, người mua chọn sản phẩm và để lại họ tên, số điện thoại và địa chỉ, sản phẩm sẽ được giao tận nơi mà không cần bất cứ một minh chứng nào về lứa tuổi. Ngoài Facebook, các kênh YouTube, TikTok cũng tràn ngập clip giới thiệu thuốc lá điện tử (Lao động, trang 7).