Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 30/6/2017

  • |
T5g.org.vn - Bộ Công an: 3 sai phạm vụ chạy thận ở Hòa Bình; Từ vụ 8 người chết vì sự cố chạy thận nhân tạo: Lỗ hổng về quản lý chất lượng và an toàn người bệnh; Hà Nội: Sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng, chưa được kiểm soát; 15 phút "Can thiệp vàng" cứu bệnh nhân bị đâm thấu tim thoát chết; ...

 

Bộ Công an: 3 sai phạm vụ chạy thận ở Hòa Bình

Cơ quan CSĐT công an tỉnh Hòa Bình họp với các cơ quan chức năng, xác định ba sai phạm nghiêm trọng, cần khởi tố và tiếp tục xử lý những người liên quan.

Liên quan vụ chạy thận ở BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình làm tám người chết, công an đã khởi tố ba bị can, tại cuộc họp thông báo tình hình, kết quả công tác công an 6 tháng đầu năm 2017 sáng 28-6, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến– Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thông tin: Qua quá trình điều tra đã làm rõ, nổi bật có 3 sai phạm và việc khởi tố các bị can là cần thiết.

Theo Trung tướng Tuyến, sau khi xảy ra sự kiện tai biến y khoa, nhận sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục cảnh sát đã cử các đơn vị chức năng gồm Viện khoa học hình sự, văn phòng cơ quan CSĐT cùng Công an Hoà Bình độc lập điều tra. “Chúng tôi đã lấy toàn bộ mẫu phẩm của Bệnh viện về giám định, qua kết luận giám định của Viện Khoa học hính sự thì khẳng định trong nước có độc tố, đây là nguyên nhân chính dẫn hậu quả 8 nạn nhân tử vong”, ông thông tin.

Qua quá trình điều tra, đã làm rõ các cá nhân sai phạm cụ thể sau: Bị can Bùi Mạnh Quốc (31 tuổi, ở Bắc Ninh) – Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh có hành vi vi phạm quy tắc nghề nghiệp khi bảo trì các máy chạy thận nên bị khởi tố về rội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp theo điều 109 của BLHS.

Đối với Trần Văn Sơn (27 tuổi, ở Hoà Bình), là cán bộ phòng vật tư, trang thiết bị y tế của BV Đa khoa HB và người này có có trách nhiệm liên hệ với các công ty sửa chữa thiết bị nhưng thiếu trách nhiệm trong việc nhận bàn giao các máy. Vì vậy công an khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu qủa nghiêm trọng.

Với bác sĩ Hoàng Công Lương (31 tuổi, bác sĩ khoa Hồ sức Cấp cứu của BV) là người chỉ định việc thực hiện điều trị hôm xảy ra sự việc. Người này thiếu kiểm tra đã cho y lệnh nên bị khởi tố theo điều 242 tội vi phạm quy định khám chữa bệnh.

“Đây là tài liệu điều tra ban đầu, trong quá trình điều tra còn làm rõ xem liên quan đến ai nữa, có đủ điều kiện xử lý hình sự hay hành chính sẽ xem xét…. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng nên sẽ làm hết sức khách quan, chúng tôi sẽ sớm thông tin về vụ việc này”, ông nói.

Về đơn kiến nghị của GS, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu kiến nghị xung quanh việc khởi tố, điều tra bắt giam bác sĩ Lương, ông Tuyến cho hay: “Chúng tôi mới nhận thông tin trên mạng chứ chưa chính thức nhận được văn bản kiến nghị”, ông cho biết. (Khoa học & Đời sống trang 2)

 

Từ vụ 8 người chết vì sự cố chạy thận nhân tạo: Lỗ hổng về quản lý chất lượng và an toàn người bệnh

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Quốc hội, Giám đốc Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) nhìn nhận, hệ thống quản lý chất lượng và an toàn người bệnh ở Việt Nam đang có vấn đề, mà cái chết của 8 bệnh nhân cùng 10 người may mắn thoát nạn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình là minh chứng rõ nhất cho một lĩnh vực cực kì quan trọng nhưng lại đang chưa được quan tâm đúng mức.

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: “Rất cần cơ quan chủ quản bình tĩnh rà soát lại văn bản, cách thức quản lý, vận hành các thiết bị vật tư tiêu hao ngành y tế. Cần phải chú trọng đào tạo về kiểm tra an toàn và chất lượng sản phẩm QA/QC, phải coi đây là tiêu chí để cấp phép cho các bệnh viện, phòng khám, các phương pháp điều trị mới được triển khai hoạt động”.

TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, từ vụ việc này cần giám sát năng lực người thực hiện bảo dưỡng các thiết bị y tế. Theo đó, những người bảo dưỡng, bảo trì thiết bị y tế phải có chuyên môn nghiệp vụ. Tiếp đó, họ phải có tư cách pháp nhân, tức là người kỹ sư của bệnh viện hay đơn vị sửa chữa, bảo dưỡng phải biết, phải có chứng chỉ hành nghề.

Quay lại sự cố nghiêm trọng tại Hòa Bình, trong ngày 29/5 xảy ra tai biến đối với 18 bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, phòng Vật tư của bệnh viện đã không tiến hành kiểm nghiệm nước theo quy định, trước khi vận hành lọc máu chu kỳ cho bệnh nhân. Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ lỗ hổng này, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu hơn 10 cơ sở y tế có chạy thận nhân tạo rà soát lại quy trình thực hiện, để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc tương tự. Ông Hiền cho hay: “Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức hội nghị đối với các bệnh viện thực hiện kỹ thuật chạy thận nhân tạo (cả cơ sở công lập và tư nhân); đồng thời yêu cầu Bệnh viện Thận Hà Nội cùng các chuyên gia rà soát, xây dựng quy trình thống nhất trong ngành để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân”.

Việc thiếu hụt quy trình vệ sinh khử khuẩn hệ thống nước RO của máy lọc thận nhân tạo có thể coi là lỗ hổng lớn trong quy trình chạy thận nhân tạo của Bộ Y tế. Điều này lý giải vì sao rất nhiều các bác sĩ làm công tác chạy thận nhân tạo đều xác nhận không được đào tạo, hướng dẫn các thao tác kiểm tra độ an toàn của hệ thống nước RO trước khi đưa vào sử dụng. Việc kiểm tra độ tinh khiết của nước RO sau khử khuẩn hoàn toàn phụ thuộc vào đơn vị bảo trì, bảo dưỡng. Ngay cả việc có biên bản bàn giao của đơn vị này đảm bảo chịu trách nhiệm về chất lượng nguồn nước thì bác sĩ cũng không có cách gì kiểm chứng. (Tiền phong trang 6)

 

Hà Nội: Sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng, chưa được kiểm soát

PGS-TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết chỉ trong tuần từ 19.6 - 25.6, toàn thành phố đã ghi nhận 574 trường hợp. Các đơn vị có số ghi nhận cao trong tuần là Hoàng Mai (129), Đống Đa (127), Hai Bà Trưng (46), Hà Đông (35), Thanh Trì (32), Nam Từ Liêm (32), Thanh Xuân (30).

Như vậy lũy tích từ ngày 1.1.2017 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 2.576 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 1 trường hợp tử vong tại quận Đống Đa vào tháng 5.2017. Theo ông Hạnh, có gần 90% số bệnh nhân đã khỏi, hiện chỉ còn 270 trường hợp đang điều trị tại các bệnh viện. Còn theo BS Trần Thị Kim Oanh - Giám đốc Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân, tính đến ngày 8.6, trên địa bàn quận ghi nhận 86 bệnh nhân SXH, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2016.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, BS Nguyễn Thu Hương - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn - cho biết: “Khoảng 2 tuần trở lại đây, lượng bệnh nhi nhập viện vì SXH tăng đột biến, ngoài ra, tại Khoa Nội của bệnh viện cũng có nhiều bệnh nhân nhập viện vì dịch bệnh này. Hiện tại Khoa Nhi đang có khoảng 20 bệnh nhi điều trị. Đây thường là các bệnh nhân nặng nên phải nhập viện điều trị. Thậm chí, cán bộ nhân viên y tế của bệnh viện cũng mắc SXH”.

PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết, SXH là dịch bệnh lưu hành, “làm quyết liệt thì dịch bệnh sẽ giảm và nếu Hà Nội không vào cuộc thì dịch bệnh sẽ bùng phát khó kiểm soát”. Do vậy cần phải phát hiện sớm ổ dịch để khoanh vùng, xử lý tích cực, triệt để; triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, kiểm tra từng nhà dân; tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức và ý thức phòng chống dịch cũng như hướng dẫn người dân đi bệnh viện khi có các dấu hiệu nghi ngờ. PGS Phu khẳng định: “Bộ Y tế sẽ phối hợp tích cực với Hà Nội trong tập huấn, truyền thông, cung cấp hóa chất để phòng chống dịch. Song để phòng chống dịch thành công cần có sự vào cuộc của chính quyền các địa phương”.

Được biết, TP. Hà Nội đã có kế hoạch thực hiện 3 đợt chiến dịch tổng vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh SXH. Cho đến thời điểm này, chiến dịch đợt 1 đã hoàn thành ở cả 30 quận, huyện, thị xã với 930.183 hộ gia đình được tuyên truyền, kiểm tra và loại trừ ổ bọ gậy, đạt 95,2%; điều tra được 1.331.948 dụng cụ chứa nước, phát hiện và xử lý 87.611 dụng cụ chứa nước có bọ gậy; sử dụng 92.941 con cá, 1.971 lọ Abate, 1.530 gói Mosquiron... để diệt bọ gậy. Các chiến dịch đã huy động 36.092 người, gồm cả lực lượng y tế và các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tham gia. Tuy nhiên, dịch bệnh này vẫn tiếp tục gia tăng mạnh, diễn biến bất thường. (Lao động trang 4)

 

15 phút "Can thiệp vàng" cứu bệnh nhân bị đâm thấu tim thoát chết

Nam bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện (BV) Bình Chánh với 8 vết thương do dao đâm, trong đó 1 vết nghi đụng phải tim, tính mạng bệnh nhân chỉ còn tính bằng giây. 

Thực hiện hồi sức tích cực, truyền dịch cho bệnh nhân, đồng thời ê kíp trong qui trình "báo động đỏ" của BV Bình Chánh đã "A lo" tới BV Chợ Rẫy nhờ phối hợp. Ngay lập tức, qui trình "Can thiệp vàng" được khởi động tại BV Chợ Rẫy.

Theo đó, ca phẫu thuật được thực hiện ngay tại bàn mổ của Khoa cấp cứu, với sự phối hợp với các BS Khoa Ngoại lồng ngực-mạch máu, bệnh nhân đã thoát khỏi cửa tử.

BS Đoàn Tri Hảo, Phó khoa Ngoại lồng ngực-mạch máu của BV Chợ Rẫy, người trực tiếp đứng chính và khâu những mũi khâu xử trí vết tổn thương tim cho bệnh nhân cũng cho biết: "Bệnh nhân được đưa vào viện vào khoảng 22 h ngày 18/6 trong tình trạng mê, thở máy qua nội khí quản. Có tới 8 vết thương trên người bệnh nhân: vết thương khoảng 1-2 cm vùng ngực trái, 1 vết thương khác khoảng 2 cm vùng liên sườn 3, cạnh phải của xương ức, một vết thương 5 cm ở mặt sau của 1/3 giữa cẳng tay trái. Qua siêu âm tim cho thấy có tình trạng tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch màng phổi phải. Chúng tôi đã thực hiện hội chẩn và quyết định phải phẫu thuật mở ngực ngay để tìm tổn thương bên trong tim".

BS Phạm Văn Khiêm- Phó khoa Cấp cứu của BV cũng chia sẻ: "Ê kíp phối hợp giữa nhiều Chuyên khoa đã thực hiện mở ngực khâu vết thương tim. Khi tiến hành rạch da, mở xương ức thấy vết thương cạnh bờ phải xương ức làm gẫy xương, đứt động mạch vú trong. Sau khi tiến hành cột được động mạch vú trong, lại phát hiện khu vực màng tim có khoảng 50 gr máu cục bên trong vùng mỏm tim. Tại đây, có một vết thương vùng mỏm tim khoảng 1 cm. Ê kíp đã thực hiện khâu vết thương mỏm tim. Sau đó, tiếp tục rửa sạch khoang màng tim để ngăn không chảy máu thêm".

Từ việc cứu sống bệnh nhân H.T.S, BS Thanh Việt cũng chỉ ra rằng, với những ca cấp cứu khẩn, điều tiên quyết để cứu sống bệnh nhân, đó chính là việc sơ cấp cứu đúng cách trong khâu đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân, điều này đặc biệt quan trọng trong cấp cứu những bệnh nhân bị TNGT ngay tại  hiện trường. Ở trường hợp bệnh nhân H.T.S. đã được BV Bình Chánh mở nội khí quản, tạo đường thở. Thứ nữa, bệnh nhân đã được truyền dịch ngay. Để tận dụng được giờ vàng cho bệnh nhân, ê kíp trực của BV Bình Chánh biết cơ sở chưa có Chuyên khoa tim nên đã chủ động liên hệ tới BV Chợ Rẫy là nơi có Chuyên khoa Tim mạch; đồng thời, chọn Chợ Rẫy cũng là phương án đúng nhất, để có quãng đường di chuyển bệnh nhân ngắn nhất. Song song đó, điều dưỡng trên xe cấp cứu đã biết giữ liên lạc, trao đổi thông tin liên tục với BS Chợ  Rẫy. Vì vậy, khi tiếp nhận bệnh nhân, Khoa Cấp cứu đã chủ động hoàn toàn, chỉ 10 phút, bệnh nhân đã được nằm trên bàn phẫu thuật.

Được biết, những khâu cuối cùng là thực hiện kiểm tra và dẫn lưu màng tim, trung thất và màng phổi phải, cầm máu và thực hiện đóng xương ức cho bệnh nhân... Hàng loạt thao tác phức tạp của một ca "đại phẫu" đã được thực hiện vô cùng chính xác, nhuần nhuyễn. Thật đáng nể vì được biết, toàn bộ qui trình rất chuyên nghiệp ấy của các BS Chợ Rẫy, từ khi đưa bệnh nhân lên bàn mổ, cho tới khi hoàn tất, chỉ vỏn vẹn: 15 phút.

Được biết, bệnh nhân hiện đã tỉnh táo và sức khoẻ ổn định. Dự kiến ngày 30/6 sẽ được tái khám kiểm tra thêm. (Công an nhân dân trang 1)

 

Tổng hội Y học VN đề nghị cho bác sĩ vụ tai biến chạy thận được tại ngoại

Ngày 29.6, Tổng hội Y học VN đã có văn bản kiến nghị Công an tỉnh Hòa Bình và Viện KSND tỉnh Hòa Bình về việc bác sĩ Hoàng Công Lương (công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) bị bắt tạm giam liên quan đến sự cố y khoa xảy ra khiến 8 bệnh nhân chạy thận tử vong.

Tổng hội Y học VN cho rằng sự cố y khoa tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình là rất nghiêm trọng, việc công an khởi tố vụ án là cần thiết, để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan; đồng thời đề nghị công an tỉnh cho bác sĩ Lương được tại ngoại trong quá trình điều tra. Bác sĩ Lương đã công tác tại bệnh viện này từ 2011, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được các đồng nghiệp và bệnh nhân quý mến. (Thanh niên trang 2)

 

LS Đỗ Thái Hán: "Việc tạm giam đối với Bs.Lương và cán bộ Sơn là không cần thiết"

Liên quan đến vụ việc tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đỗ Thái Hán - Trưởng Văn phòng luật sư DoHa, đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

PV: Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn (Công ty Thiên Sơn), ký hợp đồng với BVĐK tỉnh Hòa Bình để bảo trì bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO tại đơn nguyên Thận nhân tạo - BVĐK Hòa Bình, nhưng đơn vị này lại ký hợp đồng với Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh bảo trì đơn nguyên Thận nhân tạo dẫn đến hậu quả đau lòng vừa qua. Vậy theo luật sư, trách nhiệm ở đây là ai?

Luật sư Đỗ Thái Hán: Để xác định rõ được trách nhiệm của các bên thì cần chờ kết luận điều tra về nguyên nhân của sự việc trên. Tuy nhiên, nếu hậu quả trên xảy ra là do lỗi trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị y tế thì trách nhiệm chính thuộc về Công ty Thiên Sơn. Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh cũng liên đới phải chịu trách nhiệm vì là bên trực tiếp thực hiện các công việc dẫn đến hậu quả trên. Đối với BVĐK tỉnh Hòa Bình cũng buộc phải biết đơn vị nào ký hợp đồng và thực hiện công việc vì ngoài nhân viên đến thực hiện việc bảo dưỡng máy móc thì còn liên quan đến các văn bản như: Biên bản nghiệm thu, bàn giao, hóa đơn chứng từ thanh toán.

PV: Cũng liên quan đến sự cố tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, xin hỏi luật sư việc bắt tạm giam là nhằm ngăn chặn những đối tượng nguy hiểm, có nguy cơ bỏ trốn, tiếp tục gây án, gây nguy hiểm cho xã hội. Trong trường hợp này có cần thiết phải bắt tạm giam BS. Hoàng Công Lương và nhân viên Phòng Vật tư - Thiết bị y tế Trần Văn Sơn hay không?

Luật sư Đỗ Thái Hán: Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 88 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003:

“Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau:

a) Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng;

b) Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội”.

Như các tin đã đưa, nguyên nhân ban đầu được xác định là do nhiễm độc nguồn nước do lỗi của đơn vị bảo dưỡng, sửa chữa máy móc. Do đó trách nhiệm này phải thuộc về đơn vị đã ký hợp đồng với bệnh viện. Sau khi tiếp nhận các thiết bị, máy móc thì các bác sĩ đã vận hành máy móc để khám chữa bệnh, như vậy, nếu Cơ quan điều tra khởi tố BS. Hoàng Công Lương theo Điều 242 Bộ luật Hình sự quy định về “Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” là chưa có cơ sở thuyết phục. Bởi vì quy trình chạy thận nhân tạo theo phương pháp lọc máu vẫn được thực hiện như vậy, không có gì khác so với khi xảy ra sự cố nghiêm trọng trên. Lỗi ở các đơn vị cung cấp máy móc, thiết bị y tế, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc chứ không phải do bác sĩ.

Vì vậy, theo quan điểm của tôi, khi phân tích các dấu hiệu của hành vi phạm tội chưa rõ ràng thì Cơ quan điều tra vẫn có thể điều tra xác minh nhưng việc tạm giam đối với BS. Hoàng Công Lương và cán bộ nhân viên Phòng Vật tư - Thiết bị y tế là không cần thiết. Cơ quan điều tra nên xem xét chỉ cần áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ công tác điều tra là phù hợp.

PV: Xin trân trọng cảm ơn luật sư!

(Sức khỏe & Đời sống trang 3)

 

Gần 200 công nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm

Ngày 29/6, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận thông tin về việc gần 200 công nhân Công ty TNHH T.O.P Ourdoor Vina (huyện Bàu Bàng, Bình Dương) nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm. Hiện Chi cục đang phối hợp với các đơn vị xác minh nguồn gốc thực phẩm tại công ty để làm rõ nguyên nhân… (Sức khỏe & Đời sống trang 2)

 

Thực hiện chiến dịch truyền thông, vệ sinh môi trường phòng, chống sốt xuất huyết

Ngày 29-6, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Thành đoàn Hà Nội tổ chức lễ phát động ra quân và ký kết biên bản phối hợp phòng chống sốt xuất huyết.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận 2.743 trường hợp mắc sốt xuất huyết (gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2016), trong đó có 1 ca tử vong. Số ca mắc gia tăng từ đầu tháng 5 đến nay, tập trung chủ yếu tại các quận nội thành như: Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông.

Cũng theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, thời gian qua, ngành Y tế Thủ đô đã phối hợp với các cấp chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch nhưng tốc độ gia tăng ca mắc mới chưa giảm. Nguyên nhân khách quan do Hà Nội có dân số đông với trên 7,3 triệu người và khoảng 2 triệu người học tập, sinh sống; tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ; tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp. Thêm vào đó, từ đầu năm 2017 đến nay, nền nhiệt độ miền Bắc cao hơn trung bình các năm, đặc biệt từ tháng 4 đến tháng 6, trên địa bàn Hà Nội xảy ra mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sốt xuất huyết sinh trưởng, phát triển.

Về nguyên nhân chủ quan, đến nay chỉ có 2 biện pháp phòng bệnh là diệt muỗi trưởng thành và diệt bọ gậy, nhưng việc triển khai phòng chống dịch chưa thực sự hiệu quả; biệc thu gom phế thải, phế liệu, diệt bọ gậy chưa triệt để; việc phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành chưa hiệu quả do nhiều hộ gia đình đi vắng, hoặc không hợp tác với nhân viên y tế chống dịch (tỷ lệ phun tại một số nơi chỉ đạt hơn 80% hộ gia đình)...

Trước tình hình đó, ngành Y tế Hà Nội tiếp tục đề nghị các đơn vị y tế phối hợp chặt chẽ với cơ sở đoàn các cấp tích cực thực hiện chiến dịch truyền thông, vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. 

Hưởng ứng lễ ra quân, các đại biểu đã cùng cán bộ phụ trách dịch tễ quận Hai Bà Trưng, các cộng tác viên y tế đến một số nhà dân tại phố Cảm Hội, phường Đông Mác hướng dẫn người dân các biện pháp thả cá diệt bọ gậy, lật úp các dụng cụ chứa nước, phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết. (Hà Nội mới trang 1)

 

Đừng để nghèo vì viện phí

Đến thời điểm này đã có khoảng 50 bệnh viện (BV) hạng đặc biệt, chuyên khoa, BV hạng 1 thuộc Hà Nội, TPHCM và một số BV ngành tăng viện phí với bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Có hơn 1.900 dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng giá, với mức tăng trung bình từ 20% - 40%. Song cũng có không ít dịch vụ y tế tăng 2-3 lần. 

Thêm gánh nặng, nhiều nỗi lo

Đã gần trưa nhưng Khoa Khám bệnh của BV Bạch Mai còn khá đông người bệnh chờ đợi. Mất khá nhiều thời gian để được khám bệnh và chụp phim, bà Lê Thị Lưu (ở Ninh Bình) mệt mỏi nói: “Lo lắm, chỉ sợ không có tiền chữa bệnh thôi, vì tôi chỉ buôn bán lặt vặt nên chẳng có thẻ BHYT. Tôi bị tắc nghẽn mạch vành phải lên đây chữa bệnh, tốn kém mấy chục triệu đồng rồi nhưng chưa khỏi hẳn, phải điều trị thêm thời gian nữa, mà bây giờ viện phí lại tăng tiếp thì quả rất khó khăn với gia đình tôi”. 

Gặp chị Nguyễn Thị Kim Hương, mẹ cháu V.H.M. (13 tuổi, quê An Giang) bị bệnh khối u não, nhập viện BV Nhi đồng 1 TPHCM đã 40 ngày, chị không cầm được nước mắt chia sẻ, cháu M. đã qua 2 lần mổ, chi phí từ 35 - 40 triệu đồng/ca mổ. Đến nay, tuy bệnh não đã ổn định nhưng cháu vẫn phải ở lại BV để tiếp tục điều trị bệnh tim, vì bác sĩ phát hiện cháu bị hở van 2 lá, nếu không mổ sẽ ảnh hưởng đến tính mạng về sau. “Con tôi không có BHYT, thật không biết tính sao. Tôi chỉ biết xuống nhờ cậy Phòng Công tác xã hội của BV nhờ giúp đỡ. Con tôi đã nghỉ học rồi, còn tôi thì ai mướn gì làm nấy, nay đây mai đó”, chị Hương nói trong nước mắt. Và còn rất nhiều những chia sẻ của những bệnh nhân không có BHYT đang phải chạy vạy hàng ngày để lo tiền chữa bệnh khi viện phí tăng cao. 

Theo ghi nhận của phóng viên tại nhiều BV lớn ở Hà Nội và TPHCM sau khi viện phí tăng đối với người không có thẻ BHYT, mọi hoạt động khám chữa bệnh vẫn diễn ra bình thường. Hầu hết các BV đều không gặp vướng mắc, khó khăn trong quá trình áp dụng giá viện phí mới, lượng người bệnh cũng không thay đổi, hay sụt giảm. Tuy nhiên, giá viện phí tăng cao lại đang là nỗi lo lắng và băn khoăn rất lớn của nhiều người bệnh không có “bùa hộ mệnh” - thẻ BHYT. Đặc biệt, với nhiều người không có BHYT, viện phí tăng không chỉ là thêm gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh, thuốc men khi đau ốm, mà rất nhiều người còn bày tỏ sự băn khoăn trước việc chất lượng dịch vụ y tế, khám chữa bệnh chưa được cải thiện tương xứng với đồng tiền mà người bệnh phải chi trả thêm. 

Để vơi đi gánh nặng

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), mặc dù Thông tư số 02/2017 (quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước) đã có hiệu lực từ ngày 1-6-2017, nhưng không phải tất cả BV trên toàn quốc đều đồng loạt tăng giá viện phí với người chưa có BHYT. Tính đến thời điểm này mới có khoảng 50 BV hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc Bộ Y tế và thuộc các bộ ngành chính thức tăng viện phí đối với người chưa có BHYT. Để hạn chế tác động của việc tăng viện phí tới đời sống, kinh tế - xã hội và thực hiện theo lộ trình, có 30 tỉnh, thành sẽ thực hiện điều chỉnh viện phí vào tháng 8-2017, 15 tỉnh thực hiện vào tháng 10-2017 và 18 tỉnh thực hiện vào tháng 12-2017. Trong đó, Hà Nội sẽ thực hiện trong tháng 8 tới và TPHCM vào tháng 10- 2017. 

Liên quan tới mức tăng viện phí đối với người chưa có BHYT, ông Liên cho biết Thông tư 02 cho phép tăng giá 1.916 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT. Do giá viện phí mới được kết cấu thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế, đồng thời điều chỉnh chi phí một số yếu tố trực tiếp cấu thành (chi phí thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, điện, nước, nhiên liệu, bảo dưỡng thiết bị...), nên nhiều dịch vụ y tế đối với người không có BHYT có mức tăng giá 2 - 3 lần. Trong đó, hai nhóm dịch vụ khám bệnh và ngày giường điều trị đều có mức tăng giá rất mạnh. Cụ thể, tiền khám bệnh đã tăng gấp 3 lần: BV hạng đặc biệt, hạng 1 là 39.000 đồng/lượt; hạng 2 là 35.000 đồng/lượt. Giá ngày giường cũng tăng tối đa lên tới 362.800 đồng/ngày đối với giường hồi sức cấp cứu, chống độc ở BV hạng đặc biệt, hạng 1. Đó là chưa kể đến các xét nghiệm chiếu chụp lên tới hàng triệu đồng, như chụp Xquang động mạch vành hoặc thông tim, chụp buồng tim tăng từ 5,1 triệu đồng lên gần 5,8 triệu đồng; chụp và can thiệp tim mạch dưới DSA từ 6 triệu lên gần 6,7 triệu đồng; thậm chí chụp PET/CT lên tới 20 triệu đồng. Do vậy, những bệnh nhân sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, hay bị bệnh hiểm nghèo phải điều trị lâu dài, có nguy cơ nghèo hóa vì không có BHYT, phải tiêu tốn nhiều tiền.

Theo nhiều chuyên gia y tế, trước việc viện phí đã tăng, mỗi người đều nên có thẻ BHYT để giảm thiểu nguy cơ nghèo hóa, hoặc rơi vào tình huống chi trả chi phí y tế ở mức thảm họa. Mặt khác, để khuyến khích người dân tham gia BHYT nhiều hơn, ngành y tế cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thái độ phục vụ để người dân thực sự cảm thấy yên tâm. (Sài Gòn giải phóng trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang