Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 30/6/2023

  • |
T5g.org.vn - Chuyện chưa kể về bảo quản vắc xin; Quản lý cơ sở thẩm mỹ: Rất cần sự chung tay của cơ quan chức năng; Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn: Dự kiến sẽ điều chỉnh 5 nhóm chính sách lớn về BHYT…

 

Số ca mắc tay chân miệng, sốt xuất huyết tăng nhanh

Ngày 29-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, trong tuần qua, số ca mắc tay chân miệng và sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng nhanh.

Cụ thể, tuần qua, TPHCM ghi nhận 779 ca mắc tay chân miệng, tăng gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước (360 ca); trong đó, số ca nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú đều tăng lần lượt là 1,8 lần và 2,8 lần. Số ca mắc tích lũy từ đầu năm đến nay là 3.736 ca, thấp hơn 47,7% so với cùng kỳ năm 2022 (7.144 ca).

Tuần qua, TPHCM cũng ghi nhận 197 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 18% so với trung bình 4 tuần trước; trong đó, số ca nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú đều tăng lần lượt là 11,4 % và 24,6%. Số ca mắc tích lũy từ đầu năm đến nay là 8.298 ca, thấp hơn 53,2% so cùng kỳ năm 2022 (17.733 ca), không ghi nhận trường hợp tử vong. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Quản lý cơ sở thẩm mỹ: Rất cần sự chung tay của cơ quan chức năng

Báo SGGP ngày 29-6 đăng tải bài “Bát nháo cơ sở không phép”, phản ánh thực trạng nhiều vụ tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở không phép trên địa bàn TPHCM.

Trả lời phỏng vấn PV Báo SGGP, bác sĩ Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, nhìn nhận, để quản lý có hiệu quả cơ sở thẩm mỹ nói chung rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, nhiều cơ sở làm đẹp khi xảy ra sự cố tai biến mới bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện không phép. Sao lại có thực trạng này?

Bác sĩ HỒ VĂN HÂN: Hoạt động thanh tra, kiểm tra của Sở Y tế thời gian qua cho thấy, nhiều cơ sở, cá nhân cố ý tổ chức hoạt động khám chữa bệnh khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động theo quy định.

Một số cơ sở đăng ký kinh doanh với các loại hình dịch vụ thẩm mỹ (phun, xăm, thêu trên da), cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu… nhưng đã quảng cáo và có thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, hay các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người như phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác hay xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc tê dạng tiêm… xảy ra trên nhiều địa bàn thành phố.

Có cơ sở đã trá hình phòng khám, bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở đào tạo nghề để đào tạo lén lút, thực hiện các dịch vụ liên quan thẩm mỹ. Hoạt động trá hình rất tinh vi dưới hình thức cơ sở spa, chăm sóc da hoặc hoạt động trong các căn hộ chung cư không có biển hiệu, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, như: đặt lịch hẹn qua điện thoại, tiếp nhận và thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ tại các khách sạn trên địa bàn, tiềm ẩn nguy cơ gây nên nhiều tai biến nghiêm trọng ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng của người dân.

Sở Y tế TPHCM đã và đang làm gì để kịp thời phát hiện, xử lý triệt để những cơ sở hoạt động “chui” này?

Thời gian qua, Sở Y tế thường xuyên phối hợp với Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) và Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) Công an TPHCM kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều cơ sở, cá nhân cung cấp dịch vụ kỹ thuật thẩm mỹ không phép. Lãnh đạo sở cũng vừa thực hiện đối thoại, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo UBND các quận huyện có số lượng phòng khám tập trung đông (quận 1, quận 3, quận 10) để chỉ đạo phòng y tế, phòng chức năng đẩy mạnh kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các cơ sở, cá nhân hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng không chấp hành quyết định xử phạt. Định kỳ, Sở Y tế, Phòng Y tế quận huyện và TP Thủ Đức thực hiện sơ kết, tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định trong lĩnh vực khám chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế trên địa bàn. Từ đó, đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm trong quá trình kiểm tra nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế.

Người dân làm thế nào để biết cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ đã được cấp phép hay chưa, thưa ông?

Người dân có thể tra cứu vào website của Sở Y tế TPHCM (https://thongtin.medinet.org.vn/) để biết thông tin của các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đã được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động. Để sử dụng dịch vụ làm đẹp an toàn, người dân cần lưu ý lựa chọn những cơ sở đã được cấp phép và kiểm tra thông tin về danh mục kỹ thuật (tức các dịch vụ mà bệnh viện, phòng khám được phép thực hiện) trên cổng tra cứu thông tin. Không tiếp tay cho những cơ sở không phép, những người hành nghề không tuân thủ quy định pháp luật, núp bóng, trục lợi, lừa đảo (chẳng hạn đồng ý vào khách sạn hay các căn hộ để thực hiện dịch vụ thẩm mỹ); không lựa chọn cơ sở làm đẹp mà chỉ dựa vào tên gọi trên bảng hiệu như “thẩm mỹ viện”, “viện thẩm mỹ”...

Khi tiếp cận các thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, không nên vội vàng tin ngay mà cần có sự kiểm chứng thông tin cẩn thận thông qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là cổng tra cứu thông tin của sở, để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra gây nguy hiểm đến tính mạng. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở làm đẹp trái phép hoặc có dấu hiệu vi phạm, người dân có thể gọi ngay đường dây nóng qua số 0989.401.155, hoặc tải app Y tế trực tuyến cung cấp thông tin để Thanh tra Sở Y tế kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định.

Ngày 29-6, Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, vừa có quyết định xử phạt Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Đinh Tiên Hoàng (34-36 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1) 4,7 triệu đồng; bà Trần Thị Lý (chủ Cơ sở thẩm mỹ Lý Ngân, số 29D đường Bùi Tư Toàn, phường An Lạc, quận Bình Tân) 45 triệu đồng; Công ty TNHH Healthcare Plus VietNam (Phòng khám Nội tổng hợp, số 169/7-169/9 đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Tân Phong, quận 7) 53 triệu đồng; Công ty TNHH MTV Bệnh viện thẩm mỹ Bác sĩ Lê Văn Sẽ (283/4-6 Cách Mạng Tháng Tám, phường 12, quận 10) 12 triệu đồng; Công ty TNHH Bệnh viện Ngoại khoa Sante (Bệnh viện chuyên khoa, số 11A Đinh Bộ Lĩnh, phường 24, quận Bình Thạnh) 12 triệu đồng. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn: Dự kiến sẽ điều chỉnh 5 nhóm chính sách lớn về BHYT

Theo thống kê số người tham gia BHYT ngày càng gia tăng. Đã có có 91,067 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ 91,1% dân số, vượt chỉ tiêu được giao của Quốc hội và Chính phủ. Chất lượng khám chữa bệnh BHYT ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, nhiều thuốc mới...

Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách an sinh xã hội quan trọng của Đảng và nhà nước ta, là cơ chế tài chính công trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vì mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Chính sách BHYT của nước ta phát triển qua nhiều giai đoạn với sự ra đời của Nghị định số 299/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 15/08/1992 ban hành Điều lệ BHYT. Năm 1998 là Nghị định số 58/1998/NĐ-CP, và năm 2005 là Nghị định số 63/2005/NĐ-CP. Sự thay đổi chính sách BHYT quan trọng nhất là việc Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014. Luật BHYT là căn cứ pháp lý cao nhất trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHYT.

Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết những thông tin trên tại hội thảo tham vấn ý kiến về Dự án Luật BHYT sửa đổi do Bộ Y tế và Hội Kinh tế y tế Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 28/6.

80% trạm y tế xã tổ chức khám chữa bệnh BHYT

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, trong những năm qua, số người tham gia BHYT ngày càng gia tăng. Tính đến tháng 12/2022, toàn quốc có trên 91,067 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ 91,1% dân số, vượt chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016, vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013.

Bên cạnh đó, khám chữa bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở ngày một tăng, đến nay đã đạt hơn 70% lượt khám chữa bệnh BHYT tại tuyến huyện và xã, 80% trạm y tế xã tổ chức khám chữa bệnh BHYT, Quỹ BHYT chi trả 100% tại tuyến xã.

Chất lượng khám chữa bệnh BHYT ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, nhiều thuốc mới, hiệu quả cao, giúp nhiều người vượt qua ốm đau và các căn bệnh hiểm nghèo. Quỹ BHYT đang trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh. Chính sách BHYT đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT.

Một số vấn đề trọng tâm trong chính sách BHYT liên tục được nghiên cứu, đánh giá và có các giải pháp phù hợp như: phát triển đối tượng tham gia BHYT; quyền lợi của người tham gia BHYT; tổ chức khám chữa bệnh; phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh; quản lý và sử dụng quỹ BHYT và các vấn đề liên quan đến tổ chức và quản lý nhà nước về BHYT.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng nêu rõ, quá trình thực hiện Luật BHYT vẫn còn một số tồn tại, bất cập do nội tại các quy định của văn bản Luật và những yếu tố mới phát sinh, các đòi hỏi của thực tiễn và nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh BHYT của người dân ngày càng tăng, đa dạng hơn nhưng chưa có quy định pháp lý đầy đủ để giải quyết; một số văn bản quy định, hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Việc tổ chức thực hiện Luật trên nhiều phương diện còn có một số hạn chế về năng lực, điều kiện cơ sở vật chất, công tác quản lý trong khi nhu cầu về chăm sóc sức khỏe ngày một cao và sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật y, dược, công nghệ thông tin,… Một số vấn đề về cơ chế tài chính trong đó có quy định về BHYT chưa tạo động lực, chưa có cơ chế đặc thù cho sự phát triển của y tế cơ sở, chưa cụ thể, rõ ràng trong quy trình thanh quyết toán cũng như giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT cũng gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho cơ sở khám chữa bệnh...

Việc xây dựng Luật BHYT sửa đổi là cần thiết và quan trọng

Nhấn mạnh Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đặt ra mục tiêu về bao phủ BHYT đến năm 2025 là 95% dân số, tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35% với các giải pháp trọng tâm về đổi mới cơ chế tài chính, tăng cường liên kết, hợp tác giữa BHYT xã hội với BHYT thương mại, nâng cao chất lượng giám định BHYT bảo đảm khách quan, minh bạch, thực hiện các giải pháp đồng bộ chống lạm dụng, trục lợi, bảo đảm cân đối quỹ BHYT và quyền lợi của người tham gia BHYT cơ sở y tế, thứ trưởng Trần Văn Thuấn nêu rõ: Nhằm đặt được những mục tiêu và thực hiện các giải pháp mà Nghị quyết 20-NQ/TW đã nêu và giải quyết các khó khăn vướng mắc về BHYT hiện nay, cũng như bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các Luật mới được ban hành trong thời gian qua, việc xây dựng Luật BHYT sửa đổi là cần thiết và quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo xây dựng dự án Luật BHYT sửa đổi, thông qua đánh giá, tổng kết thực tiễn, tổng hợp và luận giải các vấn đề vướng mắc, xem xét kinh nghiệm trên thế giới về BHYT, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân xét trên cả 3 phương diện về tỷ lệ dân số tham gia BHYT, phạm vi dịch vụ được hưởng và mức độ bảo vệ tài chính của người sử dụng dịch vụ y tế.

Bên cạnh đó, Luật BHYT được xây dựng trong giai đoạn các văn bản Luật liên quan khác mới được ban hành hoặc đang được sửa đổi như Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật BHXH, Luật kinh doanh bảo hiểm, Bộ Luật hình sự, Luật Lao động, Luật căn cước công dân… Vì vậy, việc xây dựng cần bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 14: “Dự kiến điều trỉnh 5 nhóm chính sách lớn về BHYT”.

 

Chuyện chưa kể về bảo quản vắc xin

Sáng 29-6, báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC tổ chức tọa đàm và giao lưu trực tuyến "Bảo quản vắc xin an toàn - Bạn biết gì về vắc xin?".

Đã có 6 ca tay chân miệng tử vong

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP (TP.HCM), so với cùng kỳ năm trước, số ca mắc bệnh tay chân miệng chỉ nhỉnh hơn nhưng số ca nặng thì tăng lên nhiều, trước đây chỉ có 1% số ca nặng thì nay đã tăng lên 3-5%.

"Những ca nặng này diễn tiến nhanh và đã có những trường hợp phải thở máy, lọc máu. Nếu không có động thái giúp thở, lọc máu, những em bé mắc bệnh này nặng sẽ tử vong. Theo số liệu từ Viện Pasteur TP.HCM, đến nay tại phía Nam đã có 6 trẻ em mắc bệnh tay chân miệng tử vong" - bác sĩ Tiến nói.

Bên cạnh nỗi lo về các ca tay chân miệng nặng, những ngày gần đây số trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết lại đang rộ lên. Nếu không có kế hoạch cảnh báo những dấu hiệu nặng của bệnh sốt xuất huyết, đưa bệnh nhân đi điều trị, bác sĩ Tiến lo sẽ "thất thủ" sớm.

Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết cùng tăng tại TP.HCM trong thời gian gần đây, ThS.BS Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - cho hay công tác phòng chống những bệnh này trong cộng đồng luôn duy trì thường xuyên và liên tục, đặc biệt trong những đợt cao điểm của bệnh.

Bà Nga cũng khẳng định hiệu quả của vắc xin rất lớn trong phòng bệnh và giảm mức độ nặng nếu không may mắc bệnh. Bà Nga luôn ủng hộ có được vắc xin mới phòng bệnh truyền nhiễm được Bộ Y tế cấp phép, đồng thời tăng cường, giám sát công tác tiêm chủng trong các chương trình tiêm chủng, đảm bảo an toàn.

Theo PGS.TS Phạm Quang Thái, phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, có nhiều tác nhân gây bệnh tay chân miệng. Hiện trên thế giới có vắc xin thương mại phòng tác nhân EV71 gây bệnh tay chân miệng nặng.

Ông Thái hy vọng VNVC sớm có những vắc xin này vì hiện VNVC là đơn vị hàng đầu cung cấp vắc xin dịch vụ cho người dân. Còn trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì không thể đầu tư (cho nghiên cứu sản xuất vắc xin - PV), vì rất khó để đạt chất lượng tốt.

Bà Vũ Thị Thu Hà - giám đốc cung ứng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC - bày tỏ nếu không có vắc xin sẽ rất thiệt thòi cho người dân. Hiện nay trên thế giới có rất nhiều loại vắc xin mà Việt Nam chưa có.

Một trong những khó khăn chung trên toàn cầu là các hãng vắc xin có mức độ ưu tiên cho các quốc gia khác nhau. Thật may mắn khi Việt Nam được coi là quốc gia ưu tiên trên bản đồ vắc xin.

Đại diện của VNVC chia sẻ kỳ vọng với những năng lực toàn diện cùng kinh nghiệm bảo quản và là đối tác chiến lược của nhiều hãng vắc xin lớn trên thế giới, VNVC sẵn sàng hợp tác với các nhà sản xuất khi đưa các loại vắc xin phòng bệnh tay chân miệng và vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết về phục vụ người dân Việt Nam.

Ngoài ra, VNVC sẽ cố gắng tiếp cận và đưa về các loại vắc xin cần thiết cho người dân để phòng các bệnh như zona thần kinh, viêm gan B thế hệ mới, các vắc xin khác phòng bệnh hô hấp nguy hiểm cho trẻ em, người lớn, phụ nữ mang thai...

"Một trong những sứ mệnh, quyết tâm của VNVC là có thể mang về nhiều và đầy đủ nhất các loại vắc xin tương đương với các nước trên thế giới về cho người dân Việt Nam.

Đồng thời cố gắng nhanh chóng phát triển hệ thống trung tâm tiêm chủng an toàn, chất lượng với chi phí hợp lý và có thêm nhiều giải pháp hỗ trợ tài chính để nhiều trẻ em và người lớn trên toàn quốc sẽ có cơ hội tiếp cận với đầy đủ các vắc xin cần thiết", bà Thu Hà chia sẻ.

Làm sao bảo quản vắc xin an toàn, hiệu quả?

Trước câu hỏi này cùng với thực tiễn của một đơn vị như VNVC đang có 114 trung tâm tiêm chủng tại 47 tỉnh thành trên khắp cả nước, bà Ngô Thị Tuyết Sương - giám đốc chất lượng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC - cho biết vắc xin là một chế phẩm sinh học đòi hỏi điều kiện bảo quản nghiêm ngặt 2-8 độ C, ở tất cả các khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản và sử dụng.

"Tại VNVC, vắc xin được bảo quản trong hệ thống hàng trăm kho lạnh đạt chuẩn quốc tế Good Storage Practices (GSP) cùng hệ thống dây chuyền bảo quản lạnh khép kín. Mỗi kho lạnh luôn có tối thiểu hai dàn lạnh và hoạt động luân phiên.

Việc bố trí hai dàn lạnh là để dự phòng khi một trong hai dàn lạnh gặp sự cố. Mỗi kho lạnh được bố trí tối thiểu từ hai nguồn điện, gồm điện lưới quốc gia và máy phát điện công suất lớn.

Ngoài ra, VNVC còn có phương án điều động máy phát điện di động sẵn sàng có mặt trong một giờ và huy động các kho lạnh di động từ những trung tâm lân cận khi hai nguồn điện trên bị mất hoặc trong những tình huống đặc biệt nghiêm trọng dù các tình huống này chưa từng xảy ra" - bà Sương cho biết.

Khi có sự cố về nguồn điện, máy phát điện dự phòng sẽ tự động vận hành đảm bảo duy trì nhiệt độ ổn định từ 2-8 độ C.

Kho lạnh có hệ thống giám sát nhiệt độ tự động tại chỗ 24/24 giờ và cảnh báo tại chỗ bằng tín hiệu còi và đèn, đồng thời cảnh báo từ xa qua tin nhắn SMS, email đến những người có trách nhiệm như thủ kho, quản lý kho, quản lý chất lượng và bảo trì... nếu nhiệt độ ở ngưỡng nguy hiểm.

Bà Tuyết Sương cũng nói thêm về quá trình vận chuyển vắc xin đến điểm tiêm ra sao để đảm bảo độ an toàn.

Cụ thể khi vắc xin được đưa đến địa điểm tiêm chủng, VNVC sẽ dùng hệ thống xe lạnh chuyên dụng được xem là "kho lạnh di động" để duy trì nhiệt độ lý tưởng, trong suốt quá trình vận chuyển nhiệt kế luôn đặt ở chế độ 1 phút sẽ lưu lại nhiệt độ 1 lần, các vị trí trong lòng xe lạnh cũng được kiểm định chất lượng thường xuyên.

Hệ thống xe lạnh chuyên dụng là sáng kiến tiên phong của VNVC tại Việt Nam.

"Ngoài những cơ quan chuyên môn am hiểu thẩm định và giám sát về hệ thống này, khách hàng luôn được cung cấp thông tin đầy đủ về quy trình bảo quản chất lượng vắc xin.

VNVC thường xuyên tổ chức các đoàn tham quan, thẩm định kho lạnh vắc xin để giới thiệu và nhiều người được "mắt thấy" về hệ thống kho bảo quản và dây chuyền bảo quản vắc xin cao cấp, an toàn, hiện đại và quy mô hàng đầu Việt Nam" - bà Sương chia sẻ thêm. (Tuổi trẻ, trang 13).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang