Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 30/8/2016

  • |
T5g.org.vn - Cứu sống một bệnh nhi bị rắn độc cắn; Bệnh nhân "ngáo đá", nhiễm HIV… rượt đuổi bác sĩ; Nhiều vụ ngộ độc từ “đặc sản” côn trùng, ấu trùng lạ; Không để thực phẩm bẩn, độc hại có đất sống...

Cứu sống một bệnh nhi bị rắn độc cắn

Ngày 29-8, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng cho biết vừa cứu sống em Hồ Thị Lý (SN 2002, người dân tộc Kor, trú xã Trà Phong, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) bị rắn cực độc cắn. Hiện, sức khỏe của em Lý đã phục hồi và dự kiến sẽ xuất viện vài ngày tới.

Trước đó, ngày 9-8, em Lý đang đi làm ngoài đồng thì bị rắn chàm quạp (đây là loại rắn độc rất nguy hiểm) cắn vào chân trái. Ngay sau đó, em Lý được sơ cứu tại chỗ và chuyển đến Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Tuy nhiên, trước tình trạng rối loạn đông máu nặng nên Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi đã chuyển bệnh nhân ra Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng.

Tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, bệnh nhân được các bác sĩ thăm khám; diễn biến đi tiểu ra máu, sưng từ chân lên ngực, có nguy cơ chèn ép khoang và hoại chi. Tình trạng bệnh nhân lúc này rất nguy kịch, cần dùng huyết thanh kháng nọc rắn. Do loại huyết thanh này rất hiếm, Bệnh viện lại không có nên các bác sĩ đã nhanh chóng liên hệ các bệnh viện trên cả nước và được Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ huyết thanh kháng nọc rắn.

Để kịp thời cứu sống bệnh nhi, trong khi chờ huyết thanh kháng nọc rắn, các bác sĩ đã phải truyền nhiều máu và chế phẩm máu. Sau ba lần truyền huyết thanh kháng nọc rắn, tình trạng rối loạn đông máu và hoại chi của bệnh nhân được cải thiện, sức khỏe bệnh nhi dần hồi phục.

Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng khuyến cáo, rắn chàm quạp là loại rắn độc rất nguy hiểm, thường gây tai nạn cho con người với tỷ lệ tử vong cao. Vì vậy, với những trường hợp bị rắn cắn, cần sơ cứu vết thương và đến bệnh viện kịp thời để ngăn ngừa biến chứng xảy ra ảnh hưởng đến tính mạng. (*Tuổi trẻ,  Nhân dân (trang 5))

Bệnh nhân "ngáo đá", nhiễm HIV… rượt đuổi bác sĩ

Một bệnh nhân nhiễm HIV, lên cơn “ngáo đá” tự cắt tay chảy máu, phải vào viện cấp cứu. Khi vào tới bệnh viện các bác sĩ (BS) đang chuẩn bị cấp cứu thì bệnh nhân hoảng loạn giật kéo, rượt bác sĩ chạy tán loạn trong bệnh viện. 

Ngày 29-8, BS Ngô Cúc Hương, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện ĐK TP Cần Thơ cho biết, lúc 21h, ngày 28-8, các BS trực cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân V.T.T.  (43 tuổi, ngụ huyện Thới Lai, TP Cần Thơ), được chuyển từ Bệnh viện ĐK Thới Lai đến trong tình trạng tiền căn “ngáo đá”, đứt động mạch do dùng dao cắt cổ tay tự tử.

Trong lúc các BS chuẩn bị sơ cứu cho bệnh nhân, thì bệnh nhân nhảy xuống giường, giật lấy kéo, đe dọa bác sĩ, ruột 6 BS chạy tán loạn. Vụ việc xảy ra, khiến các cán bộ y tế và bệnh nhân xung quanh vô cùng hoảng loạn.

Khoảng 15 phút sau, các BS của bệnh viện gọi điện thoại nhờ hỗ trợ của lực lượng CS113 đến khống chế bệnh nhân, các BS mới cố định và xử lý vết thương cho bệnh nhân.

Một bác sĩ tham gia ê kíp cấp cứu đêm 28-8, cho biết: “Khi mọi người đang chìm vào giấc ngủ thì tua trực hôm qua phải chạy tán loạn dưới sự truy đuổi của bệnh nhân. Tôi thực sự cảm thấy nguy hiểm, nếu như các BS bị bệnh nhân đâm trúng thì như thế nào. Khi khâu cho bệnh nhân mà tôi vẫn run run.

Theo BS Ngô Cúc Hương, đến sáng nay bệnh nhân vẫn còn kích động, tuy nhiên người nhà đề nghị BS cho bệnh nhân về vì vết thương đã được cầm máu, nên chúng tôi đã cho bệnh nhân xuất viện... (* Công an Nhân dân (trang 5) )

Cùng chủ đề Báo Thanh niên trang 2: “Bệnh nhân rượt đánh nhân viên y tế tại khoa cấp cứu”; Báo Nông thôn Ngày nay trang 5: “Bệnh nhân HIV cầm kéo đuổi bác sĩ chạy vòng quanh bệnh viện”

Nhiều vụ ngộ độc từ “đặc sản” côn trùng, ấu trùng lạ

Ngày 21-8, đã xảy ra một vụ ngộ độc tại xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai do ăn con sâu Ban miêu, khiến 2 người mắc và 1 người tử vong.

Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong thời gian gần đây do ăn các loại côn trùng, ấu trùng. Trong đó có vụ ngộ độc do ăn bọ xít rang ở tại xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La khiến cho 5 người mắc, 3 người phải nhập viện điều trị; vụ ngộ độc do ăn bọ xít lửa tại xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình làm 12 người mắc và 7 người nhập viện điều trị vv…

Trước đó, cũng đã có 2 trường hợp tử vong do ăn bọ rầy rán ở xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam và một người phải cấp cứu ở bệnh viện. Được biết, sau khi ăn, 3 nạn nhân đã liên tục bị nôn ra máu và dù được đưa đi cấp cứu, nhưng do ngộ độc quá nặng nên 2 người không qua khỏi.

Ở nhiều nước trên thế giới, cũng như ở Việt Nam, việc sử dụng côn trùng như cào cào, châu chấu, nhộng tằm, dế, ong, mối, nhộng ve sầu, sâu cây chít, sâu cây dâu, sâu cây sắn dây…  làm thức ăn đã có từ lâu và khá phổ biến.

Thậm chí, gần đây, nhiều côn trùng còn được chế biến thành đặc sản ở cả bếp gia đình lẫn nahf hàng:  bọ cạp chiên, châu chấu sốt sa tế, bọ xít rang lá chanh, trứng cà cuống phơi khô để làm bánh ngọt, dế chiên…. Tuy nhiên, việc sử dụng  côn trùng để chế biến thành thức ăn đã và đang xuất hiện nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và thậm chí, đến tính mạng của người sử dụng.

Vụ ngộ độc do ăn bọ xít đen chiên mỡ ở huyện Than Uyên (Lai Châu) cũng khiến 38 người phải nhập viện, trong đó có một người tử vong; vụ 5 người dân xã Lộc Điền (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) ngộ độc nặng do uống rượu với món nhộng ve sầu…là những cảnh báo về việc sử dụng côn trùng, ấu trùng làm thực phẩm.

Những vụ ngộ độc diễn ra đáng lo ngại, khiến ngày 29-8, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng ngộ độc do ăn côn trùng lạ.

Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, việc thiếu hiểu biết, thiếu kiến thứ trong lựa chọn, sơ chế, chế biến côn trùng làm thức ăn, tâm lý chủ quan khi lựa chọn côn trùng lạ để “thử nghiệm” theo kinh nghiệm “đồn thổi” như ăn tái, ăn sống, ngâm rượu…và sử dụng các món ăn chế biến từ côn trùng, ấu trùng… chính là những nguy cơ gây nên những vụ ngộ độc thực phẩm, cũng như nguy cơ tử vong.

Có thể nhận biết các dấu hiệu thường gặp trong các vụ ngộ độc do ăn côn trùng, để cấp cứu kịp thời: buồn nôn, nôn, run tay chân, một số trường hợp nặng nôn nhiều, co giật tay chân, chóng mặt, tăng tiết, cứng hàm, kích thích vật vã, khó thở, ý thức lo mơ, hôn mê, sẩn ngứa, ban dạng mảng toàn thân...

Biểu hiện lâm sàng với các triệu chứng nhiều hay ít, nhẹ hay nặng tùy theo độc tố trong côn trùng, tổng lượng đã ăn vào và cơ địa người ăn. Người già, có uống rượu, phụ nữ có thai, trẻ em... thường bị nặng.

Các vụ ngộ độc trên hầu hết đều là do sử dụng côn trùng đã chết sinh ra độc tố; côn trùng bị nhiễm nấm độc; côn trùng chứa nhựa cây độc như cây Cọc rào, cây Cỏ lào, thầu dầu tía… (chứa nhóm Alcaloit, nhóm Glucozit…) hoặc các chất tiết có độc tố không bị phá hủy ở nhiệt độ chế biến; côn trùng có nhiều protein lạ gây ra dị ứng với những người có cơ địa mẫn cảm để chế biến thức ăn.

Hiện nay khi chưa có các nghiên cứu sâu, đầy đủ về côn trùng sử dụng trong chế biến thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn. Lựa chọn những loại nhộng, ấu trùng, côn trùng thông thường, phổ biến, còn tươi sống để chế biến thành thức ăn.

Đặc biệt những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn, nếu nghi ngờ thì không ăn. Nên bảo đảm an toàn bằng cách ngâm, thả côn trùng vào nước muối, nước vôi… để côn trùng thải hết chất độc và chế biến kỹ, tuyệt đối không ăn tái, ăn sống hoặc nấu chín nguyên con mà không qua sơ chế, vệ sinh…

Trong trường hợp sau khi ăn mà có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa, đau bụng, rối loạn tiêu hóa… cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. (* Công an Nhân dân (trang 7))

Vi khuẩn đáng sợ gây bệnh chết người trong 48 giờ

Những ngày qua, thông tin về sự xuất hiện của căn bệnh do vi khuẩn gây chết người chỉ trong 48 giờ sau khi nhập viện khiến nhiều người dân lo lắng. Đây không phải “bệnh lạ” song lại cực kỳ nguy hiểm và tương đối khó phát hiện, nhất là ở tuyến cơ sở.  

* Những người mắc phải do tiếp xúc với bùn đất có nhiều vi khuẩn gây bệnh whitmore hoặc bị ngã xuống ao rồi sặc bùn

Đa số bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm

Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai hiện đang điều trị cho một bệnh nhân nam 25 tuổi, nhập viện trong tình trạng nguy kịch với những triệu chứng lạ. Tiến sĩ - Bác sĩ Đỗ Duy Cường, Phụ trách Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân là C.V.T, ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) có tiền sử viêm cầu thận, vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa với biểu hiện sốt và gối phải sưng to, sau 11 ngày điều trị nhưng không cắt sốt nên được chuyển đến khoa Cơ Xương khớp - Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhân tiếp tục được điều trị kháng sinh bủa vây nhưng tình trạng bệnh vẫn không chuyển biến mà ngày càng diễn tiến nặng. Phải mất 3 ngày, sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định chuyển bệnh nhân về Khoa Truyền nhiễm và tại đây, qua 3 lần cấy máu, bệnh nhân mới được chẩn đoán dương tính với vi khuẩn gây bệnh whitmore. Lúc này, tình trạng của bệnh nhân đã rất nghiêm trọng với biểu hiện nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng.

Theo bác sĩ Đỗ Duy Cường, whitmore không phải căn bệnh mới hay “bệnh lạ” mà trên thực tế đã được phát hiện và lưu hành tại nước ta từ khá lâu, chủ yếu ở một số tỉnh phía Nam. Gần đây, các ca bệnh được báo cáo có xu hướng gia tăng, cao điểm thường xảy ra vào mùa mưa, tập trung từ tháng 9-11; đồng thời bệnh cũng gia tăng mạnh tại khu vực phía Bắc. Từ đầu năm tới nay, Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hơn chục ca whitmore được chuyển đến, chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ.

Đáng chú ý, do bệnh cảnh lâm sàng của bệnh này đa dạng và phức tạp nên hầu hết bệnh nhân không được chẩn đoán đúng, thường chuyển lên tuyến trên và nhập viện ở nhiều chuyên khoa khác nhau. Ngay cả ở bệnh viện tuyến Trung ương, bác sĩ cũng thường chẩn đoán nhầm bệnh whitmore với bệnh viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết...

Không chỉ Bệnh viện Bạch Mai mà tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bình quân mỗi năm cũng tiếp nhận khoảng 30-40 ca mắc bệnh này. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, các ca bệnh vẫn xuất hiện rải rác ở Việt Nam nhưng người dân còn chủ quan và không để ý. Những người mắc do chủ yếu tiếp xúc với bùn đất hoặc bị ngã xuống ao rồi sặc bùn (trong bùn đất chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh whitmore). Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, vi khuẩn gây bệnh whitmore có thể sống ở tất cả mọi nơi, bệnh gặp trên mọi đối tượng. Đặc biệt, những người có cơ địa tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính dễ mắc bệnh này.

Tỷ lệ tử vong có thể lên tới trên 50%

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết, vi khuẩn gây bệnh whitmore cực kỳ nguy hiểm, tỷ lệ tử vong ở người mắc có thể lên tới 40-60%. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân được chẩn đoán xét nghiệm sớm và điều trị kháng sinh phù hợp thì tỷ lệ tử vong sẽ giảm đi đáng kể.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, có thể phát hiện sớm một số dấu hiệu điển hình của bệnh như: với trẻ em, khoảng 35% trường hợp nhiễm bệnh có biểu hiện viêm mủ tuyến nước bọt mang tai, 65% có các biểu hiện khác như viêm phổi, áp xe lách, thận… hoặc các vết mưng mủ ngoài da, đặc biệt là vùng đầu, mặt và cổ.

Ở người lớn, đa số bệnh nhân có biểu hiện viêm phổi cùng với nhiễm khuẩn huyết, viêm bàng quang, có các vết mưng mủ trên da, một số trường hợp viêm cơ khớp hoặc viêm màng não. Dấu hiệu nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm bệnh whitmore thường là sốt, viêm phổi và có ổ áp xe ở nhiều vị trí, nhiễm trùng đường tiết niệu. Do đó, nếu người bệnh có bệnh cảnh và các triệu chứng kể trên thì phải đến ngay các bệnh viện để được khám và điều trị bệnh.

Đáng chú ý, ngay cả khi phát hiện ra bệnh thì việc điều trị bệnh này cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh kéo dài. Có trường hợp tử vong sau vài ngày nhập viện nhưng cũng có trường hợp phải dùng kháng sinh duy trì từ 3 đến 6 tháng. Theo bác sỹ Đỗ Duy Cường, nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe người bệnh sẽ suy kiệt dần. Việc điều trị bệnh kéo dài, tốn kém nên không ít bệnh nhân không có đủ khả năng để theo điều trị đến cùng. Đây là những nguyên nhân khiến điều trị thất bại và bệnh nhân tử vong. (* An ninh Thủ đô (trang 1))

Thuốc viêm gan "xách tay" bị làm giả bằng bột mỳ

Tại hội thảo về bệnh viêm gan virus do Bộ Y tế tổ chức sáng 29-8, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, nước ta hiện có hàng nghìn ca nhiễm viêm gan virus mới mỗi năm. 

Rất nhiều bệnh nhân không biết mình mắc bệnh và đến khi phát hiện thì đã ung thư gan. Viêm gan virus B và C là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan, ung thư gan, tuy nhiên chi phí mua thuốc điều trị viêm gan C hiện còn quá cao nên nhiều bệnh nhân không có khả năng chi trả.

Đặc biệt, theo TS Nguyễn Văn Kính, do thuốc đắt nên có tình trạng một số người tìm mua thuốc điều trị “xách tay” nhưng nguồn gốc không rõ ràng, chất lượng không được kiểm soát và nguy cơ cao là thuốc giả làm bằng bột mì, không có tác dụng điều trị, khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng. (* An ninh Thủ đô (trang 6))

Dịch bệnh đe dọa bùng phát sau mưa lũ

Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, trong mùa mưa bão năm nay, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có nguy cơ bùng phát gồm tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm... Do đó, để chủ động phòng tránh các bệnh này, Bộ Y tế khuyến cáo người dân triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm sau những ngày mưa lũ. 

Cụ thể, cần chủ động thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lớn, lũ lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó; tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật; phối hợp với nhân viên ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ... Bộ Y tế cũng sẽ tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý các nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa bão, hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch bệnh. (* An ninh Thủ đô (trang 6))

Nước mắt chảy ngược ở phòng cấp cứu

Khổ vì con cái bị tai nạn đã đành, nhiều bậc cha mẹ phải khóc khô nước mắt bởi những đứa con hư.

“Tránh ra, tránh ra, mọi người tránh ra hết đi. Tôi muốn chết, cứu tôi làm gì?”. Tiếng la lạc giọng của một thanh niên độ 20 tuổi nằm co quắp trên băng ca trong khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115 (TP.HCM) vốn dĩ cần phải yên lặng trong đêm 25-8 khiến nhiều người giật mình.

“Tao mới là người muốn chết!”

Một người đàn ông lớn tuổi, gương mặt khắc khổ đứng cạnh băng ca người thanh niên đang nằm. Không nói ra nhưng mọi người đều hiểu ông chính là cha của anh ta. “Tao lạy mày, mày đừng la lớn, mọi người nhìn tao kìa. Tao mắc cỡ vì mày lắm rồi. Tao mới là người muốn chết để khỏi bị mày làm khổ nữa...” - không kìm được nỗi đau tột cùng, người đàn ông thốt lên rồi sụt sùi.

Những người chung quanh nhìn ông với ánh mắt ái ngại. Chỉ ít phút sau, thanh niên kia tiếp tục dùng dằng, la lớn, thậm chí không cho điều dưỡng khám bệnh, lấy máu, truyền dịch. Người đàn ông lại tiếp tục năn nỉ, giữ chặt. Bất ngờ anh con nhổm dậy, định lao xuống giường. Người cha cuống cuồng giữ chặt, đôi mắt đẫm ướt: “Nằm yên đi. Đừng làm tình làm tội tao nữa” - ông ta nói, giọng van nài.

Chỉ đứa con đang lim dim, ông trải lòng: “Tôi quê ở Đồng Tháp, có ba đứa con, nó là trai út. Vợ tôi mất khi nó được năm tuổi. Tôi đầu tắt mặt tối làm nuôi đàn con, cố gắng cho chúng ăn học. Giao du với bạn bè xấu, càng lớn tính nết nó càng kỳ khôi, đã vậy còn chơi “đập đá”, lấy đồ đạc trong nhà đem bán. Sáng nay bị tôi la mắng, nó chơi “đập đá” rồi lấy chai thuốc rầy ở góc nhà uống một hơi. Tôi quýnh quáng đưa lên bệnh viện tỉnh súc ruột rồi chuyển tiếp về đây”.

Bất thình lình anh thanh niên ngồi dậy, ói mửa tùm lum dưới sàn nhà. Cha anh ta cuống cuồng lấy cuộn giấy đựng trong giỏ đệm lau chùi. Xong xuôi ông dùng khăn ướt lau miệng cho con, lấy nước cho anh ta uống… Thỉnh thoảng ông còn bị con trai quơ tay xô đẩy. Cảnh tượng trên khiến nhiều người ngao ngán.

“Con làm khổ mẹ tới bao giờ?”

Chiều muộn, cánh cửa khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115 bật mở, một hộ lý hối hả đẩy nhanh băng ca vào trong. Trên băng ca có một thanh niên cũng trạc 20 tuổi, đầu băng kín mít, nằm bất động. Một phụ nữ già nua quần áo xộc xệch tất tả theo sau, nước mắt chảy ròng.

Anh thanh niên được đẩy vào phòng chụp CT, người phụ nữ đứng ngoài cứ thấp thỏm. “Tôi ở Tiền Giang, làm ruộng làm rẫy. Nó (người thanh niên bị nạn - PV) là con trai thứ hai trong nhà, suốt ngày đàn đúm với bạn bè, chẳng lo làm việc” - bà quẹt nước mắt, nước mũi.

“Trưa nay nó xin tôi 500.000 đồng để đi sinh nhật người bạn. Tôi nói không có rồi la mắng nó một trận. Nó dùng dằng lên xe nổ máy, ngoảnh lại nói “đi luôn không về”. Tức mình tôi nạt: “Mày có giỏi thì đi luôn đi, đừng làm khổ tao nữa”. Sau đó ít tiếng, có người gọi điện thoại báo nó bị tai nạn giao thông, nằm ở bệnh viện tỉnh. Tôi lật đật chạy tới thì thấy nó bị băng trắng đầu. Bệnh viện nói con tôi bị chấn thương sọ não nặng nên phải chuyển lên đây” - người phụ nữ khóc nấc.

Băng ca vừa đẩy ra, bà ta chạy lại nắm hai chân con. Nghe bác sĩ bảo người thanh niên bị lõm sọ, cần mổ cấp cứu, người phụ nữ nghẹn ngào: “Trời ơi, nhỏ con làm khổ mẹ, lớn lên con cũng làm khổ mẹ. Con định làm khổ mẹ tới bao giờ?”. (* Pháp luật TPHCM (trang 13))

Không để thực phẩm bẩn, độc hại có đất sống

Người tiêu dùng hiện đang đối mặt với thực trạng dư lượng chất hóa học, chất bẩn gây nguy hại tới sức khỏe trong nông, thủy sản. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây của đại biểu HĐND thành phố, cử tri đều kiến nghị, các cấp, các ngành cần có giải pháp mạnh, kiên quyết không để hành vi cung cấp thực phẩm bẩn, độc hại có đất sống.

Lo lắng có cơ sở

Bà Nguyễn Thị Bích Hợi (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm) cho biết, thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ việc kinh doanh, sản xuất, vận chuyển thực phẩm bẩn, song vấn đề cốt lõi - cách để người tiêu dùng phân biệt đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm bẩn chưa được quan tâm đúng mức. Hằng ngày, đa phần người dân vẫn chỉ dựa vào mắt thường hoặc sự bảo đảm của người bán hàng trong lựa chọn thực phẩm. Nhưng thực tế, chính người bán cũng không thể biết thực phẩm đó sạch hay bẩn? An toàn hay không? Bà Hợi nêu câu hỏi: “Mùa trung thu đang cận kề, không biết Hà Nội có bao nhiêu cơ sở làm bánh vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được xử lý? Hoạt động kiểm tra, giám sát liệu có phát hiện sớm vi phạm được không, hay để người dân ngộ độc khi ăn mới kiểm tra, ngăn chặn?”.

Ông Phùng Duy Mận (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) cũng cho rằng, nhu cầu về thực phẩm để phục vụ 3 bữa ăn của người dân là rất lớn. Trước thực trạng khó kiểm soát như hiện nay, cơ quan chức năng cần tăng cường mở các đợt thanh kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, để các bữa ăn của người dân bớt đi chất độc hại. Ngoài ra, chính quyền các cấp cần mở các điểm cung cấp thực phẩm sạch, quản lý tốt các chợ và cam kết bán thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Cùng quan tâm đến chủ đề về ATVSTP, cử tri các quận, huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Hai Bà Trưng, Long Biên, Đống Đa… cũng bày tỏ lo lắng trước sự khó kiểm soát về thực phẩm bẩn bán trà trộn ở các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Cử tri đề nghị, UBND thành phố cần chỉ đạo, phát triển mô hình quản lý theo chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, kiểm soát từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm. Theo bà Nguyễn Thị Mơ (xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên), khi nào người nông dân mất đi khái niệm “một bên rau để ăn, một bên rau để bán” thì mới có thực phẩm an toàn thực sự.

Tích cực kiểm soát

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, trả lời các kiến nghị của cử tri về lĩnh vực ATVSTP, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, thành phố đang nỗ lực bằng mọi biện pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng thực phẩm bẩn. Đến nay, thành phố đã xây dựng đề án, lộ trình đồng bộ để kiểm soát an toàn thực phẩm, trong đó tháng 11-2016 này sẽ có 5 xe chuyên dụng test các mẫu thực phẩm. Trước đó, UBND thành phố đã sắp xếp, phân công trách nhiệm quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, giao cho Sở Y tế là cơ quan đầu mối - Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP thành phố tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo hoạch định những vấn đề có tính chiến lược để chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác ATVSTP.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT hiện tại, Hà Nội đã xây dựng 21 chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm với 4,5 nghìn tấn thịt lợn, 3,1 nghìn tấn thịt gia cầm, 140 triệu quả trứng gia cầm, 29 nghìn tấn sữa từ đầu năm 2016 đến nay. Ngoài ra, Sở NN&PTNT thành phố còn phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Bắc Ninh triển khai mô hình quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi. Không chỉ cấp thành phố mà các quận, huyện, thị xã cũng đang tích cực phối hợp với các địa phương bạn thực hiện chuỗi cung ứng, quản lý từ sản xuất đến tiêu dùng.

Trong đó, quận Đống Đa đã thí điểm liên kết mô hình cung cấp rau, thịt, trứng an toàn để cung cấp cho bếp ăn bán trú của các trường mầm non, tiểu học và nhân dân phường Kim Liên, Ô Chợ Dừa. Trước nhu cầu cao của người tiêu dùng, tháng 7-2016, UBND quận Đống Đa đã khai trương 2 điểm cung cấp thực phẩm an toàn có kiểm soát tại ki ốt B4 tập thể Kim Liên, phường Kim Liên và số 1N Trần Quang Diệu, phường Ô Chợ Dừa; đồng thời, tiếp tục hướng dẫn các phường có địa điểm khả thi mở cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn có kiểm soát.

Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Song Hào cho biết: “Để bảo đảm sức khỏe cho nhân dân, thời gian tới, UBND quận sẽ đẩy mạnh thực hiện mô hình chuỗi cung ứng rõ ràng, minh bạch, giám sát từ cơ sở nuôi trồng an toàn đến cơ sở chế biến, sơ chế, đóng gói và kinh doanh cung cấp cho người tiêu dùng trên địa bàn quận nói riêng và Thủ đô nói chung”.

Sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác bảo đảm ATVSTP nhằm dần giải tỏa nỗi lo của người dân, song để giải quyết triệt để nạn thực phẩm bẩn vẫn còn nhiều việc phải làm. Ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc xây dựng và nhân rộng mô hình, xử lý nghiêm vi phạm, thì rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong tuyên truyền, vận động người dân phân biệt, nhận diện sản phẩm đâu là bẩn, đâu là sạch; ủng hộ những mô hình cung cấp thực phẩm an toàn để mỗi người đều yên tâm trước và sau mỗi bữa ăn hằng ngày. (* Hà Nội mới (trang 4))

Cảnh giác với thuốc điều trị viêm gan không có nguồn gốc

Đó là thông tin được ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết tại hội thảo truyền thông về bệnh viêm gan vi rút do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức ngày 29-8 tại Hà Nội.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên toàn cầu có khoảng 240 triệu trường hợp nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính và khoảng 130 - 150 triệu trường hợp nhiễm vi rút viêm gan C mãn tính. Số trường hợp tử vong do viêm gan vi rút B và C ước tính mỗi năm khoảng 1,4 triệu người. Vi rút viêm gan B và C là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan hàng năm. Ước tính, có khoảng 57% các trường hợp xơ gan và 78% trường hợp ung thư gan tiên phát do nhiễm vi rút viêm gan B và C.

Theo khuyến cáo của WHO, chiến lược phối hợp điều trị và dự phòng có thể loại trừ viêm gan vi rút B và C như là mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng vào năm 2030. Các biện pháp dự phòng lây nhiễm viêm gan vi rút B và C bao gồm tiêm vắc xin viêm gan B đầy đủ, trong đó có liều trong vòng 24h đầu sau sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn trong quá trình chăm sóc sức khỏe bao gồm cả trong và ngoài cơ sở y tế và thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại cho những người tiêm chích ma túy.

Đối với trẻ em ở khu vực có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B cao như Việt Nam, WHO khuyến cáo tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh và các liều sau đó theo lịch tiêm chủng. Theo WHO, năm 2016 tỷ lệ bao phủ vắc xin viêm gan B trên toàn cầu đạt 83%, tuy nhiên tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh (trong vòng 24 giờ đầu) mới chỉ đạt 39%.

Tại nước ta, hiện việc phòng chống viêm gan vi rút còn một số khó khăn khi năm 2015 độ bao phủ vắc xin viêm gan B đạt tới trên 95% và tỷ lệ tiêm mũi sau sinh đạt 65%. Ngoài ra, hiện nay chưa có vắc xin dự phòng cho viêm gan C mà viêm gan C có thể được chữa khỏi nhờ các thuốc mới có tác dụng trực tiếp lên vi rút viêm gan C, song việc tiếp cận với các thuốc này vẫn còn hạn chế do chi phí điều trị hiện còn cao so với khả năng chi trả của nhiều người bệnh.

Theo ông Nguyễn Văn Kính, tại Việt Nam ước tính mỗi năm có hàng nghìn ca nhiễm viêm gan vi rút mới, trong đó có nhiều người không biết mình mắc bệnh cho đến khi phát triển thành ung thư gan. Hiện tại, viêm gan vi rút B đã có vắc xin phòng và người bệnh được Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả tiền thuốc điều trị. Bộ Y tế cũng đang hoàn thiện phác đồ điều trị viêm gan vi rút C, cập nhật thuốc điều trị mới, sớm ban hành làm cơ sở đề xuất Quỹ BHYT thanh toán cho người bệnh. Tuy nhiên, do chi phí điều trị còn quá lớn (khoảng 180 triệu đồng/đợt điều trị viêm gan C) khiến không ít người bệnh tự tìm mua thuốc “xách tay” hoặc do người quen giới thiệu. Những loại thuốc này có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, chất lượng không được kiểm soát, thậm chí có nguy cơ bị làm giả, được sản xuất từ bột mỳ. Khi thuốc bị làm giả không có tác dụng điều trị sẽ khiến bệnh thêm trầm trọng. (* Hà Nội mới (trang 5))

Sẽ trao giấy khai sinh tại nhà cho trẻ sơ sinh

TP Đà Nẵng sẽ triển khai việc trao các thủ tục hành chính cho trẻ sơ sinh các gia đình đang sinh sống trên địa bàn ngay tại nhà.

Tại cuộc tiếp xúc đại biểu HĐND TP Đà Nẵng với cử tri phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê) chiều 29-8, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho hay thành phố đã phê duyệt đề án và sắp tới sẽ triển khai việc trao các thủ tục hành chính cho trẻ sơ sinh các gia đình đang sinh sống trên địa bàn ngay tại nhà.

Theo ông Thơ, khi trẻ em mới được sinh ra (không phân biệt trẻ sinh lần thứ bao nhiêu của gia đình) thì các cán bộ phường, xã phải lấy thông tin của gia đình trẻ sơ sinh đó để triển khai làm các thủ tục “3 trong 1” là giấy khai sinh, bảo hiểm y tế và nhập khẩu vào hộ khẩu.

Khi xong thủ tục theo quy định thì lãnh đạo địa phương cùng cán bộ đến tận nhà trao các giấy tờ đó cùng một bó hoa tươi cho gia đình, trẻ sơ sinh ngay tại nhà.

“Hành động nhỏ này từ phía chính quyền sẽ tạo sự hạnh phúc, thiện cảm nơi gia đình, trẻ em mới sinh ra. Từ đó, gia đình và trẻ em thấy được từ khi mới sinh ra họ đã được xã hội quan tâm, đối xử tốt nên sẽ điều chỉnh họ trở thành công dân tốt”, ông Thơ cho biết mục đích của công việc này.

Ông Thơ cho hay công việc này sẽ triển khai trong năm 2016 và sẽ chọn thí điểm tại một số địa bàn có thuận lợi, đội ngũ công chức một cửa chuyên nghiệp làm trước, sau đó triển khai rộng ra.

Đồng thời thành phố cũng được một doanh nghiệp tài trợ 3 tỉ đồng để chi phí công việc này, số tiền này dùng để mua hoa tươi và bồi dưỡng cho những công chức thực hiện công việc ngoài nhiệm vụ chính này. (* Tuổi trẻ (trang 4))

Bóc tách thành công khối bướu “mai rùa” cho bé gái 10 tuổi

Sáng 29-8, ê kíp 6 bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM đã mổ tách thành công khối bướu trên lưng cho cô bé Thắm 10 tuổi.

Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Trưởng khoa Ngoại, Phó GĐ Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, ca mổ bóc tách khối bướu cho bé Trần Thị Hồng T. bắt đầu từ 9h sáng ngày 29-8 với 11 bác sĩ và kỹ thuật viên.

Kíp mổ đầu tiên thực hiện trong khoảng 1h15’ để bóc toàn bộ khối bướu "hắc tố bẩm sinh" phát triển rất lớn, đường kính khoảng 22cm, nặng 1,05kg. Khối bướu đã ăn hết lớp da và chạm vào lớp cơ lưng, các bác sĩ đã lọc, bóc tách toàn bộ khối bướu ra khỏi lớp cơ lưng, rất may, khối bướu này chưa ăn đến cột sống.

Đồng thời, thực hiện đốt điện các nốt ruồi vệ tinh xung quanh khối bướu. BS Hiếu cho biết, những nốt ruồi này có thể sẽ lớn lên nhưng không thể phát triển thành khối bướu lớn như trước được.

Ê kíp thứ hai đã tiến hành lấy và ghép da cho bệnh nhi. Do khối bướu quá lớn, cần rất nhiều da để che phủ bề mặt diện tích bướu sau khi bóc tách, các bác sĩ đã lấy phần da mặt trước của đùi, bên hông bệnh nhi để ghép lên phần da cần che phủ. Do mảng da bị mất quá lớn nên theo dõi nhiễm trùng sau mổ là việc làm vô cùng quan trọng.

Đến khoảng 13h chiều cùng ngày, ca mổ đã hoàn tất, sau 5 giờ đồng hồ. Bé gái hiện vẫn đang được chăm sóc hậu phẫu trong phòng săn sóc đặc biệt, các chỉ số sinh hiệu đều ổn định.

Các điều dưỡng cho biết, có thể chiều tối 29-8 khi bé tỉnh sẽ được uống sữa. Dự kiến, bé sẽ nằm viện 10-14 ngày để theo dõi. Khối bướu đã được làm xét nghiệm tế bào, sau 3 ngày sẽ có kết quả là bướu lành hay bướu ác, lúc đó bệnh viện sẽ có hướng điều trị tiếp theo.

Trước đó, ngày 26-8, bé gái Trần Thị Hồng T. được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 với khối bướu chiếm trọn vùng lưng trông như chiếc mai rùa. Ca bệnh được xác định thuộc loại hiếm trên thế giới và là lần đầu tiên các bác sĩ ở Việt Nam tiếp nhận.

Mẹ cháu bé, chị Thạch Thị Đa Ni đã rất xúc động khi chứng kiến cô con gái mình đã được các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1 với chuyên môn vững vàng, cùng sự quyết tâm chữa trị bằng được cho con chị.

Sau thành công của ca mổ, bé T sẽ thoát khỏi cảnh mang chiếc mai rùa gồ ghề, đen kịt trên lưng, thoát khỏi cảnh bứt rứt, khó chịu hàng đêm vì khối bướu hành hạ, nhưng chị mừng hơn cả là con gái chị sẽ được hoà nhập lại cuộc sống bình thường, tiếp tục được tới trường học tập như bạn bé cùng trang lứa khác. (* Công an Nhân dân (trang 2)

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ trang 14: Phẫu thuật cho cô bé mang “mai rùa”; Báo Nông thôn Ngày nay trang 5: “Cô bé mang “mai rùa” đã được phẫu thuật thành công”

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang