Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 30/8/2022

  • |
T5g.org.vn - Gỡ nút thắt tự chủ bệnh viện; TP.HCM chấn chỉnh khám, chữa bệnh không phép; Không chủ quan, mất cảnh giác với dịch Covid-19; Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cao nhất thế giới…

 

Gỡ nút thắt tự chủ bệnh viện

Sau 2 năm thí điểm, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K (TP Hà Nội) đã phải xin dừng tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33/NQ-CP để chuyển sang thực hiện tự chủ theo (nhóm 2) của Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Theo lãnh đạo 2 bệnh viện này, việc tự chủ toàn diện trong 2 năm qua đã khiến bệnh viện “hụt hơi” và gặp nhiều khó khăn.

Hành lang pháp lý chưa hoàn thiện

Trước đó, vào tháng 9-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP về thí điểm tự chủ toàn diện của 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, K và Chợ Rẫy. Tuy nhiên, đến nay mới có 2 đơn vị thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện là Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai. Dù đây là 2 bệnh viện đầu ngành của cả nước với đội ngũ y, bác sĩ giỏi và lượng bệnh nhân tới khám, điều trị rất đông, nhưng sau 2 năm thí điểm tự chủ, cả 2 đơn vị này đều xin dừng thực hiện.
Ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, trong thời gian tự chủ, không chỉ bệnh viện mà cả người bệnh đã đối mặt nhiều khó khăn. Điển hình là việc giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ (mới tính 4/7 cấu phần); nhiều máy móc hiện đại trong các đề án liên doanh liên kết tại bệnh viện đang dừng hoạt động nên thiếu trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh. Cùng với đó là khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm cũng dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế… phục vụ người bệnh. Bên cạnh đó, hầu hết các dịch vụ tại bệnh viện đang thu theo giá của BHYT, nhưng bệnh viện lại trong giai đoạn triển khai thí điểm tự chủ. Hơn nữa, Bộ Y tế cũng chưa ban hành khung giá và mức giá trần của dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, nên bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn khi tự chủ.

Theo bà Đoàn Thu Trà, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai, nhiều tháng nay, cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện phải đi làm sớm, về muộn. Nhiều bác sĩ phải làm việc và trực 24/24 giờ, nhưng thù lao trực vẫn tính theo mức từ 11 năm trước: 115.000 đồng/ca. Thu nhập trung bình hiện nay của một điều dưỡng ở bệnh viện khoảng 7-8 triệu đồng/tháng, bác sĩ khoảng 13-17 triệu đồng/tháng. “Với mức lương này, họ không thể tập trung cho công việc, nhất là các bác sĩ giỏi. Bệnh viện tư nhân luôn mời chào họ với mức lương 100-200 triệu đồng/tháng. Trong 2 năm qua, đã có 221 cán bộ y tế, người lao động thôi việc, trong đó có nhiều bác sĩ, tiến sĩ giữ vị trí quan trọng”, bà Đoàn Thu Trà chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, cho rằng, Nghị quyết 33 có tính chất thí điểm đề án và hiện mới có Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện, nhưng hành lang pháp lý hướng dẫn cụ thể để thực hiện nghị quyết này thì chưa hoàn thiện. Do đó, thời gian qua, việc tự chủ mua sắm trang thiết bị là trở ngại khó khăn đối với bệnh viện thực hiện tự chủ toàn diện. Trong 2 năm qua, Bệnh viện K chưa đủ kinh phí để đầu tư, mua sắm trang thiết bị mới nào. 

Gấp rút nâng cao chế độ cho cán bộ y tế

Để tháo gỡ khó khăn trong việc tự chủ tại các bệnh viện, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, thời điểm này Bộ Y tế cần động viên, chia sẻ với các bệnh viện để họ tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện. Bởi 2 năm qua, việc thí điểm tự chủ bệnh viện được triển khai trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến các bệnh viện chưa có điều kiện để làm được. Bên cạnh đó, phải gấp rút nâng cao chế độ cho cán bộ y tế. “Tự chủ ở các bệnh viện là con đường duy nhất để giải quyết được vấn đề này của ngành y tế”, vị này khẳng định.

Theo ông Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội, mỗi bệnh viện có đặc thù riêng nên cần có nghị quyết riêng cho từng bệnh viện. Để tìm được hướng đi mới phù hợp cho cơ chế tự chủ, đã đến lúc cần đúc kết, đánh giá lại cơ chế tự chủ bệnh viện trong những năm qua. Nếu tự chủ mà các cơ sở y tế phải tìm mọi cách có nguồn thu từ người bệnh thì chết bệnh nhân. Kinh nghiệm các nước trên thế giới, họ chỉ giao cho các bệnh viện tự chủ ở một mức nhất định. Nếu chi thiếu nhà nước sẽ bù, nếu vượt sẽ nộp lại cho nhà nước.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế  Đào Hồng Lan cho rằng, hầu hết vướng mắc của các đơn vị liên quan cơ chế tài chính. Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai có báo cáo, phân tích các vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 33 và nếu đề xuất chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60, cũng cần thêm các hướng dẫn chi tiết, từ đó đánh giá kỹ để trình lên Chính phủ. Nếu chúng ta tháo gỡ được vướng mắc này, cùng với việc Chính phủ đang tập trung tháo gỡ vướng mắc về văn bản pháp luật, sẽ đưa ra hành lang pháp lý giúp cho bệnh viện có định hướng thời gian tới tốt hơn.

TS-BS NGUYỄN TRI THỨC, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy: Chế độ chính sách chưa phù hợp, chậm thay đổi

Đến nay, giá dịch vụ y tế vẫn chưa được tính đúng, tính đủ các chi phí cấu thành, gây nhiều khó khăn đối với các bệnh viện tự chủ nhóm 1 và nhóm 2 (do không được cấp kinh phí chi thường xuyên và đầu tư). Mặt khác, các chi phí có tính biến động giá theo điều chỉnh của Nhà nước, lại không được điều chỉnh đồng thời vào giá dịch vụ y tế, như: điện nước, chi phí, xăng dầu, chi phí tiền lương tiền công, BHXH, BHYT… Chưa kể đến các chi phí vật tư tiêu hao biến động giá theo cơ chế thị trường và trượt giá ảnh hưởng đến nguồn chi lương, thu nhập cho cán bộ viên chức, khó thực hiện chế độ đãi ngộ thu hút nhân tài. Bên cạnh đó, chế độ chính sách cho nhân viên y tế đã lạc hậu, không còn phù hợp như: phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

TP.HCM chấn chỉnh khám, chữa bệnh không phép

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM ban hành 26 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với tổng số tiền trên 1,16 tỉ đồng. Trong đó, đáng chú ý là các cơ sở spa, thẩm mỹ cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép.
Ngày 29.8, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết trong thời gian từ ngày 16 - 25.8, đơn vị này đã ban hành 26 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với tổng số tiền trên 1,16 tỉ đồng.

Trong đó, đáng chú ý là các cơ sở spa, thẩm mỹ bị phạt tiền, tạm đình chỉ hoạt động vì cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) mà không có giấy phép hoạt động KCB; quảng cáo dịch vụ KCB khi chưa có giấy phép hoạt động KCB hoặc chứng chỉ hành nghề KCB.

Xét xử vụ thẩm mỹ “chui” gây chết người

Cùng ngày, TAND Q.1 (TP.HCM) xét xử sơ thẩm các bị cáo Lê Thị Huyền Trang (26 tuổi), Nguyễn Ngọc Tú (29 tuổi), Phan Thanh Tùng (34 tuổi, cùng ngụ TP.HCM) cùng về tội “vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh”.

Theo cáo trạng, tháng 11.2021, Trang thuê mặt bằng trên đường Nguyễn Công Trứ, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1 để làm thẩm mỹ viện. Tháng 11.2021, một học viên của Trang là chị H.T.N có nhu cầu nâng mũi và hút mỡ bụng nên Trang thỏa thuận phẫu thuật với giá 15 triệu đồng. Trang liên hệ với Tú gây mê, giảm đau và nhờ Tùng phẫu thuật. Khoảng 13 giờ 30 ngày 5.12.2021, sau khi chị N. đã được gây mê, Tú báo cho Trang, Tùng dùng dụng cụ để hút mỡ bụng và nâng mũi cho chị N. Phẫu thuật xong, chị N. nằm nghỉ thêm 2 tiếng và về phòng trọ để theo dõi sức khỏe.

Đến 22 giờ cùng ngày, chị N. bị đau, khó thở và được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong. Cũng theo cáo trạng, 3 bị cáo không được cấp chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ và chưa đăng ký hành nghề. Cơ sở do Trang mở hoạt động không phép.

Đại diện Viện KSND Q.1 đề nghị mức án đối với bị cáo Tùng từ 1 - 1 năm 6 tháng tù; Trang từ 2 - 2 năm 6 tháng tù và Tú từ 1 năm 6 tháng - 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, HĐXX nghị án kéo dài và dự kiến tuyên án vào chiều 5.9. (Sài Gòn giải phóng, trang 8).

 

Không chủ quan, mất cảnh giác với dịch Covid-19

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, bạn đọc Thanh Niên kêu gọi mọi người tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác, cần tuân thủ quy định phòng dịch và tiêm vắc xin đầy đủ.

Như Thanh Niên thông tin, hôm 27.8, Sở Y tế TP.HCM cho biết qua hệ thống giám sát của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (HCDC), TP phát hiện có 178 ca mắc mới Covid-19, trong đó có 48 ca nhập viện, nâng tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện là 262...

Theo lãnh đạo Sở Y tế, số ca mắc Covid-19 có dấu hiệu tăng nhanh trở lại trên cả nước. Riêng tại TP.HCM, trong một tuần vừa qua (từ ngày 19 - 25.8) có 1.114 ca mắc mới, tăng 258 ca so với tuần trước. Trước đó, tại cuộc họp báo về dịch bệnh chiều 26.7, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện tại TP.HCM đang trong tình trạng dịch chồng dịch. Bên cạnh phòng chống dịch sốt xuất huyết thì TP.HCM cũng đang tăng cường phòng chống dịch Covid-19.

Với dịch Covid-19, lãnh đạo Sở Y tế lo ngại vì hầu hết số ca thở máy đều nằm trong nhóm đối tượng nguy cơ cao, và nhiều ca mắc mới qua điều tra thì chưa tiêm vắc xin mũi nhắc lại. Mặt khác, tháng 8 là tháng TP.HCM phát động cao điểm tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em, nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn. Do vậy TP.HCM tiếp tục vận động, kêu gọi người dân đi tiêm mũi nhắc lại, phụ huynh đồng thuận cho con em tiêm vắc xin để nâng cao miễn dịch, bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ dịch bệnh gia tăng.

Không sợ hãi nhưng tuyệt đối không chủ quan

Trước xu hướng Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều bạn đọc (BĐ) cảnh báo người dân không lơ là với dịch bệnh, đặc biệt khi sắp tới dịp nghỉ lễ dài ngày nhiều người đổ xô đi du lịch, cũng như học sinh sắp tựu trường. “Chúng ta sắp bước vào kỳ nghỉ lễ dài ngày, người người nhà nhà sẽ có kế hoạch đi du lịch xa, trong khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chính vì vậy phải thận trọng, tuân thủ các biện pháp phòng dịch, không được chủ quan, lơ là. Nếu chủ quan có ngày hối không kịp”, BĐ Nguyễn Thanh lưu ý.

Tương tự, BĐ Trúc Nguyễn viết: “Không sợ hãi nhưng tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác với dịch bệnh. Chúng ta đã trải qua nhiều đau thương mất mát ở các đợt dịch trước mà đến giờ hậu quả để lại vẫn chưa nguôi. Mong mọi người nhìn vào đó mà hành động, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch, chích vắc xin đầy đủ”.

“Hiện nay một số người vẫn còn lơ là với dịch bệnh, không đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc ở nơi công cộng. Với tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp thì không có gì là không thể xảy ra vì vậy hãy thận trọng, nếu chủ quan sẽ trả giá đắt như chúng ta đã từng trải qua ở các đợt dịch trước”, BĐ Nhật Anh cảnh báo.

“Trong sinh hoạt, làm việc giao tiếp nơi công cộng... vẫn còn nhiều người rất chủ quan. Thiết nghĩ chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền cảnh báo về tình hình dịch bệnh Covid-19, sốt xuất huyết qua các kênh báo chí, mạng xã hội, tin nhắn... đến người dân”, BĐ Hương Giang góp ý.

Vắc xin: Biện pháp bảo vệ hàng đầu

BĐ Minh Anh cho rằng một trong những biện pháp bảo vệ hàng đầu để phòng ngừa COVID -19 là vắc xin. “Chính vì vậy ngoài tuân thủ các quy định về phòng dịch thì mọi người cũng nhanh chóng tiêm vắc xin mũi 3, 4. Tất cả cùng chung tay để dịch bệnh không quay trở lại”, BĐ này lưu ý.

Cùng quan điểm, BĐ Lê Nguyễn ý kiến: “Hiện vẫn còn nhiều người chủ quan, thậm chí nhầm lẫn khi cho rằng đã tiêm ngừa hoặc đã bị Covid-19 lần 1 thì sẽ không bị lại. Tuy nhiên, nếu phòng ngừa không tốt thì khả năng vẫn bị nhiễm lại. Chính vì vậy ngoài tuân thủ các quy định phòng dịch thì cần chích đủ liều vắc xin theo khuyến cáo của cơ quan y tế”.

“Đã trải qua những thời khắc lịch sử của TP.HCM trong các đợt dịch trước nên tôi rất thấm thía. Dù đã tiêm đầy đủ 4 mũi theo khuyến cáo của cơ quan y tế nhưng tôi và người thân trong gia đình luôn luôn phòng bệnh nghiêm ngặt, khẩu trang, sát khuẩn đầy đủ. Việc chích vắc xin hiện giờ cực kỳ dễ và thuận lợi, hy vọng mọi người cùng thực hiện theo khuyến cáo, không để dịch bệnh bùng phát trở lại như cách đây một năm”, BĐ Mỹ Kiều mong mỏi. (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

 

Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cao nhất thế giới

Tại lễ phát động Chiến dịch truyền thông “Vui Trung thu và tựu trường an toàn” về tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi diễn ra ngày 29-8, Bộ Y tế nhấn mạnh, công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng.

Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine an toàn, hiệu quả và lớn nhất trong lịch sử bắt đầu từ tháng 3-2021. Tính đến ngày 28-8-2022, Việt Nam đã triển khai tiêm được hơn 255 triệu liều vaccine phòng Covid-19, là quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới (Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%);

Cùng với đó, tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên của Việt Nam cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới; Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển như Mỹ, Đức, Ý, Pháp. Việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi từng bước đạt được mục tiêu đề ra, với gần 15 triệu liều vaccine đã được tiêm.

Phát biểu tại Lễ phát động, PGS. TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Tổ chức Y tế giới và các quốc gia vẫn tiếp tục khẳng định tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 là biện pháp phòng dịch hữu hiệu nhất, kể cả đối với các biến chủng mới.

Trên thế giới, nhiều nước đã tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3, 4 cho người dân; hơn 80 quốc gia đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và một số quốc gia đã tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, để chiến dịch đạt hiệu quả và thành công, phương châm được đề ra là: "Tiêm vaccine là nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của mỗi người"; "Tiêm vaccine là để đảm bảo yêu cầu của công tác phòng chống dịch"; “Người dân và trẻ em cần được tiêm vaccine đúng lịch, đủ liều và an toàn”.

Chia sẻ tại Lễ phát động, ông Maharajan Muthu - đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho biết: Việt Nam đã trở thành tấm gương trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 suốt hai năm qua, cũng như tỷ lệ bao phủ vaccine cao thuộc hàng bậc nhất trên thế giới.

Đại diện UNICEF kêu gọi tất cả các bậc phụ huynh, cha mẹ đảm bảo sức khoẻ cho con mình, để các em sẵn sàng cho năm học mới bằng cách cho trẻ tiêm vaccine theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế. (An ninh Thủ đô, trang 2, Hà Nội mới, trang 7, Sức khỏe & Đời sống, trang 3, Lao động, trang 1).

 

Hà Nội yêu cầu thu hồi triệt để 2 vị thuốc Đông y không đạt chất lượng

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành các văn bản về việc yêu cầu các đơn vị thu hồi thuốc cổ truyền Phòng Phong do Công ty CP dược phẩm Thành Phát cung ứng và vị thuốc cổ truyền Ngưu Tất do Công ty cổ phần Đông Y Dược Thăng Long cung ứng.
Thu hồi vị thuốc cổ truyền Phòng Phong

Tại Văn bản số 3801 do Sở Y tế vừa ban hành nêu rõ, thực hiện công văn số 949/YDCT-QLD ngày 23/8/2022 của Cục Quản lý Y Dược cổ truyền v/v thu hồi vị thuốc cổ truyền Phòng Phong không đạt chỉ tiêu Độ ẩm. Sở Y tế thông báo thu hồi vị thuốc cổ truyền Phòng Phong, số là: 011021, NSX: 081021, HD: 080423, do Công ty cổ phần Dược phẩm Thành Phát (CN1-CN6, KCN Phú Nghĩa – H. Chương Mỹ - TP. Hà Nội) cung ứng. Mẫu thuốc lấy tại tỉnh Bắc Ninh, không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu Độ ẩm (vi phạm mức độ 3).

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu, Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Thành Phát thực hiện thu hồi triệt để lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên; gửi báo cáo thu hồi, hồ sơ thu hồi theo quy định tại công văn số 949 YDCT-QLD. Đồng thời Sở Y tế sẽ kiểm tra, giám sát việc thu hồi vị thuốc cổ truyền Phòng Phong, số lô: 011021, NSX: 081021, HD: 080423 của các đơn vị.

Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế công lập trực thuộc ngành, các cơ sở y tế ngoài công lập, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc, các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn khẩn trương rà soát, thu hồi lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên; Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã thông báo đến các cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý; tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của cơ sở (nếu có).

CDC TP. Hà Nội đăng thông tin và phối hợp với các cơ quan truyền thông; thông tin tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng.

Thu hồi vị thuốc cổ truyền Ngưu Tất

Tại Văn bản số 3802 do Sở Y tế Hà Nội ban hành nêu rõ, thực hiện công văn số 950/YDCT-QLD ngày 23/8/2022 của Cục Quản lý Y Dược cổ truyền v/v thu hồi vị thuốc cổ truyền Ngưu Tất không đạt chỉ tiêu Độ ẩm. Sở Y tế thông báo thu hồi vị thuốc cổ truyền Ngưu Tất, số lô: TL-N2210111221, NSX: 29/12/2021, HĐ: 29/12/2023, do Công ty cổ phần Đông Y Dược Thăng Long (số 339, đường Quang Trung – P. Quang Trung – Q. Hà Đông – TP. Hà Nội) cung ứng. Mẫu thuốc lấy tại tỉnh Bắc Ninh, không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu Độ ẩm (vi phạm mức độ 3).

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu, Giám đốc Công ty cổ phần Đông Y Dược Thăng Long thực hiện thu hồi triệt để lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên; gửi báo cáo thu hồi, hồ sơ thu hồi theo quy định tại công văn số 950/YDCT-QLD. Sở Y tế sẽ kiểm tra, giám sát việc thu hồi vị thuốc cổ truyền Ngưu Tất, số lô: TL-N2210111221, NSX: 29/12/2021, HD: 29/12/2023 của các đơn vị

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế công lập trực thuộc ngành, các cơ sở y tế ngoài công lập, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc, các cơ sở bản lẻ thuốc trên địa bản khẩn trương ra soát, thu hồi lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên; Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã: Thông báo đến các cơ sở hành nghề trên địa bản quản lý; tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của cơ sở (nếu có).

CDC TP. Hà Nội đăng thông tin và phối hợp với các cơ quan truyền thông; thông tin tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 9).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang