Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 30/9/2015

  • |
T5g.org.vn - Cần thay đổi cơ chế đấu thầu thuốc; Đại hội thi đua yêu nước Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và ngành giáo dục và đào tạo; Vướng mắc trong bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên; Thành lập 10 đoàn công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết; Cắt u tuyến giáp, nối khí quản thành công...

 Cần thay đổi cơ chế đấu thầu thuốc

Thống kê của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa được công bố cho thấy tỷ lệ thuốc kém chất lượng trên thị trường ở mức 3% và có xu hướng giảm từ năm 2012 đến nay. Thuốc sản xuất trong nước kém chất lượng cũng giảm, từ 3,5% (năm 2006) xuống còn 2,3% (năm 2014). Thuốc giả cũng giảm từ 7% năm 1990 xuống còn 0,4% năm 2014.

Nhìn vào thống kê có thể thấy nỗ lực của các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm soát chất lượng thuốc. Tuy nhiên, người sử dụng thuốc chưa thể yên tâm do những vướng mắc trong công tác hậu kiểm và đấu thầu thuốc.

Một viên thuốc sau khi ra thị trường sẽ chịu sự giám sát chất lượng của 62 trung tâm kiểm nghiệm đặt ở các tỉnh, thành phố trong cả nước và hai viện kiểm nghiệm thuốc ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hai viện kiểm nghiệm sẽ kiểm soát thuốc đầu nguồn tại các nhà phân phối, nhập khẩu, còn các trung tâm “gác” cuối nguồn ở các nhà thuốc, chợ thuốc… Hằng ngày, hằng tuần, các đơn vị này có nhiệm vụ kiểm tra, lấy mẫu để kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng thuốc, bảo đảm thuốc chuẩn lưu hành trên thị trường. Thêm vào đó, hơn 60 công ty nhập khẩu thuốc có “tiền sử” vi phạm chất lượng phải chịu tiền kiểm của cơ quan chức năng chứ không chỉ hậu kiểm thông thường. Với một hàng rào kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên như vậy, về lý thuyết, thuốc không đạt chuẩn khó tồn tại. Nhưng vẫn có thuốc không đạt chất lượng trên thị trường. Vậy nguyên nhân ở đâu?

Nhiều ý kiến cho rằng cần nâng cao năng lực của các đơn vị làm công tác hậu kiểm thuốc, không đơn thuần là tần suất đi lấy mẫu kiểm tra, mà còn là đầu tư quỹ chất chuẩn, chất đối chiếu để tăng tỷ lệ kiểm tra chất lượng đối với các hoạt chất, chế phẩm lưu hành trên thị trường. Theo thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, năm 2014, hệ thống kiểm nghiệm cả nước mới chỉ kiểm tra được khoảng 500 hoạt chất trên tổng số hơn một nghìn hoạt chất tân dược đang lưu hành trên thị trường. Vấn đề công tâm trong nhiệm vụ cũng được đòi hỏi bởi đã có những băn khoăn của người trong nghề về độ chính xác của kết quả kiểm nghiệm. Một nguyên nhân quan trọng khác là, quy định đấu thầu thuốc chưa hợp lý, nếu không sửa đổi thì thuốc kém chất lượng vẫn còn “đất” sống.

Theo một số nhà sản xuất thuốc trong nước, pháp luật về quy trình đấu thầu thuốc hiện nay hướng đến việc chọn thuốc tốt khi xét tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng thuốc trước khi xét giá giữa các sản phẩm. Tuy nhiên, quy định tại Thông tư 37/2013/TT-BYT ngày 11-11-2013 của Bộ Y tế hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế còn bất cập khi mức điểm đánh giá chất lượng thuốc chưa tạo sự chênh lệch, khác biệt lớn về chất lượng cho các sản phẩm cùng tham gia đấu thầu. Thí dụ, thuốc có chứng minh tương đương sinh học “ăn” bốn điểm về chất lượng nhưng thuốc không có tương đương sinh học vẫn được hai điểm; hay thuốc sản xuất từ dược liệu có chứng nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu (GACP) và thuốc không có chứng nhận này cũng chỉ chênh nhau hai điểm. Những sản phẩm ít điểm hơn về chất lượng vẫn có thể đạt vì được bù điểm bằng chất lượng dịch vụ. Cho nên, có tình trạng “hòa cả làng”, thuốc nào cũng có thể đạt điểm kỹ thuật, chất lượng để được tham gia đấu giá sau đó. Do đó, đấu thầu thuốc được nhiều doanh nghiệp gọi là cuộc đấu giá, cơ hội dành nhiều cho các sản phẩm có giá thấp.

Một số doanh nghiệp sản xuất thuốc có uy tín trong nước thẳng thắn nêu ý kiến, thuốc tốt được sản xuất từ nguyên liệu “sạch”, bảo đảm chất lượng, đúng hàm lượng và theo một quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn thì không thể có giá rẻ được. Nguyên liệu, tá dược không bảo đảm chất lượng, hàm lượng bị rút bớt về gần sát gần dưới tiêu chuẩn cho phép, đương nhiên sẽ cho ra những sản phẩm có giá cạnh tranh với thuốc tốt, và như vậy thị trường vẫn còn thuốc không đạt chất lượng là điều không quá khó hiểu. Một số doanh nghiệp cũng từng đề nghị để có thuốc tốt, giá phù hợp đến người sử dụng thì cần có những cơ chế chính sách ưu tiên cho các đơn vị sản xuất thuốc nghiêm chỉnh.

Một khi vướng mắc trong đấu thầu thuốc nêu trên chưa được tháo gỡ thì chưa có cơ sở để giảm thuốc kém chất lượng. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh thuốc đang trông chờ một sự thay đổi cơ chế đấu thầu và nâng cao trách nhiệm của công tác hậu kiểm để làm lành mạnh môi trường kinh doanh. Người sử dụng thuốc có quyền đòi hỏi được dùng sản phẩm bảo đảm an toàn, thay vì lo lắng thuốc không đạt chất lượng, thuốc giả vẫn “lởn vởn" trên thị trường. (Nhân dân trang 1)

 Đại hội thi đua yêu nước Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và ngành giáo dục và đào tạo

Sáng 29-9, tại Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IV, nhằm đánh giá kết quả phong trào thi đua, công tác khen thưởng của Hội 5 năm qua (2010-2015) và xác định mục tiêu, nhiệm vụ phong trào thi đua của toàn Hội, giai đoạn 2016-2020; trao giải cuộc thi ảnh “Sức mạnh nhân đạo”. Tới dự, có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng T.Ư; đại diện một số bộ, ngành và tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch danh dự T.Ư Hội CTĐ Việt Nam gửi thư chúc mừng. Bức thư có đoạn: “Tôi ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương kết quả các phong trào thi đua yêu nước của Hội CTĐ Việt Nam trong những năm qua; nhiệt liệt biểu dương những đóng góp không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên CTĐ cả nước cho sự nghiệp nhân đạo của đất nước, cùng chung tay, góp sức với tinh thần tất cả vì người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội. Trong những năm tới, tôi đề nghị các cấp Hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua, gắn bó chặt chẽ với đối tượng, địa bàn cụ thể, bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở mỗi địa phương và cả nước. Nhân dịp này, tôi kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân chủ động, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước của Hội CTĐ Việt Nam, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, giáo dục truyền thống nhân ái trong các thế hệ người Việt Nam”.

5 năm qua, toàn Hội đã vận động trợ giúp hơn 80 triệu lượt người với tổng trị giá đạt hơn 13.500 tỷ đồng. Các cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” trợ giúp 600.389 người với tổng trị giá đạt 2.039 tỷ 190 triệu đồng; Dự án “Ngân hàng bò”, Chương trình “Ngân hàng bò - Chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới” tặng 16.311 con bò giống trị giá hơn 162 tỷ đồng cho các gia đình đặc biệt khó khăn; phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" trợ giúp 8.282.268 lượt người nghèo và nạn nhân chất độc da cam...

Phát biểu ý kiến tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Hội CTĐ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua làm nhân đạo trong hệ thống Hội và trong các tầng lớp nhân dân, làm cho công tác thi đua, khen thưởng trong toàn Hội thật sự trở thành động lực thúc đẩy phong trào CTĐ ở cơ sở, góp phần đoàn kết nhân dân, giáo dục lòng nhân ái trong các tầng lớp nhân dân. Chú trọng xây dựng, phát hiện nhân tố mới, điển hình tiên tiến để nhân rộng, góp phần tạo thêm những tấm gương tốt trong hoạt động nhân đạo để vận động quần chúng noi theo. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua, tránh cách làm hình thức, bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương, đơn vị, phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong các phong trào thi đua của Hội. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/T.Ư của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội CTĐ Việt Nam, Luật hoạt động CTĐ, trợ giúp ngày càng có hiệu quả các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội vươn lên trong cuộc sống.

Nhân dịp này, 458 cá nhân điển hình tiên tiến được T.Ư Hội CTĐ Việt Nam tôn vinh; 29 tỉnh, Thành Hội được nhận Cờ của Ban Chấp hành T.Ư Hội CTĐ Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua 5 năm liên tục, giai đoạn 2010-2015.

* Ngày 29-9, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tổ chức kỷ niệm 70 năm nền giáo dục Việt Nam (1945-2015), Đại hội Thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ sáu và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất. Đến dự, có đồng chí nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch QH; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Theo Bộ trưởng GD và ĐT Phạm Vũ Luận, kể từ sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, đến nay, giáo dục nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Cả nước có hơn 22,3 triệu học sinh, sinh viên. Mạng lưới cơ sở giáo dục được phát triển mạnh, phân bố đều khắp các địa phương, không còn “xã trắng” về giáo dục mầm non. Các đội tuyển học sinh quốc gia liên tiếp đạt thứ hạng cao trong các kỳ thi khoa học, kỹ thuật, Ô-lim-pích khu vực và quốc tế. Trong 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành T.Ư về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT, toàn ngành đã có nhiều nỗ lực thi đua làm theo lời Bác. Trong phong trào thi đua “dạy tốt”, có nhiều tấm gương nhà giáo tiêu biểu, đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục. Trong giai đoạn 2010 - 2015, ngành giáo dục có 11 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; bốn tập thể được tặng thưởng Huân chương Sao vàng; 15 tập thể được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; 171 tập thể được tặng thưởng Huân chương Độc lập…

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng những thành tựu của ngành GD và ĐT đạt được trong 70 năm qua. Đồng chí khẳng định, nước ta có quyền tự hào rằng, năm 1945, hơn 95% dân số không biết chữ, cứ một triệu người dân mới có 32 người có trình độ cao đẳng, đại học thì ngày nay đã hoàn thành phổ cập tiểu học vào năm 2000, phổ cập THCS năm 2010 và đang thực hiện phổ cập mầm non năm tuổi. Mỗi năm có khoảng một triệu học sinh tốt nghiệp THPT và gần nửa triệu học sinh vào học đại học, cao đẳng. Những thành tựu to lớn của giáo dục nước nhà trong 70 năm qua gắn liền với kết quả phong trào thi đua yêu nước thực hiện lời dạy của Bác Hồ về thi đua dạy tốt, học tốt với hàng triệu tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được Đảng, Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, trong những năm tới ngành GD và ĐT cần thực hiện tốt hơn nữa các phong trào thi đua theo lời dạy của Bác Hồ; phát huy và nhân rộng hơn nữa mô hình mới, cách làm hay của các điển hình tiên tiến; biểu dương khen thưởng kịp thời những tấm gương có đóng góp xuất sắc cho sự phát triển giáo dục nước nhà. Triển khai quyết liệt và đồng bộ các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ để đổi mới căn bản toàn diện GD và ĐT, mở rộng hợp tác quốc tế; kiên quyết khắc phục các hạn chế, đẩy lùi yếu kém trong giáo dục. Các cấp ủy chính quyền từ T.Ư đến địa phương tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành GD và ĐT, coi giáo dục thật sự là quốc sách hàng đầu; cùng ngành GD và ĐT hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của nhân dân, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước. (Nhân dân trang 1)

 Vướng mắc trong bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên

Ngày 29-9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) cùng Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam họp bàn và đề xuất biện pháp tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV).

Bộ GD và ĐT cho biết, hiện có khoảng 90% số HSSV tham gia BHYT. Đầu năm học, Bộ đã ban hành văn bản yêu cầu các sở GD và ĐT, các trường tăng cường triển khai thực hiện công tác BHYT, bảo đảm 100% số HSSV tham gia BHYT. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật về BHYT chưa cụ thể, gây khó khăn cho quá trình thực hiện. Đó là: Luật BHYT quy định đối tượng HSSV có thể đóng BHYT ba tháng, sáu tháng hoặc 12 tháng, trong khi đó, Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện BHYT lại hướng dẫn nhà trường thu BHYT của HSSV có thể sáu tháng hoặc một năm/lần. Để thống nhất, cần quy định rõ phương thức đóng theo hướng sáu tháng một lần. Những nội dung nào được chi từ khoản tiền nhà trường được trích lại từ tiền thu quỹ BHYT cũng cần được hướng dẫn rõ để dễ thực hiện. Hiện có khoảng 30% số trường trong cả nước không đủ điều kiện về cán bộ y tế và cơ sở vật chất của y tế trường học, cho nên không được cấp nguồn kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nếu các trường này phải hợp đồng với trạm y tế xã, phường thì việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh không bảo đảm do trạm y tế nhiều việc, cần có giải pháp phù hợp. Bộ Y tế cho biết, những vướng mắc nói trên sẽ được xem xét điều chỉnh trong quá trình sửa đổi Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC sắp tới. (Nhân dân trang 8)

 Thành lập 10 đoàn công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết

Ngày 28/9 Bộ Y tế vừa có quyết định thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2015 tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước.

 
 

Đoàn sẽ kiểm tra tại 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang, Đắk Lắk và Gia Lai.

Theo đó, các đoàn sẽ làm việc với lãnh đạo sở y tế, văn phòng UBND tỉnh về các hoạt động triển khai công điện số 1632/CĐ-TTg ngày 11/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng chống sốt xuất huyết tập trung vào các biện pháp giảm mắc, giảm tử vong, công tác tuyên truyền và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự phối hợp liên ngành trong phòng chống dịch sốt xuất huyết tại địa phương.

Bộ Y tế cũng đã có công điện khẩn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố  đề nghị địa phương trực tiếp chỉ đạo các đơn vị ngành y tế phối hợp với các ngành, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy) thông qua các hoạt động vệ sinh môi trường, xử lý dụng cụ phế thải, dụng cụ chứa nước nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh.

Các hoạt động này được duy trì 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao; 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại nhằm hạn chế sự lây lan của dịch sốt xuất huyết. (Tiền phong, An ninh Thủ đô, Công an Nhân dân trang 1)

 60 loại thuốc bị rút số đăng ký không ảnh hưởng tới chất lượng chữa bệnh

Trong 60 loại thuốc bị rút số đăng ký vào tháng 9/2015, có tới 51 loại thuốc không còn nhu cầu sản xuất, kinh doanh nên bị thị trường từ chối.

Trước sự lo lắng của người dân, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, trong số 60 loại thuốc bị rút số đăng ký, chỉ có 2 loại thuốc do vi phạm chất lượng, còn có tới 51 thuốc do doanh nghiệp tự xin rút đăng ký vì không còn nhu cầu sản xuất, kinh doanh theo quy định hiện hành.

Có 6 loại thuốc của Công ty Sanofi-Aventis Việt Nam bị rút số đăng ký lưu do hồ sơ công bố là biệt dược gốc, nhưng thuốc nhập khẩu không phải là thuốc gốc. Một loại thuốc vi phạm do sản xuất không đúng với hồ sơ đăng ký lưu hành và 2 loại thuốc khác vi phạm về chất lượng thuốc do không đạt tiêu chuẩn chất lượng thuốc về chỉ tiêu hàm lượng nước cao hơn so với hồ sơ đã được cấp số đăng ký.

Thực tế này cho thấy, công tác tiền kiểm của ta còn lỏng lẻo, nếu không muốn nói là quan liêu hành chính. Bởi, theo ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, thì ở nước ngoài, muốn nhập thuốc là phải đến tận cơ sở sản xuất thuốc của nước xuất khẩu để kiểm tra. Trong khi ở Việt Nam hoàn toàn thực hiện trên giấy tờ.

Chính vì thế, ông Tiên Nguyễn Văn Tiên đã đề nghị Bộ Y tế cần đưa việc kiểm tra các nhà máy sản xuất dược nước ngoài trước và sau khi đăng ký vào nguyên tắc chung của Luật Dược sửa đổi.

Một câu hỏi nữa cũng được đặt ra là vì sao thuốc Ấn Độ luôn có trong danh sách các thuốc kém chất lượng, mà Việt Nam vẫn nhập về? Ông Đông lý giải: Ấn Độ có nhiều nhà sản xuất dược phẩm, có nền sản xuất nguyên liệu làm thuốc phát triển nên có nhiều lợi thế cạnh tranh trong việc xuất khẩu thuốc nguyên liệu và thuốc thành phẩm rất nhiều sang các nước, trong đó có Việt Nam.

Với số lượng lớn thuốc của các nhà sản xuất Ấn Độ lưu hành trên thị trường thì tỷ lệ thuốc kém chất lượng nhiều hơn các nước khác là không tránh khỏi.  Ấn Độ có khoảng 3.500 thuốc đăng ký tại Việt Nam thường xuyên và số vi phạm chất lượng năm 2014 là 31 thuốc (chưa đến 1%), còn từ đầu năm 2015 đến nay chỉ có 2 loại thuốc Ấn Độ vi phạm chất lượng đã bị rút số đăng ký.

Với việc hàng loạt thuốc bị rút số đăng ký lưu hành, nhiều người lo lắng khi đã trót mua phải các loại thuốc kém chất lượng đó sẽ ảnh hưởng đến kết quả chữa bệnh.

Đại diện của Cục quản lý dược cho rằng, người sử dụng thuốc có thể tiến hành các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật dân sự để yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bồi thường thiệt hại.

Là cơ quan quản lý Nhà nước về dược, Cục Quản lý dược sẽ xem xét, giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng và giám sát việc thực hiện của các sơ sở sản xuất, kinh doanh sau khi có kết luận xử lý. (Công an Nhân dân trang 4)

 Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhận tài trợ 1,3 tỷ đồng

Chiều 28/9, tại Hà Nội, Agribank chi nhánh Láng Hạ đã trao gói 1,3 tỷ đồng tài trợ an sinh xã hội đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; đồng thời, hai đơn vị đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện.

Trong thỏa thuận, mục đích chính là: Hàng năm Agribank Láng Hạ sẽ thực hiện chương trình tài trợ an sinh xã hội cho Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để phục vụ cho công tác nghiên cứu, khám chữa bệnh.

Riêng trong năm 2015, trị giá gói tài trợ an sinh xã hội của Agribank Láng Hạ dành cho Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã lên đến 1,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, phía ngân hàng Agribank tổ chức cho vay, bảo lãnh trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc mở rộng quy mô hoạt động, hiện đại hóa các cơ sở khám chữa bệnh, dịch vụ đầu tư tiền gửi có kỳ hạn VNĐ hoặc ngoại tệ cũng như các khoản thu dịch vụ khác qua thẻ thanh toán, máy POS…

Ngoài ra, Agribank Láng Hạ và Bệnh viện Đai học Y Hà Nội cũng sẽ thực hiện các hoạt động hợp tác về truyền thông, phát triển thương hiệu. (Công an Nhân dân trang 4)

 Thuốc cản quang hadubaris gây ngộ độc

Sau khi nhận được công văn của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai báo cáo bệnh nhân bị ngộ độc sau khi uống thuốc cản quang hadubaris. Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn gửi các sở y tế thông báo về việc tạm ngừng sử dụng thuốc Hadubaris; đồng thời yêu cầu Công ty cổ phần dược vật tư y tế Hải Dương tạm dừng việc sản xuất và đưa ra phân phối sản phẩm thuốc này. Công ty có trách nhiệm thông báo tạm ngừng phân phối, sử dụng thuốc Hadubaris đến các cơ sở phân phối, sử dụng và báo cáo về nguồn nguyên liệu Bari Sulphat sử dụng sản xuất thuốc Hadubaris. Theo báo cáo của Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, trung tâm đã tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc Bari sau khi uống thuốc cản quang Hadubaris (chỉ định cho bệnh nhân chụp X-quang). Thuốc có số đăng ký VD-18438-13 do Công ty cổ phần dược vật tư y tế Hải Dương sản xuất. (Tiền phong trang 7)

 Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp: Người dân vẫn… thờ ơ

Như Báo Hànộimới đã đưa tin, cả nước đã ghi nhận gần 40 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó có 24 trường hợp tử vong. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, thời gian tới, dịch SXH sẽ còn diễn biến rất phức tạp.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã chính thức thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống SXH tại 20 tỉnh, thành phố. Thế nhưng, cái khó trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH là ý thức người dân chưa cao.
Không có quyền kiểm tra, xử phạt
Trong những tuần qua, số mắc SXH tiếp tục tăng mạnh. Riêng tại Hà Nội, tính từ đầu năm đến ngày 1-9, toàn thành phố ghi nhận gần 1.300 trường hợp mắc SXH, thì đến ngày 10-9 đã tăng lên tới hơn 1.800 trường hợp. Tính đến ngày 29-9, tổng số ca mắc bệnh là khoảng 2.700 bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện chỉ còn 320 trường hợp đang điều trị tại viện, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Các quận, huyện có số ca SXH cao là Hoàng Mai, Thanh Trì, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Thanh Xuân.
 Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại một số bệnh viện (BV), do phát hiện muộn, nên quá trình điều trị của nhiều bệnh nhân SXH kéo dài, thậm chí có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng. Như trường hợp chị Đặng Thị H. (ở Hoàng Mai, Hà Nội), khi bị sốt cao đến ngày thứ 4, mới được gia đình đưa vào BV Bệnh Nhiệt đới trung ương. Trước đó, vì tưởng bị sốt, cảm bình thường nên chỉ cho uống thuốc hạ sốt và truyền nước. Hay như mới đây, các bác sĩ BV Bạch Mai tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Nguyễn Đình T. (23 tuổi, sinh viên Trường Đại học Xây dựng) bị biến chứng viêm não - màng não do SXH.
Bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Phó Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng (BV Bệnh Nhiệt đới trung ương) cho biết, đa số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chủ quan không nghĩ mình mắc SXH cho đến khi nổi ban trên da, nôn thốc nôn tháo, đau bụng dữ dội... mới đến viện. Nhiều bệnh nhân đến viện đã có hiện tượng xuất huyết do tiểu cầu giảm như: Chảy máu cam, tiểu cầu giảm, xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hóa… Bình thường, thời gian để điều trị một ca SXH là 7 - 8 ngày nhưng nếu phát hiện, điều trị muộn, thời gian sẽ kéo dài và có nguy cơ đe dọa đến tính mạng.
Đáng chú ý, dịch SXH đang có dấu hiệu bùng phát tại những khu vực, những tỉnh, thành phố có nhiều công nhân lao động nghèo - điều kiện kinh tế khó khăn, đang phải sống trong những khu dân cư, nhà trọ chật chội, ẩm mốc, môi trường ô nhiễm… Và nhận thức của họ về các biện pháp phòng, chống SXH còn hạn chế.
Đề cập đến những khó khăn trong công tác phòng, chống SXH, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho rằng, khó khăn trước hết là vấn đề di biến động dân cư lớn. Số bệnh nhân mắc SXH chủ yếu tập trung ở các khu trọ. Thêm vào đó trong quá trình đô thị hóa còn xen kẽ các bãi đất trống không có chủ ở tạo thuận lợi cho các ổ bọ gậy, khó kiểm soát. Chính vì vậy, nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại ký túc xá, nơi thuê trọ là rất lớn. Tuy nhiên, ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân vẫn chưa cao. Ngay trong tháng 9, thành phố đã triển khai phun hóa chất phòng, chống dịch tại 30 xã, phường trọng điểm. So với những tháng trước đó, người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn ghi nhận khoảng 10% các hộ dân không hợp tác vì sợ việc phun hóa chất diệt muỗi sẽ ảnh hưởng đến trẻ em, phụ nữ có thai…
Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu, qua kiểm tra tại nhiều địa phương, còn không ít hộ dân vẫn để khá nhiều chum, vại chứa nước, trưng bày nhiều lọ hoa, bình hoa tạo cơ hội cho muỗi gây SXH đẻ trứng.
Huy động cả công an vào cuộc
Không thể loại trừ SXH trong cộng đồng như một số dịch bệnh khác, ngay cả khi có vắc xin phòng bệnh, bởi bệnh này có đến 4 týp. Nếu người mắc SXH đã mắc ở một týp thì chỉ miễn dịch với týp đó và vẫn có thể mắc các týp còn lại. Thế nhưng, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, SXH không phải là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, hoàn toàn có thể phòng tránh bằng những biện pháp đơn giản như: Dọn vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt cung quăng, bọ gậy, diệt muỗi, ngủ phải mắc màn… Điều quan trọng để phòng, chống SXH hiệu quả là phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và không thể thiếu ý thức tự phòng, tránh của người dân.
Dự báo, tình hình dịch bệnh SXH sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, thời tiết chuyển mùa, nắng mưa thất thường hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, trong đó có muỗi truyền bệnh SXH. Do đó, các địa phương cần tính tới những phương án ứng phó kịp thời khi dịch lan rộng như: Phân tuyến, chỉ đạo tuyến, giải quyết vấn đề nhân lực, chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, thuốc… điều trị kịp thời, không để xảy ra ca bệnh tử vong.
Trước tình hình này, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội phối hợp các cơ sở y tế trực thuộc kết hợp với chính quyền địa phương tăng cường giám sát, tập trung xử lý ổ dịch bệnh SXH nhằm khống chế dịch bệnh phát tán ra diện rộng, đồng thời tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân giữ gìn vệ sinh môi trường. Ông Nguyễn Nhật Cảm cho rằng, điểm mới trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH năm nay của thành phố là có thêm lực lượng công an vào cuộc. Đơn cử, tại những điểm "nóng" về dịch SXH như quận Hoàng Mai đã huy động lực lượng công an cùng tham gia vận động, thuyết phục người dân phun thuốc chống dịch. "Trước mắt, Hà Nội mới chỉ áp dụng hình thức tuyên truyền, giáo dục để tăng cường ý thức "chống" dịch trong nhân dân. Tuy nhiên, trong thời gian tới, trường hợp nào không tích cực tham gia, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch, chúng tôi sẽ đề xuất áp dụng chế tài xử phạt hành chính đối với trường hợp đó", ông Nguyễn Nhật Cảm nhấn mạnh. (Hà Nội mới trang 1)

 Tăng cường công tác truyền thông, cung cấp thông tin y tế

Thực hiện Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4445/QĐ-BYT để quy định rõ trách nhiệm của Người phát ngôn và Chỉ thị 07/CT-BYT về tăng cường công tác truyền thông, cung cấp thông tin y tế. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương, đơn vị, công tác phát ngôn và cung cấp thông tin y tế chưa được quan tâm thực hiện, chưa phân công người phát ngôn cũng như chưa thực hiện có hiệu quả việc cung cấp thông tin thường xuyên, đột xuất cho các cơ quan báo chí và dư luận nhân dân. Đặc biệt tại một số đơn vị, địa phương khi gặp những vấn đề nổi cộm, dư luận bức xúc đã không kịp thời tiếp thu, xử lý và còn né tránh cung cấp thông tin cho báo chí. Điều này gây ảnh hưởng đến các hoạt động của ngành y tế cũng như uy tín của ngành, tạo hình ảnh không tốt đối với người dân.

Trước vấn đề này, Bộ Y tế vừa có Công văn số 7166/BYT-TT-KT về việc “Báo cáo thực hiện Chỉ thị 07/CT-BYT về tăng cường công tác truyền thông, cung cấp thông tin y tế. Theo đó Bộ Y tế yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động thực hiện công tác truyền thông, cung cấp thông tin y tế, cụ thể như sau:

Tăng cường thực hiện các nội dụng của công tác truyền thông, cung cấp thông tin y tế, được quy định tại Chỉ thị số 07/CT-BYT ngày 19/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Khẩn trương hoàn thiện, triển khai kế hoạch, chủ động tổ chức cung cấp thông tin thường xuyên và đột xuất về các lĩnh vực hoạt động của đơn vị cho các cơ quan truyền thông đại chúng. Trong trường hợp có các thông tin liên quan đến hoạt động của đơn vị đang được dư luận quan tâm, theo dõi, hoặc gây bức xúc, phản ánh chưa đầy đủ, chính xác gây ảnh hưởng không tốt đến công tác của đơn vị và ngành y tế, Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm xử lý kịp thời, làm rõ và giải trình thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng khi cần thiết.

Báo cáo kết quả thực hiện công tác truyền thông, cung cấp thông tin y tế, thực hiện Chỉ thị số 07/CT-BYT ngày 19/6/2014 của Bộ Y tế, Quyết định 4445/QĐ-BYT ngày 5/11/2013 của Bộ Y tế về Bộ Y tế, qua Vụ Truyền thông và Thi đua, Khen thưởng, và email: thunguyettran@gmail.com trước ngày 15/10/2015. (Sức khỏe & Đời sống trang 3)

Người cao tuổi ăn uống thế nào để luôn khỏe?

Khi tuổi càng cao, các chức năng vận động, tiêu hóa và tinh thần đều suy giảm, thoái hóa làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và sử dụng các chất dinh dưỡng. Do vậy, người cao tuổi (NCT) cần ăn uống phù hợp, đảm bảo dinh dưỡng để nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ.

Ăn uống phù hợp

NCT cần ăn thành nhiều bữa nhỏ, tạo không khi vui vẻ thoải mái. Khi ăn cần ăn chậm nhai kỹ thức ăn. Nên ăn các thức ăn thực vật như: vừng, lạc, đậu đỗ, rau xanh và hoa quả chín, ăn ít thịt thay vào đó là cá, tôm. Chế biến các món hấp luộc nhừ thay thế các món rán nướng.

Nên ăn thay đổi thực đơn thường xuyên, tránh đơn điệu để bữa ăn sẽ ngon hơn. Các món ăn chế biến mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để phù hợp với hàm răng yếu và dễ tiêu hóa.

Không ăn quá no nhất là vào buổi tối, sau khi ăn xong nên ngồi hoặc đi lại nhẹ nhàng trong vòng 30 phút sẽ giúp dạ dày nhào trộn thức ăn và dễ tiêu.

Đảm bảo đủ chất dinh dưỡng

Về chất đạm: nhu cầu protein từ 60-70 gam/ngày, trong đó đạm động vật chiếm 30% tổng số protein. Người cao tuổi ăn ít thịt, thay vào đó là các thực phẩm giàu canxi như: cá, tôm, cua (100g tép chứa 910mg canxi, 100g cua chứa 5.040mg canxi). Các protein thực vật như đậu đỗ, vừng lạc, đậu phụ vì chúng có nhiều chất xơ giúp thải lượng cholesterol. Hạn chế ăn thực phẩm có nhiều cholesterol như: nội tạng động vật, óc. Nên ăn ít nhất 3 bữa cá/1 tuần, 3 quả trứng/1 tuần, nên ăn thêm sữa chua (dễ tiêu và có lợi cho tiêu hóa).

Về chất béo: nên ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật, tỷ lệ chất béo thực vật chiếm 35% tổng lượng chất béo. Dầu thực vật tốt với người có tăng huyết áp, không có cholesterol và ít acid béo bão hòa (dưới 40%) hơn mỡ động vật.

Nhu cầu vitamin và khoáng chất: nhu cầu chất xơ 25g/ngày, đặc biệt là chất xơ hòa tan có tác dụng làm giảm cholesterol và đường máu, nó tốt với người tiểu đường, tăng huyết áp. NCT thường bị loãng xương và thiếu các vitamin, khoáng chất. Cần ăn các loại rau xanh, hoa quả giàu vitamin và khoáng chất, mỗi ngày nên ăn 300g rau xanh và 100g hoa quả.

Hạn chế: ăn các thực phẩm có hàm lượng muối cao như các loại dưa cà muối. Hạn chế đồ ăn, thức uống gây mất ngủ như: cà phê, chè đặc...

Uống đủ nhu cầu nước: uống đủ nước hàng ngày giúp cho tiêu hóa tốt hơn và đào thải các chất cặn bã của cơ thể. Uống từ 1,5-2 lít nước/ngày, cần chủ động uống nước không chờ khát mới uống. Nên uống nước trà xanh tốt cho tim mạch và các loại thức uống có tác dụng an thần như hạt sen, chè ngó sen,...

Chế độ sinh hoạt: NCT cần điều độ, ăn, ngủ đúng giờ. Để làm chậm quá trình lão hóa và duy trì cân nặng hợp lý bằng việc tập thể dục nhẹ hàng ngày. Mỗi buổi sáng dậy vận động 30 phút, trưa nằm nghỉ hoặc ngủ 15 phút, tối nên đi bộ 30 phút giúp ngủ ngon hơn. Ði bộ là cách vận động tốt nhất, phù hợp với người cao tuổi và có thể phòng bệnh xơ cứng động mạch và cải thiện tình trạng đau mỏi xương.

Tóm lại, NCT nên có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, tinh thần thoải mái, có một chế độ vận động vừa sức phù hợp sức khỏe và tuổi của từng người để có tuổi thọ tốt hơn. Hiện tượng lão hóa không thể dừng lại theo thời gian nhưng nếu biết vận dụng thời gian để tập thể dục thì chẳng những sức khỏe của NCT sẽ cải thiện và làm quá trình lão hóa chậm hơn. (Sức khỏe & Đời sống trang 12)

 Cắt u tuyến giáp, nối khí quản thành công

Ca phẫu thuật được ê kíp y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ thực hiện cho bệnh nhân bị khối bướu cổ xâm lấn vào khí quản.

Sáng 29-9, bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết sau một ngày được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp và cắt đoạn khí quản xâm lấn, tạo hình nối lại khí quản, bệnh nhân Nguyễn Thị Ng. đã tỉnh táo và sức khỏe ổn định.

Bệnh nhân được Bệnh viện đa khoa huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) chuyển đến, tình trạng khó thở do khối bướu to phải nằm nghiêng hoặc ngồi mới bớt khó thở.

Bác sĩ khám thấy khối bướu cổ thùy phải kích thước 6x8cm còn thùy trái có kích thước 4x5 cm chứa nhiều nhân.

Kết quả chụp CT - scan cổ ngực cho thấy bệnh nhân bị bướu giáp đa nhân 2 thuỳ, bên phải to hơn trái, có vôi hoá. Khối bướu (theo dõi ung thư tuyến giáp) đã xâm lấn vào khí quản đoạn cổ bên phải khoảng 3cm.

Bác sĩ Phạm Văn Phương - Trưởng khoa Ngoại lồng ngực nói, sau khi hội chẩn bệnh viện đã quyết định phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp cho bệnh nhân, kèm cắt đoạn khí quản xâm lấn khoảng 4cm. Tạo hình và nối lại khí quản đồng thời mở khí quản dưới chỗ khâu khí quản.

Đây là trường hợp cắt và nối khí quản đầu tiên thành công. Khó khăn là vấn đề chẩn đoán chính xác tình trạng bướu xâm lấn của bệnh nhân, đồng thời trong quá trình phẫu thuật, việc khí quản bị xâm lấn đoạn quá dài sẽ rất khó di động kéo lại để khâu kín.

Khả năng đây là dạng ung thư xâm lấn, nên khối u dính vào các cơ quan vùng cổ và ngực việc bóc tách rất dễ gây tổn thương. (Tuổi trẻ trang 14)

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang