Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 30/9/2017

  • |
T5g.org.vn - Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao quà trung thu cho bệnh nhi ung thư; Quỹ dự phòng khám chữa bệnh BHYT ngày càng cạn; Thuốc kháng sinh: Dùng như kẹo, bán như rau; Từ 1-10, đồng loạt cấp thẻ BHYT mới cho người tham gia; …

 

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao quà trung thu cho bệnh nhi ung thư

Ngày 29-9, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tới Bệnh viện K trung ương cơ sở 3 (ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) thăm hỏi, động viên và trao quà trung thu cho hơn 80 bệnh nhi ung thư đang điều trị tại khoa Nhi và một số khoa bệnh. Mỗi phần quà gồm bánh kẹo và 1 triệu đồng.

Tại đây, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng (Bộ Y tế) phối hợp với Bệnh viện K trung ương tổ chức chương trình “Trung thu cho em” nhằm xoa dịu nỗi đau, khích lệ tinh thần chiến thắng bệnh tật và mang lại cho các bé một Tết Trung thu ấm áp. Các em nhỏ được hòa mình vào các trò chơi ngộ nghĩnh, được rước đèn, phá cỗ…

 Được biết, trong 6 năm qua, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng đã vận động, tổ chức hỗ trợ điều trị và tặng quà cho hơn 16.000 bệnh nhân ung thư nghèo trên toàn quốc trị giá hơn 16 tỷ đồng; tổ chức khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư cho hơn 43.000 người dân; thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên 5 câu lạc bộ bệnh nhân ung thư vú tại 5 thành phố lớn; tổ chức các diễn đàn phòng chống ung thư… thu hút đông đảo bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tham gia. (Hà Nội mới, trang 2)

 

Thuốc kháng sinh: Dùng như kẹo, bán như rau

Mặc dù Bộ Y tế đã có những quy định chặt chẽ về việc kê đơn, bán thuốc, nhưng tình trạng lạm dụng thuốc vẫn đang diễn ra tràn lan và phức tạp.

Không ở đâu như ở Việt Nam, việc mua bán, sử dụng thuốc, nhất là các loại kháng sinh, lại dễ dàng như vậy, không cần đơn thuốc cũng có thể mua được hàng chục loại kháng sinh khác nhau trên thị trường. Tình trạng lạm dụng kháng sinh đang làm gia tăng chi phí y tế và gánh nặng bệnh tật.

Báo động đỏ

Hơn 10 ngày nằm viện tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, bệnh nhi N.T.Hà (5 tuổi, ở Phú Xuyên, Hà Nội) vẫn sốt và khó thở vì biến chứng viêm phổi. Mệt mỏi vì nhiều đêm thức trắng chăm con, chị Thúy (mẹ cháu N.T.Hà) chia sẻ: “Mới đầu, cháu chỉ bị sốt và húng hắng ho, cứ nghĩ cháu bị cảm cúm và viêm họng nên như mọi lần, tôi lại ra hiệu thuốc mua ít thuốc hạ sốt và kháng sinh cho cháu uống. Tuy nhiên, sau 5 ngày uống hết chỗ thuốc tôi mua, bệnh cháu lại nặng thêm, buộc tôi phải đưa cháu vào viện cấp cứu. Tại đây, sau khi khám, xét nghiệm, chụp X-quang, bác sĩ cho biết con tôi bị biến chứng viêm phổi nặng do dùng thuốc không đúng loại”.

TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, lo lắng cho biết BV đã tiếp nhận không ít các trường hợp trẻ nhỏ nguy kịch về sức khỏe do việc cha mẹ tự ý cho trẻ uống thuốc mỗi khi trẻ đau ốm, dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Đáng lưu ý, qua các nghiên cứu sàng lọc bệnh nhi nhập viện, BV phát hiện có tới 30% bệnh nhi có vi khuẩn kháng thuốc, đây là tình trạng rất đáng báo động vì việc điều trị cho trẻ sẽ rất khó khăn và nan giải.

Không chỉ khiến trẻ nhỏ bị kháng thuốc, việc sử dụng thuốc tràn lan, bừa bãi, nhất là với các loại thuốc kháng sinh, ở người lớn cũng đang dẫn tới những hệ lụy vô cùng nguy hại. PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết tình trạng kháng thuốc, đặc biệt các vi khuẩn đa kháng hoặc siêu đa kháng thuốc đã đến mức báo động.

Là đơn vị theo dõi mạng lưới kháng thuốc của nhiều cơ sở khám chữa bệnh, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương phát hiện thời gian gần đây tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn phế cầu gia tăng và được ghi nhận ở khoảng 30% - 40% số bệnh nhân.

Trong khi đó, vi khuẩn phế cầu rất nguy hiểm. Loại vi khuẩn này cư trú ở vùng hầu họng của người trưởng thành, dẫn đến các bệnh như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết. Tệ hơn trong trường hợp một bệnh nhân bị mắc vi khuẩn phế cầu nếu kháng tất cả các loại thuốc kháng sinh thì nguy cơ tử vong rất cao.

PGS-TS Nguyễn Văn Kính cũng cảnh báo, với tình trạng lạm dụng kháng sinh tràn lan, thiếu cân nhắc như hiện nay, thì chỉ sau 10 - 20 năm, chúng ta sẽ không còn thuốc chữa các bệnh nhiễm trùng. Vì kháng thuốc, con người có thể bị tử vong chỉ vì một vết cắt chảy máu do bị nhiễm trùng.

Gánh nặng lớn

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng kháng kháng sinh đang là vấn đề quan ngại mang tính toàn cầu, làm tăng chi phí y tế, kinh tế, xã hội, cũng gia tăng gánh nặng bệnh tật và tử vong.

Trong số các nước đang phát triển, Việt Nam được xem là quốc gia có tình trạng kháng kháng sinh nghiêm trọng nhất và đứng hàng đầu thế giới, do không kiểm soát được việc sử dụng kháng sinh trong cộng đồng.

Báo cáo toàn cầu về kháng thuốc của WHO mới đây (được tổng hợp từ 114 quốc gia) chỉ rõ, do kháng thuốc, tình trạng người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong đã tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi. Trong đó, tại châu Âu, số ngày nằm viện tăng 2,5 triệu ngày với số người tử vong lên tới 25.000 ca/năm. Còn ở Mỹ, khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm do kháng thuốc, đồng thời dẫn tới các chi phí để giải quyết vấn đề kháng thuốc lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Lý giải cho tình trạng kháng thuốc nói chung và kháng kháng sinh đang báo động ở nước ta, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, cho biết hiện nay, việc quản lý kê đơn nội trú được kiểm soát khá chặt chẽ qua áp dụng hình thức kê đơn điện tử, giảm nhiều sai sót; thế nhưng, việc thực hiện quy chế kê đơn thuốc ngoại trú vẫn chưa tốt. Vì thế còn tình trạng kê đơn theo tên thương mại đối với trường hợp thuốc không có nhiều hoạt chất.

Nội dung ghi đơn hướng dẫn sử dụng thuốc còn sai sót, chưa đầy đủ về hàm lượng, liều dùng, thời điểm dùng. Tình trạng sử dụng, mua bán thuốc không có toa của bác sĩ còn khá phổ biến. Người dân vẫn tự ý điều trị kháng sinh, uống thuốc không đúng quy định, không đúng phác đồ. Trong khi đó, nhiều BV tuyến tỉnh đang có tình trạng lạm dụng kháng sinh thế hệ 3. Thống kê cho thấy, trong hơn 5 năm qua, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra cộng đồng đã tăng gấp 2 lần.

Để ngăn chặn mối đe dọa không có thuốc chữa được bệnh do vi khuẩn kháng thuốc gây ra, Bộ Y tế yêu cầu tới đây các nhà thuốc đạt GPP (thực hành nhà thuốc tốt) cần ứng dụng công nghệ thông tin, trang bị hệ thống camera để quản lý việc bán thuốc theo đơn. Cục Quản lý dược cần sớm thí điểm giám sát bán thuốc theo đơn tại một số nơi, đặc biệt là các thành phố lớn.

Đồng thời, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế, siết chặt công tác chống nhiễm khuẩn ở khu hậu phẫu, sử dụng kháng sinh hợp lý trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó, nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh không lạm dụng thuốc kháng sinh như một thuốc thông thường, chỉ sử dụng kháng sinh khi chắc chắn có dấu hiệu hay bằng chứng của sự nhiễm trùng và phải có chỉ định, cũng như đơn thuốc của bác sĩ. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

 

Mức tăng trưởng về chiều cao của người Việt vẫn rất thấp

Theo công bố mới được Tổng hội Y học Việt Nam đưa ra tại hội thảo khoa học về tầm vóc cơ thể, người Việt Nam có chiều cao trung bình thấp so với thế giới.

Nam giới Việt Nam đứng thứ 19 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới. Nữ giới đứng thứ 13 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới.

Theo TS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, các nghiên cứu trong hơn 30 năm qua cho thấy mức tăng trưởng về chiều cao của người Việt Nam vẫn rất thấp. Chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam chỉ tăng thêm 4,4cm (từ 1,6m lên 1,644m), chiều cao trung bình của nữ giới tăng 3,4cm (từ 1,5m lên 1,534m).

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc phát triển chiều cao của người dân còn rất hạn chế, trong đó chủ yếu là do thiếu các yếu tố vi chất dinh dưỡng. PGS-TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết trong 30 năm qua, tỷ lệ biến đổi suy dinh dưỡng giảm ngoạn mục từ 51% xuống 14%, nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi chỉ giảm một nửa, từ 59,7% xuống 26%.

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất, ở nước ta, cứ 6 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ suy dinh dưỡng; trong 10 trẻ thì có 7 trẻ thiếu kẽm; cứ 2 trẻ thì có 1 trẻ thiếu máu. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

 

Đưa vào hoạt động đơn vị chẩn đoán trước sinh

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vừa đưa vào hoạt động đơn vị chẩn đoán trước sinh thuộc Khoa Phụ sản. Đơn vị này giúp dự phòng sớm, chẩn đoán kịp thời và điều trị toàn diện các bất thường xảy ra ở mẹ lẫn con trong thai kỳ.

Đơn vị chẩn đoán trước sinh được bố trí riêng biệt tại lầu 2, khu B của bệnh viện. Việc tư vấn, khám thai, theo dõi siêu âm và làm thủ thuật được thực hiện với quy trình khép kín, giúp thai phụ rút ngắn thời gian chờ đợi, di chuyển. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

 

Từ 1-10, đồng loạt cấp thẻ BHYT mới cho người tham gia

 

Việc in, cấp sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mới sẽ triển khai đồng loạt cho người tham gia trên cả nước từ ngày 1-10-2017.

Ngày 28-9, tại hội nghị cung cấp thông tin thường kỳ tháng 9-2017 của BHXH Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Trưởng ban Sổ thẻ (BHXH Việt Nam), cho biết việc in, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT mới sẽ triển khai đồng loạt cho người tham gia trên cả nước từ ngày 1-10-2017 khi tỉ lệ người tham gia được đồng bộ quản lý theo mã số BHXH đạt từ 70% trở lên.

Trước thời điểm này, BHXH các tỉnh, thành phố vẫn tiến hành rà soát, đồng bộ dữ liệu và cấp lại, cấp đổi sổ BHXH, thẻ BHYT phát sinh do mất, hỏng, điều chỉnh thông tin theo mã số BHXH.

Trong thời gian chờ đồng bộ, mã số BHXH, sổ BHXH và thẻ BHYT đã cấp mà chưa được đổi, cấp lại theo mẫu mới vẫn có giá trị sử dụng đến khi được cấp, đổi lại.

Trong thời gian đầu thực hiện tra cứu giá trị sử dụng thẻ BHYT trên cổng thông tin giám định BHYT, trường hợp người tham gia dùng thẻ còn giá trị sử dụng đi khám chữa bệnh nhưng cơ sở khám chữa bệnh tra cứu trên cổng phát hiện thẻ BHYT đã hết giá trị sử dụng thì thông báo cho cơ quan BHXH kiểm tra. Đồng thời vẫn phải đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh bình thường cho người tham gia (trừ trường hợp BHXH nơi cấp thẻ thông tin lại người đó đã ngừng đóng BHYT).

Trước đó, ngày 8-8-2017, BHXH Việt Nam ban hành quy định về việc cấp sổ BHXH, thẻ BHYT theo mã số BHXH. Theo đó, mã số BHXH cấp cho người tham gia là 10 ký tự cuối của thẻ BHYT, không thay đổi trong suốt quá trình tham gia, đóng và hưởng BHXH, BHYT.

Việc cấp sổ BHXH và thẻ BHYT theo mẫu mới giúp cơ quan BHXH hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý người tham gia theo hộ gia đình và giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người tham gia khi giải quyết chế độ BHXH và khám chữa bệnh BHYT được thuận lợi. Cạnh đó, cơ sở khám chữa bệnh BHYT dễ dàng tra cứu thông tin về thẻ BHYT, chống các hành vi sử dụng thẻ BHYT giả mạo để lạm dụng quỹ BHYT.

Về phía người tham gia, khi tiếp tục đăng ký tham gia BHXH, BHYT, xác nhận quá trình tham gia và giải quyết chế độ BHXH, BHYT, người tham gia không cần xuất trình giấy tờ hay lập lại các thủ tục như tham gia lần đầu, chỉ cần nhớ và báo lại cho cơ quan BHXH mã số BHXH khi làm thủ tục... (Pháp luật TPHCM, trang 2)

 

Quỹ dự phòng khám chữa bệnh BHYT ngày càng cạn

Dự kiến, cuối năm 2017, quỹ dự phòng còn hơn 38.000 tỉ đồng và năm 2018 còn 23.410 tỉ đồng. Với nguồn kinh phí này, đủ cân đối quỹ BHYT ít nhất đến hết năm 2019.

 Ngày 29.9, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp, nội dung có phần trình bày dự thảo báo cáo của Chính phủ về quản lý, sử dụng Quỹ BHYT năm 2016; tình hình 2 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, được thảo luận tại phiên họp toàn thể ngày 29.9.

Theo dự thảo báo cáo, đến hết năm 2016, số người tham gia BHYT là 75,91 triệu, tăng 6,25 triệu người so với năm 2015, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 81,9% dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia BHYT chưa thực sự bền vững, do nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng chiếm đến 65,2%.

Quỹ BHYT năm 2016 mất cân đối thu - chi là 831 tỉ đồng, nhưng tính đến hết năm, quỹ dự phòng khám chữa bệnh BHYT đã bù đắp và số dư còn hơn 47.000 tỉ đồng.

Dự kiến, cuối năm 2017, quỹ dự phòng còn hơn 38.000 tỉ đồng và năm 2018 còn 23.410 tỉ đồng. Với nguồn kinh phí này, đủ cân đối quỹ BHYT ít nhất đến hết năm 2019.

Đáng chú ý, nhóm người lao động và người sử dụng lao động đóng tới hết năm 2016 có 11,86 triệu người tham gia BHYT, chiếm 15,6% trên tổng số người tham gia BHYT và số tiền đóng bằng 41,1% trên tổng số thu BHYT.

Tuy nhiên, trong nhóm này hiện còn khoảng 3 triệu người chưa tham gia BHYT. Số nợ tiền đóng BHYT hiện khoảng 619 tỉ đồng và có xu hướng gia tăng. Năm 2016, tổng số nợ BHYT trên 3.000 tỉ đồng. (Thanh niên, trang 4)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang