Phải công khai giá xét nghiệm COVID-19
Các cơ sở y tế phải thực hiện việc xây dựng, quyết định mức giá và kê khai, công khai giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 theo quy định của pháp luật về giá. Xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ xét nghiệm COVID-19.
Đó là yêu cầu Bộ Y tế đưa ra ngày 29/9 đối với Sở Y tế; các cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế; Y tế các bộ, ngành, các cơ sở y tế tư nhân trong việc chấn chỉnh thực hiện thu dịch vụ xét nghiệm COVID-19.
Nhiều cơ sở thu sai giá xét nghiệm
Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác xét nghiệm COVID-19, văn bản hướng dẫn việc thực hiện xét nghiệm cũng như hướng dẫn mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm COVID-19. Tuy nhiên, một số cơ sở y tế chưa thực hiện đúng các quy định về mức giá và chi trả xét nghiệm COVID-19, thu chưa đúng mức giá theo hướng dẫn, quy định giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 quá cao, gây bức xúc cho nhân dân và trong dư luận xã hội.
Về việc gần đây xuất hiện một số phản ánh khác nhau về giá xét nghiệm kháng nguyên nhanh, ngày 29/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, giá của mặt hàng test xét nghiệm SARS-CoV-2 thường phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Ví dụ, nếu test có tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới thì giá cao hơn so với tiêu chuẩn của nhà sản xuất; test có xuất xứ ở các quốc gia Âu- Mỹ thì thường đắt hơn nơi khác; ở giai đoạn cao điểm dịch gia tăng, nhà cung ứng ít thì giá sẽ cao hơn so với thời điểm dịch bệnh giảm; mua với số lượng nhiều thì thường giá sẽ rẻ hơn so với số lượng ít. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị cung cấp các sinh phẩm xét nghiệm hằng tuần cập nhật công khai giá lên Cổng công khai giá dịch vụ y tế để đảm bảo tính công khai, minh bạch và tạo điều kiện cho các đơn vị đăng ký nhằm tạo cạnh tranh giá.
“Thực hiện phương châm 4 tại chỗ nên các đơn vị, địa phương thực hiện việc mua sắm đấu thầu theo quy định. Tuy nhiên theo tôi được biết các đơn vị chủ yếu sử dụng test do các đơn vị tài trợ, như TPHCM vừa rồi được tài trợ 10 triệu test. Ngay như Bộ Y tế cũng được các tổ chức quốc tế và các đơn vị tài trợ hơn 10 triệu test để phân bổ cho các địa phương. Bộ Y tế chưa mua sắm mặt hàng này”, Thứ trưởng Thuấn thông tin.
Đề nghị đưa test xét nghiệm COVID-19 vào mặt hàng bình ổn giá
Hiện Bộ Y tế đã hoàn thiện các loại định mức xét nghiệm và đã dự thảo Thông tư về mức giá xét nghiệm xin ý kiến các Bộ, đơn vị để ban hành. Đồng thời, Bộ Y tế đang tổng hợp ý kiến để đề nghị đưa test xét nghiệm COVID-19 vào mặt hàng bình ổn giá do chưa được quy định trong luật. Đối với xét nghiệm trong các cơ sở y tế công lập, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu việc tính giá xét nghiệm nhanh kháng nguyên căn cứ vào thực thanh thực chi, cụ thể giá được tính toán dựa vào giá kit test, chi phí vật tư tiêu hao liên quan, hóa chất. Việc thanh toán theo kết quả đấu thầu mua sắm được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu. Bộ Y tế lưu ý, trường hợp thực hiện xét nghiệm gộp mẫu phải áp dụng mức giá gộp mẫu, không được áp mức giá xét nghiệm theo mẫu đơn để thu và thanh toán với người bệnh.
Về việc đặt hàng xét nghiệm COVID-19, Bộ Y tế đề nghị UBND cấp tỉnh quyết định hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện đúng quy định. Trong trường hợp chưa ban hành được mức giá để đặt hàng xét nghiệm; các đơn vị, địa phương được tạm thời áp dụng mức giá theo hướng dẫn tại mục 2 của công văn này để làm cơ sở ký hợp đồng và tạm thanh toán chi phí đặt hàng xét nghiệm. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt mức giá đặt hàng thì thực hiện việc thanh quyết toán theo quy định (Tiền phong, trang 3; Sài Gòn giải phóng, trang 9).
TP.HCM dự kiến công bố phương án nới lỏng giãn cách từ 1.10
Tối 29.9, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, dự kiến TP.HCM sẽ sớm công bố phương án nới lỏng giãn cách, thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid- 19 cho giai đoạn mới từ 1.10. Theo phương án dự kiến mà Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM chủ trì họp bàn với các quận, huyện, sở ngành chiều 29.9, khi nới lỏng giãn cách, người dân tham gia lưu thông trên địa bàn TP.HCM sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM có thể hiện lịch sử tiêm vắc xin (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động); trường hợp không có mã QR, xuất trình giấy tờ sau: Là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu. Đặc biệt, khi người dân có những triệu chứng (ho, sốt, khó thở...) hoặc cần cấp cứu y tế, liên hệ ngay với số điện thoại đường dây nóng của Tổ phản ứng nhanh Covid-19 tại địa phương hoặc Tổng đài cấp cứu 115.
Tối cùng ngày, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, tính đến thời điểm này đã có 11 địa phương công bố kiểm soát được dịch Covid-19, gồm các quận, huyện: 1, 3, 5, 7, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi và TP.Thủ Đức. Theo Quyết định 3989 ngày 18.8.2021 của Bộ Y tế, để công bố kiểm soát được dịch, các quận, huyện cần đạt 6/6 tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19 tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (Tiền phong, trang 4).
Việt Nam ghi nhận 8.758 ca nhiễm mới, 23.568 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh trong 24 giờ qua
Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, cả nước ghi nhận 8.758 ca nhiễm mới, trong đó 14 ca nhập cảnh và 8.744 ca ghi nhận trong nước (tăng 4.161 ca so với ngày trước đó) tại 33 tỉnh, thành phố (có 4.984 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là thành phố Hồ Chí Minh (tăng 4.322 ca), Đồng Nai (tăng 112 ca), Sóc Trăng (tăng 112 ca). Các tỉnh, thành phố ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Bình Dương (giảm 186 ca), An Giang (giảm 169 ca), Tây Ninh (giảm 32 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 8.622 ca/ngày.
Cụ thể, tính từ 17h ngày 28-9 đến 17h ngày 29-9, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.758 ca nhiễm mới, trong đó, 14 ca nhập cảnh và 8.744 ca ghi nhận trong nước tại 33 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh (4.699), Bình Dương (2.389), Đồng Nai (899), Long An (132), Sóc Trăng (112), Kiên Giang (82), Tiền Giang (68), An Giang (63), Cần Thơ (42), Hà Nam (36), Khánh Hòa (32), Bình Thuận (29), Tây Ninh (23), Bạc Liêu (22), Quảng Trị (16), Đắk Lắk (15), Ninh Thuận (14), Quảng Bình (13), Cà Mau (12), Bình Định (11), Vĩnh Long (7), Gia Lai (5), Hà Nội (4), Đắk Nông (3), Bến Tre (3), Trà Vinh (3), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Phú Yên (2), Quảng Ngãi (2), Phú Thọ (1), Đồng Tháp (1), Đà Nẵng (1), Hải Dương (1); trong đó có 4.984 ca tại cộng đồng.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 779.398 ca nhiễm, đứng thứ 44/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.919 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ tư (tính từ ngày 27-4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 774.854 ca, trong đó có 578.330 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Hiện có 13/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Lạng Sơn.
Ngoài ra, có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Thành phố Hồ Chí Minh (384.287), Bình Dương (208.953), Đồng Nai (47.969), Long An (32.343), Tiền Giang (13.951).
Về tình hình điều trị, có thêm 23.568 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 29-9, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 583.509. Ngoài ra, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.988 ca.
Trong ngày 29-9, ghi nhận 162 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh (113), Bình Dương (33), Đồng Nai (3), An Giang (3), Kiên Giang (2), Long An (2), Đồng Tháp (2), Cần Thơ (1), Cà Mau (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Tiền Giang (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 188 ca/ngày.
Như vậy, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 19.098 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; tính số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ (Hà Nội mới, trang 3).
Tiếp nhận 1 triệu liều vắc xin Hayat-Vax
Ngày 29/09/2021, tại Sân bay Quốc tế Nội Bài đã diễn ra lễ bàn giao một triệu liều vắc-xin Hayat-Vax phòng COVID-19 đầu tiên sản xuất tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) giữa G42 Medications Trading LLC ( G42 ) và Công ty cổ phần y dược phẩm Vimedimex (Vimedimex). Đây là giao dịch đầu tiên đánh dấu bước tiến quan trọng, trong quan hệ hợp tác phát triển giữa hai pháp nhân hàng đầu trong lĩnh vực dược phẩm, y tế của hai quốc gia Việt Nam và UAE, mở ra tương lai đầy triển vọng trong quan hệ giao thương mang tầm chiến lược tại Trung Đông và Đông Nam Á của hai pháp nhân này. Vắc xin Hayat-Vax có tên chính thức là: Vắc-xin SARS COV-2 (tế bào VERO) bất hoạt, sản phẩm là dung dịch bán trong suốt, có thể dùng đường tiêm bắp (IM),hộp 1 lọ chứa 2 liều, hàm lượng 0,5 ml, chứa 6,5U kháng nguyên SARS-CoV-2 bất hoạt và 0,3-0,6 mg / ml tá dược nhôm hydroxyd.
Phát biểu tại lễ tiếp nhận, Ths.BS. Trần Mỹ Linh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần y dược phẩm Vimedimex cho biết, một triệu liều vắc-xin Hayat-Vax được khởi hành trên chuyến bay AUH 77X, EY 0991 từ sân bay Abu Dhabi UAE lúc 2h sáng ngày hôm nay (29/09/2021) - giờ địa phương, chính thức hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài là thành quả đáng ghi nhận của Vimedimex trong nỗ lực tìm kiếm, lựa chọn vắc xin chất lượng, mặc dù được kết tinh từ việc chuyển giao công nghệ vắc xin Sinopharm.
Tuy nhiên, quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn quốc tế, được UAE bỏ một nguồn kinh phí không hề nhỏ, để thử nghiệm 4Humanity, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III đầu tiên trên thế giới, đây là một thử nghiệm quốc tế đa trung tâm, đa sắc tộc, một nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi, thu hút 45.000 tình nguyện viên đến từ 125 quốc gia trên thế giới, được xác định bởi WHO và NIH (Viện y tế quốc gia Hoa Kỳ) là thử nghiệm lâm sàng được thực hiện trên các quần thể đa dạng nhất và được kiểm soát song song với giả dược để đánh giá hiệu quả bảo vệ, tính an toàn, khả năng sinh miễn dịch của vắc-xin bất hoạt chống lại SARS-CoV2 (tế bào vero) ở đối tượng khỏe mạnh từ 18 tuổi trở lên; Tiếp theo là quá trình theo dõi, đánh giá hiệu quả của vắc xin ngăn ngừa COVID-19 ở mức độ nghiêm trọng và tử vong liên quan đến COVID-19, 14 ngày sau khi tiêm chủng 2 liều và cuối cùng là việc khám phá mức độ bảo vệ của kháng thể trung hòa kháng SARS-CoV-2 ở 14 ngày sau 2 liều tiêm chủng (tiêu chí thay thế miễn dịch) (Tiền phong, trang 3).
TPHCM: Số ca tử vong do COVID-19 giảm sâu
Từ đỉnh điểm có lúc 340 người chết một ngày, đến nay số ca tử vong vì dịch COVID-19 đang giảm sâu, lùi dần về mức hai con số. Đây là thành quả từ chiến dịch tiêm vắc-xin và thực hiện tổng hợp nhiều giải pháp điều trị F0 tại TPHCM. Tính đến ngày 29/9 trên địa bàn TPHCM có 376.714 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Số ca F0 đang cách ly điều trị tại nhà đã giảm từ mức hơn 40.000 người trong giai đoạn giữa tháng 9 còn 32.000 người. Số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 19.945 người. Số bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, tầng 3 là 36.310 người.
Toàn thành phố có 3.585 trẻ em ( người dưới 16 tuổi) nhiễm COVID-19 đang được điều trị . Bệnh nhân xuất viện trong ngày 28/9 là 3.708 người. Như vậy số ca xuất viện cộng dồn đến nay là 196.853 người.
Đặc biệt, trong ngày 28/9 chỉ ghi nhận 113 người tử vong do COVID-19 ở TPHCM. Đây là con số thấp nhất trong hơn 1 tháng qua tại TPHCM. Số ca tử vong giảm đang cho thấy hiệu quả tích cực và đúng hướng của các chiến dịch phòng chống COVID-19 ngoài cộng đồng và việc áp dụng nhiều giải pháp trong điều trị ở các bệnh viện, đặc biệt là khả năng bảo vệ của vắc-xin. Hiện nay, các quận, huyện trên địa bàn TPHCM đang tiếp tục tiêm vét cho người dân chưa tiêm mũi 1 và thực hiện tiêm mũi 2 cho những người đã đủ thời gian.
hân tích của PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Cộng đồng, Đại học Y Dược TPHCM chỉ ra: “Tiêm vắc-xin COVID-19 đã bảo vệ cộng đồng khỏi nguy cơ bị nhiễm, không bị bệnh nặng, không còn nguy cơ tử vong. Tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 còn có tác dụng làm giảm sự xuất hiện của biến chủng nguy hiểm của virus’.
Trên thực tế cho thấy, chiến dịch tiêm vắc-xin tại TPHCM đang làm giảm sự lây lan dịch bệnh giữa người này với người khác, bảo vệ được người già, người không có khả năng tiêm chủng, giảm lây lan cho nhóm trẻ dưới 18 tuổi chưa được tiêm vắc-xin. Mặc dù cuộc chiến chống dịch đã có những tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm và bùng phát trở lại vẫn hiện hữu. TPHCM và các tỉnh phía Nam đang lên phương án chi tiết để từng bước mở cửa phát triển kinh tế, xã hội trở lại nhưng vẫn đặt mục tiêu an toàn lên trên hết.
Trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM khuyến cáo người dân cần tuân thủ nguyên tắc 5K + vắc-xin, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, bình tĩnh ứng phó, thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch của thành phố và Bộ Y tế (Tiền phong, trang 4).
TPHCM vượt mốc tiêm 10 triệu liều vaccine Covid-19: Thành quả của chiến dịch tiêm chủng thần tốc
Hết ngày 28-9, TPHCM đã thực hiện tiêm chủng hơn 10 triệu liều vaccine Covid-19 cho người dân - là địa phương có tốc độ bao phủ vaccine nhanh nhất cả nước. Lãnh đạo TPHCM khẳng định, tiêm vaccine là chiến lược ưu tiên hàng đầu để toàn bộ người dân đều có kháng thể với virus SARS-CoV-2, từ đó mở cửa dần các hoạt động và sớm trở lại trạng thái "bình thường mới".
Nỗ lực tăng độ bao phủ vaccine nhanh chóng
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), trong ngày 28-9, toàn TP đã có 332.119 người được tiêm vaccine Covid-19. Như vậy, tính từ đợt tiêm chủng đầu tiên (8-3) đến nay, TP đã tiêm được 10.117.641 mũi tiêm, trong đó có 3.271.613 người tiêm mũi 2. Đặc biệt, có 13/21 địa phương đã phủ 100% mũi 1 cho người trên 18 tuổi; các quận huyện còn lại cũng đạt tỷ lệ hơn 90%.
Đây được xem là nỗ lực lớn của TPHCM trong việc sớm tìm kiếm nguồn vaccine cũng như việc mở các chiến dịch tiêm chủng “thần tốc” trong thời gian qua. Bên cạnh việc nhanh chóng hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 cho 100% người trên 18 tuổi, những ngày qua, tại khắp các quận huyện và TP Thủ Đức cũng đang đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi 2 vaccine Covid-19 cho người dân.
Điển hình tại huyện Củ Chi và TP Thủ Đức đều đạt gần 100% tỷ lệ tiêm chủng mũi 1. UBND huyện Củ Chi thông tin, ngoài 100% tỷ lệ người trên 18 tuổi đã tiêm vaccine mũi 1 thì đã có đến hơn 40% người dân đã được tiêm mũi 2.
Còn tại TP Thủ Đức cũng đã tiến hành tiêm vaccine mũi 2 cho hơn 30% người dân trên 18 tuổi. Để tăng tốc hơn nữa tiến độ tiêm chủng, UBND TP Thủ Đức đã cử các đội tiêm lưu động đến tận từng nhà tiêm cho người dân. Ngoài ra, làm xuyên trưa, xuyên tuần cũng là công việc thường xuyên của các đội tiêm chủng để nhanh chóng tăng độ phủ vaccine trong cộng đồng. Bên cạnh tiêm vét mũi 1, TP Thủ Đức hiện đang tổ chức tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 tại 53 điểm tiêm cố định trên địa bàn. BS Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách HCDC, cho biết, đến nay TPHCM vẫn tích cực tiếp nhận các nguồn vaccine của Bộ Y tế phân bổ và nhanh chóng đưa về các địa phương, tăng cường các tổ tiêm để đảm bảo tiêm sớm nhất, nhanh nhất cho đến khi hết lượng vaccine được phân bổ. Hiện tại, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 của TP rất cao, đạt trên 93% toàn dân. Thậm chí, con số này có thể cao hơn, đến gần 100% bởi số lượng người trên 18 tuổi của toàn TP vào khoảng 7,2 triệu. Trong khi đó, thời gian qua đã có một số lượng lớn người dân rời TP về địa phương và số lượng F0 tăng lên nhiều, do đó tỷ lệ tiêm vaccine thực tế cao hơn. “Hầu như các quận huyện và TP Thủ Đức đã vét gần hết người dân để tiêm mũi 1”, BS Tâm khẳng định.
Cần tiếp tục phân bổ thêm vaccine
Theo kế hoạch của UBND TPHCM, đến ngày 30-9, TP hoàn thành 100% tiêm vaccine mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên, đồng thời tiêm nhắc mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian. Từ ngày 1 đến 15-10 sẽ tiêm nhắc mũi 2 cho 2,6 triệu người đã tiêm mũi 1 và đến ngày 31-12, TP sẽ tiêm nhắc mũi 2 cho 1,4 triệu người.
Thông tin từ Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, đến ngày 29-9, TPHCM là địa phương được phân bổ số lượng vaccine nhiều nhất với 9,7 triệu liều. Toàn bộ số vaccine này đã được TPHCM tập trung tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu, người trên 65 tuổi hoặc có bệnh lý nền. Hiện đã có trên 1,1 triệu người trên 65 tuổi được tiêm vaccine.
Trong khi đó, tiêu chí bắt buộc đầu tiên trong dự thảo hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” vừa được Bộ Y tế hướng dẫn cách đây 2 ngày là “ít nhất 80% dân số trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine”. Nói về tiêu chí này, BS Nguyễn Hồng Tâm cho rằng, TPHCM có khoảng 1,9 triệu người trên 50 tuổi, chiếm khoảng 20% tổng dân số. Qua rà soát, đến nay tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 đối với người trên 50 tuổi tại TP là 100% và khoảng 48% đã được tiêm mũi 2. Trong thời gian tới, TP tiếp tục đẩy mạnh ưu tiên tiêm cho đối tượng này để đáp ứng tiêu chí do Bộ Y tế đưa ra. Như vậy, để đạt được tiêu chí như Bộ Y tế đề ra, TP cần thêm thời gian và đặc biệt phải có đủ nguồn vaccine để tiêm chủng.
Ngoài tiêu chí trên, vừa qua, Sở GD-ĐT TPHCM cũng đã có văn bản đề nghị UBND TP lên kế hoạch tiêm vaccine cho học sinh từ 12-18 tuổi để các em có thể đến trường vào học kỳ 2 với khoảng 642.000 người. Ngoài ra, TP cũng đã tính đến phương án tiêm vaccine cho người dân ngoại tỉnh trở về TPHCM sau ngày 1-10. Theo ước tính của HCDC, trước khi người dân rời TPHCM do giãn cách thì tổng số dân trên 18 tuổi tại TP là khoảng 7,2 triệu người. Nếu không có sự đột biến về lượng người trở lại TP sau dịch thì TP vẫn đủ vaccine để tiêm cho đối tượng này. Hiện số lượng vaccine trong kho của HCDC còn trên 800.000 liều, đều đặn cung cấp cho các địa phương để phục vụ tiêm ngừa cho người dân.
Như vậy, trong thời gian tới, TPHCM sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế phân bổ thêm vaccine cho TP, đồng thời tiếp tục tìm kiếm các nguồn cung ứng vaccine khác để tiêm chủng cho người dân, tạo điều kiện để ai cũng được cấp “thẻ xanh Covid-19”, đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới” sau thời gian giãn cách kéo dài (Sài Gòn giải phóng, trang 9).
''Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19'' Y tế - Trụ cột, trung tâm phòng, chống dịch
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vào ngày 23-9 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh 6 nguyên tắc để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Trong đó, y tế là nguyên tắc đầu tiên, được xem là trụ cột, là trung tâm. Thực tế, trong 2 năm qua, ngành Y tế đã và đang dồn hết tâm sức nhằm kiểm soát dịch bệnh, thực sự là “lá chắn” trong công tác phòng, chống dịch để góp phần cùng cả nước sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường. Vào cuộc khẩn trương, không quản ngày đêm
Khi tình hình dịch tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía Nam bắt đầu “nóng” lên từng ngày, thì cũng là lúc từng đoàn y, bác sĩ bệnh viện trung ương, Thủ đô và nhiều tỉnh, thành phố khác nối tiếp nhau lên đường chống dịch. Tính từ tháng 7-2021 đến nay, gần 20.000 lượt y, bác sĩ miền Bắc đã lên đường chi viện cho các tâm dịch phía Nam.
Ngay từ tháng 7-2021, đoàn 600 y, bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức do GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc bệnh viện dẫn đầu, đã lên đường vào miền Nam để thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh. Vượt qua nỗi nhớ nhà, chạy đua với thời gian, các y, bác sĩ đã nỗ lực hết mình để làm sao điều trị có hiệu quả nhất cho bệnh nhân.
Cũng nhờ sự vào cuộc khẩn trương, không quản ngày đêm của lực lượng y tế mà chiến lược xét nghiệm diện rộng và tiêm chủng thần tốc tại thành phố Hà Nội đã đem lại hiệu quả cao, giúp chấm dứt được việc phải giãn cách xã hội, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Đây là thành quả xứng đáng cho nỗ lực vượt bậc của các lực lượng tuyến đầu.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, chỉ trong 1 tuần, một chiến dịch xét nghiệm “thần tốc” đã được thành phố triển khai cả ngày lẫn đêm với sự hỗ trợ của gần 10.000 nhân viên y tế tại các bệnh viện trung ương, bộ, ngành và 12 địa phương khu vực phía Bắc. Hàng chục nghìn điểm xét nghiệm được triển khai, thậm chí, nhân viên y tế đến tận nhà người dân để lấy mẫu.
Song hành với chiến dịch xét nghiệm, các quận, huyện, thị xã thuộc Hà Nội đã huy động tổng lực “phủ xanh” vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn. Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Anh Tuấn cho biết, ngay khi có kế hoạch của thành phố, UBND quận đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp nhịp nhàng với cán bộ, y, bác sĩ địa phương cùng sự hỗ trợ tích cực của đội ngũ y, bác sĩ các bệnh viện đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng bệnh cho người dân.
Cùng với sự hỗ trợ của hơn 800 cán bộ, y, bác sĩ tỉnh Bắc Giang, chỉ trong một thời gian ngắn, quận Long Biên đã triển khai 123 dây chuyền tiêm vắc xin và 104 tổ lấy mẫu xét nghiệm, phủ khắp 14 phường. Trực tiếp tham gia hỗ trợ tại điểm tiêm phường Việt Hưng, quận Long Biên, bác sĩ Đỗ Tiến Vinh (Phòng Dân số và Truyền thông, Sở Y tế tỉnh Bắc Giang) chia sẻ: “Ngay khi Sở Y tế tỉnh Bắc Giang có kế hoạch về việc cử nhân lực tham gia hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm và tiêm chủng tại Hà Nội, đã có rất nhiều nhân viên y tế tại các đơn vị tình nguyện lên đường. Với chúng tôi, đây cũng là sự tri ân đối với Thủ đô...”.
Để người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất
Từ những nỗ lực của ngành Y tế trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, trên phạm vi cả nước, công tác phòng, chống dịch có chuyển biến tích cực, tình hình dịch cơ bản đang từng bước kiểm soát. Dự báo, thời gian tới, nếu các biện pháp phòng, chống dịch tiếp tục được triển khai quyết liệt, thì dịch có thể được kiểm soát trên diện rộng. Dù vậy, nước ta sẽ tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới ở những người nhập cảnh về nước, xuất hiện các ổ dịch mới tại một số địa phương với quy mô khác nhau, khó xác định được nguồn lây trong cộng đồng, trong cơ sở y tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về cách ly, xét nghiệm, điều trị; bảo đảm nơi nào thực hiện cách ly phải cách ly nghiêm ngặt; tiến độ xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh và tổ chức phân loại người bệnh, chăm sóc, điều trị ngay tại cơ sở để người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất. Riêng với các tỉnh, thành phố không thực hiện giãn cách cần chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch xâm nhập. Khi phát sinh các ổ dịch mới cần nhanh chóng triển khai việc truy vết nhanh, khoanh vùng hiệu quả, cách ly kịp thời. Cùng với đó, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc, trong đó ưu tiên tiêm trả mũi 2 và mở rộng cho các địa phương có nhiều khu công nghiệp, đầu mối giao thương…
Riêng đối với Hà Nội, tuy đã cơ bản kiểm soát tình hình dịch bệnh, nhưng nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan vẫn cao. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, khi nới lỏng giãn cách xã hội, thành phố càng phải cẩn trọng cao độ, không được chủ quan, lơ là. Nếu phát hiện ổ dịch, cần truy vết mạnh, truy vết nhanh, rồi tiến hành xét nghiệm và đánh giá nguy cơ, phong tỏa ở mức hẹp nhất, chặt nhất để không ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội. Như vậy, lực lượng y tế phải tiếp tục nỗ lực rất cao mới hoàn thành được nhiệm vụ đặt ra.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, ngành Y tế cùng với các ngành như: Giao thông, Công Thương, Công an..., cần xây dựng phương án cụ thể để bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch bùng phát. Cùng với đó, người dân phải được tiêm chủng đủ mũi để bảo đảm an toàn; nếu không tiêm chủng tốt, việc nới lỏng giãn cách không thể bền vững được. Ngoài ra, người dân phải thực hiện tốt nguyên tắc “5K”. Bảo đảm vững chắc trụ cột y tế mới có thể thực hiện thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới (Hà Nội mới, trang 3).
Sau ngày 30-9, lực lượng quân đội tiếp tục hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam
Tại thành phố Hồ Chí Minh, sáng 29-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã làm việc với Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương, cùng với các lực lượng khác, quân đội đã có mặt cùng chính quyền, nhân dân các địa phương chống dịch. Đặc biệt trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư này, tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam dịch diễn biến phức tạp do biến chủng mới, lực lượng quân đội lại tiếp tục xung kích trên tuyến đầu chống dịch. Hình ảnh bộ đội trực tiếp khám bệnh, giữ gìn an ninh trật tự; chiến sĩ quân y không quản nắng, mưa đến từng gia đình chăm sóc người mắc Covid-19 đã tạo cảm giác yên tâm cho người dân.
Đến nay, tình hình dịch ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cơ bản đã được kiểm soát, số ca mắc mới có xu hướng giảm. Sau ngày 30-9, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam bắt đầu nới lỏng giãn cách, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, trước khi các địa phương bao phủ vắc xin, đạt miễn dịch cộng đồng cần có bước điều chỉnh lực lượng phù hợp. Theo đó, lực lượng quân đội sẽ tiếp tục hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch Covid-19 để bảo đảm sức khỏe và tính mạng của người dân cho đến khi thực sự an toàn (Hà Nội mới, trang 3; Sài Gòn giải phóng, trang 9).
Đám cưới online tại bệnh viện dã chiến
Chiều 29-9, một đám cưới online đã diễn ra tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện dã chiến số 16, với cô dâu đang tham gia chống dịch ở bệnh viện và chú rể ở tại Hà Nội.Cô dâu là chị Đỗ Thị Ngọc Diệp (24 tuổi) trước đây làm việc tại khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ngày 2-8, chị Diệp đã cùng 800 nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 16.
Khi đăng ký tham gia chống dịch, chị Diệp cùng gia đình đã định ngày làm đám cưới cùng chồng. Ban đầu, chị hy vọng có thể về kịp để có một đám cưới trọn vẹn cùng gia đình. Nhưng khi vào TP.HCM chống dịch, chị hiểu nhiệm vụ mình còn chưa hoàn thành nên đã chuẩn bị sẵn tâm lý cưới online.
Chị Diệp tâm sự chị may mắn có chồng cùng đồng nghiệp động viên, dù xa gia đình nhưng vẫn cố gắng làm tốt nhiệm vụ. Khi được mọi người tổ chức "đám cưới sung túc, ấm cúng như thế này" chị rất xúc động và biết ơn mọi người. Chia sẻ về đám cưới đặc biệt trên, bác sĩ Trương Anh Thư - trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: "Vài ngày trước, tôi cùng đồng nghiệp vô tình phát hiện Diệp vào nhà kho, một mình tham gia lễ cưới online thì thấy rất thương và xúc động. Vì ngày cưới hỏi là ngày rất trọng đại nhưng em lại chỉ có một mình. Thế là chúng tôi hỏi mượn áo dài mong tổ chức một đám cưới ý nghĩa cho em và nhận được sự đồng ý của lãnh đạo bệnh viện cũng như sự giúp đỡ của rất nhiều tình nguyện viên".
Là người tham gia tổ chức đám cưới online tại bệnh viện, chị Hoàng Anh - tình nguyện viên - cho biết 3 tháng nay công việc của nhóm là giúp đỡ các y bác sĩ về việc cung cấp oxy miễn phí, hỗ trợ thiết bị y tế, hỗ trợ những bữa ăn.
Khi nhận được thông tin về trường hợp đặc biệt của chị Diệp, nhóm đã nhanh chóng lên kế hoạch tổ chức đám cưới online ngay trong bệnh viện.
"Trong thời gian giãn cách, việc đi tìm áo cưới, những bó hoa, bánh, trái cây... không hề dễ dàng. Nhưng với tất cả niềm yêu thương và sự sẻ chia với các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai nói riêng và bệnh viện tuyến đầu nói chung, các tình nguyện viên đã chuẩn bị rất nhanh, với mong muốn đem đến cho Diệp một đám cưới ý nghĩa nhất", chị Hoàng Anh tâm sự (Tuổi trẻ, trang 4).