Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 03/10/2023

  • |
T5g.org.vn - Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện không để người bệnh mắc ung thư thiệt thòi; Nhiều loại dịch bệnh được loại trừ nhờ tiêm chủng vaccine; Gia tăng bệnh nhân đau mắt đỏ, người dân cần chủ động phòng tránh; Phát hiện thêm 1 trường hợp mắc đậu mùa khỉ ở TPHCM…

 

Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện không để người bệnh mắc ung thư thiệt thòi

Ngày 2-10, Sở Y tế TPHCM họp đột xuất để thống nhất các giải pháp tình thế khi Bệnh viện Ung bướu TPHCM gặp khó khăn, cả 2 máy MRI tại 2 cơ sở đều bị hư hỏng, gián đoạn hoạt động.

Theo báo cáo của Bệnh viện Ung bướu, bệnh viện có 2 máy chụp MRI cho bệnh nhân, một máy ở cơ sở 1 (quận Bình Thạnh) được đưa vào sử dụng hơn 10 năm. Thời gian gần đây, máy này thường xuyên hư hỏng và đã ngưng hoạt động, chi phí sửa chữa rất cao. Ban giám đốc bệnh viện đã có kế hoạch mua máy mới và dự kiến triển khai vào năm 2024 để phục vụ cho người bệnh bằng cơ chế vay vốn kích cầu của thành phố.

Thời gian qua, Bệnh viện Ung bướu đã đưa bệnh nhân đến cơ sở 2 để chụp MRI khi có chỉ định. Tuy nhiên, mới đây, máy MRI tại cơ sở 2 đột ngột bị hư hỏng sau hơn 3 năm đưa vào sử dụng, Bệnh viện Ung Bướu cũng đã liên hệ ngay với nhà sản xuất máy này và nhận được phản hồi sẽ sửa chữa sớm.

Theo TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu, hãng sản xuất máy MRI đã đặt thiết bị từ Singapore, sau đó chuyển sang Việt Nam để sửa chữa, thay thế, dự kiến khoảng 1 tuần sau máy chụp MRI này có thể hoạt động trở lại bình thường.

Trước sự cố này, Ban Giám đốc Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện hiện có máy MRI chưa sử dụng hết công suất hỗ trợ Bệnh viện Ung bướu và không để người bệnh ung thư bị thiệt thòi trong giai đoạn chờ Bệnh viện Ung bướu sửa chữa (cơ sở 2) và thay thế máy mới (cơ sở 1).

Theo đó, Bệnh viện Hồng Đức 2 và Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức đã tình nguyện hỗ trợ Bệnh viện Ung bướu.

Cụ thể, Bệnh viện Hồng Đức 2 sẽ hỗ trợ chụp MRI cho bệnh nhân của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1. Bệnh viện cũng vận chuyển người bệnh miễn phí từ cơ sở 1 của Bệnh viện Ung bướu đến Bệnh viện Hồng Đức 2 để chụp MRI và đưa người bệnh quay về Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1 sau khi chụp xong. Bệnh viện Hồng Đức 2 cam kết triển khai 24/7 bất cứ lúc nào người bệnh cần chụp MRI. (Sài Gòn giải phóng, trang 2; Thanh niên, trang 14).

 

Nhiều loại dịch bệnh được loại trừ nhờ tiêm chủng vaccine

Nhờ tiêm chủng vaccine mà nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được thanh toán, loại trừ và khống chế.
Ngày 30/9, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam và lãnh đạo nhiều Cục, Viện, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đã làm việc với Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế - Bộ Y tế (viết tắt là IVAC tại TP. Nha Trang, Khánh Hòa) về công tác nghiên cứu, sản xuất các loại vaccine.

Đánh giá về vai trò của vaccine, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: "Vaccine là công cụ rất hiệu quả trong dự phòng các bệnh nhiễm trùng, được sử dụng rộng rãi. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác tiêm chủng như: thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và bảo vệ thành công kết quả này từ đó đến nay".

Thứ trưởng cũng cho biết, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván... trước kia là bệnh dịch lưu hành, hàng năm thường gây ra những dịch bệnh lớn thì hiện nay đã được khống chế… Việc nghiên cứu, phát triển công nghệ sản xuất các loại vaccine trong nước để phục vụ nhu cầu của người dân là một trong những nhiệm vụ hàng đầu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo. Đến nay, chương trình nghiên cứu sản xuất vaccine cơ bản đảm bảo cung ứng cho chương trình tiêm chủng mở rộng.

Báo cáo việc nghiên cứu, sản xuất vaccine của đơn vị, TS. Dương Hữu Thái - Viện trưởng Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế cho biết, IVAC là đơn vị trọng điểm của cả nước về sản xuất và cung ứng 4 loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Cụ thể là vaccine phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT); vaccine phòng bệnh lao (BCG); vaccine uốn ván hấp phụ (TT); vaccine uốn ván, bạch hầu hấp phụ (Td).

Theo kế hoạch, trong năm 2023, IVAC sẽ cung ứng cho chương trình tiêm chủng mở rộng hơn 1,55 triệu liều BCG; 2 triệu liều DPT; 1,8 triệu liều TT; 1,77 triệu liều Td.

Hiện tại, IVAC đang áp dụng thành công nhiều công nghệ hiện đại như: Công nghệ sản xuất vaccine trên trứng gà có phôi; công nghệ phối trộn vaccine đa giá hấp phụ tá chất; công nghệ gây miễn dịch và khai thác huyết thanh từ máu ngựa; công nghệ tách lọc và tinh chế…

Ngoài các loại vaccine cung cấp cho chương trình tiêm chủng mở rộng, TS. Dương Hữu Thái cũng cho biết, IVAC đã sản xuất thành công vaccine cúm mùa và đang xin cấp đăng ký sản xuất vaccine cúm đại dịch.

Trong định hướng phát triển của mình, IVAC cũng sẽ nghiên cứu, phát triển thêm vaccine ho gà vô bào và vaccine cúm 4 chủng. Đồng thời áp dụng kỹ thuật tiên tiến nhất cho quá trình tinh sạch kháng huyết thanh.

Bên cạnh các thành quả, TS. Dương Hữu Thái cũng nêu lên nhiều khó khăn, thách thức IVAC đang gặp phải như thiếu nguồn vốn đầu tư cho cơ sở vật chất và con người; thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao…

IVAC cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất vaccine

Từ báo cáo của IVAC và ý kiến của một số chuyên gia trong buổi làm việc, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế biểu dương các thành quả của IVAC. Dù còn một số khó khăn nhưng IVAC đã nỗ lực duy trì và tăng cường nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật, nâng cấp trang thiết bị để sản xuất ra những loại vaccine và sinh phẩm y tế có chất lượng và tăng sản lượng, đảm bảo nhu cầu sử dụng của nhân dân trong cả nước. Đảm bảo thực hiện cung cấp vaccine đúng tiến độ và ổn định chất lượng theo đặt hàng của chương trình tiêm chủng mở rộng.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương chỉ đạo IVAC cần tập trung làm tốt một số công việc như: Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu làm chủ công nghệ sản xuất vaccine, sinh phẩm y tế tại đơn vị. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, ưu tiên công nghệ mRNA, công nghệ protein tái tổ hợp, công nghệ vector virus… Tăng cường hợp tác nghiên cứu, trao đổi thông tin với chuyên gia, tổ chức khoa học và công nghệ ngoài nước có uy tín nhằm giải quyết những vấn đề khoa học và công nghệ. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực nghiên cứu, nhân lực kỹ thuật đủ năng lực ứng dụng, làm chủ công nghệ về sản xuất vaccine… (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).


Gia tăng bệnh nhân đau mắt đỏ, người dân cần chủ động phòng tránh

Từ tháng 8/2023 đến nay, dịch đau mắt đỏ tăng nhanh tại thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng…
Theo khuyến cáo của ngành chức năng, nếu không có biện pháp phòng, chống kịp thời sẽ lây lan thành dịch, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của cả cộng đồng.

Tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, hiện nay, trung bình mỗi ngày đơn vị thường xuyên khám và điều trị cho gần 400 bệnh nhân mắc các bệnh lý về mắt; trong đó có đến 30% bị đau mắt đỏ. Tại Bệnh viện có gần 30 bệnh nhân thường xuyên điều trị nội trú, trong đó có đến 20% bệnh nhân nặng viêm kết mạc biến chứng.

Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, số bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám cũng gia tăng. Trung bình mỗi tuần, đơn vị khám cho khoảng 700 bệnh nhân đau mắt đỏ. Riêng tuần qua, bệnh viện tiếp nhận 800 ca bệnh; trong đó có một số ca biến chứng. Như vậy, số bệnh nhân đến khám trong tháng 8 và đầu tháng 9/2023 tăng gấp gần 2 lần so với tháng 6/2023. Trong số bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám có nhiều trẻ em.

Tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ thường do các chủng virus như: Adenovirus, Enterovirus, Coxsackie gây ra, lây lan qua đường hô hấp và qua tiếp xúc. Biểu hiện của bệnh có thể dễ nhận biết như: Mắt đỏ, sưng tấy, mắt có nhiều rỉ, rất khó chịu. Khi bị bệnh, người dân cần đến cơ sở y tế khám chữa và được tư vấn điều trị; không được tự mua thuốc điều trị, nhất là các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid dễ gây biến chứng nguy hiểm.

Theo bác sỹ Nguyễn Thị Thanh, Phụ trách Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Hà Nội, bệnh nhân đau mắt đỏ thường không đi khám và đều tự mua thuốc về dùng. Các loại thuốc này đều chứa corticoid, dễ dẫn đến biến chứng loét giác mạc, bội nhiễm nặng nếu lạm dụng. Khi bị đau mắt đỏ, người dân nên đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sỹ tư vấn điều trị thuốc.

Nếu trẻ bị đau mắt đỏ, gia đình không đưa trẻ đến trường hoặc những nơi công cộng; đồng thời  vệ sinh mắt và nhỏ thuốc theo đúng chỉ định của bác sỹ. Trước và sau khi vệ sinh mắt cho con, cha mẹ cần rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; thường xuyên đeo khẩu trang khi vệ sinh, tiếp xúc gần với con; hạn chế ôm hôn và sử dụng chung các vật dụng của con với các thành viên khác trong gia đình.

Người lớn bị đau mắt đỏ cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sỹ; hạn chế sử dụng nước ở các nguồn nước bị ô nhiễm, đi bơi…

Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ đang gia tăng tại một số tỉnh, thành phố, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) yêu cầu, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh các thuốc điều trị đau mắt đỏ và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu phát hiện); đặc biệt là các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

 

Phát hiện thêm 1 trường hợp mắc đậu mùa khỉ ở TPHCM

Trưa 1/10, Sở Y tế TPHCM cho biết, thành phố đã ghi nhận thêm 1 bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ cư trú tại TPHCM. Như vậy tính đến nay, TPHCM đã ghi nhận 4 trường hợp mắc đậu mùa khỉ trong tổng số 5 trường hợp của cả nước.
Cụ thể, ngày 28/9/2023, một bệnh nhân nam, 34 tuổi đến khám tại Bệnh viện Da liễu với các dấu hiệu nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ (Mpox). Bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TPHCM. Một ngày sau đó, kết quả xét nghiệm cho kết quả bệnh nhân dương tính với virus Mpox. Bệnh nhân hiện đang cách ly điều trị.

Sau khi có kết quả mắc Mpox, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) đã tiến hành điều tra tiền sử đi lại, lập danh sách người tiếp xúc gần với bệnh nhân trong vòng 21 ngày trước khi khởi bệnh. Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân thường trú tại huyện Bình Chánh, chưa ghi nhận yếu tố tiếp xúc người nước ngoài hoặc đi nước ngoài trong thời gian gần đây.

Sau khi được chẩn đoán bệnh Mpox, bệnh nhân thông báo cho các người tiếp xúc gần. Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà 21 ngày, nếu có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh báo ngay cho trạm Y tế. Bên cạnh đó, người ở chung với bệnh nhân được hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn toàn bộ căn nhà, phòng và các vật dụng cá nhân của bệnh nhân.

Những người tiếp xúc hiện sức khỏe bình thường, chưa ghi nhận dấu hiệu mắc bệnh. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục điều tra, theo dõi sức khoẻ của bệnh nhân và người tiếp xúc.

Trường hợp bệnh nhân mắc Mpox trước đó quê Đồng Nai, tạm trú tại TPHCM (bệnh nhân thứ 3) hiện vẫn được cách ly điều trị, sức khỏe ổn định. Ngoại trừ 1 người tiếp gần với người này tại Bình Dương đã mắc Mpox thì những người tiếp xúc còn lại chưa ghi nhận dấu hiệu bệnh. Như vậy, tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh Mpox.

Theo tổng hợp của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, tính đến ngày 27/9/2023, trên toàn thế giới đã có 90.630 ca Mpox được xác định.

Được biết, sau khi Tổ chức y tế thế giới (WHO) công bố báo cáo tình hình số ca mắc Mpox vào ngày 14/8/2023 thì đến ngày 11/9/2023, WHO đã nhận được báo cáo về 1131 trường hợp mới được xác nhận mắc bệnh Mpox và 5 trường hợp tử vong mới. Cũng theo báo cáo của WHO, ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ số ca bệnh Mpox mới ở Thái Lan và Trung Quốc, hầu hết bệnh nhân là nam giới trẻ, đa số có quan hệ tình dục đồng giới.

Tại Việt Nam, Mpox là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Ngay từ khi phát hiện ca Mpox đầu tiên xâm nhập từ nước ngoài, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và các bệnh viện, phòng khám… triển khai các hoạt động giám sát và truyền thông phòng chống sự lây lan của bệnh.

Ngành y tế TPHCM khuyến cáo người dân nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh Mpox cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng. Người bị bệnh cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của nhân viên y tế trong chăm sóc điều trị cho bản thân, giảm thiểu các biến chứng cũng như thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng lây nhiễm. 

Đồng thời người bệnh cũng cần phối hợp truyền thông cho những người tiếp xúc gần với mình để phát hiện sớm triệu chứng bệnh và ngăn chặn sự lây lan. Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

2.Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8).

 

Không chủ quan với bệnh dại

Thời gian gần đây, bệnh dại có chiều hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có nhiều ca tử vong (Chi tiết xem báo Sài gòn giải phóng, trang 2).


Hà Nội: Số ca mắc tay chân miệng tăng gấp đôi sau 1 tuần

Theo thống kê của Bộ Y tế, tích luỹ từ đầu năm đến ngày 1/10, cả nước ghi nhận 86.078 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, 21 ca tử vong. So với cùng kì, số mắc tăng 75%, số tử vong tăng 18%. Bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên chủ yếu ở trẻ dưới 3 tuổi. Trong tuần qua cả nước ghi nhận 5.250 ca mắc tay chân miệng, không có trường hợp tử vong. Tại Hà Nội, số ca mắc tay chân miệng đang có xu hướng tăng trong vài tuần gần đây.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9, trung bình mỗi tuần, trên địa bàn thành phố ghi nhận 70-75 ca mắc tay chân miệng. Nhưng trong 2 tuần gần đây, số ca mắc đã tăng gấp đôi với khoảng 140 ca/tuần. Riêng trong tuần qua (từ ngày 22 - 29/9), thành phố có 141 ca mắc tay chân miệng và 3 ổ dịch. Chín tháng đầu năm, Hà Nội ghi nhận 1.798 ca mắc tay chân miệng (tăng 1,2 lần so với cùng kì năm 2022) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong.

Các chuyên gia dịch tễ nhận định thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kết hợp với việc học sinh quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè sẽ khiến số ca tay chân miệng có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Trưởng khoa Nội Tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay, có hai biến chứng thường gặp với bệnh tay chân miệng là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Tuy nhiên năm nay Khoa Nội Tổng quát tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình là viêm não. Các bệnh nhi vào viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu giấc ngủ. Ngoài ra còn có biểu hiện là run chi, đi loạng choạng…

Theo TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám Trung tâm Bệnh nhiệt đới Trẻ em, bệnh tay chân miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm và diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ. Do đó, khi trẻ được điều trị bệnh tại nhà, ngoài việc chăm sóc và cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ thì cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng. Cách điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc bệnh nhân tại nhà và sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù đủ nước cho cơ thể theo hướng dẫn của bác sĩ. (Tiền phong, trang 6; Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).

 

Hà Nội: Gần 2.600 ca sốt xuất huyết 1 tuần, quận Hoàng Mai đứng đầu

Trong tuần vừa kết thúc vào ngày 29-9, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 2.578 ca mắc sốt xuất huyết, cao nhất từ đầu năm đến nay, đồng thời có thêm 78 ổ dịch…

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần vừa qua (từ ngày 22 đến 29-9), trên địa bàn thành phố có 2.578 trường hợp mắc sốt xuất (SXH) huyết tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã; tăng gần 200 trường hợp so với tuần trước đó và tăng 1,5 lần so với tuần đầu tiên của tháng 9-2023. Đây cũng là tuần có số ca mắc cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay.

Cộng dồn trong 9 tháng năm 2023, Hà Nội ghi nhận 15.354 trường hợp mắc SXH, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân nhất là: Hoàng Mai (1.141 ca), Phú Xuyên (951 ca), Thanh Trì (928 ca), Thạch Thất (924 ca), Hà Đông (904 ca), Đống Đa (852 ca), Cầu Giấy (846 ca), Nam Từ Liêm (754 ca)…

Đồng thời, trong tuần vừa qua tại thành phố cũng ghi nhận thêm 78 ổ dịch SXH mới. Trong đó Bắc Từ Liêm có 9 ổ dịch; Quốc Oai, Đống Đa - mỗi nơi có 8 ổ dịch; Phúc Thọ (7 ổ dịch); Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đan Phượng - mỗi nơi có 5 ổ dịch… Tổng số ổ dịch tính từ đầu năm 2023 đến nay là 1.029, hiện còn 289 ổ dịch đang hoạt động…

Đáng chú ý, CDC Hà Nội cho biết, kết quả kiểm tra giám sát tại một số nơi vẫn tiếp tục ghi nhận chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ từ 3-4 lần. Mặt khác, nhiều bệnh nhân khi bị SXH thường đến thẳng bệnh viện tư, không qua trạm y tế, không đến bệnh viện công, không khai báo y tế cơ sở, dẫn đến không thể phát hiện và giám sát, xử lý ổ dịch từ sớm…

Dự kiến số mắc SXH tại Hà Nội sẽ còn tiếp tục gia tăng nhanh hơn trong những tuần tới bởi theo dự báo, đỉnh dịch SXH sẽ rơi vào tháng 10, 11.

Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, biện pháp phòng, chống SXH cần tập trung vào hai nội dung chính, đó là diệt bọ gậy và xử lý ổ dịch triệt để, hạn chế thấp nhất ổ dịch lan rộng, diễn biến kéo dài. (An ninh Thủ đô, trang 7; Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang