Rào cản điều trị ung thư
Số ca mắc mới và tử vong do ung thư ở nước ta đang có xu hướng tăng nhanh. Trong khi đó, khó khăn trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế đang trở thành rào cản khiến bệnh nhân ung thư bị gián đoạn hoặc chậm trễ điều trị, dẫn đến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Những con số báo động
Số liệu báo cáo của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) vừa công bố cho thấy, tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam năm 2020 đã tăng 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia), từ 164.671 ca vào năm 2018, lên 182.563 ca vào năm 2020. Ngoài ra, sau 2 năm, số người tử vong do ung thư từ 114.871 người lên mức 122.690 người, tăng 6 bậc, xếp thứ 50/185 quốc gia. Hiện tại, Việt Nam có hơn 300.000 người đang phải sống chung với bệnh ung thư.
Giáo sư, Tiến sĩ Mai Trọng Khoa, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ở một số nước trên thế giới, tỷ lệ mắc ung thư tăng nhưng ở một số loại ung thư tỷ lệ tử vong hằng năm lại giảm. Trong khi đó, tại nước ta, số ca mắc và tử vong do ung thư hằng năm vẫn tăng cao. Việt Nam đang ở ngưỡng báo động về tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư. Đây là gánh nặng, thách thức cho nước ta trong công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến số ca mắc ung thư gia tăng, Giáo sư, Tiến sĩ Mai Trọng Khoa chia sẻ, dân số tăng lên dẫn tới số người mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó có ung thư cũng tăng theo. Từ đó, số người tử vong do ung thư cũng tăng. Ngoài ra, Việt Nam đang đối mặt với sự già hóa dân số. Tuổi thọ tăng lên thì số người mắc ung thư cũng tăng, đó là quy luật tự nhiên. Hiện, tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong việc chẩn đoán ung thư ngày càng cao cũng giúp phát hiện ra bệnh sớm hơn.
Các chuyên gia y tế cũng chỉ ra rằng, việc sống thường xuyên trong môi trường ô nhiễm, chất lượng nước, không khí, thức ăn không bảo đảm cũng dẫn đến nguy cơ gây ung thư. Đáng chú ý, hút thuốc lá là nguyên nhân của 30% loại ung thư, gây ra 20 loại ung thư khác nhau và là 90% nguyên nhân của ung thư phổi. Việc lạm dụng rượu, bia là nguyên nhân gây ra ung thư miệng, họng, gan, vú, đại trực tràng. Chế độ ăn nhiều mỡ động vật, ít chất xơ, sử dụng các thực phẩm mốc hay thực phẩm chế biến sẵn như thịt hun khói, cá muối… chiếm 35% nguyên nhân gây ung thư.
Đề cập đến trình độ điều trị ung thư ở nước ta, Tiến sĩ Phạm Văn Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trình độ của bác sĩ Việt Nam không thua kém các nước phát triển. Nhiều bác sĩ được học tập, đào tạo tại các nước có nền y học tiên tiến trên thế giới cũng như luôn cập nhật kiến thức mới nhất để áp dụng hằng ngày. Tuy nhiên, rào cản trong điều trị ung thư ở nước ta hiện nay là vấn đề trang thiết bị.
Đối mặt với nguy cơ tụt hậu
Những năm trước đây, một số bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật điều trị ung thư với các thiết bị hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Thế nhưng, thời gian gần đây, do vướng mắc về cơ chế xã hội hóa trong y tế cũng như vấn đề đấu thầu nên không ít bệnh viện gặp khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, không đưa về được các thiết bị mới, hiện đại.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam, các thiết bị hiện đại có thể chẩn đoán sớm và sâu ở nhiều bệnh lý ung thư. Đơn cử như với ung thư gan, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú, trên lâm sàng chưa phát hiện ra bệnh nhưng khi chẩn đoán hình ảnh đã có thể thấy ngay được. Việc chẩn đoán sớm ung thư sẽ giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn và giúp giảm số ca tử vong.
Kỹ thuật PET/CT ra đời đã giúp xác định sớm tính chất, đặc điểm của khối u. Đặc biệt, kỹ thuật PET/CT toàn thân thế hệ mới có nhiều ưu điểm, như: Tốc độ chụp rất nhanh, chất lượng hình ảnh rất tốt, nhưng lại an toàn, chính xác, có thể quét được toàn thân người bệnh. Nhưng, với bối cảnh hiện tại, để mua sắm được thiết bị này không hề dễ dàng.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, trong công tác khám, chữa bệnh, việc có đầy đủ máy móc, thiết bị rất quan trọng. Tuy nhiên, bệnh viện đang gặp khó khăn trong việc đầu tư máy chuyên dụng phục vụ người bệnh. Theo tiêu chuẩn, một máy xạ trị điều trị cho khoảng 50-70 người bệnh/ngày thì với số lượng người bệnh hiện nay, Bệnh viện K phải cần thêm 6-7 máy nữa mới đủ. Hiện tại, cả 2 cơ sở của bệnh viện mới chỉ có 9 máy xạ trị. Máy xạ trị ít nên phải hoạt động hết công suất và phải vận hành suốt từ 5h đến 22h.
“Trong bối cảnh hiện nay, thiếu trang thiết bị khiến việc điều trị ung thư tại nước ta đang có bước lùi. Đây là điều đáng buồn vì về mặt con người, trình độ đội ngũ y bác sĩ của nước ta không hề thua kém các nước phát triển”, Tiến sĩ Phạm Văn Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ. (Hà Nội mới, trang 7).
Cả nước có thêm hơn 300 ca Covid-19 trong 24 giờ qua
Chiều 30-10, theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 305 ca mắc Covid-19 (tăng 42 ca so với ngày trước đó), trong đó có 304 ca trong nước và 1 ca nhập cảnh. Ngoài ra, 160 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh và 56 bệnh nhân đang thở ôxy.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.502.474 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.752 ca nhiễm).
Về tình hình điều trị, có 160 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 10.602.996. Ngoài ra, hiện có 56 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó có 48 ca thở ô xy qua mặt nạ, 2 ca thở ô xy dòng cao HFNC, 1 ca thở máy không xâm lấn và 5 ca thở máy xâm lấn.
Về số bệnh nhân tử vong, chưa ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 tử vong.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay vẫn là 43.163 ca, chiếm 0,4% tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Về tình hình tiêm chủng, theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 261.857.213 liều, trong đó tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 221.675.215 liều; tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.409.941 liều và tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 16.772.057 liều. (Hà Nội mới, trang 7).
Gần 30 hồ sơ đăng ký thi tuyển Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM
Ngày 30.10, nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết, tính đến ngày 28.10 (ngày chốt thời gian nộp hồ sơ), Sở Y tế TP.HCM đã nhận được tổng cộng 28 hồ sơ đăng ký thi tuyển chức danh Giám đốc Bệnh viện (BV) Mắt TP.HCM .
Các trường hợp đăng ký thi tuyển chức danh Giám đốc BV Mắt TP.HCM đa số là giám đốc, phó giám đốc các BV công lập hạng 1, hạng 2 trên địa bàn TP.HCM. Trong tuần này, Sở Y tế sẽ rà soát tất cả hồ sơ để chọn hồ sơ đủ các tiêu chuẩn để dự thi.
Theo kế hoạch của Hội đồng thi tuyển chức danh Giám đốc BV Mắt TP.HCM, vòng thi viết (vòng 1) sẽ diễn ra ngày 17.11, vòng thi trình đề án (vòng 2) sẽ có thông báo chính thức sau khi công bố kết quả thi vòng 1. Điểm rất mới của thí điểm thi tuyển chức danh Giám đốc BV Mắt TP.HCM lần này chính là không bắt buộc giám đốc BV phải là bác sĩ chuyên khoa tương ứng với chuyên ngành của BV (không bắt buộc là bác sĩ chuyên khoa mắt).
Thay vào đó, yêu cầu bắt buộc (ngoài các quy định về tiêu chuẩn chức danh) chính là giám đốc BV phải có đủ kiến thức và năng lực quản lý BV. Đảm bảo cho BV phát triển bền vững trên thế kiềng 3 chân: Không ngừng phát triển chuyên môn kỹ thuật, đảm bảo BV Mắt TP.HCM luôn là BV chuyên khoa sâu tuyến cuối ngang tầm các nước trong khu vực Đông Nam Á; không ngừng cải tiến chất lượng điều trị và an toàn người bệnh, chất lượng phục vụ người bệnh; tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật trong mọi hoạt động của BV. (Thanh niên, trang 4).
Tiêu hủy lô mỹ phẩm Obagi và thuốc tây trị giá hơn 18 tỷ đồng
Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP HCM vừa tiến hành tiêu hủy hai lô hàng là mỹ phẩm nhập lậu và thuốc tây không rõ nguồn gốc có tổng trị giá trên 18 tỷ đồng.
Cục QLTT TP HCM cho biết, các lô hàng được tiêu hủy bằng hình thức cán hủy bằng xe có tải trọng lớn và ép thành khối bằng hệ thống ép rác container đối với hàng hóa là mỹ phẩm nhập lậu và đốt lò đối với lô hàng hóa là thuốc tây chữa bệnh không rõ nguồn gốc.
Việc tiêu hủy được thực hiện tại Công ty TNHH MTV Môi trường Cửu Long, địa chỉ số 1 Tống Văn Trân, phường 5, quận 11, TP HCM dưới sự chứng kiến của đối tượng vi phạm và đại diện các cơ quan liên quan.
Trước đó, ngày 27-8-2022, Đội QLTT số 2 phối hợp Phòng Nghiệp vụ 2 - Cục Nghiệp vụ QLTT - Tổng cục QLTT và Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia kiểm tra điểm chứa hàng và kinh doanh của ông H.Đ.Q. Phong tại phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM.
Qua kiểm tra, phát hiện 13.050 đơn vị sản phẩm nhãn hiệu Obagi là mỹ phẩm nhập lậu. Với hành vi vi phạm nêu trên của ông H.Đ.Q Phong, UBND TP HCM ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt 98.250.000 đồng và buộc tiêu hủy 13.050 đơn vị sản phẩm là Mỹ phẩm nhập lậu nhãn hiệu Obagi nêu trên.
Ngày 24-9-2022, Đội QLTT số 2 phối hợp Cục Ngoại tuyến - Bộ Công an và Phòng Cảnh sát Kinh Tế - Công an TP HCM tiến hành kiểm tra điểm chứa hàng của ông B.V. Phong tại phường 15, Quận 10, TP HCM.
Qua kiểm tra, phát hiện 119.650 đơn vị sản phẩm là thuốc phòng bệnh cho người các loại không xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ. UBND TP HCM đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt 97.500.000 đồng đối với ông B.V. Phong và buộc tiêu hủy đối với 119.650 đơn vị sản phẩm là thuốc phòng bệnh cho người các loại nêu trên. (An ninh Thủ đô, trang 8).
Tình hình bệnh sốt trên học sinh ở Bắc Kạn đã ổn định
Ngày 30-10, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn cho biết đến thời điểm hiện tại tình hình điểm dịch sốt trên địa bàn đã ổn định, số ca mắc đã giảm dần.
Hiện chưa thể lấy mẫu xét nghiệm đại trà, tuy nhiên qua xét nghiệm nhiều mẫu xác định các học sinh này đều dương tính với cúm B, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thông tin.
Hiện tại, ổ dịch cúm B tại huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) có 62 bệnh nhi đang được điều trị tại khoa nhi, trong đó có 47 bệnh nhi có biểu hiện sốt, cúm khi nhập viện.
Tình hình sức khỏe các ca bệnh đang được điều trị ổn định, các triệu chứng giảm. Không có ca diễn biến nặng, không có ca bệnh chuyển tuyến trên.
Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng đã đề nghị Bệnh viện Nhi trung ương cử chuyên gia hỗ trợ ngành y tế tỉnh Bắc Kạn về phân tuyến, phân luồng, điều trị, chăm sóc, theo dõi và kiểm soát lây nhiễm theo tình hình dịch bệnh.
Trước đó, theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, trong thời gian qua, trên địa bàn huyện có nhiều học sinh phải nghỉ học do sốt, ốm, trong đó sáng 24-10 đã ghi nhận một trường hợp bệnh nhi 8 tuổi tử vong.
Số học sinh nghỉ học chủ yếu thuộc Trường tiểu học thị trấn Bằng Lũng, Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện và rải rác ở một số trường học từ các xã trên địa bàn.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn, ổ dịch xuất hiện rải rác hầu như tất cả các xã trên địa bàn huyện Chợ Đồn từ đầu tháng 10-2022, tập trung chủ yếu là Trường tiểu học thị trấn Bằng Lũng.
Toàn huyện đến ngày 25-10 có tổng số 736 người mắc. Trong đó 109 trẻ vào viện điều trị và có 1 ca tử vong. Biểu hiện lâm sàng sốt nhiệt độ 38,5 - 40 độ C, ho, đau họng, người mệt mỏi, không đau tức ngực, không khó thở, không xuất huyết dưới da.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã lấy 7 mẫu bệnh phẩm (3 mẫu tại khoa nhi, 4 mẫu lấy tại Trạm y tế thị trấn Bằng Lũng) chuyển về Viện Vệ sinh dịch tễ để xét nghiệm khẳng định. Kết quả ban đầu có 5/7 mẫu bệnh phẩm dương tính với cúm B, còn 2 mẫu âm tính. (Tuổi trẻ, trang 5).
Bỗng dưng sốt 7-8 ngày, bệnh gì?
Những ngày gần đây, nhiều người cho biết đã sốt nặng, kéo dài không thể làm được bất cứ việc gì, cơ thể như rơi vào "suy kiệt". "Tôi không thể nhấc được người dậy vì đau đầu, đau người, đau họng và không ăn uống được...".
Các bác sĩ cho biết các dấu hiệu trên là sốt vi rút do nhiều loại vi rút gây ra, với người lớn sốt vi rút thường nhẹ có thể tự khỏi sau 2-7 ngày. Tuy nhiên cũng có trường hợp sốt cao, diễn biến nặng sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Khổ sở vì sốt vi rút "hành hạ"
Chị Trang (30 tuổi, trú tại Hà Nội) vừa trải qua mười ngày sốt kéo dài khiến chị mệt mỏi, khó tập trung công việc. Chị kể lại: "Ngày đầu tiên sốt cao gần 40oC, lo sợ mắc sốt xuất huyết, tôi đến bệnh viện để làm xét nghiệm. Thực hiện hàng loạt xét nghiệm máu, siêu âm, xét nghiệm sốt xuất huyết, cúm A, B. Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán sốt vi rút, điều trị ngoại trú".
Sau khi về nhà chị Trang tiếp tục sốt liên tiếp bốn ngày, phải uống thuốc hạ sốt liên tục, người đau nhức, miệng đắng ngắt không thể ăn uống được gì. Đến ngày thứ năm thì bắt đầu hạ sốt, nhưng cứ đến chiều tối là đầu và người lại mệt mỏi, sốt nhẹ và đau đầu. Chỉ sau một tuần, chị Trang đã bị sụt mất 4kg, người vô cùng mệt mỏi. Đây là trận ốm lớn nhất mà chị từng trải qua.
Tương tự, anh Sơn (25 tuổi, trú tại Hà Nội) cũng được bác sĩ chẩn đoán sốt do vi rút gây nên, người "bơ phờ" sau hơn một tuần nằm "liệt". "Tôi không thể nhấc được người dậy vì đau đầu, đau người, đau họng và không ăn uống được. Mặc dù không có diễn biến nặng nhưng chỉ sốt cũng khiến tôi như người vừa trải qua đại phẫu", anh Sơn ngán ngẩm nói.
Chị H.A. (33 tuổi, Đồng Nai) cho biết mình cũng vừa trải qua một đợt ốm nặng kéo dài đến hơn một tuần. Ban đầu chị có biểu hiện sốt cao trên 40 độ C, kèm theo các triệu chứng như: nhức mỏi người, sổ mũi, ho khan, cảm giác cơ thể suy kiệt.
"Ban đầu tôi nghĩ mình bị COVID-19 nhưng khi làm test nhanh kết quả âm tính. Sau vài ngày thấy tình trạng sốt kéo dài tôi liền đến bệnh viện thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bị sốt do vi rút. Tôi được về nhà để điều trị và bác sĩ căn dặn uống thuốc theo triệu chứng, nếu có biểu hiện nặng phải quay trở lại bệnh viện. Các bác sĩ nói với tôi mùa này rất nhiều người bị như vậy", chị A. kể.
Sốt cao kéo dài có nguy hiểm không?
Theo bác sĩ Đinh Thế Tiến - khoa nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) - hầu hết các trường hợp sốt vi rút dấu hiệu quan trọng và nổi bật nhất đó là sốt rất cao, có thể trên 39 độ C tùy vào chủng vi rút. Các cơn sốt có thể liên tục tăng và giảm trong thời gian nhiễm bệnh, có thể sốt lên đến 40 - 41 độ C. Ngoài biểu hiện sốt cao thì người bệnh còn có các biểu hiện như đau đầu, nhức đầu dữ dội, viêm đường hô hấp (viêm họng, rát họng, ho, chảy nước mũi, hắt hơi, sổ mũi), nổi mẩn, đau nhức khắp người, đau cơ, rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, người bệnh còn có thể buồn nôn, nôn...
"Để chẩn đoán sốt vi rút, các bác sĩ thường sẽ dựa vào bệnh sử, triệu chứng và chỉ định xét nghiệm để chẩn đoán. Các xét nghiệm cần thiết như sốt xuất huyết, xét nghiệm máu nhằm xác định có tình trạng nhiễm trùng hay không. Từ đó, xác định được chính xác tình trạng cũng như nguyên nhân của sốt. Với tình trạng nhiều dịch bệnh đang diễn biến, việc xác định chính xác nguyên nhân gây sốt để có hướng điều trị kịp thời là rất cần thiết. Sốt vi rút nếu không biến chứng chỉ cần điều trị ở nhà. Điều trị triệu chứng như hạ sốt giảm đau bằng thuốc thông thường, uống đủ nước (nước lọc, nước trái cây, nước có chất điện giải) và không cần truyền dịch", bác sĩ Tiến nói.
Bác sĩ Tiến cũng cho hay mặc dù phần lớn sốt vi rút có thể tự khỏi sau 2-7 ngày, tuy nhiên cũng có một số trường hợp biến chứng, diễn biến nặng. Với những người lớn tuổi, có bệnh lý nền cần đặc biệt theo dõi. Những biến chứng có thể xảy ra như sốc nhiễm trùng, viêm phổi, viêm cơ tim... Khi có biểu hiện sốt cao không giảm, khó thở hoặc sau khi hết sốt nhưng cơ thể mệt mỏi, khó thở, tim đập nhanh, hồi hộp... cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để theo dõi, xử lý kịp thời.
Một bác sĩ chuyên về truyền nhiễm tại TP.HCM cho biết nếu tình trạng sốt kéo dài các bác sĩ thường chẩn đoán sốt vi rút hoặc sốt siêu vi, ở người lớn hệ miễn dịch khỏe mạnh nên có thể hết sau 5-7 ngày. Thời tiết giao mùa, nóng lạnh thất thường khiến vi rút phát triển mạnh, nhiễm vi rút đường hô hấp là phổ biến nhất.
Hầu hết các trường hợp sốt vi rút nhẹ không cần phải đến bệnh viện mà có thể tự điều trị tại nhà và sử dụng thuốc theo chỉ định. Theo đó, người bệnh nên ưu tiên nghỉ ngơi, bổ sung nước, vitamin C và cân bằng điện giải. Bên cạnh đó nên ăn các thức ăn dễ tiêu, đầy đủ dinh dưỡng, tránh tiếp xúc với mọi người.
"Hiện nay nhiều người khi cảm thấy cơ thể kiệt sức, lạm dụng truyền dịch tại các cơ sở y tế, tuy nhiên điều này là không nên. Nếu việc truyền nước không có chỉ định của bác sĩ rất dễ gây ra các biến chứng, thậm chí là sốc dẫn đến tử vong. Cách tốt nhất khi bị mất nước là bổ sung bằng đường uống. Trường hợp sốt quá bảy ngày, thời gian sốt thường kéo dài 1, 2 giờ trong ngày sau đó biến mất, người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm kỹ lại, có thể liên quan đến một bệnh lý nào đó để có phương pháp điều trị kịp thời", bác sĩ này cho biết thêm. (Tuổi trẻ, trang 14).
Cảnh giác lây nhiễm cúm A từ gia cầm sang người
Ngày 30-10, Bộ Y tế đã công bố các biện pháp phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người, sau ghi nhận bé gái 5 tuổi xã Đông Thanh, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ mắc cúm A/H5 có nguồn gốc từ gia cầm.
Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp, gồm: không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm bệnh, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi có biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), hiện nay, tại nhiều địa phương vẫn ghi nhận rải rác các ổ dịch cúm trên đàn gia cầm. Bên cạnh đó, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).