Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 03/11/2023

  • |
T5g.org.vn - Đề xuất xây mới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM trên khu đất hiện hữu; Chú trọng nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tim mạch cho người dân; Phấn đấu đưa Bệnh viện K trở thành trung tâm ung bướu hàng đầu khu vực; Đấu thầu vật tư, thiết bị y tế: Rất đáng lo ngại; Ung thư gia tăng và trẻ hoá

 

Đề xuất xây mới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM trên khu đất hiện hữu

Sáng 2-11, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TPHCM do đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM làm trưởng đoàn, đã có buổi giám sát về tình hình triển khai củng cố “Nâng cao năng lực y tế cơ sở - Chăm sóc sức khỏe nhân dân” tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM.
Báo cáo với đoàn giám sát, BS-CKII Hoàng Mạnh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM cho biết, bệnh viện được đưa vào hoạt động từ năm 1985 với quy mô 500 giường. Tính riêng 9 tháng 2023, số bệnh nhân nội trú đạt 30.273 lượt, vượt quá con số 100% cả về giường kế hoạch (117%) và giường thực kê (102%).

Đặc biệt, số bệnh nhân nặng và phức tạp ngày càng tăng. Số lượt ngoại trú, hết quý 3-2023 trên 320.000 lượt, dự kiến hết năm khoảng 410.000 lượt… Xét về quy mô khám, điều trị bệnh hiện nay, số lượt bệnh nhân nhập viện đã tăng gấp 680 lần, số lượt khám ngoại trú cũng tăng gấp hơn 660 lần so với quy mô ngày đầu thành lập vào năm 1985.

Tình trạng quá tải dẫn tới có phòng bệnh chứa 10-12 bệnh nhân/phòng 20m². Bên cạnh đó là nguy cơ mất an toàn về phòng cháy chữa cháy từ ký túc xá (KTX) Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng nằm chắn ngay mặt tiền bệnh viện. Bệnh viện cũng đã phải sơ tán bệnh nhân khẩn cấp khi KTX xảy ra cháy, nước thải từ bô rác của KTX chảy tràn sang, gây nhiễm khuẩn khu vực cấp cứu và hành lang.

Bên cạnh đó, các trang thiết bị, máy móc của bệnh viện đều đã sử dụng trên 20 năm, vận hành ở tần suất cao, dễ hư hỏng nhưng không có điều kiện thay mới. Thực tế từ năm 2010 đến nay, việc mua sắm trang thiết bị y tế của bệnh viện đều trích từ nguồn quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị nên rất hạn chế. Hiện, bệnh viện còn thiếu nhiều loại máy móc như: máy C-Arm, máy MRI, O-Arm, hệ thống ni-tơ lỏng, thiếu dụng cụ lắp đặt cho bệnh nhân….

“Vậy nhưng 13 năm qua, dự án xây mới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM tại khu 6A, ấp 4, xã Bình Hưng, Bình Chánh theo hình BT – xây dựng và chuyển giao, mới chỉ giải phóng mặt bằng trên 74%, đến nay thì “đứng yên” nên bệnh viện kiến nghị chấm dứt dự án này”, BS-CKII Hoàng Mạnh Cường đề xuất rồi nêu giải pháp thành phố chấp thuận cho xây mới tại chỗ, bao gồm diện tích thu hồi khu đất KTX của Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng, với quy mô 14 tầng, tổng vốn đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng.

Về giải pháp đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho người dân nếu bệnh viện được xây mới, BS Hoàng Mạnh Cường cho hay, đơn vị đã khảo sát Bệnh viện dã chiến số 13 (xã Bình Hưng, Bình Chánh) – đây là cơ sở trước đây phục vụ điều trị bệnh nhân nặng Covid-19. Hiện, cơ sở vật chất còn sử dụng tốt, thoáng, rộng… đủ điều kiện cho bệnh viện chuyển tạm thời về đây hoạt động. Cạnh đó, bệnh viện sẽ đầu tư nhân lực, trang thiết bị y tế đầy đủ cho cơ sở 2 (số 201 đường Phạm Viết Chánh, quận 1), có thể tiếp nhận 600-700 người bệnh tái khám và nội trú/ngày…
Đau đáu về những khó khăn, bất cập của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP, PGS-TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nêu thực tế, việc chấm dứt xây mới bệnh viện tại khu 6A, vượt thẩm quyền của sở và bệnh viện, chỉ có UBND TPHCM mới quyết định được việc này. Trong khi việc xây mới bệnh viện là nhu cầu khẩn thiết vì bệnh viện đang có nguy cơ mất an toàn cao, cần giải pháp khẩn thiết để sớm chấm dứt tình trạng này. “Vì vậy, Sở Y tế TPHCM kiến nghị HĐND TPHCM, UBND TPHCM sớm có giải pháp, giải quyết triệt để”, BS Nguyễn Anh Dũng đề xuất.

Chia sẻ khó khăn mà Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM gặp phải trong nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng, việc đầu tư xây dựng mới bệnh viện quá chậm dẫn đến việc bác sĩ quá tải, người bệnh khổ cực. Do đó, cần có phương án phù hợp và đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới bệnh viện này. Phó Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị Sở Y tế TP phối hợp chặt chẽ với bệnh viện, nghiên cứu kỹ đề xuất xây dựng mới bệnh viện tại vị trí hiện hữu hay một vị trí khác, làm sao phải phù hợp với quy mô, tầm vóc của một bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối.

Trong khi tìm được phương án xây mới bệnh viện khả thi nhất, ông Nguyễn Văn Dũng đề nghị, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM phải có giải pháp tạm thời giải quyết các vấn đề trước mắt trong điều kiện hiện tại, đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh, tính toán đến sự an toàn của người bệnh, nhân viên y tế.

Bệnh viện cũng cần có sự sắp xếp hợp lý, định kỳ sửa chữa cơ sở vật chất hiện có, nhất là công tác phòng cháy chữa cháy cho cả 2 cơ sở an toàn; có chính sách "giữ chân" y bác sĩ, mua sắm trang thiết bị; giải quyết các vấn đề môi trường bên trong và bên ngoài bệnh viện.

“Đoàn ghi nhận các khó khăn và kiến nghị của bệnh viện, trong buổi giám sát tới đây với UBND TPHCM, Thường trực HĐND TPHCM sẽ bàn, đề nghị UBND TPHCM sớm có phương án tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc trong xây dựng mới bệnh viện để thành phố sớm có một bệnh viện mới hiện đại, tương ứng như Bệnh viện Ung bướu TP, cơ sở 2, nhằm phục vụ người bệnh tốt nhất, phù hợp với tầm vóc của một bệnh viện tuyến cuối”, ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.

Trước đó, Báo SGGP đã đăng tải loạt bài “Ì ạch những công trình y tế trọng điểm: Bệnh viện mòn mỏi chờ điều chuyển”, phản ánh thực trạng tòa nhà KTX Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (nằm chắn mặt tiền Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM) xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện cũng như gây bất an cho người bệnh và các khó khăn khác.

Trong khi dự án xây mới bệnh viện chưa biết đến khi nào mới được triển khai; lãnh đạo Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình có văn bản xin tiếp nhận tài sản nhà và đất từ Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM (đã dời về cơ sở mới ở huyện Bình Chánh) tại địa chỉ 201 đường Phạm Viết Chánh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, nhằm phục vụ nhu cầu chăm sóc người bệnh, hạn chế tình trạng quá tải ở cơ sở tại quận 5. Sau đó, thành phố có văn bản chấp thuận chuyển khu nhà đất Bệnh viện Truyền máu - Huyết học cho Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình quản lý, làm cơ sở 2 (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Chú trọng nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tim mạch cho người dân

Chiều 2/11, tại Phủ Chủ tịch, trong buổi gặp mặt 50 đại biểu tiêu biểu trong nước và quốc tế dự Đại hội khoa học Tim mạch Đông Nam Á (AFCC2023) lần thứ 27 do Hội Tim mạch học Việt Nam tổ chức từ ngày 2-5/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Các thành tựu phát triển trong lĩnh vực y tế nói chung, tim mạch học nói riêng đã góp phần đưa nền khoa học y học Việt Nam tiệm cận với thế giới, góp phần quan trọng trong phát triển nền y tế Việt Nam.

Kể từ năm 2008, trải qua 15 năm, Hội Tim mạch học Việt Nam một lần nữa có vinh dự được Liên đoàn Tim mạch Đông Nam Á giao nhiệm vụ đăng cai tổ chức Đại hội khoa học Tim mạch Đông Nam Á (AFCC2023) lần thứ 27 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Với chủ đề: "Giao thoa tim mạch: Thách thức và Cơ hội", Đại hội lần này đón tiếp hơn 2.000 đại biểu trong và ngoài nước, trong đó có 300 chuyên gia tim mạch hàng đầu với vai trò diễn giả khách mời đến từ nhiều nền y học tiên tiến trên thế giới cũng như khu vực ASEAN.

Đây là một sự kiện quan trọng, mang tầm quốc tế của chuyên ngành tim mạch nước nhà, là cơ hội để các thầy thuốc Việt Nam và trong khu vực có thể trao đổi, cập nhật và bổ sung các kiến thức, kỹ năng chuyên môn. Bên cạnh đó, Đại hội lan tỏa những thông điệp sức khỏe đến người dân trong công cuộc phòng, chống lại bệnh lý tim mạch đang gia tăng ở nước ta, với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tim mạch cho người dân Việt Nam.

Đáng chú ý, Chương trình Hội nghị khoa học được tổ chức với hơn 80 phiên khoa học bao gồm 750 bài báo cáo, diễn ra liên tục cùng lúc ở 10 hội trường trong 3 ngày.

Ngoài những chủ đề khoa học thường quy như Can thiệp Tim mạch, Siêu âm Tim, Điều trị Rối loạn Nhịp tim… năm nay, chương trình Đại hội sẽ có thêm những phiên khoa học đặc biệt, với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài như phiên đào tạo của SCAI (Hội Tim mạch can thiệp Hoa Kỳ) , các phiên cập nhật khuyến cáo từ ESC Congress (Hội Tim mạch châu Âu)…

Ngành tim mạch Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều bước tiến đáng kể, hội nhập được sâu rộng thế giới, đã triển khai ứng dụng được nhiều kỹ thuật tiên tiến có thể sánh ngang các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hiện nay, hầu hết các bệnh lý tim mạch đã có thể được chẩn đoán và điều trị trong nước một cách kịp thời, hiệu quả. Người bệnh tim mạch trong nước đã có cơ hội tiếp cận các thành tựu khoa học trong lĩnh vực tim mạch tiên tiến ngay tại chỗ mà không còn phải ra nước ngoài... Tuy vậy, ngành vẫn luôn trau dồi học tập không ngừng, từ kinh nghiệm của các nước phát triển và trong khu vực, áp dụng, phát triển các thành tựu khoa học mới nhất trong chăm sóc sức khỏe tim mạch cho người dân.
Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, các đại biểu, các nhà khoa học, các bác sĩ chuyên ngành tim mạch khẳng định những tiến bộ vượt bậc của ngành tim mạch Việt Nam với những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trên thế giới đều đã được cập nhật, áp dụng thành công tại Việt Nam.

Để có được thành công đó, ngành tim mạch đã nhận được sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ thiết thực của Đảng, Nhà nước; đội ngũ y, bác sĩ, các nhà khoa học chuyên ngành xuất sắc, chịu khó học hỏi…

Tuy nhiên, ngành tim mạch Việt Nam cũng đối diện với những thách thức, khó khăn khách quan và chủ quan không nhỏ từ thực tế và đòi hỏi ngành tim mạch cần phải nỗ lực hơn nữa để có thể hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe tim mạch cho nhân dân…

Có đại biểu nêu rõ, nhiều người bệnh tim mạch trong nước đã không còn phải ra nước ngoài để chữa bệnh lý về tim mạch; nhiều bác sĩ tim mạch Việt Nam có vị trí và uy tín trong ngành tim mạch khu vực và thế giới. Trong thời gian tới, các bác sĩ, chuyên gia ngành tim mạch Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động, khám chữa bệnh tim mạch cho người dân.

Các đại biểu quốc tế nhấn mạnh tầm quan trọng của Liên đoàn tim mạch với việc tập hợp Hội tim mạch các quốc gia tham gia hoạt động chuyên môn chăm sóc sức khỏe tim mạch cho người dân; trong đó, Hội tim mạch học Việt Nam luôn có những đóng góp tích cực và quan trọng.

Trong thời gian tới, các quốc gia cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa để có thể ngăn chặn và xử lý các bệnh lý tim mạch cho người dân. Trong đó, các bác sĩ tim mạch Việt Nam cũng như các quốc gia cần tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tim mạch cho người bệnh, phòng bệnh tim mạch cho những người đang khỏe mạnh, qua đó khẳng định những thành tựu đã đạt được trong những năm qua.

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Dân cường thì nước thịnh, mỗi người dân khỏe mạnh là cả nước khỏe mạnh. Nhận thức rõ điều đó, Việt Nam luôn khẳng định bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và xã hội; Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển.

Nêu rõ, Việt Nam là một đất nước có nhiều năm tháng đi qua chiến tranh, mất mát với nhiều tổn thương cần được chữa lành, Chủ tịch nước khẳng định: Đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên nhiều lĩnh vực. Vị thế, uy tín và các mối quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng, nâng cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững, vào hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới. Trong những nỗ lực chung có sự đóng góp của ngành y tế Việt Nam với những tiến bộ và thành tựu to lớn trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bày tỏ niềm vui và tự hào vì Việt Nam đã có nhiều bác sĩ tim mạch có trình độ cao, chuyên môn giỏi, thực hiện được nhiều kỹ thuật khó, hầu hết các bệnh lý tim mạch đã được chẩn đoán và điều trị hiệu quả, kịp thời tại chỗ giúp bệnh nhân tim mạch hạn chế tối đa ra nước ngoài điều trị, Chủ tịch nước đánh giá cao sự đóng góp, cống hiến của các giáo sư, bác sĩ, thầy thuốc tim mạch là những người thầm lặng tạo nên những bước tiến mạnh mẽ và ấn tượng của ngành Tim mạch học Việt Nam trong nhiều năm qua.

Cho rằng, thế giới ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức, nhiều dịch bệnh mới nổi, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường..., Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lưu ý: Việt Nam cũng như các nước đang phải đối diện với mô hình bệnh tật thay đổi, các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng, trong đó có bệnh lý tim mạch. Vì vậy, ngành tim mạch Việt Nam sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật để can thiệp kịp thời.

Các thầy thuốc, chuyên gia là lực lượng nêu gương, đi đầu trong giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức là cho người dân về tự chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh hơn chữa bệnh, thay đổi lối sống, tăng cường luyện tập thể lực, ăn uống lành mạnh.

Chủ tịch nước cho rằng, tim mạch là lĩnh vực của kỹ thuật cao. Để làm chủ kỹ thuật cao, tiếp cận được kỹ thuật mới tiên tiến, đòi hỏi nguồn nhân lực của ngành tim mạch cũng phải ở trình độ cao, đội ngũ có tinh thần tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo, tiếp nhận cái mới.

Chủ tịch nước đề nghị Hội Tim mạch Việt Nam tiếp tục là nơi tập hợp lực lượng chuyên gia đầu ngành, trí thức tiêu biểu, tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; phát huy vai trò tư vấn chính sách hiệu quả…

Chủ tịch nước nêu rõ, Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa ban hành Chỉ thị về Nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở. Theo đó, y tế cơ sở là nền tảng, là tuyến đầu trong phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vì vậy phải phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở, xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân. Mỗi cán bộ ngành y quan tâm, thực hiện gắn với lĩnh vực của mình, vừa triển khai các kỹ thuật mới đồng thời cũng chú trọng đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho các tuyến dưới; nỗ lực đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Nhân dân, trang 2).


Phấn đấu đưa Bệnh viện K trở thành trung tâm ung bướu hàng đầu khu vực

Ngày 2/11, tại Hà Nội, Bệnh viện K (Bộ Y tế) tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Viện Curie - Bệnh viện K (1923-2023).
Tham dự, có các đồng chí: Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo Bộ Y tế, các bộ, ngành, Quốc hội, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, chuyên gia quốc tế và đông đảo cán bộ, y, bác sĩ, người lao động Bệnh viện K.

Dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà gửi lẵng hoa chúc mừng.

Phát biểu ý kiến tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu Viện Curie Đông Dương và Bệnh viện K đã đạt được trong 100 năm qua; biểu dương, tri ân những nỗ lực vượt bậc và đóng góp to lớn của toàn thể đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế và người lao động của Bệnh viện. Đồng thời, gửi lời cảm ơn Đại sứ quán Pháp, Viện Curie, Cộng hòa Pháp, Liên minh châu Âu đã hỗ trợ, đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám, chữa bệnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho Bệnh viện K và ngành y tế Việt Nam trong những năm qua.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Trong bối cảnh dịch bệnh nói chung đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, ung thư đang trở thành gánh nặng tại nhiều quốc gia trên thế giới; đặc biệt tại các nước đang phát triển, nhận thức được vấn đề này, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, nhân dân giao phó cho đội ngũ y, bác sĩ chuyên ngành ung thư chung và Bệnh viện K nói riêng. Do vậy, các giáo sư, bác sĩ, y sĩ, người lao động Bệnh viện K, với vai trò là trung tâm điều trị ung thư hàng đầu Việt Nam cần phải tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo, có khát vọng, chiến lược, phấn đấu sớm trở thành trung tâm ung bướu hàng đầu trong khu vực, điểm đến tin cậy không chỉ đối với người bệnh mà còn với các đồng nghiệp và bạn bè quốc tế.

Thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh; phát huy hiệu quả Trung tâm phẫu thuật rô- bốt; Trung tâm pha chế thuốc tập trung, triển khai kỹ thuật xạ phẫu, sớm áp dụng phương pháp xạ trị hiện đại của thế giới như xạ trị Proton, T-on nặng, nhất là tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu khoa học để kết nối với các trung tâm hàng đầu trên thế giới về điều trị ung thư. Cần nỗ lực hơn nữa trong công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, chỉ đạo tuyến; đặc biệt là chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh, bệnh viện tuyến dưới.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo cả về quy mô, chất lượng chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc, y, bác sĩ, nắm bắt những kỹ thuật, công nghệ mới của thế giới để ứng dụng trong phòng chống ung thư tại Việt Nam; có chiến lược đào tạo cán bộ tại các nước tiên tiến, đồng thời có chính sách thu hút nhân tài, các bác sĩ giỏi ở trong nước và ngoài nước về làm việc tại bệnh viện; quan tâm hơn nữa đến đời sống của cán bộ, viên chức, người lao động của bệnh viện.

Tại Lễ Kỷ niệm, thay mặt Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao tặng Huân chương Hữu nghị cho Viện Curie, Cộng hòa Pháp đã có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác bền vững trong lĩnh vực y tế giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trao tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân cho bốn chuyên gia quốc tế đã có nhiều cống hiến trong xây dựng và phát triển Bệnh viện K và công tác phòng chống ung thư tại Việt Nam (Nhân dân, trang 8).


Đấu thầu vật tư, thiết bị y tế: Rất đáng lo ngại

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, việc đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị y tế vẫn còn khó, dẫn đến “tiền có mà khó tiêu”. Điều đáng lo ngại nữa được ông chỉ ra là đến tháng 1/2024 Luật Đấu thầu sửa đổi có hiệu lực, nếu không kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thì nguy cơ thiếu thuốc, vật tư và thiết bị trong dịp Tết Nguyên đán “rất đáng lo ngại”.

Nguy cơ vướng mắc trong giai đoạn chuyển tiếp

Tại phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 2/11, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phản ánh những vướng mắc trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế.Theo bà Hà, năm 2023 là năm có nhiều văn bản liên quan đến công tác mua sắm trang thiết bị y tế. Ngày 30/6, Bộ Y tế ban hành Thông tư 14, quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập, bước đầu đưa các chủ trương quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đi vào thực tiễn. “Tuy nhiên, Thông tư 14 được xem như giải pháp có tính tình thế, tạm thời vì hiệu lực của Thông tư chỉ kéo dài cho đến hết năm 2023”, bà Hà nêu băn khoăn.

Trên thực tế, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, việc mua sắm trang thiết bị y tế từ giai đoạn lựa chọn danh mục đến phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng có thể kéo dài từ 3 - 8 tháng phụ thuộc vào danh mục trang thiết bị. “Có thể thấy, thời gian có hiệu lực của Thông tư 14 quá ngắn đối với việc triển khai mua sắm trang thiết bị y tế”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nêu.

Vướng mắc cũng nằm ở thời điểm từ 1/1/2024, khi Luật Đấu thầu vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực. Theo bà Hà, đến ngày này, các dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện có các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế theo Thông tư 14, nhưng các văn bản hướng dẫn Luật Đấu thầu chưa ban hành kịp, hoặc quy định hướng dẫn khác, thì các dự án triển khai sẽ rất vướng mắc và cũng tốn kém chi phí cho công tác chuẩn bị đầu tư trước đó.

“Tôi đề nghị, Chính phủ quan tâm tới quy định chuyển tiếp liên quan đến đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế từ Thông tư 14 sang thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn có liên quan, đảm bảo việc thực hiện đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế không bị chậm trễ, không phải chờ các văn bản hướng dẫn. Lâu dài, cần ban hành các văn bản có tính căn cơ để giải quyết vấn đề mua sắm trang thiết bị y tế”, bà Hà nêu.

Hồ sơ trả lên, trả xuống, không đấu thầu được!

Trước đó, trong phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cũng than rằng, đấu thầu vật tư, thiết bị y tế còn rất khó, dẫn đến “tiền có mà khó tiêu”. Điều đáng lo ngại nữa được ông chỉ ra là đến tháng 1/2024 Luật Đấu thầu sửa đổi sẽ có hiệu lực, nếu không kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thì các cơ sở y tế sẽ gặp khó khăn trong đấu thầu, mua sắm. “Nguy cơ dịp Tết Nguyên đán này tiếp tục rơi vào tình cảnh thiếu thuốc, vật tư và thiết bị y tế là rất đáng lo ngại”, ông Thức cảnh báo.

Về tình trạng thiếu máu ở khu vực miền Tây, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết nguyên nhân là do không đấu thầu được vật tư, sinh phẩm, túi máu. “Hồ sơ cứ trả lên, trả xuống, không đấu thầu được”, ông Thức thông tin. Để giải quyết tình trạng này, thời gian qua các cơ sở y tế như Bệnh viện Truyền máu - Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tích cực hỗ trợ cho miền Tây. “Chúng ta cũng chỉ có bằng đó nguồn, nếu bù đắp cho miền Tây thì miền Đông lại có nguy cơ thiếu máu, cứ vòng luẩn quẩn, chưa giải quyết được”, ông Thức nói.

Với nguồn lực còn hạn chế, ông Thức cho rằng, việc thực hiện xã hội hóa, liên danh liên kết ở các bệnh viện công là cần thiết. Tuy nhiên, sau khi xảy ra một số vụ việc tiêu cực thì giờ đây “ai cũng thấy nhạy cảm”. Do đó, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị cần tạo hành lang, cơ chế để các bệnh viện công thực hiện xã hội hóa, liên danh, liên kết.

Hơn 100.000 chủng loại trang thiết bị y tế đủ điều kiện nhập khẩu: Giải quyết cơ bản nhu cầu của các cơ sở y tế

TS Nguyễn Minh Lợi, Cục trưởng Cục Cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế (Bộ Y tế) cho biết hiện tại đã có khoảng 65.000 loại trang thiết bị y tế (với hơn 100.000 chủng loại) có đủ điều kiện nhập khẩu, lưu hành tại Việt Nam để cung cấp, giải quyết được cơ bản đủ nhu cầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế.

Về tiến độ xử lí hồ sơ trang thiết bị y tế, theo Cục Cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế, 100% hồ sơ được xử lí trực tuyến cấp độ 4. Tính đến ngày 1/11, Bộ Y tế đã tiếp nhận 12.341 hồ sơ. “Từ tháng 9/2022 đến nay, đã xử lí được 7.854 hồ sơ, trung bình khoảng 600 hồ sơ/tháng - từ tháng 9/2022 đến nay số hồ sơ xử lí được gấp gần 40 lần so với số hồ sơ xử lí trong 8 tháng đầu năm 2022. Đây là một nỗ lực rất lớn của Bộ Y tế trong điều kiện còn có rất nhiều khó khăn, thách thức”, TS Nguyễn Minh Lợi thông tin, đồng thời cho rằng với số hồ sơ hiện còn đang tồn đọng và số hồ sơ mới sẽ nộp, cần tiếp tục có nhiều biện pháp tích cực để đảm bảo tiến độ giải quyết dứt điểm trước 31/12/2024 theo đúng cam kết với Chính phủ (Tiền phong, trang 10).


Ung thư gia tăng và trẻ hoá

Tại Việt Nam ước tính mỗi năm có trên 182.000 ca mắc ung thư mới, trong đó có những bệnh nhân mắc ung thư dạ dày, ung thư cổ tử cung chỉ mới 15 tuổi. Tuy nhiên, cũng có tới 60% bệnh ung thư được chữa khỏi bằng phẫu thuật đơn thuần.
Đây là chia sẻ của ông Phạm Văn Bình, phó giám đốc Bệnh viện K, trong hội thảo ung thư Việt - Pháp "Kỷ nguyên mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư" diễn ra ngày 2-11 tại Hà Nội. Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Viện Curie - Bệnh viện K, cơ sở y tế chuyên khoa ung thư đầu tiên ở Việt Nam.

Nguyên nhân gì?

Ông Bình cho hay ước tính mỗi năm Việt Nam có trên 182.000 ca ung thư mới mắc, 122.000 ca tử vong, 350.000 ca bệnh nhân sống với ung thư. Số ca mắc ung thư ngày càng gia tăng và xu hướng ung thư ngày càng trẻ hóa.

"Trước kia, nhiều nghiên cứu cho rằng một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư đó là lão hóa. Thế nhưng hiện nay chúng tôi phát hiện những bệnh nhân mắc ung thư từ khi còn rất trẻ. Có những bệnh nhân mắc ung thư dạ dày, ung thư cổ tử cung từ khi 15 tuổi; bệnh nhân ung thư đại trực tràng chưa đến 20 tuổi và có những trường hợp ung thư vú rất sớm từ 20 tuổi", ông Bình nêu.

Về nguyên nhân trẻ hóa ung thư, ông Bình nhận định có thể do nhiều yếu tố tác động, trong đó lối sống ảnh hưởng rất nhiều như béo phì, thuốc lá, rượu bia, ít vận động, đặc biệt là dân văn phòng. Bên cạnh đó, có thể do gene, do các loại vi khuẩn vi rút gây bệnh không được tầm soát phòng bệnh như viêm gan B, vi rút HPV, vi khuẩn HP…

"Ung thư đang là gánh nặng của hiện tại và cả tương lai, vì vậy cần làm sao để phòng bệnh và chẩn đoán ung thư sớm hơn", ông Bình nhấn mạnh.

60% bệnh ung thư có thể chữa khỏi nhờ phẫu thuật

Theo ông Bình, trong lĩnh vực ung thư là điều trị đa mô thức: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, dinh dưỡng và các phương pháp khác. Trong đó, phẫu thuật đã, đang và sẽ vẫn là một trong những phương pháp mang tính chất triệt căn lớn nhất.

"Với 200 loại bệnh ung thư được thống kê thì có tới 60% trong số đó có thể khỏi bệnh bằng phẫu thuật đơn thuần nếu được chẩn đoán sớm. Đặc biệt, phẫu thuật trong ung thư đang được kế thừa và phát triển. Từ mổ mở, trong suốt 100 năm qua Bệnh viện K đã hoàn thiện và thực hiện những phẫu thuật xâm lấn tối thiểu hoàn chỉnh như phẫu thuật nội soi 2D, 3D và đặc biệt là phẫu thuật robot.

Phẫu thuật robot là phương pháp phẫu thuật hiện đại nhất hiện nay với nhiều ưu điểm như hạn chế mất máu, sử dụng hình ảnh 3D giúp phẫu thuật viên xử lý tốt hơn, nạo vét hạch tốt hơn, giúp cho bác sĩ cắt bỏ được tế bào ung thư và bảo vệ được các cơ quan lành", ông Bình nói.

Tuy nhiên, ông Bình cho biết thêm để có thể điều trị ung thư chỉ bằng phẫu thuật đơn thuần, điều kiện quan trọng nhất là phải phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Ở giai đoạn này việc phẫu thuật sẽ lấy toàn bộ tổn thương ung thư, xử lý triệt để căn nguyên.

Còn các phương pháp khác như điều trị hóa - xạ trị, nhưng đây là những phương pháp bổ trợ. Với sự phát triển của các phương pháp điều trị ung thư ngày càng phát triển, tỉ lệ điều trị khỏi, kéo dài sự sống cho bệnh nhân ngày càng cao.

Đảm bảo chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư

Lãnh đạo Bệnh viện K cũng cho hay hiện nay với những phương pháp điều trị ung thư hiện đại, không chỉ dừng lại điều trị khỏi bệnh cho bệnh nhân mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư. Các bác sĩ kết hợp những biện pháp phẫu thuật chỉnh hình, phẫu thuật thẩm mỹ, điều trị hóa - xạ trị giảm tác dụng phụ…

Từng phẫu thuật tạo hình "3 trong 1" cho bệnh nhân mắc ung thư vú từ năm 2019, các bác sĩ Bệnh viện K vừa đảm bảo điều trị ung thư, vừa giữ gìn vẻ đẹp nữ tính cho bệnh nhân. Bác sĩ Lê Hồng Quang - trưởng khoa ngoại vú - cho hay bệnh nhân ung thư vú được cắt tuyến vú, sử dụng vạt da cơ mỡ để tái tạo vú bị cắt bỏ, nâng sa trễ.

Hay tháng 9-2022, Bệnh viện K trở thành bệnh viện đầu tiên trên cả nước phẫu thuật robot cắt tuyến giáp qua tiền đình miệng trong điều trị ung thư tuyến giáp. Trước đó, mổ mở tuyến giáp là phương pháp kinh điển được áp dụng trong ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, phương pháp này thường để lại một sẹo dài ở vùng trước cổ gây mất thẩm mỹ cho bệnh nhân, đặc biệt là những phụ nữ trẻ.

Việc phẫu thuật robot qua tiền đình miệng có nhiều ưu điểm, nhất là đảm bảo thẩm mỹ, giảm sang chấn, không chảy máu, giảm đau tối đa và phục hồi nhanh chóng. Những tiến bộ trong điều trị bệnh đang giúp bệnh nhân ung thư tin tưởng và lạc quan hơn trong quá trình điều trị (Tuổi trẻ, trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang