Tâm lý chờ vắc-xin dịch vụ và nguy cơ dịch bệnh quay trở lại
Hiện nay vắc-xin dịch vụ (5 trong 1 Pentaxim) đang rất khan hiếm, trong khi đó các bà mẹ lại vẫn có tâm lý chờ được tiêm dịch vụ vắc-xin này là rất nguy hiểm. Việc chờ loại vắc-xin đang rất thiếu sẽ bỏ lỡ cơ hội tạo miễn dịch tốt cho trẻ, khi đó, nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, các bà mẹ cần hiểu đúng về vắc-xin và thực hiện đúng lịch tiêm của trẻ.
Hiểu đúng về vắc-xin
Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia được triển khai đến nay đã được hơn 30 năm. Các thống kê cho thấy, nhờ tiêm chủng mà tỷ lệ mắc các bệnh trên 100 nghìn dân giảm rõ rệt: bạch hầu giảm 228 lần; ho gà giảm 844 lần, sởi giảm 90 lần; uốn ván sơ sinh giảm 18 lần (so với năm 1991)… Chương trình TCMR của Việt Nam là điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và luôn dành sự quan tâm hỗ trợ để chương trình ngày càng được mở rộng cả về quy mô và chất lượng. Đến nay, chương trình TCMR đã triển khai tiêm miễn phí 12 loại vắc-xin phòng bệnh cho trẻ. Nhờ tiêm chủng, mỗi năm cả nước ta có khoảng 1,5 triệu trẻ em được tiêm chủng miễn phí 12 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) PGS, TS Trần Đắc Phu cho biết: Bộ Y tế luôn luôn khuyến cáo người dân đi tiêm đầy đủ những loại vắc-xin trong chương trình TCMR được triển khai tiêm miễn phí. Chỉ những vắc-xin nào Nhà nước chưa có điều kiện đưa vào chương trình TCMR thì mới khuyến khích người dân tiêm theo hình thức dịch vụ. Tuy vậy, một bất cập là có những vắc-xin phòng một hay nhiều bệnh vừa cung cấp dưới dạng TCMR và cũng có loại cung cấp dưới dạng tiêm dịch vụ có thể từ các nhà sản xuất khác nhau. Vắc-xin Quinvaxem và vắc-xin Pentaxim là một thí dụ điển hình, cả hai loại vắc-xin này đều phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib.
Ở nước ta, từ năm 2010 đến nay có khoảng 25 triệu liều vắc-xin phối hợp 5 trong 1 Quinvaxem được tiêm an toàn cho trẻ dưới một tuổi. Tỷ lệ phản ứng thông thường và các phản ứng nặng sau tiêm đều thấp hơn so với thông báo của nhà sản xuất, Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Riêng năm 2015, cũng đã có 4,8 triệu lượt trẻ dưới một tuổi được tiêm chủng vắc-xin này tại tất cả các điểm tiêm chủng ở xã, phường trên cả nước. Trong khi đó, chỉ có khoảng 100 đến 200 nghìn liều vắc-xin có thành phần ho gà vô bào được sử dụng tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ tiêm cho khoảng 8% số trẻ trong độ tuổi. Các kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy rằng, hơn 97% số trẻ em được bảo vệ chống lại bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà và bệnh do vi khuẩn Hib gây ra sau tiêm chủng ba liều cơ bản với Quinvaxem; hơn 91% số trẻ em được bảo vệ chống lại bệnh viêm gan B sau khi tiêm chủng vắc-xin theo lịch mà chưa được tiêm chủng vắc-xin viêm gan B vào lúc mới sinh.
Sau một số vụ tai biến tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem, thêm vào đó loại vắc-xin này có chứa thành phần ho gà toàn tế bào nên những phản ứng sau tiêm thông thường như sốt, đau tại chỗ tiêm, trẻ quấy khóc xảy ra nhiều hơn vắc-xin Pentaxim có chứa thành phần ho gà vô bào, đã làm cho các bà mẹ, nhất là ở các thành phố lớn thường chọn vắc-xin Pentaxim để tiêm cho con. Cũng chính vì phản ứng phụ thông thường nhiều hơn và cho rằng tiêm miễn phí là không tốt, nên một số bà mẹ không cho con đi tiêm vắc-xin TCMR.
Tuy nhiên PGS, TS Trần Đắc Phu cho biết, các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ phản ứng nặng là tương đương nhau, nhưng tính sinh miễn dịch của vắc-xin Quinvaxem tốt hơn. Việc thay thế vắc-xin là một vấn đề hết sức chiến lược, cần phải dựa trên cơ sở khoa học cũng như thực tiễn, nhất là hiệu quả phòng bệnh. Đối với Việt Nam hiện nay sử dụng vắc-xin Quinvaxem vẫn đang là phù hợp để duy trì hiệu quả phòng bệnh. Quan điểm của Bộ Y tế là khuyến khích trẻ em tiêm vắc-xin Quinvaxem trong chương trình TCMR vì bảo đảm miễn dịch tốt hơn.
Đừng đánh mất cơ hội vàng
Tâm lý chờ vắc-xin dịch vụ 5 trong 1 Pentaxim lên đến đỉnh điểm khi các bậc phụ huynh ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh xếp hàng thâu đêm chỉ để lấy được phiếu đăng ký cho con, cháu được tiêm một mũi vắc-xin dịch vụ. Chỉ trong “nháy mắt” số lượng vắc-xin Pentaxim tại các điểm tiêm dịch vụ cũng được đăng ký hết (đăng ký qua mạng in-tơ-nét). Bộ Y tế cũng như các cơ quan chuyên môn đều giải thích, khẳng định bất kỳ loại vắc-xin nào cũng có tỷ lệ phản ứng nặng nhất định vì tiêm vắc-xin là quá trình đưa kháng nguyên lạ vào cơ thể. Trên thế giới, một số nước đã sử dụng vắc-xin có thành phần ho gà vô bào trong chương trình TCMR và cũng đã ghi nhận những trường hợp phản ứng nặng, thậm chí tử vong sau tiêm.
Mặc dù không có loại vắc-xin nào đạt đến độ an toàn tuyệt đối, nhưng tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ và cho cả cộng đồng vẫn là việc hết sức cần thiết, nhất là đối với quốc gia có khí hậu nhiệt đới, môi trường dễ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm. Do đó, mỗi phụ huynh cần ý thức tiêm chủng không chỉ là lựa chọn của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng.
Nhằm bảo vệ sức khỏe của trẻ và ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo: Quyền lựa chọn tiêm loại vắc-xin nào cho trẻ thuộc về các bậc phụ huynh, tuy nhiên cần bảo đảm hiểu rõ về nguồn gốc và chất lượng của lô vắc-xin, cũng như kỹ thuật tiêm của người chịu trách nhiệm tiêm cho trẻ. Phụ huynh cần nắm rõ lịch tiêm của trẻ, tuân theo lịch tiêm chủng đã được Bộ Y tế quy định. Nếu trẻ nào đã tiêm vắc-xin dịch vụ 5 trong 1 nhưng sau đó không có để tiêm thì cũng có thể chuyển sang tiêm vắc-xin trong chương trình TCMR Quinvaxem mà không lo ngại khả năng miễn dịch giảm. Phụ huynh có nhu cầu tiêm cho con tốt nhất nên đến các trung tâm y tế, cơ sở tiêm chủng đã được cấp phép để được tư vấn đầy đủ. Tuyệt đối không được bỏ tiêm chủng, khiến trẻ nguy hiểm tính mạng và có thể gây dịch trong cộng đồng.
Các bậc cha mẹ cũng cần nhớ để phòng bệnh tốt nhất trẻ cần được tiêm chủng đúng lịch. Việc các bậc phụ huynh trì hoãn đưa con đi tiêm chủng, chờ đợi vắc-xin dịch vụ sẽ khiến cho trẻ bị tiêm chủng muộn, tiêm không đủ mũi. Nếu không có miễn dịch bảo vệ chủ động, trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh trước khi tiêm chủng. Thống kê trong đầu năm 2015, có 43,7% các trường hợp mắc ho gà ở độ tuổi từ 2 đến 4 tháng tuổi mà chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ mũi.
Cục trưởng Quản lý dược (Bộ Y tế) Trương Quốc Cường cho biết, năm 2016, việc nhập về một số vắc-xin dịch vụ sẽ tiếp tục khó khăn do thiếu nguồn cung. Riêng vắc-xin Pentaxim đến nay mới chắc chắn có 40 nghìn liều, nhập về vào tháng 2. Vì vậy các phụ huynh cần cân nhắc và có quyết định hợp lý, quan trọng nhất vẫn là tạo miễn dịch tốt nhất cho trẻ.
Các nghiên cứu cho thấy “cơ hội vàng” để tiêm vắc-xin đạt tỷ lệ miễn dịch cao nhất là khi trẻ được 2, 3 và 4 tháng tuổi; giữa các mũi tiêm tối thiểu là bốn tuần. Đây cũng là “thời gian vàng” để vắc-xin phát huy miễn dịch cao nhất, lên đến 80 thậm chí 90%. PGS, TS Trần Đắc Phu khẳng định, nếu trẻ không tiêm đủ mũi, khả năng miễn dịch càng giảm, thậm chí về không. Chính vì vậy, đừng đánh mất cơ hội vàng tạo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ. (Báo Nhân dân (trang 7).
Mừng rơi nước mắt khi con được tiêm Pentaxim
Ngày 30-12, khoảng 300 cháu bé đầu tiên đã được tiêm vaccine Pentaxim tại điểm tiêm chủng dịch vụ của Trung tâm Y tế Dự phòng (TTYTDP) Hà Nội ở 70 Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa). Ngày đầu triển khai tiêm Pentaxim đã diễn ra suôn sẻ, không có cảnh tượng xô đẩy, chen lấn.
Trật tự, không chen lấn
Những trẻ được tiêm Pentaxim tại TTYTDP Hà Nội sáng qua nằm trong số 3.200 trường hợp đã có phiếu tiêm chủng đăng ký qua trang web của Trung tâm từ sáng 29-12. Do hiệu ứng của cơn “sốt” vaccine 5 trong 1 dịch vụ đợt này quá lớn - nhất là khi 3.200 liều Pentaxim được đăng ký hết veo chỉ sau 3 phút 40 giây tính từ khi bắt đầu nhận đăng ký vào 9h sáng 29-12, phía đơn vị tổ chức tiêm chủng rất lo ngại có thể xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy trong ngày tiêm đầu tiên. Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị tốt, không khí trong ngày tiêm đầu tiên đã diễn ra trật tự.
Theo ghi nhận của chúng tôi, sáng 30-12, những phụ huynh đã được phát phiếu tiêm Pentaxim khi đưa trẻ đến tiêm đều ngồi đợi đến lượt tiêm theo đúng thứ tự. Điểm tiêm chủng tổ chức nhiều phòng và bàn tư vấn tiêm cũng như tăng cường cán bộ y tế so với thường lệ nhằm đảm bảo không bị ùn tắc. Chị Nguyễn Thu Giang - mẹ bé Trần Bảo Ngọc (ở Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, trên phiếu hẹn của chị có ghi rõ thời gian tiêm từ 9-10h nên thay bằng việc phải dậy sớm đi xếp hàng lấy số, đến gần giờ hẹn chị mới đưa cháu đến tiêm.
Nhiều phụ huynh khác cũng rất phấn khởi khi sáng nay không phải dậy sớm, lo đi xếp hàng chờ tiêm cho con. Có những phụ huynh mừng rơi nước mắt sau khi con mình được tiêm vaccine an toàn, cũng bởi cảnh phải chờ đợi vaccine dịch vụ kéo dài quá lâu. Nhiều phụ huynh bế trẻ ngồi lại theo dõi 30 phút sau tiêm theo quy định cười đùa rôm rả, cùng chia sẻ về việc đăng ký thành công vaccine qua mạng…
Đừng bị động chờ vaccine dịch vụ
Cũng trong sáng 30-12, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cùng Giám đốc TTYTDP Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm đã trực tiếp giám sát công tác tiêm chủng tại điểm tiêm 70 Nguyễn Chí Thanh. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết, trong ngày 30-12, Trung tâm tiêm Pentaxim cho 300 trẻ, theo các khung giờ nhất định. Với hơn 3.000 liều vaccine Pentaxim được cấp lần này, Trung tâm sẽ tiêm trong khoảng 10 ngày.
Về lo lắng của người dân khi trẻ có phiếu tiêm chủng nhưng vì qua khám sàng lọc không đủ tiêu chuẩn có thể không được tiêm theo lịch, ông Nguyễn Nhật Cảm khẳng định, tất cả những trẻ bị hoãn tiêm vì lý do sức khỏe thì phiếu đăng ký tiêm chủng trước đó vẫn có giá trị và phụ huynh có thể cho trẻ đến tiêm chủng bất kỳ thời điểm nào sau đó (khi trẻ đảm bảo sức khỏe).
Đáng chú ý, sáng 30-12, có một số phụ huynh không có phiếu đăng ký tiêm Pentaxim nhưng vẫn tới điểm tiêm của TTYTDP Hà Nội từ rất sớm với hy vọng có thể kiếm được suất tiêm mà phụ huynh nào đó có phiếu nhưng không tới tiêm hoặc bán lại phiếu tiêm. Ông Nguyễn Nhật Cảm nhấn mạnh, Trung tâm chỉ tiêm vaccine cho những trẻ đã đăng ký thành công trước đó. Trường hợp đã có phiếu đăng ký nhưng không đưa trẻ đến tiêm, Trung tâm cũng không chuyển qua cho trẻ khác mà phải đợi đến cuối đợt tiêm mới tổng kết lại và có thông báo cho người dân tiếp tục đăng ký.
Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên đưa trẻ đi tiêm vaccine 5 trong 1 Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng thay vì chờ đợi vaccine dịch vụ, bởi điều này có thể gây nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại. Hiện tại, vaccine 5 trong 1 Quinvaxem được Bộ Y tế cung cấp đầy đủ tại gần 16.000 điểm tiêm chủng trên cả nước, đảm bảo an toàn và hiệu quả. Vì vậy, phụ huynh có trẻ đến thời gian cần tiêm chủng mà chưa đăng ký được vaccine dịch vụ nên đến ngay các điểm tiêm chủng tại xã, phường để được tiêm Quinvaxem kịp thời. (An ninh thủ đô (trang 7).
Những bài học từ “cơn khát” vaccine
Những ngày này, vaccine dịch vụ Pentaxim “5 trong 1” vẫn là vấn đề “nóng” của xã hội, khi liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sinh mệnh của hàng triệu trẻ em, mà dường như gia đình nào cũng có trẻ cần tiêm. Bất cứ thông tin nào liên quan đến vaccine Pentaxim đều được người dân chăm chú dõi theo, đủ thấy được “cơn khát” vaccine dịch vụ vẫn đang ở đỉnh điểm. Xáo trộn xã hội ít nhiều đã xảy ra, mà cuộc hỗn loạn ở điểm tiêm chủng 182 Lương Thế Vinh, Hà Nội là một minh chứng, buộc chúng ta phải nhìn lại để rút kinh nghiệm, nhằm không tái diễn những sự việc không đáng có, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã và đang bước vào hội nhập quốc tế.
Với tư cách là đại biểu Quốc hội, PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, Chủ tịch Hội dược học TPHCM, thẳng thắn chỉ ra: Để xảy ra tình trạng thiếu vaccine dịch vụ như hiện nay, trách nhiệm trước hết thuộc về Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) trong việc hoạch định chính sách, cũng như không thể phó mặc vaccine dịch vụ cho thị trường, đồng thời, phải tạo cơ chế thông thoáng trong việc nhập khẩu, cơ chế giá vaccine dịch vụ để doanh nghiệp nhập về phục vụ nhân dân. Là cơ quan quản lý Nhà nước, Cục Quản lý Dược cần phải ước lượng được nhu cầu vaccine dịch vụ để có kế hoạch dự trù, cơ chế giá hợp lý và đặt hàng nhà sản xuất đảm bảo đủ vaccine cho người dân. Cục Y tế dự phòng cũng phải phối hợp với Cục Quản lý Dược để đưa ra con số chính xác về số người cần tiêm để dự trù. Vừa qua, đại diện Cục Quản lý Dược giải thích việc thiếu vaccine dịch vụ do nhà sản xuất thay đổi vị trí và công nghệ, là thiếu trách nhiệm. Tại sao Việt Nam thiếu còn các nước không thiếu? Là vì các nước dự trù được nên đặt hàng trước, còn Việt Nam thì không. Hơn nữa, việc khẳng định năm 2016 vẫn vô phương về cung ứng vaccine dịch vụ, càng thiếu trách nhiệm bởi khiến dân hoảng loạn và tình trạng thiếu hàng dễ dẫn đến găm hàng. Sinh ra cơ quan quản lý là để xem xét linh động chính sách khi cần thiết cho xã hội chứ không phải để… ngồi đó.
Bên cạnh đó, PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan cũng chỉ ra: Để phụ huynh sợ vaccine Quinvaxem, là trách nhiệm của Cục Y tế dự phòng khi tuyên truyền, giải thích về vaccine Quinvaxem còn yếu ớt. Mới chỉ thấy so sánh về vô bào và nguyên bào giữa Quinvaxem và Pentaxim, hay cho rằng tỉ lệ tử vong của Quinvaxem trong giới hạn cho phép, trong khi không ai muốn con cháu mình rơi vào “tỉ lệ cho phép” đó. Không thể để những thông tin cảm tính lấn át, khi chỉ một ca tử vong chưa rõ có nguyên nhân do vaccine hay không là vội đổ cho vaccine. Cần phải phân tích, giải quyết thuyết phục bằng ý kiến của các nhà khoa học về tính an toàn và hiệu quả của Quinvaxem. Cục Y tế dự phòng cũng cần xem lại đã kiểm soát tốt qui trình tiêm phòng chưa? Công tác tổ chức tiêm phòng vừa qua chưa tốt, lẽ ra phải lường trước bởi số vaccine ít mà nhu cầu thì cao. Về lâu dài, phải làm sao để dân tin tưởng vào vaccine TCMR. Các nhà khoa học phải lên tiếng. Nếu thấy không an toàn thì phải thay, vì Quinvaxem thắng thầu chương trình TCMR không có nghĩa là vĩnh viễn.
Một số nhà quản lý cũng cho rằng, để xảy ra “cơn khát” vaccine hôm nay, có vai trò của công tác truyền thông về tiêm chủng, dĩ nhiên, trách nhiệm trước hết thuộc về ngành y tế. Mặc dù Bộ Y tế đã chủ động truyền thông, đặc biệt chú trọng cung cấp truyền thông từ trên xuống, nhưng dường như hệ thống y tế dự phòng ở các địa phương coi đó là việc của trên, mà cho rằng, cơ sở chỉ cần làm chuyên môn, dẫn đến hiệu quả truyền thông không cao. Thông tin không đến được người dân, nếu có thì các thông điệp truyền thông không được người dân hiểu đúng. Ở địa phương còn có sự chồng lấn nhiệm vụ giữa chỉ đạo của UBND và ngành dọc. Địa phương mới chỉ thực hiện triển khai công việc mà không chú trọng truyền thông phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, một số cơ quan báo chí chưa thực sự thực hiện truyền thông có trách nhiệm, mà chỉ mong muốn thông tin giật gân, câu khách. Khi thấy một vài tai biến liên quan đến vaccine, chưa tìm hiểu nguyên nhân, đã vội vã khai thác thông tin theo hướng quy trách nhiệm do vaccine, khiến người dân hoang mang. Có thể thấy rõ vụ này qua dịch sởi năm 2014, khi người dân vì sợ đã không cho con tiêm phòng, khiến dịch sởi bùng phát dữ dội với hàng chục ngàn người mắc và khoảng 150 trẻ tử vong tại bệnh viện.
Với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã có một chiến dịch tiêm chủng mở rộng (TCMR) lớn nhất từ trước đến nay trong năm 2014-2015. Nhưng mặc dù đã làm tốt công tác TCMR, song Bộ Y tế cũng cần đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu thực tế của một bộ phận nhân dân để họ có thêm sự lựa chọn là tiêm chủng dịch vụ. Lâu nay ngành y tế đã đáp ứng việc khám chữa bệnh theo yêu cầu, thì việc tiêm chủng cũng nên thực hiện như vậy. Song để làm được việc này, đòi hỏi ngành y cần chủ động nắm bắt nhu cầu thực tế của người dân, lên kế hoạch đón đầu mới đáp ứng tốt nhu cầu chính đáng của xã hội.
Tuy nhiên, cũng ghi nhận phản ứng kịp thời và hợp tác với báo chí của ngành y tế trước “sự cố” vaccine ngày 25-12. Ngay chiều 25-12, Bộ Y tế đã lập tức chỉ đạo Sở Y tế các địa phương về việc tổ chức tiêm chủng, lập kế hoạch chi tiết, đăng ký tiêm chủng qua mạng. Một ngày sau, Bộ Y tế đã tổ chức họp báo, chủ động cung cấp thông tin chi tiết và giải thích các vấn đề liên quan đến vaccine dịch vụ; minh bạch hoá quy trình tiêm vaccine thông qua việc công bố danh sách các điểm tiêm chủng, cho phép đăng ký trực tuyến, qua đó, người dân nắm được tình hình, tránh gây nên những hệ quả do nhận thức chưa đầy đủ về các loại vaccine. (Công an nhân dân (trang 4)
BV Bạch Mai chính thức có thêm khu điều trị hiện đại 500 giường bệnh
Sáng nay, 30-12, Bệnh viện Bạch Mai đã khánh thành Trung tâm Ung bướu và Trung tâm Tim mạch trẻ em, với quy mô 500 giường bệnh, nằm trong khuôn viên tòa nhà y tế chất lượng cao được đầu tư xây dựng với tổng vốn trên 1.300 tỷ đồng. PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tổng mức đầu tư phê duyệt công trình này là hơn 1.318 tỷ đồng. Công trình cao 19 tầng nổi và 2 tầng hầm với các khu chức năng, kỹ thuật đáp ứng công năng chẩn đoán và điều trị ung thư và tim mạch trẻ em. Đồng thời lắp đặt các trang thiết bị công trình và trang thiết bị y tế chuyên dụng phục vụ chẩn đoán và điều trị ung thư và tim mạch trẻ em hiện đại và đồng bộ.
“Công trình được hoàn thành đảm bảo chất lượng và tiến độ, đã góp phần phát triển Bệnh viện Bạch Mai lên một tầm cao mới. Có thể khẳng định rằng công trình Trung tâm Ung bướu và Trung tâm Tim mạch trẻ em sẽ là một công trình y tế tiêu biểu về giá trị thẩm mỹ và chất lượng của ngành Y tế, đặc biệt sẽ đem lại nhiều hy vọng mới cho các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, khi tình trạng quá tải của bệnh viện đã khiến họ vô cùng ngột ngạt”. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, với việc khánh thành công trình y tế hiện đại, quy mô 500 giường bệnh nói trên chắc chắn sẽ làm “hạ hoả” tình trạng quá tải của Bệnh viện Bạch Mai bấy lâu nay. Đó không chỉ là dấu mốc trọng đại với Bệnh viện mà còn là niềm vui chung của ngành y tế, của người bệnh vì Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện hạng đặc biệt của cả nước.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong tương lai Bộ Y tế sẽ tiếp tục đầu tư các trang thiết bị hiện đại cho tòa nhà này nói chung, Bệnh viện Bạch Mai nói riêng đồng thời đề nghị phía bệnh viện cần nỗ lực sắp xếp làm sao để bệnh nhân được thụ hưởng cở sở hạ tầng tốt nhất. Trong những ngày sắp tới, Bộ Y tế sẽ khánh thành một loạt công trình y tế đưa vào sử dụng nhằm phục vụ bệnh nhân tốt hơn.
Cũng trong sáng nay, 30-12, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tổ chức khai trương khu khám bệnh theo yêu cầu để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Được biết, sau hơn 1 tháng đưa vào vận hành thử nghiệm, khu khám bệnh theo yêu cầu này đã mang lại hiệu quả cao với gần 7.000 bệnh nhân được tiếp đón và khám bệnh, đáp ứng được các tiêu chí mà Bộ Y tế, Cục Quân y – Bộ Quốc phòng đã đưa ra. Đây là bước khởi đầu cho sự thay đổi toàn diện về nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân tại bệnh viện. (An ninh thủ đô, Tuổi trẻ (trang 14).