Việt Nam giúp Lào xây dựng Bệnh viện Hữu nghị tỉnh Xiêng Khoảng
Sáng 2-1, tại tỉnh Xiêng Khoảng, bắc Lào, diễn ra lễ động thổ Dự án Bệnh viện Hữu nghị tỉnh Xiêng Khoảng. Các đồng chí Xổm-xa-vạt Lềnh-xa-vắt, Uỷ viên Bộ Chính trị T.Ư Đảng NDCM Lào, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào - Việt Nam; Nguyễn Chí Dũng, Uỷ viên T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Lào, cùng lãnh đạo, cán bộ tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Nghệ An đã tham dự buổi lễ.
Dự án xây dựng Bệnh viện Hữu nghị tỉnh Xiêng Khoảng là dự án Việt Nam giúp Lào xây dựng trong khuôn khổ hợp tác giữa hai nước với tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ VNĐ, tương đương gần 20 triệu USD. Bệnh viện có quy mô 200 giường bệnh; cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ tốt công tác khám, chữa bệnh, từng bước hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống y tế của tỉnh Xiêng Khoảng, đáp ứng và nâng cao khả năng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Chí Dũng đề nghị các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam và Lào tập trung triển khai thi công đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng công trình. Đặc biệt là việc chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho việc vận hành khi dự án hoàn tất; bảo đảm dự án phát huy hiệu quả cao, sử dụng bền vững và tạo nên một dấu ấn tốt đẹp trong quan hệ hai nước. Đồng chí cũng bày tỏ tin tưởng, với nỗ lực phấn đấu của cả hai bên, dự án sẽ sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, góp phần tăng cường và củng cố mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào đã được các thế hệ đi trước dày công vun đắp.
Đồng chí Xổm-cốt Măng-nò-mếc, Uỷ viên T.Ư Đảng NDCM Lào, Bí thư - Tỉnh trưởng tỉnh Xiêng Khoảng khẳng định Bệnh viện Hữu nghị sẽ góp phần to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Xiêng Khoảng. Tỉnh cam kết sẽ sử dụng hiệu quả những trang thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ, áp dụng khoa học công nghệ vào việc khám chữa bệnh cho nhân dân tỉnh Xiêng Khoảng và các tỉnh lân cận. Đồng chí cho rằng, dự án sẽ góp phần giúp tỉnh Xiêng Khoảng hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển vào năm 2020, kế hoạch chiến lược năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 cùng với chương trình hành động cải tổ ngành y tế của đất nước Lào.
Nhân dịp này, tỉnh Nghệ An đã trao tặng 100 triệu VNĐ cho Hội Hiến máu nhân đạo tỉnh Xiêng Khoảng để giúp đỡ các bệnh nhân trên địa bàn tỉnh. Trước đó, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng đoàn đại biểu Việt Nam đã tới đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào tại tỉnh Xiêng Khoảng. (Nhân dân (trang 8))
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ trang 3: “Bệnh viện Hữu Nghị do VN tài trợ Lào”
Thầy giáo trẻ 28 lần hiến máu
Cứ 3-4 tháng một lần, hai chàng trai Trần Ánh Nhật Hưởng (sinh năm 1988) và Nguyễn Nhật Phúc (sinh năm 1993) lại hiến máu. Đến nay, Hưởng hiến máu 28 lần, Phúc 18 lần.
Nhiệt huyết tuổi trẻ
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 18 tuổi, Trần Ánh Nhật Hưởng thi đỗ Đại học Sư phạm TPHCM. Cuối năm 2006, đang là sinh viên năm nhất, Hưởng lần đầu tiên hiến máu. “Thời điểm đó, nhà trường phát động sinh viên hiến máu tình nguyện, thấy các bạn cùng lớp ai cũng háo hức đi hiến máu, nên mình cũng đi để xem cảm giác thế nào. Ai ngờ, hiến máu cũng vui mà sức khỏe lại không ảnh hưởng gì nên cứ thế lần thứ 2 rồi đến lần 3…”, Hưởng kể.
Hiểu rằng hiến máu là cứu người, chứ không còn là phong trào, Hưởng ngày càng tích cực tham gia và nhanh chóng trở thành thủ lĩnh của Đại học Sư phạm TPHCM trong việc này. Hưởng còn làm Chỉ huy trưởng mặt trận huyện Củ Chi, TPHCM (Mùa Hè Xanh 2009); Chỉ huy trưởng mặt trận huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre (Mùa Hè Xanh 2010); Trưởng đoàn Đại học Sư phạm TPHCM tham gia Hội trại “Tuổi trẻ giữ biển năm 2009”…
Sau khi ra trường, Hưởng làm công tác giảng dạy tại Trường Trung học Thực hành. Năm 2014, Hưởng chuyển về giảng dạy tại Trường THPT Marie Curie TPHCM. Ngoài công tác chuyên môn, đảng viên trẻ này hầu như dành toàn bộ thời gian cho các hoạt động xã hội, cứ 3- 4 tháng, lại đi hiến máu.
Hiến máu “cơ động”
Nguyễn Nhật Phúc, quê Quảng Ngãi, hiện là sinh viên hệ vừa học vừa làm Đại học Lao động Xã hội TPHCM. Phúc kể: “Cuối năm lớp 12, em được địa phương gọi đi khám nghĩa vụ quân sự. Sau khi khám xong, các bác sĩ bảo em sức khỏe tốt nhưng do đang đi học nên không gọi nhập ngũ mà khuyến khích em hiến máu để vừa cứu người lại vừa tốt cho sức khỏe. Nghe lời bác sĩ cộng với không khí hiến máu sôi nổi, em đăng ký hiến luôn, ai ngờ về nhà bị bố mẹ la quá trời”.
Vài tháng sau, Phúc thi đỗ ngành Tài chính - Ngân hàng Trường Cao đẳng Công Thương TPHCM. Phúc trở thành cán bộ Đoàn của khoa, tích cực hoạt động tình nguyện, đặc biệt là hiến máu. “Mỗi năm ở trường chỉ có hai lần hiến máu. Nên cứ đúng 3 tháng, em lại đến Trung tâm Công tác Xã hội (thuộc Thành đoàn) hoặc bệnh viện… để hiến máu”, Phúc tâm sự.
Từ việc đi hiến máu nhiều và nhiệt tình tham gia công tác xã hội, Phúc nhận ra mình không phù hợp với ngành Tài chính - Ngân hàng nên sau khi ra trường, Phúc học tiếp ngành Công tác xã hội Đại học Lao động Xã hội TPHCM hệ vừa học vừa làm để tự lo cho bản thân. Phúc làm đơn tham gia đội hiến máu dự bị với tâm thế luôn sẵn sàng cho máu khi có người cầu cứu.
Lần gần đây nhất vào khoảng tháng 5/2015, Phúc cơ động hiến máu tình nguyện cho một bệnh nhân mổ tim khác khi lần hiến máu trước đó chỉ mới hơn 2 tháng. Đã nhiều lần như vậy: Em cho rằng đó là niềm vui, bởi giọt máu của mình cho đi sẽ cứu được người khác”, Phúc tâm sự. (* Tiền phong (trang 4))
Thầy thuốc Nhân dân - PGS.TS Nguyễn Văn Thạch: Không cho phép thầy thuốc “nói to” với bệnh nhân, chứ đừng nói đến chuyện “vòi vĩnh”
Ca phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống thắt lưng được thực hiện thành công tại Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt-Đức trong tháng cuối cùng khép lại năm 2015 cũng là trường hợp bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam triển khai kỹ thuật này, góp thêm vào những thành tựu của nền y học nước nhà.
Cuộc trao đổi vào những ngày đầu năm mới giữa phóng viên Báo Hànộimới với Thầy thuốc Nhân dân - PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống (PTCS) - BV Hữu nghị Việt-Đức, Chủ tịch Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Chấn thương chỉnh hình Đông Nam Á - người đặt nền móng cho ngành PTCS Việt Nam cũng là người đưa khoa PTCS trở thành trung tâm PTCS hàng đầu của đất nước phần nào thấy được cái "tâm" và "tầm" của người thầy thuốc.
Mang công nghệ người giàu phục vụ người nghèo
- Ông được người trong ngành ví như “đôi tay vàng” chuyên ngành PTCS của Việt Nam, cơ duyên nào khiến ông gắn bó với chuyên ngành này?
- Năm 1988, tôi được Nhà nước cử đi đào tạo tiến sĩ ở Đức về lĩnh vực y tế. Trước khi sang Đức, tôi là bác sĩ của BV Hữu nghị Việt-Đức, được BV cử đi nước ngoài học tập để sau này quay về phục vụ đất nước. Trong lúc đang phân vân trước sự mênh mông bể học của ngành y thì tôi may mắn gặp được ba người thầy là GS Prof, GS Arnol và GS Schweltick. Họ đều là những chuyên gia hàng đầu nước Đức về lĩnh vực PTCS. Ba người thầy này đã định hướng, giúp đỡ và truyền nghề trong thời gian tôi du học ở nước ngoài.
- Nhiều người khi có cơ hội ra nước ngoài học tập, họ thường định cư lại phương trời mới nhằm tìm kiếm cơ hội phát triển. Vậy lý do gì khiến PGS quyết định phải trở về quê hương?
- Thời điểm đó, chuyên ngành PTCS ở nước ta chưa phát triển. Việt Nam cũng chưa có bác sĩ chuyên về chấn thương cột sống. Chính nhờ sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình của các thầy giáo Đức đã khiến tôi say mê và ước mơ sau này khi trở về nước sẽ phát triển chuyên ngành PTCS phục vụ nền y học đất nước. Suốt 8 năm tu nghiệp và kể cả sau khi về nước, tôi không ngừng nghiên cứu và ứng dụng những kỹ thuật y khoa tiên tiến trên thế giới như: Tái tạo nhân dây bằng sóng cao tần, phẫu thuật nội soi đĩa đệm, sử dụng rô bốt trong PTCS… Trong đó, phương pháp PTCS bằng rô bốt được đánh giá là mang công nghệ của người giàu phục vụ người nghèo. Với kỹ thuật này, Việt Nam áp dụng đầu tiên ở Đông Nam Á và thứ hai ở Châu Á chỉ sau Nhật Bản.
- Được biết, khi trở về phục vụ Tổ quốc, ông là người tiên phong xây dựng khoa PTCS của BV Hữu nghị Việt-Đức. Thời điểm đó, chuyên ngành PTCS còn khá mới mẻ đối với Việt Nam, vậy ông có gặp phải khó khăn?
- Vào những năm 90 của thế kỷ trước, ở Việt Nam, các bệnh về cột sống hầu như chưa có phương pháp điều trị riêng. Chính vì vậy, BV Việt-Đức đã xếp chung các ca bệnh liên quan đến cột sống vào khoa Chấn thương chỉnh hình. Khi còn sống, GS Tôn Thất Bách đã nói với tôi về việc mong muốn phát triển chuyên ngành PTCS. Lời gợi ý của GS Tôn Thất Bách đã khiến tôi trăn trở rất nhiều. Tuy nhiên, thời gian đầu, bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất, khó khăn lớn nhất là chưa có được sự nhìn nhận đánh giá đúng những nguy cơ của các bệnh về cột sống. Trong khi đó, các bệnh về cột sống gắn liền với tổn thương tủy sống. Tủy sống rất quan trọng, nếu các bộ phận khác có thể cắt bỏ một phần thì tủy sống lại không thể và nếu không được chữa trị kịp thời và không cẩn trọng, bệnh nhân có thể sẽ bị liệt, thậm chí tử vong. Bởi thế, PTCS được cho là loại giải phẫu đòi hỏi sự khéo léo, tinh xảo của người bác sĩ phẫu thuật… Sau một thời gian dài nỗ lực và khắc phục khó khăn, tháng 9-2007, khoa PTCS chính thức được thành lập. Đây là một quyết định rất quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới và PTCS chính thức được công nhận là một chuyên ngành, nhận được sự quan tâm đúng mức của ngành Y tế và của xã hội.
- Theo ông, điều gì làm nên thương hiệu cho khoa PTCS, được nhiều bệnh nhân tin tưởng như ngày hôm nay?
- Gần 10 năm thành lập, thương hiệu khoa PTCS dần dần tạo uy tín đối với người bệnh trên khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam của đất nước. Để sớm có một đội ngũ đủ trình độ PTCS đáp ứng yêu cầu, tôi cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo. Là người được đào tạo bài bản nhiều năm ở Đức, tôi cũng đã tranh thủ các mối quan hệ để tìm nguồn tài trợ đưa các bác sĩ trẻ đi học ở các nước: Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Singapore…, đồng thời, tranh thủ mọi sự giúp đỡ và thực hiện xã hội hóa để đầu tư trang thiết bị chuyên sâu. Các bác sĩ tại khoa ngoài việc được đào tạo cơ bản còn áp dụng thành công hầu hết các phương pháp, các kỹ thuật PTCS tiên tiến trên thế giới. Những kỹ thuật cao được thực hiện ở các nước phát triển như: Mỹ, Nhật Bản… cũng đã được áp dụng thuần thục tại khoa PTCS cho những kết quả thành công như mong muốn. Nhờ đó, các y bác sĩ tại khoa đã cứu sống nhiều bệnh nhân, trong đó, có người bị tai nạn hy hữu chấn thương cột sống cổ, vỡ thân đốt sống cổ, liệt tủy… Chính điều này đã làm nên thương hiệu, tạo uy tín rất lớn đối với người bệnh. Đến nay, dù có gần 100 giường nhưng khoa luôn quá tải. Có những ngày, các bác sĩ tại khoa phải mổ hơn 20 ca.
- Mới đây, ông vinh dự nhận giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực Y - Dược về đề tài Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật cao trong phẫu thuật điều trị bệnh lý cột sống và đĩa đệm. Điều gì khiến ông tâm đắc khi thực hiện đề tài này?
- Các nhà phẫu thuật hiện nay trên thế giới đi vào phấn đấu làm sao có được ca mổ an toàn, người bệnh tránh được các biến chứng như: Chảy máu, nhiễm trùng… Nhờ đó, người bệnh được phục hồi chức năng sớm, hòa nhập cộng đồng sớm hơn. Để có được điều này thì cần phải sử dụng các công nghệ mới. Ngay khi thành lập khoa, từng năm một, chúng tôi đã đưa được những kỹ thuật mới, tiên tiến trên thế giới vào lĩnh vực PTCS. Nếu như trước đây, với việc mổ mở, người bệnh có khi phải nằm tại BV tới 1-2 tuần nhưng bây giờ áp dụng kỹ thuật mổ ít xâm lấn, người bệnh có thể đi lại ngay sau ca phẫu thuật. Đơn cử như việc triển khai phẫu thuật nội soi thoát vị đĩa đệm, chỉ cần gây tê tại vị trí cần phẫu thuật khiến trong suốt quá trình phẫu thuật người bệnh vẫn tỉnh táo. Tuy nhiên, việc đưa một công nghệ mới vào ứng dụng cũng sẽ gặp khó khăn. Thế nhưng, may mắn là tôi nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của gia đình, đồng nghiệp. Điều khiến tôi tâm đắc là với kết quả tốt trong nghiên cứu và ứng dụng, tôi đã chuyển giao các kỹ thuật này cho các đồng nghiệp, từ các BV tuyến tỉnh đến cả vùng sâu vùng xa. Giờ đây, thay vì một mình tôi có thể thực hiện được kỹ thuật này thì nhiều đồng nghiệp khác cũng có thể thực hiện. Như vậy, số bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này sẽ là cấp số nhân. Tôi quan niệm, một bác sĩ giỏi cũng chỉ chữa được cho một người bệnh, còn đào tạo được 5 hay 10 bác sĩ thì sẽ có thêm 5 đến 10 người dân được chữa khỏi bệnh.
- Trong những ngày cuối năm 2015, ông và các bác sĩ khoa PTCS đã tiến hành thành công ca phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống thắt lưng đầu tiên tại Việt Nam. Hiện không chỉ chuyên ngành PTCS mà nhiều chuyên ngành trong y khoa Việt Nam đã tiệm cận được với trình độ của thế giới, thế nhưng nhiều người vẫn ra nước ngoài chữa bệnh, PGS có lời khuyên gì?
- Thay đĩa đệm nhân tạo cột sống thắt lưng là một kỹ thuật khó và phức tạp. Do đĩa đệm cột sống thắt lưng phải chịu hoàn toàn tải trọng cơ thể lớn. Hơn nữa, khi can thiệp phải đi từ ổ bụng, rất thận trọng để không làm tổn thương các tạng, “giải phóng” đường vào để lấy hết đĩa đệm đã bị hỏng rồi mới đặt được đĩa đệm nhân tạo. Để phẫu thuật thành công, đòi hỏi trình độ của phẫu thuật viên phải điêu luyện, để đặt đĩa đệm thật cân bằng, vì chỉ cần sai vị trí một ly cũng có thể gây nên những hậu quả khôn lường như liệt 2 chi dưới. Hiện tỷ lệ người bị đau lưng, đau cột sống ở Việt Nam khá lớn do số người bị thoái hóa cột sống rất nhiều. Bởi vậy, nhu cầu thay đĩa đệm nhân tạo ở Việt Nam khá lớn. Hiện chi phí phẫu thuật cột sống tại Việt Nam hiện vẫn ở mức rẻ nhất trên thế giới. Đặc biệt, chi phí cho một ca phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống thắt lưng ở BV Việt-Đức chỉ khoảng 50 triệu đồng. Trong khi tại các quốc gia như: Singapore, Hàn Quốc… một ca phẫu thuật tương tự chi phí đắt gấp 6-7 lần. Không riêng chuyên ngành PTCS mà rất nhiều kỹ thuật cao trong lĩnh vực y khoa trên thế giới đã được các thầy thuốc nước ta ứng dụng thành công. Theo tôi, người bệnh không nên “sính ngoại” bởi tay nghề của các bác sĩ trong nước hiện còn được thế giới nhìn nhận và đánh giá cao. Trong khi đó, chi phí cho một ca phẫu thuật trong nước rẻ hơn rất nhiều với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Nói không với “văn hóa phong bì”
- Thường BV tuyến cuối rất đông bệnh nhân và là môi trường của tiêu cực nhưng khoa PTCS lại tạo được uy tín với người bệnh là nơi không có chuyện biếu xén, tiêu cực. Bí quyết gì để nơi đây dẹp được “văn hóa phong bì”, thưa ông?
- Quy định của khoa không cho phép thầy thuốc “nói to” với bệnh nhân hay người nhà họ, chứ đừng nói đến chuyện “vòi vĩnh”. Để làm được điều này, lãnh đạo phải là người gắn kết quyền lợi của mình với quyền lợi của nhân viên để cùng nhau phát triển khoa. Tôi nghĩ rằng, mình cứ hết lòng vì người bệnh, phục vụ, chăm sóc họ một cách tốt nhất. Khi người bệnh tin tưởng đến với mình ngày càng đông khi đó, các bác sĩ tại đây sẽ làm thêm giờ, thậm chí làm thêm ngày. Như vậy, các bác sĩ sẽ có thêm thu nhập. Khi đời sống các y bác sĩ được cải thiện, họ không cần phải nhận phong bì.
- Thế nhưng, đối với không ít BV, khâu xếp lịch mổ chính là nơi tạo kẽ hở cho tiêu cực trong khi lịch mổ của khoa PTCS luôn dày đặc?
- Để bệnh nhân không phải đi lại nhiều, chúng tôi cố gắng xếp lịch mổ đáp ứng được tối đa nhu cầu của người bệnh. Tất nhiên, chúng tôi cũng phải kiểm tra nhân viên có thực hiện nghiêm chỉ đạo hay không, để bảo đảm không có tiêu cực, đồng thời, lắng nghe ý kiến phản hồi. Bệnh nhân đến với chúng tôi rất đông. Chính vì vậy, tôi luôn phải động viên các cán bộ trong khoa, phối hợp với phòng mổ làm thêm giờ, chia theo ca, theo kíp, thậm chí là tăng ca để đáp ứng được yêu cầu của người bệnh, mà lại giảm tải được cho BV. Thậm chí, khoa cũng triển khai dịch vụ mổ sớm và việc này được thông báo rộng rãi đến người bệnh. Điều này giúp bệnh nhân được phục vụ theo yêu cầu, mà thầy thuốc thì có điều kiện nâng cao tay nghề và cải thiện đời sống. Chúng tôi cũng lưu tâm và ưu tiên với những trường hợp bệnh nhân ở xa. Càng xa càng được ưu tiên mổ sớm để tránh cho bệnh nhân không phải tốn kém tiền tàu xe đi lại vất vả, cũng như chỗ ăn nghỉ để chờ phẫu thuật.
- Nhưng nếu xảy ra vi phạm, ông sẽ xử lý thế nào?
- Không cá nhân thầy thuốc nào trong khoa nhận biếu xén, vì nếu phát hiện, chắc chắn sẽ xử lý kỷ luật. Tất nhiên, lãnh đạo càng phải gương mẫu, nhất là về đạo đức nghề nghiệp. Làm nghề y là lấy phúc cho mình chứ không phải ban phúc cho người bệnh. Điều đặc biệt là, không chỉ xóa bỏ tiêu cực, khoa PTCS còn xây dựng Quỹ từ thiện từ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm để giúp đỡ người bệnh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Ngay từ đầu, khoa PTCS đã xây dựng quy chế để từng thành viên đọc, góp ý và khi đã đồng thuận tức là phải thực hiện nghiêm. Theo đó, ai nhận phong bì của bệnh nhân, thậm chí, chỉ cần quát người nhà bệnh nhân, chứ chưa phải bệnh nhân cũng phải tự giác rời khỏi khoa.
- Đảm nhận nhiều cương vị, từ công tác quản lý, công việc chuyên môn, nghiên cứu khoa học đến tham gia giảng dạy… trong khi quỹ thời gian mỗi ngày chỉ có 24 tiếng đồng hồ; vậy ông làm thế nào để mọi việc đều có thể trơn chu?
- Trong cương vị nào, tôi đều phải cố gắng và sắp xếp thời gian cho hợp lý thì mới làm được nhiều việc. Với người thầy thuốc, bất cứ điều gì làm tốt cho bệnh nhân, tôi đều không chối từ. Tôi luôn tâm niệm, được khám, điều trị cho người bệnh là hạnh phúc của người thầy thuốc. Qua đó, mình cũng có thêm nhiều kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn, phục vụ việc nghiên cứu khoa học, đóng góp nhiều hơn cho nền y học nước nhà.
- Xin cảm ơn PGS về cuộc trò chuyện này! (* Hà Nội mới (trang 1))
Trẻ đã tiêm vắc xin dịch vụ có thể quay lại tiêm Quinvaxem miễn phí
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu khẳng định, có thể cho trẻ tiêm vắc xin Quinvaxem miễn phí trong tiêm chủng mở rộng nếu trẻ chưa được tiêm đủ mũi vắc xin phối hợp 5 trong 1 dịch vụ theo lịch tiêm chủng.
Điều cần lưu ý là các bà mẹ cần mang theo phiếu hoặc sổ tiêm chủng của con mình để cán bộ y tế biết được trẻ đã tiêm những vắc xin gì và có chỉ định tiêm đúng cho trẻ.
Cục Y tế dự phòng nêu rõ, lịch tiêm chủng 3 mũi vắc xin phối hợp 5 trong 1 (Quinvaxem) phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib là 2, 3 và 4 tháng tuổi. Nếu trẻ đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc xin cách đây 4-5 tháng thì cần được tiêm càng sớm càng tốt mà không cần phải tiêm lại từ mũi đầu.
Chú ý khoảng cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 4 tuần (1 tháng). Để bảo đảm an toàn tiêm chủng cán bộ y tế cần thực hiện đúng quy trình tiêm chủng, thực hành tiêm chủng an toàn và đặc biệt khám sàng lọc và tư vấn đầy đủ trước khi tiêm chủng. (* Hà Nội mới (trang 2))
Thông tuyến khám chữa bệnh BHYT: Bệnh viện lo giữ… bệnh nhân
Từ năm 2016, người sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ có quyền đi khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh, không bị giới hạn bởi nơi đăng ký ban đầu mà vẫn được thanh toán theo đúng mức hưởng theo quy định. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không nhận thức rõ về vấn đề này, sớm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, kỹ thuật, nguồn nhân lực… thì bệnh viện (BV) sẽ khó thu hút bệnh nhân.
Bệnh viện lo giữ… bệnh nhân
Lâu nay, bệnh nhân đến khám, chữa bệnh BHYT tại BV tuyến huyện đều phải xin giấy chuyển viện với thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều trị bệnh. Tuy nhiên, theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, từ 1-1-2016, người tham gia BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc BV tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc BV tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh thì đều được coi là đúng tuyến. Quy định này tạo cơ hội cho người có thẻ BHYT, nhưng cũng tạo ra thách thức đối với các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện. Bởi trên thực tế, không phải BV nào cũng được đầu tư đúng mức về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để có được chất lượng khám chữa bệnh mà người dân trên địa bàn đó mong muốn.
Đánh giá về việc mở thông tuyến BHYT, Ths.BS Lê Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, Giám đốc BV Sản - Nhi Bắc Ninh cho biết, trước đây, bệnh nhân có BHYT muốn sang huyện bên khám cũng khó vì sẽ không được BHYT chi trả. Tuy nhiên, từ thời điểm áp dụng thông tuyến kỹ thuật, người bệnh hoàn toàn có quyền lựa chọn. Nếu thấy BV "huyện nhà" chưa tốt, bệnh nhân có quyền sang BV huyện khác trên cùng địa bàn tỉnh để khám chữa bệnh. Điều này không chỉ mang lại thuận lợi cho người bệnh mà sẽ tạo cuộc đua về chất lượng giữa các BV cùng hạng để thu hút bệnh nhân.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên cho rằng, việc thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT là quy định quan trọng nhằm tạo điều kiện tối đa cho người tham gia BHYT được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, đồng thời là yếu tố để thúc đẩy các BV, các phòng khám cùng hạng trên địa bàn tỉnh tăng cường chất lượng dịch vụ. Cuối cùng, bệnh nhân vẫn là người được hưởng lợi khi chất lượng dịch vụ tăng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của chính họ. Ngay trước khi quy định trên chính thức có hiệu lực, nhiều BV trên địa bàn thành phố đã được nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, nguồn nhân lực, thay đổi phong cách phục vụ theo hướng làm người bệnh hài lòng.
Qua khảo sát của Sở Y tế Hà Nội trong năm 2015, chất lượng các BV trên địa bàn, nhất là các BV tuyến huyện, đã được nâng lên so với năm trước. Thậm chí, nhiều BV tuyến huyện như BV Đa khoa huyện Thạch Thất, Mỹ Đức, Phúc Thọ… đã triển khai nhiều kỹ thuật cao, giúp người bệnh không phải chuyển tuyến, giảm chi phí khám chữa bệnh.
Sẽ công bố chất lượng cơ sở khám chữa bệnh
Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội, tới đây, khi giá viện phí được áp dụng theo hướng tính đúng, tính đủ cùng với việc thông tuyến khám chữa bệnh BHYT, nếu BV làm không tốt, lượng bệnh nhân giảm thì BV không có nguồn thu, không có chi phí để duy trì hoạt động. Sở Y tế và BHXH Hà Nội sẽ công bố chất lượng các cơ sở khám chữa bệnh BHYT, khi đó, có thể xuất hiện tình trạng có nơi làm không hết việc trong khi nơi khác không có bệnh nhân.
Ông Nguyễn Đức Hòa cũng cho rằng, việc thông tuyến kỹ thuật khiến những BV tuyến huyện gần BV lớn càng phải lo đầu tư cơ sở trang thiết bị, tăng cường đào tạo, triển khai kỹ thuật cao, thay đổi thái độ phục vụ, giảm phiền hà về thủ tục hành chính. Bệnh nhân sẽ là người đánh giá chuẩn nhất chất lượng BV trong quá trình chính họ đi khám bệnh. Đây là một cuộc đua lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Hiện nay, ngành Y tế và BHXH đã tăng cường công tác tuyên truyền để người dân và bệnh nhân nắm rõ quyền lợi của mình khi thông tuyến BHYT. Tuy nhiên, có thể bước đầu triển khai việc thông tuyến sẽ gặp không ít khó khăn. Điều khiến phía BHXH lo ngại nhất là việc lạm dụng khám chữa bệnh, trùng lặp đối tượng hưởng BHYT.
Ông Nguyễn Đức Hòa cho rằng, việc thông tuyến khám chữa bệnh sẽ dễ dẫn đến việc lạm dụng. Cụ thể, một người sẽ đến khám chữa bệnh ở nhiều nơi, vì vậy, BHXH Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các BV tăng cường kiểm soát, quản lý để hạn chế xảy ra tình trạng này. Mặt khác, BHXH Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương triển khai phần mềm liên thông giữa các BV với nhau để xác định được người đi khám trong một ngày. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, khó khăn lớn nhất là phần mềm ở các cơ sở, phần mềm quản lý khám chữa bệnh thanh toán BHYT ở mỗi nơi triển khai một kiểu. Chính vì vậy, trước mắt, Hà Nội sẽ thực hiện triển khai phần mềm liên thông ở các BV tuyến huyện. (Hà Nội mới (trang 7))
Hiểm họa từ thuốc tăng cân trôi nổi
Hàng chục "thương hiệu" thuốc tăng cân Đông y gắn mác "gia truyền", thuốc tăng cân siêu tốc đang được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội. Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng thuốc tăng cân không rõ nguồn gốc sẽ dẫn đến hàng loạt các bệnh nguy hiểm như: Phù, loét dạ dày, lao phổi, loãng xương...
Bát nháo
Chỉ cần vào facebook gõ từ khóa "thuốc tăng cân gia truyền" đã có hàng vài chục kết quả. Những cái tên như ông Bảy, thuốc tăng cân gia truyền 4 đời bà Thiện, thuốc gia truyền Việt Nam, Đông y Nam dược thần hiệu, Ô Kim Đơn, Ô Kim Đan... được rao bán rất công khai.
Đa phần các loại thuốc này đều dưới dạng viên, có giá dao động từ 200 nghìn đồng đến 650 nghìn đồng/hộp 0.5kg. Thuốc được quảng cáo chiết xuất từ các loại thảo dược quý, mật ong, đinh lăng, tam thất, hạt sen... Các "nhà thuốc" đều cam kết dùng thuốc an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt, nhiều trang mạng còn dùng chiêu chụp ảnh các tin nhắn khẳng định dùng thuốc có lợi cho sức khỏe, tăng cân hiệu quả để lấy lòng tin khách hàng.
Lần tìm theo số điện thoại trên trang facebook Thuốc tăng cân gia truyền, chúng tôi được người tên Hằng giới thiệu loại thuốc gia truyền Ô Kim Đan chiết xuất từ các loại thảo dược quý, không tác dụng phụ, không tích nước, không gây phù nề và không giảm cân khi ngừng sử dụng. Hằng cho biết, thuốc do người dân tộc Mường ở Hà Giang làm ra và hỏi khách muốn tăng bao nhiêu cân. Nghe chúng tôi nói muốn lên 4kg, Hằng khẳng định như đinh đóng cột "chỉ cần dùng 1-2 liệu trình (một liệu trình 1 hộp dùng trong 15 ngày) sẽ được như mong muốn! Trên nhãn của thuốc này ghi "sản phẩm gia truyền của dân tộc Mường".
Một loại thuốc có tên: "Đông y dược Nam thần hiệu - thuốc bổ gia truyền thập bát hoàn" quảng cáo, ngoài giảm cân còn giúp tăng khả năng thanh lọc máu, kích thích tiêu hóa, tăng khả năng đề kháng, chống lão hóa khớp. Thuốc này được rao bán với giá 200 nghìn hộp, thường xuyên có chương trình khuyến mãi, miễn phí tiền giao hàng nên rất đắt khách. Tương tự như vậy, loại thuốc Nam tăng cân gia truyền 4 đời Bà Thiện có cơ sở tại phố Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội cam kết tăng 2-6kg chỉ trong 20 ngày dùng thuốc. Khi thấy chúng tôi tỏ ra băn khoăn về chất lượng thuốc, nhân viên tư vấn bán hàng trấn an, thuốc có nguồn gốc rất rõ ràng. Người này giải thích, thuốc do một gia đình ở Bình Dương tự trồng cây thuốc, tự sản xuất sau đó chuyển ra Hà Nội xin cấp phép!
Theo địa chỉ được cung cấp trên mạng xã hội, chúng tôi tìm đến nơi bán thuốc gia truyền tăng cân này. Được giới thiệu là cơ sở phân phối nhưng đây chỉ là hộ gia đình, hoàn toàn không có biển hiệu, tên cơ sở, lúc nào cũng đóng cửa im ỉm. Chủ nhà khi nghe có khách hàng ngỏ ý mua thuốc đon đả mang hàng ra giới thiệu: "Thuốc này uống tốt lắm cháu ạ. Con nhà cô cũng dùng suốt đấy, nhìn béo hẳn. Cũng tùy cơ địa từng người mới tăng cân được nhiều hay ít, nhưng cứ phải tăng ít nhất 2kg khi dùng hết 1 hộp. Giá thuốc chỉ 650 nghìn đồng thôi, dùng được 20 ngày nhé!"
Theo quan sát của chúng tôi, thuốc có dạng viên giống như ô mai, được đựng trong hộp nhựa. Bên ngoài hộp được dán nhãn ghi tên thuốc, nơi sản xuất là Dĩ An, Bình Dương. Hoàn toàn không có thông tin về thành phần chi tiết của thuốc, cũng như giấy phép sản xuất hay chứng nhận của Bộ Y tế. Giải thích về điều này, chủ nhà giọng "chuyên nghiệp": "Hiện nay cơ chế quản lý rất kém, có thuốc được cấp phép chưa hẳn là thuốc tốt. Nhà tôi có cấp phép mới bán, chỉ là không có thông tin trên bao bì thôi. Sao cứ phải quan trọng chuyện này chứ. Nhiều người còn cho con sử dụng, giới thiệu bạn bè đến chỗ chúng tôi mua thuốc nữa".
Tiền mất, tật mang
Tin tưởng vào những lời rao bán và hứa hẹn như đinh đóng cột trên các trang mạng xã hội, rất nhiều khách hàng đã lâm vào cảnh tiền mất tật mang, không biết kêu ai.
Chị N.T.L một thành viên của webtretho tâm sự, sau giai đoạn cho con bú chị bị sụt cân nhanh chóng. Để lấy lại cân nặng, chị L tìm mua trên mạng một hộp thuốc Ô Kim Đơn về dùng. "Lúc đầu mình cũng tăng được khoảng 5-6kg. Mình mừng lắm, nghĩ là có thể khỏe mạnh trở lại. Mặc dù mình vẫn giữ chế độ ăn uống và luyện tập như cũ nhưng khi dừng uống thuốc, cân nặng của mình lại quay về như hồi không uống thuốc", chị L kể. Tai hại hơn, sau khi sụt cân trở lại, chị L đã bị rạn da bụng, da mặt gây mất thẩm mỹ. Chị L than thở trên diễn đàn: "Đến chồng mình nhìn thấy còn bảo ghê nữa, buồn không tưởng được!"
Những ngày vừa qua, dư luận không khỏi giật mình khi nghe thông tin từ Công an huyện Yên Thành (Nghệ An) bắt giữ 3 đối tượng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thuốc Đông y kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đơn vị này đã phát hiện thu giữ 5 thùng các tông, bên trong có chứa 367 hộp nhựa đựng thuốc Đông y dạng viên hoàn màu đen (mỗi hộp có trọng lượng 1kg), không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ban chuyên án cũng thu giữ các vật dụng phục vụ sản xuất và các nhãn mác có tên "Nhà thuốc Đông y cổ truyền Tiến Hạnh". Các đối tượng khai nhận chỉ trong vòng mấy tháng hoạt động, đã bán khoảng 3 tấn thuốc Đông y không rõ nguồn gốc xuất xứ ra Hà Nội tiêu thụ. Đây là thuốc nếu bắt đầu sử dụng thì tăng cân đột biến, nhưng khi không sử dụng thuốc nữa thì cơ thể mệt mỏi, khó chịu và giảm cân về trạng thái ban đầu…
Theo thạc sĩ Dinh dưỡng, Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam) hiện nay trong Đông y, chưa có khái niệm thuốc tăng cân. "Để biết vì sao một người gầy phải đến bác sĩ khám xem nguyên nhân thế nào mới kết luận nên dùng thuốc gì để cải thiện. Trong Đông y, nếu gầy do tiêu hóa nên uống thuốc bổ tì vị, người gầy do phế hư uống thuốc bổ phế, do yếu tim mạch thì uống bổ tim, mất ngủ phải uống an thần. Đó là giải pháp giúp các cơ quan ấy khỏe mạnh, hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn, không có chuyện dùng thuốc Đông y để tăng cân", ông Trung khẳng định. Chuyên gia này khuyến cáo: "Thuốc y học cổ truyền lưu hành trên thị trường một phần do Sở Y tế các tỉnh, thành phố cấp phép, còn chủ yếu do Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp phép, có ngày tháng cụ thể. Mọi người chỉ mua thuốc khi biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, chứng nhận sử dụng, tuyệt đối không nên mua các sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Đồng thời, phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân giảm cân. Nếu có bệnh trong người, không điều trị mà chỉ tự ý uống thuốc cũng hết sức nguy hiểm".
Một bác sĩ tại Viện Y dược học Dân tộc TP Hồ Chí Minh khẳng định, đa số thuốc tăng cân núp dưới dạng thuốc Đông y (có công thức gồm các dược thảo). Nhưng khi bào chế, các nhà sản xuất đã cho thêm tân dược như corticoid, cyroheptadine... Trong đó, corticoid sẽ gây những phản ứng phụ nguy hiểm cho sức khỏe nếu dùng lâu dài như phù cushing (với khuôn mặt tròn như mặt trăng), loét dạ dày, loãng xương, lao phổi... Cần cảnh giác với các loại thuốc được quảng cáo làm tăng cân nhanh chóng. Đặc biệt, ngừng sử dụng ngay nếu sau khi uống, cơ thể xuất hiện những triệu chứng như ngủ nhiều, lừ đừ, đói bụng liên tục, thèm ăn một cách khác thường, trọng lượng cơ thể tăng nhanh, có cảm giác nặng nề toàn thân. (Hà Nội mới (trang 8))
Những ca ghép bộ phận cơ thể lần đầu tiên thành công năm 2015
Cứ mỗi năm y học hiện đại lại tiến thêm một bước trong khả năng cải thiện cuộc sống của con người. Trong năm 2015, 6 ca phẫu thuật chưa từng có tiền lệ đã trở thành những ca cấy ghép bộ phận cơ thể đầu tiên được thực hiện thành công.
Cứ mỗi năm y học hiện đại lại tiến thêm một bước trong khả năng cải thiện cuộc sống của con người. Trong năm 2015, 6 ca phẫu thuật chưa từng có tiền lệ đã trở thành những ca cấy ghép bộ phận cơ thể đầu tiên được thực hiện thành công. Từ một cậu bé có đôi tay mới đến một người đàn ông được nhận khuôn mặt hoàn toàn mới, phẫu thuật cấy ghép đang chuyển mình và vượt qua những hạn chế của cơ thể con người, đem lại cho bệnh nhân cơ hội nhận lại những bộ phận cơ thể mà trước đó đã từng bị mất đi.
Hộp sọ và da đầu
Tháng 5/2015, James Boysen (55 tuổi) đã được nhận tuyến tụy, thận, da đầu và hộp sọ mới sau nhiều năm chiến đấu với căn bệnh ung thư hiếm gặp có tên là leiomyosarcoma và dùng thuốc ức chế miễn dịch. Phương pháp xạ trị được dùng để điều trị ung thư đã phá hủy một phần đầu nơi ung thư ảnh hưởng đến cơ trơn trên da đầu. Bệnh nhân sẽ không thể sống được nếu không trải qua ca ghép thận và tụy với vết thương lớn như vậy trên đầu. Điều này khiến cho bác sĩ phẫu thuật tạo hình Jesse Selber tại Trung tâm Ung thư MD Anderson quyết định ghép một phần hộp sọ và da đầu cho bệnh nhân.
Ca cấy ghép dương vật.
Năm trước, một phụ nữ Hà Lan đã được ghép hộp sọ chất dẻo in 3D, nhưng Boysen là người đầu tiên trên thế giới được nhận bộ phận ghép từ người. Ca mổ đã được lên kế hoạch từ gần 4 năm trước, nhưng bác sĩ đã phải mất một thời gian để tìm được người cho phù hợp. Ca mổ kéo dài 15 giờ đã mang lại cho Boysen khả năng cảm nhận xúc giác, đau và cảm nhận nhiệt độ với độ chính xác đáng kinh ngạc.
Ghép dương vật
Tháng 12/2014, một người đàn ông 21 tuổi đã trở thành bệnh nhân thứ hai được ghép dương vật trên thế giới. Nhưng phải đến tháng 3/2015 bệnh nhân không biết danh tính tại Bệnh viện Tygerberg ở Cape Town, Nam Phi này mới chứng tỏ phẫu thuật đã thành công với kết quả chức năng lâu dài. Bệnh nhân đầu tiên được phẫu thuật là ở Trung Quốc, nhưng hai tuần sau phẫu thuật, bệnh nhân đã yêu cầu cắt bỏ bộ phận vừa ghép do “thất bại” với vợ.
Theo kíp mổ ở Cape Town thì bản thân ca mổ không phải là quá khó. Chính quá trình phục hồi mới tiềm ẩn nguy cơ thất bại cao. Cho đến nay, ca mổ được coi là một bước đột phá lớn. Người thanh niên bị mất cậu nhỏ do sai sót khi cắt bao quy đầu cho biết đã phục hồi tất cả các chức năng tiết niệu và sinh sản.
Bệnh nhân được cấy hộp sọ và da đầu.
Tháng 7/2015, cậu bé Zion Harvey (8 tuổi, ở Philadelphia) đã trải qua ca mổ kéo dài 11 tiếng đồng hồ mà sẽ mang lại cho em hai bàn tay mới. Sau khi mất cả hai bàn tay, bàn chân và hai quả thận ở tuổi lên 2 do một bệnh nhiễm trùng máu đe dọa tính mạng. Mẹ của Zion đã quyết định cho con trai thực hiện ca phẫu thuật lần đầu tiên được tiến hành tại Đại học Pennsylvania, hy vọng có thể mang lại cho cậu bé một đôi tay thực sự.
Việc bệnh nhân là một đứa trẻ khiến ca mổ trở nên phức tạp hơn nhiều vì các bác sĩ trước tiên phải nối các mạch máu, sau đó là xương, dây thần kinh, cơ và da trong khi vẫn luôn nhớ rằng cậu bé sẽ lớn lên với đôi tay tương xứng theo kích thước cơ thể. Cậu bé còn phải trải qua nhiều tháng phục hồi chức năng nhưng cho đến nay đã có thể cầm sách, cào lên mặt mình và bắt tay người khác.
Ghép toàn bộ mặt
Tháng 9/2001, nhân viên cứu hỏa tình nguyện Pat Hardison, 41 tuổi, cha của ba đứa con nhận cuộc gọi đi làm nhiệm vụ ở thị trấn quê nhà Sentaobia, bang Mississippi. Sau khi Hardison và nhóm của mình lao vào ngôi nhà đang cháy, trần nhà đã đổ sập vào người ông. Mặt nạ phòng hộ của ông chảy ra trên mặt và sau 63 ngày nằm viện, ông đã bị mất toàn bộ mặt, da đầu, tai, mi mắt, mũi và môi. Gần 70 cuộc phẫu thuật trong suốt 10 năm qua đã không thể giúp ông khôi phục lại diện mạo.
Tháng 7/2015, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình mới của Hardison - TS. Eduardo Rodriguez đã tìm thấy người hiến tặng phù hợp có cùng màu da, màu tóc và nhóm máu. Trong tháng tiếp đó, Hardison đã trải qua ca mổ kéo dài 26 giờ khiến ông trở thành bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được ghép toàn bộ mặt và mang lại cho ông sự tự tin để tái hòa nhập cộng đồng. Dự kiến ông sẽ hoàn toàn phục hồi cử động cơ mặt và giọng nói trong vòng một năm.
Tim nhân tạo tí hon
Tháng 3/2015, Nemah Kahala, một phụ nữ 44 tuổi nhỏ nhắn và là mẹ của 5 đứa con đã trở thành bệnh nhân cấy tim nhân tạo kích thước nhỏ đầu tiên. Sau khi bị bệnh cơ tim hạn chế, Kahala phải dùng thiết bị hỗ trợ sự sống và được phê chuẩn thiết bị cấy ghép thử nghiệm dùng cho trường hợp khẩn cấp một lần. Ngay lập tức cô đã nhận được dòng máu giúp các cơ quan trong cơ thể phục hồi và ổn định tình trạng đủ để được đưa vào danh sách chờ ghép.
Một tuần sau đó, cô đã tìm được người hiến tạng phù hợp và có thể thay thế trái tim nhân tạo đã giúp cô cầm cự đủ lâu để nhận được trái tim thật sự. Cho đến nay, Kahala là người đầu tiên được cấy thiết bị tim nhân tạo kích thước nhỏ (vẫn đang được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ nghiên cứu về độ an toàn).
Ghép tử cung từ người hiến đã chết
Tháng 11/2015, một nhóm bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Cleveland thông báo họ hy vọng sẽ trở thành kíp mổ đầu tiên thực hiện ghép tử cung lấy từ người cho đã chết cho bệnh nhân nữ không có tử cung. Ca mổ ghép tử cung đầu tiên đã được tiến hành thành công từ một năm trước với tử cung lấy từ người hiến còn sống ở Thụy Điển. Tuy nhiên, Bệnh viện Cleveland đã quyết định tránh không để những phụ nữ khỏe mạnh gặp phải nguy cơ khi hiến tử cung.
Ghép tử cung từ người hiến chết não.
Chỉ sau khi có 10 trứng của mình được thụ tinh bởi tinh trùng của bạn đời thông qua thụ tinh trong ống nghiệm và sau đó được đông lạnh thì người phụ nữ mới có thể được đưa vào danh sách chờ ghép. Sau một năm sống chung với một tử cung cấy ghép, phôi sẽ được chuyển vào một thời điểm nào đó cho đến khi bệnh nhân mang thai. Hiện nay, bệnh viện dự kiến có khoảng 50.000 phụ nữ ở Mỹ là ứng viên tiềm năng cho thủ thuật này. (Sức khỏe & Đời sống (trang 16))