Bác sĩ trẻ lên non
Họ là những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi ở các trường đại học y - dược, tình nguyện tham gia dự án Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Dự án 585). Với sự tận tâm, nhiệt huyết và trình độ chuyên môn tốt của các bác sĩ trẻ, người dân vùng cao được thụ hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao ngay tại nơi mình sinh sống...
Ca phẫu thuật trong đêm
Càng về khuya, gió thổi từng cơn, mang theo hơi lạnh của mùa đông, khiến khuôn viên Bệnh viện đa khoa huyện vùng cao Bắc Hà (Lào Cai) càng thêm vắng lặng. Ðột nhiên một nhân viên y tế gấp gáp thông báo có ca ruột thừa cấp cần mổ gấp. Trong chốc lát, người bệnh được đưa vào Khoa ngoại để các bác sĩ thăm khám. Trên giường bệnh, người phụ nữ ôm chặt bụng, co quắp. Ðó là bà Sùng Thị Pla, 59 tuổi, được người nhà chuyển đến với những cơn đau liên tiếp. Sau khoảng nửa giờ đồng hồ khám, hội chẩn và làm các thủ tục, hai giờ đêm, người bệnh được đưa vào phòng mổ.
Hành lang dẫn vào phòng mổ dài hun hút, phòng rộng chừng 20 m2 khá sạch sẽ, ở giữa phòng là chiếc bàn mổ mà bà Sùng Thị Pla đã được nhân viên y tế đưa vào nằm, chiếc máy nội soi đã được đưa ra sẵn sàng. 5 phút sau, công tác chuẩn bị bông, băng, gạc, nước sát trùng đã hoàn tất. Người bác sĩ trẻ thoăn thoắt thực hiện các thao tác mổ nội soi khá thuần thục và nhịp nhàng cùng những người phụ mổ. Căn phòng im ắng, chỉ có tiếng kêu bíp bíp của máy đếm nhịp tim, tiếng dụng cụ lạch cạch. Thỉnh thoảng vang lên vài câu mệnh lệnh: "bông’’, "băng", "đã đến đích chưa"? "cắt nhé." Hơn 40 phút sau, ca mổ kết thúc. Người bác sĩ trẻ rời phòng mổ với những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, gương mặt rạng ngời vì vừa hoàn thành nhiệm vụ.
Vừa cởi "đồ nghề", ngồi lại ở phòng trực cấp cứu, bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết chia sẻ: Em từ Bệnh viện Bạch Mai chuyển lên đây công tác đã được gần năm rưỡi theo Dự án 585. Ban đầu cũng phải đối mặt nhiều khó khăn như môi trường làm việc khác, cơ sở vật chất thiếu thốn so với bệnh viện tuyến Trung ương, lượng bệnh nhân lúc nào cũng đông. Ði lại vất vả, có đoạn đường đèo quanh co, xe đi trong mây mà cứ ngỡ như là sương buổi sáng mặc dù đã sắp giữa trưa. Nhưng bù lại, vui anh à, có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Người bệnh phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, cho nên họ sống rất chân thật và nghĩa tình, đôi khi cảm ơn bác sĩ bằng hoa quả, gạo nếp. Không nhận thì họ không "ưng cái bụng", cho nên đành nhận, rồi em chuyển cho nhà bếp để nấu cháo từ thiện cho các bệnh nhân nghèo. Quyết nhớ lại: Thời điểm em mới ra trường (năm 2014) cũng đúng dịp Bộ Y tế triển khai Dự án 585. Sau khi hỏi ý kiến người thân trong gia đình, em đã đăng ký tham gia dự án và lựa chọn cho mình con đường "lên núi" công tác trong ba năm. Sinh sống, làm việc tại đây, cùng những chuyến đi đã giúp Quyết hiểu thêm về vùng đất mới xa xôi và tình người nơi đây. Thời gian trôi qua thật nhanh, nhịp độ công việc cuốn theo và đến giờ đất, con người Lào Cai dường như đã là một phần không thể thiếu trong tâm thức người bác sĩ trẻ.
Ðâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên
Ðồng tình với quan điểm nêu trên, Tiến sĩ Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), Giám đốc Dự án 585 cho rằng, để bảo đảm cho những bác sĩ trẻ như Quyết có thể tự tin "độc lập tác chiến" ở vùng sâu, vùng xa, công tác đào tạo được xây dựng riêng theo hướng "cầm tay chỉ việc" và "một kèm một." Mỗi học viên được một giáo sư, chuyên gia đầu ngành kèm cặp, "huấn luyện" trong hai năm. Chúng tôi đã có một sự "nhào nặn" chuyên nghiệp nhằm tạo ra các bác sĩ trẻ giỏi tay nghề có thể "lên non" phục vụ người dân ở đây. Hiện Dự án 585 đã, đang đào tạo được 332 bác sĩ trẻ, trong đó đã bàn giao 14 bác sĩ về làm việc tại các huyện khó khăn... Các bác sĩ lên huyện vùng cao công tác đang phát huy rất tốt, có người làm được 50 thậm chí 70 kỹ thuật thuộc các lĩnh vực ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh…
Bác sĩ Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà đánh giá, các bác sĩ có trình độ chuyên khoa sâu được tăng cường đã giúp điều trị ngay tại tuyến dưới nhiều bệnh với chuyên môn kỹ thuật cao như: phẫu thuật xương, ổ bụng, tạng, nhi khoa..., trong khi trước đây người bệnh phải chuyển lên tuyến trên. Do vậy, người dân rất phấn khởi. Mặc dù vậy, bác sĩ Phương cũng có băn khoăn: Ðây là trước mắt, sau ba năm hết thời hạn, các bác sĩ lại trở về các bệnh viện đầu ngành: Bạch Mai, Hữu Nghị, Việt Ðức... Ðể đạt hiệu quả hơn nữa, chúng tôi rất mong các bệnh viện Trung ương tiếp tục đào tạo bác sĩ tại chỗ để phục vụ lâu dài, nhất là về chuyên khoa tai mũi họng, gây mê hồi sức, ngoại sản. Hiện tại, ở các huyện vùng cao tỷ lệ bác sĩ vẫn còn thấp, chưa đủ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn...
Và từ thực tế cụ thể ở từng địa phương mới thấy ở những huyện miền núi nghèo, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số luôn mong mỏi nhiều bác sĩ trẻ có tay nghề, chuyên môn vững ở lại để chăm sóc sức khỏe cho người dân. Những người trẻ với tài năng, nhiệt huyết cùng tinh thần "đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên" đã trở thành "cầu nối" giúp thu hẹp dần các khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi. (Nhân dân, trang 5)
Các bệnh viện công lập ở Hà Nam gặp khó khi thực hiện tự chủ
Nhằm chủ động nâng cao chất lượng điều trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, từ năm 2016, các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) công lập của tỉnh Hà Nam bắt đầu thực hiện tự chủ mức ba (tự chủ một phần chi thường xuyên) với việc đưa lương, chi phí trực tiếp vào giá. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ và những vướng mắc trong cơ chế... cho nên việc thực hiện tự chủ đang gặp không ít khó khăn.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam là bệnh viện hạng 1, tuyến chuyên môn cao nhất của tỉnh. Từ năm 2016, cơ sở điều trị này bắt đầu thực hiện tự chủ ở mức ba với việc đưa lương, chi phí trực tiếp vào giá. Sau gần hai năm thực hiện, theo đánh giá chung từ người bệnh và người nhà người bệnh, công tác đón tiếp, thăm khám và điều trị đã có nhiều chuyển biến. Thái độ phục vụ cởi mở, tận tình của đội ngũ cán bộ, y sĩ, bác sĩ tại các khoa, phòng đã tạo cảm giác yên tâm và thân thiện với người bệnh. Ðồng thời, bệnh viện cũng quan tâm củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao trình độ đội ngũ nhằm nâng cao chất lượng KCB, thu hút ngày càng đông người bệnh.
Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam Ðỗ Trung Ðông cho biết: Khi chuyển sang mô hình hoạt động tự chủ, ban lãnh đạo bệnh viện đã xác định rõ những thuận lợi và khó khăn để chủ động trong công tác điều hành, không để ảnh hưởng đến công tác KCB cũng như tâm lý của đội ngũ y sĩ, bác sĩ trong bệnh viện. Ðể có được những kết quả ban đầu từ mô hình bệnh viện tự chủ, tập thể lãnh đạo quản lý bệnh viện phải chủ động, sáng tạo và quyết tâm. Mặt khác, phải thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch các hoạt động. Cùng với nâng cao chất lượng chuyên môn, chúng tôi luôn chú trọng đến vấn đề nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế để thu hút người bệnh yên tâm trong quá trình KCB và điều trị. Ðặc biệt, tập trung nâng cao chất lượng chuyên môn bằng việc đầu tư thêm trang thiết bị, cử cán bộ đi đào tạo nâng cao tay nghề, từng bước làm chủ các kỹ thuật mới, tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của công việc.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện tự chủ, các bệnh viện công lập của tỉnh Hà Nam cũng phải đối diện với những khó khăn cả chủ quan và khách quan cần phải từng bước tháo gỡ để có thể tiếp tục thực hiện tự chủ ở mức cao hơn. Ðó là cơ sở vật chất tại các bệnh viện được giao tự chủ đang xuống cấp và chưa đồng bộ. Trong bảy bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện tự chủ thì có tới ba bệnh viện (Lao, Phong và Tâm thần) chủ yếu thực hiện chính sách xã hội, bốn bệnh viện còn lại thì cơ sở vật chất xây dựng từ lâu, bắt đầu xuống cấp. Riêng Bệnh viện Sản nhi đã được tách từ ba năm nay, song vẫn phải nhờ địa điểm hoạt động trong bệnh viện đa khoa tỉnh. Ngay như Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam là tuyến điều trị cao nhất trên địa bàn thì cơ sở vật chất cũng chật chội và chưa đồng bộ. Theo quy định của Bộ Y tế cần bảo đảm 5m2/giường bệnh và một phòng bệnh chỉ kê sáu giường bệnh, nhưng thực tế ở bệnh viện này có nhiều khoa phải kê đến 10 giường bệnh/phòng, như tại các khoa: Chấn thương, Tiêu hóa, Tim mạch. Còn tại bảy cơ sở KCB tuyến huyện, thành phố và 103 trạm y tế trên địa bàn tỉnh Hà Nam cũng trong tình trạng tương tự.
Cùng với đó là đội ngũ y sĩ, bác sĩ của các bệnh viện công lập ở tỉnh Hà Nam đang vừa thiếu, vừa yếu. Một số khoa của bệnh viện đa khoa tỉnh như: Thận nhân tạo, Truyền nhiễm chỉ có bốn bác sĩ... không đủ luân phiên làm việc, chứ chưa kể đến cử đi học để đáp ứng yêu cầu công việc. Ðối với tuyến y tế cơ sở, đội ngũ y sĩ, bác sĩ không chỉ thiếu về số lượng mà còn thiếu bác sĩ chuyên khoa sâu và chưa bảo đảm được tính kế cận.
Mặc dù các bệnh viện đang thực hiện tự chủ về tài chính, nhưng vẫn phải tuân thủ quy định của Nhà nước về mặt nhân sự. Do đó, lãnh đạo bệnh viện không thể dễ dàng sa thải các cán bộ, y sĩ, bác sĩ làm việc không tốt. Hơn nữa khi thực hiện tự chủ tài chính, đòi hỏi người đứng đầu phải năng động, nhạy bén và tinh thông về tài chính. Nhưng thực tế thì phần lớn giám đốc các bệnh viện của tỉnh Hà Nam thường là những người được đào tạo bài bản về ngành y và chỉ giỏi về chuyên môn. Khi thực hiện tự chủ theo mô hình doanh nghiệp thì đòi hỏi người quản lý phải tự học tập, tìm hiểu hoàn thiện để có thể áp dụng mà không vi phạm các quy định… cho nên cũng không thể tránh được những hạn chế trong điều hành tự chủ.
Một nguyên nhân khách quan khác khiến việc thực hiện tự chủ các bệnh viện công lập của tỉnh Hà Nam đang phải đối mặt, đó là hiện trên địa bàn tỉnh có tới hai bệnh viện đầu ngành của trung ương mở cơ sở 2, rất thuận lợi cho việc KCB của người dân. Ðây đang là áp lực cạnh tranh cho các bệnh viện tuyến dưới cùng địa bàn.
Không thể phủ nhận mặt tích cực khi các bệnh viện tuyến công lập tại tỉnh Hà Nam thực hiện tự chủ. Nhưng với những khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ y sĩ, bác sĩ hiện có và sự cạnh tranh, đòi hỏi người đứng đầu các bệnh viện phải năng động, đổi mới tư duy để bắt kịp sự phát triển. Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Nam Văn Tất Phẩm cho biết: Ðể từng bước tháo gỡ khó khăn trong thực hiện tự chủ tại các cơ sở KCB, ngành y tế tỉnh Hà Nam đang tích cực tham mưu UBND tỉnh và chỉ đạo các bệnh viện tìm các giải pháp phù hợp với quyết tâm thực hiện có hiệu quả lộ trình thực hiện tự chủ. Khuyến khích các bệnh viện tranh thủ các nguồn thu ngân sách, nguồn các dự án của trung ương, nguồn xã hội hóa... để đầu tư, nâng cấp mua sắm trang thiết bị. Về nhân lực, hằng năm Sở Y tế tỉnh đã ban hành Nghị quyết phê duyệt kế hoạch đào tạo của toàn ngành và chi tiết đối với từng đơn vị cử cán bộ đi đào tạo chuyên sâu, đào tạo sau đại học. Ðồng thời, ngành cũng tiếp tục tham mưu với tỉnh có chính sách thu hút bác sĩ, nhất là những người có chuyên môn cao về công tác tại các cơ sở y tế của tỉnh. (Nhân dân, trang 5)
Hà Nội: Triển khai tiêm vắc xin ComBE Five
Ngày 2-1, Hà Nội triển khai tiêm vắc xin ComBE Five trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Vắc xin này được thay thế vắc xin Quinvaxem.
Theo Bộ Y tế, vắc xin ComBE Five, do Công ty Biological E, Ấn Độ sản xuất, có thành phần tương tự như vắc xin Quinvaxem đã sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, gồm giải độc tố vi khuẩn bạch hầu, giải độc tố vi khuẩn uốn ván, vi khuẩn ho gà bất hoạt (toàn tế bào), kháng nguyên vi rút viêm gan B và kháng nguyên vi khuẩn Hib; là loại vắc xin phối hợp phòng được 5 bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib.
Vắc xin ComBE Five được triển khai tiêm trên toàn quốc từ tháng 1-2019. Tuy nhiên, tại Hà Nội, các trạm y tế thực hiện tiêm chủng mở rộng vào thứ 4 hằng tuần nên ngày 2-1, Hà Nội bắt đầu triển khai. (Hà Nội mới, trang 1)
Truy tặng kỷ niệm chương cho người hiến 7 mô, tạng cứu người
Ngày 2-1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã trao tặng Bằng khen cho tập thể bệnh viện và truy tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân cho người hiến 7 mô, tạng cho 6 bệnh nhân.
Năm 2018, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã thành lập ngân hàng mô và lưu trữ được hơn 1.020 mảnh xương sọ tự thân, đã sử dụng để ghép cho 409 trường hợp. Ngoài ra, ngân hàng mô còn lưu giữ van tim, mạch máu, tinh trùng, gân…
Về tình hình ghép tạng, bệnh viện đã thực hiện 55 ca ghép gan, 25 ca ghép tim, 1 trường hợp ghép phổi. Đặc biệt, cuối năm 2018, anh Dương Hồng Quý (43 tuổi, ở Ninh Bình) là nam bệnh nhân chết não đã hiến 7 mô, tạng cứu sống 6 bệnh nhân nặng khác.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi lời tri ân sâu sắc tới gia đình anh Dương Hồng Quý và những người tham gia hiến mô, tạng cứu người.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, hiện nay, Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật ghép tạng nhưng vẫn gặp trở ngại về văn hóa hiến tạng, vì vậy, cần tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu được nghĩa cử cao đẹp này. (Hà Nội mới, trang 5)
Cùng chủ để Báo Nhân dân, trang 8: “Tôn vinh người hiến tạng và ca lấy-ghép đa tạng ”; An ninh Thủ đô, trang 1: “Tri ân một người hiến tặng 7 mô, tạng cứu sống 6 bệnh nhân: Hy hữu trong lịch sử y học”; Gia đình & Xã hội, trang 7: “Bộ Y tế truy tặng Kỷ niêm chương cho gia đình bệnh nhân hiến 7 mô, tạng cứu người”; Tuổi trẻ, trang 5: “Truy tặng Kỷ niệm chương cho người hiến tạng Dương Hồng Quý”
Mô hình mới chuyên nghiệp hóa nghề nuôi bệnh nhân
Bệnh viện (BV) quận 2 và Công ty Bách Nghệ (trụ sở tại quận 12, TP Hồ Chí Minh) vừa chính thức bắt tay triển khai dịch vụ chăm sóc bệnh nhân theo yêu cầu. Đây cũng là mô hình hợp tác đầu tiên giữa BV công với cơ sở tư nhân về dịch vụ thuê người nuôi bệnh.
Đưa loại hình dịch vụ này dần thoát khỏi tình trạng tự phát, đi vào chuyên nghiệp hoá với sự hợp tác về chuyên môn và đảm bảo có tính pháp lý, mở ra hướng mới trong công tác đào tạo về ngành Y.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Minh Thiện, Giám đốc Công ty Bách Nghệ nói: Tại các BV, nhiều gia đình neo người thực sự rất cần người chăm sóc cho người thân. Nhiều người có khi rơi vào hoàn cảnh này phải chạy đôn, chạy đáo tìm người chăm sóc người thân đang điều trị trong BV. Từ đây, cũng hình thành một lực lượng chuyên nghề nuôi bệnh nhưng hoàn toàn “tay ngang”, không có chuyên môn.
Thông tư 21 năm 2017 của Bộ Y tế quy định, để được hành nghề điều dưỡng, hộ sinh, thời gian đào tạo tối thiểu phải là 3 năm. Từ năm 2021, các BV, cơ sở y tế toàn quốc sẽ ngừng nhận điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, dược sĩ, nữ hộ sinh, hộ lý... hệ trung cấp mà phải nâng chuẩn lên hệ cao đẳng, cử nhân.
Do vậy, kế hoạch tạo nên một mạng lưới nhân lực cung ứng dịch vụ chăm người bệnh của công ty đã vấp phải việc tuyển không ra người. Tháng 10-2018, Trường CĐ Bách khoa Nam Sài Gòn là trường duy nhất được Bộ LĐ TB&XH cấp mã ngành được phép đào tạo nghề "chăm sóc người cao tuổi" theo kỹ thuật Kaigo - Nhật Bản.
Công ty Bách Nghệ đã mạnh dạn xin hợp tác. Tiếp đó, vào tháng 12-2018, với sự đồng ý của Gíam đốc BV quận 2, Công ty Bách Nghệ đã bước đầu tuyển dụng được hơn 20 nhân viên có trình độ trung cấp, cao đẳng điều dưỡng. Những nhân viên này tiếp tục được huấn luyện kỹ năng chăm sóc bệnh nhân theo phương pháp Kaigo của Nhật Bản.
Được biết, những “người nuôi bệnh chuyên nghiệp” được Công ty Bách Nghệ ký HĐLĐ và được tham gia BHXH, BHYT, được trả lương cơ bản từ 4 - 4,5 triệu đồng/tháng với 8 giờ làm việc chính thức. Bên cạnh đó còn có thêm khoản phí sử dụng dịch vụ nuôi bệnh nhân chuyên nghiệp này và được trả linh động. Trong đó, nếu chăm sóc bệnh nhẹ trong 2 giờ đầu tiên có mức phí 120.000 đồng, 1 giờ tiếp theo có phí 50.000 đồng, 1 ca 4 giờ có phí 200.000 đồng, 1 ngày 8 giờ chăm sóc có phí 320.000 đồng, với 1 ngày chăm sóc 10 giờ có phí 400.000 đồng. Đảm bảo mức thu nhập có thể lên 7-8 triệu/tháng cho người lao động.
Cũng theo ông Thiện, cho tới hiện nay mới chỉ có 2 BV là BV Quân y 175 và BV Thống Nhất có triển khai cử nhân viên điều dưỡng được đào tạo theo kỹ thuật Kaigo của Nhật Bản. Đây là kỹ thuật chăm sóc được coi là hoàn chỉnh nhất theo các yêu cầu nghiêm ngặt về chuyên môn điều dưỡng của Nhật nhưng số lượng người được đào tạo còn rất khiêm tốn.
Về vấn đề hợp tác, BS.Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2 chia sẻ, việc hợp tác giữa BV và doanh nghiệp như Công ty Bách Nghệ cho loại hình này là hướng đi rất cần thiết và mang lại nhiều lợi ích cho cả bệnh nhân lẫn BV. Trong đó, các nhân viên của Công ty Bách Nghệ khi tham gia chăm sóc bệnh nhân sẽ giúp quá trình điều trị gia tăng hiệu quả, rút ngắn thời gian điều trị, cũng như góp phần giảm áp lực và sự quá tải cho BV.
Hiện nay, số liệu thống kê về điều tra dân số, dự tính đến năm 2020, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 18% dân số, với khoảng 20 triệu người. Việc chăm sóc người bệnh được coi là rất quan trọng về chuyên môn đặc biệt là công tác hậu phẫu.
Để tạo nên một mô hình khép kín, đảm bảo về chất lượng và chuyên môn, Công ty Bách Nghệ và trường Cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn cũng vừa ký một biên bản ghi nhớ về đào tạo và hỗ trợ đầu ra cho SV sau khi kết thúc khoá học này ra trường.
Việc tuyển sinh do Công ty và nhà trường cùng tham gia chọn lựa. Sau đó tiến hành đào tạo tại trường do nhà trường chiêu sinh, mở lớp. Công ty và trường cũng có bản cam kết, SV sau khi học xong sẽ được tuyển dụng vào làm việc ngay tại công ty. Sau khi vào làm việc 3 tháng, người lao động được công ty hoàn 50% học phí. Làm đủ 12 tháng, Công ty hoàn nốt 50% số học phí. Tức là được đài thọ 100% số học phí bỏ ra học nghề.
Như vậy, mạng lưới nhân lực nuôi bệnh nhân này sẽ được vận hành đúng theo hướng chuyên nghiệp hoá và theo một quy trình khép kín của Viện -Trường-Doanh nghiệp. (Công an Nhân dân, trang 4)
Cậu bé 4 tuổi hiến tặng giác mạc
Ngày 2-1, ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết, các kỹ thuật viên và bác sĩ của bệnh viện vừa thực hiện lấy giác mạc của một bé trai 4 tuổi (ở Phú Thọ) hiến tặng để ghép cho 2 người.
Đây là lần đầu tiên, một cậu bé 4 tuổi, sau một tai nạn bất ngờ, đã hiến giác mạc cho 2 người khác và cậu bé mất vào đúng sinh nhật lần thứ 4. Trước đó vào đầu năm 2018, trường hợp bé Hải An (7 tuổi, ở Hà Nội) hiến giác mạc và sau đó là bé Vân Nhi (12 tuổi).
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (BV Việt Đức) và gửi lời tri ân sâu sắc đến gia đình anh Dương Hồng Quý (ở Ninh Bình) người vừa hiến đa tạng để cứu sống nhiều bệnh nhân đang nguy kịch khác.
Trước đó, BV Việt Đức đã thực hiện thành công một loạt các ca phẫu thuật lấy - ghép nhiều tạng hết sức đặc biệt từ người cho đa tạng bị chết não là anh Dương Hồng Quý. Từ nguồn tạng hiến tặng của anh Quý, các bác sĩ đã tiến hành ca ghép 2 phổi cho 1 bệnh nhân. (Sài Gòn giải phóng, trang 2)
Đánh mạnh hoạt động buôn lậu, vi phạm an toàn thực phẩm dịp áp tết
Hàng nghìn bao thuốc lá ngoại, điếu xì gà và hàng tạ ngà voi được các đối tượng buôn lậu tuồn vào Việt Nam, nhưng đều không qua được con mắt tinh tường của các lực lượng nghiệp vụ CATP Hà Nội…
Thượng tá Trần Anh Tuấn, Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường (CSMT) CATP Hà Nội cho biết, thực hiện kế hoạch cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT trên địa bàn thành phố dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 (từ 16-11-2018 đến nay), lực lượng Cảnh sát môi trường phối hợp với các phòng nghiệp vụ CATP và công an các quận, huyện đã điều tra, khám phá được nhiều vụ án lớn, chuyển cơ quan điều tra khởi tố...
Liên tiếp bắt giữ hàng loạt vụ vận chuyển hàng lậu
Thực hiện kế hoạch đấu tranh chuyên án, hồi 15h30 ngày 23-11-2018, tại Cụm công nghiệp Từ Liêm (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm), Đội 2, Phòng CSMT - CATP Hà Nội phối hợp với CAQ Bắc Từ Liêm phát hiện, bắt quả tang Nguyễn Văn Hợp (SN 1977, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đang vận chuyển trái phép 39 cá thể rắn hổ mang chúa (tổng trọng lượng 170kg).
Ngày 30-11, Cơ quan CSĐT - CAQ Bắc Từ Liêm đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Hợp theo Điều 244 Bộ Luật hình sự (2015) quy định về tội: “Vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.
Cũng nằm trong kế hoạch đấu tranh chuyên án, hồi 21h50 ngày 3-12-2018, tại khu giãn dân khối 14 Phủ Lỗ, Sóc Sơn, Đội 5, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với phòng CSKT, CAH Sóc Sơn và các đơn vị chức năng phát hiện và bắt giữ 4 đối tượng: Trần Văn Tài (SN 1989) cùng Hoàng Thị Phương (SN 1990, vợ của Tài ở Xóm Núi, thôn Tiên Hoàng, xã Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội); Phạm Văn Thành (SN 1977), Phạm Văn Công (SN 1978) cùng ở Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đang có hành vi vận chuyển, buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu ngoại nhập lậu.
Tang vật thu giữ gồm 1 xe ô tô, 2 xe máy, 10.500 bao thuốc lá nhãn hiệu 555. Quá trình điều tra mở rộng, lực lượng chức năng thi hành lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở của đối tượng Phạm Thị Thêm (SN 1974, trú ở phường Ka Long, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), thu giữ gần 29.000 bao thuốc lá nhãn hiệu 555.
Căn cứ tài liệu thu thập, CQĐT CATP đã ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với 5 đối tượng Thêm, Thành, Công, Tài, Phương để điều tra về hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm, theo quy định tại Điều 190 Bộ Luật hình sự 2015.
Nằm trong kế hoạch cao điểm, ngày 20-11-2018, Đội 6, Phòng CSMT phối hợp với Đội 2 - Văn phòng Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội và Công an xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội, kiểm tra hành chính nơi ở của Nguyễn Xuân Thế (tại địa chỉ 132 thôn Thượng, xã Cự Khê), phát hiện trong nhà có 13 bao tải, bên trong chứa Ngà voi với tổng trọng lượng 181kg.
Đi sâu, bám sát địa bàn, chủ động công tác trinh sát
Thượng tá Trần Anh Tuấn cho biết: "Quá trình trinh sát, lực lượng CSMT đã phối hợp với các đơn vị chức năng CATP và Công an các quận, huyện phát hiện 17 vụ việc liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, chuyển cơ quan điều tra trong đó có vụ vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã; 5 vụ vận chuyển, buôn bán hàng cấm; 1 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả.
“Đặc biệt, Phòng CSMT đã phát hiện và chuyển cơ quan điều tra 10 vụ, trong đó có những vụ án lớn như đã nêu trên. Để “đánh đúng, đánh trúng” hoạt động của tội phạm về môi trường và tội phạm buôn lậu, buôn bán hàng cấm, Ban chỉ huy đơn vị đã luôn bám sát các kế hoạch của CATP, Bộ Công an và các cấp, ngành trong đó có sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc CATP. Phòng CSMT cũng xây dựng kế hoạch cụ thể để đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm. Từng CBCS của đơn vị luôn được quán triệt đi sâu, bám sát địa bàn, làm tốt công tác trinh sát. Mọi di biến động của các đối tượng luôn nằm trong “tầm ngắm” của các trinh sát”, Thượng tá Trần Anh Tuấn chia sẻ.
Cũng theo Trưởng phòng CSMT - CATP, thực tế hiện nay, không chỉ riêng dịp cuối năm mà hoạt động tội phạm, vi phạm về lĩnh vực môi trường diễn ra thường xuyên, liên tục. Dịp cuối năm, thị trường hàng hóa sôi động hơn và đây chính là lúc tình trạng gian lận thương mại gia tăng. Nắm được quy luật này, Phòng CSMT - CATP luôn tăng cường phối hợp tuần tra kiểm soát, sớm phát hiện, xử lý nghiêm các vụ vi phạm.
Trung tá Nguyễn Tuấn Phương, Đội trưởng Đội 4, Phòng CSMT - CATP Hà Nội nhận định, từ nay đến cuối năm là thời điểm các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, buôn lậu hoạt động mạnh nhất trong năm. Đối tượng lợi dụng những sơ hở trong quản lý đường biên, cửa khẩu của các cơ quan chức năng để vận chuyển trái phép hàng qua biên giới vào nước ta. Đây cũng là thời điểm "vàng" để các đối tượng buôn lậu chia nhỏ hàng hóa vận chuyển vào thị trường nội địa tiêu thụ, gian dối trong việc kê khai hàng hóa để buôn lậu…
"Từ những yếu tố trên, đơn vị hạ quyết tâm nỗ lực phối hợp với các đơn vị chức năng của CATP, Bộ Công an nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về lĩnh vực môi trường, nhất là dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019; tiếp tục triển khai các kế hoạch, chuyên đề, chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng của thành phố và CATP kiểm tra, xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật về buôn lậu và an toàn thực phẩm" - Trung tá Nguyễn Tuấn Phương chia sẻ. (An ninh Thủ đô, trang 4)
Khan nguồn máu cho cấp cứu và điều trị
Nhu cầu máu cần cho cấp cứu, điều trị dịp Tết Nguyên đán là rất cao, trong khi nguồn máu dự trữ đang cạn.
TS-BS Lê Hoàng Oanh, Phó giám đốc TTTM, cho biết tình hình thiếu máu nói chung trên cả nước rất căng. Bác sĩ Oanh dẫn chúng tôi vào xem các tủ chứa máu tại TTTM, tất cả các tủ lớn hầu như trống trơn.
Chiều cùng ngày, 3 đoàn lấy máu của TTTM đưa về BV này 600 đơn vị máu mới và tiến hành các bước cần thiết để đưa vào sử dụng cho ngày hôm sau và dự trữ.
Thiếu hụt máu trầm trọng
Theo Viện Huyết học - Truyền máu (HHTM) T.Ư, ước tính trong 3 tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán (từ tháng 12.2018 - 2.2019), Viện cần tối thiểu 90.000 đơn vị máu để phục vụ cho nhu cầu cấp cứu và điều trị.
Mặc dù nhiều sự kiện hiến máu đã được lên kế hoạch tổ chức như: ngày hội Trái tim tình nguyện ngay đầu tháng 12.2018 (đã tiếp nhận 2.451 đơn vị máu), Noel yêu thương (tiếp nhận 487 đơn vị máu), Giọt hồng hy vọng (867 đơn vị máu), Tết đoàn viên (329 đơn vị máu), Tết hồng cho em và ngày hội Chủ nhật Đỏ diễn ra tại nhiều địa phương từ 26.12 nhưng vẫn chưa đủ máu để đáp ứng nhu cầu.
TS-BS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện HHTM T.Ư, cho biết: “Các lịch hiến máu hiện có dự kiến tiếp nhận được khoảng 75.000 đơn vị máu, như vậy còn thiếu khoảng 15.000 đơn vị máu. Chúng tôi kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để có đủ 90.000 đơn vị phục vụ dịp cuối năm, trước, trong và sau Tết Nguyên đán”.
Theo Viện HHTM T.Ư, nhu cầu máu sử dụng cho điều trị, cấp cứu tại các BV ngày càng tăng cao. Mỗi ngày, Viện HHTM T.Ư cần trung bình khoảng 1.200 - 1.500 đơn vị máu, trong đó cần 700 đơn vị máu nhóm O để phục vụ nhu cầu cấp cứu và điều trị ở 180 BV tại 26 tỉnh, TP khu vực phía bắc. Tuy nhiên, lượng máu dự trữ của Viện trong tháng 12 chỉ luôn duy trì ở mức 7.000 đơn vị máu, trong đó nhóm O có thời điểm chỉ chiếm hơn 30% tổng lượng máu dự trữ. Trong khi thực tế khoảng 45% dân số VN có nhóm máu O, do đó ước tính cứ 2 bệnh nhân cần truyền máu thì có 1 bệnh nhân nhóm máu O. Như vậy, lượng máu nhóm O cần duy trì khoảng 50%. Trong năm, nhiều thời điểm thiếu máu, trong đó thiếu máu nhóm O, nhiều y, bác sĩ của Viện đã tham gia hiến máu.
Nếu những người trẻ từ 18 - 25 tuổi tham gia hiến máu 1 năm hiến 4 lần thì cả nước dư máu phục vụ cấp cứu, điều trị. Nếu nữ từ 18 - 55 tuổi, nam từ 18 - 60 tuổi mỗi năm hiến máu 2 lần thì sẽ đủ máu điều trị, cấp cứu
Theo TS-BS Lê Hoàng Oanh, TTTM Chợ Rẫy khu vực phía nam lấy máu, lưu trữ phục vụ cho bệnh nhân tại BV Chợ Rẫy từ 300 - 400 đơn vị mỗi ngày và cung cấp máu cho 5 tỉnh Đông Nam bộ từ 1.000 - 1.500 đơn vị/ tuần. Như vậy, mỗi tuần TTTM cần từ 3.000 - 5.000 đơn vị máu. Máu chỉ đủ để sử dụng chứ không đủ lưu trữ dài nên hằng ngày BV cử 3 đoàn về các tỉnh Đông Nam bộ lấy máu, mỗi ngày từ 400 - 600 đơn vị máu. Năm 2018 tại BV Chợ Rẫy, nhóm máu A, O thiếu.
“TTTM ngoài số lượng cung cấp hằng ngày thì phải dự trữ cho 9 ngày nghỉ tết và ngày làm việc đầu tiên. Do vậy, phải lấy ít nhất 15.000 đơn vị máu trong vòng 3 tuần tới (TTTM tăng cường lấy máu đến ngày 23.12 âm lịch) và phải dự trữ ít nhất 10.000 đơn vị máu sau khi cung cấp cho các tỉnh sử dụng trong các ngày nghỉ tết”, TS-BS Oanh nói và cho biết thêm, với máu hiếm, TTTM có kế hoạch lấy máu bình thường nên dự trữ đủ.
Cũng theo TS-BS Oanh, những ngày giáp tết, các khoa lâm sàng thường sử dụng máu rất nhiều để cho bệnh nhân phục hồi nhanh về quê ăn tết. Còn trong tết, trung bình mỗi ngày BV Chợ Rẫy sử dụng 150 - 200 đơn vị máu, nhưng nếu có tai nạn hàng loạt, tai nạn giao thông nhiều thì lượng máu sử dụng sẽ gia tăng.
Trong khi đó, ngân hàng máu của BV Truyền máu huyết học (TMHH) TP.HCM, nơi cung cấp máu cho tất cả các cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế TP, cũng sắp cạn nguồn dự trữ. Hội Chữ thập đỏ TP.HCM đã ra lời kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân hồng năm 2019. Theo đó, từ ngày 25.12.2018 - ngày 2.2.2019 mục tiêu đạt 26.000 túi máu; từ ngày 10.2 - 10.3 đạt 26.000 túi máu.
Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc BV TMHH cho biết, mỗi ngày toàn TP cần từ 600 - 800 túi máu. Nhu cầu sử dụng máu mỗi năm tăng 10 - 20%, như năm 2017 toàn TP sử dụng 210.000 túi máu, năm 2018 là 230.000 túi và dự kiến năm 2019 là 260.000 túi (túi có nhiều dung tích). Hiện BV còn trên 4.000 túi máu, nhu cầu cần cho dịp Tết âm lịch năm nay là 32.000 túi máu, như vậy từ đây đến tết mỗi ngày cần lấy 1.150 túi mới đủ phục vụ cho người bệnh.
Kêu gọi hiến máu
Năm 2018, Viện HHTM T.Ư tiếp nhận trên 32.000 đơn vị máu. Trong đó, 65,3% lượng máu tiếp nhận từ Hà Nội, phần còn lại là từ các tỉnh, TP khu vực phía bắc, thậm chí nhiều thời điểm khan hiếm Viện phải tiếp nhận máu từ các tỉnh khu vực miền Trung, Tây nguyên để đáp ứng nhu cầu.
Theo thống kê, năm 2018, tại Hà Nội, Viện HHTM T.Ư đã tiếp nhận trên 207.000 đơn vị máu, tăng 11,2% so với năm 2017. Hà Nội cũng là nơi xây dựng được nhiều mô hình hiến máu tiêu biểu như: Câu lạc bộ (CLB) nhóm máu hiếm, Tuyến phố hiến máu, gia đình, dòng họ hiến máu... đã thu hút được đông đảo người dân tham gia.
Theo TS-BS Bạch Quốc Khánh, có tín hiệu đáng mừng là trước đây tỷ lệ thanh niên, sinh viên hiến máu chiếm đến 70% thì nay tỷ lệ cán bộ công nhân, viên chức tham gia hiến máu đã đạt tới 35%. "Ví dụ như Hà Nội, nếu mỗi năm một cán bộ viên chức hiến máu một lần cũng thu về được hơn 30.000 đơn vị máu. Chúng tôi kêu gọi mọi người cùng tham gia hiến máu và với những người đủ điều kiện sức khỏe; kêu gọi hiến máu nhắc lại (mỗi lần/năm), như vậy sẽ giúp cho nguồn máu được cung cấp ổn định hơn", TS Khánh cho hay.
Theo TS-BS Lê Hoàng Oanh, nếu những người trẻ từ 18 - 25 tuổi tham gia hiến máu 1 năm hiến 4 lần thì cả nước dư máu phục vụ cấp cứu, điều trị. Nếu nữ từ 18 - 55 tuổi, nam từ 18 - 60 tuổi mỗi năm hiến máu 2 lần thì sẽ đủ máu điều trị, cấp cứu. (Thanh niên, trang 1)
Chất lượng dân số Việt Nam và những mối quan tâm hàng đầu
Năm 2017, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cũng cho biết chất lượng dân số đang là một hạn chế của công tác Dân số và Phát triển.
Cần đẩy mạnh tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh
Trong Đề án “Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển dân số bền vững”, Tổng cục DS-KHHGĐ đánh giá “Chất lượng dân số mặc dù đã được cải thiện nhưng chưa vững chắc”. Có thể thấy, mặc dù chất lượng dân số những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng chiều cao, cân nặng, tầm vóc, sức bền thể lực của người dân Việt Nam chưa được như chúng ta mong đợi.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này: Vấn đề nhận thức và tiếp cận sớm với tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân cũng như hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh, tật trước sinh và sơ sinh gần như đang còn hạn chế. Vì vậy đã có những đứa trẻ khi ra đời bị hội chứng Down, hội chứng này thường gặp nhất trong số các bệnh do rối loạn nhiễm sắc thể... Còn trẻ bị Down lại có 47 NST, nghĩa là có thêm một nhiễm sắc thể 21. Chính “kẻ thù” này đã phá vỡ sự phát triển bình thường về thể chất và trí tuệ của trẻ… các bệnh như tăng động, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ…
Hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh, tật trước sinh và sơ sinh để nâng cao chất lượng giống nòi, chất lượng dân số là rất quan trọng nhưng nhiều nơi chưa làm tốt: Có thể do nhận thức và hiểu biết của người dân; do kinh phí dành công tác truyền thông về lĩnh vực này chưa thực sự được chú trọng… cho nên “quả bom nguyên tử” sẽ nổ ở Việt Nam với hơn 12 triệu người Việt Nam mang gene bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) nếu kết hôn, sinh con sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới giống nòi, chất lượng dân số Việt Nam.
Tình trạng mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn ở tuổi vị thành niên/thanh niên cũng dẫn đến chất lượng dân số kém, do việc truyền thông chuyên biệt và dịch vụ chuyên biệt cho đối tượng đích là vị thành niên/thanh niên chưa được quan tâm đúng mức và đánh giá đầy đủ. Trong khi đó, nhóm người yếu thế như người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS người mại dâm, người nghiện ma túy do bị phân biệt đối xử nên dễ có hành vi nguy cơ nếu họ lấy nhau sinh đẻ mà không được tư vấn dễ sinh ra những đứa trẻ nhiễm HIV… rồi bệnh viêm gan B, viêm gan C cũng có chung đường lây như HIV, vấn đề khuyết tật... Trong khi đó, tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên còn diễn ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng là những yếu tố dẫn đến những đứa trẻ không khỏe mạnh, bệnh tật, dị tật…
Một vấn đề nữa ảnh hưởng đến chất lượng dân số là việc chăm sóc người cao tuổi. Chúng ta đã có hệ thống an sinh xã hội cho trẻ em, có nhiều “nhà trẻ”, nhưng lại chưa có “nhà già” cho người già. Hiện cả nước mới có một Bệnh viện Lão khoa Trung ương là nơi chăm sóc cho người cao tuổi; Đại học Y Hà Nội mới có chuyên khoa Lão khoa, rất ít bệnh viện có khoa Lão khoa…
Mức sinh, tỉ số giới tính khi sinh và những giải pháp quan trọng
Hiện bức tranh về mức sinh ở nước ta đang có nhiều sự khác biệt: Trong khi ở phía Bắc (đặc biệt là các tỉnh miền núi) có mức sinh cao thì ở Đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM, mức sinh đang có chiều hướng thấp đi.
TPHCM là một trong những địa phương đi đầu cả nước về tỷ số cân bằng giới tính khi sinh (106,3 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái) song lại có mức sinh gần như thấp nhất cả nước, bình quân một phụ nữ sinh 1,43 con và chưa đạt mức sinh thay thế. Tỷ lệ sinh này nếu kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động…
Dù đã có nhiều hội nghị được tổ chức nhưng Tổng cục DS-KHHGĐ chưa có được câu trả lời thích đáng, chưa tìm ra lời giải về sự khác biệt mức sinh giữa Hà Nội và TPHCM trong khi điều kiện kinh tế, văn hóa khá tương đồng. Theo điều tra chưa đầy đủ thì Hà Nội vẫn có tình trạng đẻ con thứ ba với tâm lý phải có con trai, cùng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) khá cao thì ở TPHCM, phụ nữ chỉ sinh một, dù đứa con một đó là con gái. Hiện chưa có một cuộc điều tra đầy đủ, nên chỉ có thể đưa ra giả thiết phải chăng có nguyên nhân từ văn hóa vùng miền, quan niệm cuộc sống, bởi có nhiều người Hà Nội vào TPHCM sinh sống, cũng chỉ sinh một con, dù trai hay gái.
Mức sinh thấp là vấn đề rất đáng quan tâm, vì nếu không đủ sinh ra những thế hệ để thay thế cha mẹ trong một thời gian dài sẽ tác động trực tiếp đến tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên và làm cho quy mô dân số của một loạt nước đang ngày càng bị thu hẹp. Mức sinh thấp trong thời gian dài cũng sẽ có những tác động sâu sắc đến cơ cấu dân số. Đó là số người cao tuổi (65+) ngày càng tiếp tục tăng lên trong khi số người được sinh ra ngày càng ít đi. Cùng với những thành tựu về khoa học, những ứng dụng kỹ thuật trong y học… tuổi thọ con người ngày một gia tăng càng làm cho tỷ trọng người già trong dân số chiếm số đông. Quốc gia đó sẽ có cơ cấu dân số già, siêu già. Do mức sinh thấp, lực lượng lao động thiếu hụt, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, phát triển trong nước, chính sách nhập cư của các quốc gia này buộc phải nới lỏng…
Bên cạnh đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn có xu hướng tăng đang là một trong những thách thức cho công tác dân số trong thời gian tới. MCBGTKS sẽ dẫn đến tình trạng “thừa nam, thiếu nữ” trong tương lai, làm biến đổi chỉ số nhân khẩu học, tác động đến cuộc sống của cá nhân, gia đình và toàn xã hội. 10 tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất là Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Quảng Ngãi…
Nhằm từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, vấn đề tăng cường truyền thông rất quan trọng. Bên cạnh đó, một số địa phương cần sớm đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ để nâng cao vai trò của trẻ em gái trong gia đình và xã hội; tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định lựa chọn giới tính thai nhi. (Gia đinh & Xã hội, trang 6)