Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 3/12/2015

  • |
T5g.org.vn - Tập huấn chuyên môn về bệnh tim mạch; Chưa phát hiện chủng virus mới gây bệnh sốt xuất huyết; Hiệu quả tăng cường cán bộ y tế về tuyến dưới...

Tập huấn chuyên môn về bệnh tim mạch

Sáng 2-12, Viện Tim mạch Quốc gia đã khai mạc lớp tập huấn về một số bệnh tim mạch cho các bác sĩ tại Hà Nội. Lớp tập huấn kéo dài trong 3 ngày, được tổ chức tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Học viên được các giáo sư của Viện Tim mạch Quốc gia cập nhật kiến thức mới nhất về hẹp van hai lá, hở van hai lá, hẹp van động mạch chủ và hở van động mạch chủ cũng như phương pháp chẩn đoán chính xác bệnh và phương pháp điều trị hiện nay...( An ninh thủ đô trang 7)

 

Chưa phát hiện chủng virus mới gây bệnh sốt xuất huyết

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi gặp mặt báo chí truyền thông về phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa tổ chức tại Hà Nội. Thời gian gần đây, trên các diễn đàn mạng xã hội xuất hiện thông tin về một chủng sốt xuất huyết mới rất nguy hiểm. Đại diện Cục Y tế dự phòng khẳng định, hiện nay, ở Việt Nam, virus gây sốt xuất huyết là Dengue. Thông tin về sự xuất hiện của chủng virus gây sốt xuất huyết mới là không chính xác...( Hà Nội mới trang 5)

 

Hiệu quả tăng cường cán bộ y tế về tuyến dưới

Để tăng cường năng lực cho tuyến y tế cơ sở, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngành y tế Hà Nội đã tích cực cử nhiều lượt cán bộ có trình độ chuyên môn từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (Đề án 1816). Nhờ đó, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và từng bước thay đổi diện mạo của hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn Thủ đô.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) bác sĩ Nguyễn Quang Mậu cho biết: Trước đây, bệnh viện luôn đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực, nhất là bác sĩ có trình độ cao về phẫu thuật, dẫn đến tình trạng bệnh viện không thu hút được người bệnh. Nhưng hơn một năm trở lại đây, thông qua Đề án 1816, với sự hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật của các Bệnh viện Xanh Pôn, Phụ sản Hà Nội, Việt Nam- Cu-ba, Y học cổ truyền Hà Nội… đến nay Bệnh viện đa khoa Phúc Thọ đã làm chủ được nhiều kỹ thuật phẫu thuật nội soi như chửa ngoài dạ con, thủng dạ dày, viêm ruột thừa, thoát vị bẹn… các kỹ thuật đã trở thành thường quy tại bệnh viện. Thời điểm trước tháng 7-2014, rất ít trường hợp được mổ tại bệnh viện, mà chủ yếu phải chuyển lên tuyến trên, nhưng đến nay trung bình mỗi tháng bệnh viện thực hiện mổ hơn 100 ca ngoại và sản khoa…

Sau khi được cán bộ của Bệnh viện đa khoa Đức Giang chuyển giao kỹ thuật, lần đầu tiên Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức tiến hành thành công phẫu thuật nội soi u xơ tiền liệt tuyến cho người bệnh Nguyễn Văn Trực (69 tuổi, xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức). Nhờ được chuyển giao và làm chủ các kỹ thuật cao, trong tám tháng đầu năm 2015, số lượng người bệnh đến khám, điều trị tại bệnh viện tăng; phẫu thuật 580 ca, tăng 64,6%, so với cùng kỳ năm trước.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết: Những năm qua, ngành y tế Thủ đô đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phát triển kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị… Tuy nhiên, sự chuyển biến đó chưa đồng đều ở tất cả các đơn vị, nhất là có sự chênh lệch khá lớn về trình độ chuyên môn giữa các cơ sở y tế tuyến thành phố và tuyến huyện. Vì vậy, tuyến y tế cơ sở chưa thu hút được người bệnh đến khám, chữa bệnh gây nên tình trạng quá tải đối với các bệnh viện tuyến thành phố. Để khắc phục tình trạng nêu trên, ngành y tế Hà Nội đã tích cực triển khai việc cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Trong quá trình triển khai, ngành y tế Hà Nội tập trung cử cán bộ có năng lực về quản lý bệnh viện; trình độ chuyên môn cao để chuyển giao các kỹ thuật về mổ nội soi tại một số bệnh viện, như: Bệnh viện đa khoa huyện Phúc Thọ; Mỹ Đức, Thanh Oai; Thạch Thất… Điều đáng mừng, thông qua Đề án 1816 các bệnh viện hạng ba tuyến huyện của thành phố đã thực hiện thành công mổ nội soi các bệnh, như: u xơ tử cung, u nang buồng trứng, chửa ngoài dạ con, u xơ tiền liệt tuyến, viêm ruột thừa, thủng dạ dày, cắt túi mật… Điển hình như Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất, Phúc Thọ, sau khi được đầu tư máy nội soi và được bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn chuyển giao kỹ thuật, bệnh viện đã triển khai các kỹ thuật phẫu thuật nội soi, như: Phẫu thuật mổ u nang tuyến giáp; phẫu thuật nội soi túi mật; nội soi tuyến tiền liệt…

Từ đầu năm đến nay, đã có 26 đơn vị xây dựng kế hoạch cử cán bộ luân phiên hỗ trợ tuyến dưới, trong đó có 25 bệnh viện và một trung tâm y tế huyện. Tổng số cơ sở tuyến dưới được tiếp nhận người đến hỗ trợ là 37 đơn vị (gồm 22 bệnh viện, 15 trung tâm y tế), với tổng số người đang thực hiện luân phiên là 64 bác sĩ và 23 điều dưỡng, kỹ thuật viên. Có 21 trên 22 bệnh viện; 12 trên 14 trung tâm y tế huyện đã được tiếp nhận cán bộ đến luân phiên hỗ trợ chuyên môn ở các chuyên ngành đã đăng ký. Các cán bộ cử đi hỗ trợ chuyên môn tuyến dưới đều là những cán bộ y tế có trình độ chuyên môn tốt, chuyên khoa sâu, nhiều người là trưởng, phó các khoa lâm sàng các bệnh viện hạng I của thành phố.

Giám đốc Nguyễn Khắc Hiền khẳng định: Để tiếp tục phát huy những kết quả bước đầu mà Đề án 1816 mang lại, cũng như khắc phục những khó khăn, hạn chế, ngành y tế Hà Nội tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp trong việc luân chuyển cán bộ; cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp lại quy trình làm việc, quy trình khám, chữa bệnh khoa học, cải tạo cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị hiện đại cho hệ thống y tế cơ sở... Cùng với việc cử cán bộ đi luân phiên hỗ trợ cho tuyến dưới, trong thời gian tới thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phát triển hệ thống y tế, nhất là các bệnh viện tuyến huyện, trung tâm y tế và trạm y tế xã… Đây được coi là những giải pháp cơ bản, hữu hiệu nhằm hướng tới bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, ngay tại cơ sở. Qua đó, góp phần thực hiện công bằng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và bảo đảm an sinh xã hội của nhân dân trên địa bàn thành phố.( Nhân dân trang 5)

 

Vợ chồng Giám đốc Sở “tranh chấp” đất dự án bệnh viện

Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Phụ sản - Bệnh viện Nhi đồng tỉnh Trà Vinh (gọi tắt là DA BV, đặt tại ấp Bến Có, xã Nguyệt Hoá, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) được phê duyệt năm 2008, có tổng mức đầu tư trên 201 tỉ đồng, quy mô 200 giường, diện tích sử dụng đất hơn 42.000m².

Trong quá trình thực hiện DA này, đã nảy sinh tình huống khó ngờ, liên quan đến vợ chồng ông Diệp Văn Sơn – Giám đốc Sở Khoa học công nghệ (KHCN) tỉnh Trà Vinh.

Gần 10 năm trước, khi DA chưa “mọc” lên, đây là mảnh đất thấp, trũng có nhiều ao, mương, cây tạp, hiệu quả kinh tế thấp. Cuối 2006, UBND tỉnh Trà Vinh và UBND huyện Châu Thành đã ban hành các quyết định thu hồi diện tích đất 41.046m²; đồng thời thông báo cho vợ chồng ông Sơn – bà Nguyễn Thị Tuyết Hương (với tư cách là chủ sở hữu của phần đất thực hiện DA - PV) biết tổng diện tích của DA là 42.209,4m², trong đó diện tích bồi thường là 41.000,4m²; hơn 1.209m² còn lại thuộc đất rạch công cộng, không được bồi thường.

Vợ chồng ông Sơn đã ký tên, thống nhất diện tích bồi thường vừa kể. Thế nhưng khi đã nhận đủ số tiền 1.845.018.000 đồng, vợ chồng ông Sơn bỗng dưng nại ra rằng “có sự chênh lệch giữa thanh toán tiền với diện tích đất thu hồi”, khiến họ bị thiệt 246m² (?); và cả hai cho rằng không bồi thường cho họ phần đất rạch công cộng là không hợp lý.

Thanh tra tỉnh vào cuộc, xác định nguyên nhân có con số 246m² kể trên là do bà Hương “vịn” vào tờ trình (văn bản chỉ mang tính chất khái toán ban đầu) của chủ đầu tư để xin chủ trương thực hiện DA (chỉ thể hiện 40.800m²), trong khi thực tế việc thực hiện DA, các văn bản có tính pháp lý đều rất nhiều lần thể hiện con số được bồi hoàn nêu trên. Đối với diện tích rạch công cộng, trong cả 3 “sổ đỏ” mà chính quyền cấp cho vợ chồng ông Sơn đều thể hiện.

Xung quanh đề nghị của gia đình ông Sơn giao đoạn đường dẫn vào khu đất BV và đường dọc theo mặt tiền BV cho Sở GTVT và chính quyền địa phương quản lý, Thanh tra tỉnh tỏ rõ quan điểm: “Hai đoạn đường này đều thuộc quyền sử dụng của Sở Y tế và mục đích sử dụng đất chỉ phục vụ cho cơ sở y tế; điều này là đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất được quy định trong Luật Đất đai”. Từ quan điểm này, Thanh tra tỉnh không chấp nhận các phương án và hàng loạt “yêu sách” do vợ chồng ông Sơn đưa ra.( Công an nhân dân trang 7)

 

Phó Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra việc Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ mở ngành Y, Dược

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngày 2.12, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ GDĐT và Bộ Y tế, nêu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, yêu cầu kiểm tra việc trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thực hiện các yêu cầu, đảm bảo các điều kiện cần thiết cho đào tạo ngành Y đa khoa và Dược học.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, việc đào tạo và cho phép mở ngành đào tạo nhân lực ngành Y tế nói chung, đào tạo Bác sĩ, Dược sĩ nói riêng cần đặt chất lượng đào tạo là yêu cầu, tiêu chí hàng đầu. Chính vì thế, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GDĐT thống nhất với Bộ Y tế khẩn trương ban hành văn bản quy định tiêu chí, điều kiện mở ngành, tuyển sinh đào tạo Y khoa, Dược học phù hợp với đặc thù và đảm bảo yêu cầu chất lượng nhân lực ngành Y tế.

Bên cạnh đó, hai Bộ cần đánh giá thực trạng đào tạo Y khoa, Dược học; trước hết tổ chức khảo sát, đánh giá tại các Trường Đại học đa ngành và có phương án, giải pháp cần thiết để đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra.

“Bộ Y tế phối hợp với Bộ GDĐT kiểm tra việc Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ thực hiện các yêu cầu, đảm bảo các điều kiện cần thiết theo đúng kết luận tại Biên bản của Đoàn thẩm định (liên ngành Giáo dục và Đào tạo - Y tế tổ chức trước khi Bộ GDĐT quyết định cho phép Trường mở ngành). Bộ GDĐT chỉ cho phép Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ được tuyển sinh đào tạo Y khoa, Dược học khi Trường đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện”, công văn nêu rõ.

Cùng ngày, Bộ GDĐT cũng có công văn gửi Bộ Y tế, đề nghị Bộ Y tế cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu của đoàn thẩm định liên ngành GDĐT - Y tế tổ chức trước khi Bộ GDĐT quyết định cho phép trường mở ngành. Thời gian kiểm tra dự kiến từ ngày 7 đến ngày 11.12.(  Lao động trang 7, Tuổi trẻ trang 2)

 

Nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh vào cuối năm

Sáng 2.12, tại TPHCM, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có buổi cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình một số loại dịch bệnh vào thời điểm cuối năm. Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Y tế dự phòng cho biết từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận khoảng 62.000 ca sốt xuất huyết ở hầu hết các tỉnh thành phố. Đáng lo ngại là virus sốt xuất huyết lưu hành ở nhiều tuýp nên một số bệnh nhân tái phát bệnh, lần sau nặng hơn lần trước. Chừng 50.000 trường hợp bị tay chân miệng tại 62 tỉnh, thành phố. Chỉ có một số ca bệnh sởi, rubella nhờ công tác phòng bệnh hiệu quả trong cộng đồng sau chiến dịch tiêm văcxin sởi - rubella trên cả nước...( Lao động trang 4, Tuổi trẻ trang 14)

 

Bị thanh sắt dài 2m đâm xuyên vùng thắt lưng

Các bác sĩ Khoa Ngoại - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội vừa phẫu thuật, cấp cứu thành công một bệnh nhân bị thanh sắt dài khoảng 2m đâm xuyên vùng thắt lưng. Bệnh nhân là anh N.V.H, 36 tuổi quê ở Thanh Hóa.

Người nhà anh H cho biết, khoảng 17h30 ngày 30-11, tại tầng 2 của một ngôi nhà đang xây ở quận Đống Đa (Hà Nội), khi anh H đang cúi người xuống ở  thì bất ngờ bị thanh sắt từ tầng 5 rơi xuống đâm xuyên vào vùng thắt lưng. Anh H sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và được các bác sĩ mổ cấp cứu.

Phẫu thuật rạch dọc theo vết thương để lấy thanh sắt ra khỏi người anh H, các bác sĩ phát hiện có 1 vết thương vào trực tràng kích thước 23cm cách hậu môn khoảng 10cm đã tiến hành cắt lọc, khâu lại vết thương trực tràng. Sau 2 giờ tiến hành, ca phẫu thuật đã thành công, sức khỏe bệnh nhân đang dần hồi phục.( An ninh thủ đô trang 8)

 

Lấy cây bút bi trong bụng bé trai 11 tuổi

Ngày 2.12, bác sĩ Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Cam Ranh (Khánh Hòa), cho biết bệnh viện vừa cứu sống bé trai 11 tuổi, sau khi bé này nuốt phải một cây bút bi vào bụng.

Trước đó, khoảng 20 giờ ngày 1.12, khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa khu vực Cam Ranh tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Hữu V. (11 tuổi, trú phường Ba Ngòi, TP.Cam Ranh) trong tình trạng bệnh nhi bị đau bụng dữ dội ở vùng thượng vị, rất nguy hiểm. Sau khi siêu âm, bác sĩ phát hiện một dị vật khá dài nằm trong dạ dày bệnh nhân.

Tiến hành cứu chữa, các bác sĩ đã gắp ra từ dạ dày bệnh nhân một cây bút bi.

Theo bác sĩ Nguyên Hồng Quang, nếu cây bút không sớm được gắp ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe bệnh nhân, đặc biệt là tổn thương đường ruột. Bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và đã xuất viện. ( Thanh niên trang 5)

 

Người phụ nữ được giải thoát khỏi khối u 10 năm “tuổi”

Nữ bệnh nhân Tô Thùy Trang (47 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) đã phải mang khối u khổng lồ trên ngực trái suốt gần 10 năm trời bởi không cơ sở y tế nào dám “động” đến vùng xương ức có u.

Sáng 1/12, bệnh viện Chợ Rẫy công bố phẫu thuật thành công ca u xương ức khổng lồ cho bệnh nhân Tô Thùy Trang.

Trước đó, chị Trang đã phải mang khối u khổng lồ trên ngực trái suốt gần 10 năm trời bởi không cơ sở y tế nào dám “động” đến vùng xương ức có u.

Bác sĩ Vũ Hữu Vĩnh - Trưởng khoa ngoại lồng ngực, bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết, xương ức là cơ quan duy nhất trong cơ thể không thể thay thế nếu bị mất hoặc tổn thương.

“Nghe nói đến u xương ức bác sĩ nào cũng sợ. Bởi xương ức là một hố máu, nếu phẫu thuật, khả năng bệnh nhân tử vong ngay trên bàn mổ rất cao vì mất máu”, ông Vĩnh nói.

Gia đình cho biết, chị Trang đã chạy chữa khắp nơi, nhưng không nơi nào nhận phẫu thuật. Khối u ban đầu bằng quả tranh sau đó cứ lớn dần khiến chị khó thở, đi lại cũng hết sức khó khăn.

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy một khối u xương ức lớn đến thế. Nó chèn ép tim và các cơ quan khác khiến chất lượng sống của bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi đến Bệnh viện Chợ Rẫy, khối u đã đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Trong lúc chờ bệnh viện sắp xếp ca mổ, chị Trang bị chảy máu vùng u xương ức 2 lần. Lần đầu bệnh nhân mất cả lít máu, lần thứ hai phải vào cấp cứu và mọi người đều nghĩ chị sẽ không qua khỏi vì không thể cầm máu, chị mất đến gần 3 lít máu”, bác sĩ Vĩnh cho biết.

Khoa ngoại lồng ngực đã quyết định mổ cắt bỏ xương ức vì “không còn đường lui” vào ngày 20/11. “Chúng tôi quyết định mổ, dù tỷ lệ thành công của ca này rất thấp. Bệnh nhân được cứu sống một cách thần kỳ”, bác sĩ Vĩnh chia sẻ.

Chị Trang đã hồi phục khá nhanh và xuất viện chỉ 1 tuần sau ca mổ. Hiện chị đã có thể đi lại, ăn uống, nói chuyện bình thường. “Khi tôi lên bàn mổ, ở nhà đã nghĩ đến chuyện lo hậu sự. Các con tôi đều nghĩ mẹ sẽ ra đi”, chị Trang xúc động nói với báo chí.( Công an nhân dân trang 7)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang