Báo động tình trạng thiếu i-ốt quay trở lại
Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo tư vấn liên ngành về tái thiết lập, củng cố chương trình phòng, chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt và triển khai quy định về muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt theo Nghị định 09/2016/NĐ-CP do Bộ Y tế tổ chức ngày 02-12.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, từ năm 1994, chương trình phòng, chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt đã được thiết lập và triển khai. Đến năm 2005, Việt Nam đã là một trong những nước đi đầu trong công cuộc loại trừ tình trạng các rối loạn do thiếu hụt i-ốt. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra trẻ từ 8 đến 10 tuổi trên toàn quốc năm 2014 cho thấy, tỷ lệ bướu cổ là 9,8%.
Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, đủ i-ốt là nền tảng cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của thế hệ tiếp theo. Tuy nhiên, số liệu gần đây cho thấy, Việt Nam đang ở trong một tình trạng đáng lo ngại vì các rối loạn do thiếu i-ốt có thể sẽ quay lại Việt Nam, đặc biệt là ở các khu vực có nguy cơ cao như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long, nơi việc tiêu thụ muối i-ốt đã giảm ở mức báo động. UNICEF sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế và các bộ liên quan khác để giải quyết thách thức này (Hà Nội mới, trang 1)
Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 5: “Tăng cường kiểm soát các rối loạn do thiếu hụt I ốt”; Công an Nhân dân, trang 4: “Báo động tình trạng thiếu i-ốt quay trở lại”
Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối: Vẫn ngổn ngang khó khăn
Để từng bước kiểm soát chất lượng thực phẩm ở chợ đầu mối, các ngành chức năng của TP Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, lấy mẫu, ngăn chặn nông sản, thực phẩm "bẩn". Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm tại các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố vẫn gặp nhiều khó khăn.
Lộn xộn, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm
Tại chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), trung bình mỗi ngày có 750 hộ kinh doanh, trong đó có 580 hộ ký hợp đồng thuê mặt bằng với Ban Quản lý chợ, còn lại là hộ kinh doanh vãng lai. Chợ Minh Khai được quy hoạch khá bài bản, phân lô, phân rõ từng khu, dãy bán rau, quả, sản phẩm động vật, thủy sản. Tuy nhiên, việc sử dụng mặt bằng chưa hiệu quả, vẫn còn tình trạng quầy bán thịt gia súc, gia cầm, hải sản chưa có mái che, thực phẩm tươi sống bày bán lẫn với thực phẩm đã qua chế biến...
Phó phòng Thanh tra pháp chế (Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội) Lê Trung Kiên cho biết, ngoài hộ kinh doanh cố định, trong chợ còn nhiều tiểu thương vãng lai, lấy hàng hóa từ nhiều nguồn khác nhau, khi kiểm tra đều không xuất trình được giấy tờ liên quan, gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Mỗi ngày tại chợ đầu mối Minh Khai tiêu thụ hàng trăm tấn rau, củ, quả; từ 10 đến 20 tấn gia súc, gia cầm. Lượng hàng hóa buôn bán, kinh doanh khá lớn nhưng điều kiện vệ sinh ở chợ không bảo đảm.
Trên các trục giao thông xung quanh chợ, rau, củ, quả bày bán tràn lan, thiếu sự quản lý của các ngành chức năng. Bà Nguyễn Thị Gái, xã Đại Mạch (Đông Anh) cho biết, mỗi ngày bán lẻ từ 100 đến 200 mớ rau muống, nhưng do tiền thuê cửa hàng trong chợ cao, nên đã chuyển ra bán ở vỉa hè để giảm chi phí...
Chợ đầu mối phía Nam (chợ Đền Lừ) quận Hoàng Mai cũng trong cảnh ngộ tương tự, chỉ có 400/700 hộ kinh doanh cố định, còn lại là vãng lai. Trung bình mỗi ngày chợ tiêu thụ từ 400 đến 500 tấn hoa quả, 120 đến 150 tấn rau, củ các loại và 250 tấn thịt gia súc, gia cầm, thủy sản. Tuy nhiên, điều kiện vệ sinh tại chợ không bảo đảm, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).
Cần siết chặt quản lý
Để quản lý chất lượng sản phẩm và điều kiện vệ sinh ATTP tại các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố, đòi hỏi các ngành chức năng, Ban Quản lý chợ phải tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền để nâng cao ý thức người kinh doanh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thực hiện đúng quy định trong Thông tư số 24/2014/TT-BNNPTNT ngày 19-8-2014 của Bộ NN&PTNT về điều kiện bảo đảm ATTP đối với chợ đầu mối, chợ đấu giá nông sản; phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp quản lý các hộ kinh doanh vãng lai ở các trục đường xung quanh khu vực chợ. Ban Quản lý chợ tổ chức rà soát, thống kê, lập danh sách cụ thể các hộ kinh doanh thường xuyên tại chợ; phân khu riêng biệt cho từng nhóm ngành hàng để bảo đảm ATTP; yêu cầu các hộ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản bày bán trên bàn inox, thùng bảo quản sản phẩm…
Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang, Ban Quản lý chợ cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để tăng cường kiểm tra sản phẩm của các hộ kinh doanh; trang bị bổ sung các kệ hàng, thùng thu gom rác thải trong chợ; xây dựng biểu mẫu sổ sách nguồn gốc hàng hóa và kiểm tra việc ghi chép của các hộ kinh doanh trong chợ; yêu cầu 100% hộ kinh doanh ký cam kết bán hàng rõ nguồn gốc xuất xứ. Về lâu dài, cần xây dựng quy hoạch hướng phát triển chợ đầu mối đáp ứng nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa, bảo đảm ATTP; phê duyệt chương trình kiểm tra nhanh chất lượng, ATTP tại chợ đầu mối, để từng bước đưa các hộ kinh doanh đi vào nền nếp, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. (Hà Nội mới, trang 2).
Trạm y tế làm vệ tinh bệnh viện
Bên cạnh đưa bệnh viện (BV) tuyến quận, huyện làm vệ tinh của BV tuyến thành phố, trung ương hay triển khai mô hình bác sĩ gia đình, ngành y tế TPHCM đang hướng đến mô hình chăm sóc sức khỏe gần dân hơn - đưa trạm y tế (TYT) làm vệ tinh của BV. Với mô hình này, Sở Y tế TPHCM triển khai đưa bác sĩ từ các BV quận, huyện có uy tín về luân phiên tăng cường cho các TYT xã, phường và bước đầu gặt hái thành công.
Đến trạm y tế cũng như lên bệnh viện
Sau 4 tháng triển khai Phòng khám đa khoa vệ tinh đặt tại TYT phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức), BV quận Thủ Đức đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người dân. Đặc biệt tại đây, BV quận Thủ Đức đã cho đặt hai máy lọc thận mới và đến nay đã chạy quá công suất, phải chạy ca 3. “Trước đây chạy thận phải lên BV quận, nhưng từ lúc máy đưa về TYT thì tôi không phải đi xa nữa, đỡ vất vả, tốn kém”, bệnh nhân H. đang chạy thận ở TYT Bình Chiểu hồ hởi. Cùng với các chuyên khoa: cấp cứu, khám nội, sản, khám ngoại, khám nhi, tai mũi họng, răng - hàm - mặt, phục hồi chức năng - y học cổ truyền, khám da liễu, siêu âm, xét nghiệm, Phòng khám đa khoa vệ tinh đặt tại TYT Bình Chiểu đang quá tải bệnh nhân.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV Quận Thủ Đức, cho biết thời gian qua BV đã đưa bác sĩ về trực tiếp hỗ trợ cho 12 TYT phường trực thuộc và đã mang lại nhiều kết quả tốt, tạo thuận lợi cho người dân khi đến khám và điều trị các bệnh thông thường… BV Quận 2 cũng đã mở các phòng khám vệ tinh tại các TYT phường Thạnh Mỹ Lợi, Bình Khánh, Thảo Điền với các chuyên khoa như bác sĩ gia đình, nội tổng hợp, nội tim mạch, ngoại tổng quát, chấn thương chỉnh hình, mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng, vật lý trị liệu… Đồng thời, BV đã xây dựng danh mục chuyên môn kỹ thuật, danh mục thuốc, tập huấn phác đồ điều trị cho TYT, thiết lập phần mềm kết nối trực tiếp giữa TYT và BV để quản lý bệnh nhân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tại các TYT. Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Quận 2, cho biết hiện nay các TYT được trang bị máy móc hiện đại phục vụ tại chỗ như máy đo điện tim, máy siêu âm… nên công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân tại trạm thuận lợi, bệnh nhân sau khi khám được cấp phát thuốc tại chỗ, hưởng các quyền lợi như đi khám tại BV. Nhờ vậy, bệnh nhân sẽ an tâm đến khám, chữa bệnh tại các TYT, góp phần giảm tải cho các BV, giảm chi phí đi lại cho người bệnh.
Theo ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện nay mô hình khám chữa bệnh của Việt Nam đang đi theo hình tháp ngược, bệnh nhân dồn về tuyến cuối trong khi tuyến y tế cơ sở lại chỉ chiếm 4% - 6% người bệnh tới khám và điều trị. Do đó, việc đưa các chuyên khoa sâu và nhân lực chuyên môn của BV về TYT sẽ góp phần thu hút bệnh nhân, giảm áp lực cho BV tuyến trên để tuyến trên có thời gian thực hiện các kỹ thuật chuyên khoa sâu. “Sở Y tế khuyến khích và tạo điều kiện để các BV tuyến quận, huyện, thậm chí cả tuyến TP mở các phòng khám vệ tinh tại các TYT”, ông Thượng cho biết.
Xã hội hóa trạm y tế
Đến nay, hầu hết các TYT trên địa bàn TPHCM đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới khá khang trang. Theo bác sĩ Phan Thành Phước, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 2 (đơn vị chủ quản của hệ thống các TYT trên địa bàn quận), hầu hết các TYT đã được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất và thậm chí cả trang thiết bị hiện đại. “Ngay TYT phường Thảo Điền sắp tới cũng có siêu âm màu thì bà con đi đâu cho xa, lên BV chi cho chen chúc, chờ đợi”, bác sĩ Phước khoe. Tuy nhiên, theo ông Phước, cái quan trọng là nhân lực bác sĩ, uy tín của TYT chưa có nên chưa thu hút người bệnh. Trong khi hiện nay, theo quy định về thông tuyến khám BHYT thì người dân được hưởng quyền lợi khi khám ở BV hay ở TYT như nhau… Quận 7 trong các năm gần đây liên tục xây mới, khánh thành nhiều TYT như TYT Tân Thuận Đông, Phú Mỹ, Tân Phong… Tuy nhiên, hiện nay phần lớn TYT chưa được khai thác hết, chưa có mấy người bệnh. Trong khi hiện các TYT được trang bị máy móc hiện đại phục vụ tại chỗ như máy đo điện tim, máy siêu âm… nên công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân tại TYT thuận lợi.
Theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đưa phòng khám BV về TYT đang là mô hình mà TPHCM đi đầu cả nước, nhờ vậy mà chất lượng khám chữa bệnh ở các TYT nâng lên, người dân tin tưởng hơn… Theo GS Nguyễn Tấn Bỉnh, đây là mô hình đúng hướng, tiếp cận đúng đối tượng và gần dân hơn. Không chỉ khám, thuốc BHYT cũng sẽ được chuyển đến TYT để cấp phát cho người dân kịp thời, chứ không có chuyện tình trạng TYT “đói” thuốc như trước đây. Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng hiện mỗi TYT có một bác sĩ nhưng kiêm nhiệm nhiều công việc nên ít có thời gian khám, chữa bệnh. Ngay khi TYT được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại thì cũng rất ít được sử dụng do thiếu nhân lực. Do đó, Sở Y tế sẽ phân công bác sĩ sau khi tốt nghiệp về tuyến cơ sở. Với mục tiêu đảm bảo chất lượng đào tạo, Sở Y tế sẽ đẩy mạnh triển khai mô hình kết hợp viện - trường giữa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch với BV Nhân Dân 115 giúp sinh viên y khoa vừa học tập, vừa thực hành, trang bị vững vàng kiến thức từ khi còn đang học.
Cùng với việc đẩy mạnh phòng khám vệ tinh về TYT, ngành y tế TPHCM cũng đang khuyến khích xã hội hóa TYT. Sở Y tế TPHCM cho biết, để tăng cường nguồn thu cho các TYT, Chính phủ đã có chủ trương thay đổi cơ chế tài chính BHYT. Thay vì quỹ BHYT được các BV phân về TYT không quá 20% thì nay bỏ việc khống chế tỷ lệ này, có thể lên 30%, 40% hoặc cao hơn, nhằm khuyến khích người dân đăng ký khám, chữa bệnh BHYT tại TYT (Sài Gòn giải phóng, trang 3)
TPHCM: 19/24 quận, huyện có dịch bệnh do virus Zika
Ngày 2-12, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết dịch bệnh do virus Zika đã lan rộng ra 19/24 quận, huyện của TP. Đến nay, đã có tổng cộng 89 ca bệnh, trong đó có 11 phụ nữ đang mang thai.
Hiện ngành y tế TPHCM đã chủ động triển khai các phương án tư vấn, theo dõi tình trạng sức khỏe và chăm sóc thai kỳ theo quy định của Bộ Y tế. Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện phụ sản trên địa bàn, trong trường hợp có những bất thường cho thai phụ và thai nhi, nếu bất đắc dĩ phải chấm dứt thai kỳ, y bác sĩ phải đánh giá tổng thể các vấn đề sức khỏe có liên quan, tư vấn kỹ lưỡng cho thai phụ và thân nhân, quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào gia đình.(Sài Gòn giải phóng, trang 3)
Cùng chủ đề Báo Nông thôn Ngày nay trang 2: “TP.HCM tiếp tục tăng số ca nhiễm virus Zika”
Bệnh viện Bạch Mai có bãi đỗ xe mới
Ngày 2/12, TS Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, dự kiến, từ hôm nay (3/12), công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội bắt đầu triển khai bãi đỗ xe mới dưới gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng trong thời gian Bệnh viện Bạch Mai tiến hành nâng cấp, sửa chữa.
Thời gian qua, bệnh viện đã phải lùi thời điểm đóng cửa bãi gửi xe trước khu vực Viện Sức khỏe Tâm thần để tìm phương án cho bãi gửi xe mới. Công ty này cũng sẽ phụ trách quản lý bãi giữ xe nói trên.
Trung bình mỗi ngày, có hơn 4.000 lượt người đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai và khoảng 4.000 người nhà bệnh nhân đi cùng. Nếu chỉ tính 50% số người đến đây bằng phương tiện cá nhân thì cũng có tới hơn 2.000 xe máy gửi tại bệnh viện mỗi ngày; chưa kể số xe máy của người bệnh và người nhà bệnh nhân đến những bệnh viện lân cận như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện Lão khoa T.Ư và Bệnh viện Da liễu T.Ư vì những bệnh viện này không có bãi trông xe hoặc có nhưng thường quá tải, hết chỗ (Tiền phong, trang 10).
Lớp học kích não – chuyện hoang đường
Thời gian qua tại một số địa phương xuất hiện lớp học được quảng cáo giúp kích hoạt não cho trẻ.
Theo đó, trẻ được bịt mắt để sờ những thẻ bài nhiều màu sắc, sau đó tự sắp xếp các thẻ bài đồng màu với nhau và theo số thứ tự từ 1- 9; bịt mắt và dùng tay rà qua các chữ để đọc; bịt mắt để nhận diện màu sắc rồi cảm nhận, tưởng tượng trong đầu những thứ mà mình đang sờ trên tay để có thể đọc to lên.
Ngày 2/12, trao đổi với báo chí, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã đến kiểm tra tại lớp học kích não nhưng các lớp này không hề có thiết bị, máy móc gì. GS Tiến khẳng định, về mặt y học, nói học bằng những phương pháp đó để kích thích não phát triển là hoang đường do không có một cơ sở y học nào (Tiền phong, trang 10).
Gần 100 công nhân nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm
Cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu thức ăn để làm rõ vụ việc hơn 80 công nhân của Công ty TNHH Yakin Sài Gòn thuộc Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú phải nhập viện cấp cứu nghi do ngộ độc thực phẩm.
Chiều ngày 2-12, ông Phan Thanh Dũng – Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Phước cho biết, đơn vị này và các cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu thức ăn để làm rõ vụ việc hơn 80 công nhân của Công ty TNHH Yakin Sài Gòn thuộc Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú (thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) phải nhập viện cấp cứu nghi do ngộ độc thực phẩm.
Trước đó, ngày 1-12, các công nhân của Công ty TNHH Yakin Sài Gòn làm việc tăng ca nên đã ở lại Công ty ăn. Sau bữa ăn chiều vào khoảng 17h30, với các món: bún thịt heo, cơm chay và mì trứng thì đến khoảng 18 giờ đã có nhiều công nhân bắt đầu cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, buồn nôn, một số khó thở và ngất xỉu.
Công ty TNHH Yakjin Sài Gòn đã nhanh chóng điều xe đưa khoảng 60 công nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Thánh Tâm (gần Công ty) và hơn 20 công nhân cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Phú và Bệnh viện Đa khoa Bình Phước.
Các công nhân cho biết thêm, khi ăn phát hiện món bún và nước lèo khá nguội và rất có thể là nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Thánh Tâm cho biết, công nhân nhập viện trong tình trạng mệt ly bì. Bệnh viện đã giải độc, bù nước. Một số công nhân bệnh nhẹ bình phục nhanh đã xuất viện ngay trong đêm. Đến chiều ngày 2-12, một số trường hợp có dấu hiệu bị nặng phải lưu lại tiếp tục điều trị.
Chiều cùng ngày, trao đối với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc – Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tấn Đăng Khoa (trụ sở: ấp Bàu Ké, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú) - đơn vị cung cấp dịch vụ nấu ăn cho công nhân tại Công ty TNHH Yakjin Sài Gòn khoảng 3 năm trở lại đây cho biết, đây là lần đầu tiên đơn vị này nấu bún cho công nhân ăn chiều để vào tăng ca.
“Bữa ăn chiều ngày 1-12 có trên 2.000 công nhân ăn. Trong số đó có khoảng 80 người ăn cơm chay và 90 người ăn mì gói chế chung với trứng gà. Thông thường, công nhân tăng ca ăn cơm nhưng do yêu cầu của Công ty nên chúng tôi buộc phải nấu cho công nhân ăn.
Mặc dù chúng tôi đã có hơn 15 năm làm nghề nấu ăn cho các công ty, doanh nghiệp nhưng đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng nghi do ngộ độc. Chúng tôi cam kết sẽ hợp tác tốt với các cơ quan chức năng để tìm rõ nguyên nhân. Để xảy ra tình trạng này là ngoài ý muốn, sau vụ việc uy tín của Công ty cũng bị ảnh hưởng” – ông Ngọc nói.
Sau khi xảy ra vụ việc, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh phối hợp với Công an tỉnh Bình Phước, các đơn vị liên quan đã làm việc với Công ty TNHH Tấn Đăng Khoa để lấy mẫu thức ăn và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cũng ngày 2-12, đoàn kiểm tra của Công ty TNHH Yakjin Sài Gòn đã xuống kiểm tra các quy trình chế biến, bảo quản thức ăn tại Công ty TNHH một thành viên Tấn Đăng Khoa.
Nguyên nhân của vụ việc đang được Công an tỉnh Bình Phước và các cơ quan liên quan điều tra làm rõ. (Công an Nhân dân, trang 2).
7 bé ở TP.HCM đã ra đời nhờ mang thai hộ
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chỉ được thực hiện khi người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Từ khi Nghị định 10/2015 quy định điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có hiệu lực (từ ngày 15-3-2015), cả nước đã có hơn 100 hồ sơ đủ điều kiện cho phép mang thai hộ.
Riêng Bệnh viện (BV) Từ Dũ (TP.HCM) tiếp nhận 56 trường hợp được chỉ định mang thai hộ. “Hiện 42 trường hợp đã và đang thực hiện mang thai hộ, 14 trường hợp còn lại đang chờ đợi” - BS Bùi Trúc Giang, Phó Trưởng khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ, nói.
Ca song sinh ra đời đầu tiên
BS Giang cho biết hai bé trai chào đời đầu tiên tại BV Từ Dũ từ phương pháp mang thai hộ là cặp song sinh, nặng 1.900 g và 2.100 g. Người nhờ mang thai hộ là một phụ nữ 29 tuổi không có tử cung. Còn người mang thai hộ là chị họ, 35 tuổi.
“Tháng 5-2015, BV Từ Dũ đã trữ sáu phôi từ trứng của người phụ nữ và tinh trùng của chồng chị. Đến tháng 8-2015, BV tiến hành chuyển ba phôi vào tử cung người chị họ (người mang thai hộ)” - BS Giang nói.
Bốn tuần sau, mọi người chăm chú nhìn vào màn hình máy nội soi và vỡ òa niềm vui khi thấy hai mầm sống đã hình thành. Không ít bác sĩ, điều dưỡng nghẹn lời vì quá sung sướng. “Khi nhận được tin vui này, người phụ nữ nhờ mang thai hộ ôm chầm chúng tôi rồi khóc nấc vì niềm vui vô bờ ập đến” - BS Giang nói.
Ngày 16-3, tiếng khóc oe oe của hai đứa bé đã đẩy lùi tất cả mệt mỏi, âu lo của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ, kể cả người mang thai hộ. “Đây là ca song sinh mang thai hộ đầu tiên trong cả nước” - BS Giang chia sẻ.
Sau đó, lần lượt thêm năm trẻ ra đời từ người mang thai hộ. Tất cả bé đều bụ bẫm, khỏe mạnh, nặng trên 3.000 g. Dự kiến đến tháng 2-2017, nhiều bé lần lượt cất tiếng khóc chào đời cũng từ quy định đầy tính nhân văn này.
Ở khu vực miền Trung, đứa bé đầu tiên ra đời từ phương pháp mang thai hộ tại BV Đa khoa Trung ương Huế vào ngày 28-7. Đây là bé gái nặng 3.500 g, con của cặp vợ chồng cưới cách đây tám năm. Do bị u xơ tử cung, gây biến chứng nặng buộc phải cắt tử cung nên người vợ không thể mang thai.
Trong khi đó, đứa bé mang thai hộ ra đời đầu tiên tại khu vực phía Bắc, cũng là đầu tiên ở Việt Nam là con của cặp vợ chồng cưới nhau cách đây 16 năm. Đây cũng là bé gái, nặng 3.600 g, sinh tại BV Phụ sản Trung ương.
Nỗi buồn của người vợ 45 tuổi
Chị Trần Thị Đoan Trang, điều dưỡng phó khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ, buồn buồn nói: “Nhiều vợ chồng hạnh phúc khi được làm cha, làm mẹ nhờ phương pháp mang thai hộ. Tuy nhiên, cũng có vợ chồng thiếu may mắn khi ước mơ làm cha, làm mẹ không thành”. Chị Trang kể: “Có cặp vợ chồng Việt kiều đã lớn tuổi: anh 47, chị 45. Hai người cưới nhau đã lâu nhưng không có con vì người vợ không có tử cung. Năm 2002, hai vợ chồng thụ tinh trong ống nghiệm và trữ lạnh ba phôi tại BV Từ Dũ. Khi chúng tôi hỏi lý do trữ lạnh phôi cách đây quá lâu, người vợ cho biết đề phòng chuyện không hay xảy ra cho vợ hoặc chồng. Người vợ còn cho biết hai vợ chồng mong mỏi Việt Nam sớm cho phép thực hiện mang thai hộ để họ có cơ hội làm mẹ, làm cha”.
Khi Việt Nam chính thức cho phép thực hiện mang thai hộ, vợ chồng Việt kiều nói trên rất đỗi vui mừng. Người mang thai hộ là chị họ của người vợ. Tháng 6-2015, BV tiến hành chuyển phôi đầu tiên vào tử cung người mang thai hộ, tuy nhiên không thành công do nội mạc của người mang thai hộ có vấn đề. BV chuyển tiếp phôi lần hai nhưng cũng thất bại (Pháp luật TPHCM, trang 13).