Buộc bệnh viện nộp lại hơn 15 tỉ đồng tiền thu sai
UBND tỉnh Cà Mau không thống nhất đề xuất của Sở Y tế, yêu cầu đơn vị này có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở các BV nộp lại tiền đã thu sai. Ngày 30.3, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn trả lời đề xuất của Sở Y tế tỉnh này về việc xin không nộp lại khoản tiền đã thu sai đối với xét nghiệm huyết đồ tại các bệnh viện (BV) trên địa bàn. Theo đó, UBND tỉnh không thống nhất đề xuất của Sở Y tế, yêu cầu đơn vị này có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở các BV nộp lại tiền đã thu sai.
Năm 2013, Thanh tra tỉnh Cà Mau có công văn yêu cầu giám đốc các BV công lập, các cơ sở y tế có hợp đồng khám, điều trị bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế báo cáo bằng văn bản về số lượng, đơn giá, tổng số tiền thực hiện xét nghiệm huyết đồ (từ 1.10.2010 - 6.5.2013), phát hiện số tiền các BV thu sai của bệnh nhân đến hơn 15 tỉ đồng so với quy định. Trả lời PV Thanh Niên chiều 30.3, ông Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau, nói: “UBND tỉnh không đồng ý với đề xuất của Sở, buộc chúng tôi phải thu hồi lại số tiền đã thu chênh lệch. Trước đây, các đơn vị lấy nguồn này đưa vào hoạt động thì giờ trích ra trả lại thôi” (Thanh niên trang 8, Tuổi trẻ trang 8).
Mắc thủy đậu rất dễ sảy thai
Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2016, cả nước đã ghi nhận khoảng 4.000 trường hợp mắc thủy đậu, trong đó, các tỉnh có số mắc cao là Nghệ An, Hà Nội, Thái Bình, Yên Bái, Lâm Đồng, Kon Tum, Đà Nẵng... Tuy nhiên, đến nay chưa ghi nhận ca tử vong nào. So với cùng kỳ năm 2015, số lượng ca bệnh được ghi nhận giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), con số thực tế có thể cao hơn do thủy đậu là bệnh truyền nhiễm lành tính thường được cách ly, điều trị tại nhà. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng lưu ý, phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Trẻ sơ sinh mắc thủy đậu lây truyền từ mẹ cũng rất nguy hiểm. Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức, chủ động phòng chống bệnh dịch này (An ninh thủ đô trang 2).
Thông tin có 4 ca nhiễm Zika ở Khánh Hòa là không chính xác
Chiều 30-3, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Bộ Y tế đã họp trực tuyến để bàn biện pháp ứng phó khẩn cấp với diễn biến dịch bệnh do virus Zika ngày càng căng thẳng, nguy cơ xâm nhập và lây lan rất lớn.
Tại cuộc họp, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khẳng định, tính đến ngày 30-3, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào xét nghiệm dương tính với virus Zika. Cụ thể, từ đầu năm 2016 đến nay, các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Pasteur đã thu thập và xét nghiệm 784 mẫu tìm virus Zika tại 32 tỉnh, thành phố. Kết quả cho thấy tất cả đều âm tính với virus Zika. Cục Y tế dự phòng cũng lên tiếng bác bỏ, phủ nhận thông tin có 4 bệnh nhân là người Khánh Hòa sau khi xét nghiệm đã dương tính với virus Zika. Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, đây là thông tin không chính xác.
TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng khẳng định, các mẫu bệnh phẩm nghi ngờ dương tính với virus Zika do Viện Pasteur Nha Trang gửi ra để xét nghiệm lại, đến nay đều cho kết quả âm tính. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Đắc Tài cho biết thêm, liên quan đến bệnh nhân người Úc nhiễm virus Zika sau khi về nước từ Việt Nam, trong đó bệnh nhân có đến du lịch tại Nha Trang (Khánh Hòa) hiện chưa xác định được nguồn lây là ở đâu vì bệnh nhân này trước khi đến Việt Nam đã quá cảnh qua nhiều nước.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, hiện trên thế giới đã có 61 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lan truyền của virus Zika. Riêng trong tháng 3-2016, ghi nhận thêm 30 nước mới có bệnh nhân Zika, cho thấy dịch bệnh này đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trên phạm vi toàn cầu.
Trong đó, nhiều nước bùng phát dịch lớn, một số nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các nước láng giềng với Việt Nam như Lào, Campuchia, Trung Quốc… cũng đã ghi nhận sự lưu hành của virus này, do đó nguy cơ dịch do virus Zika xâm nhập Việt Nam là hoàn toàn có thể. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị nâng mức giám sát dịch, tập trung giám sát cả những mẫu xét nghiệm sốt xuất huyết âm tính và giám sát những trẻ đầu nhỏ sơ sinh qua hệ thống sản nhi trên cả nước.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, một trong những biện pháp phòng bệnh do virus Zika hiệu quả nhất lúc này là phải diệt muỗi, chống muỗi đốt. Bộ trưởng cũng yêu cầu phải tăng cường lấy mẫu xét nghiệm với những trường hợp nghi ngờ, chỉ định đối tượng, địa bàn lấy mẫu theo hướng tập trung những nơi có nhiều khách du lịch người nước ngoài, nhân viên phục vụ tại các khách sạn lớn, vùng sân bay, bến cảng, bệnh viện, nhất là nơi có người từ vùng dịch về, nơi có khách nước ngoài bị sốt.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu nâng cấp báo động dịch Zika lên cấp báo động 2, tăng cường các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch và sẵn sàng công bố dịch trong điều kiện cần thiết (An ninh thủ đô trang 8, Thanh niên trang 2).
Nội soi cắt kén khí phổi rất to
Ông T.V.H. (51 tuổi, ở huyện Thới Lai, Cần Thơ) đến bệnh viện khám trong tình trạng ho có đàm trắng đục thời gian lâu, khó thở. Ngày 30-3, bác sĩ Lê Quang Võ - giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - cho biết êkip phẫu thuật khoa ngoại lồng ngực, gây mê hồi sức của bệnh viện vừa cắt kén khí phổi rất to qua nội soi, hiện sức khỏe bệnh nhân diễn biến tốt.
Ông T.V.H. (51 tuổi, ở huyện Thới Lai, Cần Thơ) đến bệnh viện khám trong tình trạng ho có đàm trắng đục thời gian lâu, khó thở. Theo gia đình ông H., ông khó thở và nặng ngực (phải) gia tăng nhiều trong vài tháng gần đây, nhất là khi lao động, nên đến khám. Kết quả chụp MSCT ngực thấy ông H. có nhiều kén khí đỉnh phổi phải và kén khí phổi trái, kết quả chức năng hô hấp của ông H. bị tắc nghẽn đường dẫn khí nhỏ.
Các bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi vào khoang màng phổi phải, thấy kén khí ở thùy trên rất to (20x25cm) cùng nhiều kén nhỏ khác đẩy làm xẹp phổi phải của bệnh nhân nên đã cắt kén khí. Theo các bác sĩ, kén khí phổi ở ông H. được hình thành nguyên phát (do trước đó bệnh nhân không có các bệnh lý mãn tính ở phổi). Kén khí lớn dần, chèn ép làm xẹp nhu mô phổi. Nếu không phát hiện phẫu thuật kịp thời có thể dẫn đến việc người bệnh rất khó thở, kén khí có thể vỡ, gây tràn khí màng phổi và tử vong (Tuổi trẻ trang 14).
Bộ Y tế họp khẩn về virut Zika
Chiều 30/3, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp khẩn về tình hình dịch virut Zika. Trong cuộc họp chiều hôm qua (30/3), Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định đến nay, Việt Nam chưa phát hiện trường nào nhiễm virus Zika. Thông tin về việc dịch bệnh này xuất hiện tại nước ta là không đúng sự thật nhưng khả năng Việt Nam có lưu hành virus này là rất cao.
Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, hệ thống giám sát dịch bệnh gồm Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang và thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành xét nghiệm 784 mẫu bệnh phẩm tại 32 tỉnh, thành phố có mật độ muỗi Aedes truyền bệnh cao. Tuy nhiên chưa ghi nhận mẫu bệnh phẩm nào có virus Zika. Hiện cả nước có 11 đơn vị có khả năng xét nghiệm phát hiện virus Zika, bao gồm 6 cơ sở tuyến Trung ương và 5 đơn vị tuyến tỉnh. Tại cuộc họp, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo bất cứ ca nào có biểu hiện mắc bệnh dù trong bệnh viện hay cộng đồng đều lấy mẫu xét nghiệm. Bệnh nhân có biểu hiện sốt xuất huyết nhưng âm tính với sốt xuất huyết đều được làm xét nghiệm Zika”.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của ngành Y tế tăng cường giám sát lấy mẫu xét nghiệm, đáp ứng phòng chống dịch, đặc biệt tại các địa phương nơi có nguy cơ cao gồm các cửa khẩu, cơ sở y tế và cộng đồng. Bộ trưởng Tiến cho biết: “Dịch bệnh do virus Zika đang lây lan nhanh trên thế giới và Việt Nam là nước có nguy cơ cao vì một số nước láng giềng và nhiều nước trong khu vực đã ghi nhận sự lưu hành của dịch bệnh này”.
“Trong khi đó, muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết lưu hành phổ biến tại các địa phương ở nước ta, đây cũng loại muỗi truyền bệnh do virus Zika...” Phát biểu tại cuộc họp, đại diện bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Hiện tại, bệnh viện đã có sự chuẩn bị kỹ về cơ sở vật chất, kỹ thuật và xét nghiệm đã sẵn sàng để “đối phó” với tình hình dịch bệnh virut Zika”.
Trong cuộc họp, còn có sự tham gia của viện Paster TP HCM, Nha Trang - Khánh Hòa và Tây Nguyên. Tính đến ngày 30/3 đã có tới 61 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận có sự xuất hiện của virut Zika. Phần lớn bệnh nhân nhiễm virus Zika không có biểu hiện triệu chứng nên khó phát hiện sớm.
Tại Việt Nam chưa có miễn dịch trong cộng đồng và người dân chưa tự giác, chủ động thực hiện việc ngăn ngừa muỗi đốt, diệt muỗi, bọ gậy nên nếu virus Zika xâm nhập vào nước ta sẽ lây lan trên diện rộng. Để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh virut Zika, Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo đối với người dân: “Tích cực phòng chống muỗi đốt bằng cách làm sạch các dụng cụ chứa nước, diệt lăng quăng, bọ gậy, nên mặc quần áo dài và mắc màn khi ngủ. Đặc biệt đối với phụ nữ có thai, không nên đi đến những vùng có dịch để tránh ảnh hưởng đến thai nhi” (Lao động trang 2).