Thêm 2 người ở Quảng Nam phải nhập viện vì ngộ độc cá ủ chua
Ngày 30/3, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Mai Văn Mười xác nhận vừa có thêm hai người phải nhập viện do ăn cá ủ chua trên địa bàn huyện Phước Sơn. Theo đó, trưa 28/3, trung tâm tiếp nhận bệnh nhân là Hồ Thanh Đ. (13 tuổi, ở xã Phước Chánh) và chị Y N. (40 tuổi, ở xã Phước Xuân, H. Phước Sơn) biểu hiện ngộ độc. Người nhà các bệnh nhân cho biết, bệnh nhân bị nôn mửa, chóng mặt sau khi ăn cá ủ chua nên đã nhanh chóng đưa đến bệnh viện. Sau 2 ngày điều trị, sức khỏe của hai bệnh nhân cơ bản đã ổn định. Cũng theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn, hai bệnh nhân này chưa có biểu hiện liên quan đến ngộ độc Botulinum (Tiền phong, trang 2).
Thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 179/CĐ-TTg về việc thể chế hóa Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4-3-2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.
Theo công điện, để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh nhất là tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Y tế, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập phải tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Chính phủ và nhân dân để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế.
Cụ thể như Thông báo số 192/TB-VPCP ngày 29-6-2022 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh và tình hình nghỉ việc, thôi việc của cán bộ y tế khu vực công lập; Nghị quyết số 85/NQ-CP ngày 9-7-2022 - Nghị quyết Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2022; Điểm 4, Thông báo số 205/TB-VPCP ngày 15-7-2022 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ 15 của Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19 trực tuyến với các địa phương...
Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, làm ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh của người dân.
Trước thực trạng đó, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế; trên cơ sở thống nhất của các thành viên Chính phủ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4-3-2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế (Nghị quyết số 30).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ trưởng Bộ Y tế tập trung chỉ đạo khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa Nghị quyết số 30. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, phát sinh vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Hoàn thành trước ngày 10-4-2023.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc Bộ Y tế triển khai thực hiện nhiệm vụ nêu trên (Hà Nội mới, trang 1).
Dị tật gây nhầm lẫn giới tính
Dương vật vùi lấp, lỗ tiểu thấp khiến trẻ trai bị nhầm là gái. Xét nghiệm xác định chính xác giới tính và phẫu thuật sớm trước 2 tuổi giúp các trường hợp này được trở lại đúng giới tính.
Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) mới đây tiếp nhận bé N.T.D (2 tuổi, ở Hà Nội), từng được khai sinh là giới tính nữ. Khi sinh ra, bé phát triển thể chất bình thường. Tuy nhiên càng lớn, bé càng thể hiện những điều bất thường về tâm lý và nhất là vùng kín không hoàn toàn giống trẻ gái nên đã được gia đình đưa đến khám tại Khoa Phẫu thuật nhi và trẻ sơ sinh - BV Hữu nghị Việt Đức.
Trực tiếp khám cho bé D., PGS-TS Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật nhi và trẻ sơ sinh, cho biết bệnh nhân (BN) D. được phát hiện lỗ tiểu lệch thấp thể tầng sinh môn bìu chẻ đôi khiến dương vật bị vùi giữa 2 bên bìu, do đó bên ngoài trông giống âm vật; kèm theo đó, hai tinh hoàn nằm trong ống bẹn, chưa xuống bìu nên không rõ bộ phận sinh dục bé trai.
"Đây là lý do khiến ngay từ khi sinh ra cháu đã bị nhầm lẫn giới tính", TS Hoa cho biết. Tại BV Hữu nghị Việt Đức, BN đã được làm các xét nghiệm xác định giới tính (xét nghiệm gien nhiễm sắc thể, gien biệt hóa tinh hoàn và các xét nghiệm về nội tiết). Kết quả các xét nghiệm đều xác định D. là trẻ trai.
BN D. được TS Hoa phẫu thuật hạ tinh hoàn 2 bên xuống bìu khi cháu 1 tuổi; phẫu thuật tạo hình niệu đạo đưa lỗ tiểu thấp từ vị trí tầng sinh môn lên đỉnh quy đầu khi cháu 22 tháng tuổi. Sau 10 ngày, cháu được rút ống thông tiểu và có thể đứng tiểu. Sau điều trị xác định lại đúng giới tính, trẻ được gia đình thực hiện các thủ tục để đổi tên và giới tính trên giấy khai sinh.
TS Hoa chia sẻ: "Nhiều trường hợp tương tự BN D. đã được chúng tôi phẫu thuật thành công. Nhiều cháu được gia đình đưa đến khám sớm từ ngay sau sinh. Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời đã giúp bé T.D (nay đã đổi tên thành Q.C) được trả lại đúng giới tính thật.
Phát hiện bất thường khi có vợ
Một trường hợp khác được phát hiện và can thiệp muộn là anh N.T.A (28 tuổi, ở Hà Giang). BN này khi lấy vợ, gặp khó khăn trong sinh hoạt vợ chồng, nên đi khám và điều trị về dị tật vùng kín.
Tại BV Hữu nghị Việt Đức, BN được bác sĩ phát hiện tình trạng lỗ tiểu thấp thể nặng ở tầng sinh môn. Các kết quả xét nghiệm nhiễm sắc thể và nội tiết cho kết quả BN này bị rối loạn phát triển giới tính, thể hiếm gặp, nhiễm sắc thể dạng (45 XO và 46 XY). Các bác sĩ xác định người bệnh nghiêng về giới tính nam.
BN T.A đã được PGS-TS Nguyễn Việt Hoa phẫu thuật hạ tinh hoàn và sửa lỗ tiểu lệch thấp. Các bác sĩ cũng dựng dương vật và tạo niệu đạo (dài 12 cm từ tầng sinh môn lên tới đỉnh quy đầu). 10 ngày sau phẫu thuật, BN đã đi tiểu bình thường như những người đàn ông khác, sau nhiều năm phải tiểu ngồi.
TS Hoa thông tin thêm: Rất nhiều trường hợp lỗ tiểu thấp thể nặng kèm theo tinh hoàn chưa xuống bìu sẽ bị nhầm lẫn là trẻ gái từ khi mới sinh. Chính vì vậy, cha mẹ khi thấy con em có bất thường ở bộ phận sinh dục cần cho con đến khám chuyên khoa nhi, làm các xét nghiệm xác định giới tính, không nên để đến lớn mới chữa, sẽ gây ảnh hưởng về tâm sinh lý.
"Các trường hợp phát hiện và điều trị sớm đều cho kết quả tốt về hình dạng bộ phận sinh dục ngoài và tâm sinh lý của trẻ. Dị tật ẩn tinh hoàn nên phẫu thuật trước 1 tuổi; dị tật lỗ tiểu thấp nên phẫu thuật trước 2 tuổi", TS Hoa cho biết (Thanh niên, trang 15).