Xem xét chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A xuống nhóm B
Ngày 30-5, Bộ Y tế đã thông tin về kế hoạch chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A xuống nhóm B và các kế hoạch ứng phó dịch bệnh này trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đến nay đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc dù đầu tháng 5 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố dịch Covid-19 không còn tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành rà soát quy định pháp luật, tham khảo kinh nghiệm các nước, cũng như rà soát các biện pháp thực tiễn phòng chống dịch của Việt Nam, xây dựng hồ sơ phân loại để chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Dự kiến cuối tuần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 để bàn thảo các vấn đề liên quan nội dung này. Bộ Y tế cũng xây dựng kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững và đề xuất đưa vaccine Covid-19 vào tiêm chủng thường xuyên.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết, dù chúng ta chưa chuyển đổi Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B, nhưng nhiều hoạt động đã thực hiện như nhóm B, đó là việc mở cửa, không ngăn cấm đi lại, du lịch, tổ chức hội họp, tổ chức sự kiện, không yêu cầu xét nghiệm bắt buộc… để tạo thuận lợi cho đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Vì sao liên tiếp xuất hiện ngộ độc botulinum?
Botulinum xuất phát từ món mặn hay món chay, hay mặn và chay đều có? Vì sao gần đây ghi nhận nhiều ca ngộ độc botulinum? Một lọ thuốc giải độc điều trị cho một bệnh nhân có giá tới 8.000 USD, chưa kể đây không phải thuốc sẵn có.
Mỗi năm cả nước ghi nhận khoảng 50 ca
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề cuộc giao lưu trực tuyến về phòng tránh ngộ độc thực phẩm - bệnh đường tiêu hóa do Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần dược Danapha tổ chức ngày 30-5, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cho hay tại Mỹ mỗi năm ghi nhận khoảng 150 ca ngộ độc botulinum, còn Việt Nam ước tính tất cả các loại (botulinum ở trẻ nhũ nhi, ở người có vết thương hở, ngộ độc thực phẩm) thì khoảng 50 ca.
"Chúng ta mới chú ý đến trường hợp nhiễm độc tố botulinum do ngộ độc thực phẩm, tuy nhiên thực tế có tới bốn trường hợp nhiễm độc tố botulinum đều cần phải chú ý: ăn uống trúng phải thực phẩm chứa sẵn độc tố botulinum trong thực phẩm, độc tố vào đường tiêu hóa sẽ được hấp thu vào cơ thể gây ngộ độc; nhiễm botulinum từ chính đường tiêu hóa của mình; nhiễm botulinum từ vết thương, do quá liều thuốc chữa bệnh hoặc qua đường hô hấp" - ông Nguyên cho biết.
Với trường hợp nhiễm botulinum từ thực phẩm, bác sĩ Nguyên cho biết thực phẩm nguy cơ là loại không được rửa sạch, tẩy sạch và không khử bào tử vi khuẩn, đồng thời để trong điều kiện thiếu không khí (bao gói đóng kín, để nhiều ngày và không có điều kiện ngăn vi khuẩn phát triển). Sau khi ăn thực phẩm nhiễm botulinum từ 4 giờ đến 8 ngày, một số trường hợp tới 14 ngày có dấu hiệu ngộ độc.
Với các trường hợp nhiễm độc tố từ chính đường tiêu hóa của mình, nguy cơ cao là trẻ em dưới 12 tháng, người bị cắt dạ dày hoặc bệnh dạ dày, nhưng trẻ dưới 12 tháng là hay gặp nhất, nguyên do vẫn là các cháu ăn uống thêm thực phẩm bị lẫn các bào tử vi khuẩn. Việc chẩn đoán dạng ngộ độc này rất khó khăn, bác sĩ Nguyên cho biết đã ghi nhận một ca nhiễm độc tố botulinum ở trẻ còn ở tuổi bú mẹ. "Sau này sẽ có cơ sở để phát hiện sớm hơn" - ông Nguyên nói.
"Trước những ca ngộ độc hay trẻ dưới 12 tháng tự nhiên khó thở, suy hô hấp, hay người bệnh có vết thương hở mãi không tỉnh... thì chưa chẩn đoán liên quan lý do này. Nay đã có nhiều kinh nghiệm điều trị hơn. Với nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm, nếu tuân thủ ăn chín, uống sôi là phòng ngừa được" - bác sĩ Nguyên chia sẻ.
Túi hút chân không cũng có thể gây ngộ độc thực phẩm
Bác sĩ Võ Văn Tân, trưởng khoa nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM, cho biết vào mùa hè trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiệt độ môi trường tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, nấm mốc... phát triển nhanh chóng. Bên cạnh đó trời nắng sẽ khiến cho thức ăn dễ bị hư hỏng, ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách. Một số loại vi khuẩn thường gặp vào mùa hè gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm như: botulinum, e.coli, salmonella, campylobacter, listeria...
Cụ thể nguy cơ thực phẩm bị ôi thiu hoặc phát sinh vi khuẩn gây bệnh chiếm rất cao ở những loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thịt, cá, hải sản... Ngoài ra ngộ độc còn có thể xảy ra nếu ăn các thức ăn chưa được nấu chín hoặc tái như: nem chua, rau sống, sushi...
"Vi khuẩn Clostridium botulinum tồn tại ở nhiều môi trường khác nhau, đặc biệt là trong đất, cát, nước biển, ruột hải sản. Trong môi trường thiếu khí oxy hoặc hàm lượng khí oxy chúng sẽ phát triển và phát sinh độc tố botulinum. Vì vậy việc bảo quản thực phẩm bằng túi hút chân không vẫn có thể gây ngộ độc", bác sĩ Tân nói.
Bác sĩ Võ Văn Tân cho hay khi bị ngộ độc, bệnh nhân có thể đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu lỏng. Ngoài ra, bệnh nhân có thể sốt, sụp mi, nuốt khó, nhìn đôi, yếu cơ tay, chân, cơ hô hấp tùy vào tác nhân ngộ độc. Những người ăn chung thường sẽ có biểu hiện tương tự. Khi thấy xuất hiện các dấu hiệu trên, nên đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để tránh bị ngộ độc thực phẩm vào mùa hè, bác sĩ Tân khuyến cáo người dân khi lựa chọn thực phẩm cần chú ý đến nguồn gốc xuất xứ. Trong quá trình chế biến thực phẩm cần vệ sinh tay, chân sạch sẽ. Đồng thời nên ngâm thực phẩm trước khi chế biến với nước muối, thuốc tím với khoảng thời gian từ 20-30 phút nhằm loại bỏ thực phẩm có thuốc bảo vệ thực vật, vi khuẩn và ký sinh trùng. Tốt nhất là nên rửa rau dưới vòi nước sau khi ngâm.
Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm trong sản xuất, bảo quản, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh ngộ độc thực phẩm cho cả cộng đồng (Tuổi trẻ, trang 14).
Xét tuyển ngành sức khỏe có môn Ngữ văn: Không phản khoa học nhưng tránh lạm dụng
Trong năm 2023, nhiều trường đại học sử dụng tổ hợp có môn Ngữ văn để xét tuyển vào ngành Y đa khoa. Có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh cách thức tuyển sinh này.
Nhiều trường xét tổ hợp có môn Ngữ văn, Lịch sử
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong năm 2023 cả nước có 27 trường đại học (ĐH) đào tạo khối chuyên ngành sức khỏe, trong đó có 4 trường dùng tổ hợp có môn Ngữ văn để xét tuyển. Cụ thể: Trường ĐH Văn Lang (TPHCM) xét tuyển ngành Y đa khoa bằng 3 tổ hợp truyền thống A00, B00, D08 và 1 tổ hợp mới D12 (Ngữ văn, Hóa học và Anh ngữ); Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) và Trường ĐH Tân Tạo (Long An) sử dụng tổ hợp B03 (Toán học, Ngữ văn, Sinh học) trong phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển ngành Y đa khoa (từ năm 2020, Trường ĐH Võ Trường Toản đã xét tuyển ngành Y đa khoa bằng tổ hợp Toán - Sinh - Văn; ngành Dược học xét tuyển tổ hợp Toán - Hóa - Văn); Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) xét tuyển ngành Y đa khoa bằng 4 tổ hợp: A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn), B00, D90 và D08.
Tương tự, Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai có các ngành kỹ thuật và các ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật y học xét nghiệm cũng đưa tổ hợp các môn Địa lý, Giáo dục công dân để xét tuyển… Hay tại Trường ĐH Công nghệ Miền Đông, ngành Dược học và Điều dưỡng xét tuyển tổ hợp C08 (Văn, Hóa, Sinh); Trường ĐH Thành Đông (Hải Dương) xét tuyển ngành Dược học, Điều dưỡng với tổ hợp Toán, Hóa, Lịch sử. Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) sử dụng môn Ngữ văn làm tiêu chí phụ để xét tuyển sinh viên cho ngành Y đa khoa trong trường hợp thí sinh bằng điểm.
Quan trọng là chất lượng đào tạo
TS Nguyễn Hùng Vĩ, Trưởng khoa Y, Trường ĐH Văn Lang, nêu ý kiến: “Tôi có hơn 40 năm học tập, nghiên cứu về y khoa, hệ thống chăm sóc sức khỏe. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng, cả trong và ngoài nước, ngày càng cao.
Việc chọn tổ hợp có môn Ngữ văn để tuyển chọn người có năng lực phù hợp là vấn đề phải đổi mới. Yêu cầu đầu tiên để xét tuyển theo quy định là phải đạt học lực giỏi năm lớp 12, sau đó mới xét tuyển tiếp. Việc trường mở rộng thêm môn Văn và Ngoại ngữ trong tổ hợp xét tuyển nhằm đáp ứng yêu cầu mới của xã hội với người học ngành y.
Thực tế xã hội ngày nay đòi hỏi bác sĩ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn cần có thái độ tốt, khả năng lắng nghe, tâm lý, biết chia sẻ với người bệnh và cộng đồng. Những tố chất của người học giỏi môn Văn rất cần thiết cho công việc này”.
Trong khi đó, PGS-TS Lý Văn Xuân, giảng viên đào tạo sau đại học (ngành Y đa khoa), Trường ĐH Y Dược TPHCM, phân tích: “Đầu vào chỉ là yêu cầu bước đầu, còn quá trình đào tạo, chất lượng đào tạo của các cơ sở mới là điều quan trọng. Tôi cho rằng môn Văn kết hợp với Toán, Hóa, Sinh để xét tuyển ngành Y đa khoa, Dược học, Răng hàm mặt... cũng không có gì phản khoa học, nhưng cần tránh lạm dụng. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay của đào tạo ngành Y đa khoa là chất lượng giảng viên, chương trình đào tạo, điều kiện thực hành, thực tập. Một bác sĩ học 6 năm ra trường, chưa làm được gì mà phải thêm 18 tháng để lấy chứng chỉ hành nghề, rồi học các chuyên khoa thì mới có thể làm việc độc lập được.
Trong khi đó, ở các nước như Mỹ, Nhật, Australia, họ tuyển ngành y sau khi tốt nghiệp đại học, và để lấy bằng bác sĩ phải mất ít nhất từ 11-14 năm. Nói như vậy để thấy rằng, đầu vào của ngành y chỉ là một phần, còn yếu tố quyết định phải là chất lượng của quá trình đào tạo, ý thức người học”.
Một chuyên gia tuyển sinh cho biết, tuyển sinh ĐH ở Việt Nam từ rất lâu chia năng lực học sinh thành 4 khối chính A, B, C, D để tuyển chọn người học là cách tuyển sinh khô cứng. Hậu quả là không ít cá nhân có năng lực và phẩm chất phù hợp bị mất cơ hội học tập, làm việc trong ngành y. Cách tuyển sinh y khoa của Mỹ hiện nay là học sinh học hết phổ thông sẽ trải qua kỳ thi SAT (Scholastic Aptitude Test - kỳ thi kiểm tra năng lực của học sinh để xét tuyển vào một số trường ĐH ở Mỹ) hoặc ACT (American College Testing - kỳ thi đầu vào của học sinh để xét tuyển vào các trường ĐH, cao đẳng ở Mỹ), trong đó có môn đọc và viết, gần giống như ở Việt Nam gọi chung là môn Ngữ văn. Sau khi tốt nghiệp cử nhân và nếu qua lớp dự bị y khoa thì có thể học y. Các khóa dự bị y khoa có cả sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ, Tâm lý học, Xã hội học...
Vấn đề không hẳn là môn học nào, mà là tuyển sinh ra sao và sau đó đào tạo như thế nào để cung cấp cho xã hội những bác sĩ vững vàng về chuyên môn và đáng tin cậy về y đức. Để minh chứng nhà trường đào tạo có chất lượng hay không, Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT và cả các trường đào tạo ngành y nên nghiên cứu để có một kỳ thi sát hạch, nếu trường nào mà 100 cử nhân y khoa nhưng chỉ có vài em qua được kỳ thi này thì rõ ràng chất lượng có vấn đề (Sài Gòn giải phóng, trang 4).
Vụ khám xét phòng khám ở TP.Biên Hòa: Hàng chục ngàn người ‘mua’ giấy xác nhận bệnh để trục lợi bảo hiểm xã hội
Các phòng khám đã tiếp tay, 'bán' giấy xác nhận bệnh cho hàng chục nghìn người để trục lợi bảo hiểm xã hội. Ngoài ra còn lập hồ sơ bệnh giả để trục lợi bảo hiểm y tế.
Liên quan vụ Công an TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đồng loạt khám xét nhiều phòng khám chữa bệnh trên địa bàn, tối 30.5, trả lời PV Thanh Niên, lãnh đạo Công an TP.Biên Hòa cho biết, việc khám xét nhằm điều tra, làm rõ các sai phạm liên đến hoạt động khám chữa bệnh. Cụ thể là hành vi làm giả các loại giấy tờ để giúp sức trục lợi tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các phòng khám.
Theo đó, khi công nhân muốn có giấy xác nhận bệnh gửi công ty để được bảo hiểm xã hội chi trả 75% lương, thì đến các phòng khám này mua. "Bước đầu xác định có hàng chục ngàn lượt người đã mua giấy khám chữa bệnh, trục lợi bảo hiểm xã hội", lãnh đạo Công an TP.Biên Hòa nói.
Ngoài việc bán giấy xác nhận bệnh, các phòng khám thì còn lập hồ sơ bệnh nhân giả để trục lợi bảo hiểm y tế.
Như Thanh Niên đã đưa tin, sáng cùng ngày, Công an TP.Biên Hòa phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh đồng loạt khám xét 8 phòng khám trên địa bàn P. Long Bình Tân, Tân Hiệp, Bửu Long, Long Bình và Trảng Dài.
Qua khám xét, đã thu giữ nhiều máy móc, tài liệu, giấy tờ liên quan để phục vụ công tác điều tra. Hiện vụ việc đang được Công an TP.Biên Hòa điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các phòng khám (Thanh niên, trang 5).