Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 31/7/2016

  • |
T5g.org.vn - Tài xế taxi bỏ rơi sản phụ; Ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể ở doanh nghiệp: Trách nhiệm thuộc về ai?; Động viên thầy thuốc vì sức khỏe ngư dân...

Ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể ở doanh nghiệp: Trách nhiệm thuộc về ai?

Cam kết không để... cất vào tủ

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho công nhân có thể nâng cao năng suất lao động lên đến 20%. Điều này cho thấy, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại các bếp ăn tập thể không chỉ vì sức khỏe người lao động mà còn bảo đảm lợi ích, năng suất cho doanh nghiệp. Do đó, việc tổ chức, quản lý bữa ăn tập thể bảo đảm ATTP tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) rất quan trọng và cần thiết.

Theo Luật ATTP, công tác bảo đảm ATTP đối với bếp ăn tập thể tại các KCN, KCX thực hiện theo 5 nguyên tắc, trong đó quy định rõ trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm; sự phân cấp quản lý rõ ràng và phối hợp liên ngành với cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho rằng, hiện nay, hành lang pháp lý quản lý về VSATTP tại bếp ăn tập thể tương đối đầy đủ, vấn đề là việc triển khai sao cho hiệu quả. Một bất cập hiện nay là nhiều địa phương có quy định, nếu kiểm tra, thanh tra đối với các doanh nghiệp nằm trong KCN, KCX phải thông báo trước từ 7 đến 10 ngày cho Ban quản lý và phải được sự chấp thuận của chủ doanh nghiệp. Như vậy, việc thanh tra, kiểm tra đột xuất tại bếp ăn tập thể sẽ mất tác dụng. Đó cũng chính là một phần lý do cơ quan chức năng chỉ phát hiện vi phạm của doanh nghiệp cung cấp bữa ăn khi đã xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho rằng, về mặt thủ tục pháp lý, các bếp ăn tập thể và cơ sở chế biến suất ăn sẵn phải ký giấy cam kết bảo đảm VSATTP, có giấy chứng nhận đủ điều kiện đăng ký kinh doanh. Thế nhưng, trên thực tế, các cơ sở ký cam kết xong mang giấy về... cất vào tủ. Khi thanh tra, nhiều cơ sở loay hoay tìm không ra giấy cam kết. Như vậy thì làm sao nắm chắc nội dung để thực hiện cho đúng. Thậm chí, cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cũng xem như đã hoàn thành xong nhiệm vụ và không chủ động cập nhật thêm kiến thức qua những lớp tập huấn về ATTP nữa…

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho rằng, những năm gần đây, các KCN phát triển mạnh, mỗi KCN có hàng trăm bếp ăn tập thể. Mỗi bếp ăn tập thể lại có rất đông công nhân tham gia nên năm nào cũng xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, tập trung nhiều nhất vào mùa hè. Theo báo cáo từ các địa phương, tỷ lệ ngộ độc thực phẩm tại một số tỉnh phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Tiền Giang cao hơn các nơi khác vì đó là những địa phương tập trung nhiều KCN. Gần như 100% các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận đầu năm 2016 đều xuất phát từ các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn. Nguyên nhân do thời gian vận chuyển thức ăn từ nơi nấu đến nơi sử dụng xa, phương tiện vận chuyển không bảo đảm. Đặc biệt, quy trình sơ chế thực phẩm không hợp vệ sinh cũng là lý do chính khiến thực phẩm nhiễm khuẩn, gây ngộ độc thực phẩm tại các KCX - KCN.

Truy cứu trách nhiệm đến cùng

Để giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, theo ông Nguyễn Hùng Long, các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác thanh tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, các cơ sở nuôi trồng nông sản để ngăn chặn tình trạng sử dụng các chất cấm trong trồng trọt và chăn nuôi. Đồng thời kiên quyết xử phạt những cơ sở vi phạm, không bảo đảm ATTP, đặc biệt cần gắn trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến ATTP. “Ngoài ra, tổ chức Công đoàn ở các doanh nghiệp cần đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động, giám sát bữa ăn sao cho bảo đảm chất lượng, vệ sinh. Vai trò giám sát tại chỗ của tổ chức Công đoàn rất quan trọng vì các cơ quan quản lý không thể giám sát liên tục được” - ông Nguyễn Hùng Long nhấn mạnh.

Bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Thông tin truyền thông Chi cục ATVSTP Hà Nội cho rằng, nơi nào để xảy ra ngộ độc tập thể phải truy cứu trách nhiệm đến cùng. Trong mục 5 Điều 53, Luật ATTP quy định, những tổ chức, cá nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm thì phải đền bù chi phí cho người bị hại. Nếu ngộ độc xảy ra tại các bữa cỗ tập trung đông người thì trách nhiệm thuộc về nơi tổ chức bữa cỗ và nơi cung cấp thực phẩm. Nếu ngộ độc xảy ra tại các bếp ăn tập thể, xí nghiệp thì trách nhiệm thuộc về cơ quan, xí nghiệp tổ chức bếp ăn đó. Nếu là bếp ăn của nhà thầu thì trách nhiệm thuộc về nhà thầu đó.

Ngoài việc siết chặt quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên của các ngành chức năng thì ý thức, đạo đức của người kinh doanh, chế biến thực phẩm và chính công nhân lao động cũng là những yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, nên có quy định về định lượng tối thiểu giá trị của một suất ăn theo từng thời điểm và phải được công nhân của công ty giám sát. Khi ký hợp đồng lao động, công nhân phải chú ý tới các điều khoản, đặc biệt phần kinh phí cho ăn uống, tránh tình trạng giá trị suất ăn được hỗ trợ quá thấp.

Hơn nữa, đã đến lúc các doanh nghiệp phải nhận thức rõ, nếu công nhân có sức khỏe tốt, tái tạo được sức lao động sẽ góp phần nâng cao năng suất công việc, tăng lợi nhuận của doanh nghiệp. Còn nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm thì doanh nghiệp không những phải nộp phạt, nộp chi phí điều tra, viện phí cho công nhân... mà còn phải chịu ảnh hưởng nặng nề về uy tín. (* Hà Nội mới (trang 5))

Động viên thầy thuốc vì sức khỏe ngư dân

Ngày 30.7, anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn đã đến thăm, tặng quà gia đình Mẹ VNAH Lê Thị Thiệp và gia đình thương binh Đoàn Thị Nhàn (ở KP.1, P.Đông Lễ, TP.Đông Hà, Quảng Trị).

Tại đây, anh Dũng ân cần hỏi thăm, động viên các gia đình chính sách, thể hiện tình cảm, đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với những người có công với đất nước. Anh mong muốn các gia đình chính sách tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nêu gương sáng để con cháu học tập.

Chiều cùng ngày, anh Nguyễn Mạnh Dũng đã đến kiểm tra các hoạt động tình nguyện hè tỉnh Quảng Trị năm 2016, thăm hỏi Hội Thầy thuốc trẻ Quảng Trị đang tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho ngư dân vùng biển bãi ngang Quảng Trị bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường vì Formosa.

Dịp này, anh Nguyễn Mạnh Dũng dẫn đầu đoàn đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, Thành cổ Quảng Trị. (* Thanh niên (trang 6)

33 người bị ngộ độc do ăn cá hồng đông lạnh

Cơ quan chuyên môn tỉnh Quảng Ngãi xác định 33 ca ngộ độc thực phẩm xảy ra trong tuần qua là do sử dụng đầu và bao tử cá hồng đông lạnh chế biến các món ăn.

Thông tin trên được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ngãi cho biết vào sáng 30.7.

Theo cơ quan này, từ ngày 24- 29.7, trên địa bàn Quảng Ngãi xảy ra 33 ca ngộ độc thực phẩm, trong đó tập trung nhiều nhất ở 2 xã miền núi của huyện Bình Sơn, một số xã ở huyện Tư Nghĩa và TP.Quảng Ngãi.

Các trường hợp bị ngộ độc nhập viện đều có triệu chứng buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, tê tay, chân, tê môi, cơ thể nhức mỏi...

Sau khi vào cuộc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Ngãi xác định nguyên nhân gây ra độc thực phẩm là do sử dụng đầu cá hồng đông lạnh hoặc bao tử cá hồng đông lạnh để nấu canh, kho mặn... Hiện chi cục đang phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục điều tra, truy xuất nguồn gốc cá hồng mà những người bị ngộ độc đã mua về sử dụng.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Ngãi, người tiêu dùng nên thận trọng trong việc mua và sử dụng cá hồng, nhất là bao tử, đầu cá hồng đông lạnh. Trên cơ thể cá hồng có nhiều loại vi khuẩn cư trú, nhất là lớp nhớt ngoài da, trong mang và ruột. Khi cá hồng chết, vi sinh vật phát triển mạnh làm cá hỏng nhanh chóng. Những chất đạm của cá chuyển hoá thành chất histamin. Trong khi đó, chất histamin chịu được nhiệt, không bị nhiệt độ phá hủy nên dù thực phẩm đã được nấu chín thì chất độc vẫn tồn tại và người ăn vẫn bị ngộ độc.

Vào cuối tháng 8.2010, tại huyện Tư Nghĩa, cả 5 người trong gia đình đều bị ngộ độc sau khi sử dụng cá hồng để nấu canh chua và chiên giòn cho bữa cơm tối. (* Thanh niên (trang 4))

Hành trình kết nối dòng máu Việt

Từ ngày 5 đến 28/7, Hành trình Đỏ (hành trình vận động hiến máu xuyên Việt mùa thứ 4) đi qua 26 tỉnh, thành phố, tổ chức hàng loạt ngày hội hiến máu lớn, tiếp nhận được 20.799 đơn vị máu.

Nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức thành công chương trình với số lượng máu tiếp nhận được trên 1.000 đơn vị như: Thanh Hoá, Hải Phòng, Thái Nguyên, Khánh Hoà, Đắk Lắk, Nghệ An… Lượng máu tiếp nhận được tại mỗi địa phương không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp cứu, điều trị tại chính địa phương đó mà còn giúp điều tiết lượng máu trên toàn quốc, góp phần giải quyết tình trạng thiếu máu trong dịp hè. Trong số hơn 20.000 đơn vị máu tiếp nhận được, có khoảng 10.000 đơn vị máu được điều tiết về Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để đảm bảo nhu cầu máu cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

TS Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, đánh giá: “Có thể khẳng định rằng, Hành trình Đỏ là một trong các chiến dịch hiệu quả nhất, thành công nhất trong phong trào hiến máu tình nguyện. Với Hành trình Đỏ, chúng ta đã tăng tốc được 5 - 10 năm so với chặng đường vận động hiến máu tình nguyện mà chúng ta đã đặt ra”.

Hành trình Đỏ 2016 đã thực sự kết nối được trái tim và dòng máu của hàng chục ngàn người dân trên mọi miền Tổ quốc. Từ người dân tộc Nùng tỉnh Lạng Sơn, người Tày tỉnh Cao Bằng, người Mường ở Hòa Bình đến người Ê đê, Bana, Xơ đăng… ở Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum hay người Khơ Me ở An Giang; từ tăng ni, Phật tử tại Thanh Hóa đến người công giáo tại Bà Rịa - Vũng Tàu; từ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đến công nhân, nông dân… Tất cả đều hăng hái, vui vẻ đi hiến máu.

Tại nhiều địa phương, hàng ngàn người dân không quản ngại khó khăn, đến xếp hàng để tham gia hiến máu. Những ngày trời mưa bão tại Thanh Hoá, Quảng Ninh, nắng nóng cao điểm tại Thái Nguyên, Khánh Hoà..., đông đảo người dân vẫn tích cực đi hiến máu. Ngoài ra, có những người vượt hàng trăm cây số đến hiến máu như ở Sơn La, có những thương binh dù đã mất một phần máu xương ở chiến trường vẫn hiến máu trong thời bình như ở Nghệ An…

Hành trình Đỏ 2016 quy tụ 130 tình nguyện viên xuyên Việt được tuyển chọn trên toàn quốc, không chỉ có kỹ năng làm việc mà còn tràn đầy tinh thần nhiệt huyết, đam mê, sáng tạo, cống hiến cho xã hội. Gần 1 tháng qua, họ truyền lửa cho cộng đồng trong công tác vận động hiến máu, mang đến cho người bệnh niềm tin yêu và hy vọng vào cuộc sống. Tại mỗi địa phương mà Hành trình Đỏ đi qua đều tổ chức được một lực lượng tình nguyện viên đông đảo (khoảng 150-200 tình nguyện viên/tỉnh, thành phố). Đây cũng là lực lượng nòng cốt sẽ tiếp tục duy trì và phát triển bền vững phong trào hiến máu tại địa phương. (* Tiền phong (trang 3))

Vượt đêm hiến máu

Ngay sau khi nhận được điện thoại của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An, anh Trần Xuân Tấn không ngần ngại vượt gần 500km từ Quảng Trị ra Nghệ An trong đêm để hiến máu cho sản phụ có nhóm máu hiếm. Tương tự ông Ngô Quang Mành (Quảng Trị) từng hiến máu đêm Giáng sinh.

Những lần hiến máu khẩn cấp cho người bệnh đã không còn xa lạ với anh Trần Xuân Tấn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhóm máu hiếm miền Trung, nhưng lần hiến máu cho sản phụ tại Nghệ An có lẽ là kỷ niệm đặc biệt đối với anh.

Anh Tấn kể: “Lúc đó là nửa đêm, tôi nhận được điện thoại của Bệnh viện tỉnh Nghệ An, đang cần gấp 3 đơn vị máu hiếm cho sản phụ. Tôi lập tức gọi thêm 2 người trong Câu lạc bộ nhóm máu hiếm và trực tiếp lái xe ra Nghệ An để hiến máu. Với những người có nhóm máu hiếm như chúng tôi, không phải lúc nào cũng được gọi đi hiến máu, nhưng khi đã có bệnh viện gọi thì đi giữa đêm là chuyện bình thường”.

Về lý do sẵn sàng hiến máu bất cứ lúc nào, anh Tấn nói: “Tôi biết rằng, những người có nhóm máu hiếm như tôi thực sự rất ít. Chính vì vậy lại càng phải nỗ lực và sẻ chia giọt máu của mình để cứu người trong lúc khó khăn”. Mặt khác, Câu lạc bộ nhóm máu hiếm miền Trung do anh Tấn phụ trách kéo dài từ Nghệ An đến Ninh Thuận, nên việc di chuyển đến các tỉnh trong khu vực để hiến máu được các thành viên câu lạc bộ coi là chuyện bình thường. “Lần hiến máu đó không chỉ góp phần cứu sống được người mẹ mà còn tiếp sức cho một sinh linh mới chào đời. Tôi nhớ mãi lần hiến máu này”, anh Tấn chia sẻ.

Có mặt tại chương trình Hành trình Đỏ tại Quảng Trị, anh Tấn không chỉ hiến máu mà còn vận động thêm người thân, bạn bè trong Câu lạc bộ nhóm máu hiếm đến hiến máu. Sự nhiệt tình, tâm huyết, tích cực của anh là động lực cho các thành viên câu lạc bộ thực hiện phương châm: cứu người bất cứ nơi đâu, bất kể lúc nào.

Ông Ngô Quang Mành (sinh năm 1958), một người con của đất lửa Quảng Trị, đã hiến máu hơn 30 lần. Ông cũng có một kỷ niệm hiến máu trong đêm. Ông kể: “Trong đêm Giáng sinh năm 2014, trời mưa lớn, bệnh viện tỉnh cần gấp 3 đơn vị nhóm máu O để truyền cho người bệnh. Tôi bất chấp mưa lớn, đến bệnh viện vào lúc 2h sáng”.

Nhưng dù được các y bác sỹ cứu chữa tận tình, được truyền máu, nhưng bệnh nhân vẫn không qua khỏi cơn nguy kịch. “Tôi thật sự rất xót xa và thầm nghĩ, mình phải tiếp tục hiến máu để không có thêm người bệnh phải xa rời sự sống”, ông tâm sự. Lần hiến máu tại ngày hội “Giọt hồng đất lửa” là lần hiến máu thứ 32 của ông. (* Tiền phong (trang 3) )

Tài xế taxi bỏ rơi sản phụ

Chiều 30-7, một sản phụ tên L.C.M.  đã sinh em bé trong hoàn cảnh “chẳng đặng đừng”. Khi chỉ còn vài trăm mét thì tới bệnh viện nhưng sản phụ bị vỡ ối, tài xế taxi lập tức tạt xe vào lề đường bỏ sản phụ xuống ngay cổng Báo Sài Gòn Giải Phóng (399 Hồng Bàng, quận 5), kiên quyết không chở nữa.

Một bảo vệ Báo SGGP kể: “Khoảng 16 giờ 8 phút, một chiếc xe taxi Vinasun đậu ngay trước cổng cơ quan. Anh tài xế đưa chị sản phụ vào cổng rồi quay xe bỏ đi mất”. Sự việc xảy ra quá đột ngột, may mắn lúc đó có 2 nhân viên Ngân hàng Vietcombank chạy tới đỡ đẻ cho bà mẹ trẻ. Em bé cất tiếng khóc khoảng 16 giờ 13 phút và được mọi người đưa đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

Tại Bệnh viện  Đại học Y Dược, các bác sĩ cho biết bệnh viện có tiếp nhận trường hợp trên khoảng 16 giờ 45 trong trường hợp sản phụ đang kiệt sức và đứa trẻ sinh ra bình thường, nặng 2,8kg. Sản phụ đang dần ổn định về tâm lý.

° Chiều cùng ngày, Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ cho biết, vừa phẫu thuật thành công, cứu sống 3 bé tam thai khi người mẹ bị tiền sản giật nặng.

Theo đó, sản phụ N.K.M. 27 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang nhập viện trong tình trạng mang thai 33,5 tuần, với huyết áp cao đến 190/120mm thủy ngân, sản phụ mờ mắt không nhìn rõ… Qua hội chẩn khẩn cấp, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp tam thai, thụ thai tự nhiên trên người mẹ bị tiền sản giật nặng. Chị M. được các bác sĩ chuyên khoa nhanh chóng tiến hành phẫu thuật. Ê kíp bác sĩ đã cố gắng ổn định huyết áp và thực hiện thành công ca mổ. Ba bé gồm: 2 bé trai cân nặng lần lượt là 2kg và 1,5kg, cùng 1 bé gái nặng 1,8kg ra đời. Sau đó, cả 3 bé đã cai được máy thở, hiện đang chiếu đèn vàng da… tình hình các bé đã tạm ổn, ăn được sữa, riêng bé gái đã có phản xạ bú. Sản phụ M. cũng đã ổn định huyết áp và được bệnh viện tích cực chăm sóc.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, đây là một trường hợp tam thai, thụ thai tự nhiên hiếm gặp, với tỷ lệ lên đến 1/8.000. Ngoài ra, người mẹ còn bị tiền sản giật nặng, bé to, dẫn đến nhiều nguy cơ trong thai kỳ. Tuy nhiên, các bác sĩ đã phẫu thuật thành công “mẹ tròn con vuông”, đem lại niềm vui cho gia đình sản phụ… (* Tiền phong (trang 3) )

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang