Cứu 10 người ngộ độc do ăn nấm
Trưa ngày 29-7, 10 người dân ở bản Cắm, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong (Nghệ An) vào rừng hái nấm ăn. Sau đó cả 10 người biọ ngộ độc với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, chóng mặt. Các nạn nhân đã đưa đi cấp cứu tại Trạm y tế xã Cắm Muộn, sau đó chuyển lên Bệnh viện đa khoa huyện Quế Phong. Tại đây, các y, bác sĩ đã cấp cứu, thực hiện các biện pháp giải độc. Đến chiều 30-7, các nạn nhân đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe đang bình phục dần và chuẩn bị làm thủ tục xuất viện (Nhân dân, trang 5; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật khe hở vòm miệng cho tuyến dưới
Bệnh viện Nhi Trung ương vừa thực hiện chuyển giao kỹ thuật và điều trị khe hở vòm miệng cho các bác sĩ khoa ngoại và chuyên khoa, Bệnh viện Snả Nhi tỉnh Quảng Ninh. Việc chuyển giao và tiếp nhận thành công kỹ thuật phẫu thuật bẩm sinh không chỉ giúp đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện tuyến dưới từng bước làm chủ được các kỹ thuật khó, mà còn tạo điều kiện cho bệnh nhi được sử dụng các dịch vụ y tế chuyên sâu, được thăm khám, phấu thuật sớm… ngay tại cơ sở y tế gần nhà.
Trong lần chuyển giao kỹ thuật này, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi T.Ư và Bệnh viện Snả Nhi tỉnh Quảng Ninh phối hợp phẫu thuật khe hở môi, khe hở vòm miệng cho 6 bệnh nhi (Nhân dân, trang 5)
Phóng chống dịch sốt xuất huyết gia tăng: đẩy mạnh truyền thông, điều trị kịp thời
Trước diễn biến gia tăng của dịch sốt xuất huyết, cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã bất ngờ thị sát, kiểm tra trực tiếp tại các ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) trọng điểm trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội) và tại Quận 12 (TP.HCM)… Liên quan đến dịch bẹnh SXH, trước đó Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu tăng cường phòng chống dịch bệnh SXH… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Thanh Hóa bội chi 683 tỷ đồng quỹ khám chữa bệnh BHYT
Cân đối quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) trong 6 tháng năm 2017, Thanh Hóa bội chi 683 tỷ đồng. Qua kiểm tra, ngành chức năng cũng phát hiện nhiều cơ sở y tế kéo dài thời gian điều trị nội trú một cách bất thường
Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa thì nguyên nhân là do chi phí khám chữa bệnh 6 tháng đầu năm 2017 tăng so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều cơ sở KCB BHYT lựa chọn thuốc giá cao, vật tư y tế giá cao trong điều trị. Một số cơ sở KCB BHYT khi thực hiện Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC có tình trạng chia tách dịch vụ kỹ thuật hoặc thanh toán không đúng dịch vụ kỹ thuật.
Còn phổ biến tình trạng áp giá dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế, giá ngày giường sai. Tăng đột biến số người vào điều trị nội trú trong khi cơ cấu bệnh tật không có biến động, không có thông báo dịch bệnh trên địa bàn (bình quân chung bệnh nhân khám bệnh có chỉ định vào điều trị nội trú toàn quốc 16%, tỉnh Thanh Hóa 23%).
Qua kiểm tra, ngành chức năng cũng phát hiện nhiều cơ sở y tế kéo dài thời gian điều trị nội trú một cách bất bình thường (tại Bệnh viện Mắt Thanh Hóa, mổ phaco nằm nội trú bình quân 7,1 ngày, bình quân toàn quốc 1,7 ngày; Bệnh viện Y học cổ truyền bình quân nội trú 24,9 ngày, bình quân toàn quốc 16 ngày)... (Tiền phong, trang 4).
Làm hơn 30 xét nghiệm để chẩn đoán... viêm phế quản cấp
Ông Dương Tuấn Đức – Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế (BHYT) và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (Bảo hiểm xã hội Việt Nam - BHXH VN) chia sẻ, hệ thống giám định điện tử vừa phát hiện 1 bệnh nhân chẩn đoán viêm phế quản cấp, bệnh dây thần kinh liên sườn nhưng các bác sĩ chỉ định rất nhiều chiếu chụp không cần thiết như chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, siêu âm Doppler tim, Doople xuyên sọ, Doppler động mạch cảnh. Ngoài ra, bệnh nhân này còn được chỉ định làm 27 xét nghiệm khảo sát chức năng tuyến giáp, tim, gan, thận, mật, tiết niệu, điện giải, sàng lọc ung thư tuyến giáp, chẩn đoán cường giáp, nhồi máu cơ tim. Chi phí cận lâm sàng của ca bệnh này lên đến hơn 3 triệu đồng trên tổng chi phí khám và điều trị là hơn 4,6 triệu đồng. “Tôi nghĩ, bệnh nhân này đi khám sức khoẻ toàn thân hơn là đi khám bệnh. Vì nếu viêm phế quản, đau dây thần kinh đều có các triệu chứng lâm sàng mà bác sĩ khi khám đều có thể định hướng được” – ông Đức nói.
Một bệnh nhân khác được chẩn đoán viêm dạ dày và tá tràng, viêm phế quản cấp nhưng cũng chi phí cho cận lâm sàng là hơn 6,1 triệu đồng.
“Nếu bệnh nhân nào đi khám các bệnh lý đơn giản và khá phổ biến này đều dùng tới 5-6 triệu đồng quỹ BHYT thì chẳng mấy mà quỹ BHYT âm” – ông Đức nói.
Theo ông Đức, chỉ định quá “rộng tay”, chỉ định trùng lặp, chỉ định đồng loạt cận lâm sàng và đặc biệt là chỉ định quá mức cần thiết vẫn diễn ra tại nhiều cơ sở y tế. Đó là một trong những lý do khiến chi xét nghiệm cận lâm sàng 6 tháng đầu năm 2017 là 4.680 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2016. Còn chi chẩn đoán hình ảnh toàn quốc là 3.441 tỷ đồng, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, theo ông Đức, thống kê cho thấy nhiều con số “lạ”. Cơ cấu chi quỹ BHYT thay đổi, tỷ trọng chi thuốc giảm từ 43,69% xuống 36,02% nhưng chi tiền khám và tiền giường từ 2,2% tăng lên 21,2% (từ 740,7 tỷ tăng lên 9.214 tỷ đồng). “Giá tiền giường tăng cao là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng chỉ định vào điều trị nội trú hoặc kéo dài ngày nằm viện quá mức cần thiết” – ông Đức nói.
Qua kiểm tra, nhiều trạm y tế tuyến xã, BV tuyến huyện chỉ định nằm viện từ 3 - 5 ngày với các bệnh lý như viêm họng cấp, viêm amidan cấp, mụn, mẩn ngứa, viêm chân răng, vết thương nông phần mềm… Ngày điều trị bình quân tại các BV chuyên khoa lao toàn quốc là 17,2 ngày nhưng tại Tuyên Quang, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Hà Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn gấp 1,5 - 2 lần. Ngày điều trị bình quân ở bệnh nhân lao phổi tại BV Phạm Ngọc Thạch (Quảng Nam), BV Lao và Bệnh phổi Sơn La, BV Lao và Bệnh phổi Tuyên Quang gấp 6 lần BV Phổi T.Ư.
Báo động tình trạng vượt quỹ
Trong 6 tháng đầu năm 2017, hệ thống thông tin giám định BHYT đã tiếp nhận 75,9 triệu hồ sơ điện tử với số tiền đề nghị thanh toán trên 39.304 tỷ đồng, tăng 10.000 tỷ đồng (tăng 30%) so với cùng kỳ 2016. Lượt khám chữa bệnh cũng tăng 9,5 triệu, tăng 14,3% so với cùng kỳ 2016.
Hiện đã có 56/63 tỉnh, thành chi vượt quỹ khám chữa bệnh được sử dụng 6 tháng đầu năm với số tiền trên 8.480 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, tổng dự toán chi khám chữa bệnh năm 2017 chỉ có 71.000 tỷ đồng, vậy mà 6 tháng chúng ta đã chi hết 39.000 tỷ (chiếm 42% tổng chi phí cả năm). Điều này rất đáng báo động. Nếu chúng ta cứ chi thế này thì cả năm 2017 dự tính sẽ chi khoảng 85.000 tỷ đồng. “Dự toán chi hết thì chúng tôi sẽ phải báo cáo Chính phủ để lấy quỹ dự phòng bù vào. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng bệnh nhân đến viện không có thuốc, không được cung cấp dịch vụ y tế” – ông Sơn chia sẻ.
Theo ông Sơn, BHXHVN sẽ lên “danh sách đỏ” những tỉnh chi vượt quỹ 55-60% số tiền cho phép, lập “danh sách da cam” cho các tỉnh ngấp nghé vượt và yêu cầu các tỉnh phải chấn chỉnh. “Chúng tôi yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, Sở Y tế, UBND, Tỉnh uỷ đều phải có trách nhiệm đốc thúc việc kiểm soát Quỹ BHYT” – ông Sơn phân tích. (Nông thôn ngày nay, trang 5; An ninh Thủ đô, trang 3).