Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 31/8/2015

  • |
T5g.org.vn - Đình chỉ lưu hành thuốc nhỏ mắt không đạt chất lượng; Tỷ lệ cận thị ở học sinh THCS đã tăng gấp 10 lần; Thu hồi thuốc viên nén Doxferxime 200 DT và thuốc nhỏ mắt Dexacol 5ml; Đã ghi nhận 3 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu tử vong; Bánh Trung thu, dùng sao cho khỏe và an toàn?...

 Đình chỉ lưu hành thuốc nhỏ mắt không đạt chất lượng

Sở Y tế Hà Nội vừa yêu cầu đình chỉ lưu hành và thu hồi thuốc viên nén phân tán Doxferxime 200 DT (Cefpodoxime Proxetil Tablets USP 200mg), số lô: VN9143, HD: 8-2-2016, SĐK: VN-10902-10 do Công ty Elegant Drugs Pvt., Ltd (Ấn Độ) sản xuất, Công ty TNHH MTV Dược phẩm Trung ương 2 Hà Nội nhập khẩu. 

Thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan. Cùng với đó, Sở đình chỉ lưu hành và thu hồi thuốc dung dịch nhỏ mắt Dexacol 5ml, số lô: 074141, ngày sản xuất: 2-10-2014, HD: 2-4-2016, SĐK: VN-16492-12 do Công ty cổ phần Dược phẩm 3/2 sản xuất, mẫu lấy tại Công ty TNHH Dược phẩm Bình Trang (quầy 324, tầng 3, tòa nhà 24T1 - Hapulico). Thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng Cloramphenicol. (An ninh Thủ đô trang 5)

 Tỷ lệ cận thị ở học sinh THCS đã tăng gấp 10 lần

Đó là thông tin được bác sĩ Lỗ Văn Tùng, Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Vệ sinh và Sức khỏe trường học (Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường) cho biết tại buổi gặp mặt báo chí về phòng chống bệnh học đường để chuẩn bị cho năm học mới 2015-2016 vừa diễn ra.

Được biết, trong 3 căn bệnh học đường phổ biến (gồm: Cận thị, cong vẹo cột sống và răng miệng) thì tỷ lệ cận thị tăng mạnh trong những năm qua. Cụ thể, tỷ lệ cận thị đã tăng gấp 10 lần nếu so sánh nhóm học sinh THCS những năm 1960 và hiện nay. Điều đáng nói là số học sinh nội thành có nguy cơ cận thị cao hơn gấp 3,11 lần so với học sinh vùng ngoại thành.
Nguyên nhân gia tăng tỷ lệ cận thị ở học sinh, theo bác sĩ Lỗ Văn Tùng là do các yếu tố liên quan đến môi trường trường học như: Chiếu sáng, bàn ghế, tư thế học chưa phù hợp... Theo khảo sát gần đây cho thấy, vẫn còn không ít phòng học chưa bảo đảm yêu cầu về chiếu sáng (chiếm khoảng 20-30%). Ngoài ra, việc bố trí bàn ghế có kích thước phù hợp cũng quan trọng đối với tư thế ngồi học của học sinh. (Hà Nội mới trang 5)

 Thu hồi thuốc viên nén Doxferxime 200 DT và thuốc nhỏ mắt Dexacol 5ml

 Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản gửi các đơn vị y tế trên địa bàn, phòng y tế, chi nhánh Công ty TNHH MTV Dược phẩm trung ương 2 Hà Nội, chi nhánh Công ty cổ phần Dược phẩm 3-2, Công ty TNHH Dược phẩm Bình Trang về việc đình chỉ và thu hồi thuốc viên nén phân tán Doxferxime 200 DT (Cefpodoxime Proxetil Tablets USP 200Mg), số lô: VN9143, Hạn dùng: 8-2-2016, SĐK: VN-10902-10 do Công ty Elegant Drugs Pvt., Ltd (India) sản xuất, Công ty TNHH MTV Dược phẩm trung ương 2 Hà Nội nhập khẩu do thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan.

Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cũng ra quyết định đình chỉ và thu hồi thuốc dung dịch nhỏ mắt Dexacol 5ml, số lô: 074141, ngày sản xuất: 2-10-2014, hạn dùng: 2-4-2016, SĐK: VN-16492-12 do Công ty cổ phần Dược phẩm 3-2 sản xuất, mẫu lấy tại Công ty TNHH Dược phẩm Bình Trang (quầy 324, tầng 3, tòa nhà 24T1 - Hapulico) do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng Cloramphenicol. (Thanh niên, Hà Nội mới trang 5)

 Đã ghi nhận 3 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu tử vong

Theo Bộ Y tế, trong tháng 8 năm nay, cả nước đã ghi nhận 18 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu, tăng 10 ca so với tháng trước đó. Tích lũy từ đầu năm đến nay, số mắc do não mô cầu là 72 ca, trong đó đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2014 (41 ca mắc/3 tử vong), số mắc tăng 75,6%, tử vong tương đương.
Trước tình hình trên, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, viêm não, viêm màng não do não mô cầu là bệnh do vi khuẩn rất dễ lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Bệnh có thể gây dịch do nhiều người lành mang trùng (mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện bệnh). Nhóm tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là lứa tuổi trẻ và cũng ở nhóm tuổi này có số người lành mang vi khuẩn nhiều nhất. Bệnh xuất hiện đột ngột với triệu chứng như: Sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng và xuất hiện các chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hoặc có thể có mụn nước... Do đó, khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám sớm, tránh chẩn đoán nhầm với viêm họng thông thường hoặc sốt xuất huyết. (Hà Nội mới trang 7)

 Nghiêm cấm tiêm chủng tại nhà

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết một số vắc xin dịch vụ “5 trong 1” và “6 trong 1” phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, sởi, viêm gan B, viêm nàng não mủ do vi khuẩn Hib, sẽ tiếp tục khan hiếm trong năm 2016.

Theo ông Phu, vừa qua Cục Y tế dự phòng đã ghi nhận các trẻ nhỏ chưa được tiêm chủng mắc ho gà phải nhập viện, một số ca ho gà biến chứng nặng do các gia đình chờ đợi vắc xin dịch vụ, trì hoãn tiêm chủng. Tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ đã kéo dài từ 2014 - 2015 khiến Cục đã phải chỉ đạo các đơn vị tiêm dịch vụ phải tiêm vắc xin “5 trong 1” miễn phí trong chương trình Tiêm chủng mở rộng thay thế cho vắc xin dịch vụ hết hàng. Đã có khoảng 30.000 mũi tiêm “5 trong 1” miễn phí được tiêm chủng tại các điểm tiêm dịch vụ trong hơn 3 tháng qua.

Ông Phu đặc biệt nhấn mạnh: nghiêm cấm hành vi trục lợi đẩy giá vắc xin dịch vụ thông qua cá nhân nhận tiêm dịch vụ tại nhà. Việc tiêm chủng chỉ được thực hiện tại cơ sở đủ điều kiện, đã được cấp phép thẩm định bởi cơ quan thẩm quyền.  (Thanh niên trang 3)

 Bánh Trung thu, dùng sao cho khỏe và an toàn?

Mặc dù mới tháng 7 âm lịch nhưng trên thị trường đã xuất hiện nhiều dòng sản phẩm bánh trung thu phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Bánh được bày bán khắp nơi, cả trên các vỉa hè và đây cũng là nét đặc trưng mà chỉ có mùa Tết Trung thu mới xuất hiện. Vậy nhưng đối với người tiêu dùng, việc lựa chọn, sử dụng sản phẩm như thế nào để bảo đảm an toàn, phù hợp với chế độ dinh dưỡng? Bài viết dưới đây đề cập tới vấn đề này.

Về dinh dưỡng...

Bánh Trung thu rất ngọt và béo ngậy, do vậy nó cung cấp nhiều năng lượng. Vì bánh giàu năng lượng từ đường và chất béo nên với những trẻ gầy thì ít nguy cơ hơn, còn với trẻ thừa cân béo phì, những người mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng lại là một mối nguy cơ lớn đối với sức khỏe. Theo thói quen, thường những trẻ gầy thì lại ít thích ăn, trẻ thừa cân béo phì lại sẵn sàng thanh toán gọn ghẽ, thậm chí bánh càng ngọt càng béo chúng lại càng thích. Vì vậy, sau Tết Trung thu, bao nhiêu công tập luyện, chế độ ăn kiêng trước đó coi như vô ích. Trong bánh có rất nhiều đường và chất béo (trừ một vài loại dành cho người ăn kiêng), ngoài tạo nên hương vị đặc trưng còn là một biện pháp để bảo quản. Về thành phần dinh dưỡng của 1 chiếc bánh dẻo nhân thập cẩm khoảng 170g, nó cung cấp 566 Kcal, 1 bánh dẻo 1 trứng đậu xanh khoảng 176g chứa 648 Kcal (năng lượng gấp 2-2,5 lần bát phở bò). Còn trong 1 cái bánh nướng 176g thập cẩm cung cấp 706 Kcal, 1 chiếc bánh nướng đậu xanh 1 trứng 176g cung cấp 648 Kcal. Lượng bột đường của 1 chiếc bánh dẻo hoặc 1 bánh nướng bằng 2 - 3 bát cơm (1 bát cơm 258g), đường lại chủ yếu ở dạng đường hấp thu nhanh gây tăng đường huyết nhanh. Nếu ăn quá nhiều, ở trẻ béo phì hoặc trẻ rối loạn dung nạp glucose có thể gây ra tiểu đường. Còn ở trẻ biếng ăn, khi ăn 1 miếng bánh vào lúc đói, đường huyết tăng lên sẽ làm trẻ mất cảm giác thèm ăn trong bữa chính và càng làm trẻ chán ăn, gây nên suy dinh dưỡng. Phần lớn chất béo trong bánh từ thịt mỡ là loại chất béo no gây nhiều tác hại, chất béo lấy từ hạt dưa, hạt điều, vừng là có chút acid béo không no có lợi. Lượng chất béo trong 1 chiếc bánh trung thu bằng 1 - 2 lần lượng chất béo trong 1 bát phở bò hoặc phở gà. Chất đạm trong bánh nướng khá cao, thường là đạm động vật, nếu bảo quản không tốt chúng dễ bị ôi, mốc gây ra ngộ độc. Các vitamin trong bánh không nhiều lắm, đồng thời qua chế biến và bảo quản cũng đã hao hụt đáng kể.

Ăn bánh khó tiêu do nhiều chất béo, chất đạm động vật, vì vậy chỉ cho trẻ ăn một miếng (bằng 1/8 chiếc bánh) sau bữa ăn là đủ. Ăn xong trẻ cần súc miệng ngay để không sâu răng, đặc biệt là với bánh dẻo sẽ dính chặt vào răng gây sâu răng nhiều hơn. Với trẻ béo phì, nên giới hạn lượng bánh được ăn trong ngày, khẩu phần ăn trong ngày sẽ trừ bớt phần do bánh cung cấp. Nếu ăn 1/2 bánh dẻo hoặc bánh nướng thì trong ngày phải bớt đi khoảng 1 bát cơm và lượng thức ăn tương ứng, đồng thời tăng lượng rau xanh để tống chất béo ra ngoài và ngăn ngừa tăng đường huyết nhanh. Nếu không giảm phần cơm thì nhớ đi bộ thêm 30 phút để tiêu hao bớt năng lượng dư thừa. Với người mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng nên lựa chọn các sản phẩm dùng cho người ăn kiêng ít đường và ít chất béo, mặc dù vậy vẫn phải ăn rất hạn chế để kiểm soát lượng đường huyết tăng cao.

an toàn thc phm

Bánh Trung thu là một sản phẩm có đa dạng các loại thực phẩm, các loại gia vị, phụ gia thực phẩm (chất tạo màu, chất bảo quản, chất chống mốc),... Mỗi loại nguyên liệu đều có nguy cơ mất an toàn thực phẩm: thực phẩm bị ôi thiu, thực phẩm nhiễm các loại nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh (nấm mốc, tụ cầu, tả, lỵ,...), nhiễm hóa chất độc hại (chất tăng trọng, kháng sinh, chất bảo quản, hóa chất bảo vệ thực vật, chất tạo màu cấm sử dụng,... do sản phẩm quá thời hạn sử dụng, bảo quản không đúng yêu cầu...). Trong quá trình chế biến, việc không đảm bảo quy trình về vệ sinh: từ sơ chế nguyên liệu, nơi chế biến, dụng cụ chế biến, vệ sinh và sức khỏe của người chế biến sẽ khiến cho sản phẩm không an toàn cho người sử dụng. Như chúng ta thấy, một chiếc bánh Trung thu thường có một gói hút ẩm, mặc dù vậy bánh không bảo quản được lâu (tối đa là 2 tháng sau khi xuất xưởng). Vì lợi nhuận, một số nhà sản xuất, kinh doanh bất chấp các quy định, các công đoạn, các quy trình về an toàn thực phẩm, làm cho sản phẩm dễ bị ô nhiễm có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, mạn tính, bệnh truyền qua thực phẩm và làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng cho người tiêu dùng. (Sức khỏe & Đời sống trang 12)

 Vì sao cần thiết tiêm vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ sau sinh?

 Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai và trẻ em. Chính vì vậy, tiêm chủng vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ sau khi sinh nhằm mục đích phòng chống lây truyền virut viêm gan B từ mẹ sang con là chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới và là chỉ đạo của Bộ Y tế.

LTS: Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai và trẻ em. Chính vì vậy, tiêm chủng vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ sau khi sinh nhằm mục đích phòng chống lây truyền virut viêm gan B từ mẹ sang con là chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới và là chỉ đạo của Bộ Y tế. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2006, trong những nước tổ chức tiêm vắc-xin viêm gan B trong Chương trình tiêm chủng mở rộng có tới 42% quốc gia thực hiện tiêm cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu sau sinh, kể cả các nước đã phát triển như Mỹ, Canada... Để bạn đọc có thêm thông tin chính xác, khoa học về lợi ích của tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong  24 giờ sau khi sinh, SK&ĐS trân trọng giới thiệu bài viết của PGS.TS. Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh.

Tại sao phải tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh?

Viêm gan B là một bệnh gây ra sưng tấy và hoại tử tế bào gan cấp tính hay mạn tính do virut viêm gan B. Trên thế giới ước tính có khoảng hơn 2 tỷ người (30% dân số) bị nhiễm virut viêm gan B và hơn 400 triệu người bị bệnh gan mạn tính. Hàng năm, ít nhất có khoảng 1 triệu người trên thế giới tử vong do xơ gan và ung thư gan. Tùy theo tỷ lệ viêm gan B mạn tính chia 3 vùng lưu hành: Vùng lưu hành thấp <2% (Bắc Mỹ, Tây Âu, Úc) lứa tuổi nhiễm bệnh thường là người lớn và nhóm nguy cơ (lây truyền qua quan hệ tình dục, truyền máu, tiêm chích không an toàn); Vùng lưu hành trung bình 2-8% (Đông Âu, Nga, Địa Trung Hải, Trung Đông, Nam Mỹ) mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm; Vùng lưu hành cao >8% (Trung Quốc, Đông Nam Á, châu Phi) lứa tuổi nhiễm chủ yếu  dưới 1 tuổi (lây truyền trong lúc sinh) và lây truyền từ trẻ này sang trẻ khác nên nguy cơ phát triển thành viêm gan B mạn tính cao nhất. Việt Nam là nước thuộc vùng có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao (khoảng 10-20%) đặc biệt tỷ lệ mang virut viêm gan B ở phụ nữ có thai từ 10-16% và ở trẻ em là 2-6%.

Các đường lây truyền virut viêm gan B

Lây từ mẹ qua con (chu sinh): trẻ sơ sinh là nguồn nhiễm virut viêm gan B chủ yếu ở nhiều nước trên thế giới. Lây truyền virut từ mẹ sang trẻ trong lúc sinh rất dễ dàng. Nếu mẹ có HBsAg+ và HBeAg+ thì 90% trẻ sinh ra sẽ bị nhiễm virut viêm gan B. Nếu mẹ chỉ mang HBsAg+ thì khoảng 10% trẻ bị nhiễm. Lây truyền trong bào thai rất hiếm xảy ra, ước tính khoảng dưới 2% trong hầu hết các nghiên cứu. Chưa có bằng chứng cho thấy virut VGB lây truyền qua đường nuôi con bằng sữa mẹ.

Lây truyền từ trẻ qua trẻ: giải thích cho hầu hết những trường hợp nhiễm virut viêm gan B ở trẻ lớn. Lây truyền thường xảy ra ở nhà, bệnh viện nhi, trường học và nhà trẻ. Cơ chế lây truyền từ trẻ qua trẻ có thể liên quan đến sự tiếp xúc các vết thương, vết trầy xước nhỏ ở da, niêm mạc có chảy máu, hay dịch tiết của vết thương. Virut viêm gan B cũng có thể lây truyền bằng cách tiếp xúc với nước bọt thông qua vết cắn, vết trầy xước khác ở da và cũng như qua sự nhai thức ăn trước cho trẻ. Bên cạnh đó, virut có thể lây qua khi dùng chung khăn lau hay bàn chải đánh răng bởi vì virut có thể tồn tại ít nhất 7 ngày bên ngoài cơ thể và có thể được tìm thấy trên những vật dụng hàng ngày.

Lây truyền qua sự tiêm chích và truyền máu: tiêm không an toàn là đường lây truyền chủ yếu của virut viêm gan B và những bệnh khác (viêm gan C, HIV) trên nhiều quốc gia. Ngoài ra, ở nhiều nước nơi mà truyền máu không được kiểm tra HBsAg cũng là nguồn lây truyền chủ yếu.

Lây truyền trong khi quan hệ tình dục: khi có trầy xước, tiếp xúc với máu hoặc các dịch khác của cơ thể.

90% trẻ bị nhiễm lúc dưới 1 tuổi sẽ phát triển thành viêm gan B mạn tính và là nguồn lây chủ yếu của cộng đồng; trong khi nhiễm lúc 1-4 tuổi thì 40% trở thành mắc bệnh mạn tính.

Vì vậy, ngay cả các quốc gia đã phát triển cũng thực hiện tiêm vắc-xin viêm gan B lúc sơ sinh. Ước tính số trẻ có khả năng nhiễm viêm gan B mạn tính nếu không tiêm vắc-xin viêm gan B hàng năm tại Việt Nam như sau: (xem bảng) (Sức khỏe & Đời sống trang 2)

 Triển lãm 70 năm thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước

 Tối 28/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự lễ khai mạc Triển lãm 70 năm Thành tựu kinh tế-xã hội với chủ đề “Đổi mới, hội nhập và phát triển”, nhân Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9. Cùng dự buổi lễ có các đồng chí: Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh; cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ, ban ngành TW...

Triển lãm có sự tham gia của 27 bộ, ngành, cơ quan ngang bộ và các tổ chức đoàn thể ở TW; 27  tỉnh, thành phố và 12 gian hàng của khối doanh nghiệp trên diện tích 12.000m2 trưng bày trong nhà và 3.000m2 trưng bày ngoài trời. 80 gian trưng bày được chia thành 4 mảng nội dung lớn: khu trưng bày khái quát; khu trưng bày của các bộ, ngành, đoàn thể; khu trưng bày của các tỉnh, thành và khu trưng bày của các doanh nghiệp. Trong đó, gian trưng bày của Bộ Y tế giới thiệu tới công chúng những thành tựu nổi bật trong 70 năm qua, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới. Bộ Y tế trưng bày nhiều tư liệu, hiện vật quý, điểm lại những dấu mốc đáng nhớ về chặng đường 70 năm hình thành và phát triển, đồng thời làm nổi bật những đóng góp của ngành y tế trong sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng - Nhà nước đã đến thăm gian trưng bày của Bộ Y tế. Triển lãm diễn ra từ ngày 28/08 - 03/09 năm 2015.   (Sức khỏe & Đời sống trang 2)

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang