Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 31/8/2023

  • |
T5g.org.vn - Hà Nội cần ít nhất 10 cơ sở y tế chuyên biệt cho người cao tuổi; TPHCM: Bệnh viện, trạm y tế lúc nào cũng cần tuyển bác sĩ; BV Bạch Mai nâng "chất" y tế huyện của Lai Châu…


Hà Nội cần ít nhất 10 cơ sở y tế chuyên biệt cho người cao tuổi

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thích ứng với già hóa và chăm sóc người cao tuổi giữa Nhật Bản và Việt Nam do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình phối hợp Viện Nghiên cứu Kinh tế Đông Á và ASEAN, Hiệp hội Y tế tiên tiến Nhật Bản tổ chức ngày 29-8, tại Hà Nội.
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), Việt Nam bắt đầu giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng dân số. Năm 2021, số người cao tuổi tại Việt Nam chiếm 8,3% tổng dân số (8,16 triệu người cao tuổi).
Dự báo, số người cao tuổi của Việt Nam tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069. Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già từ năm 2036, khi đó, tỷ trọng nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên đạt 14,2% tổng dân số.

Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Thời gian để nước ta chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già rất ngắn, khoảng 25 năm.

“Già hóa dân số đặt ra những thách thức nghiêm trọng về tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng…, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe”, Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng nhấn mạnh.

Hiện, tuổi thọ trung bình của người Việt là 73,6 tuổi, phụ nữ Việt Nam có tuổi thọ cao hơn nam giới. Điều đáng nói, trung bình người cao tuổi ở Việt Nam mắc 3-4 bệnh, thường là bệnh không lây nhiễm (cơ xương khớp, sa sút trí tuệ, giảm thính lực, tăng huyết áp, rối loạn giấc ngủ...). Trong khi đó, dịch vụ y tế đáp ứng điều trị và chăm sóc dài hạn của Việt Nam rất khiêm tốn. Cả nước chưa có bệnh viện chăm sóc người cao tuổi dài hạn.

Riêng với Hà Nội, theo PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội, Thủ đô có khoảng 250.000 người từ 75 tuổi trở lên, cần nhiều sự trợ giúp xã hội, y tế, chăm sóc nhất. Ước tính, Hà Nội cần ít nhất 10 bệnh viện, khoa lão, trung tâm y tế chăm sóc lão khoa chuyên biệt để phục vụ người cao tuổi.

Giống với Việt Nam, Nhật Bản là một quốc gia có dân số siêu già hiện nay. Nhóm dân số cao tuổi từ 65 tuổi trở lên của quốc gia này năm 2022 là 36,2 triệu người, chiếm 29% tổng dân số. Quốc gia này có rất nhiều kinh nhiệm trong việc xây dựng một xã hội dân số già như việc tái cấu trúc hệ thống y tế, chăm sóc lão khoa, xây dựng và quản trị cơ sở chăm sóc người cao tuổi, xây dựng các chế độ chính sách an sinh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng... Những kinh nghiệm từ thực tế Nhật Bản chính là những bài học quý báu cho Việt Nam trong việc chủ động thích ứng với già hóa dân số. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

TPHCM: Bệnh viện, trạm y tế lúc nào cũng cần tuyển bác sĩ

Thiếu hàng chục chỉ tiêu, hầu hết các bệnh viện tuyến quận, huyện và trạm y tế ở TP.HCM đều có nhu cầu tuyển rất nhiều bác sĩ và nhân viên y tế.
'Hăm hở' đến ngày hội tuyển dụng nhưng lại về 'trắng tay'

Đó là câu chuyện không chỉ của riêng một vài quận huyện, mà rất nhiều trạm y tế ở TP.HCM không có bác sĩ chuyên trách. Lý do đơn giản là không thể tuyển dụng được bác sĩ, hoặc tuyển được nhưng không giữ được nhân sự.

Trong chương trình Ngày hội việc làm dành cho các bác sĩ vừa nhận chứng chỉ hành nghề mới đây tại TP.HCM, hầu hết các trung tâm y tế quận, huyện đều tham gia với hy vọng tuyển dụng được nhân sự. Chỉ có 270 bác sĩ nhưng có hơn 500 vị trí việc làm cần tuyển dụng đến từ nhiều cơ sở y tế. Nhiều trung tâm y tế quận, huyện đăng ký tuyển hàng chục chỉ tiêu, nhưng cuối chương trình đi về "tay trắng", không tuyển dụng được bác sĩ nào.

"Trung tâm y tế chúng tôi có nhu cầu nhận người thường xuyên, cứ có bác sĩ là lúc nào cũng nhận", BS.CKII Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Hóc Môn chia sẻ.

Hóc Môn đang cần tuyển hàng chục bác sĩ, và nhân viên y tế ở nhiều vị trí khác nhau. Theo BSCKII Nguyễn Văn Trường ngoài một số trạm y tế chưa có bác sĩ, hầu hết các trạm y tế khác cũng cần tuyển thêm 1-2 người vì khối lượng công việc nhiều.

"Với những xã đông dân, chúng tôi mong muốn tăng thêm ít nhất 2 bác sĩ/trạm y tế. Vì ở đây, có những xã có khoảng 80.000 dân, nên chỉ có 1 bác sĩ không làm hết việc", BS.CKII Nguyễn Văn Trường than khó.

Tương tự, BS Trần Ninh Bảo Thy, Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Cần Giờ cũng cho biết nhu cầu tuyển nhân sự rất cao. Trong đợt tuyển dụng lần này, Cần Giờ mong muốn tuyển dụng 18 nhân sự, gồm bác sĩ nhi khoa, gây mê hồi sức, sản khoa, y học gia đình, hồi sức cấp cứu, nội khoa, ngoại khoa, mắt, chẩn đoán hình ảnh và tai mũi họng…

Tuy nhiên, theo BS Trần Ninh Bảo Thy đây chỉ là những chỉ tiêu cơ bản, còn nhu cầu thực sự là 45 bác sĩ với mong muốn phủ kín nhân lực cho các trạm y tế và Bệnh viện huyện Cần Giờ.

Nhiều trạm y tế khác từ huyện Củ Chi, quận Tân Phú, quận 12… cũng đều có nhu cầu tuyển dụng bác sĩ, với rất nhiều chỉ tiêu.

Vì sao cơ sở y tế tuyến dưới khó tuyển người

Thiếu bác sĩ và khó tuyển nhân sự ở các trung tâm y tế tuyến cơ sở là tình trạng chung ở TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác. Vậy lý do nào khiến nhân lực?

Theo BSCKII Nguyễn Văn Trường, các bác sĩ trẻ mới ra trường thường có tâm lý e ngại, không thích làm việc tại các trạm y tế khi lương và các chế độ cũng khó cạnh tranh với các bệnh viện lớn và các cơ sở y tế tư nhân. Thậm chí, khi đã tuyển được người nhưng các bác sĩ trẻ thường không gắn bó lâu dài, đa số người ở lại là học từ y sĩ lên.

Thiếu nhân lực, bác sĩ Trường cho biết gặp khó khăn trong vấn đề khám chữa bệnh. Đặc biệt với những người dân có thẻ bảo hiểm y tế, nếu không có bác sĩ thì không thể giải quyết được vấn đề khám theo bảo hiểm y tế ở địa phương.

Còn Bác sĩ Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Bình Chánh cũng thừa nhận các trung tâm y tế không đủ "hấp dẫn" so với các bệnh viện lớn trong vấn đề tuyển dụng nhân sự.

Hiện huyện Bình Chánh có 16 xã thì tới 8 trạm y tế chưa có bác sĩ, để giải quyết bài toán thiếu nhân lực, với những trạm y tế chưa có bác sĩ, thì bác sĩ tuyến trung tâm phải xuống hỗ trợ.

"Giữ nhân sự cũng là một vấn đề rất khó khăn, ngay cả với những bệnh viện quận, huyện khi nguồn thu nhập của bác sĩ chi theo các quy định hiện nay. Muốn tăng thêm thu nhập thì bệnh viện phải có nhiều dịch vụ khác, nếu bệnh viện không có những khoản này thì khó lòng giữ người", Bác sĩ Phạm Văn Tuấn nói.

Còn BS.Trần Ninh Bảo Thy cho biết về cơ sở vật chất, Trung tâm y tế huyện Cần Giờ đã đầu tư tương đối đầy đủ nhưng khó khăn lớn nhất chính là vấn đề về giao thông đi lại. Cần Giờ cách trung tâm TP.HCM khoảng 60km, hiện di chuyển vào thành phố vẫn phải qua phà.

"Sau này nếu có cầu nối thay phà việc di chuyển từ huyện Cần Giờ với thành phố sẽ thuận tiện hơn. Lúc đó, nhân lực có thể vừa sinh sống ở thành phố vừa có thể làm việc ở huyện Cần Giờ thì chúng tôi mới hy vọng có nhân sự đầy đủ", BS.Trần Ninh Bảo Thy chia sẻ.

Trước mắt, với tình trạng thiếu nhân sự hiện nay, Cần Giờ hiện phải đưa bác sĩ lớn tuổi, gần về hưu "chống cháy" ở các trạm y tế. Còn ở Bệnh viện huyện Cần Giờ hiện vẫn được 4 bệnh viện lớn ở thành phố xuống hỗ trợ. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8).

 

BV Bạch Mai nâng "chất" y tế huyện của Lai Châu

Đoàn công tác BV Bạch Mai đang thực hiện chuyến khảo sát cơ sở hạ tầng, tìm hiểu nhu cầu đào tạo, đánh giá khả năng tiếp nhận kỹ thuật cấp cứu, sản, và nhi khoa tại một số trung tâm y tế huyện của tỉnh Lai Châu.
Sáng nay, 29/8, đoàn công tác của BV Bạch Mai đã làm việc với lãnh đạo TTYT huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.

TS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa - BV Bạch Mai,Trưởng đoàn và các bác sĩ tại Trung tâm cấp cứu A9, Khoa Phụ sản trực tiếp khảo sát cơ sở vật chất, tư vấn trang thiết bị, cơ sở hạ tầng triển khai kỹ thuật cấp cứu, Nhi khoa, Sản khoa, giúp cán bộ y tế của TTYT Than Uyên nâng cao trình độ chuyên môn, góp phân nâng cao chât lượng điêu trị tại cơ sở.

BS Vũ Văn Quang, Giám đốc TTYT huyện Than Uyên đã nêu khái quát về điều kiện, khả năng thực hiện các dịch vụ kỹ thuật chuyên môn, khó khăn liên quan đến nhân lực và trình độ chuyên môn, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế... tại trung tâm.

Đồng thời đề xuất BV Bạch Mai hỗ trợ, giúp đỡ, hỗ trợ tư vấn thiết kế, sắp xếp Phòng cấp cứu Nhi, khoa hồi sức cấp cứu - chống độc; đào tạo một số bệnh lý đột quỵ, ngộ độc, tim mạch, cấp cứu chấn thương, cấp cứu nhi khoa, đơn nguyên sơ sinh, sử dụng máy thở ở trẻ em và sơ sinh; một số kỹ thuật và cấp cứu sản khoa; kỹ thuật thận nhân tạo, lọc máu chu kỳ, đọc phim CT Scaner; kỹ thuật nội soi can thiệp; gây tê dưới siêu âm...

Sau khi đi khảo sát thực tế, TS Nguyễn Thành Nam đã tổ chức tập huấn về máy thở nCPAP, sử dụng kỹ thuật hỗ trợ hô hấp không xâm nhập (oxy mũi lưu lượng cao HFNO) ở sơ sinh và trẻ em cho thầy thuốc TTTYT huyện Than Uyên.

Theo chương trình, đoàn công tác của BV Bạch Mai tiếp tục khảo sát tại 2 TTYT của Lai Châu là Phong Thổ và Mường Tè.

Được biết, trước đó vào tháng 5/2023, đoàn công tác của BV Bạch Mai do PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai làm trưởng đoàn đã ký kết hợp tác toàn diện về y tế giữa UBND tỉnh Lai Châu và BV Bạch Mai, lễ ký được sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế TS. Lê Đức Luận.  (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8).

 

14 ca tử vong do sốt xuất huyết

Bộ Y tế cho biết, theo kết quả giám sát dịch bệnh truyền nhiễm và báo cáo của các địa phương, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng cao tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt là Hà Nội.

Theo báo cáo của các địa phương, tích lũy từ đầu năm đến 25/8, cả nước ghi nhận 66.386 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 14 bệnh nhân tử vong.

Những địa phương có ca tử vong do sốt xuất huyết gồm: Đồng Nai (4), Đắk Lắk (2), Phú Yên (2), Bình Phước (1), Bình Thuận (1), TP Hồ Chí Minh (1), Khánh Hòa (1), Kiên Giang (1), Long An (1).

So với cùng kỳ năm 2022 (với 172.567 ca mắc, 93 ca tử vong), số ca mắc giảm 61,5%, tử vong giảm 79 trường hợp.

Tuy nhiên, số ca mắc sốt xuất huyết 8 tháng đầu năm 2023 tập trung tại Hà Nội (5.190 ca mắc) và một số tỉnh khu vực miền Trung, miền Nam.  

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tất cả các trường hợp tử vong đều ghi nhận tại khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên, chưa có trường hợp tử vong ghi nhận tại khu vực miền Bắc.

Nhưng số mắc sốt xuất huyết ghi nhận tăng cao bắt đầu từ tháng 6 và tăng cao nhất trong 3 tuần gần đây. Số mắc sốt xuất huyết trong 8 tháng đầu năm 2023 tại khu vực miền Bắc tăng 125,2%, đặc biệt tại Hà Nội tăng 5,3 lần.

Tuýp virus sốt xuất huyết lưu hành năm 2023 chủ yếu là D1, D2 và không có sự khác biệt với các tuýp virus lưu hành những năm gần đây.

Dự báo thời gian tới, do đang vào cao điểm mùa mưa nên số ca mắc tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các địa phương.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương quan tâm, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

Bộ Y tế cho biết, Cục Quản lý Dược đã cấp phép các hồ sơ đề nghị nhập khẩu dịch truyền Dextran (dùng trong điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng) chưa có giấy đăng ký lưu hành để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. (Công an nhân dân, trang 7).

 

TP.HCM: Chính thức 'chấm điểm' để đánh giá quận, huyện trong chăm sóc sức khỏe

Ngày 30.8, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở Y tế chính thức triển khai Bộ tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn quận, huyện và TP.Thủ Đức. Bộ tiêu chí này sẽ "chấm điểm" các địa phương.

Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, đây là bộ tiêu chí đánh giá dựa vào kết quả đầu ra trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn quận, huyện và TP.Thủ Đức. Tổng cộng có 30 tiêu chí thuộc 8 nhóm, gồm: hiệu quả về công tác phòng, chống dịch (4 tiêu chí); hiệu quả triển khai công tác y tế cộng đồng (4 tiêu chí); hiệu quả công tác quản lý hành nghề y, dược (5 tiêu chí); hiệu quả công tác dân số (2 tiêu chí); thu hút người dân đến khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế (3 tiêu chí); hiệu quả công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế (6 tiêu chí); hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe (3 tiêu chí); mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế tại địa phương (3 tiêu chí).

Với thang điểm là 100, trong đó có nhiều tiêu chí được "chấm điểm" cộng (tổng điểm cộng tối đa tất cả tiêu chí là 20) và nhiều tiêu chí bị điểm trừ (tổng trừ là 20). Kết quả đánh giá, nếu được chấm điểm từ 85% trở lên: hoàn thành xuất sắc; từ 70 đến dưới 85%: hoàn thành tốt; từ 55 đến dưới 70%: hoàn thành; dưới 55%: không hoàn thành.

Những tiêu chí bị "chấm điểm" trừ mà các quận huyện cần lưu ý, đó là để dịch bệnh bùng phát, có ca tử vong do dịch bệnh, trừ đến 8 điểm. Để khám chữa bệnh "chui", thẩm mỹ "chui" xảy ra trên địa bàn bị trừ cao nhất, tổng trừ đến 12 điểm…

Theo kế hoạch, từ năm 2023, Sở Y tế TP.HCM sẽ áp dụng bộ tiêu chí này. Hằng năm, căn cứ vào chủ đề năm do UBND TP.HCM ban hành, cùng với những yêu cầu của ngành y tế, Sở Y tế sẽ xem xét cập nhật thang điểm và công bố trong quý 2 hằng năm. (Thanh niên, trang 2).

 

Hà Nội nỗ lực phòng chống dịch sốt xuất huyết

Dự báo từ nay đến cuối năm 2023, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tiếp tục tăng trên địa bàn Hà Nội và xuất hiện thêm nhiều ổ dịch mới.

Nguyên nhân là do thời tiết mưa nhiều, nhiệt độ hằng ngày dao động trong khoảng từ 26-32OC là điều kiện thuận lợi cho muỗi tồn tại và hoạt động; chỉ số côn trùng sau xử lý các ổ dịch vẫn cao vượt ngưỡng làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết tại cộng đồng.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tính đến cuối tháng 8/2023, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận gần 6.600 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 1.303 ca so với cùng kỳ năm 2022, không ghi nhận trường hợp tử vong.

Số người mắc sốt xuất huyết phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã; 500 trong tổng số 579 xã, phường, thị trấn. Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là: Thạch Thất, Thanh Trì, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Hà Đông...

Tổng số ổ dịch được phát hiện là 407, hiện còn 153 ổ dịch đang còn lưu hành tại 24 quận, huyện, trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: xã Phùng Xá, Hữu Bằng (huyện Thạch Thất); xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì); xã Văn Tự (huyện Thường Tín)… Kết quả giám sát tuýp vi-rút Dengue lưu hành năm 2023 cũng cho thấy, chủ yếu là tuýp vi-rút Den1 và Den2.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Long Biên, Nguyễn Minh Quốc cho biết: Năm 2023, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn đến sớm hơn và số mắc tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến ngày 23/8, đã ghi nhận 78 ca mắc sốt xuất huyết, tại tất cả 14 phường trên địa bàn quận; số ca mắc tăng hơn 30 trường hợp so với cùng kỳ 5 năm trước. Số ca mắc tăng nhanh trong vòng hai tuần gần đây.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm Y tế quận Long Biên đang phối hợp chính quyền các địa phương triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy từ giữa tháng 4 đến nay.

Kết quả, số lượt hộ gia đình được kiểm tra thực hiện vệ sinh môi trường là 192.518/196.712 hộ (đạt 97,8%) tại hơn 1.600 khu vực trọng điểm, nguy cơ cao; huy động được hơn 11.700 lượt người tham gia trong các đợt triển khai chiến dịch.

Trung tâm Y tế quận Long Biên cũng tăng cường giám sát ca bệnh hai lần/tuần tại cộng đồng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; triển khai giám sát dịch tễ để đánh giá các chỉ số nguy cơ về bọ gậy, muỗi truyền bệnh một lần/tuần.

Đặc biệt, tất cả các ca bệnh, ổ dịch đã được điều tra dịch tễ, khoanh vùng, xử lý kịp thời; tập huấn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết cho đội ngũ y, bác sĩ tại các phòng khám đa khoa và trạm y tế các phường.

Trung tâm Y tế huyện cũng duy trì năm đội đáp ứng nhanh để kịp thời điều tra, giám sát, xử lý dịch khi có yêu cầu; tại tất cả các phường đã kiện toàn các đội xung kích diệt bọ gậy, tổ giám sát, với hơn 1.100 đội xung kích và 149 tổ giám sát được đào tạo, tập huấn về chuyên môn...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện vẫn còn một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, còn chủ quan, lơ là với dịch bệnh; công tác vệ sinh môi trường diệt bọ gậy không được duy trì thường xuyên, triệt để tại các hộ gia đình, ảnh hưởng công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

Đáng lo ngại, vẫn còn trường hợp khi bị mắc bệnh sốt xuất huyết tự ý điều trị tại nhà, không đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, Khổng Minh Tuấn cho biết: Kết quả kiểm tra giám sát tại một số ổ dịch ghi nhận chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ.

Trong khi đó, kết hợp với điều kiện thời tiết thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi, dự báo thời gian tới số ca mắc tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch sốt xuất huyết ở các địa phương nên nguy cơ lây lan, bùng phát dịch tại cộng đồng rất lớn.

Để chủ động hơn nữa trong phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đề nghị các đơn vị y tế trên toàn thành phố tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca mắc tại cộng đồng, các cơ sở y tế đã được phân cấp; rà soát, xác minh, cập nhật thông tin ca bệnh trên hệ thống phần mềm để phát hiện sớm ca bệnh nhằm điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch kịp thời, hạn chế ổ dịch lan rộng; đặc biệt là phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng nhằm tránh các biến chứng, tử vong.

Tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng điều tra, giám sát phòng chống sốt xuất huyết cho cán bộ y tế tuyến cơ sở.

Đối với các trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần căn cứ tình hình bệnh nhân và kết quả giám sát côn trùng truyền bệnh sốt xuất huyết để tham mưu ủy ban nhân dân chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp ngành y tế triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động trên địa bàn; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, hóa chất bảo đảm tốt công tác phòng chống dịch tại địa phương; tập trung giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, hướng dẫn vận động người dân làm tốt công tác vệ sinh môi trường; đối với những trường hợp mắc và nghi mắc sốt xuất huyết tuyệt đối không được chủ quan tự ý điều trị tại nhà, phải đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

Bộ Y tế ngày 30/8 cho biết, từ đầu năm đến ngày 25/8 cả nước ghi nhận 66.386 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 14 trường hợp tử vong.

Theo kết quả giám sát dịch bệnh truyền nhiễm và báo cáo của các địa phương, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng cao tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt là tình hình bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội và tình hình bệnh tay chân miệng tại khu vực phía nam.

Số mắc sốt xuất huyết ghi nhận tăng cao bắt đầu từ tuần 26 (tháng 6) và tăng cao nhất trong ba tuần gần đây, khu vực miền bắc tăng 125,2%, đặc biệt tại Hà Nội tăng 5,3 lần.

So với cùng kỳ năm trước, số mắc và tử vong đều giảm. Tuy nhiên nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống, có thể số mắc sẽ tiếp tục tăng cao do đang vào cao điểm mùa mưa. (Nhân dân, trang 5).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang