29% mẫu thực phẩm không đạt yêu cầu, nhiễm hàn the
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết trong gần 1.900 mẫu thực phẩm được kiểm tra sàng lọc bằng test nhanh có gần 550 mẫu (29%) không đạt. Báo cáo nhanh đợt kiểm tra thực phẩm dịp tết 2016 ngày 2-2, cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết trong gần 1.900 mẫu thực phẩm được kiểm tra sàng lọc bằng test nhanh có gần 550 mẫu (29%) không đạt, chủ yếu do nhiễm hàn the, ôi khét...
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm cũng công bố trong 11 mẫu được lấy mẫu kiểm nghiệm tại các chuyến kiểm tra thực phẩm Tết Nguyên đán có ba mẫu không đạt chất lượng. Đó là mẫu sản phẩm kim chi cải thảo cắt lát của Công ty cổ phần CJ foods VN (Q.Tân Phú, TP.HCM) được lấy tại tỉnh Hòa Bình không đạt về chỉ tiêu coliforms. Bên cạnh đó, sản phẩm ô mai mơ cam thảo sản xuất ngày 5-12-2015, hạn dùng 5-12-2016 của cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo Phương Soát (Long Biên, Hà Nội) và ô mai mơ chua ngọt sản xuất ngày 17-11-2015, hạn sử dụng 17-11-2017 của Công ty cổ phần Hồng Lam (Mê Linh, Hà Nội) không đạt về chỉ tiêu chất tạo ngọt. Ông Phong cho biết các mẫu thực phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng đều được yêu cầu dừng lưu thông, đồng thời yêu cầu chi cục an toàn thực phẩm tại địa bàn giám sát cơ sở sản xuất (Tuổi trẻ trang 2).
Dịch bệnh bủa vây người dân dịp tết
Chiều 2.2, tại Bộ Y tế đã diễn ra cuộc họp khẩn cấp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán và mùa đông xuân. Nội dung cuộc họp xoay quanh tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp ở nước ta. Đặc biệt, Bộ Y tế cũng đưa ra những thông tin cảnh báo khẩn cấp về dịch bệnh do nhiễm virus Zika đang hết sức nguy hiểm tại nhiều nước trên thế giới và nguy cơ dịch bệnh tràn vào Việt Nam.
Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp - Zika lây lan rất nhanh
Các chuyên gia của WHO nhận định, virus lây truyền qua muỗi Aedes được cho là nguyên nhân gây nên hàng nghìn trường hợp dị tật bẩm sinh teo não trẻ em ở Brazil cần quốc tế phối hợp hành động giải quyết, nhưng chưa cần thiết phải áp lệnh giới hạn du lịch hay thương mại. Điều này cho phép tập hợp các chuyên gia dịch tễ học, y tế công cộng và bệnh truyền nhiễm từ khắp nơi trên thế giới nhằm nhanh chóng nghiên cứu, hành động kịp thời trước đại dịch. Tình hình dịch bệnh Zika đang do Ủy ban Khẩn cấp của WHO theo dõi xử lý, cho thấy mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Tính đến ngày 1.2.2016 đã có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo các trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đang lây lan mạnh virus Zika, đáng chú ý là các quốc gia Châu Mỹ như Brazil, Colombia, Mexico...
Châu Á đã xuất hiện người nhiễm, Đài Loan có 1 ca, Australia có một số ca. Châu Âu cũng có hàng trăm ca do đi du lịch về. Zika đã lan truyền ở các lục địa khác nhau. Phát hiện bệnh này rất khó vì 80% không có biểu hiện lâm sàng. Hơn nữa, vector truyền bệnh là chủng muỗi Aedes aegypti truyền bệnh sốt xuất huyết. Mà chúng ta lại là một trong những nước có chủng này nên mối quan ngại virus Zika tràn vào Việt Nam là rất lớn.
Có sự liên quan khá rõ ràng giữa virus Zika trong thời kỳ mang thai của người mẹ và chứng não nhỏ của trẻ sơ sinh, mặc dù chưa có bằng chứng khoa học đầy đủ chứng minh. Sự lưu hành rộng rãi muỗi Aedes sẽ tạo điều kiện để lây truyền rộng rãi virus Zika trên thế giới. Các triệu chứng mắc bệnh không đáng ngại khi người bệnh chỉ có biểu hiện sốt nhẹ, đau đầu, đau người và phát ban nhưng virus Zika được cho là nguyên nhân dẫn tới di chứng nặng nề đối với thai nhi, gây ra tình trạng đầu và não nhỏ bất thường.
Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, trong khi đó cộng đồng chưa có miễn dịch, do đó sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca bệnh trong thời gian tới.
Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Năm nay là một năm rất lạ khi mật độ muỗi cao như mọi năm nhưng bệnh sốt xuất huyết lại lan rộng và diễn ra lâu như thế. Thời điểm này rất lạnh, gần như virus Dengue không thể sống được. Vậy mà bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp”.
Năm 2015, ghi nhận 88.324 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 57 ca tử vong, tỉ lệ mắc/100.000 dân là 46,4. Mặc dù tỉ lệ mắc thấp hơn các nước trong khu vực nhưng cao hơn so với năm 2014. Hiện nay, dịch đã có xu hướng giảm ở khu vực miền Bắc, miền Nam nhưng tại một số tỉnh miền Trung vẫn đang diễn biến phức tạp và nguy cơ còn có thể kéo dài một thời gian nữa.
Tại cuộc họp khẩn cấp, Bộ trưởng Tiến cho rằng: “Cơ quan chức năng cần tuyên truyền mạnh cho người dân mối liên quan giữa sốt xuất huyết và bệnh nhiễm virus Zika. Phải cho người dân hiểu ngay cần diệt nguồn đẻ của muỗi ở nguồn nước sạch, lật úp tất cả những gì chứa nước sạch hoặc đậy kín các vật dụng chứa nước sạch. Việc làm này vừa phòng được sốt xuất huyết vừa phòng bệnh do virus Zika” - Bộ trưởng hướng dẫn cụ thể.
Hàng loạt dịch bệnh vẫn đang xảy ra
Trên thế giới đã xuất hiện nhiều chủng cúm gia cầm trong đó có một số chủng lây truyền sang người gây số mắc và tử vong cao, khó khống chế. Tại Việt Nam, mặc dù 2015 không ghi nhận trường hợp mắc, song dịch liên tiếp xảy ra trên đàn gia cầm tại một số tỉnh trên phạm vi cả nước. Nguy cơ lây nhiễm sang người là rất cao do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như tập quán giết mổ và ăn uống không đảm bảo vệ sinh. Cúm A/H5N6 được ghi nhận xuất hiện các ổ dịch trên gia cầm tại miền Bắc và miền Trung.
Bệnh liên cầu lợn do ăn tiết canh, nhiễm giun sán do ăn đồ tái sống và ngộ độc rượu, tử vong do rượu trong dịp tết cũng là những vấn đề người dân cần hết sức chú ý. Hãy tránh xa tiết canh, ăn chín uống sôi, giảm rượu bia trong ngày tết là những khuyến cáo hết sức quen thuộc nhưng không thừa.
Trong thời điểm hiện nay, do thời tiết lạnh, ẩm nên số bệnh nhân nhập viện do các chủng cúm mùa tiếp tục tăng lên. Theo kết quả giám sát cúm trọng điểm, các trường hợp mắc chủ yếu là cúm A/ H3N2 (80%), cúm B (11%), cúm A/ H1N1 (9%). Hiện dịch sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến phức tạp. Các dịch bệnh H1N1, H5N1, H7N9... vẫn lăm le đe doạ tính mạng người dân.
Tại cuộc họp khẩn, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết: “Đối với các dịch bệnh khác như cúm mùa H1N1, H3N2, đặc biệt là cúm gia cầm lây sang người như H5N1, H7N9... thì tôi rất lo lắng trong dịp tết này. Tôi mong muốn các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ để kiểm soát việc nhập lậu gia cầm, nhất là qua đường tiểu ngạch vì vấn đề nhập lậu gia cầm sẽ dẫn đến nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm này”. Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục An toàn thực phẩm tăng cường thanh kiểm tra, cần đặc biệt chú ý đến việc kiểm tra, lấy mẫu thử các loại thịt gia cầm (Lao động trang 3, Tuổi trẻ trang 5, Thanh niên trang 4).
Lo ngại virus Zika vào Việt Nam dịp Tết
Chiều 2/2, tại cuộc họp khẩn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh mới nổi, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, dịch bệnh do virus Zika đang khiến nhiều nước trên thế giới phải “đau đầu”. Nguy cơ dịch này vào Việt Nam là rất lớn vì nhiều quốc gia châu Á đã xuất hiện bệnh nhân.
Cần xem lại hóa chất diệt muỗi
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay do diễn biến phức tạp của thời tiết, điển hình như đợt rét lịch sử vừa qua khiến tình hình dịch bệnh khó lường. Dịp Tết nguyên đán lượng người từ các nước có dịch do virus Zika về Việt Nam sẽ rất lớn. Theo thống kê từ các cửa khẩu quốc tế, hàng tuần Việt Nam có khoảng 200.000 lượt hành khách nhập cảnh và trên 170.000 hành khách xuất cảnh. Vì vậy khuyến cáo những người có biểu hiện sốt thì cần đến cơ sở y tế để được chăm sóc và theo dõi, phát hiện sớm bệnh (nếu có).
Tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh, tuy nhiên, không loại trừ khả năng nguy cơ virus Zika xâm nhập vào nước ta vì trong nước đang có sẵn vecto truyền bệnh sốt xuất huyết và virus Zika hoàn toàn có thể lây truyền từ nơi có muỗi Aedes lưu hành. Thêm nữa Việt Nam chưa có miễn dịch cộng đồng căn bệnh này, đây là loại virus mà thế giới chưa có vắc-xin và thuốc đặc trị. Vì thế, chỉ cần một trường hợp bệnh xuất hiện tại Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh lan rộng là điều có thể xảy ra. Bộ Y tế đang lên các phương án phòng chống dịch bệnh xâm nhập tại Việt Nam và đáp ứng các tình huống khẩn cấp trong y tế công cộng. Khó khăn lớn nhất trong việc phát hiện ca bệnh nhiễm virus Zika hiện nay là 80% triệu chứng bệnh không điển hình, các dấu hiệu gần giống với triệu chứng bệnh sốt xuất huyết, do đó việc chẩn đoán bệnh không hề dễ dàng đối với cả các nhân viên y tế.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói, tới nay muỗi tại Việt Nam vẫn đang sinh sôi mạnh dù thời tiết lạnh. “Cần kiểm tra lại độ nhạy cảm với hóa chất đang được sử dụng để diệt muỗi Aedes hiện nay. Nếu cần, các đơn vị dự phòng xem xét có phải thay đổi hóa chất hay không? Ta cứ kêu gọi người dân phòng tránh muỗi đốt, mà muỗi thì cứ có hoài thì làm sao mà phòng được. Vì vậy, phải diệt ngay các nguồn chứa bọ gậy là nguồn phát sinh muỗi. Người dân cần ý thức lật úp, đậy kín tất cả các dụng cụ có khả năng chứa nước tại nơi mình sinh sống”, bà Tiến nói.
Sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều ca bệnh mới
Báo cáo về tình hình dịch bệnh do virus Zika trên thế giới, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện nay đã có hơn 30 quốc gia ghi nhận có dịch do virus Zika, trong đó nhiều nhất là ở châu Mỹ La tinh, Mỹ và cả ở châu Âu. Ngay cả châu Á một số quốc gia đã ghi nhận bệnh do virus Zika gây nên như ở Đài Loan có một người Thái Lan mắc bệnh hay ở Úc có 6 ca đã được ghi nhận.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, TS Masaya Kato cho biết, virus Zika có tốc độ lan truyền rất nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Mỹ và tiếp tục ghi nhận các dấu hiệu nặng tại Brasil. Tuy nhiên, lý do WHO nhận định Zika là mối quan ngại đối với y tế cộng đồng không phải do tốc độ lây lan của virus mà do các biến chứng nguy hiểm của bệnh này đối với trẻ sơ sinh, cụ thể là gây teo não và hội chứng Guillain-Barré, một loại rối loạn hệ thống miễn dịch tác động đến thần kinh gây ra hiện tượng yếu cơ ở tay và chân. Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, trong khi đó cộng đồng chưa có miễn dịch; do đó sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca bệnh trong thời gian tới.
Biện pháp cấp bách là phải truyền thông giúp người dân cân nhắc, hạn chế đến các nước Nam Mỹ, một số nước châu Âu và Đông Nam Á đang có dịch, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vì có một số bằng chứng gợi ý virus Zika có thể lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con khi sinh và qua đường tình dục.
Xét nghiệm virus Zika chỉ trong vòng 6-8 tiếng
PGS-TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết hiện nơi đây đặt vấn đề tập trung giám sát trọng điểm đối với dịch Zika. “Sắp tới, Viện Pasteur TPHCM sẽ triển khai 10 điểm giám sát sốt xuất huyết và Zika ở tất cả 20 tỉnh thành phía Nam”- ông Lân cho hay. Người đứng đầu Viện Pasteur TPHCM cho rằng do biểu hiện lâm sàng của Zika thấp không như sốt xuất huyết, nên phải hạ thấp định nghĩa ca bệnh xuống giúp tăng độ nhạy lên để các điểm giám sát phát hiện được Zika.
Về chẩn đoán xét nghiệm, trong ngày 3/2, Viện Pasteur Paris ở Lào sẽ gửi về cho Viện Pasteur TPHCM đoạn mã gen đầy đủ của virus Zika. Nhờ đó độ chính xác sẽ rất cao, giúp viện đủ năng lực trong xét nghiệm đối với loại virus này, bảo đảm phục vụ khu vực phía Nam. Theo ông Lân, thời gian xét nghiệm sẽ chỉ trong vòng 6-8 tiếng. Theo dự báo của các chuyên gia, tình hình sốt xuất huyết năm 2016 tại phía Nam tiếp tục diễn biến phức tạp hơn, nếu các biện pháp kiểm soát không kịp thời. Nhân có nguy cơ virus Zika xâm nhập, vừa phải phòng chống sốt xuất huyết, mà cả hai đều liên quan đến nguồn truyền bệnh là muỗi Aedes nên đây cũng là cơ hội để giám sát, kiểm soát chặt chẽ nhằm phát hiện kịp thời hơn cả hai bệnh (Tiền phong trang 6, Hà Nội mới trang 7).
Tuyên bố tình trạng khẩn cấp, WHO dốc sức đối phó Zika
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua cho biết họ đang dốc sức đối phó Zika bùng phát ở Mỹ Latin, khi virus liên quan bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh này có nguy cơ lan sang châu Á và châu Phi - những nơi có tỷ lệ sinh cao nhất thế giới. Ông Anthony Costello, một chuyên gia của WHO, hôm qua nói rằng, tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc này đang soạn thảo hướng dẫn cho phụ nữmang thai và tập hợp các chuyên gia để đưa ra định nghĩa bệnh đầu nhỏ, trong đó có kích thước chuẩn đối với đầu các em bé. Về mối quan hệ giữa virus Zika và bệnh đầu nhỏ, ông Costello nói: “Chúng tôi tin mối liên hệ này là có cho đến khi có bằng chứng khác”. Chuyên gia này cho rằng, cần sự nỗ lực lớn của cả cộng đồng ở những khu vực có muỗi mang virus Zika, nhanh chóng phát triển công cụ chẩn đoán, trong khi phải đợi vài năm nữa mới có vắc-xin.
WHO hôm 1/2 thông báo, tình trạng tăng đột ngột những ca dị tật đầu bẩm sinh ở Nam Mỹ gây nên tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Tổ chức này đang chịu áp lực phải đối phó Zika, sau khi bị chỉ trích đã chậm trễ trong đợt dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi hồi năm ngoái. Theo Tổng giám đốc WHO Margaret Chan, cuộc họp của các chuyên gia y tế toàn cầu đã nhất trí rằng “họ rất nghi ngờ quan hệ nhân quả giữa sự lây nhiễm Zika trong thời kỳ mang thai và bệnh đầu nhỏ, cho dù khoa học chưa chứng minh”.
Bùng phát hai bệnh dính dáng Zika
WHO trước đó cảnh báo virus Zika có thể “lây truyền với cấp số nhân” ở châu Mỹ, và khu vực này có thể có 4 triệu ca lây nhiễm chỉ trong 1 năm. Ông David Heymann, chủ tịch cuộc họp khẩn cấp của WHO hôm 1/2, cho rằng, cần khẩn trương xác định bằng phương pháp khoa học xem liệu bệnh đầu nhỏ và hội chứng Guillain Barre có phải do virus Zika gây ra hay không, nhưng ông cũng thừa nhận việc này “cần thời gian”.
Trong khi đó, chính quyền Colombia, Ecuador, El Salvador, Jamaica và Puerto Rico đã khuyến cáo phụ nữ hoãn mang bầu cho đến khi dịch Zika được kiểm soát. Colombia đã báo cáo hơn 20.000 trường hợp nhiễm Zika, trong đó có 2.100 phụ nữ mang thai. Nước này cũng vừa cảnh báo nguy cơ bùng phát số người bị Guillain Barre - hội chứng rối loạn hệ thống miễn dịch ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. “Chúng tôi phát hiện cứ 1.000 bệnh nhân Zika thì có 2,3 trường hợp bị Guillain Barre. Tỷ lệ đó khá cao”, Bộ trưởng Y tế Colombia Alejandro Gaviria phát biểu trên đài phát thanh nước này. Colombia dự đoán sẽ có khoảng 657.000 trường hợp Zika và khoảng 1.500 ca Guillain Barre trong mùa dịch này.
Tổng giám đốc WHO nói rằng, cần triển khai ngay các biện pháp kiểm soát Zika lây lan, như xử lý hết những nguồn nước tù đọng để muỗi không còn nơi đẻ trứng; sử dụng các biện pháp bảo vệ cá nhân khỏi bị muỗi đốt như dùng thuốc đuổi muỗi hay mắc màn khi ngủ… WHO vẫn chưa đưa ra cảnh báo đi lại toàn cầu, nhưng bà Margaret Chan ngụ ý rằng, phụ nữ mang thai có thể muốn tránh đến những vùng có Zika.
Trong khi đó, Sở Y tế bang New South Wales (Úc) vừa xác nhận hai trường hợp mang virus Zika ở Úc trong số những hành khách từ vùng Caribbe trở về thành phố Sydney. Tuy nhiên, cơ quan này nói rằng, virus Zika không gây nguy hiểm nghiêm trọng đối với Úc, đồng thời cho biết, một số người dân ở New South Wales từng nhiễm virus này nhưng nay đã hồi phục. Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ vừa bổ sung American Samoa, Costa Rica, Curacao và Nicaragua vào danh sách cùng 28 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch Zika mà Mỹ khuyến cáo đi lại (Tiền phong trang 12, Công an nhân dân trang 8).