Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 3/3/2016

  • |
T5g.org.vn - Nhìn từ bệnh viện: Phao cứu sinh của người bệnh nghèo; Định hướng phát triển công nghiệp dược; Nhìn từ bệnh viện: Phao cứu sinh của người bệnh nghèo; Nguy cơ lạm dụng dịch vụ y tế sau tăng giá...

Định hướng phát triển công nghiệp dược

Dự thảo Luật Dược sửa đổi vừa trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (Quốc hội khóa XIII) vừa qua đã xác định lại hướng phát triển của ngành dược. Theo đó, sẽ ưu tiên, khuyến khích sản xuất và sử dụng thuốc trong nước, nhất là thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, nhanh chóng đưa ngành dược Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2015 mới đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước trúng thầu vào các cơ sở y tế trong những năm gần đây tăng cao. Năm 2015, thị phần thuốc sản xuất trong nước chiếm 36% về giá trị và 74% về số lượng. So với các nước ASEAN, Việt Nam có thị phần thuốc trong nước cao nhất về mặt số lượng. Sở dĩ, giá trị thuốc chiếm tỷ lệ thấp do thuốc trong nước có giá rẻ hơn nhiều so với thuốc nhập khẩu ,nhưng tính về số lượng thì rõ ràng thuốc trong nước sử dụng nhiều hơn thuốc nhập khẩu.

Tuy vậy, công nghiệp dược trong nước phát triển chưa như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân là do Luật Dược hiện hành định hướng chưa phù hợp khi ưu tiên đầu tư vào sản xuất nguyên liệu hóa dược làm thuốc, là lĩnh vực mà Việt Nam không có lợi thế. Hiện nay hầu hết nguyên liệu làm thuốc vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Luật Dược không có các chính sách ưu tiên, ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước cũng như cơ chế bảo đảm đầu ra cho thuốc trong nước; chưa có chính sách để phát triển nuôi trồng và khai thác dược liệu, ưu đãi đầu tư trong sản xuất và kinh doanh dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

Khắc phục những bất cập đó, dự thảo Luật Dược sửa đổi đang được thảo luận, lấy ý kiến, hoàn thiện đã định hướng lại, xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên trong phát triển công nghiệp dược. Thay vì định hướng đầu tư sản xuất nguyên liệu hóa dược, dự thảo tập trung ưu tiên nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; ưu tiên sản xuất thuốc mới hết hạn bằng sáng chế hoặc các độc quyền có liên quan, vắc-xin - sinh phẩm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Dự thảo quy định rõ chính sách ưu tiên đối với thuốc sản xuất trong nước, nhằm dần thay thế thuốc nhập khẩu có cùng tiêu chí kỹ thuật; ưu tiên đăng ký thuốc generic đầu tiên (thuốc hết thời gian bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ) do trong nước sản xuất. Cùng với đó, dự thảo Luật Dược cũng quy định tạo thuận lợi về đầu ra cho thuốc sản xuất trong nước. Đối với thuốc mua từ nguồn vốn nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế… không chào thầu thuốc nhập khẩu có cùng nhóm tiêu chí kỹ thuật với thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng các yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp. Ưu tiên mua thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền sản xuất từ nguồn dược liệu trong nước tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu; thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền thuộc Danh mục sản phẩm quốc gia hay được sản xuất trên cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia. Với thuốc generic sản xuất trong nước được ưu tiên đưa vào danh mục thuốc đàm phán giá, giúp thuốc nhanh chóng tiếp cận thị trường và cung ứng cho các cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), đơn vị đầu mối xây dựng dự thảo Luật Dược, việc xác định lại hướng phát triển cho ngành dược như nói trên nhằm tập trung nguồn lực vào những lĩnh vực Việt Nam thật sự có tiềm năng và thế mạnh cạnh tranh. Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được các thuốc generic có chất lượng không thua kém thuốc nhập khẩu dựa trên năng lực bào chế của các doanh nghiệp, hệ thống kiểm soát chất lượng thuốc và đánh giá tương đương sinh học của ngành dược. Đồng thời, định hướng này cũng phù hợp với xu hướng tăng cường sử dụng thuốc generic trên thế giới do chi phí thấp, tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân và khả năng chi trả của ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế. Ưu tiên sản xuất vắc- xin là hướng đi hợp lý bởi Việt Nam là một trong số ít các nước đang phát triển có nền công nghệ sản xuất vắc-xin, đã tự chủ sản xuất được hơn mười vắc-xin phòng các bệnh nguy hiểm.

Ưu tiên phát triển nguồn dược liệu, để phục vụ công nghiệp bào chế và phát triển sản xuất thuốc từ dược liệu là giải pháp then chốt đối với sự phát triển của nền công nghiệp dược trong nước bởi Việt Nam có tiềm năng lớn về nguồn dược liệu làm thuốc và kho tàng tri thức sử dụng cây, con làm thuốc trong nhân dân. Thế mạnh này tạo nên lợi thế so sánh giữa nước ta với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Xu hướng sử dụng các thuốc từ dược liệu của người dân đang ngày càng tăng so với thuốc tân dược với khoảng 80% dân số tại các quốc gia đang phát triển bảo vệ sức khỏe bằng thuốc y học cổ truyền hoặc thuốc từ thảo dược. Về năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, những năm qua, các công nghệ sản xuất thuốc từ dược liệu đã được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư và nâng cấp theo tiêu chuẩn GMP-WHO.

Luật Dược sửa đổi được thông qua sẽ là cơ sở để thúc đẩy việc thực hiện mạnh mẽ Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua đó, ngành dược có nhiều thuận lợi để hoàn thành mục tiêu quan trọng là đến năm 2020 sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm. (* Nhân dân  (trang 5))

Nhìn từ bệnh viện: Phao cứu sinh của người bệnh nghèo

Những ngày cận Tết Nguyên đán vừa rồi, niềm vui không kể xiết đến với gia đình chị Nguyễn Thị Hoa và anh Nguyễn Văn Thưởng (ở Giao Thủy, Nam Định) khi được trở về đón năm mới bên gia đình, người thân sau hơn hai tháng chị chiến đấu với bệnh tật và thoát khỏi “cửa tử”. Để có kết quả ấy là do tài năng, sự thương yêu, hết lòng vì người bệnh của các thầy thuốc ở Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) và sự hỗ trợ rất lớn từ Quỹ Bảo hiểm y tế. Hôm ra viện, đáp lại ơn cứu mạng đó chỉ là những lời cảm ơn run run từ tận đáy lòng. Món quà đi kèm là lời hứa sẽ gửi tặng các bác sĩ một túi khoai trồng nhiều ở vườn nhà.

Cách đây vài năm, chị Hoa bị phình động mạch chủ thể nặng, đã được đặt sten graft, một kỹ thuật cao trong y học với tổng chi phí lên tới 400 triệu đồng. Thế nhưng bệnh tình vẫn không dứt, mỗi năm chị vẫn phải đi viện vài lần để tiếp tục điều trị. Gia tài nhà nông vơi dần theo những lần đi viện đó. Đến giữa tháng 12 năm vừa rồi chị bị ho ra máu, vào viện các bác sĩ kiểm tra thấy máu vào phổi, vào dạ dày và thực quản; sốt cao vì phần động mạch bị phình đã biến thành một ổ viêm lớn sưng tấy. Chỉ có mổ mới đem lại cơ may cứu sống người bệnh, nhưng chi phí rất lớn, mà điều kiện gia đình khó khăn, nên người chồng quyết định xin cho vợ về nhà điều trị bằng thuốc, để cầu may.

Nhưng điều may mắn đã đến với chị khi các bác sĩ quyết định không đủ tiền cũng vẫn mổ vì đó là cơ hội sống của một con người, cơ hội để những đứa con không bị mất mẹ. Ca mổ kéo dài sáu giờ với rất nhiều kỹ thuật phức tạp, và đã thành công. Chị Hoa trở thành một trong năm người bệnh nặng nhất được các thầy thuốc của Viện Tim mạch quốc gia cứu sống trong năm 2015. Toàn bộ chi phí ca mổ lên tới hơn 500 triệu đồng, đã được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán phần lớn, người bệnh chỉ phải đóng gần 40 triệu đồng.

Với TS Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch Viện Tim mạch quốc gia, người thực hiện ca mổ thì đó không chỉ là ca bệnh mà còn là mạng người, là hạnh phúc của một gia đình, nên phải tìm mọi cách để cứu được người bệnh. Đối với những người bệnh nghèo, gặp được người thầy thuốc giỏi là rất may mắn, nhưng có được đơn vị chi trả chi phí cho quá trình phẫu thuật, điều trị cũng không kém phần quan trọng.

Từ ngày 1-3, giá dịch vụ y tế do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán được điều chỉnh tăng 30%, và đến 1-7 tới đây tiếp tục điều chỉnh tăng lần nữa, bao gồm đầy đủ bảy yếu tố cấu thành giá. Như vậy, bảo hiểm y tế sẽ là phao cứu sinh cho những người mắc bệnh hiểm nghèo, chi phí điều trị lớn. Đó là tính ưu việt của một chính sách an sinh xã hội, ai cũng phải tham gia để nhiều người hỗ trợ một người khi ốm đau. Và đó cũng là một trong những điều kiện quan trọng để người thầy thuốc lựa chọn phương án, kỹ thuật… tốt nhất áp dụng cho người bệnh. (* Nhân dân  (trang 5))

Phòng sởi và rubella trước mùa dịch

Sởi và rubella là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, mùa đông - xuân, nhất là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Năm 2015 vừa qua, nhờ chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi, số ca mắc sởi đã giảm hơn 100 lần so với năm 2014. Trong năm 2016, để phòng bệnh ở nhóm dưới 1 tuổi và trên 15 tuổi, rất cần những biện pháp hiệu quả nhằm phòng bệnh ngay từ trước mùa dịch.

Theo lịch tiêm chủng mở rộng hiện hành, trẻ sẽ được tiêm miễn phí mũi vắc-xin ngừa sởi đơn vào thời điểm trẻ 9 tháng tuổi và mũi vắc-xin phối hợp ngừa sởi - rubella vào thời điểm 18 tháng tuổi. Trẻ tiêm đủ hai mũi vắc-xin này sẽ bảo đảm hiệu quả phòng bệnh hơn 95%. Theo đánh giá của các chuyên gia, vắc-xin ngừa sởi và sởi - rubella là vắc-xin rất an toàn, trong đó vắc-xin sởi đơn được sản xuất trên dây chuyền công nghệ của Nhật Bản và bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu. Vắc-xin sởi - rubella là sản phẩm của Ấn Độ, đã được sử dụng an toàn, hiệu quả trong chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa sởi - rubella từ cuối năm 2014-2015 cho gần 20 triệu trẻ trong cả nước.

Các bậc cha mẹ cần ghi nhớ lịch tiêm chủng và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch, nhằm phòng tránh nguy cơ mắc sởi. Năm 2015 vừa qua, mặc dù dịch sởi đã giảm mạnh so với năm 2014, nhưng một số xã vùng cao ở giáp biên giới còn xuất hiện rải rác ca bệnh sởi. Hiện nay, tình hình lưu hành bệnh sởi tại một số nước lân cận cho thấy nguy cơ dịch xâm nhập qua biên giới là rất cao. Nhiều người chắc hẳn chưa quên mùa dịch sởi năm 2014, khi bệnh sởi xuất hiện từ trước Tết Nguyên đán và lây mạnh đến các tỉnh, thành phố từ sau Tết, đặc biệt tập trung ở nhóm trẻ nhỏ chưa được tiêm chủng phòng bệnh hoặc tiêm chủng chưa đủ mũi. Do vậy, ở thời điểm hiện nay, khi đang chuẩn bị bước vào mùa dịch, các gia đình cần chú ý tiêm ngừa để phòng bệnh

cho trẻ.

Nhằm mở rộng diện bao phủ trong phòng bệnh, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Cục Y tế dự phòng và các cơ quan chuyên môn đã xây dựng và được Bộ Y tế đồng ý cho triển khai kế hoạch tiêm miễn phí vắc-xin sởi - rubella cho hai nhóm tuổi tiếp theo của chiến dịch năm 2014-2015. Theo đó, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ tổ chức tiêm ngừa vắc-xin sởi - rubella cho nhóm vị thành niên từ 16 đến 17 tuổi (sinh năm 1998-1999) trên phạm vi toàn quốc. Việc phòng cùng lúc hai căn bệnh cho nhóm tuổi này sẽ có hiệu quả rất đáng kể trong phòng ngừa dịch sởi, đồng thời phòng nguy cơ mắc rubella và các dị tật bẩm sinh do rubella khi các em gái vị thành niên bước vào tuổi lập gia đình, mang thai và sinh con.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng cho biết, chiến dịch này sẽ được tổ chức trong các tháng đầu năm 2016, tập trung tại các trường Trung học phổ thông, trường dạy nghề, với nguồn vắc-xin do Liên minh vắc-xin và tiêm chủng toàn cầu (GAVI) tài trợ. Với hoạt động này, cộng với việc cho trẻ tiêm ngừa sởi đúng lịch trước và trong mùa dịch năm nay, hy vọng lại một năm nữa, Việt Nam ngăn chặn được dịch sởi, sớm thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sởi. (* Nhân dân  (trang 5))

“Lá cờ đầu” phong trào thi đua của ngành y tế Thanh Hóa

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, UBND tỉnh tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2015. Tập thể lãnh đạo và nhân viên bệnh viện xác định giữ gìn y đức, làm chủ công nghệ, kỹ thuật cao là phương châm hành động để giữ vững danh hiệu đơn vị “lá cờ đầu” của ngành y tế tỉnh Thanh Hóa.

Là trung tâm khám, chữa bệnh chất lượng cao của tỉnh Thanh Hóa, việc phát triển, ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị bệnh luôn được Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Thanh Hóa chú trọng. Bệnh viện đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại như: máy chụp mạch DSA, máy chụp cắt lớp 128 lát cắt, máy xạ trị gia tốc, máy chụp cộng hưởng từ, hệ thống xét nghiệm sinh hóa COBASS 8000, máy sinh thiết lạnh tức thì, máy triết tách tiểu cầu, máy xét nghiệm sinh học phân tử... Với quy mô 800 giường bệnh, năm 2015, bệnh viện đã điều trị bệnh cho 63.364 người bệnh nội trú; phẫu thuật 12.417 ca, cấp 4.288 lít máu; chụp, can thiệp động mạch vành 321 ca, nút mạch điều trị u gan, u xơ tử cung cho 119 người bệnh; đặt máy tạo nhịp tim cho 29 người bệnh, chạy thận nhân tạo 52.873 lượt, thực hiện 63.857 thủ thuật các loại…

Nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, giảm thời gian chờ đợi, giảm chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, Ban Giám đốc BVĐK tỉnh tập trung chỉ đạo cải tạo nâng cấp khoa khám bệnh, thành lập tổ chăm sóc khách hàng để tư vấn, hướng dẫn người bệnh; tăng cường kết hợp mô hình bệnh viện vệ tinh và Đề án 1816 dưới nhiều hình thức. Kết quả nổi bật là phương thức chuyển giao kỹ thuật tại chỗ phát huy hiệu quả, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật từng bước được nâng cao. Các kỹ thuật mới đã triển khai từ trước như: can thiệp tim mạch, điều trị ung thư, phẫu thuật thay khớp, phẫu thuật nội soi ổ bụng, nội soi khớp, nội soi tiết niệu, phẫu thuật não và thần kinh cột sống, sử dụng kính hiển vi phẫu thuật..., góp phần tạo dựng thương hiệu cho bệnh viện.

Giám đốc Bệnh viện, BSCK II Trần Văn Lượng cho hay: Đảng ủy, Ban Giám đốc BVĐK tỉnh Thanh Hóa tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt sâu rộng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, của ngành y tế và của bệnh viện đến tất cả CBVC, người lao động; tổ chức nghiên cứu, học tập các chính sách, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; triển khai kế hoạch đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, phát triển thành phong trào thi đua bằng những việc làm thiết thực, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tập thể đơn vị củng cố, hoàn thiện, triển khai nhiều kỹ thuật mới trong khám, chữa bệnh; đã tiếp nhận thành công nhiều kỹ thuật mới từ các bệnh viện tuyến trên như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và các bệnh viện Trung ương khác chuyển giao. Đặc biệt, bệnh viện đã tiếp nhận thành công chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tim hở từ Bệnh viện E; đã phẫu thuật tim, mạch máu, lồng ngực cho 144 người bệnh trong đó có 22 người bệnh phẫu thuật tim đạt kết quả tốt. Đây là thành quả chuyên môn nổi bật, thể hiện quyết tâm phát triển không ngừng của tập thể bệnh viện.

Hiện, BVĐK tỉnh Thanh Hóa có 1.161 CBVC, người lao động đang công tác ở 39 khoa, phòng và ba trung tâm. Với 416 cán bộ có trình độ đại học, trên đại học, đây là lực lượng nòng cốt trong phát triển khoa học kỹ thuật, ứng dụng kỹ thuật cao. Đào tạo nhân lực chất lượng cao, lành nghề, chuyên sâu, học theo địa chỉ, giao đề bài, chấm kết quả, tập thể đánh giá là việc làm thường xuyên, liên tục trong đơn vị. Trong năm 2015, Bệnh viện đã đào tạo nhiều chuyên ngành, nâng cao trình độ cho hơn 500 cán bộ y tế tuyến dưới; chuyển giao kỹ thuật mới về phẫu thuật nội soi, thận nhân tạo cho sáu bệnh viện huyện; tập huấn ngắn hạn về phòng, chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi cho hơn 1.300 cán bộ y tế các bệnh viện tuyến tỉnh và bệnh viện ngoài công lập. Điều ghi nhận là niềm tin, sự hài lòng của nhân dân đối với BVĐK tỉnh Thanh Hóa tăng lên, y đức được giữ gìn.

Phát huy những thành tích đã đạt được, với tinh thần: Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, khắc phục khuyết điểm, yếu kém, BVĐK tỉnh Thanh Hóa phấn đấu, từng bước tiến tới mục tiêu phục vụ theo nhu cầu người bệnh, tạo sự hài lòng trong nhân dân. (* Nhân dân  (trang 5))

Nguy cơ lạm dụng dịch vụ y tế sau tăng giá

Bên cạnh những tác động tích cực của việc tăng giá dịch vụ y tế từ ngày 1-3 như tăng quyền lợi của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) có nguồn thu để phát triển… một số chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra những cảnh báo về nguy cơ lạm dụng dịch vụ kỹ thuật tại các cơ sở KCB, gây ảnh hưởng Quỹ BHYT và sức khỏe người bệnh.

Không ít bệnh viện khi bị cắt bao cấp từ ngân sách, bước vào tự chủ tài chính đã lo lắng thu không đủ để trả lương và các hoạt động khác của bệnh viện. Dù giá dịch vụ y tế vừa tăng 30% và sắp tới tăng 50% nhưng lo lắng đó hoàn toàn có cơ sở khi nguồn thu của bệnh viện lại trông chờ vào lượng người bệnh đến khám nhiều hay ít, thời gian điều trị lâu hay mau, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao hay thông thường... Trong khi đó, người bệnh không bị giới hạn nơi khám, chữa bệnh, được tự do lựa chọn bất kỳ nơi khám bệnh ở tuyến huyện và từ năm 2021 được tự do chọn các bệnh viện tuyến tỉnh. Đại diện Bệnh viện Đa khoa Xanh-pôn thừa nhận, khi thực hiện cơ chế mới, điều sống còn đối với bệnh viện là nâng cao chất lượng chuyên môn, chất lượng phục vụ. Việc thu tiền từ KCB có đủ để trả lương và tái đầu tư bệnh viện hay không chưa thể biết trước, phải chờ thời gian trả lời. Trong khi đó, từ thực tiễn “thí điểm” cơ chế tự chủ tài chính nhiều năm qua, lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội chia sẻ, để hoạt động hiệu quả khi chuyển cơ chế, trách nhiệm của ban giám đốc bệnh viện cao hơn rất nhiều. Một lúc phải tính toán nhân lực, trang thiết bị, hành vi ứng xử cho cả quá trình phát triển. Tiết kiệm từ giọt nước, bóng đèn, tờ giấy in… đến vị trí việc làm, một người phải làm nhiều vị trí. Bệnh viện phải tìm mọi cách lấy lòng người bệnh, chào đón để họ đến với mình. Thực hiện điều chỉnh giá, sẽ có bệnh viện rất phát triển nhưng cũng có bệnh viện “teo tóp” đi.

Chính vì nguồn thu quyết định sự tồn tại của bệnh viện, các chuyên gia, nhà quản lý lo ngại tình trạng cơ sở KCB lạm dụng dịch vụ kỹ thuật, chỉ định quá mức cho người bệnh trong quá trình điều trị, miễn sao thu càng nhiều càng tốt. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng TS Trần Tuấn phân tích: Lâu nay đã diễn ra tình trạng lạm dụng dịch vụ kỹ thuật thì khi thực hiện giá mới sẽ có nhiều nguy cơ tái diễn bởi các bệnh viện chịu áp lực gia tăng nguồn thu. Một bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tại một bệnh viện trung ương cũng cho biết, tình trạng lạm dụng chụp cộng hưởng từ - một kỹ thuật đắt tiền - dễ bị lạm dụng khi người bệnh là người nhà của nhân viên y tế. Nguy cơ này cũng được phía Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam lường trước. Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH) Việt Nam Lê Văn Phúc cho rằng, việc tăng giá dịch vụ y tế có thể là nguyên nhân gây tăng những dịch vụ kỹ thuật không cần thiết. Chẳng hạn, trước đây một ngày bệnh viện chỉ định 30% người bệnh đến khám làm siêu âm thì nay con số đó tăng lên 50% để thu được tiền nhiều hơn. Bệnh viện chỉ định người bệnh điều trị nội trú dù bệnh không cần điều trị nội trú, để bệnh viện được thu tiền ngày giường. Hoặc có thể, lợi dụng quy định thông tuyến, một người bệnh cùng xuất hiện tại nhiều cơ sở KCB trong thời gian để lấy thuốc bảo hiểm. Vừa qua, đã xảy ra tình trạng một số bệnh viện loại bỏ các máy chụp cắt lớp 32 dãy để đầu tư máy 64 dãy - 128 lát cắt trong khi nhiều trường hợp người bệnh chưa cần những kỹ thuật hiện đại như thế. Hay một số địa phương xảy ra tình trạng nhân viên của bệnh viện đi khám bệnh tăng hơn so với đối tượng hành chính sự nghiệp bình thường với mục đích lấy thuốc BHYT…

ĐỂ bảo đảm sự cân đối của Quỹ BHYT, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc giám sát các bệnh viện thu đúng, Bộ Y tế cần ban hành quy chuẩn trong KCB, chẳng hạn, quy định cao nhất số lượt khám mỗi ngày đối với một bàn khám, số lượt siêu âm đối với một máy siêu âm, tình trạng bệnh để được điều trị nội trú… nhằm vừa tăng chất lượng khám, vừa thuận lợi cho cơ quan bảo hiểm khi thanh toán. Về vấn đề này, ông Lê Văn Khảm, Vụ phó Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho rằng, lạm dụng dịch vụ kỹ thuật là một vấn đề cần quan tâm sau tăng giá, một mặt Bộ Y tế chỉ đạo ngăn ngừa sự lạm dụng, mặt khác cơ quan BHXH cần tăng cường giám sát, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để nhận diện các sai phạm. Về trách nhiệm của ngành BHXH, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT Lê Văn Phúc cho biết, các gian lận y tế sắp tới sẽ được “lọc” bởi quy trình giám định mới bằng hệ thống công nghệ thông tin được kết nối tại các cơ sở KCB và liên thông với cơ quan BHXH trên cả nước. Theo đó, thông tin KCB của các bệnh viện sẽ được chuyển hằng ngày cho cơ quan BHXH và phần mềm ứng dụng sẽ kiểm soát được lịch sử KCB của một người bệnh, cho phép phát hiện trường hợp người bệnh nhiều lần trong ngày đến các bệnh viện liên tục để xin thuốc... Phần mềm cũng liệt kê toàn bộ danh mục dịch vụ kỹ thuật của bệnh viện được sử dụng, chứng chỉ hành nghề của nhân viên y tế để phát hiện trường hợp chỉ định dịch vụ y tế, thuốc, vật tư vượt quá giới hạn, không có chứng chỉ vẫn cung cấp dịch vụ y tế. Khi hệ thống phát hiện các sai sót, cán bộ BHXH tiến hành hậu kiểm trực tiếp trên hồ sơ bệnh án, quỹ BHYT sẽ không thanh toán nếu chỉ định sai. Ngoài ra, hằng tháng, tại các bệnh viện, tổ giám định BHYT của BHXH sẽ trực tiếp giám định 30% số hồ sơ bệnh án do máy chọn ngẫu nhiên để xem việc lập hồ sơ đúng hay sai. Với việc giám định theo tỷ lệ, sai sót của 30% số bệnh án sẽ được khấu trừ cho toàn bộ 70% số bệnh án còn lại. Thực tế thí điểm thời gian qua cho thấy, các bệnh viện đã thận trọng, nghiêm túc trong việc thống kê thanh toán chỉ định điều trị, lập hồ sơ bởi nếu sai sót nhiều, bệnh viện sẽ bị Quỹ BHYT trừ tiền theo tỷ lệ.

Người bệnh cần tìm hiểu, nâng cao nhận thức của mình về giá KCB để tự bảo vệ quyền lợi, tránh bị thu thêm tiền. Ưu điểm của lần điều chỉnh giá khám, chữa bệnh BHYT lần này là quy định rõ giá đã được tính đủ các chi phí thuốc, vật tư y tế, các bệnh viện không được thu thêm của người bệnh các chi phí đã tính vào giá, trừ số tiền đồng chi trả theo quy định và tiền chênh lệch giá dịch vụ KCB theo yêu cầu, nhưng người dân vẫn rất hạn chế trong việc cập nhật thông tin. Nhiều người bệnh khi được hỏi đều cho biết, họ tin tưởng vào chỉ định, yêu cầu của bác sĩ, không quan tâm đến quy định mới. Các nhà quản lý khuyến cáo người bệnh, có thể kiểm tra tại giấy thanh toán khi ra viện, trong đó ghi rõ hai mục: mục BHYTchi trả và mục người bệnh chi trả để biết bệnh viện thu đúng hay không. Các bệnh viện cần công khai danh mục dịch vụ do BHYT chi trả để người dân đối chiếu. Được biết, BHXH Việt Nam cũng sẽ thực hiện quyền giám sát của mình bằng việc thường xuyên đi tới các buồng bệnh để xem người bệnh có được thu đúng hay không. Tại các bệnh viện, luôn có cán bộ BHYT trực để giải đáp ngay các băn khoăn, thắc mắc của người bệnh về chế độ BHYT, do đó, người bệnh có thể báo cho cơ quan BHXH hoặc giám định viên tại bệnh viện về các sai phạm. Người bệnh cũng cần biết, tại các bệnh viện có dịch vụ KCB theo yêu cầu, Bộ Y tế cũng đã có văn bản yêu cầu những dịch vụ xã hội hóa không được thay đổi mức giá so với trước đây, do đó, khi giá dịch vụ y tế tăng, BHYT thanh toán nhiều hơn thì phần chênh lệch mà người dân phải trả sẽ ít hơn so với trước đây.

Tuy sẽ có nhiều giải pháp để ngăn chặn việc lạm dụng các dịch vụ kỹ thuật, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của người thầy thuốc, của bệnh viện vì sức khỏe người bệnh, sự an toàn của Quỹ BHYT và môi trường y tế phát triển lành mạnh sau thời điểm thực hiện cơ chế mới. (* Nhân dân  (trang 5))

Hà Nội sẽ tiêm vắc xin sởi - rubella cho đối tượng 16-17 tuổi từ ngày 29-3

Từ 29/3, Hà Nội bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Sởi-Rubella cho đối tượng trong độ tuổi từ 16-17 tuổi, đang học lớp 11,12. Dự kiến, đợt này có 130.000-150.000 đối tượng nằm trong diện phải tiêm.

Thông tin trên được cung cấp tại hội nghị triển khai tiêm vắc xin Sởi-Rubella (MR) cho đối tượng 16-17 tuổi do Sở Y tế Hà Nội tổ chức chiều 2/3.

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, TS Nguyễn Nhật Cảm, cho biết, đối tượng tiêm là những em 16-17 tuổi sống trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, những em đã tiêm vắc xin Sởi/Sởi-Rubella/Sở-Quai bị-Rubella hoặc thủy đậu trong vòng 1 tháng tính đến ngày tổ chức chiến dịch; nữ nghi ngờ mang thai hoặc đang mang thai không nằm diện tiêm trong đợt này.

 Mục tiêu là trên 90% trẻ 16-17 tuổi trên toàn TP Hà Nội được tiêm 1 mũi vắc xin MR; đảm bảo chất lượng và an toàn tiêm chủng.

Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, việc tiêm chủng này là rất cần thiết, đặc biệt là với những học sinh nữ vì các em sắp bước vào độ tuổi sinh đẻ. Khi mang thai, phụ nữ bị Sởi-Rubella rất nguy hiểm, những phụ nữ mang thai mắc Rubella có thể khiến dị tật thai nhi, trong đó có tật đầu nhỏ.

Để trong quá trình thực hiện tiêm không xảy ra trường hợp sợ hãi lan truyền, ông Nguyễn Nhật Cảm lưu ý, khu vực phòng chờ tiêm cần được bố trí tách biệt, tránh không để các em trực tiếp nhìn thấy việc tiêm, tạo môi trường thân thiện để làm giảm tâm lý căng thẳng, lo sợ khi tiêm; các thầy cô tư vấn, động viên để học sinh yên tâm, tránh sợ hãi quá mức.

 Trong đợt này, toàn thành phố có khoảng 130.000-150.000 đối tượng nằm trong diện phải tiêm. Chiến dịch này nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng nên bắt buộc.

Việc tiêm chủng sẽ được triển khai đồng loạt trên toàn thành phố, tại trường học và trạm y tế.

Theo đó, tổ chức tiêm tại trường THPT: Tiêm theo từng lớp cho trẻ 16-17 tuổi đang học lớp 11 và 12 (sinh từ 1/1/1998-31/12/1999) từ ngày 29/3 đến 2/4/2016; tổ chức tiêm tại Trạm Y tế: Tiêm cho đối tượng không đi học vào ngày tiêm chủng thường xuyên của tháng 4/2016.

Việc tiêm vét sẽ diễn ra tại trường học vào các ngày 8-9/4/2016 và tại Trạm Y tế cho đối tượng tạm hoãn (bị ốm…) trong chiến dịch vào ngày tiêm chủng thường xuyên của tháng kế tiếp.

Những trẻ có mốc sinh sớm hơn hoặc muộn hơn theo quy định hiện đang theo học tại lớp 11,12 cũng là đối tượng của chiến dịch này. (* Hà Nội mới  (trang 1))

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô trang 2: Tiêm vắc xin Sởi – Rubella cho đối tượng 16-17 tuổi

Hương “bẩn”, độc hại tới đâu?

Những ngày gần đây, thông tin về hương "bẩn", hương tẩm hóa chất độc hại lan nhanh cùng nhiều câu chuyện đang là đề tài "nóng" ở các làng nghề sản xuất hương tại Hà Nội.

 Nhiều người thừa nhận, một số loại hương, trong quá trình sản xuất có ngâm, tẩm, phun hóa chất… Tuy nhiên, độc hại đến đâu, mức độ thế nào thì cả người sản xuất và người tiêu dùng đều không rõ…

Muốn cuộn tàn phải có hóa chất…

Phóng viên Báo Hànộimới đã về thôn Cầu Bầu (xã Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa), nơi được xem là thủ phủ của nghề chẻ tăm hương. Người dân ở đây tỏ ra khá cảnh giác, thậm chí, một số người "đá bóng": Ở đây chỉ chẻ tăm thuê, còn cơ sở nhuộm, tẩm phải là nơi trực tiếp sản xuất hương ở huyện Phú Xuyên, Thường Tín. Ông Nguyễn Đình Tuyến, Trưởng thôn Cầu Bầu, cho biết: Phần lớn người dân ở xã Quảng Phú Cầu làm nghề chẻ tăm thô.

Còn việc nhuộm, tẩm tăm hương do một số xưởng lớn thực hiện. Với loại hương bình thường thì nhúng chân tăm hương vào nước pha phẩm đỏ và phẩm này không gây độc hại. Còn với hương đậu tàn sẽ thêm công đoạn nhúng hóa chất vào phần tăm se bột hương. Tuy nhiên tỷ lệ pha không nhiều, 1 lít hóa chất được pha với 20 lít nước lã. Không ai rõ nguồn gốc của hóa chất, chỉ biết thỉnh thoảng có ô tô chở về làng. Nếu muốn hương cuốn tàn mà không dùng hóa chất thì tăm hương phải sử dụng 100% bằng cật, chi phí sản xuất hương rất lớn.

Để tìm "quả bóng" mà một số người ở thôn Cầu Bầu "đá" về Phú Xuyên, chúng tôi đã tìm về thôn Văn Trai Thượng, xã Văn Hoàng (Phú Xuyên), là làng nghề làm hương nổi tiếng. Tiếp cận với một chủ xưởng sản xuất hương, được biết: "Nếu sử dụng hóa chất độc hại, người sản xuất hương bị ảnh hưởng trước tiên. Chúng tôi không mong muốn như vậy, nhưng khách hàng yêu cầu hương phải đậu tàn, khi đốt lên phải cuốn vòng, bát hương phải tốt lộc… Đáp ứng nhu cầu đó, người sản xuất buộc phải sử dụng hóa chất".

Tinh dầu thơm có độc hại?

Nghi vấn hương "bẩn" không chỉ có ở hương thẻ mà còn cả ở hương vòng. Thâm nhập một số cơ sở sản xuất hương vòng ở xã Lại Yên (Hoài Đức) thì thấy: Hương vòng ở đây thường có 2 loại là hương bắc và hương dầu. Hương bắc có nhiều mức độ thơm khác nhau và nguyên liệu chủ yếu là các vị thảo mộc, các vị thuốc trộn lẫn cùng với keo. Hương dầu là loại hương sau khi đã cuộn thành vòng, thợ sẽ phun vào một số loại dầu thơm.

Tinh dầu này có nguồn gốc ở đâu, được sử dụng như thế nào là bí quyết riêng, không ai tiết lộ. Tại một xưởng sản xuất hương ở Thôn 1, chúng tôi thấy công nhân làm việc ở đây không đeo khẩu trang, găng tay bảo hộ. Chủ cơ sở sản xuất hương (tên Th.) giới thiệu: "Gia đình tôi chuyên sản xuất hương dầu và hương bắc. Loại hương có tinh dầu thơm được các tỉnh miền Trung và miền Nam tiêu thụ nhiều hơn miền Bắc.

Loại tinh dầu phun vào hương được pha trộn từ nhiều loại khác nhau chứ không phải mua về đã có ngay". Tại khu trộn nguyên liệu của xưởng sản xuất, đập vào mắt chúng tôi là những thùng đen đặc, cáu bẩn. Một bao đựng hóa chất có tên Potassium Chlorate (chất gây cháy nổ, nằm trong danh mục hạn chế kinh doanh của Chính phủ) chình ình trước cửa. Khi chúng tôi bước vào bên trong thì chủ xưởng yêu cầu ra ngoài và từ chối trả lời những câu hỏi tiếp theo.

Tại một số đại lý bán hương ở phố Cầu Đông và Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), người bán hàng tư vấn rất rõ ràng: Có loại hương được làm từ thảo mộc, không hóa chất nhưng không đậu được tàn, giá nhỉnh hơn các loại khác. Loại hương cuốn tàn là loại tăm hương được ngâm qua hóa chất, càng cuốn cong thì càng nhiều hóa chất, có độc hại.

Qua phố Hàng Hòm, nơi chuyên bán các loại hóa chất, ông chủ cửa hàng hết sức dè dặt: Hiện cửa hàng chỉ có tinh dầu hương tràm, hương quế, các loại pha công nghiệp không có. Còn khi hỏi về hóa chất tạo hương cuộn tàn, ông chủ khẳng định: "Tôi không bán loại ấy. Mấy hôm nay báo đài nói ầm ầm, dại gì mà bán!". Thâm nhập vào nơi chứa hóa chất của cửa hàng này, chúng tôi thấy có rất nhiều can nhựa đựng chất lỏng và trên đó có mấy chữ quế, tràm… để phân biệt. Một câu hỏi đặt ra: Vậy liệu nguyên liệu làm hương là thảo mộc nguyên chất hay chỉ là mùn cưa trộn hóa chất?

Không tiêu chuẩn, biết thế nào?

Việc sử dụng hóa chất trong sản xuất hương là vậy, nhưng mức độ ảnh hưởng thế nào lại là câu chuyện khác. Bản thân những người tiếp xúc trực tiếp với hóa chất làm hương cũng băn khoăn. Ông Đỗ Ngọc Đằng, Chủ tịch UBND xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên cho biết: "Việc ngâm, tẩm hóa chất chủ yếu liên quan đến tăm hương để khi cháy hương cuộn tàn, còn nguyên liệu bột để làm hương chỉ là thảo mộc, thuốc bắc, không có hóa chất. Tuy nhiên, việc sử dụng hương tẩm hóa chất độc hại như thế nào, cả bà con làm hương và chúng tôi hoàn toàn không biết. Hàng chục năm làm nghề và sử dụng hương thường xuyên nhưng không thấy ai bị bệnh tật gì. Còn hương như thế nào là độc, bản thân chính quyền cũng không đủ chuyên môn để thẩm định".

Cùng nỗi băn khoăn, lo lắng về mức độ ảnh hưởng của hóa chất khi sản xuất hương, người dân ở Thôn 2, xã Lại Yên đặt câu hỏi: "Quê tôi, từ người già đến trẻ nhỏ đều làm hương, làm quanh năm suốt tháng nhưng chưa thấy ai bị bệnh. Chúng tôi rất mong các cấp kiểm tra thực tế, xem xét mức độ độc hại của hương để không ảnh hưởng đến uy tín làng nghề, vừa để dân biết cách bảo vệ sức khỏe". Không chỉ người dân, bản thân lãnh đạo xã Lại Yên, Hoài Đức cũng rất mù mờ về mức độ ảnh hưởng của hóa chất trong sản xuất hương.

Ông Nguyễn Ngọc Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Lại Yên cho rằng: "Từ trước đến nay, chưa bao giờ cơ quan chức năng đưa ra tiêu chuẩn an toàn trong sản xuất hương, còn người dân chỉ làm theo kinh nghiệm và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hương tẩm hóa chất độc hại hay không cần phải có quy chuẩn để soi chiếu. Theo tôi phải có một đơn vị chuyên trách thẩm định về việc này. Chính quyền địa phương rất quan tâm đến việc giữ và phát triển nghề, nhưng không có chuyên môn thì khó có thể định hướng cho nhân dân".

Hầu hết nhà sản xuất đều trưng nhãn mác: "Hương chính hiệu - cuốn tàn, 100% nguyên chất thảo mộc thiên nhiên…". Nhưng đâu là lựa chọn an toàn? Ảnh hưởng của hương tẩm hóa chất tới con người đến đâu? Về vấn đề này, nhiều chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học và sức khỏe môi trường cho rằng: Việc dùng các loại hương bày bán trôi nổi, đặc biệt là các loại hương được quảng cáo lưu giữ mùi thơm càng lâu thì càng độc.

Đối với hương đậu tàn, khi sản xuất thường được tẩm Acid Photphoric (H3PO4), nếu tiếp xúc dễ gây ảnh hưởng đến mắt, đường hô hấp, thậm chí là ung thư phổi. Đối với các loại hương có chứa hóa chất khi cháy, sẽ sinh ra nhiều loại khí độc như: SO2, CO, NO2 và cá biệt có khí Formaldehyd cao hơn nhiều lần mức an toàn cho phép. Do đó, khi thắp hương cần có không gian thoáng, nên mở cửa phòng và tốt nhất là bài trừ những loại hương độc hại này.

Tuy nhiên, đã đến lúc các cơ quan chức năng phải có câu trả lời chính thức về những vấn đề nêu trên cho người dân. (* Hà Nội mới  (trang 1))

Làm giả hồ sơ bệnh án để hưởng chế độ nhiễm chất độc hóa học

Ngày 29-2, Cơ quan An ninh điều tra, Công an Thanh Hóa cho biết đã thi hành lệnh bắt tạm giam 2 đối tượng Trần Quốc Hội và Nguyễn Xuân Tỵ, cùng 57 tuổi, ở thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, theo quy định tại Điều 267, Bộ Luật Hình sự.

Theo tài liệu của Cơ quan An ninh điều tra, từ năm 2012 đến nay, Trần Quốc Hội đã đứng ra mua bản sao bệnh án ung thư khống (chỉ có con dấu và chữ ký của Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa (kết quả giám định thì con dấu và chữ ký đều là giả) và 1 mẫu bệnh án ung thư của một bệnh nhân khác. Sau đó, về viết nội dung bệnh án ung thư và bán lại cho những người có nhu cầu làm bệnh án ung thư và “chạy” chế độ tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Tính đến thời điểm bị bắt, Hội đã nhận của 26 người ở các huyện Thường Xuân, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc với số tiền 114 triệu đồng để làm bệnh án ung thư và “chạy” chế độ.

Đối với Nguyễn Xuân Tỵ, là cán bộ Phòng Lao động – Thương binh và xã hội huyện Thường Xuân, vì hám lợi bất chính nên đã nhận 92 triệu đồng của 7 trường hợp để nhờ Trần Quốc Hội làm bản sao bệnh án ung thư giả và giúp Hội nộp hồ sơ có bản sao bệnh án ung thư giả cho 4 trường hợp để họ hưởng chế độ người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Hành vi trên của các đối tượng đã tiếp tay cho nhiều người hưởng chế độ người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học một cách bất chính, gây thất thoát tài sản của Nhà nước và ảnh hưởng đến chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công cần phải xử lý nghiêm minh. (* Công an Nhân dân  (trang 2))

Cứu sống bé gái bị sốc phản vệ sau tiêm phòng Quinvaxem

Một cháu bé được tiêm vắc xin Quinvaxem tại Trạm y tế P.Nông Trang (TP.Việt Trì, Phú Thọ). Khoảng 1 giờ sau tiêm, bé xuất hiện nhiều biểu hiện bất thường như chân tay lạnh, tím tái nên gia đình đưa bé đến cấp cứu...

Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư cho biết đến chiều 2.3, một tuần sau khi được cấp cứu, điều trị tích cực, bé gái gần 6 tháng tuổi (ở Việt Trì, Phú Thọ) bị sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem đã bình phục.

Vào tuần trước, cháu bé được gia đình đưa đến tiêm vắc xin Quinvaxem tại Trạm y tế P.Nông Trang (TP.Việt Trì, Phú Thọ). Khoảng 1 giờ sau tiêm, bé quấy khóc và xuất hiện nhiều biểu hiện bất thường như chân tay lạnh, tím tái nên gia đình đưa bé đến cấp cứu tại BV đa khoa Phú Thọ.

Tại đây, bệnh nhi được các bác sĩ chẩn đoán sốc sau tiêm phòng, các bác sĩ BV Phú Thọ đã hội chẩn nhanh qua điện thoại với bác sĩ Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (BV Nhi T.Ư) để có biện pháp phù hợp, đồng thời đội cấp cứu lưu động của BV Nhi cũng đến BV Phú Thọ. Sau thời gian khi tích cực cấp cứu hồi sức, nhận thấy tình trạng sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định, nhóm các bác sĩ cấp cứu đã chuyển bé gái lên BV Nhi để tiếp tục cứu chữa.

* Theo Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, từ ngày 9.3 sẽ triển khai 2 chiến dịch tiêm và uống vắc xin miễn phí lớn trong năm (tiêm ngừa sởi - rubella và uống ngừa bại liệt).

Theo đó, chiến dịch uống bổ sung vắc xin ngừa bại liệt dành cho trẻ dưới 5 tuổi ở 7 quận, huyện có nguy cơ cao là Q.12, Q.Gò Vấp, Q.Thủ Đức, Q.Tân Phú, Q.Bình Tân, H.Hóc Môn, H.Bình Chánh. Giai đoạn 1 bắt đầu từ 9 - 20.3, giai đoạn 2 từ 10 - 24.4.

Trẻ được uống vắc xin tại trường học và trạm y tế. Theo ước tính, có khoảng 199.500 trẻ em được uống vắc xin ngừa bại liệt trong đợt này. Còn tiêm vắc xin ngừa sởi - rubella cho 124.000 người (16 - 17 tuổi). Đợt 1 sẽ tiêm từ 14 - 31.3. (* Thanh niên, An ninh Thủ đô  (trang 2))

Cùng chủ đề Báo Tiền phong trang 6: “Cứu sống trẻ bị sốc sau tiêm vắc xin Quinvaxem”; Báo Thanh niên trang 3: “Cứu sống bé gái bị sốc phản vệ sau tiêm Quinvaxem”

60 năm nữa người Việt mới cao bằng người Nhật hiện nay

Tại hội thảo khoa học “Khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm sữa cho người Việt Nam” diễn ra sáng 2-3, PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hiện chiều cao nam thanh niên Việt Nam chỉ đạt 164,4cm (thấp hơn 12,4cm so với chuẩn thế giới) và chiều cao trung bình của nữ là 153,4cm (thấp hơn 10,3cm so với chuẩn thế giới).

Tầm vóc của thanh niên nước ta cũng thấp hơn so với tầm vóc của thanh niên các nước trong khu vực như: Nhật Bản, Singapore, Thái Lan… Đáng lo ngại là trong suốt 1 thập kỷ qua, tầm vóc trung bình của người Việt mới tăng thêm được 1-1,5cm và với tốc độ tăng như vậy thì phải mất từ 60-80 năm nữa, người Việt Nam mới cao bằng người Nhật Bản hiện nay... (* An ninh Thủ đô  (trang 2))

Sinh đôi nhưng khác… cha

Một trong hai đứa trẻ sinh đôi được xác định không cùng huyết thống với người cha nhưng đều là con của người mẹ.

Theo lời bà Nguyễn Thị Nga, giám đốc Trung tâm phân tích ADN và di truyền Hà Nội, chuyện này xảy ra trước tết, khi một người đàn ông tại Hòa Bình đến trung tâm nhờ xác minh ADN do những nghi vấn về huyết thống một trong hai đứa trẻ sinh đôi (vì ngoại hình không giống bố cũng như bé còn lại... ).

Kết quả, cả hai đứa trẻ đều là con của người mẹ nhưng một trong số chúng lại không phải là con của người bố.

Theo bà Nga, trong mấy chục năm làm nghề, đây là lần thứ hai bà bắt gặp trường hợp sinh đôi khác cha như vậy.

Trên thế giới cũng chỉ mới ghi nhận được khoảng 10 trường hợp sinh đôi khác cha.

Theo ông Hồ Sỹ Hùng, phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Phụ sản T.Ư, “sinh đôi khác cha” là hiện tượng rất hiếm gặp, chỉ có báo cáo chứ không có thống kê về mặt tỉ lệ…

Nhưng về lý thuyết vẫn có thể xảy ra nếu người phụ nữ quan hệ với hai người đàn ông khác nhau tại thời điểm rụng cùng lúc hai quả trứng trong một chu kỳ kinh nguyệt. (* An ninh Thủ đô  (trang 2))

Người Việt ăn nhiều thịt, ít rau, thiếu canxi

Đó là kết luận của PGS - TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia tại hội thảo khoa học “Khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm sữa cho người Việt Nam” ngày 2/3 tại Hà Nội.

Theo TS Mai, kết quả của cuộc tổng điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia từ 1985-2010 cho thấy, trong hơn 30 năm qua, khẩu phần canxi của người Việt trong bữa ăn hàng ngày hầu như không có nhiều thay đổi, chỉ đạt 50- 60%, trong khi khẩu phần thịt tăng lên đáng kể. Nguyên nhân là do thói quen ít sử dụng sữa, chế phẩm sữa và các thực phẩm nguồn gốc thủy sản. Trong khi đó, việc thiếu canxi kéo dài sẽ gây rối loạn khoáng hóa tại xương; giảm trọng lượng xương và bệnh loãng xương; còi xương, co cứng cơ, co giật các cơ; đặc biệt thiếu hụt canxi kéo dài trong khẩu phần ăn hàng ngày có liên quan tới tăng huyết áp và các bệnh đường ruột. Việt Nam không thiếu rau, nhưng người Việt ăn ít rau. Năm 2014, tại Việt Nam có 1,9 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng thấp còi, 5.000 trẻ em tử vong do những nguyên nhân có liên quan đến suy dinh dưỡng. Cụ thể, cứ 6 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thiếu canxi (chiếm 14,5%), cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thấp còi (chiếm 24,9%).

Qua các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, TS Mai nhận định, bổ sung sữa đã giúp cải thiện khoảng 0,4cm chiều cao/năm ở trẻ em. Chiều cao của trẻ em Nhật Bản đã được cải thiện nhờ vào việc đưa sữa vào chương trình bữa ăn học đường quốc gia. Hiện nay, tỉ lệ sử dụng sữa và các chế phẩm của sữa trong bữa ăn hàng ngày tại Việt Nam kém xa nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore…TS Mai nhấn mạnh, cần thiết phải nâng cao nhận thức của người Việt Nam về việc bổ sung canxi đúng cách.

Trong khi tỉ lệ khẩu phần sữa trong bữa ăn hàng ngày của người Việt không tăng đáng kể, năm 2015  người Việt tiêu thụ 3,4 tỷ lít bia, (tăng 10% so với năm 2014), 70 triệu lít rượu (đạt 97% so với cùng kỳ), 4,1 tỷ lít nước giải khát (tăng gần 3%).

Ngoài ra, TS Mai cũng cho biết, người Việt hiện nay mới chỉ chú trọng tới việc uống sữa nước và sữa chua mà chưa chú trọng tới việc sử dụng các chế phẩm của sữa như phô mai.  Trong khi đó, hàm lượng canxi trong phô mai cao gấp 3-6 lần sữa dạng lỏng và sữa chua. Bà khuyến cáo, hàng ngày nên sử dụng phối  hợp  3 loại sản phẩm sữa để đa dạng hóa khẩu vị, tránh nhàm chán và tối ưu hóa các thành phần dinh dưỡng của từng loại sản phẩm và phù hợp với khả năng tiêu hóa của người Việt Nam.

Hiện nay, Viện Dinh dưỡng quốc gia đã ra mắt cuốn cẩm nang về khuyến nghị sử dụng sữa và các chế phẩm từ sữa hàng ngày cho người Việt Nam ở các lứa tuổi từ 3-5 tuổi, 6-7 tuổi, 8-9 tuổi, 10-19 tuổi, 20- 49 tuổi, 50-59 tuổi, trên 70 tuổi, đặc biệt phụ nữ có thai và cho con bú cần bổ sung nhiều nhất (2 lát phô mai, 2 cốc sữa chua và 2 cốc sữa/ngày). Ngoài ra, TS Lê Bạch Mai cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của bổ sung Vitamin D, việc tập luyện thể thao đối với việc bổ sung lượng canxi cho cơ thể. (* Tiền phong (trang 13))

Ngành Y sẽ không tuyển dụng nhân lực trình độ trung cấp

 Bộ Y tế cho biết từ năm 2021, các bệnh viện, cơ sở y tế toàn quốc sẽ ngừng nhận điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, dược sĩ, nữ hộ sinh, hộ lý... hệ trung cấp.

Từ thời điểm kể trên các vị trí này sẽ tuyển đầu vào thấp nhất là trình độ cao đẳng.

Từ năm 2025 sẽ bỏ chức danh cán bộ hệ trung cấp trong toàn bộ ngành y tế. Trước mắt, từ năm 2018 sẽ ngừng tuyển sinh và đào tạo hệ trung cấp y dược, kỹ thuật viên y học.

Theo thông tin này, đây là một trong những bước đi nhằm hội nhập về trình độ nhân lực y khoa giữa VN và các nước ASEAN. Hiện nay, cán bộ các vị trí kể trên trong ngành y tế nhiều nước ASEAN đã đạt trình độ học vấn thấp nhất là hệ cao đẳng, tại Thái Lan hầu hết điều dưỡng đã đạt trình độ ĐH trở lên.

Theo ông Phạm Văn Tác - vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Y tế, thời gian gần đây các trường ồ ạt tuyển sinh đào tạo trung cấp y dược dẫn tới tỉ lệ học viên tốt nghiệp không có việc làm chiếm tỉ lệ cao. Ông Tác cho rằng với nhóm nhân lực kể trên, sẽ sớm có biện pháp điều phối và đào tạo để “xuất khẩu” điều dưỡng hiện đang có nhu cầu rất lớn ở nước ngoài.

Cùng chủ đề Báo Nông thôn Ngày nay trang 2: “Không tuyển viên chức y tế trình độ trung cấp ”. (* Tuổi trẻ, Tiền phong (trang 13))

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang