Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 3/3/2023

  • |
T5g.org.vn - Cúm A/H5N1 bùng phát ở Campuchia, nguy cơ lây sang Việt Nam rất lớn; 'Cò' khám chữa bệnh lộng hành: TP.HCM tiếp tục xử phạt phòng khám vi phạm; ĐBSCL: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng bất thường…

 

Tôn vinh 51 nữ trí thức tiêu biểu ngành Y tế

Sáng ngày 2/3, Bộ Y tế phối hợp Hội Nữ Trí thức Việt Nam, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức lễ tôn vinh 51 nữ trí thức tiêu biểu ngành y giai đoạn 2019-2022.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, lễ tôn vinh nữ trí thức tiêu biểu ngành y là khẳng định tinh thần thi đua yêu nước và ý chí quyết tâm vượt lên chính mình của các nữ trí thức, các bác sĩ, dược sĩ. Các nữ trí thức ngành y có những người đã nghỉ hưu hay đang công tác nhưng họ vẫn đam mê với công việc chung của hội, của ngành y tế, quyết tâm vươn tới đỉnh cao của sự nghiệp, cống hiến ngày càng nhiều cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

"Nhân dịp này, tôi cũng đánh giá những nỗ lực của các đồng chí lãnh đạo nữ, nữ trí thức Bộ Y tế trong đó có đồng chí Bộ trưởng Y tế đã chỉ đạo quyết liệt để chỉ trong ngày hôm nay hoặc ngày mai các văn bản sẽ được ban hành, mở ra cơ chế tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của ngành hiện nay", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu.

Trong thời gian qua, đội ngũ nữ trí thức Việt Nam đã nỗ lực trong nghiên cứu khoa học, đạt nhiều giải thưởng lớn, trong đó phải kể đến giải thưởng danh giá Kovalevskaia (giải thưởng cao quý dành cho tập thể, cá nhân nữ khoa học xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội).

Ngành y tế và cán bộ y tế nói chung và lực lượng cán bộ khoa học nữ nói riêng đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, đặc biệt trong phòng, chống đại dịch Covid-19 những năm qua.

Cùng với không khí tri ân, tôn vinh những thầy thuốc nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 và Ngày Quốc tế Phụ nữ Việt Nam 8/3, lễ tôn vinh nữ trí thức tiêu biểu ngành y giai đoạn 2019-2022 đã khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn của đội ngũ nữ trí thức nói chung và nữ trí thức ngành y nói riêng; đồng thời khích lệ chị em tiếp tục phấn đấu cống hiến nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Buổi lễ đã biểu dương 51 nữ trí thức tiêu biểu đến từ 20 tỉnh, thành phố, đơn vị trong cả nước, trong đó có 1 Giáo sư, 15 Phó Giáo sư, 17 Tiến sĩ, 9 Thạc sĩ, 1 điều dưỡng. Trong đó có 3 Thầy thuốc nhân dân, 10 Thầy thuốc ưu tú. Nữ trí thức cao tuổi nhất là 65 tuổi, ít tuổi nhất là 34 tuổi.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương mong muốn Công đoàn Y tế Việt Nam và Hội Nữ Trí thức Việt Nam duy trì việc tôn vinh này trở thành hoạt động thường niên những năm sau nhằm không chỉ ghi nhận những đóng góp cống hiến mà còn có ý nghĩa khích lệ, động viên các chị em nữ cán bộ ngành y tế khác tiếp tục phấn đấu cống hiến nhiều hơn nữa vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. (Nhân dân, trang 3).

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 1: “Tôn vinh 51 trí thức tiêu biểu ngành Y tế ”.

 

'Cò' khám chữa bệnh lộng hành: TP.HCM tiếp tục xử phạt phòng khám vi phạm

Ngày 2.3, Tranh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 17,8 triệu đồng đối với bác sĩ N.T.N.T.

Ngoài ra, bác sĩ N.T.N.T còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh (KCB) trong thời hạn 2 tháng; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động KCB trong thời hạn 3 tháng.

Theo Thanh tra Sở Y tế, bác sĩ N.T.N.T hành nghề KCB chuyên khoa nội, kiêm chủ hộ kinh doanh phòng khám (PK) nội tại 16 Nơ Trang Long, P.14, Q.Bình Thạnh (gần Bệnh viện Ung bướu, Q.Bình Thạnh). PK này có nhiều vi phạm trong KCB, gồm: nhân viên không đeo biển tên; lập sổ KCB nhưng không ghi chép đầy đủ; người hành nghề không đăng ký hành nghề KCB; người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật không có mặt tại cơ sở trong thời gian đăng ký hoạt động mà không ủy quyền cho người khác; không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động KCB.

Sau loạt bài "Cò" khám chữa bệnh lộng hành đăng trên Thanh Niên trong các ngày 6 - 7.2, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Công an TP.HCM, Sở Y tế và các địa phương liên quan vào cuộc kiểm tra nhiều PK xung quanh PK đa khoa Medic - Hòa Hảo (Q.10), Bệnh viện Da liễu (Q.3) và Bệnh viện Ung bướu (Q.Bình Thạnh), xử lý nghiêm các vi phạm. Thanh tra Sở Y tế đã xác định các PK có nhiều vi phạm trong hoạt động KCB.

Tại khu vực xung quanh PK đa khoa Medic - Hòa Hảo, Công ty TNHH y tế H.K bị phạt 24 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động KCB trong thời hạn 3 tháng. Bác sĩ N.T.N.Y của PK Công ty TNHH y tế H.K bị phạt 2 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời hạn 2 tháng. Công ty TNHH P.K đa khoa P.A bị phạt 4,7 triệu đồng. Công ty TNHH hợp tác y tế xét nghiệm M. bị phạt 4 triệu đồng.

Tại khu vực xung quanh Bệnh viện Da liễu, bác sĩ V.T.T.H bị phạt hơn 38,4 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời hạn 24 tháng. Ngoài ra, bác sĩ V.T.T.H còn bị buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp hơn 1,4 triệu đồng có được do thực hiện hành vi vi phạm trong KCB. (Thanh niên, trang 4).

 

ĐBSCL: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng bất thường

Tháng 3 đang là mùa khô ở ĐBSCL, thế nhưng số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) đã tăng mạnh bất thường, thậm chí có trường hợp tử vong vì SXH.

Nhiều ổ dịch và ca bệnh nặng

Tại tỉnh Long An, tính từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã ghi nhận 561 ca mắc SXH (375 ca nội trú, 186 ca ngoại trú), tăng 5 lần so với cùng kỳ và có 1 ca tử vong. Số ca mắc SXH đều tăng tại 15/15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Long An.

Còn tại huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), dù địa phương đã triển khai nhiều giải pháp giám sát ổ dịch, ngăn chặn sự lây lan của SXH, thế nhưng trên địa bàn huyện vẫn ghi nhận số ca mắc SXH tăng đột biến. Cụ thể, tính từ đầu năm đến giữa tháng 2-2023, huyện ghi nhận 79 ca mắc SXH, có 13 ổ dịch SXH và 9/16 xã có ổ dịch.

Báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ cho biết, trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay đã có 472 ca mắc SXH, cùng thời điểm này năm 2022 chỉ có 85 ca, tăng hơn 555% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, số ca mắc tăng mạnh ở 9/9 quận, huyện của thành phố. Báo cáo từ Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận 301 ca mắc SXH và 155 ổ dịch.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, dịch SXH trong năm 2023 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, cần có sự chủ động cảnh báo, giám sát để sẵn sàng ứng phó dịch khi bước vào mùa mưa.

Không chủ quan

Bác sĩ CKII Chung Tấn Định, Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Sản - Nhi tỉnh Sóc Trăng, cho biết, số lượng ca mắc SXH mà bệnh viện tiếp nhận, điều trị từ đầu năm 2023 đến nay đang tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Việc tăng bất thường này có thể do diễn biến thời tiết cực đoan, mưa trái mùa thường xuyên xuất hiện trên diện rộng, tạo điều kiện cho muỗi vằn gây bệnh phát triển. Do đó, các phụ huynh có con nhỏ phải hết sức lưu ý, tránh chủ quan cho rằng trẻ chỉ bị cảm cúm thông thường rồi cho uống thuốc qua loa, đến khi bệnh diễn biến nặng mới đưa trẻ đến bệnh viện điều trị thì rất nguy hiểm.

Trước diễn biến số ca SXH tăng đột biến, UBND tỉnh Long An yêu cầu lãnh đạo các địa phương, các cấp, các ngành, mọi người dân không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, phải nghiêm túc và có trách nhiệm cao trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch SXH, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trong cộng đồng. Đồng thời, triển khai các biện pháp phòng chống dịch SXH hiệu quả tại các địa điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cao như: bệnh viện, trường học, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư, nơi từng có các ổ dịch và bệnh SXH lưu hành.

UBND tỉnh Tiền Giang cũng chỉ đạo ngành y tế tỉnh khẩn trương triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để các ổ dịch; chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ vật tư y tế, trang thiết bị và thuốc để hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Bộ Y tế gia hạn thêm hơn 700 thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế

Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã gia hạn thêm 715 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế. Như vậy sau 2 đợt gia hạn theo Nghị quyết 80, đến nay đã có gần 9.600 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được gia hạn.

Thông tin với phóng viên Báo Sức khoẻ &Đời sống, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Vũ Tuấn Cường cho biết, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 80 ngày 09/01/2023 của Quốc hội, trong ngày 1/3 Cục Quản lý Dược đã có quyết định công bố Danh mục 715 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 80/2023/QH15.

Theo đó, số thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế này được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Đây là đợt gia hạn thứ 2 của năm 2023 theo Nghị quyết số 80 của Quốc hội.

Trong số 715 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được gia hạn lần này, có 713 thuốc sản xuất trong nước; 2 sản phẩm thuốc nước ngoài.

Các thuốc, nguyên liệu làm thuốc được công bố gia hạn đợt này có cả thuốc điều trị bệnh lý thông thường đến điều trị bệnh lý chuyên khoa đặc trị như tim mạch, tiêu hoá, tiểu đường, cơ xương khớp, hô hấp, nhiễm khuẩn, ung thư... kháng sinh, kháng viêm.

Tại quyết định này, Cục Quản lý Dược nêu rõ, trong trường hợp thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã thực hiện thay đổi, bổ sung trong quá trình lưu hành hoặc có đính chính, sửa đổi thông tin liên quan đến giấy đăng ký lưu hành đã được cấp, doanh nghiệp xuất trình văn bản phê duyệt hoặc xác nhận của Cục Quản lý Dược với các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật.

Trước đó, ngày 8/2, tại quyết định số 62/QĐ-QLD, Cục trưởng Cục Quản lý Dược đã gia hạn gần 8.880 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế. Điều này có nghĩa là toàn bộ giấy đăng ký lưu hành của gần 8.880 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024.

Trong số gần 8.880 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được gia hạn lần này có 6.819 thuốc trong nước, 1.856 thuốc nước ngoài và 203 vaccine, sinh phẩm y tế.

Như vậy sau 2 đợt gia hạn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế theo Nghị quyết 80, hiện đã có gần 9.600 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế ở nước ta được gia hạn đến 31/12/2024. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Bình Dương đề nghị 'cấm cửa' 6 bác sĩ vi phạm cam kết

Ngày 2-3, đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương xác nhận vừa có văn bản đề nghị các sở y tế, bệnh viện, phòng khám và các trường y trong và ngoài tỉnh không tiếp nhận, ký hợp đồng, tuyển dụng hay đào tạo đối với 6 bác sĩ tự ý bỏ việc, vi phạm cam kết với tỉnh Bình Dương.

Đây là trường hợp khá hy hữu, được cho là xuất phát từ bức xúc của cơ quan quản lý y tế tỉnh Bình Dương với các bác sĩ không thực hiện cam kết, trong bối cảnh nhân lực y tế thiếu hụt và chịu nhiều áp lực.

Đa phần các trường hợp bác sĩ bị Sở Y tế tỉnh Bình Dương ra văn bản đề nghị "cấm cửa" do đã nhận tiền ưu đãi, hoặc được hỗ trợ đào tạo nhưng chưa hoàn thành thời gian làm việc theo cam kết.

Một số trường hợp được UBND tỉnh Bình Dương cử đi đào tạo tại Trường đại học Y dược Cần Thơ.

Trong thời gian học được ngân sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí hằng tháng, cam kết làm việc trong thời gian gấp 2 lần thời gian học nhưng tới nay cũng đã nghỉ việc mà chưa hoàn trả tiền đã được hỗ trợ.

Tiêu biểu như: bác sĩ N.M.T., 30 tuổi, chuyên khoa nhi tại Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng; bác sĩ Tr.T.T., 31 tuổi, khoa tim mạch; bác sĩ N.T.G., 33 tuổi, khoa nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.

Hiện sở mới ra văn bản khuyến cáo như trên với mong muốn các bác sĩ tự giác, nâng cao tinh thần trách nhiệm với Nhà nước và ngành y tế, trước khi cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục về hành chính, pháp lý tiếp theo. (Tuổi trẻ, trang 4).

 

Cúm A/H5N1 bùng phát ở Campuchia, nguy cơ lây sang Việt Nam rất lớn

Bộ Y tế vừa có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người. Công điện do PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế ký ban hành nêu rõ, từ ngày 22-2-2023 Campuchia ghi nhận 2 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) tại tỉnh Prey Veng, trong đó có 1 trường hợp đã tử vong.

Đây là những ca bệnh cúm A/H5N1 trên người mới nhất tại Campuchia kể từ năm 2014.

Bộ Y tế nhận định, trong điều kiện giao lưu thương mại ngày càng rộng mở giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, nguy cơ cúm gia cầm có thể xâm nhập vào nước ta và lây nhiễm sang người là rất lớn, đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới với các quốc gia đang có dịch.

Hơn nữa, thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường, thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Đây là thời điểm các lễ hội sau Tết Nguyên đán vẫn tiếp tục được tổ chức, do đó hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng. Vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Trước đó, vào cuối năm 2022, Việt Nam cũng ghi nhận ca nhiễm cúm A/H5N1 trên người (tại tỉnh Phú Thọ) đầu tiên kể từ năm 2014 đến nay.

Để chủ động ngăn chặn bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam và lây nhiễm sang người, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn khẩn trương thực hiện một số biện pháp phòng chống.

Trong đó, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch (gồm dịch trên gia cầm và ở người); kịp thời lấy mẫu xét nghiệm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur xét nghiệm chẩn đoán xác định; quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Đồng thời, tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do virus và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A/H5N1; tăng cường phối hợp liên ngành giữa các cơ quan trong việc giám sát phát hiện dịch cúm trên gia cầm - đặc biệt tại các cửa khẩu và các chợ gia cầm sống, kịp thời chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh trên gia cầm và triển khai phối hợp trong điều tra, xử lý ổ dịch.

Vẫn liên quan đến phòng chống dịch bệnh này, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. (An ninh Thủ đô, trang 4).

 

Điều tra vụ người phụ nữ tử vong khi đang truyền nước tại phòng khám tư ở Đắk Lắk

Trưa 2/3, trung tá Nguyễn Danh Bằng – Trưởng Công an TX Buôn Hồ (Đắk Lắk) xác nhận đang điều tra nguyên nhân một người phụ nữ tử vong khi đang truyền nước ở phòng khám tư tại địa phương.

Nạn nhân tử vong là bà Trương Thị Hùng (SN1952, trú thôn 3, xã Tân Lập, huyện Krông Búk, Đắk Lắk), hiện đang được đưa về nhà đại thể Bệnh viện đa khoa Hòa Bình (thị xã Buôn Hồ).

"Sau khi tiếp nhận tin báo, Công an thị xã đang tiến hành lấy lời khai, điều tra nguyên nhân tử vong của nạn nhân. Hiện chưa có thông tin cụ thể", ông Bằng nói.

Chưa hết đau buồn anh Nguyễn Khắc Đức (con trai bà Hùng) cho biết sáng nay mẹ anh đi mua đồ ăn sáng về thì kêu đau bụng, mệt mỏi.

"Anh cả tôi chở mẹ đến Phòng khám đa khoa đa khoa Buôn Hồ (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) để kiểm tra do bác sĩ Đặng Đình Sơn làm chủ. Tại đây, các bác sĩ đã yêu cầu mẹ tôi nằm lại, truyền nước cho bà. Khoảng 15 phút sau, bà bỗng tím tái rồi lịm đi, tắc thở. Phòng khám đưa lên Bệnh viện đa khoa Hòa Bình. Tại đây các bác sĩ xác định mẹ tôi đã tử vong trước khi đưa vào bệnh viện. Hiện công an đang làm việc tại hai nơi là phòng khám của ông Sơn và cả tại bệnh viện", anh Đức cho biết.

Ông Đặng Đình Sơn xác nhận, có việc bà Hùng vào khám, truyền nước và tử vong. "Lúc sáng tôi đi làm (ông Sơn là Hội đồng thành viên của Bệnh viện đa khoa Hòa Bình – PV), bà Hùng vào được các y bác sĩ tiếp nhận, thăm khám. Khi nghe tin có sự cố thì tôi mới về. Hiện công an đang làm việc nên cũng chưa thể nói gì thêm", ông Sơn nói.

Hiện Công an TX Buôn Hồ đang phối hợp với Sở Y tế Đắk Lắk để xác định nguyên nhân tử vong của bà Hùng. (Dân Việt, trang 11).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang