Tình trạng một số bệnh viện lạm dụng máy móc y tế xã hội hóa: Bệnh nhân và Quỹ bảo hiểm y tế cùng bị “móc túi”
Không thể phủ nhận những mặt tích cực của công tác xã hội hóa y tế, như tạo điều kiện cho người bệnh được sử dụng cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại, song xã hội hóa y tế cũng gây ra tiêu cực ở các bệnh viện công, dẫn đến lạm dụng các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị để thu lợi, ảnh hưởng tới quyền lợi của người bệnh, Quỹ bảo hiểm y tế…(Nông thôn ngày nay, trang 5).
50 công nhân bị ngộ độc thực phẩm
Ngày 2/4, bác sĩ Phạm Ngọc Diễn – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An cho biết, đến thời điểm hiện tại, có 47/50 công nhân của Công ty TNHH điện tử BSE (đóng tại KCN Nam Cấm, huyện Nghi Lộc) đã được xuất viện. Còn 3 công nhân đang mang thai bị ngộ độc nên tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện…(Nông thôn ngày nay, trang 5; Lao động, trang 4; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Dễ nhầm bệnh hiếm gặp với bệnh chốc đầu
Thời gian qua Bệnh viện Nhi T.Ư tiếp nhận một số bệnh nhi liên tục bị chốc đầu chữa nhiều nơi không khỏi. Hầu hết các bậc cha mẹ đều nghi con bị bệnh ngoài da, nhưng thực chất theo các bác sĩ đây là căn bệnh hiếm gặp ở trẻ em, các triệu chứng bệnh rất dễ nhầm với nhiều bệnh lý khác (Tiền phong, trang 6).
Mít-tinh hưởng ứng Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7 - 4)
Ngày 2-4, tại Công viên Lưu Hữu Phước, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) thành phố Cần Thơ tổ chức Mít tinh hưởng ứng ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện 7 - 4 và tổng kết Lễ hội Xuân hồng năm 2017. Tại lễ mít-tinh, gần 2.000 đoàn viên, thanh niên đã tham gia hiến máu tình nguyện…(Nhân dân, trang 5).
Thải độc Detox, “Tiền mất tật mang”
Thời gian qua trên mạng xã hội lan truyền những bí quyết giảm cân, làm đẹp da, trị bệnh, ngăn ngừa ung thư bằng phương pháp Detox (thanh lọc, thải độc cơ thể) thu hút sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là phụ nữ. Thế nhưng, giới chuyên môn cho rằng, đến nay trên thế giới cũng như Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể chứng minh tính hiệu quả, khoa học của phương pháp này. Thậm chí, tác dụng thải độc chưa thấy đâu nhưng nhiều người đã rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”…(Hà Nội mới, trang 5).
Nghiên cứu sự biến đổi gen của vi khuẩn gây bệnh ho gà
Theo tin từ Bệnh viện Nhi trung ương, số ca mắc ho gà thời điểm này tăng cao so với cùng kỳ các năm trước. Cả năm 2016 ghi nhận hơn 300 ca nhập viện, trong đó có nhiều ca biến chứng nặng. Từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 57 ca mắc ho gà vào điều trị, trong đó có 5 ca tử vong. Đáng lo ngại là tỷ lệ mắc ho gà ở trẻ dưới 3 tháng tuổi tăng cao, chiếm hơn 50% tổng số ca, trong khi các năm trước hầu hết trẻ mắc trên 6 tháng tuổi. Ngoài ra, trong số các trẻ mắc ho gà có 4,5% trẻ đã được tiêm chủng. Trước thực tế này Bệnh viện Nhi trung ương sẽ tiến hành nghiên cứu sự biến đổi gen của vi khuẩn ho gà để xác định có hay không sự biến đổi về độc lực của vi khuẩn gây bệnh…(Hà Nội mới, trang 5).
Mục sở thị cơ sở “nữ thần y” Bùi Thị Phấn
Những ngày qua trên các trang mạng xôn xao các clip quảng cáo các bài thuốc gia truyền của “nữ thần y” Bùi Thị Phấn thu hút hàng ngàn lượt xem. Không chỉ trên facebook mà ngay cả trong mạng zalo cũng được người phụ nữ ngày giới thiệu tương tự kèm theo số điện thoại để liên hệ, cùng lời quảng cáo và hình ảnh minh họa cam kết sẽ trị được nhiều bệnh. PV báo Sức khỏe & Đời sống đã tiếp xúc trực tiếp và nghe “nữ thần y” quảng cáo về những bài thuốc của mình. Thật lạ là cơ sở hoạt động không phép, thuốc không rõ nguồn gốc, nhưng không bị xử lý…(Sức khỏe & Đời sống, trang 1).
Nhiều khách sạn bị xử phạt do không thực hiện phòng chống tác hại thuốc lá
Theo Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá – Bộ Y tế, trong 3 tháng cuối năm 2016, Thanh tra Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra 151 cơ sở tại 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế) về thực thi Luật phòng chống tác hại thuốc lá, xử phạt 16 cơ sở với tổng số tiền 136 triệu đồng… (Sức khỏe & đời sống, trang 2).