Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 03/4/2023

  • |
T5g.org.vn - Nguy hiểm khôn lường khi tự chẩn đoán bệnh; Sẵn sàng ứng phó khi dịch Covid-19 phát sinh tình huống mới; Hơn 10.360 loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc được gia hạn giấy đăng ký lưu hành; Hà Nội công bố kết quả “chấm điểm” bệnh viện về độ hài lòng của người bệnh; Vì sao các cơ sở y tế công thiếu vaccine dịch vụ?

 

Nguy hiểm khôn lường khi tự chẩn đoán bệnh

Thời điểm giao mùa như hiện nay, số lượng trẻ bị ảnh hưởng sức khỏe gia tăng. Thế nhưng, thay vì đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám, nhiều bậc phụ huynh lại tự chẩn đoán bệnh và điều trị cho con. Hậu quả của việc này là không ít trường hợp trẻ bị biến chứng, bệnh trở nặng, thậm chí tử vong.

Đủ kiểu sai lầm khi chăm trẻ bị ốm

Ngay trong tháng 3-2023, một bé trai 15 tháng tuổi được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Sản nhi Vĩnh Phúc trong tình trạng co giật, não tổn thương. Trước khi nhập viện, cứ cách 30 phút, bé đi tiêu chảy một lần. Lo bé bị mất nước, người nhà cho uống oresol bù nước. Sau đó, bé xuất hiện triệu chứng bất thường. Bác sĩ kiểm tra, phát hiện người nhà đã pha dung dịch oresol cho bé uống không đúng tỷ lệ khuyến cáo và đây là nguyên nhân khiến bé bị sốc, co giật. Dù được cấp cứu, hồi sức tích cực nhưng bệnh nhi đã tử vong.

Trước đó, sau 2 ngày uống oresol tại nhà, một bé gái 8 tháng tuổi ở Hà Nội cũng được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương cấp cứu trong tình trạng rối loạn ý thức, li bì. Sau khi khám và làm xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán cháu bị mất nước do tiêu chảy và rối loạn điện giải nặng. Nguyên nhân cũng là do gia đình đã pha oresol bù nước cho trẻ không đúng cách.

Những ngày gần đây, số lượng trẻ được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khám bệnh rất đông. Hầu hết bệnh nhi bị viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh quản cấp, thậm chí hen phế quản. Trong quá trình thăm khám và điều trị cho các bệnh nhi, bác sĩ Phan Thị Kim Dung, Phó Trưởng khoa Nhi hô hấp (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết, tại bệnh viện, các bác sĩ đã gặp không ít trường hợp trẻ bị biến chứng nặng vì cha mẹ áp dụng cách chữa bệnh theo chia sẻ trên mạng xã hội.

“Chẳng hạn như khi trẻ ho, sốt, sổ mũi, một số phụ huynh sẽ tự chẩn đoán bé bị viêm họng. Khi tham khảo trên mạng xã hội thấy với những trường hợp tương tự một số phụ huynh cho trẻ dùng kháng sinh này, thuốc kia được cho là tốt, nhiều người ngay lập tức áp dụng cho con mình. Nhiều cha mẹ không cần biết bé có chính xác bị bệnh đó không, liều kháng sinh dùng ra sao, chỉ cần nghe nói thuốc tốt là làm theo. Hậu quả là trẻ nhập viện khi bệnh đã nặng, bị kháng thuốc...”, bác sĩ Phan Thị Kim Dung chia sẻ.

Thậm chí, hiện nay, trên các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok cũng xuất hiện rất nhiều clip hướng dẫn vỗ rung long đờm hay xịt rửa mũi giúp trẻ nhanh khỏi ốm. Tuy nhiên, bác sĩ Phan Thị Kim Dung cho rằng, rửa mũi làm sạch đường hô hấp trên là đúng nhưng trường hợp nào mới cần áp dụng thì nhiều bậc phụ huynh không phân định được. Do đó, việc dùng dụng cụ như xi lanh bơm hút, rửa với áp lực nước khá lớn vào vùng mũi xoang của bé không có tác dụng. Thậm chí, cách làm này có thể gây cho trẻ các vấn đề khác như viêm tai, viêm xoang và đưa nguồn vi khuẩn từ bên ngoài vào sâu bên trong…

Những lưu ý khi chăm sóc trẻ

Khi trẻ có các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, bác sĩ Phan Thị Kim Dung, Phó Trưởng khoa Nhi hô hấp (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) khuyến cáo, cha mẹ có thể hạ sốt, cho uống thuốc ho thảo dược và làm sạch đường hô hấp bằng cách nhỏ nước muối sinh lý, xịt nước muối biển, dùng máy hút cá nhân hoặc dây hút đơn thuần để hút mũi cho con. Việc dùng dụng cụ như xi lanh bơm hút, rửa… nên được thực hiện bởi nhân viên y tế trong trường hợp cần thiết.

“Trong thời gian trẻ bị bệnh, cha mẹ vẫn cần tiếp tục cho trẻ ăn, bú như bình thường. Nên chia nhỏ các bữa ăn để giúp trẻ tăng khả năng tiêu hóa và giảm nôn trớ. Phụ huynh tuyệt đối không bắt trẻ ăn kiêng. Bởi điều này khiến trẻ sẽ không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để có sức đề kháng chống lại bệnh tật. Ngoài ra, hãy cho trẻ uống nhiều nước, chế độ sinh hoạt tốt để tăng sức đề kháng của cơ thể. Đặc biệt chú ý đến việc vệ sinh thân thể và môi trường sống của trẻ sao cho sạch sẽ, tránh ở những nơi ẩm thấp. Khi các bé có tiến triển xấu đi như ho nặng hơn, thở nhanh, mất nước, rút lõm lồng ngực, tiêu chảy quá nhiều, viêm kết mạc, cha mẹ phải cho con đến bệnh viện ngay”, bác sĩ Phan Thị Kim Dung lưu ý.

Về việc sử dụng dung dịch bù nước cho trẻ, theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), oresol giúp bù nước rất hiệu quả, được khuyến cáo cho những trường hợp trẻ bị mất nước và chất điện giải do tiêu chảy, sốt cao… Tuy nhiên, khi pha oresol quá đậm đặc, đặc biệt là khi lượng muối trong máu tăng cao, có thể gây ra các triệu chứng như co giật, hôn mê và dẫn đến các tổn thương não nguy hiểm. Nếu không được cấp cứu kịp thời trẻ có thể tử vong. Do đó, khi pha oresol, cha mẹ tuyệt đối tuân thủ theo liều lượng quy định, không “ước lượng”, “áng chừng” hoặc đong bằng các dụng cụ đo lường không chính xác. Sau khi pha dung dịch phải uống hết trong vòng 24 giờ. Sau 24 giờ nên bỏ đi và pha gói mới. Tuyệt đối không bảo quản trong tủ lạnh để cho trẻ uống dần (Hà Nội mới, trang 5).

 

Sẵn sàng ứng phó khi dịch Covid-19 phát sinh tình huống mới

Chiều 2-4, theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 10 ca Covid-19. Như vậy, trong 7 ngày qua (từ 27-3 đến 2-4), nước ta ghi nhận 116 ca Covid-19 (tăng 45 ca so với tuần trước đó). Trung bình mỗi ngày có 16,5 ca mắc mới, trong đó ngày thấp nhất có 10 ca, ngày cao nhất là 30 ca.

Đây là tuần có số mắc cao nhất trong vòng gần 2 tháng qua. Những tuần trước đó, số ca mắc mới thường dao động 70-100 ca/tuần. Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.527.326 ca nhiễm. Ngoài ra, trong 24 giờ qua có thêm 11 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Đến nay, tổng số ca Covid-19 đã khỏi ở nước ta là 10.614.988 ca. Đã hơn 3 tháng liên tiếp không ghi nhận ca tử vong do Covid-19 (tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca).

Cũng theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, tổng số liều vắc xin phòng Covid-19 đã được tiêm là khoảng 266 triệu liều. Theo khuyến nghị mới được cập nhật ngày 28-3 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các mũi vắc xin Covid-19 tăng cường tiếp tục được chỉ định cho người cao tuổi, bệnh nền nặng, suy giảm miễn dịch (có nhiễm HIV, ghép tạng...), người mang thai và nhân viên y tế tuyến đầu, tiêm nhắc mỗi 6-12 tháng tùy theo tình hình từng quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, nước ta vẫn ghi nhận rải rác các trường hợp mắc mới Covid-19. Trong khi đó, thế giới tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện biến thể mới nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh hơn và làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch, khiến số mắc, số ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát. Bộ Y tế đã xây dựng “Phương án bảo đảm công tác y tế trong tình huống dịch Covid-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế” để sẵn sàng triển khai, thực hiện khi xảy ra.

Cùng với đó, tiếp tục bảo đảm công tác phân luồng, thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp các ca mắc Covid-19 tăng cao hoặc phát sinh các tình huống mới của dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa khẩu và tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ sức khỏe trong tình hình mới (Hà Nội mới, trang 7).

 

Hơn 10.360 loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc được gia hạn giấy đăng ký lưu hành

Thực hiện quy định tại Khoản 1, Điều 3 Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 9-1-2023 của Quốc hội, ngày 2-4, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có quyết định công bố danh mục 760 loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc xin và sinh phẩm y tế có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31-12-2024. Đây là đợt gia hạn thứ ba kể từ tháng 2-2023 đến nay.

Trong số 760 loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc xin và sinh phẩm y tế được gia hạn lần này, có 565 thuốc sản xuất trong nước, 195 sản phẩm thuốc nước ngoài. Các thuốc được gia hạn lần này là thuốc điều trị ung thư, tim mạch, đái tháo đường, thuốc kháng vi rút cũng như các thuốc hạ sốt, giảm đau...

Như vậy, sau 3 đợt gia hạn theo Nghị quyết số 80/2023/QH15, hiện đã có hơn 10.360 loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc xin và sinh phẩm y tế ở nước ta được gia hạn đến ngày 31-12-2024. Trước đó, vào tháng 12-2022, Bộ Y tế đề xuất hơn 9.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc (chiếm 40% số lượng thuốc trên thị trường) hết hiệu lực từ ngày 1-1-2023 chưa kịp gia hạn, sẽ được tiếp tục sử dụng. Bởi nếu không gia hạn kịp thời, doanh nghiệp dược phải dừng sản xuất, kinh doanh, người lao động mất việc làm, còn bệnh viện không được bảo đảm thuốc trong hoạt động khám, chữa bệnh.

Ngày 9-1-2023, Quốc hội đã cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày 31-12-2024 (Hà Nội mới, trang 7).

 

Hà Nội công bố kết quả “chấm điểm” bệnh viện về độ hài lòng của người bệnh

Sở Y tế Hà Nội vừa tổng kết công tác quản lý chất lượng bệnh viện và khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế năm 2022.

Theo đó, nhằm đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát sự hài lòng người bệnh, nhân viên y tế, trong năm qua, Sở Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát sự hài lòng người bệnh, nhân viên y tế. Đoàn đã tiến hành kiểm tra, đánh giá các tiêu chí theo Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng gồm 83 tiêu chí.

Tổng số bệnh viện đã được kiểm tra, đánh giá, phúc tra là 66/83 bệnh viện (đạt 79,5%). Trong đó, có 40/41 bệnh viện công lập; 26/42 bệnh viện ngoài công lập; 1/1 bệnh viện bộ, ngành.

Kết quả kiểm tra cho thấy, để nâng cao chất lượng hướng đến người bệnh, góp phần hài lòng người bệnh, các bệnh viện đã đầu tư cải tạo, nâng cấp, đổi mới cơ sở vật chất phục vụ người bệnh được tốt hơn từ ngoài khoa khám bệnh tới các khoa lâm sàng, hệ thống phòng ốc trang bị đầy đủ tiện nghi.

Cảnh quan, môi trường của phần lớn các bệnh viện được cải thiện đáng kể. Nhiều bệnh viện đảm bảo được đầy đủ hệ thống cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ, đài phun nước... tạo môi trường xanh sạch đẹp an toàn cho người bệnh.

Các bệnh viện cũng đều đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá các quy trình khám bệnh làm giảm thời gian chờ đợi của người bệnh và đảm bảo minh bạch trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh...

Kết quả kiểm tra, đánh giá xếp loại, đoàn ghi nhận 10 bệnh viện có mức đánh giá chất lượng cao nhất: Phụ Sản Hà Nội, Thanh Nhàn, Đa khoa Xanh Pôn, Tim Hà Nội, Đa khoa Hà Đông, Đa khoa Đức Giang; Đa khoa Quốc tế Vinmec, Đa khoa Tâm Anh, Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, Việt Pháp Hà Nội.

Bên cạnh đó, có 5 bệnh viện có mức đánh giá chất lượng thấp. Qua đó, đoàn cũng đã đóng góp ý kiến để các đơn vị khắc phục những khó khăn, tồn tại nỗ lực sáng tạo, nâng cao chất lượng bệnh viện phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh (An ninh thủ đô, trang 3).

 

Vì sao các cơ sở y tế công thiếu vaccine dịch vụ?

Nhiều cơ sở y tế công đóng cửa phòng tiêm chủng lâu nay vì không có vaccine dịch vụ để tiêm cho người dân, đặc biệt thiếu vaccine dại và huyết thanh kháng dại. Từ đầu năm đến nay, nhu cầu tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại lớn nhưng có người phải chạy tới vài chỗ mới tiêm được vì có nơi hết, có nơi đóng cửa.

Ngoài thiếu vật tư, trang thiết bị y tế, thiếu vaccine dịch vụ tại các cơ sở y tế công lập đã làm gián đoạn tiêm chủng của người dân. Trong khi nhiều dịch bệnh đang bùng phát, tiêm chủng đóng vai trò quan trọng, nếu gián đoạn sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đóng cửa, bàn tiêm chủng “phơi sương”

Đơn vị tiêm chủng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh) là địa chỉ tin cậy được rất nhiều phụ huynh lựa chọn để tiêm chủng cho con em. Trung bình mỗi ngày ở đây có từ 400-500 người đến tiêm chủng vaccine các loại, cao điểm có khi lên tới 1.000-1.200 người/ngày. Thế nhưng, hơn 1 năm nay, các điểm tiêm chủng của đơn vị này đã đóng cửa do không có vaccine. Các bàn tiêm chủng ở đây “phơi sương” và phủ bụi, hoàn toàn khác biệt với cảnh nhộn nhịp trước kia.

Anh Nguyễn Văn Bình (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Con tôi bị chó cắn, đưa con tới điểm tiêm chủng của CDC Hà Nội tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại mới biết tại đây đóng cửa. Chạy lên 50C Hàng Bài cũng không có. Hai bố con tới trung tâm tiêm chủng của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương mới có vaccine. Nhưng tiêm được 2 mũi, đến mũi 3 thì hết, lại phải tìm cơ sở tiêm chủng tư nhân khác”. Theo lãnh đạo CDC Hà Nội, đơn vị tiêm chủng đã đóng cửa hơn một năm nay, có rất nhiều người dân hỏi bao giờ mở cửa hoạt động trở lại. Trong tình hình này, chưa biết bao giờ mới hoạt động lại được.

Theo một đơn vị nhập khẩu vaccine thì vaccine dịch vụ không thiếu nhưng vướng mắc hiện nay là các cơ sở y tế công lập trong lĩnh vực y tế dự phòng không đấu thầu được. Đặc biệt, với vaccine phòng bệnh dại, việc này rất nghiêm trọng nếu thiếu. Từ năm 2022 đến nay, vaccine và huyết thanh kháng dại thiếu cục bộ ở nhiều địa phương.

Có tỉnh, CDC không đấu thầu được nên không có vaccine phòng bệnh dại tiêm cho người dân. Dại là bệnh cấp tính nguy hiểm, càng tiêm vaccine sớm càng hiệu quả phòng bệnh. Thậm chí, có nhiều thời điểm, Viện Paster TP Hồ Chí Minh và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng hết vaccine dại.

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 06/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các đơn vị y tế công lập, nhưng không đề cập đến mua sắm vaccine dịch vụ. Theo BS Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, hiện chưa tháo gỡ được hết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác đấu thầu vaccine, nội dung sửa đổi trong Thông thư 06 chủ yếu là mua sắm thuốc để phục vụ công tác điều trị trong các cơ sở khám chữa bệnh.

“Chúng tôi chưa dám bắt tay vào mua sắm được. Người dân đã tiêm vaccine dịch vụ, họ chỉ yêu cầu tiêm vaccine của Bỉ và Pháp, theo đúng quy định thì chỉ đấu thầu được vaccine của Ấn Độ. Như vậy, không đạt được tiêu chí mong muốn của người dân, người dân không tiêm. Trong khi tiêm chủng mở rộng miễn phí cũng có vaccine này, không lý gì người ta lại bỏ tiền ra tiêm lại vaccine miễn phí đó”, BS Tuấn nói. 

Thiếu hành lang pháp lý

Vaccine dịch vụ không thiếu, nhưng nhiều cơ sở y tế công không có, nguyên nhân là thiếu hành lang pháp lý để các cơ sở y tế công mua được vaccine.

“Tôi thường xuyên cho con tiêm vaccine tại các cơ sở y tế công như CDC Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bởi giá thành thấp hơn so với cơ sở tư nhân và thấy yên tâm hơn về độ an toàn. Chẳng hạn như vaccine phòng ung thư cổ tử cung 9 chủng, giá ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thấp hơn so với các đơn vị tiêm chủng tư nhân, nhưng khi cho con tới tiêm thì hết, chưa biết khi nào đấu thầu được để có vaccine”, chị Phạm Thị Nga (Hà Nội) cho biết.

Hiện nay, nhiều cơ sở tiêm chủng tư nhân ra đời, giúp người dân có nhiều sự lựa chọn hơn. Đặc biệt, trong giai đoạn thiếu vaccine dịch vụ ở cơ sở y tế công vừa qua, tiêm chủng tư nhân đã đóng vai trò quan trọng để không bị đứt gãy tiêm phòng các bệnh dịch nguy hiểm cho người dân.

Tuy nhiên, phòng tiêm chủng của CDC và một số cơ sở y tế công lập có vai trò rất quan trọng là chích ngừa huyết thanh, một điều rất khó mà hầu hết các điểm tiêm chủng tư nhân đều không làm được.

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong vaccine dịch vụ, hiện có đơn vị công lập và ngoài công lập thực hiện. Đơn vị công lập thực hiện thì vaccine mua sắm theo đúng quy định của nhà nước. Bộ Y tế thừa nhận thủ tục cung ứng vaccine ở một số cơ sở tiêm chủng dịch vụ công lập gặp một số vướng mắc.

Tại buổi gặp mặt báo chí mới đây, ông Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết: “Nếu nguồn cung hiện chưa cấp phép thì quay trở lại cấp phép như thế nào cho nhanh. Nếu cấp phép rồi mà có khó khăn trong nhập khẩu, đây là việc của doanh nghiệp, nếu vướng ở Bộ Y tế, Bộ Công thương hay ở đâu thì chúng tôi sẽ tìm hiểu”.

Theo Bộ Y tế, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung một số văn bản tháo gỡ các vướng mắc, cho phép các đơn vị này chủ động hơn trong việc mua vaccine phục vụ nhu cầu người dân.

Đồng thời, đã chỉ đạo các địa phương tổ chức tiêm bù mũi, tiêm vét các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngoài các vaccine dịch vụ, phần lớn trẻ em hiện nay tiếp cận với vaccine  trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Các bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng trong chương trình tiêm chủng mở rộng là những bệnh phổ biến, nguy hiểm.

Theo báo cáo của các địa phương, nhiều trẻ mắc sởi, ho gà, viêm não Nhật Bản… trong độ tuổi tiêm chủng nhưng chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi. Vì vậy, để phòng bệnh cho trẻ, Bộ Y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh đưa con đi tiêm chủng tại các trạm y tế xã, phường (Công an nhân dân, trang 3).

 

Tránh nguy cơ quá tải chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 2/4, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết Sở đã có buổi họp với các bệnh viện (BV) đầu ngành và các chuyên gia trong lĩnh vực chạy thận để thảo luận đánh giá nhanh giữa nhu cầu chạy thận cho người bệnh bị suy thận và khả năng cung ứng của các BV trên địa bàn thành phố…Hiện nay trên địa bàn thành phố có tổng cộng 39 cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế và 8 đơn vị trực thuộc Bộ/ngành có triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Tổng số bệnh nhân đang được lọc máu định kỳ là 4.254 người (tăng rõ so với cách đây 5 năm, thời điểm lúc bấy giờ chỉ hơn 3.000 người). Người bệnh có địa chỉ ngoài TP Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ gần 20%.

Gần đây, việc quá tải hoặc thiếu vật tư y tế đã xảy ra tại một số BV, điển hình như BV TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) mà báo chí vừa mới phản ánh.

Hiện Khoa Nội thận - Thận nhân tạo của BV TP Thủ Đức có 42 máy lọc thận nhưng phải đáp ứng gần 260 bệnh nhân điều trị chạy thận 3 lần/tuần. Do đó, nhu cầu về vật tư y tế liên quan đến việc chạy thận (như gạc, dây truyền, dịch lọc) của nơi này là rất lớn và không được phép đứt quãng. Trong khi đó, mỗi năm, số người bệnh chạy thận ngày một tăng nên việc chờ đợi này khó tránh khỏi.

Đáng nói, BV TP Thủ Đức lại đang gặp khó trong công tác đấu thầu vì theo quy định vẫn cần “giá thấp nhất”. Do đó, dù BV có nhiều lần tổ chức mời thầu công khai nhưng có nhiều hạng mục y tế không có hồ sơ dự thầu dẫn đến việc thiết bị y tế thiếu tại một thời điểm nhất định, buộc BV phải kéo dài thời gian làm việc chạy thận cho bệnh nhân…

Ngoài ra, việc công ty thầu dịch lọc thận giá rẻ nhất bất ngờ thay đổi (bỏ thầu gói vật tư y tế, chuyển đăng ký dịch lọc sang gói thuốc và hóa chất) đã đẩy BV này vào cảnh phải mua nhỏ giọt theo tuần để có thể điều trị chạy thận nhân tạo, từ giờ cho đến tháng 8…

Tuy nhiên, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định hiện tượng này chỉ xảy ra ở BV TP Thủ Đức do Ban Giám đốc BV này chưa nắm rõ quy trình mua sắm khi không chọn được nhà thầu và Sở Y tế hướng dẫn xử lý tình huống đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động chạy thận tại BV này.

Mới đây, lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã làm việc ngay với Ban giám đốc BV TP Thủ Đức để nghe báo cáo cụ thể về tình hình thực tế để hướng dẫn cách giải quyết tình huống hợp lý và đúng quy định. Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đánh giá BV TP Thủ Đức đã không lựa chọn được nhà thầu đối với mặt hàng dịch lọc thận trong gói thầu mua sắm vật tư y tế năm 2022 qua hình thức đấu thầu rộng rãi (do BV xây dựng giá kế hoạch thấp), cách xử lý tình huống của BV này là thực hiện các gói thầu quy mô nhỏ để đảm bảo có đủ dịch lọc thận trong khi chờ thực hiện các thủ tục mua sắm theo quy định cho gói thầu quy mô lớn với hình thức đấu thầu rộng rãi trở lại. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã hướng dẫn ngay cách xử lý tình huống này cho Ban Giám đốc BV TP Thủ Đức. Theo đó, trong thời gian chờ kết quả đấu thầu rộng rãi (dự kiến tháng 8/2023), BV nên thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp từ kết quả trúng thầu từ các BV bạn để đáp ứng một số lượng dịch thận lớn hơn và không phải mất nhiều thời gian, công sức để tổ chức các gói thầu mua sắm nhỏ lẻ.

Các chuyên gia về Thận học của TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị sớm củng cố mạng lưới các cơ sở y tế tham gia chăm sóc người bệnh bị suy thận có chỉ định chạy thận, trong đó, ưu tiên đầu tư nguồn lực (từ ngân sách hoặc có cơ chế chính sách huy động nguồn lực xã hội đầu tư thiết bị chạy thận cho các BV) giúp tất cả các BV tuyến huyện có đủ điều kiện để triển khai chạy thận cho người bệnh cư ngụ trên địa bàn (Công an nhân dân, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang