Khánh Hoà: Nửa đêm côn đồ xông vào bệnh viện đòi đánh thầy thuốc
Chiều tối 31/5, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, vừa có đơn đề nghị cơ quan chức năng, khởi tố đối tượng nửa đêm xông vào bệnh viện vô cớ đòi đánh thầy thuốc.
Dư luận rất lo ngại (đặc biệt là các thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa), bởi những ngày gần đây đối tượng có tên là Nguyễn Quốc Tuấn – (SN 1978, ngụ ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và đồng bọn không chỉ thường xuyên gây rối trật tự, mà còn đòi đánh cả nhân viên đang làm nhiệm vụ tại khoa cấp cứu của bệnh viện này. Tuy nhiên, đối tượng này đến nay vẫn chưa bị cơ quan pháp luật xử lý và nghiêm trị.
Theo nội dung văn bản mà Bệnh viện Khánh Hòa gửi cơ quan chức năng, vụ việc bắt đầu từ khuya ngày 24/5 (gần 24 giờ), Tuấn xông vào khoa cấp cứu của bệnh viện gặp y sĩ Trần Thái Học đòi gặp bác sĩ Nhật. Khi y sĩ này trả lời là không có bác sĩ Nhật, Tuấn đã dùng những lời lẽ thô tục, chửi thề và thách thức bác sĩ và kể cả bảo vệ Long Sơn. Tuấn còn đòi gọi Công an Phường Lộc Thọ (nơi có BVKH đứng chân) đến đây gặp và ngang nhiên đứng trước hệ thống camera tuyên bố “quay kỹ mặt thằng Tuấn này…”
Sau đó (15 phút sau), Tuấn lại ngang nhiên chạy xe máy lao thẳng vào trong phòng cấp cứu và nhìn vào mặt hai bảo vệ Long Sơn nói “dắt xe cho tao”, bảo vệ này miễn cưỡng phải làm theo “mệnh lệnh” của Tuấn. Vào phòng cấp cứu, Tuấn yêu cầu y sĩ Học ra để đánh nhau…."Tuấn thường xuyên đến bệnh viện để gây rối và đã đánh nhân viên khoa cấp cứu. Hành động của tên Tuấn đã làm cho cán bộ và nhân viên bệnh viện, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại đây…hết sức lo lắng và hoang mang”- lãnh đạo Bệnh viện cho biết.
Trước đó, ngày 23/9/2013, tên Tuấn và đồng bọn từng xông vào nhà ông Phạm Việt Hùng, một cựu chiến binh Trường Sa (ở đường Tô Hiến Thành, TP Nha Trang) dùng mã tấu vô cớ chém ông Hùng gây thương tích. Với thân hình to khỏe, ông Hùng đã tước gọn hung khí (mã tấu dài 70 cm), khống chế được tên đồng bọn giao cho Công an phường Tân Lập xử lý.
Cùng ngày, Thượng tá Nguyễn Hồng Kỳ, Phó trưởng Công an TP Nha Trang cho biết sẽ cử người kiểm tra, xử lý sự việc trên.
Với vụ việc kể trên, các thầy thuốc ở đây rất lo ngại, ai sẽ là người bảo vệ cho họ trong khi đang làm nhiệm vụ cứu người? (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).
Ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi xử lý phản ánh của đường dây nóng y tế
Từ đường dây nóng 1900-9095 thông qua “Hệ thống tiếp nhận và xử các ý kiến, phản ánh của người dân”, với website:http://duongdaynongbyt.moh.gov.vn, tiếp nhận nội dung và chuyển các phán ánh của người dân trên cả nước về chất lượng khám chữa bệnh tới các cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế để phối hợp thẩm định, xử lý các phản ánh.
Thông qua đường dây nóng y tế, các thông tin phản ánh của người dân đã đến Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo các bệnh viện, lãnh đạo các đơn vị để nắm bắt và giải quyết được nhanh nhất. Theo tổng hơp của Văn phòng Bộ Y tế, đến nay đã có 1.358 trường hợp phản ánh đã được cải tiến quy trình trong việc cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh; 1.252 trường hợp đã cải thiện cơ sở vật chất.
Thông tin trên được TS Phạm Thanh Bình- Phó Chánh văn phòng Bộ Y tế đưa ra tại hội nghị nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn sử dụng phần mềm quản lý thông tin phán ánh của người dân qua đường dây nóng y tế (1900-9095) do Bộ Y tế tổ chức ngày 31/5.
Nhìn chung số cuộc gọi đến phản ánh về tinh thần, thái độ chưa tốt của cán bộ y tế đã giảm dần, số đơn thư khen ngợi, cảm ơn cán bộ y tế đã tăng lên. Về cơ bản hiệu quả của đường dây nóng đã được báo chí và người dân ghi nhận và đồng tình, đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị trong toàn ngành y tế.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, qua kiểm tra định kỳ và đột xuất về đường dây nóng, Bộ Y tế đã ghi nhận nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai. Về phía người dân cho rằng có quá nhiều số điện thoại đường dây nóng, nên không biết gọi số nào. Và không ít người dân lợi dụng đường dây nóng vì mục đích các nhân phản ánh không đúng...
Về phía người thực hiện đường dây nóng: có quá nhiều điện thoại nóng không đúng phạm vi, gọi vào đêm hôm hoặc trong lúc đang mổ ... (trên 60%). Vì nhiều đường dây nóng đang tồn tại, các đơn vị có thể ghi hoặc không ghi đủ, không tổng hợp hết số lượng phản ánh, cũng như kết quả xử lý phản ánh.
Tại hội nghị tập huấn, TS Phạm Thanh Bình – Phó Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết, để khắc phục tồn tại và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của đường dây nóng y tế, Văn phòng Bộ Y tế đã phối hợp với Viettel xây dựng phần mềm Quản lý thông tin phản ánh của người dân qua đường dây nóng Bộ Y tế. Hiện tại phần mềm này đã hoàn tất và được sử dụng thử nghiệm từ ngày 1/6/2016. Dự kiến chính thức đưa vào vận hành, khai thác từ tháng 7/2016.
Theo đó, khi nhận được ý kiến góp ý của người dân, các tổng đài viên sẽ phân loại và chuyển thông tin đến các đơn vị hữu quan để xử lý. Phần mềm sẽ giúp cơ quan quản lý cấp trên theo dõi liên tục, đôn đốc các đơn vị tuyến dưới trong việc thực hiện giải quyết những phản ảnh của người dân; việc hoàn thành giải quyết phản ánh, khiếu nại sẽ được thông báo đến người dân thông qua hệ thống tin nhắn SMS.
Từ đường dây nóng 1900-9095 thông qua “Hệ thống tiếp nhận và xử các ý kiến, phản ánh của người dân”, với website:http://duongdaynongbyt.moh.gov.vn, tiếp nhận nội dung và chuyển các phán ánh của người dân trên cả nước về chất lượng khám chữa bệnh tới các cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế để phối hợp thẩm định, xử lý các phản ánh. Bên cạnh đó, luồng vận hành và quy trình chuyển – nhận – kiểm soát và xử lý phản ánh được phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn của từng cấp. Với mục tiêu, kịp thời khắc phục những tồn tại, yếu kém trong công tác khám chữa bệnh, từng bước nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe cho người dân. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).
Chạy thận, thụ tinh nhân tạo tại… bệnh viện huyện
Nhiều kỹ thuật điều trị khó trước đây chỉ thực hiện ở các bệnh viện (BV) trung ương thì nay bệnh viện huyện đã làm được, đem lại cơ hội điều trị cho người nghèo, giảm chi phí đi lại. Đưa “trung ương” về huyện
Ngày 2.6, bác sĩ Vi Hồng Kỳ - Giám đốc BV Đa khoa Mộc Châu (tỉnh Sơn La) cho biết, BV đã thực hiện thành công ca thụ tinh nhân tạo thứ 3 sau gần 1 năm đưa vào ứng dụng kỹ thuật này. Theo bác sĩ Kỳ, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo mà BV thực hiện mới chỉ đơn giản là lọc tinh trùng, bơm vào tử cung, tuy nhiên kỹ thuật này nhiều BV tỉnh cũng chưa làm được.
Bác sĩ Kỳ cho biết, theo các nghiên cứu thì khoảng 10% dân số Việt Nam bị vô sinh, do đó, nhu cầu điều trị vô sinh của người dân địa phương khá cao. Tuy nhiên, để thực hiện thụ tinh nhân tạo, người dân mất rất nhiều thời gian làm xét nghiệm, theo dõi quá trình rụng trứng… Có nhiều cặp vợ chồng phải “ăn dầm nằm dề” ở Hà Nội 4-5 tháng trời mới thụ tinh xong, nếu thất bại lại phải quay lại, tiếp tục chờ đợi… Cuộc sống và công việc sẽ đảo lộn hoàn toàn. Nhưng nếu đưa kỹ thuật này về địa phương, người dân hoàn toàn có thể sáng đến viện, chiều về nhà.
Ngoài ra, BV Mộc Châu còn thực hiện nhiều kỹ thuật cao có “tầm cỡ” tỉnh, T.Ư như: Thay khớp háng toàn phần, mổ nội soi tái tạo dây chằng chéo khớp gối…
Bác sĩ Kỳ cho biết, kỹ thuật tái tạo dây chằng chéo khớp gối khá khó và đa dạng vì mỗi bệnh nhân có thương tổn khác nhau. Tuy nhiên, sau khi được các bác sĩ BV Việt Đức “cầm tay chỉ việc” một thời gian, các bác sĩ tại đây cũng đã thực hiện thành công. Theo bác sĩ Kỳ, 5 năm qua (từ 2011-2015), BV Mộc Châu đã triển khai được 40 kỹ thuật mới, khó như kỹ thuật siêu âm tim mạch máu, phẫu thuật nội soi ổ bụng, phẫu thuật gãy ức xương phức tạp, phẫu thuật nối mạch máu cấp cứu…
“Nhờ đó, hàng nghìn bệnh nhân ở Mộc Châu và các huyện lân cận đã không phải trèo đèo, vượt suối về xuôi để điều trị bệnh, giảm được rất nhiều chi phí cho người dân. Đồng thời cũng hạn chế được nhiều ca biến chứng, tử vong nhờ được cấp cứu, điều trị kịp thời” – bác sĩ Kỳ cho biết. BV Mộc Châu đang cử bác sĩ đi học phẫu thuật sọ não và hy vọng sớm đưa kỹ thuật này vào ứng dụng.
Cũng ở khu vực miền núi, BV Đa khoa huyện Simacai (tỉnh Lào Cai) đã chuyển giao thành công kỹ thuật chạy thận nhân tạo từ cuối năm 2015. Từ đó đến nay đã có 12 bệnh nhân suy thận điều trị ngay tại BV mà không phải đi xa. Đây là BV huyện miền núi đầu tiên thực hiện được kỹ thuật này.
Ông Nguyễn Phi Hùng – Phó phòng Điều dưỡng (BV Simacai) cho biết, trước đây, các bệnh nhân suy thận đều phải “khăn gói” vượt hơn 400km về BV T.Ư ở Hà Nội. Bệnh nhân nặng cứ 2 ngày lọc máu 1 lần, nhẹ cũng 1 tuần đôi ba bận. Do đó, các bệnh nhân suy thận phải sống vật vờ quanh BV, xa người thân, cuộc sống khó khăn, cô đơn. Nhưng nay các bệnh nhân đã có thể điều trị ngay cạnh nhà. Một số bệnh nhân ở Mường Khương, Xín Mần (Hà Giang) hoặc Bắc Hà (Lào Cai) cũng về Simacai để chạy thận vì so với đến BV tỉnh cũng gần hơn 1/2-1/3 quãng đường.
Mới đây, BV quận Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) đã thực hiện thành công kỹ thuật “Nút hóa chất động mạch TACE: Cắt mạch máu nuôi dưỡng khối u, bơm thuốc diệt ung thư nhằm ngăn cản sự phát triển của khối u”. Kỹ thuật này có nhiều ưu điểm, giảm đau đớn, kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Đây là một kỹ thuật khó mới chỉ được thực hiện tại các BV chuyên khoa ung bướu tuyến T.Ư. Hầu hết các BV tỉnh cũng mới chỉ “mơ ước” nhưng BV quận Thủ Đức đã mạnh dạn biến ước mơ thành hiện thực.
Đầu tư cho “xương sống”
Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, hơn 70% số bệnh nhân vượt tuyến ở T.Ư có thể điều trị ngay ở tuyến dưới; 81,8% số bệnh nhân vượt tuyến ở tỉnh có thể điều trị ở huyện, xã và 67,9% số bệnh nhân vượt tuyến ở huyện có thể điều trị ở ngay tuyến xã. Thậm chí nhiều người dân chỉ viêm họng, cảm sốt chỉ cần điều trị ở xã nhưng cứ thích vượt thẳng lên T.Ư. Để giảm tải cho tuyến trên, đồng thời giúp người dân tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh kỹ thuật cao được dễ dàng hơn, tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở, xu hướng hiện nay là đầu tư cho y tế cơ sở.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc đầu tư cần đồng bộ, đầu tư ở nơi có nhu cầu thực sự, khả năng thực sự chứ không nên đầu tư dàn trải, lãng phí.
Bác sĩ Vi Hồng Kỳ cho biết, việc thực hiện thành công nhiều kỹ thuật cao giúp BV thu hút được nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện tiêu chuẩn của bệnh viện chỉ 150 giường, nhưng thực kê đã lên tới 325 giường vẫn chưa đủ chỗ cho bệnh nhân. Có lúc bệnh viện tiếp nhận hơn 400 bệnh nhân nội trú. BV đang cử bác sĩ đi học phẫu thuật sọ não để giúp cứu sống các ca bệnh cấp cứu vì chấn thương sọ não. Vì nếu di chuyển các ca bệnh sọ não xuống tỉnh, T.Ư sẽ rất nguy hiểm, tỷ lệ sống rất thấp. Tuy nhiên, BV lại chưa có tiền để mua máy chụp CT – loại máy cần thiết cho phẫu thuật sọ não.
Còn theo ông Nguyễn Phi Hùng, BV Simacai mới có 1 máy chạy thận nên mỗi ngày chỉ lọc máu cho 4 bệnh nhân, chạy cả 30/30 ngày của tháng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. BV dự định đầu tư thêm 1 máy chạy thận nữa. Hiện, BV Simacai cũng thực hiện nhiều kỹ thuật vượt tuyến như mổ phẫu thuật cổ xương đùi, mổ niệu quản, mổ cắt mật bảo tồn gan… Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho biết, “làm tốt” quá cũng khổ vì bệnh nhân quá đông. Hiện giường chỉ tiêu của BV Simacai là 900, nhưng bệnh nhân lúc nào cũng trên 1.500 người. Việc thu hút bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ giỏi cũng khó khăn dù đãi ngộ lương thưởng không kém.
GS-TS Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc BV Bạch Mai – BV “mẹ” đã thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho nhiều BV vệ tinh, nhận định, vấn đề nan giải hiện nay là nhiều BV vệ tinh thiếu nhân lực, đặc biệt là các bác sĩ giỏi ở các chuyên ngành. Do đó, một số BV được chuyển giao kỹ thuật nhưng không có người thực hiện hoặc chưa dám thực hiện. Còn tại các BV vệ tinh làm tốt thì ngay sau khi được chuyển giao kỹ thuật thành công đã quá tải bệnh nhân, trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị lại đầu tư không kịp.
“Đề án BV vệ tinh chỉ tập trung nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý cho cán bộ nhưng lại chưa có phần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Trong khi đó, đối với y tế, đây là hai vấn đề quan trọng như nhau. Nếu chỉ có bác sĩ giỏi mà không có máy móc tốt thì các BV cũng bó tay” – TS Quốc Anh khẳng định. (Nông thôn ngày nay (trang 5).
Nguy cơ bùng phát dịch bệnh do virus đường ruột Coxsackie A6 tại Cao Bằng
Đó là nhận định của GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế sau khi trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống dịch CoxsackieA6 tại xã Quảng Lâm và Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Bảo Lâm vào ngày 1 và 2-6. Tại buổi làm việc của lãnh đạo Bộ Y tế với địa phương vào sáng 2-6, y sĩ Sầm Ngọc Nhậm, Trưởng Trạm y tế xã Quảng Lâm cho biết, từ ca tử vong đầu tiên vào ngày 21-4 tại xóm Tổng Ngoảng đến ngày 21-5 xã Quảng Lâm đã có tất cả 7 ca tử vong. Tất cả đều có các triệu chứng chủ yếu: quấy khóc, bỏ bú, bú kém, khó thở, sốt, nôn, tiêu chảy. Chính quyền địa phương và Trung tâm Y tế huyện đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nên đến ngày 2-6, tại xã không xuất hiện thêm trường hợp nào mắc mới.
BVĐK huyện Bảo Lâm cho biết đã thu dung 12 bệnh nhân bị sốt, ho, khó thở, tiêu chảy. Hiện tại đã có 10 bệnh nhân ra viện, 2 trường hợp đang được điều trị tại bệnh viện sức khỏe đã dần ổn đỉnh, và chuẩn bị được cho ra viện.
Giám đốc BVĐK huyện Bảo Lâm cũng cho biết thêm: 2 trường hợp được chuyển qua BVĐK tỉnh Hà Giang điều trị hiện sức khỏe cũng đã ổn định. Tuy nhiên, hiện tại BV còn gặp nhiều khó khăn trong khâu chẩn đoán, bởi chất lượng nhân lực còn hạn chế cũng như thiếu thốn về trang thiết bị tại tuyến dưới. Bên cạnh đó, do tập quán của người dân cũng như do đặc thù vùng miền, nên BV rất lúng túng trong việc tiếp xúc để chẩn đoán bệnh cũng như tuyên truyền cho người dân.
Sau khi kiểm tra tình hình thực tế tại ổ dịch ở xã Quảng Lâm cũng như công tác điều trị ở đốc BVĐK huyện Bảo Lâm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, dịch bệnh mới chỉ tạm dừng bước đầu và nguy cơ dịch bùng phát trở lại là rất lớn.
Bởi vì mầm bệnh còn ở đó, đối tượng cảm nhiễm còn ở đó, điều kiện vệ sinh, môi trường tại gia đình của đồng bào chưa tốt, thời tiết lại bất thường, rất thuận lợi cho một số loại dịch bệnh phát triển, đặc biệt là các bệnh đường tiêu hoá.
Vì vậy để triển khai quyết liệt tất cả các biện pháp phòng, chống dịch, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ đạo Sở Y tế Cao Bằng, UBND huyện Bảo Lâm cần chủ động triển khai tất cả các biện pháp can thiệp ngoài cộng đồng, truyền thông nâng cao ý thức về sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, hướng dẫn bà con khi có các dấu hiệu đau đầu, sốt, tiêu chảy thì đến ngay Trạm Y tế để khám và điều trị, không được tự ý điều trị tại nhà.
Ngành y tế phải tiến hành khử khuẩn môi trường bằng Cloramin B, cấp phát Cloramin B cho đồng bào, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp khử trùng, vệ sinh ngay tại nhà, thực hiện ăn chín, uống sôi, phun thuốc khử khuẩn, diệt muỗi, cấp phát thuốc điều trị dự phòng cho bà con...
Ngày 29-5, UBND tỉnh Cao Bằng đã công bố dịch bệnh do virus đường ruột Coxsackie A6 quy mô cấp xã trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Cao Bằng yêu cầu Sở Y tế, UBND huyện Bảo Lâm thực hiện ngay các biện pháp phòng chống dịch bệnh do virus đường ruột Coxsackie A6 theo đúng quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, đồng thời quản lý, giám sát và theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh do virus đường ruột Coxsackie A6 trên địa bàn, không để phát sinh các ổ dịch mới. (Công an nhân dân (trang 5).
Lan truyền clip tố nhân viên y tế nhận cả sấp phong bì
Tối muộn 2-6, Bộ Y tế có văn bản gửi báo chí, thông báo đã yêu cầu Bệnh viện K xác minh, làm rõ, báo cáo về Bộ Y tế về clip đang lan truyền trên mạng xã hội, qua địa chỉ facebook có tên người dùng là Hoàng Diệu. Theo các clip đang để công khai trên trang này cho thấy một nữ cán bộ y tế đang nhận một xấp phong bì từ người nhà bệnh nhân.
Trong clip, cán bộ y tế này cho biết chỉ nhận phong bì giúp phẫu thuật viên. Còn phụ mổ, gây mê... thì người nhà phải tự đưa. Đồng thời hướng dẫn người nhà mang phong bì đi những đâu, cho ai...
Người dùng face book này cũng cho biết hình ảnh quay tại Bệnh viện K và được gửi tới ông Bùi Diệu, giám đốc bệnh viện.
Trong văn bản vừa gửi Bệnh viện, Bộ Y tế yêu cầu xác minh, xử lý và báo về Bộ Y tế trước 9-6. Theo thông tin từ Bệnh viện, hiện cán bộ bị tố nhận tiền trong clip đã bị tạm ngưng công việc. (Tuổi trẻ (trang 4).
Kỉ luật Phó Chánh Văn phòng Bộ Y tế chỉ tay vào mặt dân
Người đàn ông được cho là say rượu và có hành vi thiếu văn hóa với người đi đường đang lan truyền trên mạng hai ngày nay.
Liên quan đến vụ việc một người đàn ông được cho là say rượu và có hành vi thiếu văn hóa với người đi đường đang lan truyền trên mạng hai ngày nay, chiều qua lãnh đạo Văn phòng Bộ Y tế xác nhận, người đàn ông trên là ông Đỗ Trường Duy, đang công tác tại Văn phòng Bộ Y tế và giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng. Sau khi xác minh rõ sự việc, Văn phòng Bộ Y tế đã có thông báo số 48/TB-KL về việc kỷ luật cán bộ, công chức đối với ông Đỗ Trường Duy.
Thông báo của Văn phòng Bộ Y tế nêu: Sau khi nghe đồng chí Đỗ Trường Duy tường trình sự việc, Hội đồng kỷ luật của Văn phòng Bộ đã phân tích và nhận thấy: Đây là một việc xảy ra ngoài cơ quan và là một va chạm cá nhân nhưng do thiếu kiềm chế đã xảy ra xử sự không đúng mức, không thể hiện văn minh lịch sự của người cán bộ công chức. Hội đồng kỷ luật văn phòng Bộ Y tế quyết định khiển trách ông Duy và thông báo toàn cơ quan Văn phòng Bộ Y tế về những sai phạm đã mắc phải.
Trước đó, ngày 1/6, trên các trang diễn đàn mạng đưa thông tin, hình ảnh một vụ va chạm giao thông xảy ra trước cổng Bộ Y tế. Sau đó, một cán bộ được cho là đang công tác tại Bộ Y tế và cũng là một trong những người bước xuống từ ô tô va chạm giao thông, thay vì cùng người đi xe máy giải quyết vụ việc, người này có biểu hiện say rượu và hành động thiếu văn hóa. (Tiền phong (trang 2); Nông thôn ngày nay (trang 2), Thanh niên (trang 2), An ninh Thủ đô (trang 2), Lao động (trang 3), Hà Nội mới (trang 3).
Nguy cơ bùng phát bệnh dại
Hà Nội và nhiều tỉnh phía bắc, miền Trung đang chịu đợt nắng nóng gay gắt, dẫn đến nguy cơ bệnh dại do chó mèo cắn lây lan qua người. Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, trong năm 2015 cả nước có gần 400.000 người bị chó cắn phải đến các cơ sở y tế điều trị, trong đó có 78 người tử vong.
Còn 5 tháng đầu năm nay đã có 24 người bị tử vong do bệnh dại, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Thái Nguyên, Sơn La, Thanh Hóa, Bắc Giang, Gia Lai, Nghệ An, Hà Giang, Hòa Bình, Bắc Kạn, Tuyên Quang và Tây Ninh. Nhiều địa phương có số lượng người bị chó cắn phải đến cơ sở y tế điều trị tăng đột biến, như Thái Nguyên đã có gần 2.000 người bị chó cắn.
Trả lời Thanh Niên, PGS-TS Hoàng Văn Tân, Phó trưởng ban Thường trực dự án Khống chế và loại trừ bệnh dại, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho rằng tỷ lệ đàn chó phải được tiêm vắc xin bệnh dại đạt từ 70% trở lên thì mới có thể loại trừ nguy cơ lây lan bệnh dại trong cộng đồng. Thế nhưng, nhiều địa phương, đặc biệt là địa bàn miền núi, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên đàn chó đạt tỷ lệ rất thấp, là nguy cơ dẫn đến bệnh dại gia tăng trong mùa hè này.
Qua ghi nhận từ các địa phương có người tử vong do bệnh dại, nguyên nhân chủ yếu là do chó nuôi trong nhà phát bệnh dại cắn người. Cá biệt ở Thái Nguyên ghi nhận có trường hợp chó phát dại cắn cùng lúc 7 người. Còn theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), trong năm 2015 có địa phương như Cà Mau tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó chỉ đạt 1,65%, đa số các địa phương không đạt tỷ lệ tối thiểu 70% như quy định.
Đáng lưu ý, theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y, Nghị định 05/2007 của Chính phủ về phòng, chống bệnh dại trên động vật quy định tất cả chó mèo bắt buộc phải tiêm phòng bệnh dại, trường hợp không tiêm thì chủ nuôi phải bị xử phạt từ 100.000 - 300.000 đồng. Nhưng trên thực tế, ở các địa phương gần như không xử phạt được trường hợp nào do chính quyền địa phương không vào cuộc.
Trước thực trạng này, trong tháng 5.2016, Cục Thú y đã thành lập 11 đoàn kiểm tra đi về 26 tỉnh, thành phố kiểm tra và đôn đốc chính quyền địa phương tiêm phòng chó dại.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cũng đã ký văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị đôn đốc tiêm vắc xin bệnh dại trên đàn chó và đặt mục tiêu quản lý cho được đàn chó mèo, giảm số lượng người bị chó cắn, người tử vong bị bệnh dại trong năm 2016.
Cụ thể, Bộ NN-PTNT yêu cầu chính quyền các địa phương rà soát, thống kê được số lượng đàn chó và phối hợp với ngành thú y tổ chức ngay các đợt tiêm phòng.
“Các địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động tiêm vắc xin cho đàn chó mèo, đặc biệt chủ nuôi phải ký cam kết không thả rông chó, mèo, khi đưa vật nuôi ra nơi công cộng phải có rọ, xích dắt đảm bảo an toàn cho người xung quanh. Chủ tịch UBND cấp huyện, xã quy định cụ thể về việc bắt giữ, thông báo, xử lý đối với chó thả rông ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị theo quy định tại Nghị định số 05/2007 và tổ chức lực lượng tuần tra, bắt giữ chó thả rông để xử lý. Thanh niên (trang 8).
Sơ cứu khi bị chó cắn
PGS-TS Hoàng Văn Tân khuyến cáo, trong mọi trường hợp bị chó cắn phải sơ cứu vết thương bằng cách rửa dưới vòi nước sạch trong khoảng 15 phút với các chất sát trùng sẵn có như xà phòng, rượu, cồn... để giảm thiểu lượng vi rút dại. Sau đó, người bị chó cắn bắt buộc phải đến các cơ sở y tế để được tư vấn điều trị, bởi thời gian ủ bệnh dại ở người ngắn nhất là 10 ngày, phổ biến từ 1 - 3 tháng.
Đặt tượng cố Thủ tướng Thụy Điển tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Chiều 2-6, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam và Bệnh viện Nhi Trung ương đã tổ chức lễ đặt tượng cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme tại tòa nhà mang tên Olof Palme mới khánh thành tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Olof Palme (1927-1986) là Thủ tướng Thụy Điển những năm 1969-1976 và 1982-1986. Ông là người kiên trì chủ trương hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc tái thiết đất nước, giúp Việt Nam xây dựng nhiều công trình quan trọng, trong đó có Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (Uông Bí, Quảng Ninh)…
Tác phẩm điêu khắc chân dung cố Thủ tướng Olof Palme đặt tại Bệnh viện Nhi Trung ương có kích thước chiều rộng 20cm, chiều cao 40cm, đây là bản sao của bức tượng bán thân ông Olof Palme được đặt trong Tòa nhà Quốc hội Thụy Điển. Tác phẩm do nhà điêu khắc Qvarsebo thực hiện.
Cùng ngày, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam và Bệnh viện Nhi Trung ương cũng khánh thành khu vui chơi cho bệnh nhi theo tiêu chuẩn phòng chơi của trẻ em Thụy Điển. (An ninh Thủ đô (trang 4).
Vụ bác sĩ để quên gạc trong chân bệnh nhân: Không phối hợp tốt về chuyên môn
Sau khi Báo ANTĐ đưa tin về việc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tạm đình chỉ công tác bác sĩ Lê Anh Tuấn - Khoa Chấn thương vì để quên gạc trong chân bệnh nhân sau phẫu thuật, phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết - Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức về vụ việc này.
PV: Với tư cách là Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam, nguyên Giám đốc bệnh viện đầu ngành về ngoại khoa, ông có ý kiến gì về sai sót của bác sĩ trong trường hợp này?
- PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Đọc được thông tin về vụ việc bác sĩ Lê Anh Tuấn, Khoa Chấn thương - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông bị bệnh viện tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét hình thức xử lý vì lỗi bỏ quên gạc trong chân bệnh nhân sau khi phẫu thuật, trước hết tôi cảm ơn Báo ANTĐ đã đưa thông tin một cách khách quan. Tuy nhiên là một người công tác trong ngành ngoại khoa, tôi cũng muốn chia sẻ thêm một số vấn đề về chuyên môn để làm rõ hơn lỗi sai sót của bác sĩ trong trường hợp này.
Theo quan điểm của tôi, khi xử trí vết thương phần mềm gan chân trái cho bệnh nhân Nguyễn Hải Anh (SN 1991, ở Hà Đông), do vết thương tương đối sâu, chảy nhiều máu nên bác sĩ Tuấn đã đặt bấc (gạc) dẫn lưu dịch tồn dư trước khi khâu vết thương, đồng thời kê đơn thuốc cho bệnh nhân điều trị ngoại trú, hẹn tái khám sau 24 giờ để thay băng và rút bấc dẫn lưu là hoàn toàn đúng về chuyên môn. Do đó, việc xử lý bác sĩ Tuấn vì lỗi sai sót chuyên môn, lỗi để quên gạc trong chân bệnh nhân là không thỏa đáng, bởi đây không phải là để quên gạc.
Trong phẫu thuật ngoại khoa, việc xử trí vết thương chảy nhiều máu bằng cách đặt bấc vào trong vùng mổ hay dùng bấc dẫn lưu dịch ra ngoài vết thương khá phổ biến. Ngay tại Bệnh viện Việt Đức, với những ca phẫu thuật chảy nhiều máu như vỡ gan, mổ thận, mổ u xương… các bác sĩ cũng phải chèn gạc vào rồi rút ra dần dần. Bệnh viện Việt Đức cũng hướng dẫn cho nhiều bệnh viện tuyến dưới về cách xử lý này khi chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
- Theo ông, lỗi của bác sĩ ở trường hợp này là gì, cần xử lý thế nào?
- Trong trường hợp này, sai sót của bác sĩ là sau khi phẫu thuật, đặt bấc trong chân của bệnh nhân nhưng lại chưa giải thích đầy đủ cho bệnh nhân về những bước điều trị tiếp theo, chưa thực hiện việc bàn giao bệnh nhân chặt chẽ theo quy định… Nói cách khác là bác sĩ này chưa thực hiện đúng quy chế chuyên môn.
Chính vì lỗi này nên khi bệnh nhân đi tái khám, gặp ca trực của bác sĩ khác đã không phát hiện ra việc bệnh nhân có đặt gạc trong chân và không tiến hành rút bấc dẫn lưu theo quy trình, dẫn đến bấc dẫn lưu tụt vào trong gây nguy hiểm.
Theo quan điểm của tôi, với lỗi quên không bàn giao bệnh nhân cho ca trực sau như vậy, có thể xử lý bác sĩ bằng hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm để tránh tái phạm, cũng có thể cắt thi đua, lương thưởng, còn nếu xử lý đình chỉ công tác là không thỏa đáng.
Đặc biệt, trong trường hợp cụ thể này ở Bệnh viện Hà Đông, không chỉ riêng một bác sĩ phẫu thuật có lỗi mà cần phải rút kinh nghiệm cả hệ thống điều trị sau phẫu thuật cho bệnh nhân đó.
- Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- Bác sĩ Tuấn phẫu thuật cho bệnh nhân khi đặt gạc chèn vào chỗ mổ nhưng không bàn giao bệnh nhân đầy đủ theo quy chế chuyên môn. Khi bệnh nhân đến khám lại, bác sĩ này nghỉ trực nên được một điều dưỡng khác thay băng, không tiến hành rút bấc dẫn lưu theo quy trình. Trong trường hợp này, lẽ ra khi bệnh nhân đến khám lại thì phải có bác sĩ khám và chỉ định điều trị tiếp.
Rồi những ngày tiếp theo khi bệnh nhân đến tái khám, bác sĩ đã không phát hiện ra. Có thể thấy hệ thống điều trị cho bệnh nhân sau phẫu thuật của bệnh viện đã phối hợp không tốt, thực hiện không đầy đủ, chặt chẽ theo quy trình, quy chế về chuyên môn. Theo tôi nếu xử lý thì phải chấn chỉnh, xử lý cả hệ thống để rút kinh nghiệm, không xảy ra các trường hợp tương tự về sau.
- Xin cảm ơn ông! (An ninh Thủ đô (trang 8):
Ca tử vong đầu tiên tại TPHCM do viêm não mô cầu
Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM ngày 1-6 xác nhận một bé gái ở TP.HCM đã tử vong do viêm não mô cầu. Bệnh nhi là VHNY (năm tháng tuổi, ngụ quận 11, TP.HCM), cấp cứu tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM trong tình trạng mệt mỏi, sốt cao, xuất huyết trên da, nôn ói, da tím tái và nhiễm trùng máu. Kết quả xét nghiệm cho thấy nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn Neisseria meningitidis (khuẩn mô cầu) gây viêm não mô cầu, một loại truyền nhiễm cấp. Các bác sĩ của BV đã tiến hành điều trị khẩn cấp nhưng bé không qua khỏi.
Tử vong trong vòng 24 giờ
BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết đây là ca đầu tiên phát hiện bị bệnh viêm não mô cầu từ đầu năm 2016 đến nay và cũng là trường hợp tử vong đầu tiên do vi khuẩn Neisseria meningitidis tại TP.HCM. Sau khi tiếp nhận thông tin về trường hợp này, trung tâm đã phối hợp các đơn vị liên quan gấp rút triển khai các bước điều tra dịch tễ, khoanh vùng xử lý dịch.
Trước đó, năm 2015, một thai phụ 22 tuổi ở TP.HCM cũng tử vong do mắc bệnh viêm não mô cầu. Nhiều ca viêm não mô cầu khác cũng được phát hiện rải rác ở Sơn La, Hòa Bình, Nam Định, Gia Lai, Hải Dương trong năm 2015 và đầu năm 2016.
Theo BS Dũng, nhiễm khuẩn Neisseria meningitidis thường gặp ở trẻ em từ hai tuổi trở lên nhưng trẻ dưới hai tuổi cũng có thể bị nhiễm. Trẻ em mắc bệnh này thường bị viêm màng não, triệu chứng cũng giống viêm màng não khác, trẻ bị sốt, nhức đầu, nôn ói và có những biểu hiện ở thần kinh đi kèm cảm giác bứt rứt, kích thích. Khi khám, đầu trẻ sẽ có dấu hiệu là hóp một phần, không cúi xuống được, trong y khoa gọi là cổ gượng hay cứng gáy.
“Đây là một loại bệnh nhiễm khuẩn rất nghiêm trọng, bệnh nhi có thể tử vong trong vòng 24 giờ sau khi phát hiện những triệu chứng đầu tiên” - BS Dũng cho biết.
Dễ lây nhiễm qua đường hô hấp
TS-BS Nguyễn Huy Luân, phụ trách phòng khám nhi BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết bệnh có hai hội chứng chính là nhiễm trùng và viêm màng não. Biểu hiện của hội chứng nhiễm trùng như sốt, rối loạn đường tiêu hóa, ói, tiêu chảy, đau bụng, gan lách to,… Hội chứng viêm màng não thì tùy theo độ tuổi: Trẻ nhỏ thì thường có biểu hiện thóp phồng ở đầu; trẻ lớn hơn thì triệu chứng rõ hơn như cứng gáy…
Nguyên nhân bệnh bùng phát thường xuất phát từ một ổ gây bệnh trong tự nhiên gây nên tình trạng nhiễm trùng, nơi cư trú có trẻ bị bệnh sẽ lây nhiễm cho trẻ khác qua đường hô hấp như ho, hắt hơi, sổ mũi… Viêm màng não gây ra nhiễm trùng não, nặng có thể dẫn đến phù não gây tổn thương thần kinh trung ương. Những biến chứng khác như áp xe trong não, tình trạng nhiễm trùng có thể lan toàn bộ cơ thể, gây ra bệnh nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong.
Khi có biểu hiện của bệnh, cha mẹ cần tránh cho trẻ ở nơi đông người, chăm sóc trẻ đúng cách để tránh lây nhiễm môi trường xung quanh như khi trẻ ho phải sử dụng khăn sạch, rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ. Những khu vực đã có trẻ bị viêm não thì phải khuyến cáo, đề phòng cho người xung quanh biết. Nếu phát hiện trẻ bị sốt cao, bứt rứt, ói liên tục và đặc biệt nếu trẻ lớn bị nhức đầu kèm ói, đó là những biểu hiện tình trạng tổn thương đến thần kinh, cần đưa trẻ đi khám sớm để điều trị kịp thời.
Chủ động ngừa bệnh bằng vaccine
Cách phòng ngừa viêm não mô cầu đơn giản và hữu hiệu nhất là tiêm ngừa vaccine. Hiện tại đã có vaccine ngừa viêm màng não do mô cầu. Não mô cầu thường có 3 type thường hay bị bệnh là A, B, C. Ở Việt Nam, loại thường gây bệnh là B và C chiếm đa số, loại A hiếm gặp. Ở Việt Nam đã có 2 loại vaccine ngừa não mô cầu là AC và BC. Loại BC được tiêm ngừa cho trẻ từ 3 tháng trở lên. Loại AC thì dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên…
TS.BS Nguyễn Huy Luân – Phụ trách phòng khám Nhi Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM
Viêm não mô cầu là bệnh lý nguy hiểm, dễ lây lan do vi khuẩn não mô cầu nằm ở dịch mũi họng. Chỉ cần dính một chút dịch mũi họng của người phát bệnh là có thể lây nhiễm. Do vậy, khi có trường hợp mắc bệnh não mô cầu cần nhanh chóng cách ly người bệnh. Khi tiếp xúc, hai bên phải đeo khẩu trang, không dùng chung các dụng cụ sinh hoạt, kể cả những vật dụng mà người bệnh đã cầm nắm. (Đời sống pháp luật (trang 12), Gia đình & Xã hội (trang 7), Sức khỏe & Đời sống (trang 3):
Nghệ An: Trẻ nhập viện vì bệnh viêm não tăng
Từ đầu tháng 5/2016 đến nay, tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, số trẻ mắc bệnh viêm não so với cùng kỳ năm trước tăng đột biến. Cụ thể đã có 22 trẻ mắc bệnh, ở lứa tuổi từ 2-14 tuổi.
Đáng lưu ý, những trẻ mắc bệnh viêm não đều thường chưa được tiêm phòng viêm não Nhật Bản, tiêm phòng quai bị. Hầu hết trẻ khi nhập Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đều ở tình trạng nặng. Có trẻ bị co giật, rối loạn tri giác, hôn mê.
Anh Hoàng Trọng Cửu (ở xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên) có con là cháu Hoàng Trọng Hải Minh (7 tuổi) đang điều trị bệnh viêm não ở khoa truyền nhiễm cho hay: Cháu bị bệnh cách đây 1 tuần. Buổi trưa, thấy cháu sốt và nôn, gia đình có đi mua thuốc ngoài cho cháu uống nhưng không đỡ.
Biểu hiện bệnh của cháu Hải Minh là có sốt nhẹ nhưng đau đầu dữ dội, nôn nhiều. Cháu đặc biệt sợ âm thanh, ánh sáng. Nghe tiếng động mạnh cháu bịt tai lại vì đau, bật điện lên thì cháu lấy gối, chăn che mắt lại.
Đến ngày hôm sau gia đình anh Cửu mới chở cháu đến bệnh viện để điều trị. Cháu được các bác sĩ chuẩn đoán là bệnh viêm não và cho phác đồ điều trị. Anh Cửu cho biết: “Sau 1 tuần điều trị tích cực nay sức khỏe cháu đá khá nhiều. Ngày mai có thể xuất viện”.
Tương tự, chị Đào Thị Quý Chính (xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành) – mẹ cháu Trần Minh Hải (14 tuổi) chia sẻ: Triệu chứng ban đầu của cháu là sốt cao, lên cơn đau đầu dữ dội. Gia đình cứ nghĩ cháu bị cảm mua thuốc về uống không đỡ. Sau 2 ngày 2 đêm, gia đình đưa cháu lên bệnh viện mới biết là viêm não.
Bác sĩ CK II Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho biết: Viêm não là tình trạng viêm của nhu mô não, biểu hiện bằng sự rối loạn chức năng thần kinh-tâm thần khu trú hoặc lan tỏa. Nguyên nhân của viêm não thường gặp nhất là nhiễm virus. Nhiều trường hợp mắc bệnh không được chữa trị kịp thời hoặc do bệnh nặng dẫn đến biến chứng yếu chi, liệt nửa người, nặng hơn là tàn phế, sống đời sống thực vật, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Sơn khuyến cáo: Bệnh có thể phòng được bằng cách tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ, vắc xin được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Ngoài ra, mọi người dần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Dấu hiệu bệnh viêm não gồm: sốt cao kéo dài, nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê, sợ ánh sáng… Ở trẻ nhỏ, các dấu hiệu trên không điển hình và khó phát hiện tuy nhiên vẫn có một số dấu hiệu quan trọng giúp định hướng chẩn đoán nhu nôn mửa, thóp phồn, khóc không thể dỗ nín hoặc khóc tăng lên khi trẻ được bồng lên hoặc làm thay đổi tư thế , gồng cứng người (Gia đình & Xã hội (trang 7).
Thoát hiểm ngoạn mục nhờ phương pháp ECMO cải tiến
Chỉ sau 15 ngày điều trị, từ ngấp nghé cửa tử, ngày 2/6/2016, bệnh nhân đã khỏe mạnh xuất viện trở về với cuộc sống đời thường...
Chỉ sau 15 ngày điều trị, từ ngấp nghé cửa tử, ngày 2/6/2016, bệnh nhân đã khỏe mạnh xuất viện trở về với cuộc sống đời thường, với người thân. Đánh giá về thành công của ca bệnh này, PGS.TS. Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW đã nói: “Đây có lẽ là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam bỏ thở máy ngay trong khi chạy ECMO. Chính biện pháp này là yếu tố then chốt góp phần vào sự thành công trong điều trị”.
Nguy cơ tử vong trên 80%
Bệnh nhân (BN) là một người phụ nữ 44 tuổi ở Nam Từ Liêm - Hà Nội. Chị bị sốt và tự điều trị bệnh tại nhà cho tới khi các triệu chứng khó thở nặng lên. Nhập viện 198 Bộ Công an, BN được xác định viêm phổi nặng, sau đó đã được cho thở máy qua nội khí quản do suy hô hấp và chuyển tới bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TW ngày 18/5/2016. Tại khoa Hồi sức tích cực, sau 24 giờ theo dõi và điều trị, tình trạng BN không được cải thiện, bắt đầu sốc, tụt huyết áp (HA), phổi tổn thương lan tỏa chiếm ¾ phổi, rối loạn đông máu, tiên lượng rất xấu. Những chỉ số của bệnh nhân đều chỉ ra nếu không can thiệp tích cực, nguy cơ tử vong trên 80%. Khoa đã tiến hành hội chẩn cấp cứu đồng thời xin ý kiến Giám đốc và thống nhất triển khai áp dụng kỹ thuật Trao đổi oxy ngoài cơ thể (ECMO) cho BN. Đây là một kỹ thuật hàng đầu trong việc cứu sống các trường hợp suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) không đáp ứng với các biện pháp điều trị truyền thống. Sau khi triển khai ECMO, tình trạng BN tiến triển tốt dần lên, sau 7 ngày BN được bỏ máy thở và rút ống nội khí quản, 24 tiếng sau đó, BN đã có thể tự thở mà không cần sự hỗ trợ của ECMO nữa. Bệnh nhân tiếp tục được cho thở oxy thêm 4 ngày nữa và dần dần hồi phục sức khỏe. Tới lúc này tất cả các thầy thuốc mới cảm thấy thở phào nhẹ nhõm. Giám đốc Nguyễn Văn Kính cho biết: Kỹ thuật ECMO là một kỹ thuật mới được áp dụng tại một số BV tuyến trung ương trong đó có BV Bệnh nhiệt đới TW. Việc triển khai kỹ thuật này đã góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân bệnh nặng nguy kịch. Trong trường hợp đặc biệt này ở BV bệnh nhiệt đới TW, kỹ thuật ECMO đã có một bước cải tiến khác với cách thức thông thường vẫn áp dụng tại các bệnh viện trước đây.
Cải tiến góp phần rút ngắn thời gian điều trị
ThS. BS Vũ Đình Phú, Trưởng khoa Hồi sức tích cực cho biết: trong các trường hợp ARDS, phổi bị tổn thương phần lớn, suy hô hấp, kỹ thuật ECMO giúp cho phổi được nghỉ ngơi gần như hoàn toàn, giảm thiểu di chứng tổn thương phổi so với phương pháp điều trị thở máy truyền thống. Sau 3 ngày áp dụng ECMO với chế độ thở máy cho phép phổi BN được nghỉ, BN được ngừng thuốc giãn cơ, thuốc an thần, nhờ đó BN tỉnh táo, có thể tự vận động nhẹ, ho khạc, giúp giảm nguy cơ ứ đọng đờm dãi. Thông thường quy trình ECMO sẽ áp dụng cho đến khi tình trạng bệnh nhân ổn định được với biện pháp thở máy thường quy trong ARDS. Sau khi cai ECMO, BN tiếp tục được thở máy cho tới khi chức năng phổi hồi phục để có thể bỏ thở máy. Nhưng trong trường hợp này, các thầy thuốc BV Bệnh nhiệt đới TW đã quyết định thay đổi. Sau 7 ngày thở máy BN được bỏ thở máy và rút ống nội khí quản. Tất nhiên lúc này, chức năng phổi của BN chưa đảm nhiệm được do thông khí còn kém, vì thế BN vẫn được hỗ trợ bằng ECMO. Lý giải cách làm này, BS Phú cho biết, khi bỏ thở máy và rút ống nội khí quản sớm sẽ giúp làm giảm thiểu các tác hại của thở máy đồng thời giúp các cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể được hồi phục, BN ho khạc bình thường nhờ thế chức năng phổi phục hồi nhanh hơn.
Đánh giá hiệu quả của cách làm “không theo thông thường” này, BS Phú cho rằng, có thể giảm đáng kể thời gian hồi phục của BN. Theo quy trình ECMO thông thường, có thể bệnh nhân phải thở máy kéo dài, có trường hợp hơn 1 tháng. Đương nhiên, theo đó chi phí điều trị cũng tăng lên. Ước tính 1 ca điều trị ECMO tổng chi phí lên tới 300 triệu -500 triệu đồng, thời gian kéo dài có thể hàng tháng. Còn trong ca bệnh này của BV Bệnh nhiệt đới TW, thời gian điều trị rút xuống còn 15 ngày, chi phí khoảng 200 triệu đồng.
BS Phú cũng chia sẻ rằng, việc áp dụng kỹ thuật ECMO thực sự không đơn giản, đi cùng với nó cần rất nhiều những biện pháp điều trị phối hợp khác. Khi một ca bệnh cần phải sử dụng đến kỹ thuật này tức là tính mạng của họ gần như đã vào bước đường cùng, BN ở tình trạng rất nguy kịch đòi hỏi sự nỗ lực, tâm huyết và năng lực chuyên môn cao về hồi sức cấp cứu của cả tập thể các thầy thuốc may ra mới cứu sống được người bệnh. Tuy nhiên, đứng trước tính mạng của người bệnh, chẳng có gì có thể so sánh được.
Tuy kỹ thuật ECMO có khá nhiều nguy cơ, rủi ro trong điều trị như nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu, tắc mạch nhưng đây vẫn là một công cụ hữu hiệu cho các BS hồi sức cấp cứu. Việc không ngừng tìm kiếm, cải tiến phương pháp điều trị để cứu sống người bệnh chính là y đức sáng chói của người thầy thuốc. (Sức khỏe & Đời sống (trang 4).
Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm: Sẽ về một mối
Dù TP Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả khả quan sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TƯ, ngày 21-10-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong tình hình mới, tuy nhiên công tác quản lý với sự tham gia của nhiều ngành vẫn chưa phát huy hiệu quả.
Để khắc phục tình trạng này, TP Hồ Chí Minh đã đề xuất thành lập một cơ quan quản lý ATVSTP nhằm tạo đầu mối chịu trách nhiệm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý.
Chồng chéo trong quản lý
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2011 đến nay, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) của thành phố đã xây dựng và phát triển nhiều mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP. Trong đó, thành phố tập trung thiết lập "chuỗi thực phẩm an toàn" kiểm soát thực phẩm tại nguồn, thu hút 55 cơ sở sản xuất tại TP Hồ Chí Minh và 11 tỉnh lân cận tham gia với sản lượng hơn 45 nghìn tấn/năm.
Đồng thời, tổ chức hơn 2.000 đoàn thanh tra, kiểm tra ở 3 tuyến, xử phạt nghiêm minh các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 50 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy sản phẩm không bảo đảm, công khai các cơ sở vi phạm trên các kênh thông tin truyền thông. Những biện pháp này đã góp phần giảm số người mắc ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố, với tỷ lệ 8,5 người mắc/10 vạn dân năm 2011 sang đến năm 2015 chỉ còn 2,68 người/10 vạn dân, nhiều năm liền không có trường hợp tử vong do ngộ độc.
Tuy vậy, ông Nguyễn Hữu Hưng cho rằng, việc chồng chéo trong công tác quản lý, kiểm tra giữa các cơ quan (Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công thương) đã gây ra nhiều bất cập trong công tác quản lý ATVSTP, ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp. Ngoài ra, hệ thống các văn bản pháp luật còn đang hoàn thiện, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Nhân sự cho việc quản lý ATTP cũng tồn tại nhiều bất cập, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh hiện chỉ có 9 cán bộ làm công tác quản lý ATTP, cán bộ chuyên trách tại cơ sở còn thiếu và kiêm nhiệm trong khi số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm quá nhiều.
Bà Nguyễn Thị Nhã Trúc, Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh) bổ sung: Khó khăn hiện nay đối với công tác kiểm soát dịch bệnh, ATTP là do diện tích, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sản lượng tham gia "chuỗi thực phẩm an toàn" còn ít và chưa tạo được thương hiệu với người tiêu dùng.
Một đầu mối trách nhiệm
Để làm tốt hơn công tác quản lý ATTP trong thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Phó Trưởng ban - Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP thành phố cho rằng: Việc cần làm trong thời gian tới là liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh để thực hiện triển khai quản lý chuỗi thực phẩm an toàn, kiểm tra chặt chẽ đầu vào của thực phẩm trước khi cung cấp cho người tiêu dùng.
Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết: Sở Y tế, Sở NN&PTNT và Sở Công thương đã tiến hành tham mưu, xây dựng đề án trình Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh về việc thành lập một cơ quan quản lý chuyên về ATTP trực thuộc UBND thành phố. Cơ quan này có chức năng quản lý thực phẩm từ nơi sản xuất đến tận tay người tiêu dùng. Đơn vị này sẽ có nhiều phòng thí nghiệm chuyên sâu, thực hiện chức năng kiểm định, cấp phép cho cơ sở sản xuất thực phẩm, đồng thời giám sát quá trình thực hiện ATTP. Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn sẽ được gắn logo của cơ quan quản lý cho người dân dễ nhận biết để sử dụng.
Cũng theo ông Nguyễn Tấn Bình, cơ quan trên sẽ tập hợp nhân sự chuyên ngành sẵn có nên sẽ tiết kiệm được kinh phí ban đầu. Giữ vai trò chủ đạo trong cơ quan này là Chi cục ATVSTP (Sở Y tế), có sự phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN&PTNT) và Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) trong quá trình thực hiện. Cốt lõi của việc thành lập cơ quan này là đưa trách nhiệm quản lý về một đầu mối để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng về ATTP.
(Hà Nội mới (trang 3).
Giành lại sự sống cho nữ sinh bị tai nạn giao thông cận kề cửa tử
Con gái bị đa chấn thương nặng do tai nạn giao thông, gia đình anh Nguyễn Minh H. (ở Thái Nguyên) tưởng như đã mất con vĩnh viễn...
Con gái bị đa chấn thương nặng do tai nạn giao thông, gia đình anh Nguyễn Minh H. (ở Thái Nguyên) tưởng như đã mất con vĩnh viễn, thế nhưng với sự nỗ lực hết mình của các thầy thuốc Bệnh viện (BV) Việt Đức cũng như thầy thuốc tuyến trước, con gái anh đã được cứu sống. Hơn 10 ngày sau khi nhập viện, cháu đã không còn phải thở máy, đã nói chuyện được với bố, bác sĩ (BS) điều trị và sẽ được ra viện trong tuần này.
BS Việt Đức lên Thái Nguyên hỗ trợ đồng nghiệp trong đêm
Kể chuyện với phóng viên ngày 1/6, anh H. cho biết, trưa ngày 18/5, trên đường đi học về, cháu Nguyễn Thu H. (15 tuổi, ở phường Hương Sơn, TP. Thái Nguyên) đang đi xe đạp ven đường đã trở thành nạn nhân vụ va chạm giữa xe ôtô và xe chở container trên đường. Cháu H. bị ngã và xe ôtô chèn vào phần tay trái của cháu, người đi đường thấy cảnh tượng đó liền hét lên để lái xe ôtô dừng xe. Tuy nhiên, lúc này lái xe hoảng loạn nên đã lùi xe lại và thế là bánh xe tiếp tục chèn thêm vào đùi phải của cháu H.
háu H. ngay lập tức được đưa vào cấp cứu tại BV Gang thép, tuy nhiên do chấn thương của cháu quá nặng, máu chảy ồ ạt nên các BS đã chuyển cháu lên BVĐK TW Thái Nguyên. Anh H. kể: Lúc đó gia đình tôi có nguyện vọng đưa cháu về ngay BV Việt Đức, tuy nhiên các bác sĩ cho biết hiện cháu đang trong tình trạng quá nguy hiểm đến tính mạng, không cầm máu được, do đó cần sơ cấp cứu ban đầu cho cháu rồi tính đến chuyển viện sau. “Quãng đường từ BV Gang thép lên BVĐK TW Thái Nguyên chỉ hơn 10km mà khi vào đến Phòng cấp cứu của BVĐK TW Thái Nguyên, các bác sĩ cho biết, huyết áp và mạch của con gái tôi gần như bằng 0”, anh H. kể lại.
Lúc này, bệnh nhân (BN) H. nhập viện trong tình trạng sốc chấn thương: da niêm mạc nhợt trắng; mạch, huyết áp khó đo; phổi nghe giảm hai bên; bụng trướng, đụng giập toàn bộ cánh tay trái, đùi cẳng chân phải và tổn thương phức tạp tầng sinh môn. Xét nghiệm thấy rối loạn đông máu nặng.
BN được đẩy thẳng phòng mổ vừa hồi sức vừa chẩn đoán: thở máy, truyền dịch + máu, thuốc vận mạch duy trì huyết áp, hội chẩn ngoại khoa và xin ý kiến GS.TS. Nguyễn Quốc Kính - Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa, BV Việt Đức, đồng thời đề nghị cử cán bộ lên hỗ trợ gấp nhằm phối hợp điều trị, cứu chữa cho bệnh nhân H. GS. Kính đã tư vấn chỉ đạo điều trị qua điện thoại và cử BS. Lưu Quang Thùy - Phòng Hồi sức tích cực lên hỗ trợ và cùng các bác sĩ BVĐK TW Thái Nguyên cấp cứu BN.
Nhận được “mệnh lệnh” từ lãnh đạo Trung tâm Gây mê hồi sức ngoại khoa, BS. Thùy đã lên Thái Nguyên ngay trong đêm đó để kịp thời cấp cứu BN. Tại Thái Nguyên, BS. Thùy cùng đồng nghiệp các chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, ngoại tiêu hóa, ngoại chấn thương và các BS gây mê hồi sức của BVĐK TW Thái Nguyên đã can thiệp mạch cầm máu, khâu vết thương tầng sinh môn, cầm máu vết thương đùi và cánh tay, tiếp tục hồi sức tích cực: truyền máu, dịch, duy trì huyết động, chống các tạng suy, hạn chế tổn thương phổi và rối loạn đông máu.
Sau 2 ngày điều trị tại Phòng Gây mê hồi sức của BVĐK TW Thái Nguyên, bệnh nhân H. đã được truyền hơn 4 lít máu và plasma. Tuy tình trạng BN có khá hơn nhưng huyết động không ổn định, dấu hiệu suy tạng tăng lên, nguy cơ nhiễm khuẩn, tổn thương phổi do truyền máu khối lượng lớn. Do đó, qua tư vấn về chuyên môn với BS. Thùy qua điện thoại, BN được chuyển về BV Việt Đức điều trị tiếp.
“Chúng tôi tưởng mất con rồi, nhờ các BS, cháu đã được cứu sống”
BS. Lưu Quang Thùy cho biết, tại BV Việt Đức, bệnh nhân H. đã được làm toàn bộ Bilan chẩn đoán. Kết quả chụp MSCT 64 dãy cho biết, BN có tràn dịch màng phổi trái gây xẹp vùng đáy phổi trái, nhiều dịch tự do ổ bụng, gãy xương đòn phải và ngành ngồi mu xương chậu bên phải, đụng giập phần mềm thành bụng và hông phải.
BN được đưa vào phồng mổ phẫu thuật kiểm soát tổn thương bụng và làm hậu môn nhân tạo, dẫn lưu màng phổi trái, cắt lọc các vết thương, sau đó chuyển Phòng Hồi sức tích cực 2 điều trị. Tại đây, bệnh nhân H. được điều trị với những phác đồ mới nhất, trang thiết bị hiện đại nhất. BN được thở máy theo chế độ bảo vệ phổi, truyền máu và truyền dịch, đảm bảo huyết động, kháng sinh theo kháng sinh đồ, chống các tạng suy, chống rối loạn toan kiềm, rối loạn đông máu.
Sau 10 ngày điều trị tại Phòng Hồi sức tích cực 2 của Trung tâm Gây mê hồi sức ngoại khoa, bệnh nhân H. đã hoàn toàn tỉnh táo, đã rút được nội khí quản, không sốt, tình trạng huyết động ổn định. BN được tiếp tục chăm sóc, phục hồi chức năng. Dự kiến sẽ ra viện trong vài ngày tới. “Từ lúc cấp cứu ở Thái Nguyên đến khi điều trị tại BV Việt Đức, tôi cũng không chắc chắn cứu được cháu vì tổn thương quá nặng, BN lại phải di chuyển nhiều BV khác nhau. Thành công ngày hôm nay là sự nỗ lực hết mình của tất cả các giáo sư, bác sĩ của các tuyến TW và tuyến trước. Mình cũng cảm thấy vui vì là người điều trị trực tiếp và một mắt xích trong hệ thống đó. Hy vọng những người làm công tác y tế phối hợp nhịp nhàng hơn nữa trong việc cấp cứu, mang lại hạnh phúc cho người bệnh”, BS. Thùy chia sẻ.
Trò chuyện với chúng tôi, anh H. dù vẫn lo lắng cho sức khỏe của con gái (vì cháu H. đã được cứu sống, đã khỏe hơn nhưng cháu sẽ còn một hành trình dài để tập phục hồi chức năng, cắt ghép vá da thẩm mỹ...) nhưng anh H. vẫn chia sẻ: “Chúng tôi đã nghĩ đến tình huống xấu nhất, nhưng sau 2 ngày nằm ở BVĐK TW Thái Nguyên, đặc biệt là từ khi cháu chuyển viện về BV Việt Đức, được các BS ở đây tận tình chăm sóc, cứu chữa, cháu đã khỏe mạnh, đã nói chuyện được và nhớ lại hoàn toàn sự việc đã xảy ra... Gia đình tôi xin cảm ơn các BS nhiều lắm, nếu không có họ thì chúng tôi đã mất con rồi”.
Đây là một trường hợp BN đặc biệt thể hiện sự phối hợp và hỗ trợ kịp thời của BV Việt đức với các bệnh viện khác trong công tác cấp cứu ngoại viện. (Sức khỏe & Đời sống (trang 4).