Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 03/6/2017

  • |
T5g.org.vn - Sai phạm của ông Trương Quý Dương được kết luật từ lâu; Quản lý chặt giá thuốc tại nhà thuốc bệnh viện; Yêu cầu thành lập hội đồng chuyên môn tìm nguyên nhân bảy người chết khi chạy thận; Không tư nhân hóa y tế công; ...

 

Quản lý chặt giá thuốc tại nhà thuốc bệnh viện

Ngày 2-6, Tại Hội nghị Phổ biến Nghị định số 54/2017/NĐ-CP về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược, Bộ Y tế cho biết, Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chặt chẽ thuốc, giá thuốc tại các nhà thuốc trong khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận thuốc của người bệnh, nhất là người bệnh ngoại trú.

Theo đó, nhà thuốc trong bệnh viện chỉ được mua thuốc trúng thầu của chính cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, giá mua vào không được cao hơn giá thuốc trúng thầu. Đối với thuốc không có trong danh mục trúng thầu của chính cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì mua thuốc đã trúng thầu được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, giá mua vào không được cao hơn giá trúng thầu đã được công bố. Giá bán lẻ tại các nhà thuốc là giá mua vào ghi trên hóa đơn cộng với thặng số bán lẻ nhân với giá mua vào.

Chậm nhất từ ngày 1-1- 2018, các nhà thuốc trong bệnh viện phải thực hiện theo quy định mới này.  (Nhân dân, trang 5)

 

Yêu cầu thành lập hội đồng chuyên môn tìm nguyên nhân bảy người chết khi chạy thận

Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn yêu cầu Sở Y tế Hòa Bình kết hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, khẩn trương thành lập hội đồng chuyên môn kết luận nguyên nhân xảy ra sự cố y khoa khiến bảy người chết khi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Đồng thời, đề xuất hướng khắc phục để sớm đưa đơn nguyên thận nhân tạo của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đủ điều kiện hoạt động trở lại.

Hội đồng chuyên môn sẽ do lãnh đạo Sở Y tế làm chủ tịch, thành viên là các chuyên gia liên quan đến quy trình chạy thận nhân tạo của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thận Hà Nội… và các lĩnh vực liên quan khác do Sở Y tế mời hoặc chỉ định tham gia. Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng yêu cầu Sở Y tế Hòa Bình động viên cán bộ, viên chức, người lao động của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình ổn định tâm lý, yên tâm trong công tác khám, chữa bệnh.

Chiều 2-6, đoàn bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai do GS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực tiếp tục đến Bệnh viện đa khoa Hòa Bình hội chẩn và tìm cách cứu chữa cho người bệnh Nguyễn Thị Bích Nguyên, 45 tuổi, bị tai biến nặng nhất. Người bệnh này vẫn trong tình trạng rất nguy kịch, cùng lúc suy đa tạng gồm: tim, phổi, gan, ruột, thần kinh, tổn thương các cơ và rối loạn đông máu...

Người bệnh đang chuyển sang giai đoạn nhiễm độc, tình trạng suy gan nặng nề hơn, kèm theo xuất huyết tiêu hóa. Bệnh viện Bạch Mai đã tập trung nhiều máy móc, trang thiết bị và luôn có khoảng năm nhân viên y tế túc trực, theo dõi. Người bệnh được áp dụng kỹ thuật ECMO (kỹ thuật hồi sức đặc biệt, hoạt động thay chức năng của phổi và tim người bệnh), đồng thời liên tục được lọc máu và thay huyết tương hằng ngày.

Cùng ngày, Cục Quản lý khám, chữa bệnh có văn bản đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, y tế các bộ, ngành về việc bảo đảm an toàn cho người bệnh chạy thận nhân tạo. Theo đó, đề nghị các đơn vị trực tiếp thực hiện chạy thận nhân tạo, hoặc chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc có chạy thận nhân tạo tuân thủ đúng Hướng dẫn Quy trình lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo; Hướng dẫn Quy trình kỹ thuật rửa và sử dụng lại quả lọc thận. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, rà soát toàn bộ các bước chuẩn bị máy thận nhân tạo, dịch lọc thận, hệ thống xử lý nước, quả lọc thận, dây máu, kim chọc, các loại thuốc chống đông, hộp thuốc chống phản vệ; quy trình vận hành máy, hồ sơ bệnh án và các nội dung khác liên quan đến chạy thận nhân tạo… (Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân trang 2 : “Sở Y tế Hòa Bình phải báo cáo Bộ Y tế hằng ngày tình hình điều trị bệnh nhân chạy thận”

 

Vụ 18 người chạy thận tai biến tại Hòa Bình: Bệnh nhân nặng nhất có chỉ số sinh tồn gần bằng 0

Tính đến chiều nay, 2-6, bệnh nhân Nguyễn Bích N. (45 tuổi, ở Hòa Bình)- bệnh nhân nặng nhất sự cố chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vẫn trong tình trạng rất nặng do suy cùng lúc 6 tạng, y văn thế giới chưa từng ghi nhận.

Chiều 2-6, đoàn bác sĩ do GS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai đã đến Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình hội chẩn trực tiếp và tìm phương án đưa bệnh nhân nói trên về Hà Nội điều trị.

Qua thăm khám cho bệnh nhân Nguyễn Bích N., GS Nguyễn Gia Bình nhận định, bệnh nhân N. bị suy cùng lúc 6 tạng: tim, phổi, gan, ruột, thần kinh, tổn thương các cơ, rối loạn đông máu... Đây là trường hợp y văn thế giới chưa từng ghi nhận.

Hiện bệnh nhan đang chuyển sang giai đoạn nhiễm độc, tình trạng suy gan nặng nề hơn, kèm theo xuất huyết tiêu hoá, tiên lượng rất nguy kịch. Hơn nữa, bệnh nhân này còn bị ngộ độc cấp mà chưa xác định được nguyên nhân ngộ độc là gì.

Do tình trạng rất nặng nên bệnh nhân vẫn không thể vận chuyển về Hà Nội, vẫn phải giữ lại tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai sẽ tiếp tục túc trực tại đây cùng các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, tập trung thiết bị máy móc hiện đại nhất để cứu chữa bệnh nhân.

Thậm chí các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cũng đang cân nhắc việc sử dụng một loại xe chuyên dụng để có thể chở cả người bệnh và thiết bị máy móc về Bạch Mai. GS Nguyễn Gia Bình cho biết, dù hiện các chỉ số về sinh tồn của bệnh nhân gần như bằng 0 nhưng các bác sĩ vẫn hy vọng và nỗ lực giữ lại tính mạng cho người bệnh. (An ninh Thủ đô, trang 6)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong trang 10: “Sự cố chạy thận nhân tạo làm 7 người chết tại Hòa Bình: 100 triệu đồng/ngày điều trị cho bệnh nhân nặng nhất ”

 

Đưa hệ thống máy xạ trị điều trị bệnh ung thư hiện đại vào hoạt động

Sáng 2-6, Bệnh viện K (Bộ Y tế) tổ chức lễ khai trương Hệ thống gia tốc đa mức năng lượng và PET-CT kỹ thuật cao. Đây là một trong những hệ thống thiết bị y tế hiện đại nhất ở Việt Nam và thế giới trong điều trị bệnh ung thư hiện nay.

PGS,TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết: Nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh ngày càng cao; nâng cao chất lượng điều trị bệnh ung thư sánh ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới, Bệnh viện K đã được Chính phủ đầu tư một máy xạ trị gia tốc đa mức năng lượng: Máy xạ trị Infinity của hãng Elekta (Anh quốc) có ba mức năng lượng photon 6 MV, 15 MV; mức năng lượng unflattened beam 6MV (FFF) và bộ chuẩn trực collimator 160 lá Agility, là một trong những máy xạ trị hiện đại nhất ở Việt Nam hiện nay. Đi kèm là hệ thống trang thiết bị đồng bộ gồm: hệ thống thu nhận hình ảnh MV iViewGT; hệ thống thu nhận hình ảnh kVXVI; phần mềm lập kế hoạch xạ trị MONACO; phần mềm quản lý thông tin người bệnh MOSAIQ; hệ thống kiểm chuẩn liều cho IMRT: 2DmatriXX Evolution, MultiCube Phantom…

Lãnh đạo Bệnh viện K giới thiệu về các tính năng của Hệ thống gia tốc đa mức năng lượng trong điều trị bệnh ung thư sẽ được triển khai tại bệnh viện.

Với hệ thống này, máy có chức năng thực hiện các kỹ thuật xạ trị 2D, 3D theo hình dạng khối u và đặc biệt là kỹ thuật xạ trị điều biến liều sử dụng ống chuẩn trực đa lá (MLC), xạ trị điều biến liều theo thể tích hình cung VMAT, xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh… Đây là những kỹ thuật xạ trị từ đơn giản (xạ trị 2D, 3D) cho đến những kỹ thuật phức tạp (IMRT, VMAT, IGRT) đang được áp dụng trên thế giới hiện nay. Quy trình xạ trị được tuân thủ theo khuyến cáo của Hội xạ trị Mỹ và châu Âu, bảo đảm sự an toàn và chính xác trong điều trị xạ trị cho người bệnh. Đáng chú ý, việc thực hiện các kỹ thuật cao có thể được áp dụng rộng rãi trong việc điều trị các bệnh ung thư như: vòm, khoang miệng, họng miệng, thực quản, vú, cổ tử cung, tuyến tiền liệt và phổi, nhằm mang lại hiệu quả điều trị và chất lượng cao nhất . (Nhân dân, trang 6)

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng trang 2: “Đưa vào sử dụng hệ thống xạ trị ung thư hiện đại nhất Việt Nam”

 

Nhiều người nhập viện

Chiều 2/6, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, nắng nóng gay gắt khiến lượng bệnh nhi đến khám tăng từ 10-15% so với bình thường. Trung bình mỗi ngày, Khoa Khám bệnh tiếp nhận 3.200-3.500 bệnh nhi đến khám chủ yếu là các bệnh lý sốt virus, tiêu chảy, viêm đường hô hấp…

Ông Nguyễn Văn Thường, Phó Giám đốc Bệnh viện Saint Paul, cho biết, lượng bệnh nhi tại đây cũng tăng nhẹ 5-7%. Điều đáng lo ngại là có nhiều trẻ phải nhập viện vì sốc nhiệt, viêm đường hô hấp, dẫn đến viêm phổi nặng, sốt cao khó hạ thân nhiệt. Nguyên nhân là do trẻ được đưa ra, vào phòng điều hòa liên tục, cơ thể không thích ứng kịp với sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn.

Trong hai ngày Hà Nội nắng nóng gay gắt 39-40 độ C, tại Bệnh viện Lão khoa, lượng bệnh nhân cao tuổi đến khám cũng gia tăng, mỗi ngày, trung bình có khoảng 300 lượt bệnh nhân. Bệnh nhân cao tuổi đến khám và nhập viện chủ yếu do các bệnh đường hô hấp, tai biến mạch máu não…

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh khi thời tiết nắng nóng, người già và trẻ nhỏ cần phải uống đủ nước, dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung các loại trái cây để tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt cần tránh ra trời nắng trong khoảng từ 10h-16h bởi đây là thời điểm nắng gắt, tia tử ngoại cao. Ngoài ra, nhiệt độ trong phòng điều hòa và ngoài trời không được để chênh lệch quá lớn, tốt nhất nên bật ở mức từ 25-27 độ C. (Tiền phong, trang 4)

 

Bị đề nghị thanh tra, phòng khám kêu cứu

Trong khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng Phòng khám Đa khoa Tâm Đức (Bình Phước) có nhiều sai phạm và đề nghị thanh tra vào cuộc thì phòng khám này đang kêu cứu khắp nơi vì cho rằng mình làm đúng quy định.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN)  vừa có Công văn số 1986 gửi Bộ Y tế đề nghị thanh tra công tác khám chữa bệnh (KCB) BHYT tại Phòng khám Đa khoa (PKĐK) Tâm Đức, tỉnh Bình Phước. Trong khi đó, phía phòng khám này cũng gửi đơn cầu cứu đến Thủ tướng và các bộ/ngành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước để đề nghị thanh tra làm rõ các vấn đề liên quan…

BHXH: Phòng khám có nhiều sai phạm

Tại công văn trên, BHXH VN đã yêu cầu BHXH tỉnh Bình Phước báo cáo, qua đó cho thấy phòng khám này có một số nội dung thực hiện chưa đúng quy định.

Cụ thể phòng khám không đủ điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động là PKĐK. Năm 2016, phòng khám có 13 bác sĩ đăng ký hành nghề KCB, trong đó chỉ có năm bác sĩ đăng ký hành nghề toàn thời gian (cơ hữu), bằng 38% tổng số bác sĩ đăng ký hành nghề tại phòng khám. BHXH VN cho rằng căn cứ vào quy định, tỉ lệ này không đủ để được cấp giấy phép hoạt động PKĐK theo Thông tư 41/2011 của Bộ Y tế và Nghị định 109/2016 quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở KCB.

Công văn trên cũng cho rằng phòng khám không đủ điều kiện là cơ sở đăng ký KCB BHYT ban đầu: Năm 2017, phòng khám không có bác sĩ chuyên khoa ngoại đăng ký hành nghề KCB tại đó mà phân công bác sĩ đa khoa thực hiện KCB về ngoại khoa. Theo BHXH VN, đây là hành vi bị cấm theo quy định của Luật KCB. Đồng thời, phòng khám không đủ điều kiện là cơ sở đăng ký KCB BHYT theo Thông tư 40/2014 của Bộ Y tế.

Mặt khác, phòng khám này thực hiện miễn cùng chi trả cho người bệnh đến KCB BHYT nhằm thu hút người có thẻ BHYT, tạo nhu cầu KCB giả tạo. Nhiều người không có nhu cầu đi KCB nhưng do không mất tiền nên đã tranh thủ đến kiểm tra sức khỏe.

Công văn trên cũng chỉ ra các sai phạm liên quan đến các bác sĩ tại đây, liên quan đến giờ giấc KCB; thực hiện KCB về chuyên khoa y học cổ truyền; hoạt động của chuyên khoa phục hồi chức năng.

Với các nội dung trên, BHXH VN cho rằng để công tác KCB và thanh toán chi phí BHYT thực hiện đúng quy định, ngăn chặn kịp thời tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT (nếu có), BHXH VN đề nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với BHXH VN tổ chức thanh tra việc KCB BHYT năm 2016 và năm tháng đầu năm 2017 tại PKĐK Tâm Đức.

Cũng theo BHXH VN, việc BHXH tỉnh Bình Phước tạm dừng hợp đồng KCB BHYT với PKĐK Tâm Đức là đúng quy định. Bởi đây mới chỉ là tạm dừng thực hiện hợp đồng nhằm ngăn ngừa tiếp tục phát sinh những tiêu cực (nếu có) chứ không phải là chấm dứt hợp đồng KCB. Trước đó, ngày 22-5, BHXH VN đã có công văn yêu cầu BHXH tỉnh Bình Phước tạm dừng hợp đồng này để các cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ.

Tâm Đức: Chúng tôi đúng, xin mời làm rõ

Trao đổi với PV, bà Ngô Minh Chiến, Giám đốc PKĐK Tâm Đức, cho rằng việc BHXH VN đưa ra các kết luận trong khi chưa có thanh tra làm rõ và yêu cầu doanh nghiệp giải trình là không khách quan.

“Vụ việc xuất phát từ BHXH tỉnh Bình Phước nợ tiền tạm ứng kinh phí và thanh quyết toán cho doanh nghiệp chúng tôi nên công ty đã có văn bản đề nghị BHXH tỉnh thanh toán. Sau khi chúng tôi gửi văn bản thì 10 ngày sau BHXH tỉnh Bình Phước có chuyển trả hơn 6,2 tỉ đồng (tiền tạm ứng quý II-2017), còn các khoản tạm ứng KCB BHYT của năm 2016 và quý I-2017 thì chưa thanh toán, tổng cộng hơn 13 tỉ đồng. Sau đó BHXH tỉnh lại báo lên BHXH VN rằng doanh nghiệp chúng tôi có sai phạm. Dù trước đó chính BHXH tỉnh xác định phòng khám đủ điều kiện để KCB BHYT” - bà Chiến cho biết.

Trước các sai phạm về việc phòng khám không đủ điều kiện hoạt động, bà Chiến nói: “Nội dung này là hoàn toàn không đúng. Trước khi thực hiện ký kết hợp đồng KCB BHYT, BHXH tỉnh Bình Phước đã tiến hành thẩm định cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự tại PKĐK Tâm Đức và đã kết luận “Công ty Tâm Đức đủ điều kiện để triển khai KCB BHYT ngoại trú và đăng ký KCB BHYT ban đầu theo quy định” tại biên bản thẩm định ngày 18-11-2015 của BHXH tỉnh Bình Phước.

Liên quan đến các nội dung khác, bà Chiến cũng khẳng định: “Tất cả nội dung mà BHXH VN nêu là không có căn cứ, gây ảnh hưởng quyền lợi doanh nghiệp. Phòng khám chúng tôi cam kết việc ban hành quyết định giao các bác sĩ chịu trách nhiệm về chuyên môn tại các khoa KCB là đúng quy định của Luật KCB, đúng quy định trong phạm vi hoạt động chuyên môn đã được Sở Y tế phê duyệt và đúng với biên bản thẩm định của BHXH tỉnh Bình Phước. Chúng tôi cũng thực hiện đúng, đủ các nội dung và điều khoản của hợp đồng KCB BHYT năm 2016 và 2017. Nếu sai, PKĐK Tâm Đức hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Bà Chiến cũng cho hay đã gửi văn bản đề nghị cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, nhanh chóng vào cuộc để thanh tra làm rõ vụ việc KCB BHYT tại phòng khám. “Doanh nghiệp chúng tôi mong muốn được giải quyết đúng theo quy định pháp luật. Bởi chưa có kết luận đúng, sai của cơ quan thanh tra nào mà BHXH tỉnh Bình Phước tạm dừng hợp đồng KCB BHYT năm 2017 với Tâm Đức là không ổn” - bà Chiến nói. (Pháp luật TP.HCM, trang 4)

 

Không tư nhân hóa y tế công

Trạm y tế xã hội hóa là mô hình rất hay, tuy nhiên đừng để chạy theo lợi nhuận mà quên đi trách nhiệm với người dân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định như trên khi nói về mô hình trạm y tế xã hội hóa trong buổi làm việc cùng lãnh đạo và Sở Y tế TP.HCM chiều 1-6.

Phó Thủ tướng đánh giá việc chủ động đưa trạm y tế xã hội hóa công tư, phát triển thành nơi khám chữa bệnh giống một bệnh viện với đầy đủ tiện nghi là điều rất tốt, tuy nhiên lãnh đạo Sở cùng các nhà đầu tư cũng cần chú ý nhiều vấn đề.

Theo đó, một trong những điều thế giới lo nhất và khuyến nghị Việt Nam là không tư nhân hóa các cơ sở y tế công. Bởi khi đã tư nhân hóa, cổ phần hóa thì ắt chạy theo lợi nhuận.

Mục đích ban đầu là giúp xã hội nhưng vì lợi nhuận, sau một thời gian cơ sở sẽ lái theo xu hướng này. Như vậy những đối tượng xã hội cần quan tâm sẽ không còn được nữa.

Vì lẽ đó người ta khuyến nghị đổi mới mô hình tại Việt Nam nên tránh chạy theo lợi nhuận. Hợp tác công tư thì phải đảm bảo cả hệ thống không vì lợi nhuận, nếu cùng nhau làm mà vì lợi nhuận thì sẽ ảnh hưởng đến rủi ro.

TP phải thí điểm để đánh giá một cách khách quan, nếu không lường hết hệ quả thì không được.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết quan điểm chung là làm sao y tế cơ sở phải tiếp cận với dịch vụ có chất lượng.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là đầu tư. Vì bấy lâu nay chưa có bất kỳ đầu tư nào, đầu tư nhà nước trong thời gian tới sẽ lại khó khăn. Toàn quốc hiện có khoảng 10.000 trạm y tế xã, trong đó 50% trạm cần phải nâng cấp, xây mới.

Thứ hai là về y tế cơ sở, người dân gần như không có niềm tin nên thường bỏ qua y tế cơ sở mà lên thẳng tuyến trên, dẫn đến quá tải.

Từ trước đến nay, không có nhà đầu tư nào mặn mà với y tế cơ sở cả, chủ yếu là bệnh viện, phòng khám. Đối với trạm y tế thì rất ít, mà chủ yếu là cho khoản tiền xây cái nhà là xong.

“Người ta nhìn thấy nó không có lợi nhuận. Các chương trình tiêm chủng hay mục tiêu quốc gia đều là miễn phí, ai mà đầu tư vào chỗ miễn phí” - ông Long nói.

Chốt lại vấn đề, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói bây giờ không bàn nữa mà phải làm quyết liệt, nghiêm túc. Bộ và các nơi nhất định phải củng cố hệ thống y tế cơ sở đúng nghĩa, làm hết công tác từ dự phòng đến xã hội, khám chữa bệnh. (Pháp luật TP.HCM,  trang 13)

 

Thanh tra 4 dự án y tế tại TP.HCM

Chiều 2.6, tại Sở Y tế TP.HCM, Thanh tra Bộ Xây dựng đã công bố quyết định Thanh tra công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng của Sở tại 4 dự án: san lấp mặt bằng để xây dựng Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP; xây mới BV Nhi đồng TP (xã Tân Kiên và Tân Nhựt, H.Bình Chánh); cơ sở 2 BV Ung bướu (P.Tân Phú, Q.9); khu khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao BV Ung bướu (47 Nguyễn Văn Lượng, Q.Bình Thạnh).

Thời hạn thanh tra trong 45 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.

Bốn dự án trên có tổng vốn đầu tư (vốn nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác) hơn 10.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên hầu như dự án nào cũng để xảy ra khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác hồ sơ mời thầu, chấm thầu, lựa chọn nhà thầu. Đặc biệt dự án nào cũng kéo dài tiến độ hoàn thành. (Thanh niên, trang 2)

 

Sai phạm của ông Trương Quý Dương được kết luật từ lâu

Từ vụ 7 bệnh nhân tử vong trong quá trình chạy thận tại Bệnh viện đa khoa Hoà Bình, câu chuyện ông Trương Quý Dương, Giám đốc bệnh viện, từng bị kết luận có nhiều sai phạm trong thời gian dài cũng đang được dư luận chú ý.

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội sáng 2/6, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Trần Đăng Ninh cho biết, những sai phạm của ông Trương Quý Dương, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Hòa Bình (nơi vừa xảy ra vụ chết 7 người trong quá trình chạy thận) trước đây đã thanh tra và có kết luận cụ thể được công bố, xử lý.

Trưởng đoàn ĐBQH Hòa Bình cho biết, hiện tỉnh đang phối hợp với các cơ quan chức năng đang xác định nguyên nhân của vụ việc đáng tiếc khiến 7 người chết trong quá trình chạy thận.

"Giám đốc Bệnh viện đã xin lỗi và như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói rồi, sau khi xác định nguyên nhân, sai ở đâu thì sẽ xử lý", ông Ninh nhấn mạnh.

Còn việc xem xét công tác bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, ông Trần Đăng Ninh cho biết tỉnh sẽ xem xét sau khi xác định nguyên nhân của vụ việc chạy thận.

"Việc đấy quá lâu rồi, trong quá trình bệnh viện từ lúc mới đầu xây dựng, yếu kém như vậy. Sau đó, xây dựng xong hệ thống được thì cũng cơ bản làm tốt rồi. Bây giờ đang tập trung vào việc kia (sự cố khiến 7 người chết-pv)" - ông Trần Đăng Ninh nói.

Theo thông tin báo chí phản ảnh trước đó, khi còn làm Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi, Hòa Bình, ông Trương Quý Dương bị cán bộ nhân viên tố cáo về việc chi tiêu phung phí bằng tiền công quỹ và có một số hành vi sai trái khác.

Năm 2001, cơ quan thanh tra vào cuộc, kết luận: Ông Trương Quý Dương vi phạm chính sách về quản lý kinh tế, làm trái quy định, chi tiêu không đúng mục đích, buộc phải bồi thường công quỹ hơn 48 triệu đồng. Ông Dương bị kiến nghị kiểm điểm, xử lý kỷ luật.

Thế nhưng, chỉ vài tháng sau, ông Dương được điều chuyển lên làm Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em và Kế hoạch hoá gia đình tỉnh Hoà Bình. Được một thời gian ngắn, ông Dương lại bị cán bộ, nhân viên Trung tâm này làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng.

Cuối năm 2004, Công an tỉnh Hòa Bình điều tra, xác minh theo đơn thư tố cáo, làm rõ một số sai phạm liên quan đến ông Trương Quý Dương. Sau đó, ông Dương lại được cất nhắc lên làm Giám đốc bệnh viện đa khoa Hòa Bình./. (Nông thôn Ngày nay, trang 3)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang