Hàng ngàn người nhiễm giun sán từ vật nuôi
Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư (Bộ Y tế) cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, Khoa Khám bệnh của viện này đã khám và điều trị cho 3.397 lượt bệnh nhân, hầu hết là trường hợp nhiễm giun sán. Giun sán bị nhiễm gồm: ấu trùng sán lợn, sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ, sán dây, giun móc, giun đũa chó, giun lươn... Trong đó, cao nhất là bệnh giun đũa chó (607 bệnh nhân); bệnh sán lá gan lớn (595) và bệnh ấu trùng sán lợn (435).
Theo các chuyên gia về ký sinh trùng, nhiễm ấu trùng giun sán lợn khi người ăn phải thức ăn, nước uống, tay bẩn đưa lên miệng... có nhiễm trứng sán.
Ngoài ra, nguy cơ lây nhiễm trứng giun đũa từ chó, mèo vào người là rất cao do việc nuôi chó, mèo trong nhà là phổ biến. Các ấu trùng giun, sán nhiễm từ lợn, chó, mèo khi vào cơ thể người, có thể đi đến não gây bệnh ở hệ thần kinh T.Ư (viêm não - màng não, động kinh hay viêm dây thần kinh thị giác...).
Với sán lá gan lớn (ký sinh trong gan mật, trong cơ, dưới da ở người), ấu trùng này thường bám vào rau thủy canh và ký sinh trong một số loài nhuyễn thể (ốc, cua nước ngọt). Do đó, cần nấu chín, không ăn rau tái sống để phòng nhiễm. (Thanh niên (trang 4).
Thừa gì khổ thân... nhà đòn?!
Số đối tượng vừa bệnh vừa béo phì ở nước mình chắc chắn chưa đến độ nghiêm trọng như ở Âu Mỹ, dù không thấp nhưng tỉ lệ tử vong rõ ràng không kém! Vì thế phải có biện pháp phòng, chống béo phì cho người chưa thừa cân để giảm yếu tố rủi ro chỉ vì mấy cân mỡ vô tích sự.
Chần chừ gì nữa mà chưa chịu tìm đến thầy thuốc hiểu về biến dưỡng để đo lường chỉ số béo phì, lượng mỡ trong máu và trong mô liên kết, khi có cảm giác xoay trở nặng nề? Ngại ngùng gì nữa mà không chịu giảm cân cho khỏe mình, khỏe người thân, khỏe luôn thầy thuốc trong phòng cấp cứu? Không có lý do gì để từ chối, trừ khi muốn (...) sớm.
Xin quý độc giả tự đoán chữ bỏ trống trong ngoặc. Không nỡ viết hết ra đây lúc đầu tháng, sợ xui, khi cuộc đời hãy còn quá đẹp, khi ai nấy đều mới lãnh lương! Thương người như thể thương thân. Béo phì làm chi để rồi khổ thân người khiêng… quan tài?!
Bạn có biết?
Căn bệnh nào đang chiếm vị trí đầu bảng theo tiếng chuông báo động của ngành y tế ở Đức? Trái với dự đoán của nhiều người về bệnh tim mạch, tiểu đường…, béo phì chính là bệnh chứng gây tiêu hao trầm trọng ngân sách của các hãng bảo hiểm sức khỏe bên đó vì là đòn bẩy của nhiều bệnh chứng trầm kha.
Cũng theo thống kê hẳn hoi ở Đức, hơn một phần ba số người trên 50 tuổi đang là nạn nhân của tình trạng dư cân đến độ mỗi năm phải đổi quần áo nhiều lần.
Tỉ lệ tử vong, bất kể do bệnh gì, nếu phân nhóm “nạn nhân” theo trọng lượng cơ thể, chiếm không dưới 60% ở nhóm bệnh nhân béo phì, phần do hậu quả trực tiếp của rối loạn biến dưỡng, phần do tình trạng suy yếu của sức đề kháng, phần do hệ tim mạch suy kiệt sau nhiều ngày gắng sức bơm máu cho cơ thể quá có da có thịt.
Có lẽ bạn chưa biết
Con người muốn sống phải ăn. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với bạ gì cũng ăn, khi ăn phải ăn cho... hết! Khẩu phần tuy một mặt phải đa dạng để cung ứng đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể nhưng mặt khác phải tương xứng với nhu cầu sinh hoạt của cơ thể. Cũng như lòng tham con người, dưỡng chất còn thừa không được tự động đào thải mà bao giờ cũng tích lũy trong cơ thể ở chỗ nào đó để rồi dưỡng chất trở thành độc chất một cách oan uổng.
Muốn phòng tránh không có cách nào khéo hơn là tiêu hao năng lượng càng nhiều càng tốt, đồng thời phong bế tình trạng hấp thu chất béo càng khéo càng hay, nghĩa là càng phù hợp với cơ chế sinh học càng an toàn cho người bệnh. Chính vì thế người béo phì cần có sự tiếp tay của thầy thuốc để thiết kế một chương trình phối hợp thể dục, dinh dưỡng và nếu cần thiết, với thuốc men một cách linh động cho mỗi đối tượng cá biệt. Tệ hơn nhiều là kiểu kiêng khem theo quảng cáo êm tai nhưng cuối cùng chỉ có tác dụng “gậy ông đập lưng ông”, nghĩa là lại mập, thậm chí mập hơn, sau khi ngừng cữ ăn!
Bạn nên biết
Béo phì không chỉ gây tủi thân cho nạn nhân về mặt thẩm mỹ mà béo phì còn là một tình trạng bệnh lý cần được chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả.
Khác với người có trọng lượng trong định mức bình thường, người béo phì có khuynh hướng phản ứng trước tình huống stress với thái độ tuy ù lì về phản xạ nhưng nhạy bén thái quá về cảm xúc.
Đúng là càng béo càng rầu nhưng cũng vì càng buồn lại càng... mập! Vòng luẩn quẩn cứ thế tiếp tục theo chiều thuận với hướng quay của cây kim trên bàn cân, nếu nạn nhân không có cách nào tìm ra lối thoát.
Bạn cần biết thêm
Tình trạng phì lũ trước đây được gọi là chứng béo phì nay đã được đổi tên hẳn hoi thành bệnh béo phì, vì đó là nguyên nhân dẫn đến nhiều hậu quả bất lợi nghiêm trọng cho sức khỏe của người có thể thiếu đủ thứ nhưng lại thừa... mỡ! Béo phì rõ ràng tạo điều kiện thuận tiện để một số bệnh chứng nghiêm trọng như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, thuyên tắc tĩnh mạch, xơ vữa động mạch, tiểu đường, thống phong (bệnh gout), thoái hóa cột sống, viêm thận, viêm gan và thậm chí ung thư!
Tuy vậy, đừng nhìn béo phì qua cặp kính đen như dầu hắc. Cũng đừng hiểu sai về béo phì như không ít người đang kiêng cữ thái quá vì sợ mập cho dù trọng lượng cơ thể đang trong khung tiêu chuẩn của người… suy dinh dưỡng! Tốt nhất nên nhờ thầy thuốc tầm soát nguyên nhân và theo đuổi liệu pháp điều chỉnh một cách hòa hoãn nhưng lâu dài, thay vì giảm cân cái rụp để rồi sau đó, từa tựa như lời nhạc “Hai năm tình lận đận” của Phạm Duy, sau những ngày trăn trở ăn kiêng, mình lại mập, lại già hơn xưa! (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh).
Chặn "chiêu trò" trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế
Từ đầu năm đến nay, tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) đã lên đến mức cảnh báo nghiêm trọng. Dù Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã phát hiện, thu hồi, yêu cầu xuất toán hàng chục tỷ đồng ở các đơn vị mà cơ quan này tiến hành kiểm tra, song con số xử phạt được còn rất thấp so với thực tế. Cuộc chiến chống lạm dụng Quỹ BHYT vẫn đang hết sức nan giải. Thấy sai phạm nhưng khó xử lý
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2016, qua kiểm tra, BHXH Việt Nam đã phát hiện nhiều hành vi lạm dụng quỹ BHYT, thu hồi hàng chục tỷ đồng ở một số tỉnh được kiểm tra như Quảng Ninh, Quảng Nam… Trước đó, trong năm 2015, qua kiểm tra tại Quảng Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An…, cơ quan này cũng đã phát hiện sai phạm và yêu cầu thu hồi mỗi tỉnh hơn 20 tỷ đồng, tổng cộng con số bị thu hồi lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam dẫn chứng, ở một số bệnh viện mà BHXH Việt Nam tiến hành kiểm tra, đã phát hiện có hiện tượng dịch vụ xông dạ dày chỉ 30.000 đồng nhưng được kê lên thành 500.000 đồng/lượt. Mỗi năm 1 bệnh viện thực hiện hàng nghìn lần dịch vụ này nên số tiền trục lợi được từ quỹ BHYT cũng lên tới hàng chục tỷ đồng.
Hay có bệnh viện thu dịch vụ phân tích tế bào hệ thống tự động hoàn toàn với giá 62.000 đồng/lượt nhưng có cơ sở chỉ có hệ thống laser, theo quy định được thu tối đa là 40.000 đồng/lượt song vẫn thu đủ 62.000 đồng/lượt như các cơ sở khác, tức hưởng chênh lệch 22.000 đồng/lượt, qua kiểm tra giám định viên BHYT đã xuất toán hàng tỷ đồng. Ngoài ra còn có nhiều sai phạm khác như lựa chọn thuốc có hàm lượng không phổ biến, giá cao, thực hiện dịch vụ này nhưng lại thống kê thanh toán dịch vụ khác giá cao…
Phân tích thêm về tình trạng này, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định, số tiền mà BHXH Việt Nam yêu cầu thu hồi, xuất toán hàng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng như vậy vẫn còn rất ít so với thực tế. Lý do vì tình trạng lạm dụng quỹ BHYT tuy không có nhiều “chiêu trò” mới song ngày càng tinh vi, thậm chí có những hành vi trục lợi quỹ BHYT có thể nhìn thấy nhưng muốn xử lý lại không dễ.
“Điều làm khó các nhân viên giám định BHYT chính là tranh cãi về việc chỉ định thế nào cho hợp lý. Bác sĩ nói bệnh này phải chụp, chiếu, phải dùng thuốc này thuốc kia mới đúng, các giám định viên có thể nhìn thấy lạm dụng trong đơn chỉ định đó nhưng tìm được các bằng chứng để chứng minh họ lạm dụng rất khó khăn”, ông Phạm Lương Sơn cho biết.
Đặc biệt, từ khi thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh BHYT vào đầu năm nay, lợi dụng quy định mới về việc đi khám, chữa bệnh BHYT dễ dàng hơn, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT cũng gia tăng mạnh hơn. Đáng lo ngại là có tình trạng câu kết giữa y bác sĩ, các bệnh viện với người bệnh để cùng nhau trục lợi quỹ.
Điều này được thể hiện trực tiếp qua số lượng người đến khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế tuyến huyện từ khi thông tuyến BHYT đến nay tăng mạnh, có nơi tăng tới 44%, trong đó đã xác định được một số cơ sở y tế lập hồ sơ, chứng từ khống để thanh toán BHYT với cơ quan BHXH. Ông Phạm Lương Sơn thừa nhận, hiện tượng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT có nhiều biểu hiện cho thấy nguy cơ tăng cao nhưng ngăn chặn không hiệu quả.
“Do phần mềm liên thông dữ liệu giữa cơ quan BHXH và các cơ sở khám, chữa bệnh chưa hoàn thiện nên không quản lý được việc người bệnh có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh nhiều lần trong ngày, trong tuần tại các cơ sở khác nhau, dẫn đến khó quản lý tình trạng lạm dụng BHYT”, ông Phạm Lương Sơn lý giải.
Chống lách luật bằng công nghệ thông tin
Việc phòng chống, ngăn ngừa và xử lý các biểu hiện lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan BHXH. Tình trạng này đã có hy vọng được cải thiện, thậm chí tạo được chuyển biến đột phá trong thời gian tới khi ngày 30-6 vừa qua, BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế cùng khai trương cổng dữ liệu y tế, hệ thống thông tin giám định BHYT trên toàn quốc.
Lần đầu tiên ở nước ta, 14.000 cơ sở y tế cả nước chính thức kết nối toàn bộ việc giám định, thanh toán BHYT qua phương thức thuê công nghệ thông tin, đem lại bước thay đổi căn bản trong phòng bệnh, khám chữa bệnh nói chung, quản lý chặt chẽ và hiệu quả quỹ BHYT nói riêng.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, việc kết nối hệ thống thông tin giám định BHYT trên toàn quốc được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng lách luật từ chính sách thông tuyến BHYT, bởi một trong những tiện ích của hệ thống này là có thể kiểm soát được lịch sử khám chữa bệnh của người bệnh, qua đó sẽ phát hiện được các trường hợp bất hợp lý.
Hiện tại, số lượng khám, chữa bệnh BHYT ở nước ta đã tăng từ 136 triệu lượt năm 2014 lên 150 triệu lượt năm 2015, chi phí khám BHYT cũng tăng từ 41.400 tỷ đồng năm 2014 lên đến 50.000 tỷ đồng năm 2015 và dự báo sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong năm 2016. “Hệ thống này vận hành tốt, không chỉ đảm bảo tốt quyền lợi cho gần 150 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT hàng năm mà sẽ giúp quản lý chặt chẽ, hiệu quả quỹ BHYT theo đúng quy định của pháp luật, là một trong những giải pháp quan trọng kiểm soát được tình trạng lạm dụng quỹ BHYT”, bà Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh.
Cùng với đó, BHXH Việt Nam cũng đang nghiên cứu các giải pháp về cơ chế chính sách để sửa đổi một số quy định pháp luật chưa phù hợp, tạo kẽ hở cho việc trốn đóng BHYT, nâng mức xử phạt đối với hành vi này, đồng thời phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp trong việc chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam khẳng định, nếu phát hiện được sai phạm trong việc lạm dụng, trục lợi từ quỹ BHYT thì BHXH Việt Nam sẽ kiên quyết thu hồi tiền, không thanh toán, đặc biệt sẽ yêu cầu các cơ sở y tế chấn chỉnh sai phạm, nếu không sẽ chấm dứt hợp đồng thực hiện khám chữa bệnh BHYT.
BHXH Việt Nam đang ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với gần 2.100 cơ sở y tế trên cả nước, trong đó có gần 1.678 cơ sở công lập và 418 cơ sở tư nhân. 5 tháng đầu năm 2016, cả nước có 50,3 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2015; tổng số tiền thanh toán BHYT là 25,7 tỷ đồng. Một số tỉnh có số chi khám chữa bệnh BHYT 5 tháng đầu năm cao như Vĩnh Phúc (chiếm 122% kế hoạch cả năm), Đà Nẵng (56%), Thừa Thiên - Huế (52%)… (An ninh Thủ đô (trang 5).
Phòng tránh viêm não Nhật Bản trong đỉnh dịch
Theo chu kỳ, từ tháng 6 đến tháng 10 là đỉnh dịch viêm não Nhật Bản (VNNB), chỉ tính riêng 1 tuần qua, riêng Hà Nội đã ghi nhận 6 ca mắc trong tổng số 9 ca từ đầu năm tới nay. VNNB có tỷ lệ tử vong và di chứng cao, vì vậy các biện pháp phòng, tránh bệnh cần được đặc biệt chú ý, trong đó quan trọng nhất là tiêm phòng vaccine
VNNB là căn bệnh có nguy cơ mắc trong mùa hè, ở mọi lứa tuổi nếu chưa được tiêm vaccine. Đặc biệt gặp phổ biến sở trẻ dưới 15 tuổi, chiếm hơn 90% số ca mắc. Ước tính, khoảng 30% bệnh nhân VNNB nhập viện tử vong và khoảng một nửa số trường hợp sống sót bị các di chứng thần kinh và tâm thần nặng nề. Biểu hiện của VNNB là sốt cao kèm theo các dấu hiệu thần kinh như nhức đầu, buồn nôn và nôn. Trẻ co giật, mê sảng, vật vã hoặc li bì, rối loạn thần kinh thực vật biểu hiện da lúc đỏ lúc xám, vã mồ hôi, mạch nhanh.
Động vật nhiễm virus có vai trò là nguồn truyền nhiễm bệnh VNNB cho người (các loài chim, gia súc…). Virus lây qua đường máu, trung gian truyền bệnh chủ yếu là muỗi Culex. Ở nước ta, loại muỗi này sinh sản mạnh vào mùa hè, đỉnh điểm là từ tháng 3 đến tháng 7. Vì vậy, để phòng bệnh, người dân cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu; nên ngủ màn và đề phòng muỗi đốt.
Không nên cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng đúng lịch và đủ liều vaccine. Theo đó, mũi vaccine ngừa VNNB được tiêm đầu tiên khi trẻ đủ 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần; mũi 3 sau mũi 2 là 1 năm. Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại 1 lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Với trẻ lớn trên 5 tuổi mà chưa từng được tiêm vaccine thì cũng tiêm càng sớm càng tốt với 3 liều cơ bản và khoảng cách các mũi tương tự như trên.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế lưu ý, riêng với vaccine ngừa VNNB, nếu không tiêm đủ liều thì hiệu quả bảo vệ rất thấp. Theo đó, nếu chỉ tiêm 1 mũi đầu tiên thì gần như không có hiệu lực bảo vệ, tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%, tiêm đủ 3 mũi thì hiệu lực bảo vệ đạt 90-95% trong khoảng 3 năm.
Từ năm 2015, vaccine VNNB chính thức được triển khai trong tiêm chủng mở rộng hàng tháng. Theo đó, thay vì tổ chức tiêm chủng theo đợt diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định trong năm tùy theo từng nơi, các địa phương đã tổ chức tiêm vaccine VNNB hàng tháng cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng cùng với các vaccine khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Do đó, người dân có thể đưa trẻ đến tất cả cơ sở tiêm chủng để được tiêm. (An ninh Thủ đô (trang 6).
Viện phí tiếp tục tăng: Bệnh nhân và bệnh viện cùng chịu áp lực
Sau hơn 4 tháng thực hiện đợt điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế đầu tiên với đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), có thể nhận thấy sự chuyển động về chất lượng tại các cơ sở y tế. Nhưng dường như, do năng lực vẫn hạn chế, nên chưa thể đáp ứng yêu cầu của người dân. Dự kiến, tháng 8 tới, viện phí tiếp tục được điều chỉnh tăng và gánh nặng áp lực không chỉ tăng trên vai bệnh nhân mà cả các bệnh viện với yêu cầu bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh tương xứng với mức phí.
Cải thiện chưa nhiều
Ngày 1-3, liên bộ Y tế - Tài chính đã có đợt điều chỉnh giá với gần 1.900 loại dịch vụ kỹ thuật y tế, mức tăng bình quân khoảng 30% và chỉ áp dụng cho bệnh nhân có BHYT. Theo đó, 1.400 bệnh viện trên toàn quốc đều thu viện phí theo mức mới, gồm phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, chi phí trực tiếp cho người bệnh.
Theo quy định, các cơ sở y tế phải dành tối thiểu 5% từ nguồn thu để nâng cấp, cải tạo cơ sở khám chữa bệnh, tăng giường bệnh; mua bổ sung, thay mới chăn ga, gối đệm, quạt... để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Từ tháng 3 đến nay, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra về chất lượng dịch vụ y tế sau khi tăng viện phí. Kết quả cho thấy, chất lượng tại một số bệnh viện đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra như vụ sập trần ở Bệnh viện Nhi trung ương và Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương, nhân viên y tế Bệnh viện K trung ương nhận phong bì của người bệnh, nhân viên tại Bệnh viện Bạch Mai “nấu cháo” điện thoại trong giờ làm việc, bỏ mặc bệnh nhân chờ đợi… Thậm chí, tại Bệnh viện K trung ương, hiện tượng quá tải bệnh nhân vẫn diễn ra và cũng là cơ sở bị người dân phàn nàn nhiều nhất qua hệ thống đường dây nóng của Bộ Y tế về tình trạng “cò mồi”, nhân viên y tế nhũng nhiễu, vòi vĩnh bệnh nhân.
Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng tiến hành đánh giá việc thực hiện “Bệnh viện vệ sinh” tại hơn 250 bệnh viện, kết quả cho thấy, nhiều nhà vệ sinh của các bệnh viện không đạt tiêu chuẩn, không có xà phòng, xả rác bừa bãi, sử dụng ga giường bệnh cũ… Chỉ gần 23% bệnh viện bảo đảm các phòng cách ly có nhà vệ sinh riêng; gần 53% bệnh viện có buồng vệ sinh với bồn rửa tay có nước sạch, xà phòng, khăn lau tay…
Áp lực tăng cao
Dự kiến vào tháng 8 tới, giá viện phí tiếp tục tăng với phạm vi áp dụng ở 10 tỉnh, thành phố có số người dân tham gia BHYT đạt 90-95% trở lên. Ở lần điều chỉnh trước, giá dịch vụ y tế mới có cộng thêm phụ cấp trực ngày giường và phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật. Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế tới sẽ cộng thêm lương của nhân viên y tế và nằm trong lộ trình đã định trước.
Được biết, với việc đưa lương vào viện phí, đợt điều chỉnh lần này sẽ có hàng chục nghìn dịch vụ kỹ thuật tăng giá, với mức tăng trung bình khoảng 50%. Do đó, với các dịch vụ sử dụng ít nhân lực, chi phí tiền lương trong giá dịch vụ thấp như: Chẩn đoán, chiếu chụp, xét nghiệm… sẽ có mức tăng thấp hơn. Ngược lại, những dịch vụ kỹ thuật có chi phí tiền lương cao với sự tham gia của nhiều nhân viên y tế như: Các phẫu thuật nặng được xếp loại đặc biệt, loại 1 có tới 7-8 bác sĩ tham gia kíp mổ… mức phí sẽ tăng cao. Ví dụ, giá ngày giường điều trị hồi sức tích cực (ICU)/ghép tạng/ghép tủy/ghép tế bào gốc sẽ điều chỉnh dao động ở mức 570.000 đồng - 680.000 đồng (trong khi đợt điều chỉnh tháng 3-2016 chỉ tăng lên mức 350.000 đồng); giá giường bệnh nội khoa tại bệnh viện hạng đặc biệt sẽ điều chỉnh lên gần 220.000 đồng (giá vào tháng 3 là 99.000 đồng)…
Ông Nguyễn Nam Liên cho biết, mức viện phí mới sẽ áp dụng cho mọi đối tượng nên sẽ có tác động đến tất cả người bệnh. Hiện vẫn còn 23,5% dân số chưa tham gia BHYT và đây là nhóm có thể chịu gánh nặng rất lớn nếu không may mắc bệnh nặng.
Mỗi đợt giá dịch vụ y tế được điều chỉnh, dư luận lại băn khoăn, người bệnh sẽ “được gì”? Viện phí tăng có giúp các bệnh viện nâng cao chất lượng dịch vụ y tế? Về vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho rằng, tăng viện phí chỉ là một trong rất nhiều điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Điều mà người bệnh “nhận” nhiều nhất sau khi tăng viện phí là cơ hội được cơ quan BHXH bảo vệ quyền lợi, không phải nộp thêm những khoản tiền phi lý mà một số bệnh viện yêu cầu hiện nay. Thêm vào đó là tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định, muốn có sự hài lòng của người bệnh thì chất lượng là vấn đề sống còn, đặc biệt khi ngành Y tế điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ. Thế nhưng, hiện cả nước chỉ có 2 bệnh viện tư đạt chứng chỉ JCI (Joint Commission International) - một chứng nhận chất lượng y tế uy tín quốc tế. Do đó, các bệnh viện phải tập trung nâng cao chất lượng, trong đó quan trọng nhất là chất lượng nguồn nhân lực, tiếp đến là xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, đầu tư trang thiết bị hiện đại và tập trung đổi mới phong cách, thái độ phục vụ bệnh nhân.
Khi Bộ Y tế đưa ra quyết định tăng giá dịch vụ y tế theo lộ trình tính đúng, tính đủ, thực chất, các bệnh viện đã thực sự bước vào giai đoạn chịu áp lực lớn. Bởi khi không còn "bầu sữa" ngân sách thì nguồn thu chính sẽ đến từ người bệnh. Không nâng chất lượng, thay đổi phong cách phục vụ, người bệnh sẽ không đến và như vậy bệnh viện sẽ không có nguồn thu và không thể duy trì hoạt động.
Tới đây, Bộ Y tế sẽ công khai chất lượng các bệnh viện thông qua 83 tiêu chí và đánh giá mức độ hài lòng của người bệnh qua các đợt kiểm tra vừa qua. Căn cứ vào kết quả đánh giá này, BHXH Việt Nam sẽ điều chỉnh hợp đồng BHYT với các bệnh viện. (Hà Nội mới (trang 1).