Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 03/7/2023

  • |
T5g.org.vn - Tháng 7 sẽ có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng; Vô sinh ở nam nhưng gán cho nữ; Hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân; Vắc xin tay chân miệng sắp cấp phép tại Việt Nam hiệu quả ra sao?; Thai phụ bị phòng khám giữ lại để “vẽ bệnh, moi tiền”; 40% trẻ mắc bệnh tay chân miệng do chủng virus nguy hiểm

Tháng 7 sẽ có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng

Tính đến hết tháng 6, cả nước đã ghi nhận hơn 12.600 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM), trong đó có 4 ca tử vong. Số ca mắc tập trung nhiều nhất ở các tỉnh phía Nam, chiếm hơn 70% số mắc của cả nước.

Theo Bộ Y tế, hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh TCM. GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết, mỗi lần trẻ mắc bệnh chỉ tạo được kháng thể với một loại virus nhất định nên vẫn có thể mắc bệnh trở lại nếu nhiễm virus khác.

Bộ Y tế đã giao các bệnh viện: Bệnh nhiệt đới Trung ương, Nhi Trung ương, Đa khoa Trung ương Huế, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố, Bệnh nhiệt đới TPHCM, các bệnh viện bệnh nhiệt đới các tỉnh, thành rà soát điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc… để tiếp nhận các ca bệnh nặng. Đồng thời lập 7 đoàn đi kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại 14 tỉnh, thành trọng điểm.

Ghi nhận tại các bệnh viện chuyên khoa nhi ở TPHCM và Hà Nội cho thấy, số ca mắc TCM gia tăng nhanh trong những ngày gần đây. Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, thông tin, theo báo cáo của các đơn vị, nguồn thuốc Immunoglobulin, Phenobarbital tiêm cho các trường hợp bệnh TCM phân độ nặng có thể gặp khó khăn trong thời gian sắp tới nếu dịch TCM kéo dài.

Bên cạnh các thuốc khác hiện có trên thị trường như Diazepam, Midazolam, phenobarbital (uống), thuốc tiêm Phenobarbital 100mg/ml là một trong các thuốc chống co giật, được kiểm soát đặc biệt. Hiện có một doanh nghiệp cung ứng cho các đơn vị trên địa bàn theo đơn hàng nhập khẩu. Đơn hàng đã được Cục Quản lý dược phê duyệt và dự kiến đầu tháng 7 sẽ có đợt thuốc tiếp theo.

Trong khi đó, thuốc Immunoglobulin chủ yếu sử dụng nguồn thuốc nhập khẩu. Hiện tại, các đơn vị trúng thầu thuốc trên địa bàn đang tiếp tục thúc đẩy các thủ tục liên quan, phối hợp nhà cung ứng để thực hiện cung ứng thuốc. Cục Quản lý dược cũng đã ban hành nhiều công văn hướng dẫn, yêu cầu đảm bảo cung ứng thuốc điều trị.

GS-TS Phan Trọng Lân cho biết, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dược nỗ lực tìm kiếm nguồn cung và khẩn trương nhập khẩu thuốc Immunoglobulin về Việt Nam sớm nhất để đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị bệnh TCM. Đối với các thuốc điều trị khác, trong trường hợp có nguy cơ nguồn cung hạn chế, Bộ Y tế đã có sẵn phương án để đảm bảo.

Bộ cũng đề nghị các địa phương chủ động lên phương án dự trữ, mua sắm và kịp thời báo cáo trong trường hợp thiếu nguồn cung để đảm bảo công tác điều trị và phòng bệnh.

Hiện đã có 6.000 chai thuốc Immunoglobulin được nhập về Việt Nam để cung ứng cho các bệnh viện, bước đầu đáp ứng được nhu cầu cấp bách của các bệnh viện (Sài gòn giải phóng, trang 7).

 

Vô sinh ở nam nhưng gán cho nữ

Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều người có suy nghĩ rằng nguyên nhân gây vô sinh, hiếm muộn là do người vợ. Tuy nhiên, đây là quan điểm không chính xác, chưa hiểu đúng về vấn đề phức tạp của vô sinh.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng tỉ lệ vô sinh ở nam thấp có thể là do nam giới thường ít khi khám vô sinh (nam có tâm lý ngại ngùng, xấu hổ hoặc thường quan niệm vô sinh là do vấn đề ở người vợ).

Ngại ngùng, xấu hổ, gán cho nữ giới

Theo định nghĩa của WHO, vô sinh là tình trạng một cặp vợ chồng có quan hệ tình dục, không tránh thai nhưng không thể mang thai tự nhiên trong một năm.

Nghiên cứu của WHO trên 8.500 cặp đôi vô sinh cho thấy nguyên nhân vô sinh do người nữ là khoảng 37%, người nam là 8% và cả nam và nữ là 35%. Nghiên cứu này cũng cho rằng sở dĩ tỉ lệ ở nam thấp còn có thể là do nam giới thường ít khi khám vô sinh.

Bác sĩ Lê Vũ Tân - khoa nam học Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) - cho biết nguyên nhân vô sinh thường đến từ cả hai phía. Tỉ lệ vô sinh ở các cặp vợ chồng là khoảng 15%, trong đó vô sinh nam chiếm 40%, vô sinh nữ chiếm 40%, 10% nguyên nhân do cả hai và 10% là chưa rõ nguyên nhân.

Tuy nhiên, thống kê tại các phòng khám vô sinh cho thấy luôn là phụ nữ chịu nhiều áp lực đầu tiên và thường đi khám trước.

Bác sĩ Đoàn Văn Lợi Em - trưởng khoa lâm sàng 3 Bệnh viện Da liễu (TP.HCM) - cho hay vô sinh có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, không chỉ phụ thuộc vào người vợ mà còn liên quan đến cả người chồng hoặc cả hai.

Riêng ở nữ giới, bác sĩ Em cho biết các tác nhân nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục có thể gây vô sinh ở nữ giới thông qua các cơ chế gây viêm nhiễm ở tử cung và ống dẫn trứng.

Tình trạng viêm nhiễm kéo dài có thể làm xơ teo chít hẹp, dẫn đến giảm khả năng thụ tinh của tinh trùng và trứng. Ngoài ra tình trạng viêm dai dẳng còn phóng thích các yếu tố cytokine tiền viêm làm giảm chức năng co bóp để vận chuyển phôi thai xuống tử cung và giảm khả năng phát triển của phôi thai.

Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu, số lượng bệnh nhân nữ đến khám tại bệnh viện có xu hướng tăng dần.

Chỉ do nữ giới là không công bằng

Bác sĩ Em cho biết vấn đề hiếm muộn và vô sinh ở nữ giới còn có thể nằm ở buồng trứng, tử cung, ống dẫn trứng hoặc sự rối loạn nội tiết như buồng trứng bị rối loạn phát triển, rối loạn kinh nguyệt, viêm nhiễm dai dẳng ở tử cung hoặc ống dẫn, tử cung có dị vật hay polyp, tắc ống dẫn trứng và lạc nội mạc tử cung...

Còn đối với nam giới, bác sĩ Tân cho biết có một số bệnh lý kèm theo ở nam giới cũng dẫn đến vô sinh. Điển hình như các vấn đề liên quan tới việc sản xuất tinh trùng (giãn tĩnh mạch tinh, tinh hoàn ẩn...), rối loạn tình dục (rối loạn cương, rối loạn xuất tinh), nhiễm trùng đường sinh dục, kháng thể kháng tinh trùng, ung thư tinh hoàn, ung thư dương vật, hóa trị và xạ trị...

Ngoài ra, môi trường sống (hóa chất, kim loại nặng, tia xạ, nhiệt độ vùng bìu quá nóng do môi trường làm việc, thói quen tắm nước nóng, mặc quần chật), lối sống và sử dụng thuốc (rượu, thuốc lá, stress, trầm cảm, tăng cân, đặc biệt tự ý sử dụng testosterone trong tập thể thao)... cũng là nguyên nhân gây vô sinh ở nam.

Bên cạnh nguyên nhân ở mỗi giới, bác sĩ Em cho biết thêm còn có nguyên nhân ở cả nam và nữ với những lý do trên. Việc xác định nguyên nhân và tìm phương pháp điều trị hiệu quả là rất quan trọng để tìm đến các chuyên gia y tế chuyên về vô sinh và hiếm muộn.

Các bác sĩ sẽ thăm khám, làm các xét nghiệm để đánh giá toàn diện cả người nam và người nữ, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhằm nâng cao khả năng thụ tinh và mang thai thành công.

Ngoài ra, các biện pháp truyền thông giáo dục về vấn đề vô sinh và hỗ trợ tâm lý cũng rất quan trọng. Điều này giúp các cặp vợ chồng hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách điều trị, giảm bớt căng thẳng và tạo điều kiện tốt nhất để đạt được mục tiêu có thai.

Không phải nam giới hiếm muộn là thụ tinh ống nghiệm

Bác sĩ Lê Vũ Tân cho rằng các nguyên nhân hiếm muộn từ người chồng (tinh trùng yếu, ít, bất động hay không có tinh trùng...) chưa được tư vấn và điều trị nam khoa chuyên biệt để tìm hiểu nguyên nhân và điều trị tận gốc điều này.

"Phần đông mọi người chỉ nghĩ hiếm muộn là sẽ làm thụ tinh trong ống nghiệm hay bơm tinh trùng. Mặt khác, hiện các bệnh viện hay trung tâm hỗ trợ sinh sản cũng ít đặt vai trò nam khoa trong việc điều trị hiếm muộn ở người chồng. Cuối cùng, các cặp vợ chồng muốn chọn thụ tinh trong ống nghiệm cho nhanh lẹ", bác sĩ Tân chia sẻ (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân

Năm 2023, Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1/7) với chủ đề “Thực hiện nghiêm Luật Bảo hiểm y tế hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân” một lần nữa nhấn mạnh mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe, được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế…

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết tháng 6/2023, cả nước đã có 90,897 triệu người tham gia, tăng 4,358 triệu người so cùng kỳ năm 2022 và đạt tỷ lệ bao phủ 91,86% dân số.

Ở thời điểm hết quý I/2023, số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là 40,3 triệu lượt tăng so cùng kỳ năm trước là 45,4%; số tiền đề nghị thanh toán bảo hiểm y tế là 26,84 nghìn tỷ đồng, tăng so với quý I/2022 là 38,9%.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kết nối, chia sẻ dữ liệu và sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng định danh điện tử quốc gia thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Hệ thống đã xác thực hơn 86,9 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đồng thời, Hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ hơn 117,5 triệu lượt bản ghi thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến hết tháng 6, toàn quốc đã có 12.455 cơ sở triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp (đạt 97,27% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc).

Công tác phát triển người tham gia bảo hiểm y tế cũng gặp rất nhiều khó khăn. Số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, năm 2022 có khoảng 4,9 triệu người không tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế.

Trong đó, 1,7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình do gặp khó khăn sau đại dịch Covid-19 cho nên không tiếp tục tham gia; 1,136 triệu người thuộc 247 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ cho nên không được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế; 2,1 triệu người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, nay không thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Trước thực tế nêu trên, các giải pháp được toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai quyết liệt, khẩn trương, nhất là công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế, hướng tới mục tiêu tiếp tục tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế. Kết quả, năm 2022, số người tham gia bảo hiểm y tế vẫn đạt kết quả tích cực, với 91,07 triệu người tham gia, bao phủ 92,04% dân số (vượt 0,04% so chỉ tiêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP), tăng 2,237 triệu người so năm 2021. Và đến hết tháng 6/2023, cả nước đã có 90,897 triệu người tham gia, tăng 4,358 triệu người so cùng kỳ năm 2022 và đạt tỷ lệ bao phủ 91,86% dân số…

Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa, bảo hiểm y tế là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Chính sách bảo hiểm y tế có phạm vi tác động rất lớn, liên quan đến toàn dân. Nâng cao hiệu quả thực hiện bảo hiểm y tế là góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội cho đất nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh Luật Bảo hiểm y tế đang trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào tháng 10/2023 và thông qua vào tháng 5/2024, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa cũng cho rằng “từ góc nhìn của cơ quan tổ chức thực hiện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam mong muốn, Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) sẽ tạo cơ chế thực hiện bảo hiểm y tế bền vững hơn; tạo thuận lợi cho công tác phát triển đối tượng, bảo đảm mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân ổn định, hạn chế sự thay đổi chính sách...” (Nhân dân, trang 4).

 

Vắc xin tay chân miệng sắp cấp phép tại Việt Nam hiệu quả ra sao?

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết đã có một công ty xin cấp phép vắc xin phòng bệnh tay chân miệng và Bộ Y tế đang xem xét. Nếu được duyệt, vắc xin này dự kiến sẽ tiêm vào năm 2024 với hình thức dịch vụ.

Đây có thể nói là tin vui, bởi nhiều năm qua tại VN, bệnh tay chân miệng (TCM) chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, nguy cơ trẻ em tử vong rất cao nếu mắc TCM do chủng Enterovirus 71 (EV71).

Ít ai biết rằng, vắc xin TCM đăng ký tại Bộ Y tế từng được nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (TNLS) giai đoạn 3 tại VN, đơn vị phối hợp nghiên cứu là Viện Pasteur TP.HCM.

Giai đoạn 1, 2 được nghiên cứu tại Đài Loan

Chia sẻ với PV Thanh Niên, bác sĩ (BS) Nguyễn Trọng Toàn, Phó giám đốc Trung tâm TNLS - Viện Pasteur TP.HCM, cho biết bệnh TCM do nhiều chủng vi rút đường ruột gây ra, trong đó tác nhân EV71 gây bệnh nặng và tử vong cao. Trẻ mắc TCM thường ở nhóm dưới 3 tuổi. Vắc xin TCM được nghiên cứu là vắc xin bất hoạt, phòng bệnh TCM do các chủng EV71 gây ra.

Vắc xin do Viện Nghiên cứu sức khỏe NHRI (National Health Research Institutes, Đài Loan) nghiên cứu đầu tiên, sau đó được tiếp tục chuyển giao, phát triển các giai đoạn TNLS. Năm 2010, vắc xin đã tiến hành TNLS giai đoạn 1 trên 60 tình nguyện viên khỏe mạnh, cho các kết quả an toàn và sinh miễn dịch. 90% người nhận vắc xin đã tăng hiệu giá NTAb lên gấp 4 lần hoặc hơn sau tiêm (mức kháng thể có khả năng chống lại vi rút tăng gấp 4 lần sau tiêm). Từ năm 2014 - 2017, vắc xin được tiếp tục triển khai nghiên cứu TNLS giai đoạn 2 với 365 tình nguyện viên tham gia, tuổi từ 2 tháng đến 12 tuổi.

Các nghiên cứu TNLS giai đoạn 1 và 2 đều được triển khai tại Đài Loan.

Nghiên cứu giai đoạn 3 tại VN và Đài Loan

Vì sao TNLS giai đoạn 3 vắc xin TCM được nghiên cứu tại Viện Pasteur TP.HCM? Theo BS Nguyễn Trọng Toàn, TNLS giai đoạn 3 là nghiên cứu then chốt nhằm giúp đánh giá hiệu lực bảo vệ của vắc xin, thường được triển khai tại các vùng dịch tễ có lưu hành dịch bệnh cao. VN và Đài Loan đều đáp ứng các tiêu chí cho triển khai TNLS giai đoạn 3. Đến nay có đã 2 vắc xin TCM triển khai nghiên cứu TNLS tại VN, một đã hoàn tất (2019 - 2021, là vắc xin đang xin cấp phép) và một đang triển khai (2023 - 2025).

Với nghiên cứu vắc xin TCM đã hoàn tất, được nghiệm thu công nhận kết quả, được đăng tải trên chuyên san y khoa uy tín The Lancet, nghiên cứu này có 3.049 trẻ được chọn tham gia (VN có 2.533 trẻ), được thu tuyển từ tháng 4 - 12.2019 tại 5 bệnh viện của Đài Loan và 6 huyện tại 2 tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp. Nghiên cứu đã kết thúc vào tháng 4.2021.

"Trong TNLS giai đoạn 3 (đối với vắc xin đang xin cấp phép) tại VN và Đài Loan, trẻ tham gia nghiên cứu có độ tuổi từ 2 tháng đến dưới 6 tuổi. Lịch tiêm bao gồm 2 liều cách nhau 2 tháng, một mũi nhắc được tiêm sau 1 năm cho trẻ nhóm 2 tháng đến 2 tuổi. Vắc xin có hiệu quả bảo vệ với các chủng EV71 phổ biến đang lưu hành tại VN và Đài Loan", BS Toàn thông tin.

BS Toàn cũng khẳng định kết quả cho thấy vắc xin nghiên cứu đã giúp bảo vệ trẻ chống lại bệnh TCM do EV71 ở bất kỳ độ nặng nào, với mức bảo vệ 96,8%.

Kết quả TNLS giai đoạn 3 cho thấy chưa ghi nhận ca mắc TCM nào trong nhóm trẻ được tiêm vắc xin trong 2 năm triển khai nghiên cứu. Hiện chưa có các nghiên cứu theo dõi lâu hơn để đánh giá sự tồn lưu của kháng thể cũng như nguy cơ, độ nặng trên lâm sàng trong trường hợp mắc TCM sau khi đã tiêm vắc xin. Ngoài ra, hầu hết các biến cố bất lợi trong dự kiến là mức độ nhẹ và tự khỏi. Không có trường hợp biến cố bất lợi nghiêm trọng liên quan vắc xin nghiên cứu (Thanh niên, trang 14). 

 

Thai phụ bị phòng khám giữ lại để “vẽ bệnh, moi tiền”

Ngày 2/7, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết vừa giải cứu thành công một thai phụ đang bị một phòng khám tại quận 1 giữ lại để vẽ bệnh, moi tiền.

Theo Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, tình trạng “vẽ bệnh, moi tiền” bệnh nhân tại một số phòng khám trên địa bàn thành phố đã gây nhiều bức xúc cho người dân, cũng như thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước.

Nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế của các cá nhân, tổ chức, đặc biệt xử lý triệt để tình trạng “vẽ bệnh, moi tiền” bệnh nhân tại các phòng khám, tháng 12/2022, Sở Y tế đã ban hành Quy trình phản ứng nhanh trong tiếp nhận thông tin phản ánh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hành nghề trong lĩnh vực y tế.

Theo đó, người dân khi phát hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế, có thể phản ánh ngay đến Sở Y tế qua các kênh thông tin như ứng dụng “y tế trực tuyến”, đường dây nóng của Sở Y tế (0967.77.10.10) và đường dây nóng chuyên tiếp nhận thông tin “vẽ bệnh, moi tiền” do Thanh tra Sở Y tế trực tiếp tiếp nhận và xử lý (0989.40.11.55).

Sau hơn 6 tháng triển khai và thực hiện Quy trình phản ứng nhanh trong tiếp nhận thông tin phản ánh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hành nghề trong lĩnh vực y tế đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế của Sở Y tế thành phố.

Qua các kênh thông tin từ người dân, Thanh tra Sở Y tế đã kịp thời phát hiện và xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế. Đặc biệt, phản ứng nhanh và “giải cứu” kịp thời các bệnh nhân là nạn nhân “vẽ bệnh, moi tiền” tại một số phòng khám trên địa bàn thành phố.

Một thai phụ bị phòng khám “vẽ bệnh, moi tiền” gần đây nhất là vào ngày 28/6. Nhận được thông tin từ người dân về trường hợp đang bị Phòng khám đa khoa (PKĐK) Đinh Tiên Hoàng (địa chỉ 34-36 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1) lưu giữ để “vẽ bệnh, moi tiền”, ngay lập tức, Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra hoạt động tại PKĐK Đinh Tiên Hoàng và “giải cứu” bệnh nhân tên N.T.K.

Bệnh nhân N.T.K cho biết qua thông tin quảng cáo trên mạng, bệnh nhân đến PKĐK Đinh Tiên Hoàng để khám và tư vấn dịch vụ chấm dứt thai kỳ với chi phí khoảng 20 triệu đồng. Nhưng lúc bệnh nhân đang ở trong phòng mổ để thực hiện thủ thuật, bác sĩ tại đây cho biết nếu bệnh nhân muốn không đau và an toàn thì phải chọn gói dịch vụ với giá hơn 60 triệu đồng.

Vì quá lo sợ vì đang nằm trên bàn thủ thuật nên bệnh nhân đã đồng ý, nhưng do không có tiền chi trả bệnh nhân phải nợ lại phòng khám và gọi người nhà đến để thanh toán hết số tiền trên thì mới được ra về.

Thanh tra Sở Y tế ghi nhận PKĐK Đinh Tiên Hoàng có dấu hiệu “vẽ bệnh, moi tiền” bệnh nhân và có nhiều vi phạm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (KCB). Thanh tra Sở Y tế đang tiếp tục tổng hợp hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật đối với phòng khám và các cá nhân có liên quan.

Liên quan tới PKĐK Đinh Tiên Hoàng, ngày 29/6, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với phòng khám này và một nhân viên của phòng khám.

Thanh tra Sở Y tế xác định phòng khám đã lập sổ KCB nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật, không đeo biển tên. Do đó, Thanh tra Sở Y tế đã quyết định phạt phòng khám 4,7 triệu đồng.

Đồng thời, điều dưỡng Đoàn Thị Kim Tiền của phòng khám cũng bị phạt 7,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh 2 tháng. Người này đã chỉ định sử dụng các dịch vụ KCB vì vụ lợi.

Đáng nói, ngoài hai quyết định xử phạt mới nhất kể trên, trước đây nhiều bác sĩ, điều dưỡng của Phòng khám đa khoa Đinh Tiên Hoàng cũng đã nhiều lần bị xử phạt về các hành vi như: Lập sổ KCB nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật; Niêm yết không đầy đủ giá dịch vụ KCB; Không đeo biển tên (Công an nhân dân, trang 7).

 

40% trẻ mắc bệnh tay chân miệng do chủng virus nguy hiểm

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số ca mắc tay chân miệng đang ngày càng gia tăng, trung bình cả nước ghi nhận 350 ca/tuần phải nhập viện, trong đó 10% số bệnh nhi cần phải sử dụng thuốc đặc trị lmmunoglobulin.

Trong số chủng gây bệnh tay chân miệng có chủng Enterovirus 71 (EV71) có độc lực cao, gây bệnh nặng và dễ biến chứng nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có thể tử vong. Theo Cục Y tế dự phòng, nếu đầu tháng 4, số ca mắc dương tính với chủng EV71 chiếm khoảng 6% trong các mẫu xét nghiệm, đến đầu tháng 6, tỷ lệ dương tính với chủng này đã tăng lên 40%. Các ca bệnh tay chân miệng tăng nhanh tại phía Nam, trong đó số trẻ nhiễm chủng EV71 tăng, nhiều trẻ vào viện đã ở tình trạng nặng, nguy kịch.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế đã thành lập 7 đoàn kiểm tra, giám sát dịch và tập trung vào khu vực miền Nam. Để phòng bệnh tốt nhất, cần phải quản lý chặt vấn đề vệ sinh đồ chơi cho trẻ, giữ sạch bát đĩa cho trẻ trong bữa ăn và luôn giữ tay sạch cho trẻ. Người trông giữ trẻ cần giữ bàn tay sạch, vệ sinh tay thường xuyên để tránh làm nguồn lây bệnh (Công an nhân dân, trang 7).

 

 

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang