Tất cả các trường hợp sốt phải nghỉ học để phòng dịch sốt xuất huyết
Với việc gần 2 triệu học sinh toàn thành phố sẽ đến trường trong tháng 8 này, ngày 1-8, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu trường học chú trọng việc phòng chống sốt xuất huyết đang tăng mạnh. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Xuân Tiến yêu cầu trước khi bước vào năm học mới, các trường phải tổ chức tổng vệ sinh, thu gom rác phế liệu, làm sạch môi trường. Tuyệt đối không để phát sinh các ổ chứa bọ gậy trong trường học.
Các trường phải theo dõi hàng ngày sĩ sỗ và diễn biến tình hình sức khỏe học sinh, giáo viên, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch. Sở GD-ĐT Hà Nội đặc biệt yêu cầu tất cả các trường hợp sốt đều phải nghỉ học, nghỉ làm việc và đến cơ sở y tế để khám, điều trị và thông tin với nhà trường kết luận của cơ quan y tế.
Các trường cần liên hệ với cơ quan y tế địa phương kiểm tra mật độ muỗi trong nhà trường, phối hợp phun thuốc diệt muỗi khi có chỉ định.
Khi có ổ dịch xảy ra trong trường học, nhà trường phải phối hợp với cơ quan y tế tại địa phương giám sát và xử lý ổ dịch theo quy định. Các trường cần báo cáo ngay khi thấy các biểu hiện bất thường về tình hình sức khỏe học sinh, giáo viên trong trường, tuyệt đối không giấu dịch.
Được biết, tại Hà Nội đến thời điểm này đã ghi nhận 8.982 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Theo Sở Y tế Hà Nội, dịch sốt xuất huyết năm nay đến sớm và có diễn biến phức tạp. Trong thời gian tới, số ca mắc trên địa bàn có thể tiếp tục gia tăng do thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, muỗi phát triển mạnh. Hiện đã có 5 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại Hà Nội tính từ đầu năm (An ninh thủ đô, trang 2).
Tổ chức diệt lăng quăng hàng tuần tại các phường, xã
Các phường, xã phải tổ chức diệt lăng quăng hàng tuần, liên tục. Đó là yêu cầu của Sở Y tế TPHCM trước diễn biến dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng không ngừng trên địa bàn TP. Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, từ đầu năm đến nay, TP ghi nhận 11.995 ca mắc SXH, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm 2016. Tính chung, tốc độ gia tăng của SXH trong tháng 7 là 46% so với tháng 6 và có một trường hợp tử vong tại quận Bình Thạnh.
Như vậy, số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay là 4 trường hợp, trong khi cùng kỳ năm 2016 chỉ có 1 trường hợp tử vong.
4 địa bàn hiện có số ca mắc cao nhất TP là quận Bình Tân, quận 12, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cho rằng, việc giám sát điểm nguy cơ ở nhiều địa phương chưa làm tốt, bên cạnh đó là công tác xử lý ổ dịch chưa triệt để khiến cho việc kiểm soát sốt xuất huyết khó khăn.
Trước tình hình đó, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM yêu cầu các địa phương đẩy mạnh việc xử phạt đối với người dân, tổ chức, tập thể vi phạm để phát sinh ổ lăng quăng, ổ dịch theo Nghị định 176.
Bên cạnh xử phạt, địa phương cũng nên biểu dương thành tích những khu vực, người dân thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, vệ sinh môi trường. “Bắt đầu từ tháng 8, các phường xã trên toàn TP sẽ tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng hàng tuần. Nếu chỉ ra quân trong 1 vài đợt thì ổ dịch sẽ lại tiếp tục phát sinh nhưng nếu duy trì được hàng tuần, hàng tháng thường xuyên, liên tục thì sẽ giải quyết được căn cơ”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho hay (Sài Gòn giải phóng, trang 1).
Cần đồng bộ trong quản lý giá thuốc
Theo quy định tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1-1-2018, nhà thuốc trong bệnh viện sẽ phải bán thuốc thuộc danh mục trúng thầu, khống chế mức lãi thay vì được bán tự do như hiện nay. Đây là một trong các giải pháp nhằm kéo thấp giá thuốc, giúp người bệnh giảm chi phí trong thời gian điều trị. Tuy nhiên, ngành y tế và bảo hiểm xã hội cần có sự phối hợp đồng bộ và kiểm soát chặt chẽ để quy định thật sự phát huy hiệu quả đối với người bệnh.
Nghị định số 54/2017/NĐ-CP (Nghị định 54) quy định cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được mua thuốc trúng thầu của chính cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để bán. Nếu thuốc không có trong danh mục trúng thầu của bệnh viện thì có thể mua thuốc đã trúng thầu được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế trong vòng 12 tháng, tính đến trước thời điểm mua thuốc. Giá thuốc mua vào bị “khống chế” không được cao hơn giá thuốc trúng thầu cùng thời điểm hoặc không được cao hơn giá trúng thầu của chính thuốc đó đã được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Giá thuốc bán ra cũng bị kiểm soát mức lãi, từ 2% đến 15% tùy vào giá trị thuốc tính trên một đơn vị nhỏ nhất. Phó Cục trưởng Quản lý Dược (Bộ Y tế) Đỗ Văn Đông cho biết, quy định nêu trên nhằm bảo đảm ngày một tốt hơn khả năng tiếp cận thuốc của người bệnh, nhất là người bệnh ngoại trú. Khi giá thuốc được kiểm soát hợp lý khiến giá tiền đơn thuốc của người bệnh sẽ giảm so với tình trạng bán cao hơn giá thị trường như hiện nay. Năm 2011, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 15/2011/TT-BYT về tổ chức và hoạt động của các cơ sở bán lẻ thuốc trong bệnh viện, trong đó, đã quy định cụ thể mức lãi cao nhất tại các nhà thuốc bệnh viện. Điểm mới của Nghị định 54 của Chính phủ so với Thông tư 15/2011/TT-BYT của Bộ Y tế chính là việc quản lý chặt chẽ giá thuốc mua vào theo nguyên tắc giá mua vào không được cao hơn giá trúng thầu.
Một số bệnh viện cho rằng, sẽ thực hiện quy định mới theo lộ trình, để đến ngày 1-1-2018, nhà thuốc của bệnh viện chỉ bán thuốc theo danh mục trúng thầu và giá thuốc theo quy định mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc làm sao để quy định này thật sự có lợi cho người bệnh. Một doanh nghiệp sản xuất thuốc đồng tình với việc ban hành Nghị định 54, việc kiểm soát giá trong nhà thuốc bệnh viện là cần thiết bởi lâu nay có tình trạng nhà thuốc bệnh viện ngang nhiên bán giá cao hơn giá thị trường. Chẳng hạn, thuốc Giloba giá trúng thầu 300 đồng/viên nhưng có nhà thuốc bệnh viện bán với giá 3 nghìn đồng/viên. Các thuốc hỗ trợ, thuốc bổ thường được “thổi giá” để chia lại tiền hoa hồng cho bác sĩ kê đơn. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp này cũng tiết lộ, thị trường ở các nhà thuốc bệnh viện luôn “béo bở” với các doanh nghiệp dược do có người bệnh đông, có lợi thế hơn ở ngoài thị trường nhờ vào đội ngũ thầy thuốc kê đơn trong chính bệnh viện, cho nên doanh nghiệp dược sẽ tìm mọi cách “đứng” ở thị trường này. Để đối phó quy định mới, một số doanh nghiệp dược đang tìm mọi cách trúng thầu thuốc vào các bệnh viện để đủ điều kiện được bán trong nhà thuốc bệnh viện. Trường hợp này thường rơi vào các thuốc không có tính cạnh tranh như thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, thành phần kết hợp không phổ biến và đương nhiên sẽ trúng thầu giá cao. Do đó, các địa phương cần kiểm soát tốt giá trúng thầu trong các cuộc đấu thầu để giá thuốc thật sự “mềm” với người bệnh.
Khi thực hiện Nghị định 54, việc nhà thuốc bệnh viện chỉ bán các loại thuốc có trong danh mục đấu thầu cũng khiến giới điều trị băn khoăn. Một dược sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương nhận định, quy định mới có thể dẫn đến tình trạng không đáp ứng đủ thuốc cho người bệnh vì trên thị trường có gần 30 nghìn loại thuốc nhưng danh mục thuốc bảo hiểm y tế chỉ có gần 900 hoạt chất tương đương hơn một nghìn loại thuốc cơ bản, như vậy còn rất nhiều thuốc sẽ không có trong danh mục, không được bán trong nhà thuốc bệnh viện, nhất là các thuốc hiếm, thuốc đặc trị. Về lâu dài, cơ quan chức năng cần nghiên cứu mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế. Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương Trần Thị Thanh Hóa cũng cho rằng, các bệnh viện tuyến cuối cần dùng thuốc đặc trị nhưng nếu không có bán trong bệnh viện vừa khó khăn cho bác sĩ kê đơn, vừa khổ cho người bệnh phải đi mua ở nhà thuốc trên thị trường với nhiều nguy cơ bị “thổi” giá và không bảo đảm chất lượng. Ngành y tế đang có lộ trình đưa thuốc biệt dược gốc hết thời hạn bảo hộ bản quyền sang đấu thầu với thuốc generic. Do cạnh tranh về giá, thuốc biệt dược gốc hết thời hạn bảo hộ bản quyền sẽ ít có cơ hội trúng thầu. Do đó, nhà thuốc bệnh viện sẽ hiếm thuốc biệt dược, trường hợp bị bệnh nặng cần dùng, người bệnh sẽ phải mua ở ngoài. Trong khi đó, tình trạng thuốc giả, kém chất lượng, giá cả không được kiểm soát trên thị trường là có, do lực lượng thanh tra của sở y tế còn mỏng. Khi không có nhà thuốc bệnh viện cạnh tranh thì nhà thuốc ở ngoài tha hồ "hét" giá, tăng giá khiến mục tiêu giảm giá cho người bệnh khó khả thi. Chủ tịch Hội Dược học TP Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, không có quy định nào bắt buộc bác sĩ phải kê đơn thuốc trúng thầu. Quy định mới vô hình trung kiểm soát chuyên môn của bác sĩ khi phải kê đơn thuốc trong danh mục trúng thầu, từ đó, giới hạn quyền lợi của người bệnh. Giải pháp quan trọng là làm sao quản lý giá thuốc tận gốc. Khi quản lý tốt thì sẽ không có tình trạng cấm bán các loại thuốc ngoài danh mục đấu thầu như hiện nay. Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cũng cho rằng, việc một số bác sĩ băn khoăn thiếu thuốc đáp ứng nhu cầu người bệnh là có cơ sở, để giải quyết tình trạng này, cần kiểm soát tốt các nhà thuốc trên thị trường, bảo đảm chất lượng và giá cả để người bệnh yên tâm.
Bán thuốc theo danh mục trúng thầu và khống chế mức lãi tại các nhà thuốc bệnh viện là một trong các giải pháp để quản lý giá thuốc, nhưng cần đồng bộ với các giải pháp khác. Trong đó, quan trọng nhất là ngành y tế, bảo hiểm xã hội cần kiểm soát tốt giá trúng thầu tại các cuộc đấu thầu thuốc ở các địa phương. Nếu vẫn còn những cuộc trúng thầu giá cao bất thường mà cơ quan bảo hiểm xã hội vẫn liên tục phát hiện ra như lâu nay thì nhà thuốc bệnh viện vô hình trung trở thành nơi bán thuốc giá cao công khai, làm lợi cho doanh nghiệp, nhất là thiệt hại cho người bệnh (Nhân dân, trang 8).
Không còn bọ gậy, không có sốt xuất huyết
Bên cạnh các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật mà ngành y tế đang tích cực triển khai như giám sát, điều tra, xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) tại cộng đồng; một biện pháp hữu hiệu khác là diệt ổ bọ gậy (loăng quăng) tại gia đình và thực hiện đầy đủ những khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. |
Cục Trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) PGS, TS Trần Đắc Phu cho biết: SXH là bệnh cấp tính, có thể lây thành dịch do vi-rút Dengue gây ra với bốn tuýp gây bệnh (được ký hiệu là: D1, D2, D3, D4). Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tuýp, cho nên một người có thể mắc SXH lần thứ hai, thứ ba bởi những tuýp khác nhau. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người nhiễm vi-rút sau đó truyền cho người lành. Muỗi vằn đốt người vào ban ngày, chủ yếu là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc tối, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng gia đình. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch như bể, chum, vại, lu, khạp, giếng, hốc cây; các đồ vật, hoặc đồ phế thải có chứa nước như: lọ hoa, bát nước kê chân chạn, lốp xe, vỏ dừa... Đáng chú ý, muỗi vằn không đẻ ở ao tù, cống rãnh hôi thối và thường phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình vượt hơn 20°C. Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh SXH đang lưu hành tại 128 quốc gia, với hơn 3,9 tỷ người sống trong vùng nguy cơ bị mắc bệnh. Hằng năm có khoảng 390 triệu người nhiễm bệnh. Tại Việt Nam, từ năm 2000 đến nay, tình hình dịch bệnh SXH đã giảm, hiện trung bình mỗi năm có từ 50 nghìn đến 100 nghìn trường hợp mắc và gần 100 người chết. Từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 58 nghìn trường hợp mắc SXH, tại 61 tỉnh, thành phố, trong đó có 18 trường hợp chết, nhất là số người nhập viện tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh SXH thời gian qua được xác định là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình hầu hết các khu vực cao hơn so với những năm trước, dẫn đến véc-tơ truyền bệnh phát triển mạnh. Thói quen trữ nước của người dân chưa có nhiều thay đổi; tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý triệt để dẫn đến phát sinh các ổ bọ gậy của muỗi truyền bệnh; ý thức phòng bệnh SXH của người dân chưa cao, một bộ phận người dân chưa thật sự hợp tác với cơ quan chức năng trong chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, nhất là chưa chủ động diệt bọ gậy thường xuyên. Hiện nay chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu SXH, cho nên phòng bệnh chủ yếu vẫn là giải quyết véc-tơ truyền bệnh như phun hóa chất diệt muỗi và diệt bọ gậy, với tinh thần “không có bọ gậy, không có SXH”. Bên cạnh đó việc phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành cũng là giải pháp quan trọng phòng, chống và xử lý các ổ dịch SXH. Người dân cần phối hợp các đơn vị y tế để bảo đảm tất cả các gia đình đều được phun hóa chất diệt muỗi và phun được ở tất cả các tầng trong nhà, tránh tình trạng muỗi di chuyển từ nhà này sang nhà khác... Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết: Người mắc SXH thường có các dấu hiệu như có các chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng); đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Do vậy, khi có các biểu hiện nêu trên cần đưa ngay đến cơ sở y tế để khám, điều trị. Nếu bị nhẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách cho người bệnh nghỉ ngơi, uống nhiều nước, có thể cho uống dung dịch Oresol, nước trái cây; ăn cháo, súp, sữa và dùng thuốc hạ sốt (uống paracetamol, hoặc đặt viên hạ sốt; không dùng aspirin để hạ sốt). Theo dõi liên tục, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc diễn biến nặng hơn như: li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều, cần đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, để phòng tránh muỗi đốt mọi người cần mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn kể cả ban ngày; dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi. Người bị bệnh SXH phải nằm trong màn, tránh muỗi đốt truyền bệnh sang cho những người chung quanh (Nhân dân, trang 5). |
Tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết trên diện rộng
Chiều 2-8, UBND TP Cần Thơ, tổ chức hội nghị trực tuyến với 9 quận, huyện trên địa bàn thành phố, để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, phòng chống sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn.
Theo báo cáo của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, tại An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh và Vĩnh Long là 4 địa phương có số ca mắc SXH cao nhất khu vực ĐBSCL và cả khu vực phía Nam (xếp sau TP Hồ Chí Minh và Bình Dương). Trong đó, An Giang là địa phương có số ca SXH nhiều nhất khu vực với gần 2.000 ca, 1 ca tử vong; Đồng Tháp có 1.400 ca, 2 ca tử vong; Trà Vinh có 714 ca, 3 ca tử vong và Vĩnh Long có 742 ca…Tại Cần Thơ, tính đến đầu tháng 8, mặc dù chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do SXH gây ra, nhưng số ca mắc SXH đã tăng 50% so với cùng kỳ, với 601 ca.
Theo Bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, hiện 3/9 quận, huyện trên địa bàn thành phố là Ninh Kiều, Cái Răng và Phong Điền có nguy cơ bùng phát dịch SXH, vì hiện nay tỷ lệ mắc SXH trên 100.000 dân của các địa phương này cao hơn so với các quận, huyện khác…
Nhằm tăng cường công tác phòng, chống SXH và không cho dịch bùng phát mạnh trong thời gian tới, bà Bùi Thị Lệ Phi khẳng định, Sở Y tế Cần Thơ yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và các quận, huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch chống dịch SXH trên địa bàn, như: phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng, kết hợp với chiến dịch diệt lăng quăng tại các quận, huyện có nguy cơ bùng phát dịch SXH; thành lập tổ chuyên gia điều trị SXH; duy trì hoạt động đường dây nóng để tiếp nhận thông tin các ca bệnh.
Đặc biệt, Sở y tế Cần Thơ cũng giao Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ phối hợp với Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch tập huấn, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị SXH; phân tuyển điều trị, chuyển viện an toàn cho các bác sĩ, điều dưỡng tại các bệnh viện, Trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện (Công an nhân dân, trang 1).
Xác minh vụ việc giả danh Thanh tra Bộ Y tế
Ngày 2.8, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM có công văn gửi Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an TP.HCM để xác minh, làm rõ vụ việc giả danh Thanh tra Bộ Y tế. Cụ thể, lúc 9 giờ cùng ngày, một đối tượng nói giọng bắc tự xưng tên Tùng, là Thanh tra Bộ Y tế, gọi vào điện thoại bàn của Thanh tra Sở Y tế TP.HCM yêu cầu cung cấp số điện thoại của giám đốc một phòng khám đa khoa (phòng khám này vừa bị phạt do vi phạm về quảng bá, ghi bệnh án). Đối tượng để lại số điện thoại di động, sau đó gọi đến 3 lần cùng mục đích đòi cung cấp số điện thoại như trên. Bị phát hiện giả mạo, đối tượng này còn ngoan cố “hăm dọa” sẽ xử lý thái độ của Thanh tra Sở Y tế đối với cấp trên nếu không cung cấp số điện thoại phòng khám...
Cùng ngày, một số phòng khám tại TP.HCM đã báo với Thanh tra Sở Y tế về việc họ nhận được điện thoại của một người tự xưng là Thanh tra Sở Y tế, nói chuẩn bị đến thanh tra phòng khám. Vụ việc cũng đang được làm rõ (Thanh niên, trang 8).