Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 3/9/2016

  • |
T5g.org.vn - Cứu sống 9.000 bệnh nhân nguy kịch nhờ lọc máu hiện đại; Báo động bệnh suy thận mạn; Không tinh trùng vẫn có thể sinh con

Cứu sống 9.000 bệnh nhân nguy kịch nhờ lọc máu hiện đại

Đây là thông tin được GS-TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện (BV) Bạch Mai, cho biết về công trình Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó một số dịch bệnh nguy hiểm được triển khai và thực hiện thành công tại nhiều BV.

Theo đó, GS-TS Nguyễn Gia Bình (người chủ trì nghiên cứu công trình) nêu rõ, các biện pháp lọc máu hiện đại ngoài hiệu quả điều trị thay thế thận đơn thuần còn có khả năng loại thải chất độc mà bình thường gan, thận và cơ thể người bệnh khó có thể thải trừ như: các chất độc, các phức hợp kháng nguyên, kháng thể.

Theo GS-TS Nguyễn Gia Bình, đến nay, qua việc ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại đã góp phần cứu sống được khoảng 9.000 bệnh nhân bị suy đa phủ tạng, sốc nhiễm khuẩn, viêm tụy cấp nặng..., giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh, cũng như giảm chi phí điều trị. Hơn nữa, kết quả của đề tài nghiên cứu này còn là cơ sở khoa học mở rộng ứng dụng cho các bệnh lý nặng tiếp theo trong cấp cứu điều trị nhiều bệnh dịch nguy hiểm, như sốt xuất huyết nặng có biến chứng suy đa tạng, sởi có biến chứng suy hô hấp nặng. Đồng thời, mở ra triển vọng và hỗ trợ thúc đẩy phát triển lĩnh vực ghép tạng trong nước, cũng như phẫu thuật tim mạch và gan mật.

Được biết, công trình Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó một số dịch bệnh nguy hiểm đã được ứng dụng cụ thể tại nhiều BV lớn như: Bạch Mai, Trung ương Quân đội 108, Quân y 103, Việt Tiệp Hải Phòng, Đà Nẵng, Chợ Rẫy... Đặc biệt, đây cũng là công trình duy nhất trong lĩnh vực y, dược đoạt Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ năm 2016.( Sài Gòn giải phóng trang 3)

Báo động bệnh suy thận mạn

Tính từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã thực hiện thành công tổng cộng hơn 1.200 ca ghép thận cho những bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Tuy nhiên, con số đó chỉ là “muối bỏ bể” so với nhu cầu hiện nay. Ước tính, theo Bộ Y tế, hiện cả nước có khoảng gần 15.000 trường hợp suy thận cần được ghép. Tuy nhiên, nguồn thận ở đâu? Do vậy, điều cần làm trên hết là chủ động các biện pháp phòng ngừa.

Đua nhau mở khoa chạy thận nhân tạo

Là một trong những bệnh viện (BV) “sinh sau” nhưng trong hai năm qua, BV Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn (quận 12, TPHCM) đã lấy chạy thận nhân tạo làm… chiến lược. Ngay mặt tiền BV, lãnh đạo đơn vị này đã cho treo băng rôn quảng bá rằng là đơn vị chạy thận nhân tạo uy tín. Hiện BV này có hàng chục máy chạy thận nhân tạo…

Cách đây chưa lâu, BV Quốc tế Phúc An Khang (quận 2, TPHCM) cũng đã đưa vào hoạt động đơn vị chạy thận nhân tạo hiện đại với hơn 10 máy chạy hết công suất. Đáng quan tâm hơn là ngày 12-8 vừa qua, BV Nguyễn Tri Phương TPHCM đã khánh thành và đưa vào sử dụng Trung tâm Lọc máu kỹ thuật cao công nghệ Nhật Bản. Trung tâm có quy mô 20 máy lọc máu với công suất phục vụ 50 - 60 bệnh nhân/ngày. Với công nghệ tiên tiến, trung tâm đem lại những hiệu quả cao nhất trong liệu trình lọc máu, giúp đạt hiệu quả điều trị cao, nhất là trong chạy thận nhân tạo.

Trước đó, năm 2010, BV Nguyễn Tri Phương cũng đã thành lập đơn vị lọc máu với quy mô 2 máy chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên, do nhu cầu bệnh nhân chạy thận nhân tạo ngày càng đông nên đến năm 2015, đơn vị được nâng cấp thành Khoa Lọc máu với gần 30 máy chạy thận nhân tạo. Thời gian qua, khoa phục vụ hơn 150 bệnh nhân/ngày, vượt quá khả năng thu nhận thêm bệnh nhân, dù các máy hoạt động hết công suất. “BV cũng liên tục mở các lớp đào tạo về thận học - lọc máu cho bác sĩ, điều dưỡng của các đơn vị trong và ngoài thành phố”, bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, cho biết.

Theo bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Quận 2, dù mới triển khai khoa chạy thận nhân tạo được 2 năm nay với 15 máy nhưng đã quá tải, có khi phải chạy 3 ca/ngày mới giải quyết hết bệnh nhân.

Tại BV Quốc tế Phúc An Khang, lượng bệnh nhân đăng ký chạy thận nhân tạo cũng tăng dần. Thậm chí, cả bệnh nhân Việt kiều cũng tìm đến để điều trị. Th.S Mai Tiến Dũng, Giám đốc BV, cho biết đơn vị chạy thận nhân tạo cũng bắt đầu… ca 3. Để thuận tiện cho người bệnh, BV còn đảm nhiệm đưa - đón bệnh nhân tận nhà nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe.

Trong khi đó, với thâm niên hình thành nhiều năm qua, đơn vị thận nhân tạo của BV Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định hay BV Chợ Rẫy đã quá tải nghiêm trọng và đã gia tăng số lượng máy từ vài chục máy của những năm 2000 lên con số hàng ngàn máy.

Bệnh nhân trẻ hóa

Nhà báo Hữu Bằng (Báo Long An) vừa được ghép thận là một ví dụ. Đang độ tuổi 30 nhưng mỗi ngày sức khỏe càng sa sút và sau một lần khám sức khỏe, nhà báo Hữu Bằng được chẩn đoán suy thận mạn và được đưa vào cấp cứu tại BV Chợ Rẫy đầu tháng 3-2016, phải chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống.

PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết số bệnh nhân suy thận được khám và điều trị tại BV cũng không ngừng tăng lên trong các năm qua. Theo số liệu từ Khoa Tiết niệu của BV Chợ Rẫy, ngoài số bệnh nhân suy thận thể nhẹ điều trị ngoại trú, hiện trong khoa chạy thận nhân tạo và các cơ sở liên quan khác của BV phục vụ cho hơn 10.000 bệnh nhân bị suy thận nặng, giai đoạn cuối.

Theo các bác sĩ chuyên khoa thận - niệu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận nhưng các trường hợp phổ biến là mắc bệnh lý về viêm cầu thận. Hiện ngoài số bệnh nhân thường trú tại TPHCM, các BV Bình Dân, Nhân dân 115, Chợ Rẫy còn tiếp nhận một lượng không nhỏ bệnh nhân từ các tỉnh, thành khác.

Tại BV Nhân dân Gia Định, khoa Thận - tiết niệu luôn đầy ắp bệnh nhân liên quan đến suy thận, trong đó đa số bệnh nhân bị bệnh cầu thận kèm theo các bệnh lý khác như tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường. Theo GS-TS Trần Ngọc Sinh, Hội Niệu - thận học TPHCM, có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận và nếu không có những biện pháp điều trị kịp thời, có thể bị suy thận mạn giai đoạn cuối, trong đó cao huyết áp, tiểu đường và các bệnh lý về cầu thận vẫn là những nguy cơ chính.

Theo các bác sĩ chuyên khoa thận - niệu, suy thận được chia làm 4 giai đoạn và khi chuyển sang giai đoạn cuối (chức năng lọc và thải chất độc của thận không còn hoạt động) thì chỉ còn cách áp dụng các biện pháp thay thế hỗ trợ tích cực khác, chủ yếu chạy thận nhân tạo. Đây được xem là biện pháp tích cực và áp dụng phổ biến hiện nay. Bên cạnh chạy thận nhân tạo, hiện một số BV cũng đã áp dụng phương pháp thẩm phân phúc mạc (mổ ổ bụng và đặt ống dẫn giữa lá tạng và lá thành của màng bụng để đưa dịch vào trao đổi điện giải, lọc bỏ chất độc) trong điều trị suy thận mạn…

Trước thực trạng trên, các chuyên gia y tế nhìn nhận công tác dự phòng có vai trò quan trọng để giảm tỷ lệ người mắc suy thận mạn cũng như kéo dài sự sống khi mắc phải. Trước hết, cần xác định các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ như có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường (tuýp 1 hoặc tuýp 2), cao huyết áp, viêm bể thận.

Ngoài ra, bệnh thận đa nang (nhiều u nang trong thận); rối loạn tự miễn như hệ thống lupus đỏ; xơ cứng động mạch; tắc nghẽn đường tiết niệu hay sử dụng quá nhiều thuốc được chuyển hóa qua thận… cũng dẫn đến suy thận mạn. Các chuyên gia thận - niệu khuyến cáo một số dấu hiệu của suy thận mạn là: Tăng tiểu tiện (đặc biệt vào ban đêm); giảm đi tiểu; xuất hiện máu trong nước tiểu (hiếm gặp); nước tiểu đục hoặc màu trà…( Sài Gòn giải phóng trang 3)

Không tinh trùng vẫn có thể sinh con

Với kỹ thuật hiện đại, các bác sĩ đã hỗ trợ sinh sản thành công nhiều trường hợp nam giới hiếm muộn, trong đó nhiều trường hợp không có tinh trùng trong tinh dịch vẫn có thể làm cha.

Theo PGS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, lâu nay khi hiếm muộn các ông chồng thường đổ lỗi cho vợ, nhưng thực tế nhiều trường hợp do nam giới. “Các điều tra cho thấy 40% nguyên nhân do người chồng, 40% do người vợ và 20% không rõ nguyên nhân”, ông Tiến nói.

Còn theo bác sĩ (BS) CKII Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, nhiều nguyên nhân gây hiếm muộn, vô sinh ở nam giới như một số phẫu thuật, di chứng tổn thương tủy sống... nhưng chủ yếu tinh trùng ít, tinh trùng yếu, không có tinh trùng. Tuy nhiên, theo BS Lê Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản, Phó giám đốc BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội: “Hiện tại, một số kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được áp dụng thành công đã giúp các trường hợp nam giới hiếm muộn được điều trị thành công. Đặc biệt, nhiều trường hợp không có tinh trùng trong tinh dịch vẫn có thể làm cha. Trong trường hợp này, bệnh nhân được thực hiện thủ thuật lấy tinh trùng trong mào tinh, sau đó thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của người vợ”.

BS Hiền cho biết thêm, với trường hợp nam giới vô sinh do liệt, chấn thương cột sống, các BS sẽ thực hiện thủ thuật lấy tinh trùng từ mào tinh, sau đó thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Đáng chú ý, gần đây ghi nhận nhiều trường hợp nam giới được phát hiện vô sinh do quai bị. Đây là bệnh khá thường gặp (nếu không được tiêm vắc xin phòng), có thể gây viêm, teo tinh hoàn ở nam giới. “Với các trường hợp viêm, teo tinh hoàn các BS sẽ thực hiện thủ thuật để kiểm tra có tinh trùng trong mào tinh hay không. Nếu có, tinh trùng sẽ được lấy ra và trữ lạnh. Sau đó khi muốn sinh con, tinh trùng đó sẽ được rã đông, thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm và hoàn toàn có cơ hội làm cha”, BS Hiền nói.

Liệt, ung thư vẫn sinh con khỏe mạnh

Trên chiếc xe lăn, anh Đỗ Đại Dương (49 tuổi, sống tại Hà Nội), hạnh phúc bên vợ và con gái chia sẻ: “Năm 19 tuổi, tôi bị liệt hai chân do bị chấn thương sau một tai nạn. Gia đình đã đưa đi chạy chữa khắp nơi, đến các bệnh viện đầu ngành nhưng các BS đều cho biết không thể làm được gì khác”. Năm 36 tuổi, anh Dương lập gia đình nhưng không thể có con. Vợ chồng anh đã tìm đến BV Nam học - Hiếm muộn Hà Nội. “Tại đây, các BS đã giúp lấy tinh trùng khỏe mạnh thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Và kết quả là con gái của chúng tôi ra đời, năm nay con đã lên 4 tuổi”, anh Dương khoe.

Trường hợp của vợ chồng anh Vũ Thế Ngh. và Lê Thị Th. cũng khá đặc biệt. Anh Ngh. có chỉ định phẫu thuật điều trị ung thư tinh hoàn (do tinh hoàn ẩn). Trước điều trị, anh đã được thực hiện thủ thuật lấy tinh trùng từ mào tinh và các BS đã thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. “Cả BS và gia đình đều mừng vui trong ngày vợ chồng anh chị chào đón con gái ra đời”, BS Hiền bày tỏ.

Chia sẻ thêm, BS Nguyễn Khắc Lợi cho biết vô sinh ở nam giới còn có các nguyên nhân như tiền sử sang chấn (bị thương, xoắn tinh hoàn, tinh hoàn lạc chỗ) tăng nguy cơ không có tinh trùng; tiền sử bị bệnh lây qua đường tình dục làm tăng nguy cơ bị vô sinh nam; nhiễm độc (chì, thuốc lá...)... “Các cặp vợ chồng khi thấy có nguy cơ, nghi ngờ hiếm muộn nên đi khám chuyên khoa sớm để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời. Điều trị sớm càng tăng cơ hội thành công”, BS Lợi khuyên. ( Thanh niên trang 4)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang