Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 02-04/9/2017

  • |
T5g.org.vn - Sức bật y tế ven đô; Bệnh viện tăng cường trực cấp cứu dịp lễ ; Bàn giải pháp xử lý vấn đề bội chi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; Người bệnh phàn nàn cách khám, hỏi bệnh của bác sĩ ; Nhiều thủ đoạn tinh vi trong sản xuất và kinh doanh dược, mỹ phẩm giả ; Xét nghiệm máu có ra sốt xuất huyết?; Lo ngại sốt xuất huyết bùng phát tại Hà Nội khi sinh viên nhập học; ...

Ngày 02/9/2017

Sức bật y tế ven đô (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

Khi các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của TPHCM ngày càng quá tải, TPHCM đã chú trọng đầu tư phát triển hệ thống y tế cơ sở nhằm giảm tải cho tuyến trên, đồng thời phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh người dân, nhất là các vùng ven đô, ngoại thành, các cửa ngõ của TP.

Đưa hệ thống y tế đến gần dân

Được đầu tư cơ sở vật chất, xây mới và đưa vào hoạt động với quy mô 300 giường bệnh, nhưng trước thời điểm năm 2016, chỉ với 12 bác sĩ, Bệnh viện (BV) huyện Củ Chi luôn trong tình trạng thưa thớt bệnh nhân đến khám và điều trị.

Theo nhiều người dân ở đây, mặc dù cơ sở mới xây khang trang, sạch đẹp nhưng do số lượng bác sĩ quá ít, chất lượng khám bệnh không đảm bảo nên không tạo được sự tin tưởng của người dân. Nhưng với sự chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TPHCM, bắt đầu từ tháng 4-2016, các BV lớn của TP như Nhi đồng 1, Nhân dân Gia Định, Bình Dân, Mắt, Tai mũi họng… đã triển khai đặt khoa vệ tinh, phòng khám vệ tinh tại BV huyện Củ Chi.

Bên cạnh đó, BV cũng được trang bị hệ thống máy CT Scanner 16 lát, X-quang kỹ thuật số DR, máy đo loãng xương, các máy sinh hóa, huyết học, miễn dịch, phòng mổ đạt chuẩn và phòng xét nghiệm đạt an toàn sinh học cấp II với đầy đủ các thiết bị máy móc mới, hiện đại… người dân bắt đầu tìm đến BV này để khám chữa bệnh.

Ông Huỳnh Tính (ngụ tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) phấn khởi cho biết, hơn một năm nay ông và người dân ở đây không phải lặn lội vô tận TP để khám chữa bệnh nữa. “BV huyện nay đổi khác nhiều quá, chữa được nhiều bệnh, có bác sĩ giỏi nên tôi thật sự yên tâm khi điều trị tại đây”.

Theo BS Hồ Hải Trường Giang, GĐ BV huyện Củ Chi, đến giữa năm 2017, số lượt bệnh nhân đến khám bệnh tăng hơn 150%, số bệnh nhân nhập viện điều trị cũng tăng 158% so với trước. Nhiều bệnh lý trước đây phải chuyển lên tuyến trên như các bệnh về chấn thương chỉnh hình, sản khoa, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy hô hấp… nay đã được BV giữ lại và điều trị an toàn.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, đầu tư phát triển y tế cho các huyện ngoại thành và các quận cận nội thành là một trong những chủ trương lớn của Thành ủy và UBND TPHCM với mục tiêu giảm tải cho các BV chuyên khoa, đa khoa của TP. Ngoài BV huyện Củ Chi, TP đang đầu tư xây dựng mới và sắp đưa vào hoạt động các BV ngoại thành, vùng ven khác như BV huyện Bình Chánh, BV huyện Cần Giờ, BV huyện Hóc Môn…

Cùng với việc xây mới, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, quan trọng nhất vẫn là nhân lực. Bên cạnh việc đưa bác sĩ từ tuyến trên về hỗ trợ, ngành y tế TP cũng đã có chiến lược phát triển nguồn nhân lực tại chỗ nhằm đảm bảo các BV ngoại thành có đủ bác sĩ, điều dưỡng để có thể đảm trách được nghiệp vụ và chuyên môn phục vụ chữa bệnh trên địa bàn.

Phát triển kỹ thuật chuyên sâu

Đau ngực, khó thở, tím tái, vã nhiều mồ hôi, bệnh nhân N.T.T. (39 tuổi, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) được người nhà đưa đến BV Quận Thủ Đức để cấp cứu.

Qua thăm khám kết hợp chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng, các bác sĩ BV quận Thủ Đức xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim do thuyên tắc khối mạch vành, cần can thiệp gấp nếu không sẽ tử vong. Sau 2 giờ đồng hồ can thiệp mạch vành bằng cách nong bóng và đặt stent phủ thuốc trên đoạn bị tắc, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu sinh tồn, mạch đập và huyết áp ổn định. Bệnh nhân được xuất viện vài ngày sau đó. Đây là một trong những trường hợp được các bác sĩ BV quận Thủ Đức áp dụng kỹ thuật cao kịp thời cứu sống người bệnh.

Theo BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV Quận Thủ Đức, thời gian qua đơn vị này còn thực hiện thành công các kỹ thuật chuyên sâu khác như điều trị ung thư gan bằng phương pháp nút hóa chất động mạch TACE, phẫu thuật u não, u tủy sống, mổ tim hở cho người lớn.

PGS-TS Tăng Chí Thượng đánh giá, đây là một trong những BV tuyến quận, huyện của TP được đầu tư theo hướng đa chuyên khoa sâu nhưng gần dân và đã thực hiện được nhiều kỹ thuật cao mà ngay cả một số BV tuyến tỉnh cũng chưa thực hiện được như phẫu thuật u não, u tủy sống, mổ tim hở…

Hiện tại, ngoài BV quận Thủ Đức thì các BV cận nội thành khác như BV quận 2, BV quận Tân Phú, BV quận Bình Tân cũng đã phát triển theo hướng đa chuyên sâu và thực hiện nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu như: phẫu thuật ung thư gan, thay khớp háng, mổ nội soi… Nhờ đó, tỷ lệ chuyển viện từ các BV này lên tuyến trên liên tục giảm trong những năm gần đây.

Cùng với việc phát triển tuyến BV ngoại thành, Sở Y tế TPHCM cũng đã lên kế hoạch xây dựng khu kỹ thuật y tế chuyên sâu của TP. Đó là xây dựng các BV đa khoa, chuyên khoa ở các vùng ngoại thành, vùng cửa ngõ. Và BV Nhi đồng thành phố là một minh chứng điển hình.

Dù chưa chính thức khánh thành nhưng trong giai đoạn đầu, BV Nhi đồng thành phố đã triển khai hoạt động khám và điều trị ngoại trú với 1.000 lượt bệnh nhi/ngày, giảm tải cho BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, đồng thời phục vụ nhu cầu của người dân các quận huyện như Bình Chánh, quận 8, Bình Tân và các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Mới đây, khu điều trị nội trú của BV này cũng đã chính thức đi vào hoạt động với các khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực chống độc, Hồi sức sơ sinh, Nhiễm, Nội tổng quát… Đặc biệt, Khoa Hồi sức sơ sinh được thiết kế hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực, mỗi ngày có từ 30 đến 40 trẻ sơ sinh nằm điều trị với đầy đủ các trang thiết bị chuyên dùng, hiện đại đặc thù cho sơ sinh…

 

Nghịch lý chi tiền để... mua bệnh (Công an Nhân dân, trang 4)

Biết rõ sử dụng thuốc lá sẽ mắc bệnh nhưng nhiều người vẫn cố tình làm ngơ trước tác hại của nó để thỏa mãn sự nghiện ngập của mình. Sử dụng thuốc lá không chỉ gây ra chi phí khổng lồ trong chăm sóc y tế cho những người bị bệnh do hút thuốc lá mà còn cộng thêm tổn thất do giảm hoặc mất khả năng lao động, do hỏa hoạn và những tổn hại cho môi trường.

Tổn thất khổng lồ

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá không được thực hiện kịp thời.

Theo điều tra tại Bệnh viện K Trung ương từ cách đây nhiều năm, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế năm 2011 cho thấy bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật ở nam giới tại Việt Nam.

Xu hướng gánh nặng bệnh tật chuyển từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm gia tăng nhanh chóng. Năm 1986, bệnh không lây nhiễm mới chỉ chiếm 39% số trường hợp nằm viện thì tới năm 2011, tỷ lệ này tăng lên 62.7%. Năm 2008, số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm đã chiếm tới 75% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam.

Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ung thư phổi… là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ.

Ngoài việc gây tổn thất kinh tế ở cấp quốc gia, hút thuốc còn ảnh hưởng đến kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là các hộ gia đình nghèo. Tiền mua thuốc lá làm giảm các khoản chi cho giáo dục, lương thực và chăm sóc sức khỏe.

Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới tổng hợp một số nghiên cứu tại một số đơn vị hành chính của một số quốc gia cho thấy, tại Australia tiền mua thuốc lá chiếm tới 7% chi tiêu của hộ gia đình, ở Hungary là 10.4%, và ở nông thôn Tây Nam Trung Quốc là 11%. Ở Bangladesh nếu 2/3 số tiền mua thuốc lá được dùng để mua thức ăn thì khoảng 10 triệu người sẽ tránh được suy dinh dưỡng. Trung bình ở các nước, các hộ nghèo có người hút thuốc phải tiêu tốn từ 3% đến 15% thu nhập của cả hộ gia đình cho thuốc lá.

Bệnh tật và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá còn làm suy giảm năng suất lao động, giảm thu nhập của hộ gia đình.

Dừng hút thuốc để bảo vệ mình và cộng đồng

Mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá có những đóng góp cho ngân sách quốc gia, nhưng phần đóng góp của ngành công nghiệp thuốc lá không thể bù đắp những tổn thất kinh tế và sức khoẻ do sử dụng thuốc lá gây ra đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Năm 2015 người dân Việt Nam đã chi 31 nghìn tỷ đồng mua thuốc lá.

Ngoài tổn thất do chi mua thuốc hút, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa- hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghãn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột qụy) do hút thuốc gây ra là hơn 23 nghìn tỷ đồng/năm.

Chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình, đặc biệt là các hộ có thu nhập thấp. Một cuộc điều ra mức sống hộ gia đình cho thấy các hộ nghèo tại Việt Nam phải tiêu tốn tới gần 5% thu nhập của gia đình vào thuốc lá. Ở những hộ này, khoản tiền mua thuốc lá thậm chí cao hơn khoản tiền chi cho y tế hay cho giáo dục. Nếu người hút thuốc nghèo bỏ thuốc, họ sẽ có nhiều tiền hơn để mua thức ăn hoặc để trả tiền học cho con em mình.

Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Một nửa những người thường xuyên hút thuốc bị chết sớm do sử dụng thuốc lá và một nửa trong số này chết ở độ tuổi trung niên, mất khoảng từ 15 năm đến 20 năm của cuộc sống. Thế nên, việc giảm số người hút thuốc lá được Chính phủ rất coi trọng. Mạng lưới phòng chống tác hại thuốc lá hiện đã có ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội cũng đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá, triển khai chương trình phòng chống tác hại thuốc lá bằng nhiều hình thức.

Bên cạnh đó, có nhiều mô hình không khói thuốc ở các công sở, trường học, cơ sở y tế... đã phát huy hiệu quả. Tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 5-9-2016, bên cạnh yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn yêu cầu cán bộ, viên chức phải thực hiện nghiêm không hút thuốc lá trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường...

Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức đã có nhiều nỗ lực nhằm giảm số người sử dụng thuốc lá, tuy nhiên bộ phận lớn người dân vẫn chưa có ý thức từ bỏ thuốc lá. Trước gánh nặng kinh tế và nguy cơ bệnh tật nhìn từ những con số cảnh báo như trên, mỗi người dân cần có ý thức và quyết tâm từ bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của chính mình và giữ môi trường trong sạch cho người thân và cộng đồng.

 

Bệnh viện tăng cường trực cấp cứu dịp lễ (Thanh niên, trang 3)

Lễ 2.9 cũng là thời điểm một số dịch bệnh đang gia tăng. Các bệnh viện đã được yêu cầu duy trì nghiêm túc 4 cấp trực. Đặc biệt, các BV đầu ngành đều có đội cấp cứu lưu động, đội phòng chống dịch lưu động.

Bộ Y tế cho hay dịp nghỉ lễ 2.9 năm nay cũng là thời điểm sốt xuất huyết và một số dịch bệnh đang gia tăng nên các bệnh viện (BV) đã được yêu cầu duy trì nghiêm túc 4 cấp trực: lãnh đạo, lâm sàng, cận lâm sàng, hành chính - bảo vệ. Đặc biệt, các BV đầu ngành như: BV Hữu nghị Việt Đức, BV Bạch Mai, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư đều được yêu cầu có đội cấp cứu lưu động, đội phòng chống dịch lưu động.

“Riêng khoa khám bệnh mỗi ngày nghỉ đều có kíp 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng trực khám để giảm tải các ca khám cấp cứu. Bệnh nhân đến khám trong kỳ nghỉ lễ thường là các trường hợp bất thường sức khỏe, diễn biến cấp tính; đau ngực, đau bụng, sốt cao, nhiều người khám do tình trạng nặng lên của bệnh mãn tính”, TS Đồng Văn Thành, Phó trưởng khoa Khám bệnh BV Bạch Mai, cho biết.

Thông tin từ BV Nhi T.Ư cho biết, các bệnh nhi sơ sinh mắc viêm phổi nặng do nhiễm vi rút RSV vào viện đang tăng đột biến trong các tuần gần đây. Mỗi ngày, BV phải sàng lọc (test RSV) cho 80 - 120 bệnh nhân, 30 - 40% trong số đó được xác định nhiễm vi rút RSV. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, ước khoảng 30% trong tổng số gần 200 ca đang điều trị tại khoa này. Bác sĩ Trịnh Thị Thu Hà, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh BV Nhi T.Ư, cho biết số bệnh nhân nặng nội trú ở mức cao, cần chăm sóc theo dõi sát sao nên trong các ngày nghỉ lễ, nhân lực vẫn được bố trí để đảm bảo yêu cầu công tác chuyên môn.

Còn tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, mặc dù dịch sốt xuất huyết đang có phần chững lại, nhưng trong dịp nghỉ lễ, BV vẫn duy trì các kíp y bác sĩ khám, xử trí cấp cứu khi có bệnh nhân.

Tại TP.HCM, ngày 1.9, bác sĩ Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM, cho biết đã có công văn chỉ đạo các BV tăng cường trực cấp cứu, đảm bảo cứu chữa kịp thời người bệnh nhập viện trong dịp lễ 2.9. Các đơn vị y tế dự phòng cũng phải tập trung trực để xử lý kịp thời các dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm xảy ra nếu có.

Cùng ngày, TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc BV Nhân dân 115 (TP.HCM), cho hay BV phân công trực lễ 2.9 các khoa lâm sàng mỗi ngày một kíp trực, còn cấp cứu thì thường trực 24/24. Đặc biệt, BV luôn có một kíp cấp cứu tai nạn, ngộ độc… hàng loạt. Tại BV Chợ Rẫy, cũng phân công 3 ca trực cấp cứu, mỗi ca 40 - 50 người, gồm cả bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, riêng bác sĩ là 10 người. BV còn tổ chức tăng cường đội ngũ, chuẩn bị sẵn sàng nếu có báo động về cấp cứu. Các bác sĩ khoa cấp cứu không được nghỉ phép trong dịp lễ.

 

Hỗ trợ 70% chi phí điều trị tim mạch, ung bướu, hồi sức cấp cứu tại Vinmec  (Thanh niên, trang 6)

Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup vừa công bố chương trình Hỗ trợ chi phí điều trị tại tất cả các bệnh viện Vinmec từ nay đến 31.12.2018 dành cho bệnh nhân là người VN mắc các bệnh hiểm nghèo như tim mạch, ung bướu, hồi sức cấp cứu, với mức hỗ trợ lên đến 70% chi phí.

Chương trình áp dụng cho tất cả các bệnh nhân trên toàn quốc (trừ người đang có bảo hiểm tư nhân) mà không cần thêm điều kiện ưu tiên như hộ nghèo, cận nghèo...

Các chuyên khoa được hỗ trợ là tim mạch (tim mạch can thiệp, phẫu thuật tim mạch); ung bướu (hóa trị, xạ trị, phẫu thuật) và hồi sức cấp cứu (đột quỵ, lọc máu, tiêu sợi huyết). Đây đều là những chuyên khoa thế mạnh đã được khẳng định uy tín chuyên môn của Vinmec.

Trong đó, Vinmec là một trong số ít các bệnh viện tại VN làm chủ được nhiều kỹ thuật tim mạch phức tạp, mới nhất là thay van tim động mạch chủ qua da (TAVI) - một trong các can thiệp tim mạch hiện đại nhất thế giới. Với lĩnh vực ung bướu, Vinmec đang điều trị ung thư toàn diện - chuyên sâu - cá thể hóa theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu; đồng thời là nơi đầu tiên tại VN ứng dụng liệu pháp tăng cường miễn dịch tự thân hỗ trợ điều trị ung thư.

Toàn bộ kinh phí hỗ trợ thuộc chương trình 1.500 tỉ đồng dành riêng cho các hoạt động nhân đạo trong lĩnh vực y tế do Tập đoàn Vingroup triển khai.

 

Bàn giải pháp xử lý vấn đề bội chi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (Nhân dân, trang 5)

Ngày 1/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng Hội Y học Việt Nam, đại diện Bộ Tài chính và một số địa phương nhằm tìm giải pháp xử lý đối với vấn đề bội chi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).

Tại Cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cấp tài khoản truy cập hệ thống cho giám đốc BHXH, giám đốc sở y tế các tỉnh để nắm được số liệu thống kê, báo cáo lãnh đạo xử lý và chỉ đạo dứt khoát phải tin học hóa toàn bộ hệ thống quản lý khám chữa bệnh BHYT, kể cả các bệnh viện tư nhân. Những gì bất bình thường, có dấu hiệu trục lợi sẽ được phát hiện ra ngay. “Đây là việc phải kiên quyết làm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam rà soát các quy định hiện hành về thực hiện chế độ BHYT bảo đảm hài hòa giữa quyền lợi của người tham gia BHYT và khả năng chi trả của BHYT. Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ chỉ thị đề xuất các giải pháp chấn chỉnh tình trạng nêu trên.

 

Sức ép có con trai khiến phụ nữ mắc nguy cơ trầm cảm cao gấp đôi (Gia đình & Xã hội, trang 6)

Cứ 4 phụ nữ mang thai thì có 1 người có thể bị trầm cảm sau sinh. Đặc biệt, trong trường hợp gia đình đã có con gái mà người chồng thích con trai thì người vợ có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp đôi so với bình thường. Thông tin này được đưa ra tại tọa đàm "Trầm cảm sau sinh: Chúng ta biết gì? Có thể làm gì?” do Bộ Y tế phối hợp với Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và Dân số tổ chức tại Hà Nội, ngày 30/8.

Nguy hại đến cả mẹ và con

Nghiên cứu mới nhất của Đại học Y Hà Nội cho thấy, ngoài những nguyên nhân về sự thay đổi trong cơ thể sau khi sinh con và yếu tố kinh tế gia đình thì áp lực phải có con trai để nối dõi tông đường là nguyên nhân quan trọng làm tăng nguy cơ trầm cảm đối với phụ nữ mang thai và sau khi sinh con.

Trường hợp của chị Mai Ly (tên nhân vật đã được thay đổi) 36 tuổi ở Hải Dương là một điển hình. Khi chị sinh con thứ hai cũng là con gái, theo lời chị kể qua đường dây tư vấn của báo: “tôi phải chịu cảnh khinh rẻ của gia đình nhà chồng”. Gia đình chồng chị có 3 anh em trai đều sinh con một bề là gái, nhưng các nàng dâu kia không bị áp lực về tinh thần vì chồng chị là con trưởng. “Đó đâu phải là lỗi của tôi, nhưng nhà chồng nói là họ vô phúc khi lấy tôi, không biết đẻ con nối dõi cho gia đình nhà chồng. Giờ tôi sức khỏe kém, tuổi lại cao khó có thể mang thai tiếp, nhà chồng muốn tôi chia tay chồng để anh ấy tìm con nối dõi. Vì không đồng ý, tôi bị chồng bạo hành cả về tinh thần và thể xác. Giờ đồng ý ly hôn thì tôi tay trắng, cũng không thể quay về nhà bố mẹ đẻ được vì các cụ không bao giờ đồng ý con cái bỏ chồng. Quyết tâm ở lại thì bị đày đọa, ngày ngày hai đứa con nhìn mẹ bị mắng chửi chúng cũng sợ hãi và buồn bã”.

Còn trường hợp của chị Linh ở Bắc Ninh, bắt đầu mang thai đứa con thứ hai, chị bị sụt cân nghiêm trọng vì ăn ít, ngủ ít. Chồng chị là con một, lại là trưởng họ nên ngay khi yêu và lấy anh, chị đã không được sự đồng thuận của mẹ chồng vì bà nói “tao xem bói rồi, tuổi hai đứa lấy nhau khó có con trai, chia tay bây giờ cho đỡ khổ”. Sinh con đầu lòng là gái nên áp lực phải sinh con trai lần này làm chị càng căng thẳng. Khi sinh được bé trai rồi mà đêm đêm chị vẫn phải nhìn kỹ xem là thực hay mơ, rồi chị nghĩ “may mà sinh được con trai, nếu không sẽ khó ở với gia đình nhà này”. Suy nghĩ đó khiến chị khó chịu, bực bội cộng với cảnh đứa bé hay quấy khóc, chồng hay cáu, mẹ chồng bảo không biết nuôi con làm chị phát điên. “Có đêm tôi nằm khóc, nghĩ quẩn, giờ mình bế thằng bé nhảy xuống sông cho họ phải than khóc để trả thù cách họ đối xử với mình. Ý nghĩ ấy nung nấu khiến tôi đã quyết tâm thực hiện. Đúng hôm đó thằng bé bị sốt, nhìn con nằm thiêm thiếp nắm chặt tay mẹ, tôi chợt bừng tỉnh”.

Cần lên án việc phân biệt giới tính khi sinh

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trầm cảm là nguyên nhân đứng hàng thứ hai về gánh nặng y tế. Có khoảng 10% -20% phụ nữ mang thai hoặc sau khi sinh con trên toàn cầu từng trải qua ít nhất một dạng rối loạn tâm thần, trong đó chủ yếu là trầm cảm. Tại Việt Nam, rối loạn tâm thần nói chung và trầm cảm sau sinh nói riêng đang có xu hướng gia tăng. Trong những trường hợp nghiêm trọng, điều này có thể dẫn đến suy nghĩ và hành vi tự tử ở người mẹ hoặc gây tổn hại cho đứa con. Tỉ lệ trầm cảm sau sinh ở nước ta theo một số nghiên cứu sàng lọc có thể lên tới 33%.

Nguyên nhân gây ra trầm cảm sau sinh có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bị áp lực phải sinh con trai. Bà Trần Thơ Nhị, Viện Đào tạo y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội cho biết: “Đối với những thai phụ sinh non thì nguy cơ bị trầm cảm cao gấp gần 3 lần so với bình thường. Những ông chồng thích thai nhi là con trai thì nguy cơ của người phụ nữ bị trầm cảm cao gấp gần 2 lần so với những trường hợp ông chồng không quan tâm về mặt giới tính.” Có thể thấy, bạo lực gia đình và áp lực phải có con trai để nối dõi tông đường là những nguyên nhân quan trọng làm tăng nguy cơ trầm cảm đối với phụ nữ sau sinh. Trong những trường hợp nghiêm trọng, điều này có thể dẫn đến suy nghĩ và hành vi tự tử ở người mẹ hoặc gây tổn hại cho con. Theo khảo sát, có tới 6,2% phụ nữ bị chồng bạo hành đã sinh non và 4,9% sinh con nhẹ cân. Có hơn 1/3 phụ nữ mang thai bị bạo hành, nhưng có gần một nửa số trường hợp không thông báo cho người khác. Phụ nữ sinh con gái một bề có nguy cơ bị chồng bạo hành trong quá trình mang thai gấp 2 lần so với phụ nữ có con trai. Bạo lực tinh thần là hình thức phổ biến nhất đối với phụ nữ mang thai, chiếm 32,2%, tiếp theo là bạo lực tình dục 9,8% và bạo lực thể xác 3,5%.

TS Dương Minh Tâm, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho biết, những bệnh nhân trầm cảm, trong đó có phụ nữ mang thai và sau khi sinh con đến các bệnh viện chuyên khoa đều trong tình trạng muộn: “Những trường hợp đã đến với tôi thường là những trường hợp đáng tiếc. Quần thể người trầm cảm sau sinh giống như hình chóp nón. Chỉ phần chóp đến điều trị thôi, còn phần nhiều hơn là những người bệnh không được phát hiện, không được chữa trị”.

Đã đến lúc những phụ nữ mang thai và sau khi sinh cần được theo dõi đầy đủ về sức khỏe, trong đó có sức khỏe tâm thần. Những chính sách can thiệp y tế và các dịch vụ chăm sóc trước sinh, sau sinh cần được xây dựng và bổ sung để việc thực hiện trở thành thường quy tại các cơ sở y tế. Bên cạnh việc dự phòng tai biến sản khoa, phòng chống nhiễm khuẩn, các y, bác sỹ còn phải chăm sóc về tâm lý trong giai đoạn mang thai và sau khi sinh. Điều quan trọng nhất là sự chia sẻ, giúp đỡ của gia đình, người chồng để phụ nữ đỡ vất vả hơn, đỡ áp lực tâm lý và đỡ căng thẳng hơn khi thực hiện thiên chức của một người vợ, người mẹ, đặc biệt là phải chống phân biệt đối xử chuyện sinh con trai, con gái và áp lực nối dõi tông đường của một bộ phận không nhỏ trong người dân.

 

Ngày 03/9/2017

Người bệnh phàn nàn cách khám, hỏi bệnh của bác sĩ (Thanh niên, trang 5)

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP, việc khảo sát là nhằm chủ động thông tin về sự không hài lòng của người bệnh khi đến khám, chữa bệnh tại các BV...

Khảo sát trong tháng 6.2017 của Sở Y tế TP.HCM về sự không hài lòng của bệnh nhân (BN) đi khám, chữa bệnh tại 53 bệnh viện (BV) công lập tại TP, cho thấy có 1.177 lượt bấm vào máy khảo sát ở nội dung không hài lòng với cách hỏi bệnh của bác sĩ (BS), xếp thứ 4 trong 13 nội dung khảo sát.

Còn khảo sát trong tháng 7 thì lượt bấm tăng lên 1.213, vọt lên một bậc, xếp thứ 3 trong 13 nội dung khảo sát.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP, việc khảo sát là nhằm chủ động thông tin về sự không hài lòng của người bệnh khi đến khám, chữa bệnh tại các BV, để nâng cao trách nhiệm của BV - phải chủ động giám sát tìm nguyên nhân để có giải pháp cải tiến.

“Cách giao tiếp ứng xử, hỏi bệnh còn lệ thuộc vào cá nhân mỗi BS do BV chưa tập huấn kỹ năng giao tiếp. Bên cạnh đó là sự giám sát giao tiếp ứng xử của BS chưa được BV chủ động và ưu tiên thực hiện”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nói.

PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó hiệu trưởng kiêm Trưởng phòng khám BS gia đình (Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM), cho rằng trong quy trình đào tạo sinh viên y khoa rất chú trọng việc hỏi bệnh và giao tiếp với BN, theo hai chiều: Hỏi và lắng nghe. Đây là việc bắt buộc. Việc đào tạo này bắt đầu từ năm thứ 3.

Theo PGS-TS Hiệp, một cuộc khám bệnh bình quân từ 10 - 15 phút, trong đó hỏi bệnh từ 5 - 7 phút. Tùy vào tình huống, bệnh tật mà hỏi chứ không bắt buộc thời gian cố định. Việc hỏi bệnh giúp BS có định hướng chẩn đoán, suy luận lâm sàng phù hợp. “Việc hỏi bệnh còn mang tính chất tâm lý. Bởi vì khi mắc bệnh, BN cần hỏi và BS giải đáp sẽ tạo thêm tin tưởng, giải tỏa lo lắng cho BN”, PGS-TS Hiệp nhận xét.

 

Nhiều thủ đoạn tinh vi trong sản xuất và kinh doanh dược, mỹ phẩm giả (Nhân dân, trang 3)

Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong hai năm (từ 15-7-2015 đến 15-4-2017), cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra 51.274 vụ; phát hiện, xử lý 12.665 vụ việc vi phạm liên quan đến dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Các đối tượng ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng.

Nhiều vi phạm trong lĩnh vực dược – mỹ phẩm, thực phẩm chức năng

Trong thời gian từ 15-7-2015 đến 15-4-2017, cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra 51.274 vụ, phát hiện, xử lý 12.665 vụ việc vi phạm liên quan đến dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; thu nộp ngân sách nhà nước 75,530 tỷ đồng. Đồng thời, khởi tố 17 vụ án hình sự với 29 đối tượng.

Trong việc phát hiện hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép tân dược, thực phẩm chức năng, nhiều vụ có quy mô, trị giá hàng hóa vi phạm lớn. Trong hai năm, lực lượng Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 259 vụ vi phạm/159 đối tượng liên quan đến buôn lậu, vận chuyển trái phép, nhập khẩu hàng hóa là tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 47,942 tỷ đồng; thu nộp ngân sách nhà nước đạt 7,77 tỷ đồng; khởi tố ba vụ/ba đối tượng.

Nhiều vụ việc vi phạm đã bị phát hiện, bắt giữ, xử lý, trong đó có một số đơn vị, địa phương có kết quả nổi bật. Cụ thể như BCĐ 389 Bộ Y tế đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 559 vụ vi phạm, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính gần 30,985 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo đã xử lý 263 cơ sở vi phạm với 294 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 9,21 tỷ đồng; thu hồi 89 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, dừng lưu thông 191 lô sản phẩm vi phạm, tiêu hủy 33 lô sản phẩm vi phạm. Cục Quản lý Dược đã xử phạt vi phạm hành chính 194 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm, tổng số tiền phạt 13,025 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, BCĐ 389 Hà Nội đã kiểm tra 1.622 vụ, xử lý 1.626 vụ (trong đó xử lý bốn vụ tồn), phạt hành chính 16,437 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm 39,557 tỷ đồng; khởi tố hai vụ và ba đối tượng. Ban Chỉ đạo 389 TP Hồ Chí Minh đã phát hiện, kiểm tra, xử lý 1.271 vụ; với 1.118 đối tượng; thu nộp ngân sách đạt 14412 tỷ đồng; khởi tố 10 vụ với 16 bị can.

Các đối tượng ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi như không sản xuất tập trung với số lượng lớn hoặc thông qua nhập khẩu các sản phẩm của mình đã được công bố, sau đó thành lập nhiều công ty vệ tinh tự sản xuất giả (giả chất lượng) các sản phẩm của mình và đưa ra thị trường tiêu thụ.

Đối với mặt hàng thực phẩm chức năng, qua công tác kiểm tra cho thấy sai phạm chủ yếu là quảng cáo không đúng sự thật về tác dụng, công dụng chữa bệnh; mua các sản phẩm rời mang về Việt Nam để đóng hộp, đóng lọ không qua kiểm tra chất lượng, kinh doanh hàng tẩy xóa hạn sử dụng,... Đáng chú ý, qua giám định của các đợt kiểm tra cho thấy nhiều mặt hàng vi phạm về chất lượng như: chỉ tiêu chất lượng thấp hơn so với công bố, có sản phẩm không có chất chính, sử dụng hoạt chất không được phép cho vào trong thực phẩm chức năng.

Trong lĩnh vực dược phẩm, tình trạng xách tay các loại thuốc quý hiếm, mua bán thuốc tân dược không có hóa đơn tại các chợ trung tâm và ngay trong các quầy thuốc bệnh viện vẫn còn tồn tại.

Chồng chéo và sơ sở, nhiều đối tượng “lách luật”

Theo ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng BCĐ 389, hiện nay hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh, xử lý hành vi, tội danh sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung còn chồng chéo, sơ hở. Do đó, đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để hoạt động bất hợp pháp và gây rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho công tác điều tra, xử lý.

Bên cạnh đó, thiếu các quy định về cấp phép quảng cáo để xử lý đối với thông tin quảng cáo không đúng sự thật về công dụng, tác dụng; quy định về kê khai giá; công bố chất lượng không ghi thành phần chính, chất chủ yếu, không ghi định tính, định lượng,... nên các đối tượng lợi dụng để né trách hành vi vi phạm hàng giả về chất lượng.

Việc chưa có quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kinh doanh, quảng cáo, buôn bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên mạng xã hội (facebook, Zalo, Instagram,...) nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm của cá nhân, cơ sở kinh doanh online là rất khó khăn, đặc biệt là sự phát triển bùng nổ về mạng xã hội và thông tin như hiện nay.

Trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm, ông Đàm Thanh Thế cho biết, hệ thống thông tin của Cục Quản lý dược chưa công khai danh mục và đơn vị được cấp số lưu hành cho các loại mỹ phẩm; không có quy định phải ghi số đăng ký lên sản phẩm nên khó phát hiện được hàng có phép và không được phép lưu hành trên thị trường. Vì vậy công tác kiểm tra gặp nhiều khó khăn, nhất là khi mỹ phẩm nhiều loại, không cùng lô,...

Công tác giám định chất lượng hàng hóa của các cơ quan chuyên môn còn mất nhiều thời gian, có khi mỗi đơn vị giám định lại cho kết quả khác nhau, đã cản trở quá trình xử lý vi phạm. Các đối tượng sản xuất hàng giả tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phần lớn là dân các tỉnh nhập cư; không có hộ khẩu, không đăng ký tạm trú nên việc xác minh lai lịch để lập hồ sơ nghiệp vụ giám sát, theo dõi gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, các đối tượng thường xuyên thay đổi địa điểm sản xuất, gia công từ các khu đô thị mới, nơi hẻo lánh, khu trọ, vùng ven thành phố hoặc vùng giáp ranh giữa các tỉnh để tổ chức sản xuất nên việc quản lý, thẩm tra để kiểm tra, kiểm soát là rất khó khăn.

Thêm nữa, công nghệ sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi, khó phân biệt, trong khi nhiều hãng sản xuất không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối chưa thực sự quan tâm tới công tác chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu của mình trên thị trường. Vì vậy, cơ quan chức năng chống hàng giả thiếu thông tin về sản phẩm, do đó hiệu quả công tác đấu tranh hàng giả là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm thời gian qua chưa cao.

Vì thế, theo BCĐ 389 quốc gia, để tăng cường đấu tranh, phát hiện, bắt giữ và xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng, cần phải có sự vào cuộc sát sao, quyết liệt thanh, kiểm tra của nhiều bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, Bộ Y tế cần chỉ đạo đơn vị chức năng khẩn trương hoàn thiện quy định, chế độ chính sách quản lý, cấp phép, công bố tiêu chuẩn chất lượng,...; ban hành quy định chặt chẽ về điều kiện sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu đối với mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Đồng thời, thông tin công khai về việc cấp phép của doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin để lực lượng chức năng có thể tra cứu, khai thác trong quá trình kiểm tra, kiểm soát.

 

Ngày 04/9/2017

Xét nghiệm máu có ra sốt xuất huyết? (Hà Nội mới, trang 5)

Do lo ngại tình trạng quá tải tại các bệnh viện công nên nhiều người dân đã lựa chọn dịch vụ xét nghiệm máu chẩn đoán sốt xuất huyết tại nhà. Thế nhưng, không ít người lo ngại khi cùng trong một ngày, việc xét nghiệm có thể cho hai kết quả xét nghiệm khác nhau. Các bác sĩ chuyên ngành truyền nhiễm cho rằng, để chẩn đoán chính xác bệnh, quan trọng nhất vẫn là các triệu chứng lâm sàng bởi kết quả xét nghiệm có thể có sai số.

 

Khỏi bệnh nhưng liên tục nhập viện vì … hết tiền (Thanh niên, trang 5)

Ngày 3.9, bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết bệnh nhân Pils Norbert Michael (69 tuổi, quốc tịch Đức) vừa xuất viện lần gần nhất là ngày 1.9. Theo các bác sĩ, ông Pils Norbert Michael làm việc ở Bình Thuận. Cách đây 3 tháng, ông nhập viện do tắc mạch máu và bị đoạn chi. Sau khi điều trị ở BV Chợ Rẫy khỏi bệnh, ông xuất viện, rồi đến khám, điều trị tại BV khác và lại được chuyển viện đến Chợ Rẫy trong tình trạng… hết tiền.

BV Chợ Rẫy tiếp nhận dù bệnh nhân đã không cần điều trị nội trú. Nhưng khi cho xuất viện, bệnh nhân đi lòng vòng rồi trở lại BV vì không có khách sạn nào cho lưu trú. Xuất viện rồi trở lại nhập viện, cứ như vậy gần 10 lần, có lần ở 10 ngày dù bệnh đã khỏi hẳn, khi bác sĩ hỏi thì ông bảo chờ vợ đến đón. Đến nay, ông này vẫn còn nợ viện phí.

 

Công khai tên đối tượng làm thực phẩm bẩn (An ninh thủ đô, trang 2)

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 8097/VP-KGVX đề nghị sở, ngành liên quan thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm Tết Trung thu.

Trong đó, đề nghị Sở Y tế tham mưu cho UBND, Ban Chỉ đạo liên ngành Về VSATTP các tỉnh, thành phố kế hoạch kiểm tra bảo đảm ATTP trong dịp Tết Trung thu năm 2017. Cần thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ở các cấp có sự tham gia của các đơn vị chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Đồng thời, phải phối hợp với các Đoàn thanh tra liên ngành của trung ương tiến hành kiểm tra, xử lý các vi phạm về ATTP tại các cơ sở thực phẩm theo kế hoạch cụ thể…

 

Lo ngại sốt xuất huyết bùng phát tại Hà Nội khi sinh viên nhập học (Công an nhân dân, trang 2)

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính từ 1-1-2017 đến ngày 31-8-2017, ghi nhận 23.693 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH), 7 trường hợp tử vong. Riêng trong tuần từ ngày 24-8 đến 30-8, Hà Nội ghi nhận 2.822 trường hợp, giảm 261 trường hợp so với tuần từ ngày 17-8 đến 23-8. Số bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện là 2.139 người, có xu hướng giảm so với các tuần trước. Sở Y tế Hà Nội cho rằng, mặc dù số ca mắc trong tuần đã có xu hướng giảm, nhưng trước diễn biến thời tiết như hiện nay và thời gian tới sinh viên các trường sẽ về Hà Nội nhập học thì nguy cơ dịch SXH vẫn có thể diễn biến phức tạp với số mắc gia tăng. Thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền để từng người dân biết về bệnh SXH và các biện pháp phòng chống; bổ sung nhân lực cho đội xung kích diệt bọ gậy; có kế hoạch chi tiết cụ thể cho việc phun hoá chất; tăng cường kiểm tra công tác phòng dịch, đồng thời, thực hiện chế độ giao ban, báo cáo dịch theo đúng quy định. Nhận định về tình hình dịch SXH trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho rằng, dịch có dấu hiệu giảm, tuy nhiên, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết lại tăng ở một số quận, huyện như Thường Tín, Phúc Thọ, Hoài Đức, Thanh Xuân… Do vậy, để công tác phòng chống dịch đạt được hiệu quả, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy trong cơ quan, đơn vị và phun hoá chất diệt muỗi theo hướng dẫn của Sở Y tế; tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn; gắn trách nhiệm cụ thể đối với lãnh đạo các xã, phường để sốt xuất huyết diễn biến phức tạp.

 

Phát triển bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên bền vững (Nhân dân, trang 4)

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân (ngày 3-6-2016), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt nhấn mạnh đến công tác BHYT học sinh - sinh viên (HSSV). Thủ tướng cũng yêu cầu Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp chặt chẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho HSSV, bảo đảm đến năm 2017 tất cả đối tượng này tham gia BHYT…

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang