Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 4/10/2022

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế gửi văn bản khẩn sau khi phát hiện ca mắc bệnh đậu mùa khỉ; Tăng ca mắc và tử vong do Adenovirus; Bệnh viện vùng ven vượt khó: Chú trọng nhân lực, kỹ thuật…

 

Gỡ khó để bệnh viện tự chủ

Thực hiện cơ chế tự chủ, thời gian qua, nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố đã có những bước phát triển mới đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, một số quy định chưa phù hợp với thực tế khiến cho việc tự chủ của nhiều bệnh viện gặp không ít khó khăn, nhất là giai đoạn sau đại dịch.

Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh vừa có chuyến làm việc với một số bệnh viện về thực hiện cơ chế tự chủ tại bệnh viện giai đoạn 1/1/2020 đến 30/6/2022 và việc đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại bệnh viện giai đoạn trên. Theo đánh giá của các bệnh viện, việc được giao quyền tự chủ chi thường xuyên đã góp phần tiết kiệm phần nào cho nguồn ngân sách thành phố. Ưu điểm tự chủ tài chính là giúp bệnh viện chủ động xây dựng nguồn nhân lực phù hợp với mục tiêu, kế hoạch dài hạn; chủ động trong công tác khám, chữa bệnh, phát triển cơ sở y tế, đầu tư trang thiết bị từ nhiều nguồn vốn khác nhau.

Tuy nhiên, hầu hết các bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ đều cho rằng đơn vị đang gặp khó khăn về kinh phí đầu tư. Đứng trước yêu cầu phát triển chuyên môn, nâng hạng bệnh viện, xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng đào tạo cán bộ, bệnh viện rất khó trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, giá thu hiện nay của bệnh viện áp dụng đối với bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế và với mức giá được tính 4/7 phần, ba phần còn lại (chi phí nhân sự gián tiếp, khấu hao thiết bị, máy móc, chi phí đào tạo, nghiên cứu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng) chưa được tính đúng, tính đủ vào cơ cấu giá.

Việc này dẫn đến bệnh viện càng làm càng thâm hụt và không có nguồn để tái đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, không nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, không có nguồn đào tạo nhân lực và thu hút nguồn lực có chất lượng cao. Các bệnh viện hiện nay khó thu hút nguồn nhân lực chất lượng khi không có cơ chế riêng tuyển dụng bác sĩ có tay nghề. Nhiều kỹ thuật viên gây mê, phòng mổ được bệnh viện đào tạo, có chứng chỉ hành nghề chuyển qua bệnh viện tư làm, do thu nhập từ bệnh viện công không đáp ứng đủ mức sống. Bên cạnh đó, vấn đề tuyển dụng điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh cho bệnh viện hiện rất khó.

Trước những thách thức trên, nhiều bệnh viện kiến nghị mở rộng đối tượng hưởng chế độ thu nhập tăng thêm đối với người lao động trong cơ sở y tế. Bộ Y tế cần có hướng dẫn và quy định về định mức kinh tế kỹ thuật chung để bệnh viện làm căn cứ xây dựng giá dịch vụ. Bộ Tài chính nên điều chỉnh giảm tỷ lệ trích nguồn cải cách tiền lương theo quy định để giảm bớt gánh nặng cho các đơn vị tự chủ; đồng thời kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính thực hiện kết cấu chi phí vào giá thu theo lộ trình tính đúng, tính đủ giá viện phí, bổ sung chi phí đầu tư về công nghệ thông tin, bệnh án điện tử vào giá thu viện phí...

Ngành y tế nói chung và các bệnh viện nói riêng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19. Việc sớm tháo gỡ những vướng mắc cũng như có cơ chế tiếp sức, hỗ trợ kịp thời sẽ giúp cho các bệnh viện có điều kiện tự chủ tốt hơn; nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người dân. (Nhân dân, trang TPHCM).

 

Tăng ca mắc và tử vong do Adenovirus

Ngày 3/10, Bộ Y tế họp bàn về các giải pháp thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Adenovirus trong bối cảnh bệnh đang lây lan mạnh tại Hà Nội và khu vực miền Bắc. Tiếp tục ghi nhận các trường hợp trẻ tử vong do Adenovirus.

PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện này tiếp nhận hơn 3.130 ca mắc Adenovirus, 9 ca tử vong. Như vậy, so với thông tin từ tuần trước, số ca tử vong tăng 2 trường hợp.

Chỉ 3 tuần qua, bệnh viện đã có gần 2.900 trẻ mắc Adenovirus đến khám và điều trị, chủ yếu từ 1-3 tuổi, trong đó có 2.344 ca tại Hà Nội, chiếm khoảng 75% tổng số bệnh nhân. Ngoài ra, Bắc Ninh, Hưng Yên mỗi địa phương cũng có hơn 100 ca.

Sáng 3/10, Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận khoảng 300 ca mắc Adenovirus đang điều trị. Hiện có hơn 40 ca nặng, nguy kịch, trong đó có 6 bệnh nhân thở máy, 2 ca ECMO (tim, phổi nhân tạo); 2 ca lọc máu, 35 ca thở ôxy. PGS Điển cho biết, không chỉ gia tăng số bệnh nhân mắc Adenovirus so với các năm trước mà tỉ lệ số ca nhập viện cũng cao, chiếm trên 50% số ca phát hiện nhiễm bệnh.

Trong 9 ca tử vong tại Bệnh viện Nhi trung ương liên quan đến Adenovirus có 4 ca mắc bệnh nền như tim bẩm sinh, ung thư, viêm não, suy đa tạng… Sáng 3/10, tại bệnh viện này thêm một ca tử vong là bệnh nhi 13 tháng tuổi có tiền sử khoẻ mạnh, không bệnh nền.

Tương tự, tại Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai), từ 24-30/9 ghi nhận 13 ca bệnh mắc Adenovirus. Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, đến nay có 84 ca.

Dù số ca mắc đang gia tăng tại các bệnh viện, nhưng theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hiện chưa phát hiện ổ dịch Adenovirus trong cộng đồng. Tại cuộc họp, vấn đề chỉ định xét nghiệm được nhiều chuyên gia nêu ý kiến và thống nhất quan điểm, không xét nghiệm tràn lan khi không cần thiết, gây lãng phí. Việc xét nghiệm phải theo chỉ định của bác sĩ, chứ không phải theo nhu cầu của người dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là sàng lọc, phân luồng, phân tuyến điều trị nhằm hạn chế tối đa bệnh nhân trở nặng, tử vong, lây chéo trong cơ sở điều trị. Chiều cùng ngày, Hội đồng chuyên môn xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do Adenovirus ở trẻ em họp tiến tới ban hành hướng dẫn này trong ngày 4/10. (Tiền phong, trang 2).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 4: “Ca mắc và tử vong do Adenovirrus tăng nhanh”.

 

Thông tin về bệnh nhân đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam

Chiều 3.10, Bộ Y tế thông tin về ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại VN.

Theo đó, Bộ Y tế cùng ngày nhận được báo cáo của Sở Y tế TP.HCM về kết quả xét nghiệm giải trình tự gien khẳng định một bệnh nhân (BN) mắc bệnh đậu mùa khỉ chủng Monkeypox vi rút thuộc clade I2b. Đây là BN mắc đậu mùa khỉ được ghi nhận đầu tiên tại VN.

BN là nữ, 35 tuổi, thường trú TP.HCM; khởi phát bệnh ngày 18.9.2022 khi đang du lịch tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE), từ tháng 7.2022 đến 22.9.2022 về VN; với triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt.

Ngay sau khi về VN, ngày 23.9, BN đến khám tại Bệnh viện (BV) Từ Dũ và nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, được chuyển sang BV Da liễu TP.HCM. Qua thăm khám, bác sĩ nghi ngờ BN mắc bệnh đậu mùa khỉ. BN ngay lập tức được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán (xét nghiệm Realtime PCR tại BV Bệnh nhiệt đới và Viện Pasteur TP.HCM).

Ngày 25.9, BN có kết quả ban đầu dương tính với bệnh đậu mùa khỉ và được chuyển sang BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM để tiếp tục cách ly, điều trị và lấy mẫu giải trình tự gien tại Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Trường ĐH Oxford hợp tác BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Bộ Y tế đã đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tiếp tục điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch, cách ly, điều trị BN theo hướng dẫn chuyên môn. Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Hiện tại, BN sức khỏe ổn định, không sốt, đang được tiếp tục cách ly, điều trị.

Với những thông tin khai thác được qua điều tra dịch tễ, cùng với kết quả xét nghiệm Realtime PCR, giải trình tự gien, Bộ Y tế nhận định đây là trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ có nguồn lây từ nước ngoài; các trường hợp tiếp xúc gần với BN tại VN (kể từ khi về nước) đều được giám sát, theo dõi theo quy định và hiện chưa phát hiện trường hợp nghi nhiễm. (Thanh niên, trang 4).

Cùng chủ đề Sức khỏe & Đời sống, trang 8: “TP.HCM phát hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên”; Sài Gòn giải phón,g trang 4: “TPHCM xuất hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên: Sẵn sàng phương án ứng phó”; Nông thôn ngày nay, trang 1: “Xuất hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam: Các địa phương khẩn trương ứng phó”.

 

Bệnh viện vùng ven vượt khó: Chú trọng nhân lực, kỹ thuật

Hơn 6 năm trước, Bệnh viện H.Củ Chi (TP.HCM) chỉ có hơn 10 bác sĩ, mỗi ngày khám chữa bệnh trên dưới 100 bệnh nhân.

Máy móc không có gì nhiều. Lãnh đạo TP.HCM và ngành y tế khi đó quyết tâm đưa bệnh viện này ngang bằng với nhiều bệnh viện quận, huyện khác và chuyên môn tiệm cận với bệnh viện tuyến cao hơn...

Nhiều bệnh viện (BV) đầu ngành của TP đưa bác sĩ (BS) giỏi, máy móc, thiết bị đến BV H.Củ Chi, vừa khám chữa bệnh (KCB), vừa cầm tay chỉ việc cho y BS ở đây. 3 năm sau, BV H.Củ Chi đã tự đứng vững trên đôi chân của mình. Hiện BV đã có 130 BS cơ hữu (tuổi đời trung bình 40); có nhiều máy móc, thiết bị dùng cho kỹ thuật cao; và mỗi ngày KCB cho 1.000 bệnh nhân (BN) nội trú và ngoại trú.

“Ở đây gần nhà, không phải đi xa”

Ngày 20.9, chúng tôi đến BV H.Củ Chi (cách trung tâm TP hơn 50 km). Lúc này hơn 9 giờ, BN gần như kín các khu khám bệnh, khu xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh. Ông Trần Đức Hồng (79 tuổi, ngụ xã An Nhơn Tây, H.Củ Chi) cho biết ông còn chờ kết quả xét nghiệm máu nữa rồi vào gặp BS cho thuốc. Là thương binh, nay tuổi cao, mắc nhiều bệnh mạn tính, mỗi tháng ông đến BV H.Củ Chi tái khám, nhận thuốc về uống và bảo hiểm y tế thanh toán 100%. Ông nói mình gắn với BV này từ sau ngày giải phóng đến nay. “Tôi chỉ KCB ở đây vì gần nhà, chỉ một buổi là xong, chỉ khi nào bệnh nặng quá thì họ mới đi tuyến trên. BS ở BV khám bệnh tốt lắm, y tá tận tình, thuốc men đầy đủ…”, ông Hồng chia sẻ.

Đang chờ nhận thuốc, BN Lương Thị Tuyết (ngụ xã Phú Mỹ Hưng, H.Củ Chi) kể với PV, mấy ngày qua bà đổ bệnh, đi khám, được BS chẩn đoán viêm họng cấp, trào ngược dạ dày. Bà đi từ 8 giờ (20.9), đến 9 giờ 30 đã xong và chuẩn bị nhận thuốc. “Tết giờ tôi vào BV đã 2 lần, điều dưỡng, y tá gọi là có mặt liền, nhanh nhẹn lắm; BV cũng sạch sẽ”, bà nói và cho biết thêm: “Một số người dân ở đây thường không tin vào BV địa phương nên đi lên TP, nhưng ở trên đó BV quá tải không chăm sóc kỹ như ở đây được”.

Trong một phòng bệnh ở Khoa Ngoại tổng quát, BN Trần Thị Liên (57 tuổi, ngụ xã Phước Thạnh, H.Củ Chi) mới được mổ thoát vị đĩa đệm. Bà cho biết khi đến BV H.Củ Chi, BS nói đã mổ rất nhiều ca như trường hợp của bà nên bà tin và đồng ý mổ thoát vị đĩa đệm tại đây, trước đó bà nghĩ BV không mổ được. Bà nói: “Mổ ở đây gần nhà, không phải đi xa xôi, giá cả cũng thấp”.

10 giờ cùng ngày, tại phòng mổ của BV H.Củ Chi, BS Nguyễn Đức Lĩnh, Trưởng khoa Phụ sản, đã mổ bắt con cho một thai phụ ngụ huyện này, ca mổ rất nhanh. Nhìn PV có vẻ ngạc nhiên với tốc độ mổ bắt con nhanh như vậy, BS Lĩnh giải thích: “Sản phụ sinh con thứ ba, trước đó cũng 2 lần sinh mổ. Tuy hơi khó hơn nhưng do đã chuẩn bị trước và có kinh nghiệm nên việc mổ nhanh và thuận lợi”.

“Làn gió mới” từ các bác sĩ trẻ

BS CK2 Trần Chánh Xuân, Giám đốc BV H.Củ Chi (39 tuổi, làm giám đốc từ năm 37 tuổi), chia sẻ: “BV ở khá xa trung tâm, khu vực này còn có BV lớn và các phòng khám tư nhân nên lượng BN được phân ra nhiều nơi. Đó là điều khó khăn khi BV phải tự chủ chi toàn bộ, nếu ít BN, y BS lại bỏ việc thì cũng sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn không lối ra như nhiều năm trước. Do đó, bằng cơ sở vật chất mới, BV quyết định phát triển nhiều chuyên khoa mũi nhọn dưới sự hỗ trợ của các BV tuyến trên để thu hút được BN”.

“Ngoại chấn thương chỉnh hình, ngoại tổng quát, sọ não, cột sống, niệu khoa..., chúng tôi đã tự mổ được và làm chủ được kỹ thuật. Các chuyên khoa khác như mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, da liễu... chúng tôi cũng đã lập ra và có BS cơ hữu. Sản phụ khoa, BV đã cấp cứu nhiều ca nguy kịch thành công... Và để phục vụ KCB tốt, BV đã được đầu tư máy CT-Scanner, máy MRI, siêu âm tim, xét nghiệm hiện đại… Bên cạnh đó đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ BN. Việc đóng viện phí, BN có thể đóng tiền mặt, quẹt thẻ, chuyển khoản… rất thuận tiện. Cải cách hành chính cũng là khâu BV quan tâm”, BS Xuân nói.

Theo BS Xuân, vấn đề nhân sự, Ban Giám đốc rất lo lắng vì luôn thiếu nhưng cũng đã tìm ra giải pháp. 5 năm qua BV chú trọng liên tục công tác tuyển dụng, ngoài thu hút BS có chuyên môn về đầu quân, BV còn tuyển dụng BS trẻ mới ra trường. BS trẻ được trao cơ hội học tập, đào tạo và môi trường làm việc tốt. Từ đó, họ thấy có cơ hội phát triển chuyên môn và gắn bó với BV. Đến nay BV đã có 130 BS ở các chuyên khoa. Các BS trẻ đến với BV được hỗ trợ nhà ở. Điều đặc biệt, ở BV H.Củ Chi có đến 80% điều dưỡng là người tại địa phương nên rất thuận lợi trong việc giao tiếp, hiểu về BN ở địa phương.

Cũng theo BS Trần Chánh Xuân, BV H.Củ Chi với lực lượng trẻ, đầy nhiệt huyết nhưng kinh nghiệm chưa nhiều là chắc chắn. Để khẳng định được tên tuổi BV, để BN yên tâm thì phải lấy uy tín về chất lượng, các kỹ thuật triển khai và kết quả làm trên từng ca bệnh qua nhiều năm. Do đó, cần có thời gian để tạo thương hiệu cho BV và niềm tin cho BN. Bằng chứng là khi BV tiến hành đổi mới, bổ sung nhân lực, có thêm trang thiết bị, triển khai kỹ thuật mới thì lượng BN nặng đến BV ngày càng tăng lên.

Một số ca phẫu thuật lớn BV H.Củ Chi đã làm được

Ngày 20.1.2021, BV H.Củ Chi phẫu thuật cấp cứu làm thẳng và tạo hình niệu đạo cho nam BN 27 tuổi. Trước đó, BN vào viện vì đa chấn thương, gãy khung chậu, đứt niệu đạo sau, vỡ bàng quang ngoài phúc mạc. BN được chỉ định phẫu thuật cấp cứu làm thẳng niệu đạo, khâu chỗ vỡ bàng quang, mở bàng quang ra da. Sau 3 tháng, BN được tạo hình niệu đạo sau với hỗ trợ của nội soi mềm là một trong những kỹ thuật hiện đại, cuộc mổ kéo dài 9 giờ. Sau mổ, BN tiểu bình thường...

Ngày 6.5.2021, nữ BN 50 tuổi, tiền căn HIV đang điều trị, vào viện vì sốc mất máu do xuất huyết nội. BN được phẫu thuật cấp cứu mở bụng cầm máu, cắt toàn bộ tử cung, u tử cung rất to, chiếm hết ổ bụng. Sau mổ BN ổn định, xuất viện sau 1 tuần.

Ngày 8.8.2022, nam BN 65 tuổi vào viện vì đau hông lưng kèm sốt, khám và chụp CT-Scanner bụng chậu thấy u thận rất to, chiếm hết hơn nửa bụng trái, xâm lấn cột sống, xâm lấn tĩnh mạch chủ dưới, di căn hạch dọc động mạch chủ bụng... BN được hội chẩn và phẫu thuật cắt toàn bộ khối ung thư thận, tuyến thượng thận bên trái, cắt một phần tĩnh mạch chủ dưới, cắt bán phần cơ thắt lưng chậu... Sau phẫu thuật 5 ngày, BN xuất viện.

Nam BN 30 tuổi, trầm cảm kéo dài, vào viện vì tự cắt lìa dương vật sát gốc, chảy máu rất nhiều (dương vật được cất trong đá lạnh). BN được chỉ định phẫu thuật nối lại dương vật đứt lìa bằng kính vi phẫu... (Thanh niên, trang 22).

 

COVID-19 sẽ còn là mối đe dọa, Bộ Y tế đề nghị tăng cường quản lý các nguồn lực chống dịch

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành, y tế các Bộ/ngành và các cơ sở y tế trực thuộc Bộ, chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý rà soát nguồn lực đã huy động, nguồn lực được phân bố sử dụng cho công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đó có cả nguồn do Bộ hỗ trợ.

Bộ Y tế cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định dịch bệnh COVID-19 sẽ còn tiếp tục là mối đe dọa về y tế công cộng trong thời gian tới và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.

Để sử dụng hiệu quả các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, y tế các Bộ/ngành và các cơ sở y tế trực thuộc Bộ về việc tăng cường công tác quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch COVID-19.

Rà soát các nguồn lực đã huy động, được phân bố sử dụng cho phòng, chống dịch COVID-19

Theo đó, về quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, y tế các Bộ/ngành và các cơ sở y tế trực thuộc Bộ, chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý rà soát các nguồn lực đã huy động, nguồn lực được phân bố sử dụng cho công tác phòng, chống dịch COVID 19, trong đó có nguồn do Bộ Y tế hỗ trợ.

Thực hiện quản lý, sử dụng các nguồn lực hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục tiêu theo chức năng, nhiệm vụ được giao, không được để hàng hóa không sử dụng hoặc hết hạn sử dụng, chống mọi hành vi tiêu cực trong việc tiếp nhận, sử dụng hàng hỗ trợ, viện trợ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thực hiện theo dõi việc tiếp nhận, xuất dùng theo đúng nguồn (nguồn mua sắm; được phân bố; nhận tài trợ, viện trợ...) làm cơ sở để thực hiện việc quyết toán và sử dụng nguồn lực đúng quy định.

Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch tại các cơ sở y tế để có kế hoạch điều chuyển cho phù hợp trên cơ sở cận đối nhu cầu của từng đơn vị trong tỉnh hình thực tế hiện nay, nhu cầu sử dụng để phục vụ công tác khám, chữa bệnh và y tế dự phòng trong thời gian tới.

Đối với thuốc, vật tư, hàng hóa đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ/Ngành liên quan báo cáo Chính phủ theo hướng ưu tiên điều chuyển giữa các cơ sở y tế trong phạm vi quản lý của địa phương, Bộ Ngành để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, sau đó cho phép điều chuyển sang nguồn thu dịch vụ khám bệnh chữa bệnh với đơn giá bằng giá mua vào được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại thời điểm xuất sử dụng đối với từng loại thuốc, vật tư và hàng hoá; Số tiền thu được từ nguồn BHYT và người bệnh sẽ hoàn trả ngân sách theo quy định.

Đề nghị các đơn vị được phân bổ hàng hóa phòng chống dịch rà soát lại hồ sơ bản giao, tiếp nhận, điều chuyển, cho mượn các trang thiết bị y tế; thực hiện hạch toán, theo dõi, quản lý đối với các thiết bị, vật tư nhận phân bổ, tài trợ theo các quy định hiện hành.

Bộ Y tế lưu ý, trường hợp sử dụng thuốc, vật tư y tế, test xét nghiệm và các nguồn lực được hỗ trợ thì không được thu và thanh toán các chi phi từ nguồn lực hỗ trợ này với đối tượng thanh toán; không được sử dụng trang thiết bị và nguồn lực từ nguồn hỗ trợ phòng chống dịch để cung cấp dịch vụ theo yêu cầu.

Đối với các loại thuốc, vật tư, trang thiết bị, test xét nghiệm và các nguồn lực khác được Bộ Y tế hỗ trợ để phục vụ công tác phòng chống dịch cần lưu ý thực hiện tiếp nhận, quản lý, hạch toán, theo dõi và quyết toán số thiết bị, vật tư, hàng hóa được hỗ trợ theo đúng chế độ kế toán và pháp luật hiện hành.

Hướng dẫn đối với các trang thiết bị tiếp nhận từ nguồn ngân sách nhà nước mua cho công tác phòng chống dịch COVID-19, nguồn do một số đơn vị tài trợ

Bộ Y tế cho biết đã có văn bản thông tin đầu mối liên hệ để các đơn vị rà soát và chủ động liên hệ tiếp nhận các giấy tờ và tài liệu còn thiếu trong quá trình tiếp nhận.

Một số trang thiết bị, vật tư chưa có đơn giá: Tạm thời các đơn vị ghi nhận và thực hiện hạch toán, theo dõi theo chế độ kế toán hiện hành. Bộ Y tế sẽ tiếp tục làm việc với nhà tài trợ để cung cấp đơn giá, làm cơ sở để các đơn vị hạch toán theo quy định. Việc xác định giá trị tài trợ, viện trợ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 để theo dõi, hạch toán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại công văn 8281/BTC-QLCS ngày 22/8/2022.

Trong trường hợp các loại thuốc, vật tư, hàng hóa đã tiếp nhận nhưng bị hết hạn sử dụng, bị hỏng không sử dụng được, các đơn vị thực hiện hủy, thanh lý theo quy định hiện hành.

Đối với nguồn lực hỗ trợ là trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 được áp dụng các quy định tại Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị chủ động, khẩn trương xây dựng định mức sử dụng tài sản công, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ tiếp nhận, quản lý, có kế hoạch duy tu bảo dưỡng...

Thực hiện thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đối với các tải sản đơn vị nhận của các tổ chức, đơn vị theo đúng quy định. Thực hiện quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế theo quy định tại các điều 63, điều 64, điều 65 Nghị định 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế.

Đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực cho phòng, chống dịch COVID-19 và khám chữa bệnh cho người dân

Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục có phương án bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân theo các chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh, trong trường hợp cần thiết khi Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế có văn bản yêu cầu, các đơn vị, địa phương đã tiếp nhận trang thiết bị thực hiện việc điều chuyển trang thiết bị sang các đơn vị khác để sử dụng, đáp ứng yêu cầu công tác chống dịch.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các Sở/Ban/Ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch; kịp thời có hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc; báo cáo UBND tỉnh/thành phố, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh xin ý kiến chi đạo để giải quyết các khó khăn, vướng mắc (nếu có).

Trường hợp quá khả năng, báo cáo bằng văn bản về Bộ Y tế để kịp thời hướng dẫn, giải quyết. Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị lưu ý thực hiện. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Hà Nội yêu cầu xử lý triệt để các ổ dịch sốt xuất huyết, không để dịch bùng phát

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu tăng cường giám sát dịch tễ bệnh sốt xuất huyết Dengue và triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bệnh bùng phát.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký, ban hành Công điện số 06/CĐ-UBND về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn.

Công điện nêu rõ, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn, tuyệt đối không để tình trạng lơ là, chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; phân cấp, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue.

Ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu các quận, huyện, thị xã đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch qua số lượng người bệnh và kết quả xử lý các ca bệnh, ổ dịch trên địa bàn; huy động các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tham gia triển khai công tác phòng, chống sốt xuất huyết; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phòng, chống sốt xuất huyết của địa phương theo phương châm "4 tại chỗ"; chủ động bố trí kinh phí, cơ số vật tư tiêu hao, trang thiết bị, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue tại địa phương.

Các địa phương kiện toàn các tổ giám sát cộng đồng, đội xung kích diệt bọ gậy theo hướng dẫn của ngành Y tế; tổ chức hoạt động của các tổ giám sát, đội xung kích một cách thực chất, hiệu quả theo chức năng nhiệm vụ được phân công; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết Dengue, đặc biệt tại các công trường xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, nhà hàng... trên địa bàn.

Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết Dengue bằng các hình thức khác nhau, trong đó tập trung vào các thông tin, khuyến cáo về phòng chống dịch như vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phòng chống muỗi đốt... hướng dẫn nhận biết sớm các triệu chứng mắc bệnh để người dân chủ động tới khám, điều trị tại các cơ sở y tế,... và các nội dung chi tiết, cụ thể về hoạt động việc xử lý ổ dịch tại các khu vực có ca bệnh.

Giao Sở Y tế là cơ quan thường trực, theo dõi, giám sát chặt chẽ, đánh giá tình hình, dự báo diễn biến sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn thành phố; chủ động tham mưu đề xuất các giải pháp khắc phục kịp thời khó khăn, tồn tại để chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn Thành phố một cách khoa học, hiệu quả, phù hợp tình hình thực tế. Tăng cường giám sát dịch tễ bệnh sốt xuất huyết Dengue và triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bệnh bùng phát.

Sở Y tế tiếp tục tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, điều trị sốt xuất huyết Dengue theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức tốt việc khám bệnh, phân độ, phân tuyến, thu dung điều trị bệnh nhân; chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập, các tuyến điều trị, tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn, hạn chế thấp nhất tình trạng bệnh nhân chuyển nặng, tử vong; bảo đảm đủ giường bệnh, nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, máy móc phục vụ công tác phòng, chống dịch và thu dung điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Sở Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì triển khai các hoạt động tuyên truyền một cách phù hợp để người dân hiểu được nguy cơ, sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết và hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động cung cấp các thông tin về tình hình dịch và công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue; các thông tin về nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết Dengue và các chế tài xử lý đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế và các đơn vị liên quan triển khai hoạt động truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết Dengue tại các cơ sở giáo dục; phát huy vai trò của nhà trường với giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh về công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trong các cơ sở giáo dục cũng như tại hộ gia đình, cộng đồng. Sở cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương và ngành y tế triển khai các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trong các cơ sở giáo dục… (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).

 

Bộ Y tế gửi văn bản khẩn sau khi phát hiện ca mắc bệnh đậu mùa khỉ

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương khi ghi nhận ca dương tính với đậu mùa khỉ khẩn trương điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc để xác định nguồn lây nhiễm; quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.

Ngày 3/10, Bộ Y tế đã gửi Công văn khẩn số 5470/BYT-DP đến UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.

Theo đó, Bộ Y tế nhận định từ tháng 5/2022 đến nay, dịch bệnh đậu mùa khỉ đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh. Ngày 23/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Đến ngày 26/9, thế giới nghi nhận 64.561 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 105 nước trên thế giới. Trong đó, khu vực Tây Thái Bình Dương có một số nước ghi nhận ca bệnh gồm: Australia (132), Singapore (19), Trung Quốc (5), New Zealand (5), Nhật Bản (4), Philippines (4), Hàn Quốc (2), Guam (1), New Caledonia (1).

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới và tại một số nước khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam; để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ, dịch chồng dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, TP tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ và các hướng dẫn của Bộ Y tế: giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ; chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người; phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bệnh đậu mùa khỉ.

Chuẩn bị sẵn sàng công tác phòng, chống dịch tại địa phương gồm: Đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời.

Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến; đảm bảo việc thu dung, phân luồng, điều trị người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh và phòng, chống lây nhiễm tại các cơ sở xét nghiệm, y tế;

Rà soát cập nhật kế hoạch, kịch bản đáp ứng, diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí.

Khi ghi nhận trường hợp bệnh các địa phương khẩn trương thực hiện điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính với đậu mùa khỉ để xác định nguồn lây nhiễm; quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.

 Tổ chức cách ly, điều trị trường hợp dương tính, tránh tử vong, lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị.

Đẩy mạnh truyền thông minh bạch, bằng nhiều hình thức cho người dân về các biện pháp dự phòng dịch bệnh tại các cửa khẩu, cộng đồng về dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Nghiêm túc thực hiện công tác thông tin, báo cáo theo quy định.

Vào sáng nay 3/10, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin, TP đã ghi nhận 1 ca mắc đậu mùa khỉ. Hiện tại, ngành Y tế TP đang phối hợp với các đơn vị liên quan siết chặt công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ tại các cửa khẩu. Đặc biệt, những hành khách đi từ vùng dịch về. (Công an Nhân dân, trang 4).

Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 5: “Ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam: Bộ Y tế chỉ đạo hạn chế ca mắc và tử vong”; Hà Nội mới, trang 1: “Xuất hiện ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn các biện pháp phòng, chống”.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang