Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 04/10/2023

  • |
T5g.org.vn - Sở Y tế TPHCM yêu cầu các bệnh viện hỗ trợ chụp MRI cho bệnh nhân BV Ung bướu; Vụ cháu bé tử vong nghi ngộ độc do ăn bánh su kem: Hôm nay, Sở Y tế TP. HCM họp chuyên gia để xác định nguyên nhân; Ca bệnh đậu mùa khỉ mang kiểu gen mới; Bộ Y tế: Tập trung cứu các trường hợp nặng trong vụ tai nạn giao thông khiến 5 người tử vong tại Đồng Nai; Số ca mắc tay chân miệng tại Hà Nội gia tăng trở lại…

 

Sở Y tế TPHCM yêu cầu các bệnh viện hỗ trợ chụp MRI cho bệnh nhân BV Ung bướu

Trước thực trạng Bệnh viện Ung bướu TPHCM bị hỏng toàn bộ máy chụp MRI cho bệnh nhân ở cả 2 cơ sở, Sở Y tế TPHCM đã huy động các bệnh viện để tìm cách xử lý.
Theo báo cáo của Bệnh viện Ung bướu TPHCM, đơn vị có 2 máy chụp MRI cho bệnh nhân. Trong đó, một máy đặt ở cơ sở 1 (quận Bình Thạnh) được đưa vào sử dụng hơn 10 năm, thời gian gần đây thường xuyên hư hỏng và đã ngưng hoạt động, chi phí sửa chữa rất cao.

Ban Giám đốc bệnh viện đã có kế hoạch mua máy mới, dự kiến triển khai vào năm 2024 để phục vụ cho người bệnh bằng cơ chế vay vốn kích cầu của Thành phố.

Trong thời gian qua, Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã đưa bệnh nhân đến cơ sở 2 để chụp MRI khi có chỉ định. Nhưng mới đây, máy ở cơ sở 2 cũng đột ngột bị hỏng sau hơn 3 năm đưa vào sử dụng. Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã liên hệ ngay với nhà sản xuất máy và nhận được phản hồi sẽ sửa miễn phí sớm. Cụ thể, hãng sản xuất máy MRI đã đặt thiết bị từ Singapore, sau đó chuyển sang Việt Nam để sửa chữa, thay thế. Dự kiến khoảng 1 tuần sau, máy chụp MRI này có thể hoạt động trở lại bình thường.

Trước sự cố này, Sở Y tế TPHCM yêu cầu các bệnh viện có máy MRI chưa sử dụng hết công suất hỗ trợ, không để người bệnh ung thư bị thiệt thòi trong giai đoạn chờ Bệnh viện Ung bướu sửa chữa và thay thế máy.

Thực hiện yêu cầu này, đã có 2 bệnh viện tình nguyện hỗ trợ cho Bệnh viện Ung bướu TPHCM.

Cụ thể, Bệnh viện Hồng Đức cơ sở 2 sẽ đưa – đón miễn phí người bệnh từ cơ sở 1 của Bệnh viện Ung bướu đến chụp MRI. Chi phí chụp bằng giá theo quy định chi trả bảo hiểm y tế (BHYT).

Còn Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức sẽ hỗ trợ chụp MRI cho bệnh nhân của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2. Người bệnh có BHYT không phải đóng thêm bất kỳ một chi phí nào. Việc di chuyển chụp chiếu cũng hoàn toàn miễn phí.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM yêu cầu Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức và Bệnh viện Hồng Đức 2 xây dựng quy trình chặt chẽ trong việc chuyển người bệnh đi chụp MRI, ký kết hợp đồng trách nhiệm rõ ràng, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng và an toàn cho người bệnh. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).

 

Vụ cháu bé tử vong nghi ngộ độc do ăn bánh su kem: Hôm nay, Sở Y tế TP. HCM họp chuyên gia để xác định nguyên nhân

Liên quan đến thông tin một trẻ tử vong nghi ngộ độc do ăn bánh su kem, chiều 3-10, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM (ATTP) cho biết, vừa phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra tại cửa hàng bánh Givral (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 21, quận Bình Thạnh); lấy mẫu xét nghiệm tìm nguyên nhân.

Theo đó, tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra chưa phát hiện hành vi vi phạm tại cơ sở. Kiểm tra xưởng sản xuất bánh su kem (Choux tròn) tại Lô II- 1B Lê Trọng Tấn, Khu Công Nghiệp Tân Bình, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, Đoàn kiểm tra chưa phát hiện hành vi vi phạm tại cơ sở, Đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy 6 mẫu để đi kiểm nghiệm (1 mẫu bánh và 5 mẫu nguyên liệu làm bánh).

Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với Công an thành phố Thủ Đức để tiến hành xác minh vụ việc liên quan với Công ty Cổ phần Bánh Givral, phối hợp với UBND TP Thủ Đức tiến hành điều tra, nhanh chóng khắc phục phục sự cố, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; khẩn trương phối hợp các bệnh viện điều trị tốt nhất cho các nạn nhân. UBND phường An Phú phối hợp Phòng y tế và các ngành liên quan thăm hỏi động viên gia đình nạn nhân.

Tối cùng ngày, Sở Y tế TPHCM cho biết, ngay sau khi nhận được báo cáo nhanh từ các bệnh viện có tiếp nhận bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm, Sở Y tế đã cử đoàn chuyên gia y tế đi khảo sát và đánh giá tình hình ngộ độc thực phẩm của người dân cư ngụ tại chung cư Palm Heights. Tổ công tác Sở Y tế gồm các bác sĩ chuyên khoa Cấp cứu Nhi của Bệnh viện Nhi đồng 1 cùng các chuyên viên điều tra dịch tễ khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC).

Theo Sở Y tế TPHCM, từ đêm 1-10 đến đêm ngày 2-10, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 ghi nhận một số bệnh nhi sống tại chung cư Palm Heights (nơi xảy ra vụ việc trên) nhập viện với các triệu chứng nôn, ói, tiêu chảy. Hiện nay, tình trạng các bệnh nhi đều tỉnh táo, sinh hiệu ổn định và đang được theo dõi sát tại các bệnh viện chuyên khoa.

Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tập trung nguồn lực để điều trị cho các bệnh nhi, đồng thời chỉ đạo HCDC phối hợp Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM và Trung tâm Y tế TP Thủ Đức tiến hành điều tra dịch tễ, xét nghiệm độc chất nhằm ngăn chặn kịp thời, tránh để xảy ra các trường hợp ngộ độc tương tự. Sở Y tế TPHCM đã triệu tập khẩn họp Hội đồng các chuyên gia vào sáng ngày 4-10 để tiếp tục đánh giá nguyên nhân ngộ độc.

Trước đó, như Báo SGGP thông tin, chiều 29-9, chung cư Palm Heights (TP Thủ Đức) tổ chức Trung thu cho các cháu là con em của cư dân sống trong chung cư và con em một số nhân viên phục vụ tại chung cư. Ban tổ chức đã phát quà, phát bánh cho các cháu.

Trong các phần quà này, chung cư có mua 230 phần bánh su kem của cửa hàng bánh Givral trên địa bàn quận Bình Thạnh để phát cho các cháu ăn. Đến ngày 30-9, có 1 cháu 6 tuổi, có biểu hiện nôn, ói và tử vong trên đường đi cấp cứu; ngày 1-10, có 5 cháu ăn bánh có triệu chứng tiêu chảy, nôn ói, sốt. Đến sáng 2-10, có nhiều cháu có biểu hiện tương tự. (Sài Gòn giải phóng, trang 7; Tiền phong, trang 4; Thanh niên, trang 4).

 

Ca bệnh đậu mùa khỉ mang kiểu gen mới

Ngày 3/10, Sở Y tế TPHCM cho biết, đã có kết quả giải mã trình tự gen đối với ca bệnh đậu mùa khỉ vừa được phát hiện trên địa bàn. Đây là trường hợp mang kiểu gen mới đang lưu hành tại nhiều quốc gia.

Ngành y tế đã lấy mẫu bệnh phẩm (phết bóng nước) của trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ nội địa đầu tiên được phát hiện tại TPHCM (nam bệnh nhân 25 tuổi, quê Đồng Nai, tạm trú tại TPHCM) để tiến hành giải mã trình tự gen. Kỹ thuật này được thực hiện bởi Đơn vị nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM và Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford.

Theo Sở Y tế TPHCM, việc giải mã trình tự gen sẽ xác định được sự đa dạng về di truyền của vi rút đậu mùa khỉ. Bộ gen được phân tích sẽ giúp tìm hiểu về nguồn gốc, sự lưu hành của vi rút gây bệnh, từ đó cung cấp những thông tin kịp thời cho chương trình phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, ngăn chặn nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Nhóm nghiên cứu đã giải mã bộ gen, kết quả cho thấy, tác nhân gây bệnh là vi rút monkeypox thuộc kiểu gene C1 của Clade IIb.

Từ kết quả trên, các chuyên gia chỉ ra đây là chủng vi rút đậu mùa khỉ khác với chủng vi rút kiểu gen A.2.1 từng được phát hiện ở 2 ca nhập cảnh vào Việt Nam vào tháng 10/2022 từ Dubai. Kiểu gen vừa được ghi nhận giống với các chủng vi rút đậu mùa khỉ mới được phát hiện gần đây tại các quốc gia như Nhật Bản, Bồ Đào Nha và Hàn Quốc.

Từ ngày 22/9 đến nay, tại khu vực Nam bộ liên tiếp phát hiện 3 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Trường hợp thứ nhất là nam bệnh nhân 25 tuổi (quê Đồng Nai vừa có kết quả giải trình tự gen), quá trình điều tra dịch tễ ngành y tế phát hiện nữ bệnh nhân 21 tuổi (ngụ tại Bình Dương) là bạn gái của trường hợp trên cũng nhiễm đậu mùa khỉ.

Đến ngày 28/9, nam bệnh nhân 34 tuổi, ngụ tại Bình Chánh (TPHCM) cũng được phát hiện mắc đậu mùa khỉ. Hiện cả 3 bệnh nhân được cách ly, điều trị, tình trạng sức khỏe ổn định. Những người tiếp xúc với các ca bệnh đã được cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà và chưa ghi nhận dấu hiệu nhiễm bệnh.

Từ năm 2022 đến nay, cả nước đã ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó 3 ca bệnh mới phát hiện chưa xác định được nguồn lây. Đậu mùa khỉ lây qua tiếp xúc trực tiếp từ dịch tiết của người bệnh sang người lành, dễ lây nhiễm qua quan hệ tình dục. Ngành y tế khuyến cáo cộng đồng tăng cường các biện pháp phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bằng biện pháp tăng cường vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc với người có nguy cơ nhiễm bệnh, không quan hệ tình dục bừa bãi... (Tiền phong, trang 14).

 

Bộ Y tế: Tập trung cứu các trường hợp nặng trong vụ tai nạn giao thông khiến 5 người tử vong tại Đồng Nai

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại Đồng Nai, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, Bệnh viện Chợ Rẫy tập trung tối đa lực lượng y bác sỹ, thuốc, trang thiết bị y tế cứu chữa kịp thời các trường hợp nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
Liên quan đến vụ tai nạn giao thông ra tại Đồng Nai như Sức khoẻ & Đời sống đã đưa tin trước đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế sáng 2/10 đã có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai; Bệnh viện Chợ Rẫy về việc tiếp tục cấp cứu và điều trị cho các nạn nhân vụ tai nạn giao thông này.

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, trước đó, khoảng 2 giờ 25 phút ngày 30/9/2023, một vụ tai nạn giao thông do xe khách giường nằm biển số 50F-004.xx của nhà xe Thành Bưởi chở hơn 30 hành khách đâm trực diện vào xe khách 16 chỗ biển số 86B-015.xx trên địa phận ấp 3, xã Phú Vinh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Hậu quả vụ tai nạn đến nay có 4 người chết tại chỗ, 1 người chết tại bệnh viện, 3 người khác bị thương đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Chợ Rẫy.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai và Bệnh viện Chợ Rẫy tập trung tối đa lực lượng y bác sỹ, thuốc, trang thiết bị y tế để khẩn trương cứu chữa kịp thời các trường hợp nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong, giảm thiểu những thiệt hại do vụ tai nạn.

Đồng thời khẩn trương cứu chữa, điều trị người bị nạn và đề xuất các ý kiến, kiến nghị với Bộ Y tế nhằm đảm bảo tốt nhất cho công tác cấp cứu tai nạn giao thông; phối hợp chuyên môn với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên hoặc chuyển tuyến kịp thời.

Sở Y tế tỉnh Đồng Nai và Bệnh viện Chợ Rẫy cập nhật tình hình diễn biến của việc cứu chữa, điều trị người bệnh về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế 138A Giảng Võ, Ba Đình Hà Nội; điện thoại: 024.62732102, email: hanhnm.kcb@moh.gov.vn hoặc dungnt.kcb@moh.gov.vn.

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng này, hiện cơ quan điều tra Công an Huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối với tài xế để điều tra về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo điều tra ban đầu, khoảng 2 giờ 30 ngày 30/9, tài xế điều khiển xe khách Thành Bưởi giường nằm biển số 50F-004.xx, trên xe chở theo 32 hành khách, lưu thông trên quốc lộ 20 (hướng từ Dầu Giây đi Đà Lạt). Khi đến khu vực  km48 (khu vực ấp 3, xã Phú Vinh), tài xế điều khiển xe ô tô vượt bên trái xe tải biển số 60C-345.xx (do tài xế Hoàng Đăng T. điều khiển) lưu thông cùng chiều phía trước. Khi vượt, tài xế xe Thành Bưởi không đảm bảo an toàn dẫn đến đầu xe bên phải xe giường nằm đâm vào phía sau bên trái xe tải biển số 60C-345.xx.

Sau đó, tài xế xe Thành Bưởi điều khiển xe đi qua phần đường hướng lưu thông Đà Lạt - Dầu Giây và đâm vào xe ô tô 16 chỗ biển số 86B-015.xx do anh Nguyễn Văn C. điều khiển, trên xe chở theo 8 người đang lưu thông hướng ngược lại khiến các nạn nhân tử vong và bị thương... (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

 

Số ca mắc tay chân miệng tại Hà Nội gia tăng trở lại

Trong 2 tuần gần đây, bình quân mỗi tuần Hà Nội ghi nhận khoảng 140 ca mắc tay chân miệng, tăng gấp đôi so với thời điểm cuối tháng 8 đầu tháng 9...
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần vừa qua (từ ngày 22 đến 29-9), thành phố có 141 ca mắc tay chân miệng và 3 ổ dịch (gồm 2 ổ dịch tại Ba Vì và 1 ổ dịch tại Sóc Sơn).

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong tuần qua là Sóc Sơn (24 ca), Hoàng Mai (17 ca), Mê Linh (14 ca), Nam Từ Liêm (13 ca), Đông Anh (10 ca), Đống Đa (8 ca), Thanh Xuân (8 ca).

Nếu như vào cuối tháng 8 đầu tháng 9-2023, trung bình mỗi tuần trên địa bàn thành phố ghi nhận 70-75 ca mắc tay chân miệng thì trong 2 tuần gần đây, số ca mắc đã tăng gấp đôi với khoảng 140 ca/tuần.

Cộng dồn 9 tháng năm 2023, Hà Nội ghi nhận 1.798 ca mắc tay chân miệng (tăng 1,2 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, số mắc tay chân miệng tăng trong 2 tuần trở lại đây là do thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kết hợp với việc học sinh quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè. Dự báo số ca tay chân miệng có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Để phòng, chống dịch bệnh trong trường học, Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp chỉ đạo các trường học tăng cường công tác vệ sinh môi trường; truyền thông nâng cao kiến thức phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt đối với khối trường mầm non, tiểu học. (An ninh Thủ đô, trang 8; Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).

 

Hà Nội xử phạt 39 cơ sở hành nghề y, dược với tổng tiền phạt hơn 770 triệu đồng

Trong tháng 9-2023, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra và ra quyết định xử phạt 39 cơ sở hành nghề y dược trên địa bàn, với số tiền xử phạt là 770,5 triệu đồng.

Chỉ tính riêng trong tuần vừa qua, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 11 cơ sở hành nghề y, dược với số tiền 237 triệu đồng.

Cụ thể, Công ty CPTM PharmaTek USA, quầy 341, Trung tâm dược phẩm Hapulico (số 85 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân) bị xử phạt 50 triệu đồng do không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt phân phối thuốc theo quy định của pháp luật.

03 công ty quảng cáo dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định bị xử phạt mức 45 triệu đồng và buộc tháo gỡ, tháo dỡ nội dung quảng cáo trên internet. Đó là Công ty TNHH dịch vụ y tế Gia Nguyễn, số 332 phố Bạch Mai, (quận Hai Bà Trưng); Công ty TNHH Charlie International, số 480 Xã Đàn (quận Đống Đa); Công ty TNHH thương mại và xây dựng IBM, thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng).

Hộ kinh doanh Phòng khám nha khoa Time Smile, số 610 Minh Khai (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) bị xử phạt 22,5 triệu đồng vì quảng cáo dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định, đồng thời buộc tháo gỡ, tháo dỡ nội dung quảng cáo trên Internet.

Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ German – Link, số 132 Khuất Duy Tiến (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) bị xử phạt 12 triệu đồng do kho bảo quản thực phẩm không có quy trình xuất nhập.

Quầy thuốc Vương Huyền ở thôn Xa Mạc (xã Liên Mạc, huyện Mê Linh) bị xử phạt 7,5 triệu đồng do không tuân thủ các quy định về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc.

Công ty cổ phần dược phẩm dược liệu Kinh Bắc, số 4 Nhà Vườn (khu đô thị Vĩnh Hoàng, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) bị xử phạt 4 triệu đồng do niêm yết giá bán buôn không đầy đủ theo quy định.

03 cơ sở bị xử phạt mức 2 triệu đồng do không báo cáo Sở Y tế Hà Nội trong trường hợp tạm dừng hoạt động từ 06 tháng trở lên hoặc chấm dứt hoạt động. Đó là Nhà thuốc tư nhân Sơn Hà (A4-TT2, Bắc Linh Đàm, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai); Nhà thuốc Thành Linh, số 40, ngõ Chùa Liên Phái (phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng); Quầy thuốc Hải Tuấn, thôn Đa Hội (xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn). (An ninh Thủ đô, trang 8; Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).

 

Lần đầu tiên tại Việt Nam phẫu thuật u cơ mỡ mạch thận lan lên đến tim

Ngày 3/10, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Trường Thành, Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, tháng 9/2023, bệnh nhân H.T.H, 57 tuổi, Lạng Sơn nhập viện trong tình trạng đau bụng thượng vị. Bà H cho biết bà có tiền sử khỏe mạnh, chưa từng phát hiện bệnh lý gì đặc biệt.

Cách đây khoảng 1 tháng, bệnh nhân đau bụng vùng trên rốn, đi khám ở bệnh viện tỉnh phát hiện 1 u ở thận phải và 1 khối u ở tâm nhĩ phải, được chuyển đến 2 bệnh viện tuyến trung ương nhưng không mổ được. Sau đó các bác sĩ quyết định chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến cuối là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Tại đây, bệnh nhân H. được chẩn đoán u cơ mỡ mạch thận phải xâm lấn tĩnh mạch chủ lan lên nhĩ phải. Các bác sĩ đã tiến hành cắt bỏ thận phải, lấy toàn bộ u trong tĩnh mạch chủ và tổ chức u trong nhĩ phải.

Theo Phó Giáo sư Thành, ca phẫu thuật kéo dài 240 phút. Đây là 1 trong những phẫu thuật khó, nhiều thách thức nhất trong chuyên ngành tiết niệu. Ca bệnh có sự phối hợp nhịp nhàng của các phẫu thuật viên tiết niệu và tim mạch, có chạy tim phổi máy hỗ trợ. Trong đó kíp tim mạch đã thực hiện phẫu thuật nội soi ít xâm lấn để bệnh nhân tránh phải mổ mở ngực giúp phục hồi nhanh hơn.

"Đây là 1 ca bệnh hiếm gặp có nguy cơ tử vong cao do khối u đã chiếm gần hết nhĩ phải. Trên thế giới mới chỉ có 6 trường hợp khối u cơ mỡ mạch thận lan lên nhĩ phải. Ở Việt Nam chưa có báo cáo nào về trường hợp bệnh này", bác sĩ Thành cho biết.

Hiện tại, bệnh nhân đã ổn định, rút dẫn lưu sau mổ 4 ngày, có thể tự vận động đi lại và dự kiến xuất viện sau 10 ngày phẫu thuật. (Tiền phong, trang 14).  

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang