Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 04/11/2017

  • |
T5g.org.vn - Coi chừng dịch sởi quay trở lại; Không để dịch bệnh mùa đông xuân bùng phát; Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, tiếp tục cuộc vận động sinh đủ 2 con; Cứu sống bệnh nhân bị đa chấn thương nặng nhờ quy trình báo động đỏ liên viện; …

 

Không để dịch bệnh mùa đông xuân bùng phát

Sáng 3-11, Cục Y tế dự phòng đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân khu vực phía bắc năm 2017 - 2018. Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương phải tăng cường giám sát, dự phòng và đáp ứng dịch một cách chủ động để không xảy ra các dịch bệnh dễ bùng phát trong mùa đông xuân này.

 “Mùa đông xuân đến là thời điểm của nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, cần phải tiếp tục cảnh giác. Nếu không quyết liệt để cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam rất đáng quan ngại” – Thứ trưởng chỉ đạo.

Một dịch bệnh “nóng” toàn ngành y tế những ngày tháng 7, 8 vừa qua là sốt xuất huyết đã được kiểm soát và giảm nhẹ. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 156.716 ca mắc với 132.505 ca nhập viện, 30 trường hợp tử vong. Số mắc gia tăng từ đầu tháng năm đến cuối tháng 8-2017. Nhưng từ tuần đầu tháng chín đến nay, số mắc giảm liên tục ở hầu hết các tỉnh, thành phố, từ 8.280 trường hợp mắc/tuần xuống còn 3.239 trường hợp mắc/tuần.

Cục trưởng Trần Đắc Phu nhận định, “Hiện nay, các dịch bệnh mới nổi, bệnh nguy hiểm không xâm nhập vào Việt Nam. Các bệnh có vắc xin tiếp tục được khống chế hiệu quả; Bệnh tay chân miệng tăng nhẹ trên cả nước, nhưng giảm nhẹ tại khu vực miền bắc. Chúng ta giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh”.

Tuy nhiên, mùa đông xuân là mùa làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm hay gặp như cúm, ho gà, viêm não virus, viêm màng não do não mô cầu, tiêu chảy, tay chân miệng, liên cầu lợn… Vì thế, Cục Y tế dự phòng đề nghị các đơn vị thực hiện công tác kiểm soát dịch bệnh; giám sát và phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài. Bên cạnh đó, rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung và tổ chức các chiến dịch tiêm phòng để bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% theo quy mô xã, phường, đặc biệt đối với bệnh sởi, rubella, ho gà, bạch hầu, viêm não. (Nhân dân, trang 8)

 

Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, tiếp tục cuộc vận động sinh đủ 2 con

Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế và liên tục giữ vững tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) ở mức dưới 2,1 con hơn 10 năm qua, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Để tiếp tục giữ vững được thành quả của công tác dân số với sự phát triển của đất nước, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chỉ rõ một trong những mục tiêu quan trọng của công tác dân số trong tình hình mới là: Duy trì mức sinh thay thế; tiếp tục cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con.

Nghịch lý mức sinh nơi thấp, nơi cao

Nghị quyết đánh giá, sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá VII và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác DS-KHHGĐ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế sớm 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết đề ra và tiếp tục duy trì cho đến nay, hạn chế tăng thêm hàng chục triệu người. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh.

Từ năm 2007, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện nhiều mặt, tuổi thọ trung bình tăng nhanh; tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ trẻ em giảm mạnh; tầm vóc thể lực người Việt Nam có bước cải thiện; dịch vụ DS-KHHGĐ được mở rộng, chất lượng ngày càng cao…

Tuy nhiên, Ban Chấp hành Trung ương xác định, công tác DS-KHHGĐ vẫn còn nhiều hạn chế. Việt Nam thành công trong duy trì mức sinh thay thế suốt 10 năm qua, nhưng lại không có được kết quả đồng đều giữa các địa phương, nhất là ở các thành phố lớn, phát triển mức sinh thấp và ngược lại ở khu vực vùng miền kém phát triển.

Theo TS Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể. Khu vực kinh tế - xã hội nhiều khó khăn có mức sinh cao, có nơi rất cao. Trong khi ở một số vùng đô thị, kinh tế phát triển, mức sinh đã xuống thấp, có nơi thấp xa so với mức sinh thay thế.

Ở khu vực Đông Nam Bộ, bình quân mỗi phụ nữ sinh 1,63 con, trong khi đó ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc là 2,69 con. Ở TPHCM, bình quân mỗi phụ nữ sinh 1,45 con, trong khi đó, ở Lai Châu con số này là 3,1 con…

Cán bộ Đảng viên gương mẫu sinh đủ 2 con

Để tiếp tục giữ vững được thành quả của công tác dân số với sự phát triển của đất nước, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII yêu cầu duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), đến năm 2030 quy mô dân số đạt 104 triệu người; giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế.

TS Lê Cảnh Nhạc cho biết, để duy trì được mức sinh thay thế, đòi hỏi phải có bài toán đặc thù cho sự phát triển bền vững của từng vùng miền cũng như sự phát triển chung của cả nước. “Đối với những nơi mức sinh đang xuống thấp thì cần vận động người dân “sinh đủ 2 con”.

Đối với những nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn có mức sinh cao, thậm chí rất cao, vẫn phải tiếp tục vận động giảm sinh để đưa về mức sinh thay thế”, TS Lê Cảnh Nhạc nói. Giải pháp này đã và đang được ngành Dân số vận dụng linh hoạt trong thời gian qua, đặc biệt tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Trong Nghị quyết 21-NQ/TW nhấn mạnh tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân số. Thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, chất lượng, phân bố dân số trong mối quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Chính vì vậy, Nghị quyết đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân số, nhất là sinh đủ 2 con, chú trọng nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.

Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu tiếp tục thực hiện cuộc vận động, mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.

Nghị quyết 21 cũng yêu cầu rà soát, điều chỉnh hoặc bãi bỏ một số quy định về xử lý vi phạm trong công tác dân số; đồng thời đề cao tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chính sách dân số, xây dựng gia đình văn hoá, hạnh phúc.

Rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học - công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi. Đẩy mạnh công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. (Gia đình & Xã hội, trang 6)

 

Nhiều dịch bệnh nguy hiểm khó lường

Tại hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh được tổ chức ngày 3-11 tại Hà Nội, Bộ Y tế cảnh báo: Trong khi dịch sốt xuất huyết giảm đáng kể số người mắc thì nhiều dịch bệnh truyền nhiễm khác như sởi, cúm, ho gà, tay chân miệng, viêm não, tiêu chảy, nhiễm khuẩn liên cầu lợn... đang có nguy cơ bùng phát khó lường trong giai đoạn từ nay tới cuối năm, nhất là trong mùa Đông Xuân năm 2017-2018.

Sởi bắt đầu “tấn công”

Một trong những dịch bệnh đến sớm và đang gia tăng nhanh số người mắc là bệnh sởi. PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận 229 trường hợp mắc sởi, nhưng đáng lo ngại khi trong 2 tháng qua, số ca mắc sởi tại khu vực phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội, có chiều hướng tăng mạnh, trung bình mỗi tuần có 4 - 5 ca. Hơn nữa, bên cạnh số trẻ được tiêm chủng đầy đủ thì vẫn còn 2% - 3% chưa được tiêm vaccine sởi nên chưa có kháng thể bảo vệ.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết vụ dịch sởi ở Hà Nội có số người mắc nhiều nhất là vào năm 2014, với trên 1.740 trường hợp mắc, trong đó có đến 14 ca tử vong. Đến năm 2015 và 2016 thì dịch bệnh này được kiểm soát hoàn toàn, chỉ có 42 trường hợp bị mắc và không có tử vong. Thế nhưng, từ đầu năm 2017 đến nay, số người mắc sởi ở Hà Nội là hơn 168 trường hợp và tăng nhanh trong vài tuần trở lại đây. Đặc biệt, đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sởi là một bệnh nhi 8 tháng tuổi, ở huyện Đan Phượng. Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn Hà Nội luôn đạt trên 95%, nhưng thống kê trong 5 năm trở lại đây, số trẻ trên địa bàn Hà Nội chưa được tiêm vaccine sởi là trên 32.630 cháu, nên nguy cơ mắc sởi sẽ rất cao.

Trong khi đó, ghi nhận tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương cho thấy, hiện nay Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện đã phải lập riêng một đơn nguyên để tiếp nhận điều trị trẻ bị sởi. Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, cho biết nếu vào dịp đầu năm, mỗi tháng BV chỉ tiếp nhận 2 - 3 trẻ mắc sởi đến điều trị nội thì 3 tháng gần đây, con số này tăng lên khoảng 20 - 25 cháu/tháng. Hầu hết trẻ nhập viện do sởi đều dưới 1 tuổi, trong tình trạng sốt cao, phát ban và có thể kết hợp nhiễm trùng bội nhiễm. Đáng lưu ý, bệnh sởi dù không phải bệnh nặng nhưng lại có biến chứng rất nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong.

Trước nguy cơ dịch sởi có thể bùng phát trở lại và lan rộng thành dịch lớn, chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu Hà Nội và các địa phương có tỷ lệ tiêm phòng sởi thấp cần huy động mọi biện pháp để nâng tỷ lệ tiêm phòng vaccine, hạn chế các “vùng lõm” tiêm chủng. “Để không tái diễn bài học đau lòng về vụ dịch sởi xảy ra năm 2014 vừa qua, ngành y tế cần phối hợp cùng ngành giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các biện pháp vệ sinh phòng bệnh tại trường học, rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh để bảo đảm cho trẻ được tiêm phòng vaccine sởi đầy đủ”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Không chủ quan

Cùng với bệnh sởi đang nhăm nhe bùng phát thì mùa Đông Xuân cũng là thời điểm làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác với diễn biến khó lường. PGS-TS Trần Đắc Phu cảnh báo, từ nay tới cuối năm, chúng ta không thể chủ quan trước các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm, ho gà, viêm não virus, viêm màng não do não mô cầu, tiêu chảy, tay chân miệng, liên cầu lợn…

Cục Y tế dự phòng vừa có cảnh báo về việc phát hiện virus cúm A(H7N9) độc lực cao có thể lây truyền và làm chết động vật. Theo đó, tại Trung Quốc đã ghi nhận 1.622 người mắc cúm A(H7N9), trong đó có 619 trường hợp tử vong (tỷ lệ tử vong/số mắc là 38,2%). Tính đến cuối tháng 10, tại Trung Quốc đã phát hiện 54 mẫu bệnh phẩm cúm A(H7N9) độc lực cao ở môi trường hoặc gia cầm và 25 mẫu bệnh phẩm trên người. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học y khoa (Trường Đại học Tokyo, Nhật Bản) vừa công bố cho thấy, chủng virus cúm A(H7N9) có thể lây truyền từ động vật sang người và gây chết một số loài động vật như chồn và một số loài linh trưởng.

Cục Y tế dự phòng đề nghị các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch bệnh; giám sát và phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lan rộng và kéo dài. Bên cạnh đó, rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung, cũng như tổ chức các chiến dịch tiêm phòng để bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine đạt ít nhất 95% theo quy mô xã/phường, đặc biệt đối với các bệnh sởi, rubella, ho gà, bạch hầu và viêm não.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, Việt Nam đã thực hiện kiểm soát và khống chế khá tốt những bệnh truyền nhiễm trong thời gian qua. Nhưng mùa Đông Xuân đến là thời điểm của nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, cần phải tiếp tục nâng cao cảnh giác. Cùng với đó, nguy cơ các bệnh dịch xảy ra sau bão lũ, ngập lụt luôn tiềm ẩn.

Các dịch bệnh ở các nước khác, nhất là dịch cúm A(H7N9), rất dễ xâm nhập vào nước ta nếu không quyết liệt phòng chống. Cần hết sức lưu ý đối với các bệnh có vaccine tiêm chủng. Chỉ vì lơ là, không tiêm chủng đầy đủ có thể dẫn đến tình trạng nhiều dịch bệnh nguy hiểm như sởi, ho gà, cúm, viêm não bùng phát. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

 

Cứu sống bệnh nhân bị đa chấn thương nặng nhờ quy trình báo động đỏ liên viện

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn vừa cứu sống chị Nguyễn Thị L. (48 tuổi, ngụ tại Bình Thạnh, TPHCM) nhập viện trong tình trạng đa chấn thương do tai nạn xe máy.

Trước đó, khi đang điều khiển xe máy, chị L. có cảm giác mệt và chóng mặt, sau đó do không kiểm soát được tay lái nên chị lao xe lên lề đường, bản thân bị va đập mạnh gây đa chấn thương nghiêm trọng và được người dân đưa vào Bệnh viện Hoàn Mỹ.

Ngay khi tiếp nhận cấp cứu khẩn, các bác sĩ đã làm 3 đường truyền tĩnh mạch, đặt ống thông tiểu cho bệnh nhân, máu tươi chảy ra liên tục theo ống thông tiểu. Bệnh nhân được chỉ định siêu âm ngực - bụng, chụp X-quang phổi, thử máu tại giường.

Kết quả siêu âm cho thấy thận trái, lá lách tổn thương nặng, máu tràn đầy trong ổ bụng. Xác định tình trạng nguy kịch đe dọa tính mạng của người bệnh, các bác sĩ đã thực hiện báo động đỏ liên viện với các bác sĩ của Bệnh viện Nhân dân Gia Định và thống nhất mổ cấp cứu khẩn để cầm máu, cứu sống bệnh nhân.

Chỉ sau 30 phút từ khi nhập viện, người bệnh đã được tiến hành phẫu thuật cầm máu, cắt lách, cắt thận trái (do đã bị giập nát và đứt mạch máu), kèm khâu các chỗ vỡ ruột, nẹp cố định cẳng tay phải do gãy xương cẳng tay phải…

Ca mổ kéo dài 1 giờ 10 phút. Sau mổ sức khỏe của bệnh nhân ổn định và đã xuất viện. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

 

94.000 người Việt chết mỗi năm vì ung thư

Hiện mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Phần lớn người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và rất tốn kém.

Đó là những con số gây ám ảnh được đưa ra từ hội nghị quốc tế “Kiểm soát ung thư: Thực trạng và giải pháp” với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành ung bướu trong nước và quốc tế do Bộ Y tế và Bệnh viện K phối hợp tổ chức ngày 3.11 tại Hà Nội.

70% trường hợp phát hiện, điều trị muộn

Tại hội nghị, GS-TS Lê Quang Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế - nhấn mạnh ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển có thu nhập thấp và trung bình. Ở Việt Nam, gánh nặng ung thư đang gia tăng trên cả nước, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Theo số liệu của tổ chức Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) và thống kê của Viện Nghiên cứu và phòng chống ung thư quốc gia, hiện mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Phần lớn người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém.

Thứ trưởng Lê Quang Cường cho biết, với sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, ngành y tế và hỗ trợ quốc tế, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong kiểm soát ung thư.

Tại hội nghị, PGS-TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K thẳng thắn cho biết: “hiện nay ước tính khoảng trên 70% người bệnh ung thư ở nước ta đi khám, phát hiện, điều trị muộn. Với bệnh ung thư, phát hiện càng sớm việc điều trị càng đơn giản, phát hiện muộn điều trị kéo dài, hiệu quả không cao. Đây là lý do chính khiến tỉ lệ chữa khỏi ung thư tại nước ta thấp, không bằng các nước phát triển”.

Thực tế cho thấy, không khó bắt gặp trường hợp bệnh nhân ung thư bị bệnh viện trả về do lúc phát hiện ra bệnh thì đã là giai đoạn cuối. Trường hợp chồng bà Nguyễn Thị D - 50 tuổi (Phúc Thọ - Hà Nội) mắc ung thư gan, lúc bệnh nhân thấy đau vùng mạn sườn phải thì mới đi khám, lúc này bệnh đã ở giai đoạn muộn. Bệnh nhân được nút mạch gan, điều trị hóa chất tại chỗ nhưng cũng chỉ duy trì được sự sống thêm gần 6 tháng. Hay chồng bà Phan Thị L - 56 tuổi(Cổ Nhuế - Hà Nội) bị ho rất nhiều, điều trị nhiều loại kháng sinh không khỏi, đến khi bệnh nhân ho và thấy đau tức vùng ngực, đi khám mới phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối đã di căn. Bệnh nhân sống thêm được 6 tháng trước khi qua đời.

Phát hiện và điều trị ung thư muộn khiến cho bệnh nhân và người nhà suy sụp, và người dân đều nghĩ rằng ung thư là chết. “Hơn thế, cũng không thể bỏ không điều trị dù biết là người thân mình không sống được bao lâu nữa. Việc điều trị cũng hết sức tốn kém, gia đình tôi tốn tiền trăm triệu nhưng người thân vẫn cứ chết trong đau đớn, khổ sở” - bà D tâm sự. Đây cũng là lý do khiến cho ung thư trở thành cơn ác mộng đối với người dân hiện nay, ung thư là đi kèm với đau đớn, khổ sở, sự tốn kém và cái chết.

Tầm soát sớm ung thư chưa được BHYT chi trả

Theo PGS-TS Trần Văn Thuấn, các bệnh ung thư đến nay phát hiện sớm hoàn toàn có thể chữa khỏi được, ví dụ với bệnh ung thư vú nếu phát hiện ở giai đoạn 1 thì tỉ lệ điều trị thành công 95%, giai đoạn 2 tỉ lệ khoảng 70-75 %, giai đoạn 3, tỉ lệ chữa khỏi đạt 65% nhưng đến giai đoạn 4 thì chỉ đạt được 5% tỉ lệ thành công”- PGS-TS Trần Văn Thuấn nói.

Vấn đề đáng ngại hiện nay đó là việc sàng lọc, phát hiện sớm ung thư chưa được bảo hiểm y tế chi trả. PGS-TS Trần Văn Thuấn hy vọng trong thời gian tới bảo hiểm có thể chi trả phí tầm soát một số bệnh ung thư như: Ung thư vú, cổ tử cung, gan, ung thư đường tiêu hóa… Nếu thực hiện được điều này đồng loạt trên toàn quốc sẽ giúp nâng tỉ lệ phát hiện bệnh sớm, nâng tỉ lệ chữa khỏi bệnh ung thư. (Lao động, trang 2)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong trang 10: “70% bệnh nhân ung thư phát hiện và điều trị muộn”; Hà Nội mới trang 5: “Mỗi năm có khoảng 94.000 người chết vì ung thư”

 

Mua thuốc đặc trị dễ như mua… rau, không cần thăm khám, kê bệnh

Không cần thăm khám, không cần kê bệnh, những “dược sỹ Đông y online” cam kết với người mua thuốc sẽ chữa khỏi mọi chứng đau xương.

Được quảng cáo rầm rộ trên Internet về công dụng chữa trị hiệu quả các loại bệnh xương khớp hoặc giảm đau cho trẻ em, thời gian gần đây các sản phẩm Đông y mang tên “Bách nhi tán”, “Đặc trị xương khớp”... đang khiến nhiều người “ngợi ca” như một thứ thần dược. Tuy nhiên, sự thực công dụng và nguồn gốc của chúng có đúng như những lời quảng cáo và đồn thổi?

Thuốc “3 không”

Có mẹ chồng ở quê vốn mắc bệnh xương khớp và đã đi chữa nhiều nơi, chị N.T.D trú tại ngõ 109 Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng) mừng như bắt được vàng khi đọc được thông tin trên mạng quảng cáo về một loại thuốc mang tên “Đặc trị xương khớp” của Đông y Dung Hà. Theo những lời quảng cáo này thì đây là bài thuốc gia truyền có công dụng rất tốt giúp “phục hồi chức năng xương khớp trong các trường hợp: Phong tê thấp, gai đôi cột sống, vôi hóa cột sống, bong gân, sai khớp”. Đặc biệt là thuốc còn có khả năng hỗ trợ điều trị triệu chứng thấp khớp, gout, viêm đa khớp, thoát vị đĩa đệm, giảm sưng, giảm nóng, giảm đau.

Ngay sau khi liên hệ số điện thoại bán hàng, chị D chỉ cần cung cấp địa chỉ là nhà thuốc cho người chuyển sản phẩm tới tận nhà với giá 220 nghìn đồng/lọ. Tuy nhiên, khi nhận thuốc, chị D rất ngạc nhiên khi thấy vỏ hộp ngoài tên và logo mang thương hiệu Đông y Dung Hà thì không có bất kỳ thông tin nào khác. Ngay cả những thông tin cần thiết như: ngày sản xuất, hạn sử dụng, thông tin về đơn vị sản xuất và đơn vị phân phối cũng không có.

Liên hệ lại với người bán về những thắc mắc của mình, đồng thời đề nghị trả hàng đối với loại thuốc “3 không” này, chị D chỉ nhận được lời giải thích: “Đây là loại thuốc gia truyền rất tốt và có uy tín trên thị trường từ nhiều năm nay.

Sản phẩm đã đoạt giải thưởng “Hàng Việt Nam chất lượng vàng năm 2016” của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nên người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm. Còn việc trả lại là không thể bởi mọi việc đều đã thuận mua vừa bán”. Người bán cho biết họ cũng chỉ là nhà phân phối cấp 2, còn nếu cần thắc mắc thì mời lên... công ty hỏi. Khi chị D hỏi địa chỉ công ty ở đâu thì chính nhà phân phối này cũng... chịu.

“Chính vì không thể xác định được tính hợp pháp và nguồn gốc của loại thuốc này nên tôi nghi ngờ rằng, có thể sản phẩm “Đặc trị xương khớp” là thuốc “chui” và được bán theo hình thức đa cấp. Do đó, tôi đành chấp nhận mất tiền và bỏ lọ thuốc này đi chứ không dám mang về cho mẹ mình dùng nữa” - chị D ngậm ngùi cho biết.

Dễ phủi tay khi khách hàng rủi ro

Để tìm hiểu thêm thông tin về những sản phẩm thuốc Đông y này, phóng viên ANTĐ đã gõ thử từ khóa “Đông y Dung Hà” để tìm kiếm. Chỉ trong chưa đầy 1 giây đã có tới gần 700 nghìn kết quả, trong đó chủ yếu là các trang web cá nhân, các nhà phân phối độc quyền, với những lời lẽ quảng cáo hấp dẫn về các loại sản phẩm này như thần dược. Cũng theo những quảng cáo này thì các sản phẩm như “Đặc trị xương khớp”, “Bách nhi tán”... chủ yếu bán online thông qua nhiều hệ thống đại lý được phân thành đa cấp.

Tìm đến trụ sở của Đông y Dung Hà như thông tin ghi trên trang chủ www.dongydungha.com tại ngõ 214 đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân), khi phóng viên đề nghị được làm việc với lãnh đạo công ty thì nhân viên lễ tân cho biết tất cả đều đi công tác. Liên hệ qua 2 số điện thoại của Giám đốc Công ty Đông y gia truyền Dung Hà là bà Hà Thị Dung thì người nghe máy phủ nhận là Giám đốc Hà Thị Dung.

Những người này lúc xưng là trợ lý giám đốc, lúc xưng là Phó Giám đốc kinh doanh hoặc kế toán, đều lảng tránh khi chúng tôi đề cập được làm việc trực tiếp với công ty. Thậm chí, một người xưng là trợ lý giám đốc có tên là Mai còn yêu cầu, nếu muốn làm việc, Báo ANTĐ phải gửi công văn sang thì công ty mới tiếp.

Trong nỗ lực đi tìm lời giải đáp cho những loại thuốc như “Đặc trị xương khớp”, “Bách nhi tán”... đang bán tràn lan trên thị trường, chúng tôi quyết định trực tiếp mua các loại thuốc của doanh nghiệp này. Chọn một số điện thoại quảng cáo bán sản phẩm “Đặc trị xương khớp” trong hàng trăm số điện thoại bán mặt hàng này trên mạng, chúng tôi được người bán hồ hởi tiếp thị rất kỹ.

Không cần thăm khám, không cần kê bệnh, những “dược sỹ Đông y online” này lập tức cam kết thuốc sẽ chữa khỏi mọi chứng đau xương và cho người chuyển thuốc đến tận nhà ngay lập tức. Ngay cả sản phẩm thuốc cho trẻ em vốn đòi hỏi bác sỹ phải thăm khám trực tiếp để có các chẩn đoán lâm sàng hoặc làm xét nghiệp thì người bán này cũng kiêm được luôn khi chỉ cần chúng tôi tả sơ qua hiện tượng đau đớn của con em mình.

“Thuốc của bên tôi là thuốc gia truyền, được chiết xuất từ thảo dược nên anh cứ yên tâm là không có tác dụng phụ. Cháu bé sẽ khỏi ngay chỉ sau vài lần dùng sản phẩm. Hàng nghìn gia đình đã mua và dùng cho con em mình và chưa ai bị làm sao cả” - người bán cho biết qua điện thoại. (An ninh Thủ đô, trang 9)

 

Ai trục lợi bảo hiểm y tế?

Tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế được nhiều ĐBQH bức xúc nêu ra trong bối cảnh quỹ bảo hiểm y tế kết dư hàng chục ngàn tỉ đồng nhưng người bệnh lại đang phải chịu đủ đường thiệt thòi

Vậy ai là người đang trục lợi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT)?

Theo ông Lê Văn Phúc, Phó ban Thực hiện chính sách BHYT (thuộc BHXH VN), BHXH kiểm soát chặt chẽ nhưng chi BHYT năm 2017 vẫn gia tăng nhanh chóng. Năm 2016 quỹ BHYT đã bội chi 7.000 tỉ đồng. Đến hết tháng 9.2017, số tiền đề nghị thanh toán là 64.000 tỉ đồng. Dự kiến năm 2017 quỹ BHYT chi trên 85.000 tỉ đồng và quỹ kết dư sẽ phải bù 8.000 - 9.000 tỉ đồng.

Theo BHXH VN, 9 tháng năm 2017 đã có 122,6 triệu hồ sơ được gửi đề nghị thanh toán BHYT với số tiền 63.593 tỉ đồng. Có 21 tỉnh chi phí KCB vượt quỹ KCB BHYT cả năm 2017 trên 100 tỉ đồng. 6 tỉnh có số chi KCB BHYT bội chi cao, gồm: Nghệ An (919 tỉ đồng), Thanh Hóa (780 tỉ đồng), Quảng Nam (579 tỉ đồng), Quảng Ninh (359 tỉ đồng), Hà Tĩnh (281 tỉ đồng) và Hải Dương (247 tỉ đồng).

Nguyên nhân chính làm gia tăng chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT là tăng chi do giá dịch vụ y tế tăng chưa hợp lý; bệnh viện (BV) không thực hiện đúng định mức; nhiều cơ sở lạm dụng chỉ định xét nghiệm; mua sắm sử dụng thuốc, vật tư y tế chưa hợp lý; trục lợi quỹ BHYT…

“Ôm” bệnh nhân để tăng thu

Theo ông Phúc, thời gian qua chi phí KCB nội trú thông thường bằng 40% so với ngoại trú, nhưng gần đây gia tăng gần gấp đôi so với ngoại trú. Có bệnh nhân (BN) chỉ có bệnh rối loạn tiêu hóa kê đơn thuốc cho về là được nhưng lại chỉ định nội trú. Bên cạnh đó, thời gian nằm viện kéo dài đến 7 - 8 ngày với những bệnh không cần thiết. Nhiều BV đa khoa giữ BN sinh đẻ thường đến… 10 ngày.

Nhiều BV đã kê thêm hàng loạt giường bệnh, đặc biệt là miền Bắc, trong khi tỷ lệ nhân viên y tế không đạt. Thí dụ 2 BV ở Thanh Hóa kê hơn 300% giường. Chi phí giường bệnh gia tăng từ 3.000 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2016 lên đến 7.200 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2017, dự kiến đến hết năm nay là 15.000 tỉ đồng. “Chi phí giường bệnh tăng nên ông nào cũng muốn kê giường và BN nội trú tăng lên, kể cả phòng khám đa khoa khu vực. Có phòng khám đa khoa ở Bình Thuận kê 90 giường bệnh, tương tương 1 BV vừa”, ông Phúc nói.

Kê giá thuốc, khai khống bệnh nhân

Về chi cho thuốc, 6 tháng đầu năm 2017 chi 16.000 tỉ đồng, trong đó đáng lưu ý là giá thuốc mỗi nơi mỗi kiểu. Chẳng hạn giá thuốc dược liệu năm 2017 trúng thầu có nhiều bất cập, mỗi tỉnh mỗi giá, như vị thuốc ba kích tại Bến Tre BV mua vào 450.000 đồng, Điện Biên mua vào 730.000 đồng, Bình Định 1,7 triệu đồng, Bình Dương là 4,2 triệu đồng. Giá một loại kháng sinh cùng một hoạt chất với một dạng bào chế thì đơn giá chênh nhau rất nhiều. Tại Khánh Hòa mua một loại thuốc giá 20.000 đồng, trong khi đó một số địa phương khác mua với giá chỉ một nửa. Về giá vật tư y tế, stent mạch vành, cùng một loại nhưng Bà Rịa-Vũng Tàu có 2 gói thầu 36 và 40 triệu đồng/cái, Quảng Trị 42 triệu đồng, Thanh Hóa 58 triệu đồng. Giá thủy tinh thể nhân tạo, An Giang là hơn 2,5 triệu đồng, TP.HCM 3,5 triệu đồng, Tây Ninh trên 3 triệu đồng…

Nguyên nhân khác khiến quỹ BHYT tăng chi còn từ nạn trục lợi quỹ BHYT của nhân viên y tế. Ông Phúc cho biết, một kế toán ở trạm y tế xã ở Trà Vinh đã lấy dữ liệu thẻ của các BN đi khám trước, lập 236 bảng kê, thu tiền thuốc 27 triệu đồng. Tại một trung tâm y tế Vĩnh Long, một bác sĩ đã lập khống 272 hồ sơ lấy 49 triệu đồng. Một trạm y tế xã ở Sơn La cũng lập khống hồ sơ để thanh toán BHYT. Tại Kiên Giang có một phòng khám sử dụng các thông số thẻ BHYT của người đã từng đến khám rồi làm hồ sơ BHYT mới. Khi BHYT giám định thì ra “các BN” này là những cán bộ, công chức, giáo viên bị phòng khám làm hồ sơ ảo nhằm trục lợi quỹ BHYT.

Theo thống kê của BHXH VN, trong hai năm 2015 - 2016, nhiều liên doanh, liên kết đặt máy xã hội hóa trong các BV không đúng quy định. Cụ thể, cả nước hiện có hơn 3.441 máy xã hội hóa nhưng trong đó chỉ có 1.780 máy là thực hiện đúng theo quy định của Bộ Y tế (tại Thông tư số 15); 400 máy tặng, cho và góp vốn của nhân viên y tế. Còn lại là máy đặt để bán hóa chất, ràng buộc hợp đồng về số dịch vụ phải thực hiện trên máy xã hội hóa dẫn đến chỉ định quá mức.

“Thực tế này khiến nhiều BV chưa kiểm soát được chất lượng máy móc thiết bị, hóa chất; tăng chỉ định dịch vụ để thu hồi vốn hoặc đáp ứng điều kiện đặt máy; có ràng buộc trong hợp đồng về việc mua sắm hóa chất, vật tư y tế. Riêng các dịch vụ kỹ thuật cung cấp từ máy đặt không đúng quy định trên 200 tỉ đồng trong 9 tháng năm nay”, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía bắc (BHXH VN), cho biết.

Ngoài ra, bộ phận giám định của BHXH cũng phát hiện giá vật tư y tế vẫn bị bỏ ngỏ. Chẳng hạn, cùng một nhà sản xuất nhưng giá đỡ mạch vành phủ thuốc trúng thầu có giá thanh toán chênh lệch rất lớn giữa các BV. Nơi thanh toán thấp nhất 36 triệu đồng nhưng BV cao nhất thanh toán lên đến 58,49 triệu đồng/giá đỡ. (Thanh niên, trang 2)

 

Coi chừng dịch sởi quay trở lại

Hà Nội đã ghi nhận 45 ca dương tính với sởi, 1 ca tử vong, cao nhất tính từ vụ dịch năm 2014 và số mắc đang tăng trong vài tuần gần đây.

Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, hiện có tới 32.634 trẻ ở thành phố chưa được tiêm đầy đủ vaccine sởi đúng kỳ sau 5 năm. Đây là số trẻ có nguy cơ mắc sởi rất cao và chỉ cần 10% trong số này mắc sởi thì “bóng ma” dịch sởi năm 2014 sẽ thực sự quay trở lại.

Mỗi tuần 4-5 ca mắc mới

PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, tính đến tháng 10-2017, toàn miền Bắc ghi nhận 99 bệnh nhân dương tính với sởi, rải rác tại 17 tỉnh, thành phố. Trong đó, Hà Nội là địa phương có số mắc sởi cao nhất với 45 ca, chiếm gần 50% tổng số mắc ở toàn miền Bắc, trong đó đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi.

Đáng chú ý là có tới 43% số trẻ mắc sởi ở Hà Nội từ đầu năm đến nay là trẻ dưới 6 tháng tuổi và trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi, tức là nhóm trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm vaccine sởi đã mắc bệnh. PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh, đây là điều hết sức nguy hiểm. Một mặt do trẻ càng nhỏ, sức đề kháng yếu thì khi mắc bệnh càng dễ biến chứng nặng hơn. Mặt khác, việc có nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm vaccine đã mắc sởi khiến nguy cơ lây lan, bùng phát dịch trong cộng đồng sẽ lớn hơn.

Phân tích kỹ hơn về diễn biến dịch sởi trên địa bàn Hà Nội thời điểm này, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, tuy số lượng 45 ca mắc sởi chưa phải lớn song nếu so sánh từ năm 2010 trở lại đây, ngoài vụ dịch sởi rất lớn vào năm 2014 thì 2017 dù mới chỉ thống kê 10 tháng nhưng đã có số mắc cao nhất. Trước đó vào năm 2015, toàn thành phố chỉ có 39 ca mắc sởi, năm 2016 thậm chí chỉ có 3 ca dương tính với sởi và đều không có tử vong.

Hơn nữa, số bệnh nhân mắc sởi ở Hà Nội đang có xu hướng gia tăng trong 2 tháng trở lại đây, hiện trung bình mỗi tuần có thêm 4-5 ca dương tính mới. Riêng trường hợp tử vong do liên quan đến sởi tại Hà Nội vừa qua, TS Nguyễn Nhật Cảm thông tin, đó là một bé trai nhập viện mổ tinh hoàn, sau đó trong quá trình điều trị tại bệnh viện thì có sốt, được chẩn đoán mắc sởi và tử vong.

Điều đáng lo ngại là số trẻ chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm vaccine sởi chưa đầy đủ trong 5 năm qua trên địa bàn Hà Nội rất lớn. “32.634 trẻ chưa được tiêm vaccine sởi có nguy cơ mắc sởi rất cao nếu dịch bùng phát. Chỉ cần 10% trong số đó mắc sởi thì tổng số ca mắc đã lên tới trên 3.200 bệnh nhân” - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố nhận định.

Nhiều phụ huynh còn rất chủ quan

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, nguyên nhân khiến số lượng trẻ chưa được tiêm đầy đủ vaccine sởi chủ yếu vì trẻ phải hoãn tiêm do ốm đau, sức khỏe không đảm bảo khi đến lịch tiêm, hoặc do bệnh lý bẩm sinh. Song bên cạnh đó, vẫn có tới 11% trường hợp không tiêm vì phụ huynh không chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng, chủ quan không quan tâm hoặc quên lịch tiêm của trẻ… Đây là điều rất đáng cảnh báo bởi hiện tại, tiêm vaccine chính là biện pháp phòng sởi hữu hiệu nhất.

Để khắc phục tình trạng này, TS Nguyễn Nhật Cảm cho biết, ngay trong tháng 11 này, Hà Nội sẽ chỉ đạo rà soát lại đối tượng tiêm chủng trên toàn thành phố, tập trung vào nhóm trẻ dưới 5 tuổi để xem những trẻ nào bỏ sót chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ tổ chức tiêm chủng bổ sung hàng tuần cho các trẻ, song song với việc thực hiện tiêm chủng thường xuyên hàng tuần tại các trạm y tế.

Cũng liên quan đến dịch bệnh này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, mùa Đông Xuân là thời điểm mà nhiều bệnh truyền nhiễm như cúm, ho gà, viêm não virus, viêm màng não do não mô cầu, tiêu chảy, tay chân miệng, liên cầu lợn… có nguy cơ gia tăng, bùng phát, đặc biệt là dịch sởi.

Nhấn mạnh số mắc sởi ở Hà Nội đang gia tăng trong 2 tháng trở lại đây, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân Thủ đô cần đề phòng với dịch bệnh này. Hiện Cục Y tế Dự phòng đang chỉ đạo rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung, tổ chức các chiến dịch tiêm phòng để bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ đạt ít nhất 95% theo quy mô xã, phường, nhất là nâng tỷ lệ tiêm phòng bệnh sởi, rubella, ho gà, bạch hầu, viêm não.

Tương tự, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch sởi trong thời gian tới và yêu cầu các địa phương có tỷ lệ tiêm phòng sởi thấp cần huy động mọi biện pháp để nâng tỷ lệ tiêm phòng, hạn chế các “vùng lõm” tiêm chủng. “Để không tái diễn bài học đau lòng về dịch sởi xảy ra năm 2014 vừa qua, ngành y tế đã phối hợp cùng ngành giáo dục để tuyên truyền, triển khai các biện pháp vệ sinh phòng bệnh tại trường học, rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh để đưa con mình đi tiêm phòng vaccine sởi đầy đủ” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết. (An ninh Thủ đô, trang 7)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang