Đơn vị y tế tuyến huyện đầu tiên trở thành vệ tinh của bệnh viện trung ương
Chiều 2-12, UBND tỉnh Nghệ An, Sở Y tế Nghệ An tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận Trung tâm y tế huyện Nam Đàn là đơn vị vệ tinh và ký kết đào tạo, chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Dự lễ có PGS.TS, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và tỉnh Nghệ An.
Mỗi năm Trung tâm y tế huyện Nam Đàn đã thực hiện khám, chữa bệnh cho hơn 80 nghìn lượt người bệnh, điều trị nội trú cho hơn 10 nghìn lượt người và thực hiện khoảng 1.000 ca phẫu thuật cho nhân dân huyện Nam Đàn và các vùng phụ cận. Thời gian qua, việc thực hiện các kỹ thuật cao tại trung tâm còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Để nâng cao toàn diện cho Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn, tháng 7-2017, Bộ Y tế đồng ý chủ trương xây dựng Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn trở thành vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). (Nhân dân trang 5)
Nhiễm độc chì - mối họa bị bỏ qua...
Từ thuốc, thực phẩm, nguồn nước, đất, không khí cho tới các vật dụng trong gia đình… đều có nguy cơ gây nhiễm độc chì cho cơ thể người mà ít ai ngờ tới. Thế nhưng, với đặc trưng tích tụ lâu ngày rồi mới phát tác, nhiều người bỏ qua cảnh báo nguy hiểm nhiễm độc chì để rồi dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Nguy cơ nhiễm chì từ thuốc cam, sơn, thực phẩm...
Mỗi năm, Khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) tiếp nhận hàng chục trường hợp trẻ em ngộ độc chì từ thuốc cam do sự thiếu hiểu biết của người lớn. Bác sĩ Lê Ngọc Duy, Phó Trưởng khoa Cấp cứu chống độc bệnh viện cho biết, mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về nguy cơ ngộ độc chì trong thuốc cam không rõ nguồn gốc nhưng nhiều cha mẹ vẫn quá tin vào loại “thần dược” này. Nhiều người còn cho rằng, thuốc cam có thể giúp trẻ tăng cân, chữa lành một số bệnh thông thường… những quan niệm sai lầm này đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng với trẻ.
Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), các bác sĩ cũng từng tiếp nhận rất nhiều bệnh nhi bị ngộ độc chì do sử dụng các loại thuốc Nam, thuốc cam. Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc dẫn chứng, từ tháng 8-2017 đến nay bệnh viện đã tổ chức các đoàn bác sĩ về huyện Lục Nam, huyện Tân Yên và TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) để khám, điều trị và cấp thuốc miễn phí cho hàng chục trẻ em có nồng độ chì vượt ngưỡng cho phép. Ở Bắc Giang hiện có khoảng 50 trường hợp bị ngộ độc chì, chủ yếu là do cha mẹ dùng thuốc cam để vệ sinh răng miệng cho trẻ.
“Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất loại chì, asen và thủy ngân ra khỏi danh sách nguyên liệu thuốc y học cổ truyền, tránh tình trạng nhiều loại thuốc cam, thuốc Nam có hàm lượng chì vượt ngưỡng được bán rộng rãi khiến từ năm 2011 cho đến nay, nhiều trẻ bị ngộ độc chì phải nhập viện”, Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói.
Nguy cơ nhiễm độc chì không chỉ từ thuốc cam mà còn đến từ nhiều tác nhân xung quanh môi trường sống. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, nồng độ chì cho phép tồn tại trong cơ thể người là dưới 10mcg/dL. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy, hàm lượng chì trung bình trong cơ thể người Việt Nam là 20mcg/dL (gấp đôi hàm lượng chì cho phép). Nguyên nhân được chỉ ra là do ô nhiễm chì từ trong không khí, nguồn nước sinh hoạt và một phần do con người trực tiếp đưa vào cơ thể thông qua ăn uống và sử dụng vật dụng gia đình.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, ngay cả các bao gói đựng thực phẩm, như: Giấy báo, bát đĩa in hoa văn, hộp đựng có chứa chì… hay nhiều nghề nghiệp, như: Sản xuất, tái chế, sửa chữa ắc quy, nung, nấu hoặc tinh chế chì… đến những vật dụng mỹ phẩm, son, đồ chơi có sơn chì, đạn chì… đều là mối nguy cơ khiến chì xâm nhập vào cơ thể. Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị nhiễm độc chì hơn cả, bởi mức hấp thụ chì ở trẻ em cao và lâu hơn ở người lớn.
Một trong những yếu tố có thể gây nhiễm, ngộ độc chì là sơn tường nhưng ít được đề cập đến. PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo, chì xâm nhập vào cơ thể con người nhiều nhất là qua đường ăn uống và hít thở. Nếu sử dụng các loại sơn nhiễm chì nhiều màu sắc bắt mắt trong phòng ngủ của trẻ thì nguy cơ trẻ sẽ bị nhiễm độc chì qua đường hít thở.
Càng để lâu, càng nguy hiểm
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nhiễm độc chì là một cảnh báo nguy hiểm cho cơ thể. Tuy nhiên, nhiều người chủ quan khi chưa nhìn thấy hậu quả từ việc này, tức là khi cơ thể chưa phát bệnh nên trì hoãn chữa trị, hoặc bỏ dở điều trị. Thực tế, thải được nồng độ chì trong cơ thể không đơn giản, càng để lâu, càng nguy hại cho sức khỏe. Riêng với nhiễm độc chì khiến trẻ có những bất thường về thể lực và trí tuệ, gây thiếu máu, rối loạn ý thức, chậm phát triển về nhận thức, chậm phát triển về chiều cao... Nếu bị nặng, có thể bị liệt cơ, thiếu máu, co giật và hôn mê. Do vậy, khi có những biểu hiện đáng ngờ bị nhiễm độc chì cần đưa người bệnh đến bệnh viện và tuyệt đối tuân thủ các phương pháp điều trị của bác sĩ.
Bác sĩ Lê Ngọc Duy phân tích, các biểu hiện cấp tính khi trẻ bị nhiễm độc chì là tăng kích thích, co giật, ngủ lịm từng lúc, hôn mê... Các biểu hiện lâu dài cũng không điển hình, như: Chậm phát triển nhận thức, tinh thần, giảm khả năng nghe, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất các kỹ năng học được, học kém. Ngoài ra, khi nhiễm độc chì còn ảnh hưởng về tiêu hóa khiến trẻ hay bị nôn, đau bụng, chán ăn. Nhìn bên ngoài, da trẻ xanh xao, cơ thể gầy yếu do thiếu máu.
Ngoài các triệu chứng rõ rệt như trên, trẻ nhiễm độc chì còn có rất nhiều biểu hiện kín, chỉ có thể phát hiện bằng các xét nghiệm định lượng chì trong máu. Để đề phòng ngộ độc chì, gia đình cũng cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế để trẻ nhỏ tiếp xúc với đồ chơi không rõ nguồn gốc có thể nhiễm kim loại nặng và chì.
PGS.TS Phạm Duệ cũng đưa ra khuyến cáo, các bậc cha mẹ không được tùy tiện cho con uống thuốc Nam, thuốc cam không rõ nguồn gốc từ các thầy lang. Nếu có, chỉ sử dụng các thuốc của nhà sản xuất và phân phối có nhãn mác ghi rõ địa chỉ, có chứng nhận cho phép của các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, tuyệt đối không nên sử dụng các vật dụng liên quan đến chì, như: Ắc quy thải loại, đồ chơi có chứa chì… Khi chọn sơn nhà, người tiêu dùng cần tìm hiểu mua những loại sơn không chứa chì. Nếu cha mẹ làm việc trong môi trường có chì nên tắm gội, thay quần áo sạch sẽ khi xong công việc, nhất là trước khi tiếp xúc với trẻ để hạn chế nguồn lây nhiễm chì. (Hà Nội mới, trang 5)
Đề xuất kết nối hệ thống thu chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với ngân hàng, Kho bạc Nhà nước
Nhằm hướng tới thực hiện giao dịch điện tử trong thu nộp bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp mức độ 4, BHXH TP Hà Nội cho biết, đã đề xuất thí điểm kết nối Cổng giao dịch thanh toán thu chi BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp với hệ thống ngân hàng, Kho bạc Nhà nước.
Cụ thể, sau thời gian chuẩn bị, đánh giá kỹ lưỡng, BHXH thành phố đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng quy trình, phần mềm và hạ tầng kết nối, tổ chức thảo luận phương pháp triển khai thực hiện.
BHXH thành phố đã đề nghị BHXH Việt Nam đồng ý để BHXH TP Hà Nội phối hợp với Công ty Tecapro, Trung tâm Công nghệ thông tin, Trung tâm Thanh toán của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam triển khai thử nghiệm Cổng giao dịch thanh toán nghiệp vụ thu, chi BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh Bắc Hà Nội.
Sau thời gian chạy thử nghiệm, BHXH thành phố cùng các đơn vị phối hợp sẽ đánh giá và báo cáo kết quả để lãnh đạo ngành quyết định việc mở rộng triển khai với các hệ thống ngân hàng, Kho bạc Nhà nước đang ký thỏa thuận liên ngành với BHXH Việt Nam. (Hà Nội mới, trang 2)
Ca ghép thận thứ 300 - khẳng định thương hiệu Bệnh viện Quân y 103
Ngày 4-6-1992, ca ghép thận đầu tiên ở Việt Nam được tiến hành tại Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y đánh dấu sự phát triển mới của nền y học nước nhà, cũng là khởi đầu cho một chuyên ngành mới - chuyên ngành ghép tạng. Trải qua 25 năm, ngày 17-11-2017 vừa qua, ca ghép thận thứ 300 đã thành công tại bệnh viện, một lần nữa khẳng định trình độ cao của đội ngũ thầy thuốc, chiến sĩ nơi đây.
Ca ghép thận đầu tiên của Việt Nam được thực hiện thành công tại Bệnh viện Quân y 103 với sự trợ giúp của các chuyên gia quốc tế. Người được ghép thận là Thiếu tá Vũ Mạnh Đoan, 40 tuổi, Chủ nhiệm Thông tin Quân đoàn 3, bị suy thận mạn giai đoạn cuối, người cho thận là em trai Vũ Mạnh Toàn (28 tuổi).
Ca ghép thận thứ 7 tại Bệnh viện Quân y 103 và là ca thứ 9 tại Việt Nam vào ngày 20-7-1993 do các thầy thuốc Việt Nam tự lực tiến hành thành công, ghép cho bệnh nhân Lê Thanh Nghiêm, 33 tuổi ở Tuy Hòa, Phú Yên, người cho thận là chị ruột Lê Thị Như 40 tuổi. Sau thành công ấy, anh Nghiêm đã khỏe mạnh, tốt nghiệp đại học, lập gia đình, sinh con khỏe mạnh và năm 1997 anh tham dự Festival những bệnh nhân ghép tạng tại Sidney, Australia...
Tính đến tháng 11-2017, Bệnh viện Quân y 103 đã ghép thận cho 300 bệnh nhân. 5 năm gần đây, số lượng bệnh nhân ghép thận tăng gấp ba lần so với 20 năm trước đó, đặc biệt có ngày ghép 2 đến 3 cặp bệnh nhân. Năm 2017, bệnh viện ghép thận cho hơn 50 trường hợp. Bệnh viện đã ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ trong tuyển chọn, mổ lấy thận, rửa thận, ghép thận, gây mê hồi sức và điều trị sau ghép đạt các kết quả tốt. Những kết quả này còn góp phần nâng cao tay nghề cho cán bộ, y bác sĩ, chiến sĩ và khẳng định thương hiệu cho Bệnh viện Quân y 103.
Cùng với thế mạnh về ghép thận, Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y còn là nơi vinh dự 5 lần đi đầu trong ghép tạng của Việt Nam (đó là ghép thận, gan, tim, tụy - thận và phổi). Để có được những thành tựu nổi bật ấy, ngoài nỗ lực khắc phục khó khăn của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ bệnh viện còn có sự đóng góp to lớn của việc hợp tác trong nước và quốc tế như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện trung ương Huế, Bệnh viện Nhi trung ương và nhiều bệnh viện khác; các chuyên gia ghép tạng hàng đầu của các nước và một số nước khác trong triển khai các ca ghép tạng đầu tiên ở Việt Nam.
Các chuyên gia ghép tạng của Bệnh viện Quân y 103 cũng tích cực tham gia có hiệu quả trong triển khai ghép tạng ban đầu tại nhiều cơ sở y tế của cả nước, giúp các bệnh viện như Chợ Rẫy (12-1992), Việt - Đức (8-2000), trung ương Huế (7-2001), Nhân dân Gia Định (1-2002), Nhân dân 115 (2-2004), Nhi trung ương (5-2004), Bạch Mai (11-2005), Đà Nẵng (3-2006), Kiên Giang (3-2007), 19-8 (10-2004)...
Ghi nhận thành tích về ghép tạng của bệnh viện, nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã đến thăm chúc mừng thầy thuốc và bệnh nhân được ghép tạng. Cụm Công trình ghép tạng, trong đó có sự tham gia chính của Bệnh viện Quân y 103 và Học viện Quân y đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2005. Nhà nước đã tặng thưởng nhiều Huân chương cho các thành tích về ghép tạng của bệnh viện.
Ngày 6-1-2012, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã trao Bằng chứng nhận và Cúp kỷ lục Việt Nam cho Bệnh viện Quân y 103 là bệnh viện đã tiến hành ghép thận, ghép gan và ghép tim đầu tiên tại Việt Nam.
Ngoài ra, bệnh viện được tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1989, 2009, 2014); Huân chương Hồ Chí Minh (2015); ngày 20-5-2017, bệnh viện là một trong 12 đơn vị được tôn vinh tại chương trình “Vinh quang Việt Nam 2017 - Dấu ấn 30 năm Đổi mới”. (Hà Nội mới, trang 5)
Giá thuốc ở Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực
“Từ khi có cơ chế đấu thầu, tỷ lệ thuốc nội vào các bệnh viện tăng mạnh. Nếu như năm 2013 chỉ có 15%, thì đến 2016 tăng lên 27,1% và 2017 là gần 29%.
So với mức trung bình của 6 nước trong khu vực, giá thuốc generic của Việt Nam thấp hơn tới 33%...” - đây là thông tin được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ khi phân tích 2 nghị quyết trong lĩnh vực y tế tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 diễn ra cuối tuần qua.
Gia tăng tỷ lệ thuốc nội vào bệnh viện
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, trong y tế, lĩnh vực dược là vấn đề rất lớn. Thị trường dược Việt Nam có quy mô tới 4,2 tỷ USD/năm, chi bảo hiểm y tế (BHYT) gần 40.000 tỷ đồng, chiếm 41% chi BHYT và 49,7% tổng chi y tế. Để ổn định giá thuốc, 5 năm qua, Việt Nam đã kiên trì đấu thầu thuốc tập trung.
Theo Phó Thủ tướng, đây là cuộc cọ sát rất lớn về lợi ích. Trước đây cho đấu thầu từng bệnh viện, sau đó Bộ Y tế yêu cầu đấu thầu tập trung ở các tỉnh. Rất nhiều nơi không hài lòng, nhưng bằng số liệu cho thấy trung bình mỗi năm giảm hơn 10%, 3 năm qua trị giá tiền mua thuốc đã giảm 35%.
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ thông tin, ngay năm 2017, mới đấu thầu đợt 1 với 21 loại thuốc dùng nhiều nhất đã giúp giảm hơn 16,4% giá thuốc. Từ khi có cơ chế đấu thầu, tỷ lệ thuốc nội vào các bệnh viện tăng mạnh. Nếu như năm 2013 chỉ có 15% thuốc nội vào bệnh viện, thì đến 2016 tỷ lệ này tăng lên 27,1% và 2017 là gần 29% thuốc nội đã được sử dụng trong các bệnh viện.
Riêng với mặt hàng thuốc biệt dược, Phó Thủ tướng cho biết, vừa qua đã điều chỉnh, bổ sung quy định, yêu cầu đấu thầu các thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bản quyền có từ 2 số đăng ký trở lên. Điều này có thể giúp tiết kiệm 3.000 tỷ đồng/năm. Sắp tới, sẽ tiếp tục thí điểm đàm phán giá đối với 139 danh mục biệt dược gốc đã có nhiều thuốc generic thay thế.
“So với mức trung bình của 6 nước trong khu vực, giá thuốc generic của Việt Nam thấp hơn tới 33%. Trong khi tại Indonesia, Philippines cao hơn từ 20 - 70%; Thái Lan cao hơn 4% và Singapore cao hơn 19%. Ngoại trừ thuốc ung thư của Việt Nam (chiếm hơn 10%) đang cao hơn khoảng 3%, do nhiều loại thuốc chưa được BHYT chi trả” - Phó Thủ tướng nói.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, giải pháp lâu dài với thị trường dược Việt Nam là khuyến khích sử dụng sản phẩm trong nước; tăng cường đấu thầu tập trung, giảm giá thuốc; quản lý chặt nhập khẩu; đồng thời củng cố hệ thống phân phối thuốc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc.
Việt Nam thuộc 5 nước có tốc độ già hóa dân số cao nhất thế giới
Đối với Nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, từng có thời gian dân số Việt Nam tăng quá nhanh, nên bằng nhiều biện pháp quyết liệt đã giúp Việt Nam đạt mức sinh thay thế 2,1 con vào năm 2006. Tuy nhiên, Việt Nam đạt đỉnh cao dân số vàng giai đoạn 2000-2007 nhưng đến 2011 đã bước vào già hóa dân số và hiện thuộc 5 nước có tốc độ già hóa dân số cao nhất thế giới. Với tốc độ này, đến 2045 Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già điển hình thế giới (trên 20% người 60 tuổi trở lên). Các nước trên thế giới chuyển sang dân số già mất 70-100 năm nhưng Việt Nam chỉ mất 18 năm.
Bên cạnh đó là thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng ngày càng nghiêm trọng, hiện tại ở Việt Nam là mức 112 bé trai/100 bé gái, trong khi mức bình thường ở ngưỡng 103-107 bé trai/100 bé gái. Do đó, theo Phó Thủ tướng nếu giữ mức này, đến 2050 chúng ta sẽ thiếu 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ.
Cũng về công tác dân số, Phó Thủ tướng nêu thực trạng đáng lưu ý, sau 10 năm, một số khu vực đang bắt đầu giảm sinh. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện chỉ còn 1,5 - 1,6 con, riêng TP. Hồ Chí Minh thấp nhất cả nước với tỷ lệ là 1,45 con. Trong khi trên thế giới, chưa có nước nào thành công trong việc đưa tỷ lệ sinh xuống quá ngưỡng tăng trở lại. Bài học từ châu Âu, nhiều nước cho tiền, bao cấp rất nhiều nhưng cũng không vực lên được.
Do đó, Phó Thủ tướng nêu rõ về công tác dân số trong tình hình mới sẽ chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; chú trọng toàn diện về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng và đặt trong mối quan hệ mật thiết với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Tập trung duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người. Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt 22%; tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt 11%; tỷ số phụ thuộc chung đạt 49%; khuyến khích đẻ thêm tại những nơi có mức sinh thấp, vận động sinh ít tại những nơi đẻ nhiều, đảm bảo quy mô dân số 104 triệu vào 2030; chiều cao người Việt Nam 18 tuổi đối với nam đạt 168,5cm, nữ đạt 157,5cm. Chỉ số Phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á... (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)