Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 4/3/2016

  • |
T5g.org.vn - Hà Nội ghi nhận ca nhiễm não mô cầu đầu tiên; Vụ “Những bệnh viện xây hoài không xong”: Cuối tháng 3- 2016, khởi công Bệnh viện Ung bướu 2; Mức thu viện phí nên tương ứng chất lượng bệnh viện; Nhức nhối an toàn thực phẩm: Bộ trưởng hứa chặn từ gốc

Hà Nội ghi nhận ca nhiễm não mô cầu đầu tiên

Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 3-3 cho biết, bệnh viện này vừa tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân 30 tuổi (ở Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị viêm màng não do não mô cầu. Như vậy, đây là trường hợp mắc não mô cầu đầu tiên ở Hà Nội trong năm nay. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân nói trên được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Đông Anh lên với chẩn đoán viêm màng não. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân tỉnh, không còn lơ mơ, nhưng các triệu chứng viêm màng não rất rõ ràng với biểu hiện nôn, đau đầu nhiều. Kết quả cấy dịch não tủy khẳng định người bệnh mắc não mô cầu.

Ngay lập tức, bệnh nhân được điều trị cách ly, phòng nguy cơ lây cho bệnh nhân khác. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã thông báo với Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội để các đơn vị khoanh vùng, giám sát người tiếp xúc gần với bệnh nhân, dùng thuốc dự phòng bệnh. Được biết, đây là trường hợp viêm màng não do não mô cầu đầu tiên của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong năm 2016. Trước đó vài ngày, Sở Y tế Hà Nội có công điện chỉ đạo các đơn vị liên quan của thành phố tăng cường công tác phòng chống dịch viêm não do não mô cầu, trong đó khẳng định Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc não mô cầu nào.

Trao đổi với báo chí về ca bệnh ở Đông Anh kể trên, sáng 3-3, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội chưa xác nhận thông tin chính thức nhưng cho biết, ngay khi nhận được thông báo có ca bệnh nghi ngờ não mô cầu, Trung tâm đã có kế hoạch cách ly, xử lý ổ dịch để không lây lan. Bệnh nhân này cư trú ở Xuân Canh, huyện Đông Anh. Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, trung bình một năm thành phố ghi nhận 5-7 ca mắc viêm não mô cầu.

Như vậy, với trường hợp bệnh nhân vừa được xác định mắc não mô cầu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội trở thành địa phương mới nhất ghi nhận bệnh nhân não mô cầu kể từ đầu năm 2006 đến nay, sau các trường hợp mắc bệnh rải rác được ghi nhận tại một số tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh, Sơn La, Hòa Bình, Gia Lai, Nam Định, Lạng Sơn, Hải Dương… Trong đó, đã có trường hợp tử vong là nữ học sinh cấp 3 tại Hải Dương (An ninh thủ đô trang 8, Tuổi trẻ trang 14, Hà Nội mới trang 1, Gia đình & Xã hội trang 2, Nhân dân trang 8).

Vụ “Những bệnh viện xây hoài không xong”: Cuối tháng 3- 2016, khởi công Bệnh viện Ung bướu 2

Ngày 3- 3, thông tin từ Ban quản lý dự án, Sở Y tế TP.HCM cho biết dự án Bệnh viện Ung bướu 2 (Q.9) sẽ được khởi công vào cuối tháng 3. Theo tìm hiểu của Tuổi trẻ, khu đất hơn 5,5ha để xây dựng Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 phần lớn là đất công, cơ quan chức năng chỉ di dời khoảng 40 hộ dân. Thời điểm quyết định xây dựng bệnh viện, khu đất công trên do Trường trung học kỹ thuật nông nghiệp quản lý. Thực tế trường này đã cho nhiều đơn vị khác thuê lại thời gian dài làm xưởng, trụ sở, văn phòng. Khi Nhà nước ra quyết định thu hồi đất, cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu các cơ sở trên phải di dời thì phát sinh khiếu nại. Những đơn vị đang sử dụng đất yêu cầu Nhà nước phải hỗ trợ di dời, hỗ trợ thuê đất nơi khác và bồi  thường  phần xây dựng. Việc khiếu nại kéo dài đến năm 2014 mới được giải quyết dứt điểm để chủ đầu tư rào, khoan khảo sát địa chất nhằm lập thiết kế cho dự án (Tuổi trẻ trang 3).

Mức thu viện phí nên tương ứng chất lượng bệnh viện

 “Chất lượng của các bệnh viện tại TP.HCM chưa được các giám đốc bệnh viện quan tâm một cách đồng đều. Chất lượng phục vụ người bệnh tại các bệnh viện còn nhiều vấn đề ghi nhận, phản ánh. Tai biến điều trị vẫn còn xảy ra, còn gây bức xúc cho nhiều người dân, giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế vẫn còn được phản ánh khá nhiều qua đường dây nóng của Sở Y tế, chi phí điều trị chưa hợp lý, an ninh trật tự chưa thật an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế...”.

TS.BS Tăng Chí Thượng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết như vậy tại hội nghị giao ban công tác khám bệnh, chữa bệnh năm 2016 (khu vực các tỉnh phía Nam) được Bộ Y tế tổ chức ngày 3-3.

TS Tăng Chí Thượng kiến nghị Bộ Y tế ban hành mức thu viện phí của các bệnh viện tương ứng với mức chất lượng đạt được qua kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện. Bệnh viện chất lượng thấp thu viện phí thấp, chất lượng cao thu viện phí cao. Nếu Bộ Y tế ban hành được điều này, tự các bệnh viện sẽ nâng cao chất lượng điều trị liên tục mà không cần nhắc nhở.

Cũng tại buổi giao ban này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết trong năm 2015 tình trạng quá tải khu vực khám bệnh tại các bệnh viện được cải thiện đáng kể. Quy trình khám bệnh giảm từ 12-14 bước xuống còn 4-8 bước tùy theo loại hình khám bệnh, giảm trung bình 48,5 phút trên một lượt khám bệnh (Tuổi trẻ trang 14).

Nhức nhối an toàn thực phẩm: Bộ trưởng hứa chặn từ gốc

Tại Hội nghị trực tuyến về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) diễn ra ngày 3/3, như bao cuộc họp trước, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát tiếp tục nhấn mạnh với những từ mạnh mẽ: Sẽ tập trung “đánh” đột xuất, tận gốc bốn nhóm chính là chất cấm, kháng sinh, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật… Không biết sau phát biểu này, thịt lợn chứa chất tạo nạc; rau, củ, quả “bẩn”; phân bón giả… có giảm?

Hám lợi nên bỏ độc vào thực phẩm

Theo Bộ NN&PTNT, qua đợt cao điểm thanh kiểm tra về ATTP, phát hiện hàng loạt vụ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Theo đó, Thanh tra Bộ này đã phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) phát hiện xử lý 13 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) vi phạm về chất cấm. Trong đó, đã xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm vi phạm của 11 công ty. Một số cá nhân, công ty vi phạm đang trong quá trình điều tra, củng cố hồ sơ, chờ kết quả xử lý.

Đặc biệt, cơ quan chức năng đã phát hiện một số công ty sản xuất cám có chất cấm, như: Cty TNHH Trường Phú (Hải Dương), Cty TNHH Thịnh Đức (Bắc Giang) sử dụng Salbutamol (chất tạo nạc) và Auramine (chất tạo màu công nghiệp). Cty CP Đầu tư Phát triển Tiên Phong (Hưng Yên) sử dụng Salbutamol, Cty TNHH Hà Hưng (Hưng Yên) có sử dụng Auramine. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng phát hiện một số thùng chứa chất tạo màu công nghiệp chưa sử dụng tại Tập đoàn Minh Tâm (Bắc Ninh); 11 thùng chứa Auramine đã sử dụng tại Cty TNHH Thăng Long (Hưng Yên)…

Cơ quan chức năng cũng bí mật trinh sát, lấy mẫu kiểm tra và phát hiện nhiều vi phạm tại các Cty sản xuất TACN. Tại Quảng Ninh, phát hiện, bắt giữ 6 tấn TACN của Cty Thiên Nam (ở Bắc Ninh) được gia công tại Cty TNHH Hải Thăng, chứa Salbutamol vượt mức cho phép tới 63 lần. Còn tại Điện Biên, PC49 và Sở NN&PTNT tỉnh này cũng phát hiện 30 gói bột màu trắng (có 20 gói loại 1 kg, không có nhãn) tại một cơ sở kinh doanh TACN và phát hiện có hàm lượng chất cấm cao…

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, sau một thời gian “làm mạnh”, các đối tượng kinh doanh, sử dụng chất cấm đã “lui” dần. Những nguồn Salbutamol tuồn ra ngoài thị trường cơ bản đã “cất” vào kho. Ông Việt cho biết, hiện Bộ NN&PTNT cấm sử dụng chất Salbutamol trong nông nghiệp. Tuy nhiên, Bộ Y tế lại cho phép nhập khẩu chất trên về làm thuốc chữa bệnh cho người, một số cơ sở đã lợi dụng, tuồn thuốc ra ngoài, trong đó có cấp cho nông nghiệp.

Ông Việt cũng cho biết, giá nhập khẩu gốc chỉ khoảng 1,5-1,6 triệu đồng/kg Salbutamol, nhưng qua nhiều khâu, khi đến tay người sử dụng, giá loại “bột trắng” này hơn tới 15 triệu đồng/kg, lãi gấp 10 lần. Chưa kể, một con lợn, sau khi dùng chất Salbutamol, mức lãi có thể lên đến tới 1 triệu đồng/con lợn, thậm chí cao hơn, nên nhiều người hám lợi, vẫn phạm pháp. “Thậm chí, có những công ty khi tiếp thị cám, kèm theo chất cấm tới tận chuồng trại”- ông Việt nói.

Theo đại diện C49, chất cấm hiện đã len lỏi, được đưa lên tận miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Họ sử dụng “chiêu” khuyến mại, không bán mà quảng bá “bung đùi, nở vai” hỗ trợ tận nơi. Hộ nào dùng “bột trắng” sẽ mua lợn với giá cao hơn. Tuy nhiên, theo vị này, một cửa hàng ở nông thôn, họ bán cả thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu... Những cửa hàng loại này, khi vào kiểm tra cũng rất nan giải, vì liên quan nhiều quy định.

Hô phải truy, ai làm?

“Hiện việc truy xuất nguồn gốc là yếu nhất. Chẳng hạn, khi TPHCM phát hiện ra lợn có chứa chất cấm, nhưng khi gửi kết quả cho các tỉnh (cung cấp lợn) thì triển khai truy xuất rất chậm”, ông Việt nói. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, năm 2016 sẽ xếp loại các địa phương về ATTP. Trong đó, tổ chức điều tra xã hội học, tham khảo ý kiến của người tiêu dùng những vấn đề liên quan đến ATTP.

Về vấn đề trên, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TPHCM cho rằng: “Tôi có cảm giác, các tỉnh khoán trắng cho TPHCM nên anh em thú y rất vất vả”. Theo ông này, hiện vấn đề bất cập là chưa có quy định tạm giữ lô hàng trong quá trình chờ xét nghiệm chất cấm. “Khi phát hiện thấy lô hàng vi phạm, chúng ta chỉ có thể phạt tiền, còn hàng đôi khi đã bán hết sạch rồi”- ông Trung nói. Trong đợt cao điểm vừa qua, TPHCM đã lấy khoảng 1.400 mẫu nước tiểu lợn tại các lò mổ và phát hiện khoảng 10% số mẫu dương tính với chất cấm. Nguồn lợn được lấy mẫu thử chủ yếu đến từ Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu…

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, với chất cấm không chỉ làm ở phần ngọn, mà phải truy tận gốc. Ông Phát nói: “Từ chuồng trại, lò mổ, phải truy ra cơ sở, nhà máy sản xuất cám nào, ai là đơn vị nhập khẩu chất cấm, cung cấp, tuồn chất đó, để ngăn chặn tận nơi…Chúng ta đã thống kê tất cả trang trại chăn nuôi lợn thịt trong nước, các địa phương có kế hoạch giám sát; chứ không làm vu vơ, ngẫu hứng”.

Ông Phát cho biết, trong chăn nuôi và thủy sản đang có tình trạng lạm dụng kháng sinh. “Ăn nhiều kháng sinh sẽ bị nhờn và khi nhờn sẽ rất khó chữa bệnh. Vấn đề này thì các chuyên gia trong nước cũng nói nhiều; nhiều lô hàng xuất khẩu của chúng ta cũng bị cảnh báo, trả về… Trong 4 tháng tới, cũng làm mạnh như chất cấm, làm tận gốc”.

Về thuốc bảo vệ thực vật, ông Phát nói: “Thuốc kém, giả từ đâu? Hơn 100 nhà máy sản xuất trong nước, chúng ta có thể giám sát được, còn nhập lậu thì phải làm sao. Tôi đi kiểm tra cũng như những báo cáo đến tay tôi, các loại thuốc giả, kém chất lượng, độc hại phần lớn là từ nhập lậu”. Ông Phát yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ phải giám sát, mạnh tay xử lý thuốc giả, kém chất lượng, độc hại, kinh doanh trái phép. “Chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Công an, Công Thương để tìm giải pháp với các nhóm đối tượng trên”, ông Phát nói (Tiền phong trang 4, Lao động trang 4, Gia đình & Xã hội trang 4).

Trong những ngày đầu thực hiện điều chỉnh giá 1887 dịch vụ y tế đối với những bệnh nhân có thẻ BHYT...

Trong những ngày đầu thực hiện điều chỉnh giá 1887 dịch vụ y tế đối với những bệnh nhân có thẻ BHYT, mặc dù chưa tiếp nhận được phản ứng bức xúc của người dân nhưng nhiều bệnh viện (BV) đang phải cố gắng giải quyết khối lượng công việc khổng lồ và tháo gỡ một số bất cập phát sinh.

Tháo gỡ khó khăn

Tại BV Bạch Mai, chúng tôi đã thấy bảng giá dịch vụ y tế mới được niêm yết ngay sát bảng giá cũ để bệnh nhân tiện theo dõi, giám sát (được biết BV đã nêm yết bảng giá mới ngay từ đầu giờ sáng ngày 1/1). Nếu như bảng giá cũ của BV này chỉ có gần 874 dịch vụ y tế thì nay đã được chia nhỏ thành 1.887 dịch vụ. Việc Bộ Y tế chia các nhóm dịch vụ thành những dịch vụ nhỏ sẽ giúp việc tính giá được chính xác hơn và giám sát được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, việc tăng giá lần này chỉ áp dụng đối với người có thẻ BHYT nên mỗi BV hiện có 2-3 bảng giá khác nhau cho cùng một loại dịch vụ. Tại BV Chợ Rẫy, PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc BV cho biết, qua hai ngày áp dụng giá viện phí mới, có thể thấy điểm thuận lợi là nhờ tuyên truyền sâu, rộng và đầy đủ nên người bệnh đã nắm bắt được thông tin và vì thế việc tăng giá viện phí theo Thông tư 37 đã không có phản ứng từ phía người bệnh. Bên cạnh đó, trước khi áp dụng Thông tư 37, BV Chợ Rẫy đã chuẩn bị chu đáo như lập bộ phận để giải quyết các vấn đề liên quan. Phong cách thái độ, giao tiếp đối với bệnh nhân và thân nhân cũng được các y, bác sĩ đặc biệt lưu ý. Người bệnh được hướng dẫn tận tình, bác sĩ tư vấn chu đáo và giải thích rõ ràng về viện phí. BV có bảng điện tử và nhân viên hướng dẫn cho bệnh nhân khi tới khám bệnh.

 

BS. Lê Quang Thanh - Giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ TP.HCM cho biết, trước khi tăng viện phí theo quy định, BV Từ Dũ đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đối với những khoa thường bị quá tải vào mỗi buổi sáng như Khoa Cấp cứu, Khoa Sản A, Khoa Sinh đã được giải quyết rốt ráo giúp giảm tải. Song song đó, vấn đề cải cách hành chính cũng được cải thiện nên đã giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh. Hiện BV đã giảm được 1/3 thời gian chờ đợi so với trước.

Bên cạnh đó, qua tìm hiểu thực tế, nhiều BV cho biết cũng có một số khó khăn trong thời gian đầu tăng viện phí. Cụ thể, do thời gian ngắn nên việc triển khai phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin để điều chỉnh giá viện phí mới còn gặp khó khăn. Một khó khăn nữa là có nhiều danh mục kỹ thuật của Thông tư 37 không tương đương với Thông tư 43 và Thông tư 50. Những danh mục kỹ thuật không tương đương sẽ không được BHYT thanh toán nên cần phải thỏa thuận với BHYT để sớm có thay đổi phù hợp.

Về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, bảng danh mục tương đương của Bộ sẽ ban hành nhiều đợt vì có rất nhiều kỹ thuật cần phải thẩm định. Phía BHXH Việt Nam cho biết, đối với các cơ sở khám, chữa bệnh chưa được phê duyệt danh mục dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư số 43 thì các dịch vụ có tên trùng khớp với tên trong Thông tư 43 được áp dụng theo giá dịch vụ mới. Các dịch vụ có tên khác với Thông tư 43 sẽ tạm thời thực hiện theo giá hiện hành cho đến khi cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư 43.

Đối tượng hưởng lợi khi giá dịch vụ y tế điều chỉnh?

Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, BV là nơi hưởng lợi hoặc bảo hiểm y tế là nơi hưởng lợi khi giá dịch vụ y tế tăng cao từ ngày 1/3/2016. Tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy, đa số các nhà hoạch định chính sách và những người đứng đầu các BV, BV đặc biệt đều khẳng định: Người dân được hưởng lợi nhiều nhất khi giá dịch vụ y tế điều chỉnh. Tuy nhiên, lãnh đạo các BV cũng cho rằng, bản thân các BV cũng cần phải đổi mới để “níu” bệnh nhân.

Trao đổi với báo chí sau khi áp dụng viện phí mới, Phó Giám đốc BV Việt Đức Nguyễn Thị Bích Hường cho biết, đối với bệnh nhân BHYT, nhiều chi phí trước đây không có trong cơ cấu giá, bệnh nhân phải mua thì mức viện phí mới đã tính các chi phí này, giảm tối đa vật tư và dịch vụ phải trả thêm. “Cách tính viện phí mới cũng đồng nghĩa với ngân sách cho BV được cấp theo kiểu mới. Trước đây ngân sách cấp cho BV theo số lượng giường bệnh, không có bệnh nhân vẫn được cấp ngần ấy tiền. Giờ ngân sách được chi trả qua dịch vụ y tế, không có bệnh nhân tức là không có tiền trả lương. Rất nhiều BV phải thay đổi về quan điểm và chiến lược, chỉ có chất lượng mới có bệnh nhân” - bà Hường nói.

Đồng quan điểm này, TS. Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Bạch Mai cho hay, giá dịch vụ y tế điều chỉnh là để giúp BV có thêm khoản kinh phí phục vụ cho bệnh nhân như đầu tư thêm các trang thiết bị hiện đại, phòng chống nhiễm khuẩn BV, đào tạo nâng cao chuyên môn cho các y, bác sĩ... Như vậy, bệnh nhân là người được hưởng lợi nhiều nhất từ việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế (Sức khỏe & Đời sống trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang