Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 04/3/2021

  • |
T5g.org.vn - Bệnh nhi ghép tim nhỏ tuổi nhất Việt Nam ra viện; Nguy cơ lây lan dịch bệnh từ chợ dân sinh; Tăng cường phòng chống dịch, nâng cao chất lượng dạy và học…

 

Nghĩa cử cao đẹp đầu Xuân

Sau Tết Nguyên đán và do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, hoạt động tiếp nhận và cung cấp máu cho các cơ sở y tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều bệnh viện liên tục rơi vào tình trạng thiếu máu. Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư (Bộ Y tế) gấp rút kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu, tiểu cầu để cấp cứu, điều trị cho người bệnh.

Sự kiện chạy bộ mang tên “Run for Blood” vừa đồng loạt diễn ra sáng chủ nhật (28-2) tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh do Cộng đồng “Chạy vì mình” tổ chức nhằm huy động được lượng máu bù vào kho máu đang thiếu hụt sau Tết vừa qua. Tại Hà Nội, sự kiện diễn ra từ 6 giờ và kéo dài trong cả buổi sáng, được chia thành nhiều khung giờ khác nhau để hạn chế tập trung đông người. Người tham dự sẽ chạy bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm hoặc các địa điểm khác nhau, sau đó di chuyển tới địa điểm cố định để tham gia hiến máu. Theo anh Phạm Duy Cường, người sáng lập và quản trị Cộng đồng “Chạy vì mình” với hơn 33 nghìn thành viên tham gia cho biết: Hiến máu nhân đạo, là một việc làm tốt và người hiến máu nhân đạo là người tốt. Chạy bộ, không chỉ là tinh thần tập luyện vì sức khỏe của bản thân, mà còn mang lại những giá trị khác cho cộng đồng. Do vậy, sự kiện “Run for Blood” đã nhận được sự hưởng ứng của hơn 500 thành viên, các đơn vị máu tiếp nhận được dịp này sẽ được chuyển đến Viện Huyết học - Truyền  máu T.Ư để cứu người bệnh…

Không chỉ cộng đồng “Chạy vì mình” tổ chức các hoạt động hiến máu tình nguyện, những ngày qua, hưởng ứng lời kêu của Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, đông đảo người dân, từ lực lượng đoàn viên, thanh niên đến các y sĩ, bác sĩ, lực lượng vũ trang, cán bộ, công nhân, viên chức… trên địa bàn TP Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước tích cực tham gia các hoạt động hiến máu tình nguyện. Lần đầu tiên tham gia hiến máu tình nguyện, bà Đỗ Thị Thu Loan (Hà Nội) chia sẻ: Khi được chứng kiến không khí sôi động, tràn đầy năng lượng của hàng trăm người đang thực hiện nghĩa cử cao đẹp, bản thân tôi cảm thấy như trẻ lại gần chục tuổi. Thông qua các phương tiện thông tin, được biết Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư  kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe đi hiến máu, cho nên tôi quyết định cùng chồng đi hiến máu ngay. Hiến máu, là việc làm mang tính nhân văn cao cả và tôi muốn chia sẻ những giọt máu quý giá từ cơ thể mình đến với những người bệnh. Hy vọng, bằng việc làm nhỏ bé của tôi sẽ giúp những người bệnh mà mình không hề quen biết được chữa khỏi bệnh, sớm mạnh khỏe để trở lại bên gia đình và người thân. Bác Loan cũng mong mọi người dân hãy tích cực tham gia hiến máu tình nguyện, để các cơ sở y tế luôn có đủ nguồn máu dự trữ phục vụ kịp thời chữa bệnh cho người dân, tránh tình trạng thiếu hụt nguồn máu như thời gian qua.

TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Huyết học - Truyền máu T.Ư cho biết, cứ vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, lại xảy ra tình trạng khan hiếm máu do nghỉ Tết kéo dài. Trong khi đó, máu là chế phẩm sinh học tuy được dự trữ nhưng có thời hạn sử dụng ngắn và rất nhiều người bệnh vẫn cần truyền máu trong dịp Tết. Ngoài ra, năm nay, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp từ trước Tết đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động tiếp nhận và cung cấp máu trong cấp cứu, điều trị bệnh. Đã có hơn 50 lịch hiến máu dự kiến tiếp nhận trong tháng 2 và đầu tháng 3-2021 bị hoãn, dẫn đến hơn 13 nghìn đơn vị máu không thể tiếp nhận được. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì lượng máu dự trữ sẽ giảm đến ngưỡng báo động; rơi vào tình trạng khan hiếm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc cung cấp máu cho các cơ sở y tế.

Trước tình trạng nêu trên, trong tháng 2-2021, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư đã hai lần phải phát đi lời kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu (đặc biệt là nhóm O, A) và hiến tiểu cầu. Đồng thời, huy động hàng trăm cán bộ, nhân viên hiến máu cả trong và sau Tết để “cứu” kho máu khỏi nguy cơ khan hiếm. Sau khi phát đi lời kêu gọi trong một thời gian ngắn, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư đã tiếp nhận được 19.802 đơn vị máu, trong đó có những ngày tiếp nhận được hơn 1.200 đơn vị máu. Nhờ lượng máu tiếp nhận được, Viện đã cung cấp 40.000 đơn vị chế phẩm máu (trong đó có 20.700 đơn vị khối hồng cầu) tới 132 bệnh viện tại 23 tỉnh, thành phố, thông qua những chuyến xe “chở theo hy vọng” đã lên đường đến các tỉnh miền núi phía bắc như: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu… và cả “tâm dịch” tại tỉnh Hải Dương để kịp thời cứu chữa người bệnh. Đây thật sự là món quà, nghĩa cử cao đẹp của những người khỏe mạnh dành cho những người cần máu đầu Xuân này.

Để tiếp tục khắc phục tình trạng thiếu nguồn máu phục vụ cấp cứu, điều trị cho người bệnh, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư tiếp tục phối hợp Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP Hà Nội và Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội tổ chức Lễ hội Xuân hồng lần thứ 14 - năm 2021, có chủ đề “Hiến máu an toàn - Đừng ngại Covid” diễn ra từ ngày 1 đến 7-3. Ban tổ chức đã chuẩn bị chu đáo để đón tiếp những người tình nguyện đến tham gia hiến máu bảo đảm quy định, quy trình về phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Lễ hội Xuân hồng năm 2021, dự kiến tiếp nhận hơn 4.000 đơn vị máu sẽ bổ sung kịp thời vào ngân hàng máu để cung cấp cho gần 180 bệnh viện, cơ sở y tế trong khu vực phía bắc.

Với tinh thần đoàn kết, nhân văn, sự chia sẻ yêu thương của cộng đồng đối với người bệnh thông qua hoạt động hiến máu sẽ là liều “vắc-xin” quý giá để đẩy lùi Covid-19, cũng như mang lại những cảm xúc tốt đẹp đối với mỗi người khi tham gia Lễ hội Xuân hồng. Đồng thời, thay đổi quan niệm của cộng đồng về hiến máu tình nguyện, nhất là hình thành nét đẹp hiến máu đầu Xuân của mỗi người dân sinh sống, học tập trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và người dân trên cả nước… (Nhân dân, trang 5)

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 1: “Nhiều tấm lòng nhân ái vì người bệnh cần máu”; Nông thôn ngày nay, trang 3: “Tiếp nhận 14.000 đơn vị máu trong 2 tuần sau Tết”; Hà Nội mới, trang 3: “Sau 2 ngày, lễ hội Xuân hồng – 2021 thu về 3.600 đơn vị máu”.

 

Nguy cơ lây lan dịch bệnh từ chợ dân sinh

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc thực hiện các biện pháp phòng, chống lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là rất quan trọng. Tuy nhiên, tại một số khu chợ dân sinh của TP Hà Nội, ngoài một vài nơi thực hiện nghiêm các quy định, thì không ít người còn khá thờ ơ trong công tác phòng, chống dịch.

Hiện Hà Nội có gần 10 chợ đầu mối lớn nhỏ, và hàng trăm chợ dân sinh cung cấp nguồn thực phẩm cho người dân thủ đô. Song, đây cũng là nơi tập trung hàng hóa và các tiểu thương từ nhiều địa phương, cho nên nguy cơ lây nhiễm và phát tán dịch bệnh ra cộng đồng là rất lớn. Theo khảo sát, mặc dù trong những ngày qua, dịch Covid-19  chưa được kiểm soát hoàn toàn nhưng việc thực hiện phòng, chống dịch đối với người bán hàng, người dân đi mua sắm tại chợ dân sinh vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là.

Tại các chợ Nghĩa Tân, Đồng Xa… (quận Cầu Giấy, Hà Nội), ở cổng chính, nhân viên Ban Quản lý chợ liên tục nhắc khách dùng dung dịch sát khuẩn tay khi ra, vào chợ, đo thân nhiệt cho khách… nhưng công tác phòng, chống dịch ở các quầy hàng phía ngoài chợ lại bị buông lỏng. Tại các quầy bán rau, củ, quả, quầy hàng thực phẩm tươi sống, người dân vẫn có tâm lý chủ quan. Trong khi người mua đứng sát nhau, thì người bán thỉnh thoảng lại kéo khẩu trang xuống bên dưới cằm để trao đổi với khách.

Ngoài các chợ dân sinh tại các khu chợ đầu mối lớn nhất của Hà Nội gồm chợ Long Biên, chợ cá Yên Sở, chợ nông sản Văn Quán, chợ đầu mối Minh Khai, chợ Đồng Xuân, chợ hoa Quảng Bá, công tác phòng, chống dịch bệnh  cũng chưa được triển khai thường xuyên… Tại các điểm ra vào chợ, mặc dù đã có thông báo yêu cầu hộ kinh doanh, người dân đeo khẩu trang khi ra vào chợ, thế nhưng lại không có lực lượng chốt trực, tuần tra nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch. Do vậy, vẫn còn rất nhiều người kinh doanh, người mua hàng không đeo khẩu trang, hoặc có đeo nhưng không che mũi, miệng. 

 Trong bối cảnh dịch Covid-19 có nguy cơ lây lan rộng, chợ là một trong những nơi có nguy cơ rất cao. Do đó, chính quyền các cấp, đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn cần thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý nghiêm các trường hợp tiểu thương, khách mua vi phạm và ngay cả với những tập thể, cá nhân thuộc các đơn vị quản lý không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. (Nhân dân, trang 4)

 

Vẫn phải luôn cảnh giác

Sau hơn một tháng tập trung cao độ, với sự tham gia của nhiều lực lượng, đợt dịch Covid-19 thứ ba tại 13 tỉnh, thành phố cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình thực tế cho thấy, các địa phương vẫn luôn phải cảnh giác, chuẩn bị các phương án, sẵn sàng ứng phó tình huống khi có ca bệnh Covid-19 mới xuất hiện. Có như vậy, chúng ta mới đạt được mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Tín hiệu tích cực…

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh trên cả nước cơ bản được kiểm soát tốt. Đến nay tại 10 tỉnh, thành phố đã qua gần 20 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng (Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh). Hà Nội cũng có 16 ngày không có ca bệnh mắc mới tại cộng đồng; Hải Phòng là gần 10 ngày không có ca bệnh mắc mới tại cộng đồng.

Trong đợt dịch Covid-19 thứ ba này, tỉnh Hải Dương là tâm dịch với 689 ca trong tổng số 873 ca mắc Covid-19 ở 13 tỉnh, thành phố. Đây cũng là địa phương duy nhất phải cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 ngày 30-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Kết thúc 15 ngày thực hiện cách ly xã hội, từ 0 giờ ngày 3-3, lệnh phong tỏa đã được gỡ bỏ đối với TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng. Toàn tỉnh Hải Dương chuyển sang trạng thái mới về phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, tại TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn, huyện Cẩm Giàng và huyện Kim Thành cơ bản thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 cho tới ngày 17-3; tám đơn vị cấp huyện còn lại: Bình Giang, Thanh Hà, Ninh Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Nam Sách, Thanh Miện và TP Chí Linh cơ bản thực hiện theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ cho tới khi dập dịch hoàn toàn. Từ ngày 3-3, tỉnh Hải Dương chuyển sang trạng thái mới, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội.

Kết quả phân tích của Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) cho thấy, với ổ dịch Đà Nẵng (tháng 7-2020) phải mất 11 ngày thì ổ dịch tại Hải Dương (tháng 1-2021) chỉ cần sau ba ngày đã đuổi kịp dịch. Ổ dịch ở Hải Dương diễn ra trong 30 ngày với 645 ca mắc Covid-19, liên quan đến 13 tỉnh, thành phố; ổ dịch tại Đà Nẵng, sau 36 ngày không có thêm ca mắc mới trong cộng đồng, ghi nhận 389 ca mắc Covid-19, liên quan đến 15 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, dịch bệnh ở Hải Dương xảy ra tại những cụm công nghiệp có số lượng công nhân rất lớn. Biến chủng vi-rút SARS-CoV-2 tại Hải Dương có khả năng lây lan nhanh hơn vi-rút gây dịch bệnh tại Đà Nẵng. PGS, TS Trần Đắc Phu nhận định có nhiều nguyên nhân gây nên đợt dịch vừa qua nhưng có điều trùng hợp là các biến thể vi-rút đều từ bên ngoài xâm nhập vào và có phần trùng với khoảng thời gian nhiều chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc, cách ly ngắn hạn.

… nhưng không chủ quan

Dịch được kiểm soát, các địa phương từng bước nới lỏng các quy định về phòng, chống dịch để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, phải luôn cảnh giác vì không ai có thể chắc chắn ở Việt Nam không có mầm bệnh, thậm chí ổ dịch tiềm tàng trong cộng đồng. Chúng ta cảnh giác nhưng không run sợ vì đã quen với “kẻ địch Covid-19”. Các bộ, ngành, địa phương kiên trì chiến lược chống dịch duy trì từ ngày đầu, đó là: Ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch; điều trị hiệu quả, nhưng cũng vận dụng linh hoạt, sáng tạo, trên hết là sự ủng hộ của toàn thể nhân dân. Qua mỗi đợt dịch, các chuyên gia kiến nghị phải khẩn trương đúc rút kinh nghiệm để bổ sung cách thức phòng, chống dịch tốt hơn. Như đợt dịch ở Đà Nẵng ghi nhận ca bệnh trong bệnh viện trở thành kinh nghiệm để Hải Phòng có thể xử lý triệt để ca bệnh nhiễm được phát hiện trong bệnh viện. Tương tự, dịch bệnh xảy ra trong các khu công nghiệp ở Hải Dương là kinh nghiệm lớn để đúc rút lại, bổ sung các hướng dẫn, đặc biệt liên quan đến việc cách ly hàng nghìn người khi có dịch bệnh… Những bài học trong các đợt chống dịch vừa qua cho thấy chúng ta phải kiên trì và tiếp tục hoàn thiện chiến lược này. Trong mọi trường hợp, cố gắng phát hiện nhanh nhất, theo các bước truy vết thần tốc, truy đến đâu khoanh đến đó.

Đáng chú ý, nhằm chủ động bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, Chính phủ đã ban hành riêng một nghị quyết về mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19. Theo đó sẽ mua khoảng 150 triệu liều vắc-xin để tiêm miễn phí cho người dân. Hiện Bộ Y tế cũng đang tích cực thực hiện nhập khẩu và công tác chuẩn bị để triển khai tiêm vắc-xin trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khuyến cáo, có vắc- xin nhưng không được chủ quan. Vì sau khi tiêm, vắc-xin chưa thể sinh kháng thể chống lại vi-rút ngay; mặt khác do nhiều yếu tố chưa thể tiêm vắc-xin cho tất cả người dân… Do vậy cần thực hiện vắc-xin +5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) và các biện pháp chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tại tâm dịch Hải Dương, lãnh đạo địa phương cũng đã yêu cầu mỗi huyện, thị xã, thành phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… phải xây dựng, hoàn thiện một kế hoạch tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19. Mỗi địa bàn, phải có kịch bản xử lý các tình huống cụ thể, đi đôi với bảo đảm  nguồn nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất, phân công cụ thể theo phương châm “5 rõ” (rõ việc, rõ người, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm) dựa trên việc tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm từ đợt chống dịch vừa qua. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… phải chịu trách nhiệm về toàn bộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương, đơn vị mình. Tiếp tục “thần tốc” thực hiện các biện pháp giám sát phát hiện nhanh các ca nhiễm SARS-CoV-2, tiến hành khoanh vùng, truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức điều trị hiệu quả, dập dịch dứt điểm, không để dịch có cơ hội lây lan với phương châm “dập dịch ngay từ đốm lửa nhỏ, không để lan thành ngọn lửa lớn”. Vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, mỗi người dân “biết sợ dịch bệnh, nhưng không hoảng sợ” chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng… (Nhân dân, trang 5)

 

Tăng cường phòng chống dịch, nâng cao chất lượng dạy và học

Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán và học online để phòng, chống dịch Covid-19, hiện nay, phần lớn học sinh mầm non, phổ thông ở các tỉnh, thành phố đã quay trở lại trường học. Vì vậy, vấn đề đặt ra cần có giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh cũng như các điều kiện dạy học, củng cố kiến thức theo chương trình giáo dục.

Đợt dịch vừa qua, cả nước ghi nhận một số học sinh, giáo viên mắc Covid-19, kéo theo đó là nhiều người phải cách ly. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều địa phương đã buộc phải cho học sinh nghỉ học, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giáo dục. Trong thời gian nghỉ học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng nội dung bài học dạy trực tuyến phù hợp đối tượng học sinh. Hiện nay, học sinh đã đi học trở lại, các cơ sở giáo dục thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ, vừa tăng cường dạy học, củng cố kiến thức cho người học vừa kích hoạt lại hệ thống phòng, chống dịch. Ngành giáo dục đã triển khai hướng dẫn học sinh, giáo viên khai báo y tế theo đúng quy định. Các cơ sở giáo dục chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế như: hệ thống cấp nước sạch, xà-phòng, nước sát khuẩn, khẩu trang, nhiệt kế điện tử đo thân nhiệt. Việc đo thân nhiệt, đeo khẩu trang đối với học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên được thực hiện trước khi vào trường. Trong thời gian này, các cơ sở giáo dục không tổ chức hoạt động tập trung đông người, tạm dừng việc tham quan, ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo cho học sinh…

Ngoài công tác phòng, chống dịch, việc tổ chức dạy, học, nhất là học sinh mầm non, đầu cấp tiểu học, học sinh cuối cấp sẽ gặp khó khăn trong bảo đảm các kiến thức, kỹ năng. Vì vậy, để việc dạy và học đi vào nền nếp, với cấp học mầm non, cần rà soát các điều kiện tổ chức hoạt động, thống nhất đến cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh nắm vững để cùng thực hiện. Đối với giáo dục phổ thông, bên cạnh việc thực hiện dạy và học bài mới theo kế hoạch nhà trường cần tổ chức cho học sinh ôn tập, củng cố kiến thức đã học bằng hình thức trực tuyến; thực hiện việc kiểm tra định kỳ và kiểm tra học kỳ theo quy định. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, quan tâm tới các đối tượng học sinh có học lực yếu. Tập trung chỉ đạo, đưa ra các giải pháp phù hợp để hướng dẫn học sinh tự học, tự ôn tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy bù để củng cố kiến thức cho học sinh một cách phù hợp, tránh tình trạng tạo áp lực, tâm lý không tốt đối với người học. Đáng chú ý, bên cạnh việc bảo đảm thực hiện chương trình và hoàn thành chương trình các môn học theo thời gian quy định, các cơ sở giáo dục cần quan tâm tổ chức dạy học cho học sinh lớp 9, lớp 12 tiếp thu đầy đủ kiến thức, chuẩn bị tốt nhất cho các kỳ thi. Những địa phương, cơ sở giáo dục chưa cho học sinh trở lại trường học, tiếp tục triển khai hình thức dạy học trực tuyến, dạy học từ xa phù hợp và hiệu quả.

Có thể nói, mặc dù tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, các phương án bảo đảm an toàn cho thầy, trò cũng như việc bảo đảm nội dung chương trình dạy học được toàn ngành giáo dục chuẩn bị, triển khai chu đáo. Tuy nhiên, để các giải pháp đạt hiệu quả, cần sự ý thức, nỗ lực của cả xã hội cũng như mỗi người dân, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh. Đồng thời, mỗi giáo viên cần đổi mới phương pháp, tạo hứng thú để các giờ học bảo đảm kiến thức, kỹ năng cho học sinh, nâng cao hiệu quả dạy và học. (Nhân dân, trang 1)

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 5: “Đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống dịch Covid-19 tại cổng trường học”

 

Thêm năm ca mắc covid-19 là F1 tại Hải Dương

Chiều 3-3, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, Việt Nam ghi nhận thêm bảy ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có năm ca tại Hải Dương và hai ca nhập cảnh.

Tỉnh Hải Dương ghi nhận năm ca bệnh, bao gồm: Một ca tại thành phố Chí Linh là F1 của BN1632; đã được cách ly tập trung từ ngày 28-1 (Ca bệnh BN2478); Ba ca tại huyện Kim Thành (Ca bệnh BN2479-2481) đều là các F1, đã được cách ly tập trung từ ngày 28-2.

Hiện cả bốn bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 3 - Đại học Sao Đỏ cơ sở 2.

Một ca tại thành phố Hải Dương là F1 của BN2210; đã được cách ly tập trung từ ngày 14-2 (Ca bệnh BN2482). Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 – Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Kiên Giang ghi nhận hai ca nhập cảnh được cách ly tập trung gồm: BN2476: nữ, 23 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại phường 12, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh; BN2477: nữ, 23 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại phường 6, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.

BN2476-2477 từ nước ngoài nhập cảnh cửa khẩu quốc tế Hà Tiên ngày 28-2, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Kiên Giang. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 2-3 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 1.566 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-1 đến nay là 873 ca.

10 tỉnh, thành phố đã qua 18 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng gồm Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh. Hà Nội đã qua 15 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Trong số các ca đang điều trị tại các cơ sở y tế, hiện có 66 ca âm tính lần 1, 37 ca âm tính lần 2 và 113 ca âm tính lần 3 với SARS-CoV-2. (Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 2: “Thêm 7 ca mắc mới Covid-19”

 

Nâng cấp 'vòng 1', từ chết đến bị thương

Muốn cải thiện “vòng 1” cho thêm phần đầy đặn, hấp dẫn, nhiều phụ nữ thi nhau “mông má, nâng cấp” ở những cơ sở làm đẹp giá rẻ, spa không giấy phép. Kết quả ôm hận suốt đời, thậm chí trả giá bằng tính mạng.

Ngoài 40 tuổi, chị T.T.N (ngụ tại Kiên Giang) luôn tự ti về ngoại hình sau 3 lần sinh nở, đặc biệt là vòng một chảy xệ. “Lướt mạng, tôi thấy một spa làm đẹp ở quận 6 (TPHCM) đang có chương trình giảm giá tết “siêu hời”, chỉ 50 triệu đồng để sở hữu bộ ngực hoàn hảo. Với mong muốn thay đổi dáng ngực, tìm lại vẻ đẹp thời con gái. Tôi đã gật đầu đồng ý” - chị N. nhớ lại.

Theo lời chị N, cơ sở này còn cho người ra tận sân bay đưa đón nên chị thêm tin tưởng. Tuy nhiên, khi đến nơi, thấy phòng phẫu thuật là căn phòng bé xíu. Nơi đây có duy nhất một hệ thống máy thở oxy thô sơ, không đầy đủ vật dụng y tế, phòng không vô trùng… Đo huyết áp qua loa, nhân viên bắt tay vào “mổ” ngay lập tức. “ Vì đã lỡ đóng một số tiền lớn và không thể lấy lại nên tôi tặc lưỡi nghĩ “chắc không sao, nhiều người trước vẫn ổn đấy thôi”…” - chị N. nhớ lại.

Sau một ngày phẫu thuật, ngực chị N. bắt đầu đau nhức âm ỉ liên tục. Cơn đau lan rộng khắp cả bầu ngực, kéo đến cả hai vai. Liên hệ với chủ spa thì được trấn an do mới phẫu thuật nên triệu chứng đó là bình thường. Từ vết mổ, dịch vàng liên tục chảy, sau đó bầu ngực phải thủng một lỗ sâu hoắm. Chị N đến bệnh viện (BV), bác sĩ phát hiện bên trong bầu ngực có cả gạc y tế bị “bỏ quên” khiến chị N. muốn ngất xỉu.

Trước đó, Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) cũng đã điều trị cho chị N.N.H. (34 tuổi, ngụ tại TPHCM) trong tình trạng biến dạng ngực trái. Chị H. phẫu thuật nâng ngực vào đầu tháng 2/2020 tại một cơ sở thẩm mỹ do người quen giới thiệu. Ngay sau phẫu thuật, chị thấy khó chịu, sưng đau nhiều vùng ngực trái. Khi trao đổi với người thực hiện, người này cho biết hiện tượng sưng đau không đáng lo ngại, chỉ vài ngày sẽ hết. Đến BV mới biết túi ngực bị vỡ bởi vật liệu được độn là hàng… dỏm, không được Bộ Y tế cho phép sử dụng.

Tâm lý làm đẹp nhưng sợ mổ xẻ, không ít chị em lại dùng phương pháp tiêm silicon, chích filler (chất làm đầy). Sau khi được bác sĩ cứu nguy vùng ngực bị thủng lỗ, vùng da ngực hoại tử nham nhở, chị N.T.T.H (40 tuổi, ngụ tại TPHCM) thừa nhận đã nhiều lần tiêm silicon ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, vì tiêm silicon quá nhiều và mũi tiêm quá sâu, nên đã chọc thẳng vào cả mô tuyến và cơ ngực. Hậu quả là tạo thành các khối u xơ cứng và các khối áp-xe quá to đã phá hủy thành ngực, các mô mềm tạo thành “lỗ rò lớn ngoài da”. Để “cứu ngực”, bác sĩ phải nạo vét các khối silicon đóng vón cục trong nhiều giờ liền, cắt lọc mô hoại tử, tạo hình khép lỗ thủng…

Mới đây, BS CK2 Hoàng Ngọc Ánh, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc BV Thống Nhất thông tin, một nữ bệnh nhân (32 tuổi, ngụ TPHCM) tử vong bất thường chưa rõ nguyên nhân. Trước khi nhập viện, người này có tiêm filler nâng ngực. Sau tiêm xong khoảng 3-4 ngày, bệnh nhân thấy mệt, khó thở. Tại BV, bệnh nhân được cho chụp phim phổi thấy có tổn thương nên chẩn đoán viêm phổi cộng đồng, lúc này bệnh nhân khó thở.

Kinh hoàng “lò mổ” không phép

Ngày 2/3, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã phối hợp với Phòng An ninh Chính trị nội bộ - Công an TPHCM (PA03), Phòng Y tế quận, UBND và Công an P.10, quận 6 tiến hành kiểm tra đột xuất tại địa chỉ số 45T Cư xá Phú Lâm D (P.10, Q.6) - nơi nâng ngực “bỏ quên gạc” cho chị N.

Cơ sở này không xuất trình được bất cứ giấy tờ hành nghề với cơ quan chức năng. Các vật chứng tại cơ sở “không biển hiệu này” như: Phòng phẫu thuật có chứa dụng cụ phẫu thuật, vật tư y tế, đèn phẫu thuật, giường mổ, máy hút dịch, máy đốt điện, trưng bày các sản phẩm làm đầy, túi nâng ngực, thuốc chữa bệnh, bảng giá dịch vụ thẩm mỹ mũi, thẩm mỹ vùng kín, thẩm mỹ vóc dáng... và các phiếu thu tiền dịch vụ cho thấy đây là một cơ sở hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ.

BS CK2 Vũ Hữu Thịnh, Phó trưởng Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ BV ĐHYD TPHCM cho biết, Khoa đã tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng do nâng ngực tại các cơ sở thẩm mỹ không đảm bảo chất lượng. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ quan niệm sai lầm của chị em phụ nữ khi cho rằng phẫu thuật nâng ngực khá đơn giản, không có nhiều rủi ro. Vì vậy, không ít người tìm đến các dịch vụ làm đẹp vùng ngực giá rẻ, do người quen giới thiệu mà không tìm hiểu về uy tín của cơ sở thẩm mỹ hay trình độ chuyên môn của người thực hiện.

Trao đổi với PV báo Tiền Phong, đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết, vừa yêu cầu các BV công lập và cả tư nhân, khi tiếp nhận bệnh nhân có dấu hiệu nghi bị biến chứng do một cơ sở trước đó thực hiện, phải báo ngay cho Thanh tra Sở Y tế và các phòng chức năng có liên quan để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời, người dân khi phát hiện hoặc nghi ngờ một cơ sở nào đó hành nghề y tế không đúng theo quy định, cần thông báo cho Sở Y tế để xử lý. (Tiền phong, trang 4)

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 13: “Phun xăm thẩm mỹ tại nhà: Nhiều nguy cơ tiềm ẩn”

 

Cảnh giác cúm A/H5N8 lây sang người

Ngày 3.3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) tại Việt Nam đã kêu gọi Chính phủ Việt Nam và cộng đồng cảnh giác với khả năng lây nhiễm cúm A/H5N8 (cúm gia cầm) sang người, sau khi phát hiện 7 công nhân ở trang trại chăn nuôi gà ở Nga bị nhiễm vi rút cúm này.

Theo FAO và WHO, đây là báo cáo đầu tiên về sự lây nhiễm H5N8 từ gia cầm sang người mặc dù vi rút này đã lưu hành trên gia cầm và chim hoang dã từ năm 2016.

Đáng lưu ý, 7 ca mắc ở người đều không có triệu chứng. Chưa có bằng chứng nào về việc vi rút này gây bệnh nặng ở người hay lây truyền từ người sang người.

Tại Việt Nam, từ năm 2018, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã có chương trình giám sát, nhưng chưa từng phát hiện vi rút H5N8. Trong năm nay, Cục Thú y sẽ tăng cường xét nghiệm vi rút H5N8 trong chương trình giám sát cúm gia cầm quốc gia. (Thanh niên, trang 4)

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 1: “Các tổ chức quốc tế khuyến cáo Việt Nam cảnh giác cao với cúm A[H5N8]”

 

Quản lý chặt thực phẩm vì sức khỏe người dân

Ngày 3-3, đồng chí Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đã có buổi làm việc với Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM về nội dung triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2021.

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP, cho biết, trong suốt quá trình hoạt động của ban, các sở ngành đã có sự phối hợp chặt chẽ giúp cho ban thực hiện được những nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra và khẳng định sẽ hết sức trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ. Hiện ban cũng đã thanh tra, kiểm tra nhiều chuyên đề liên quan đến lĩnh vực dược, tập trung nhiều về khâu sản xuất, còn riêng khâu kinh doanh thì rất cần có sự phối hợp của Sở Y tế.

Bà Phong Lan dẫn chứng, trên thực tế với hơn 6.500 nhà thuốc tại TPHCM nhưng việc thanh tra cấp sở rất ít bởi vì các nhà thuốc là hộ kinh doanh cá thể, khi đoàn thanh tra tới họ đều trả lời quận huyện đã đến kiểm tra rồi.

“Ban cũng đang tổng hợp thành báo cáo để có một bức tranh tổng thể khẳng định việc quản lý thực phẩm chức năng (TPCN) tại TPHCM không thể làm nghiêm túc được khi chỉ có quận huyện vào cuộc. Trong khi đó, tình hình quảng cáo, giá cả, nguồn gốc còn rất nhiều vấn đề. Ban sẽ bàn tiếp với quận huyện và phối hợp với Sở Y tế để thực hiện triệt để vấn đề này”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, hiện việc sử dụng TPCN ngày càng phổ biến, rất nhiều loại thuốc biến thành TPCN. Quảng cáo đâu đâu cũng thấy TPCN thổi phồng công dụng, giá cả thì “trời ơi, đất hỡi”, chất lượng thì thả nổi…, vì vậy những gì thuộc quản lý, trách nhiệm của ban cần kịp thời quản lý vì sức khỏe của người tiêu dùng.

Đồng chí Dương Anh Đức cho biết đã đến lúc đưa vào lộ trình xây dựng đề án chính thức thành lập Sở ATTP hoặc Ban quản lý ATTP sau 2 năm thí điểm để không bị động… (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

 

Vụ “Miếng gạc y tế bị bỏ quên trong ngực hơn 1 tháng sau khi phẫu thuật thẩm mỹ”: Cơ sở thẩm mỹ nhiều sai phạm

Ngày 3-3, Sở Y tế TPHCM cho biết, ngày 2-3, ngay sau khi Báo SGGP đăng tải bài viết “Miếng gạc y tế bị bỏ quên trong ngực hơn 1 tháng sau khi phẫu thuật thẩm mỹ” phản ánh vụ việc  một nữ bệnh nhân bị thủng ngực với lỗ thủng sâu 5cm² trào dịch mủ, bên trong có một miếng gạc y tế bị bỏ quên đã bốc mùi.

Ngay lập tức, 16 giờ chiều cùng ngày, Thanh tra Sở Y tế phối hợp với Công an TPHCM (PA03), Phòng y tế quận 6, UBND và Công an phường 10, quận 6 tiến hành kiểm tra đột xuất địa chỉ số 45T Cư xá Phú Lâm D, phường 10, quận 6, TPHCM bắt quả tang và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật cơ sở thẩm mỹ này.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở không xuất trình được với đoàn kiểm tra Giấy đăng ký kinh doanh, Chứng chỉ hành nghề, Giấy phép hoạt động theo quy định. Các vật chứng tại cơ sở “không biển hiệu này” như: phòng phẫu thuật có chứa dụng cụ phẫu thuật, vật tư y tế, đèn phẫu thuật, giường mổ, máy hút dịch, máy đốt điện, trưng bày các sản phẩm làm đầy, túi nâng ngực, thuốc chữa bệnh, bảng giá dịch vụ thẩm mỹ mũi, thẩm mỹ vùng kín, thẩm mỹ vóc dáng... và các phiếu thu tiền dịch vụ cho thấy đây là một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ trá hình.

Thanh tra Sở Y tế sẽ tiếp tục làm rõ người thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ có phải là nhân viên y tế hay không, có nghiệp vụ chuyên môn để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Ngoài ra, tại thời điểm đoàn kiểm tra, còn phát hiện một bệnh nhân đang được truyền dịch và đặt sonde tiểu lưu, khả năng là vừa phẫu thuật vùng kín xong.

Đoàn kiểm tra niêm phong tạm giữ các trang thiết bị y tế, vật tư y tế, thuốc, dụng cụ phẫu thuật để làm căn cứ xử lý sau kiểm tra và yêu cầu cơ sở ngưng ngay việc thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ, các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực y tế khi chưa có hồ sơ pháp lý theo quy định.

Đoàn kiểm tra yêu cầu chủ cơ sở chuyển bệnh nhân đang được truyền dịch đến bệnh viện để được tiếp tục điều trị nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người bệnh. Bệnh nhân đã được Trung tâm cấp cứu 115 chuyển đến Bệnh viện Triều An để tiếp tục điều trị.

Thanh tra Sở Y tế giao Phòng y tế quận 6 phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương giám sát việc ngưng hoạt động tại địa chỉ trên. Thanh tra Sở Y tế tiếp tục làm rõ việc các cá nhân đã thực hiện dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở trên và xử lý nghiêm sai phạm theo đúng quy định của pháp luật. (Sài Gòn giải phóng, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Dừng hoạt động cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ trá hình bỏ quên gạc trong ngực bệnh nhân”; Tuổi trẻ, trang 14: “Đột kích cơ sở thẩm mỹ quên gạc trong ngực bệnh nhân”

 

Sẵn sàng triển khai tiêm phòng vaccine Covid-19

Về lộ trình tiêm vaccine, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, đến cuối tháng 4 sẽ có khoảng 1 triệu liều vaccine về Việt Nam. Bộ Y tế đã sẵn sàng tất cả khâu chuẩn bị triển khai việc tiêm phòng Covid-19.

Chiều tối 3-3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày cả nước có thêm 10 ca mắc Covid-19 (từ ca bệnh thứ 2.473 đến 2.482) trong đó có 5 ca ghi nhận tại Hải Dương và 5 ca là người nhập cảnh được cách ly ngay tại Kiên Giang và Bình Dương. Tính đến tối cùng ngày, Việt Nam đã có 1.566 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số ca mắc mới tính từ ngày 27-1 tới nay là 873 ca. 

Liên quan tới lô vaccine Covid-19 đầu tiên (117.600 liều) của AstraZeneca, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, cơ bản đã được thẩm định xong, chỉ còn phiếu kiểm định chất lượng của Hàn Quốc.

“Chúng tôi đang hối thúc phía Hàn Quốc chuyển kết quả kiểm định chất lượng lô vaccine này, hy vọng cuối tuần sau nhận được và sẽ triển khai ngay việc tiêm vaccine”, ông Trương Quốc Cường nêu rõ. Về lộ trình tiêm vaccine, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, đến cuối tháng 4 sẽ có khoảng 1 triệu liều vaccine về Việt Nam. Bộ Y tế đã sẵn sàng tất cả khâu chuẩn bị triển khai việc tiêm phòng Covid-19.

Ngày 3-3, bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, cho biết, đến thời điểm này, CDC Đà Nẵng đã lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho khoảng 6.700/7.000 cán bộ, nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch theo kế hoạch. Tất cả các mẫu đều có kết quả xét nghiệm âm tính.

* Kiểm soát chặt người nhập cảnh để phòng chống dịch

Cùng ngày, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết, tình hình dịch Covid-19 ở nước bạn Campuchia diễn biến phức tạp, trong khi đó có 2 tỉnh giáp ranh An Giang là Đồng Tháp và Kiên Giang đã xuất hiện ca dương tính virus SARS-CoV-2 (chủ yếu là người đi lao động ở Campuchia nhập cảnh về Việt Nam). Do đó, nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn nếu không tăng cường phòng chống, đề cao cảnh giác.

Theo đó, UBND tỉnh đề nghị các địa phương, các ban ngành tăng cường vận động để mọi người dân cùng nâng cao ý thức và phát động phong trào “toàn dân cùng chống dịch”. Các địa phương thành lập đội phòng chống dịch lưu động, rà soát những người lạ mặt đến địa bàn, kiên quyết xử phạt vi phạm quy định phòng chống dịch. UBND tỉnh cũng yêu cầu tạm dừng loại hình karaoke di động, loa kẹo kéo nhằm tránh việc tập trung đông người.

Ông Trần Hòa Hợp, Chủ tịch UBND huyện An Phú (An Giang), nhìn nhận, từ Tết Tân Sửu đến nay hầu như ngày nào cũng có trường hợp nhập cảnh trái phép. Mặc dù huyện tăng cường lực lượng chốt chặn, kiểm soát chặt biên giới nhưng số lượng người nhập cảnh trái phép vẫn phức tạp. Hiện huyện tập trung lực lượng kiểm soát khu vực biên giới xuyên suốt ngày đêm… Trong khi đó, chỉ riêng ngày 2-3, Bộ đội Biên phòng An Giang đã bàn giao 12 trường hợp nhập cảnh trái phép cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương đưa đi cách ly tập trung.

Chiều 3-3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Kiên Giang cho biết, vừa ghi nhận thêm 2 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, đều nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên vào ngày 27-2 và được cách ly ngay. Trước tình hình diễn biến dịch phức tạp, TP Hà Tiên duy trì 41 chốt chặn phòng chống dịch ở tuyến biên giới trên bộ và trên biển. Thống kê từ ngày 1-1 đến 1-3, TP Hà Tiên cách ly tập trung 2.270 người. Hiện còn cách ly tập trung 480 người.

Làm việc với TP Hà Tiên, ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, đề nghị TP Hà Tiên tiếp tục phát huy tinh thần phòng chống dịch quyết liệt hơn, không được chủ quan, lơ là. Phải xác định TP Hà Tiên ở trạng thái có dịch, rất nguy hiểm nếu không có biện pháp tốt, quyết tâm cao, dứt khoát không để lây lan ra cộng đồng; đặc biệt không để dịch lây lan trong lực lượng đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19.

Ngày 3-3, tại cửa khẩu quốc tế Thường Phước (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), đoàn công tác của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp trao tặng các vật dụng cần thiết cho các đơn vị tại Campuchia để phòng chống dịch Covid-19.

Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ các đơn vị ở tỉnh Prayveng, tỉnh Banteay Meanchey (Campuchia)… khoảng 100.000 khẩu trang y tế, 1.200 chai nước rửa tay sát khuẩn, nhiều dụng cụ phục vụ phòng chống dịch Covid-19… với kinh phí hơn 100 triệu đồng.  (Sài Gòn giải phóng, trang 9)

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Cố gắng tối đa để mọi người dân được tiêm vắc-xin COVID-19”; Gia đình & Xã hội, trang 2: “Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường: Sẽ ưu tiên tiêm vaccine cho người dân tỉnh Hải Dương”

 

Truy tìm đối tượng nhập cảnh trái phép trốn khỏi khu cách ly

Ngày 3/3, Công an huyện Châu Thành (Tây Ninh) cho biết, đang phối hợp cùng các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Tây Ninh truy tìm Nguyễn Văn Hoàng (SN 1971, ngụ ấp Đồng Kèn 2, xã Tân Thành, huyện Tân Châu) về hành vi trốn khỏi nơi cách ly phòng chống dịch COVID-19.

Theo cơ quan Công an, vào ngày 1/3, lực lượng phòng, chống dịch huyện Tân Châu phát hiện, bắt giữ một đối tượng nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam. Lực lượng chức năng đã kiểm tra y tế, lấy thông tin dịch tễ và đưa đi cách ly tại khu cách ly Trường Trung cấp Kỹ thuật, trên địa bàn huyện Châu Thành.

 Đến sáng 2/3, nhân viên y tế phát hiện đối tượng không có mặt trong khu cách ly này. (Công an Nhân dân, trang 5)

 

Vaccine COVID-19 phân phối minh bạch, kịp thời

Dự kiến, cuối tuần này hoặc tuần sau, Bộ Y tế sẽ tiến hành triển khai tiêm vaccine COVID-19. Theo Nghị quyết 21/NQ-CP quy định việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ thực hiện ưu tiên các tỉnh, thành phố có dịch bệnh và trong tỉnh, thành phố sẽ ưu tiên vùng có dịch bệnh.

Vaccine COVID-19 sẽ đảm bảo như vaccine trong chương trình tiêm chủng

PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) - cho biết: Về cơ bản việc tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ tiến tới Nhà nước đảm bảo người dân được tiêm miễn phí giống như tiêm chủng các vaccine phòng chống dịch bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bên cạnh đó vẫn có một phần nhỏ là vaccine dịch vụ dành cho những người có khả năng chi trả. Đây là sự kiện đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, qua đó mở ra cơ hội "phủ sóng" vaccine ngừa COVID-19 trong toàn dân.

Đến thời điểm này, việc phân phối, tiêm vaccine COVID-19 thực hiện theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về ưu tiên những đối tượng cần tiêm và đối tượng miễn phí. Ngoài đối tượng theo Nghị quyết 21/NQ-CP, việc tiêm sẽ thực hiện với các địa bàn ưu tiên. Cụ thể là ưu tiên các tỉnh, thành phố có dịch bệnh và trong tỉnh, thành phố sẽ ưu tiên vùng có dịch bệnh. Theo đó, sắp tới tỉnh Hải Dương sẽ là một trong những địa phương ưu tiên trước được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Cũng theo PGS-TS Trần Đắc Phu, vaccine COVID-19 là vaccine đầu tiên thực hiện tiêm có sự chỉ đạo của Chính phủ. Việc này nhằm đảm bảo việc tiêm vaccine được kiểm soát, điều hành đúng hướng. Tuy nhiên, bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và đây là tình huống khẩn cấp nên Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị để tiêm vaccine COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên, đối tượng nguy cơ theo đúng kế hoạch.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiện đang có 117.600 liều vaccine COVID-19, số lượng tương đối ít. Đến cuối tháng 4, tiếp tục có lô mới về nhiều hơn với hàng triệu liều, Bộ Y tế sẽ triển khai tiếp tục tiêm.

Ngoài ra, còn mấy triệu liều vaccine theo chương trình COVAX Facility, nên có vaccine đến đâu, Bộ Y tế sẽ triển khai tiêm đến đó.

"Trước hết, việc tiêm vaccine COVID-19 sẽ thực hiện tiêm cho các đối tượng ưu tiên, bên cạnh đó nghị quyết cũng có nội dung khuyến khích tổ chức, cá nhân có điều kiện tiêm tự nguyện nếu có nhu cầu. Theo đó, khi đủ vaccine sẽ mở rộng đối tượng tiêm vaccine khi có nhu cầu" - Thứ trưởng Trương Quốc Cường nói.

Có vaccine vẫn không chủ quan

PGS-TS Trần Đắc Phu cho biết thêm, về nhu cầu của người dân về vaccine COVID-19 còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước mắt, việc nhập khẩu vaccine COVID-19 chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi, dịch còn diễn biến phức tạp nên việc sản xuất vaccine trong nước vô cùng cần thiết để đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, nguyên tắc là dù vaccine nội hay ngoại, chúng ta đều phải có kế hoạch triển khai từng bước, chứ không phải có vaccine là chúng ta sẽ tiến hành tiêm đại trà ngay.

Trước mắt và quan trọng là chúng ta phải tiêm cho những đối tượng ưu tiên như: Nhân viên y tế, bộ đội biên phòng, người có nguy cơ cao, người trong khu cách ly, công an, tiếp đến là người già, người có bệnh nền... Sau đó, có đủ vaccine mới có thể tiêm đại trà. Với vaccine nhập khẩu, chúng ta cũng phải làm đúng các thủ tục, làm sao để an toàn, hiệu quả và có các kế hoạch triển khai cụ thể.

Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, dù Việt Nam sắp tới có vaccine nhưng các đơn vị, địa phương vẫn phải thực hiện các biện pháp chống dịch. Người dân không nên ỷ lại vào vaccine, xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan sẽ rất nguy hiểm. Người dân cần tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) do Bộ Y tế khuyến cáo. (Lao động, trang 3)

 

Bệnh nhi ghép tim nhỏ tuổi nhất Việt Nam ra viện

Ngày 3-3, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã cho bé L.X.H. (7 tuổi, Hà Nội), là bệnh nhi ghép tim nhỏ tuổi nhất ở Việt Nam được ghép tim từ người lớn, ra viện.

Trước đó, bệnh nhi L.X.H. (chỉ nặng 16kg) bị bệnh cơ tim giãn, suy tim giai đoạn cuối. Các xét nghiệm chỉ ra tình trạng suy tim nặng, phải dùng thuốc trợ tim liều cao liên tục. Thời gian gần đây, tình trạng bệnh ngày càng trở nặng, mọi phương pháp điều trị cho cháu gần như không hiệu quả.

Bệnh nhi chỉ có cơ hội sống nếu được ghép tim. May mắn, trong lúc sự sống chỉ tính bằng ngày, bệnh nhi được một nam thanh niên bị chết não do tai nạn giao thông hiến tạng. Ngày 1-2, các bác sĩ đã quyết định ghép tim cho cháu L.X.H. và ca phẫu thuật ghép tim đã thành công tốt đẹp. (Sài Gòn giải phóng, trang 9)

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Bệnh nhi ghép tim nhỏ tuổi nhất Việt Nam được ra viện”; Công an Nhân dân, trang 7: “Cháu bé ghép tim nhỏ tuổi nhất Việt Nam xuất viện”; An ninh Thủ đô, trang 2: “Bệnh nhi ghép tim nhỏ tuổi nhất Việt Nam được ra viện, xác lập kỳ tích mới”.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang