Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 4/4/2016

  • |
T5g.org.vn - Đánh giá của Đại biểu Quốc hội: Ngành y tế đã dũng cảm, dám nói và dám làm; Chăm sóc y tế người đồng tính và chuyển giới: Các rào cản cần tháo gỡ…

Đánh giá của Đại biểu Quốc hội: Ngành y tế đã dũng cảm, dám nói và dám làm

Trong phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, nhiều đại biểu quốc hội đã có những ý kiến đánh giá cao sự thay đổi, phát triển của ngành y trong thời gian qua, đặc biệt trong việc thực hiện giảm tải bệnh viện, Đề án Bệnh viện vệ tinh, bảo hiểm y tế… Báo Sức khỏe & Đời sống xin trích đăng ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Tiên và đại biểu Trần Văn Bản tại phiên thảo luận này...

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (đoàn Tiền Giang): “Trong 5 năm qua, ngành y tế đã rất dũng cảm”

Theo Đại biểu Nguyễn Văn Tiên, trong 5 năm qua ngành y tế rất dũng cảm. Ngành y tế dám sắp xếp lại bộ máy y tế lùng nhùng từ trước đến nay, ngang, dọc, trực thuộc huyện, tỉnh, bây giờ đã quy về một mối do tỉnh quản lý. Đây là một vấn đề rất mạnh. Ngành y tế dám đi đúng các quy luật kinh tế, đó là điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Tôi nhớ khi ban hành Thủ tướng Chính phủ hỏi Bộ trưởng có dám tự tin không? Thủ tướng cũng lo, nhưng ngành y tế đã quyết tâm. “Đây là dũng khí chúng ta dám làm đúng quy luật của nó”-Đại biểu Tiên nói.

Một dũng khí nữa là ngành y tế thực hiện việc đưa bác sỹ ở các tuyến trung ương về địa phương làm luân phiên và thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh là những vấn đề tốt để thúc đẩy phát triển. Có như vậy, chúng ta mới giảm tải được 40% về tuyến trung ương.

Điểm rất nổi bật nữa của ngành y tế thời gian qua, theo Đại biểu Tiên là chúng ta phấn đấu được 77% dân số có bảo hiểm y tế, vượt 2 % so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Đây là những thành tựu lớn, chúng ta phải đưa vào trong báo cáo. Việc này tạo tiền đề cho ngành y tế, người dân được hưởng.

Tuy nhiên trong nghị quyết sắp tới của Quốc hội về vấn đề Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị, phải bổ sung, trong 5 năm tới, chúng ta làm gì?

Ông Tiên cho biết, khi Đoàn giám sát về y tế của Ủy ban Về các vấn đề xã hội đi giám sát ở miền núi, có một thực tế rằng, mặc dù người dân miền núi được Nhà nước lo đầy đủ nhưng họ vẫn rất ít đi khám chữa bệnh ở tuyến dưới. Tình trạng chi vượt quỹ khám chữa bệnh ngoại trú tại y tế xã chung toàn tỉnh gây khó khăn cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nguyên nhân là do chi phí vượt quỹ khám chữa bệnh ngoại trú tuyến xã ở vùng ngoại thị, nông thôn vùng thấp.

"Không được tạo ra sự cào bằng như vậy. Tiền nhà nước đã cho rồi, nhưng chúng ta tổ chức thực hiện thế nào để cho người miền núi được hưởng, chứ nếu không chúng ta không bảo đảm được công bằng trong chính sách chăm sóc sức khỏe”, đại biểu Tiên bày tỏ.

Về vấn đề bình đẳng công tư y tế tư nhân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho biết, Ủy ban nhận được rất nhiều văn bản của hội y tế tư nhân khẳng định bệnh viện tư nhân chỉ làm việc 40% công suất. “Hiện nay gần như chúng ta chỉ quan tâm tới bệnh viện Nhà nước, còn bệnh viện tư nhân chúng ta thành lập ra để làm gì? Để người ta chơi, hay chúng ta sợ bị chiếm mất thị phần?Chúng tôi nghĩ phải có chính sách rất bình đẳng"- đại biểu Tiên nói.

Đại biểu Trần Văn Bản ( đoàn Bình Định): Tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đổi mới phong cách phục vụ của cán bộ y tế

Về an sinh xã hội, các chính sách đầu tư cho y tế, giáo dục đã được quan tâm đúng mức như năm 2015 chi cho y tế dự toán 65 nghìn tỷ đồng, thực hiện 69 nghìn tỷ đồng đạt 100,6%, chi cho giáo dục, đào tạo, dạy nghề dự toán là 185 nghìn tỷ đồng, thực hiện là 187 nghìn tỷ đồng đạt 101%.

“Trong 5 năm 2011-2015, đầu tư cho y tế và giáo dục, đào tạo đều tăng, đây là những cố gắng lớn của Chính phủ để chi cho an ninh xã hội, đáp lại sự quan tâm đó ngành y tế đã khắc phục được những tồn tại, từng bước được củng cố và phát triển các chỉ tiêu chính đều đạt và vượt kế hoạch như tỷ lệ giường bệnh kế hoạch là 23 giường đạt 24 giường trên 1 vạn dân”- đại biểu Trần Văn Bản cho biết

Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng kế hoạch là 15 %, giảm còn 14% đã có nhiều biện pháp hữu hiệu, đồng bộ để giảm quá tải bệnh viện như xây dựng mới song song với bổ sung trang thiết bị kỹ thuật cho 600 bệnh viện tuyến huyện và xây dựng mới Bệnh viện K2, K3, Bệnh viện U bướu, Bệnh viện Nhiệt đới và nhiều bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh.

Cũng theo Đại biểu Trần Văn Bản trong thời gian qua, ngành y tế đã tập trung nâng cao chất lượng chuyên môn, phát triển các kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh đi đôi với đào tạo chuyển giao kỹ thuật xuống tuyến dưới. “Năm 2015 bổ sung thêm 13 bệnh viện vệ tinh, nâng số bệnh viện vệ tinh lên 60 bệnh viên của 15 bệnh viện hạt nhân. Đến nay, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được các kỹ thuật cao như can thiệp tim mạch phẫu thuật lồng ngực, ghép thận...  nhờ đó mà tình trạng chuyển lên tuyến trên của các bệnh viện vệ tinh đã giảm đáng kể”- Đại biểu Trân Văn Bản dẫn chứng.

Đại biểu Trần Văn Bản cũng nói thêm, ngành y tế cũng đã đẩy mạnh thực hiện nâng cao đạo đức nghề nghiệp, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh kết hợp với tập huấn quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong toàn ngành y tế. Vì thế tinh thần thái độ phục vụ, ý thức trách nhiệm của cán bộ y tế trong các bệnh viện đã được nâng lên rõ rệt.  Cũng trong năm 2015 nước ta đã sản xuất được vắcxin và Việt Nam là một trong 39 nước đạt được chứng nhận của hệ thống quản lý quốc gia về vắcxin của Tổ chức Y tế thế giới, cơ quan phát triển Liên Hợp quốc xếp nước ta vào hàng các nước có thành tựu nổi bật về y tế so với tổng sản phẩm quốc dân GDP.

“Nhìn chung, trong 5 năm qua, ngành y tế đã có những bước tiến vượt bậc, đồng bộ mà những nhiệm kỳ trước đây trăn trở chưa thực hiện được, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại khuyết điểm ngành y tế đã, đang sửa chữa, khắc phục để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn”- Đại biểu Trần Văn Bản khẳng định. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2):

Chăm sóc y tế người đồng tính và chuyển giới: Các rào cản cần tháo gỡ

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hiện lây nhiễm HIV qua đường tình dục chiếm hơn 50%, trong đó, nam giới chiếm 66% và 5,2% là đồng tính nam. Quan hệ tình dục đồng tính nam (MSM) nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 19 lần và nữ chuyển giới nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 49 lần. Những con số đã chỉ ra những tiềm ẩn về lây lan HIV trong nhóm đồng giới nếu không có biện pháp phòng, chống HIV đúng, an toàn...

Hạnh phúc khi được là chính mình

Nếu không được giới thiệu tôi không thể ngờ rằng, hai cô gái khá xinh đẹp ngồi trước mặt đã từng là nam giới. Khẽ vuốt lại mái tóc dài, L.L và T.A kể lại chuyện đời mình...

L.L, sinh viên Đại học Sân khấu Điện ảnh cho biết, ngay từ khi còn là một cậu bé đã phát hiện ra mình chỉ thích chơi những trò chơi của con gái, thích mặc những bộ áo váy của con gái. Đến năm lớp 6, khi các bạn trai cùng trang lứa “thầm thương trộm nhớ” các bạn gái thì L.L lại thích bạn trai. Khi ấy, người ta gọi L.L với các biệt danh:  “đồng cô”, “ẻo lả”. L.L hoang mang về bản thân mình. Lớn lên, tự tìm hiểu các trang mạng, qua báo chí, L.L mới ý thức được mình là con gái. Mặc dù biết sẽ khó tìm được bạn trai bình thường, nhưng L.L vẫn quyết định chuyển giới để được sống với con người thật của mình.

T.A cũng vậy. Từ nhỏ cậu bé T.A đã ăn nói nhẹ nhàng, thích túm tụm với con gái, chơi trò con gái và cũng thích bạn trai khi đến tuổi dậy thì. Nhiều người, kể cả người trong gia đình T.A cũng gọi T.A là “dì”, là “pê đê”, “xăng pha nhớt”, thậm chí có người không dám ngồi cạnh họ vì sợ bị... lây, rồi gây gổ. Hơn thế nữa, khi phát hiện T.A đi chơi với một người con trai và có những cử chỉ thân thiết, tình cảm thì chính bố đẻ của T.A đã đánh T.A “đến không thể ngồi được”. Và T.A đã quyết định chuyển giới khi biết mình thực sự là ai. Hiện tại T.A rất thoải mái với cuộc sống mới này.

Còn H., một MSM chia sẻ, khi phát hiện mình không thích bạn gái mà lại đem lòng si mê một cậu bạn trai, H. rất hoảng sợ. Anh giấu mình, lo sợ bị ghét bỏ, bị xua đuổi. Anh gạt bỏ khỏi tâm trí mình ý nghĩ về cậu bạn ấy, cố gắng “yêu” một cô gái, nhưng không thành công. Tận sâu trong H. vẫn vùng vẫy một con người khác...

Do thông tin về người đồng tính rất ít, nên khi lớn lên, những người như L.L, T.A, H. đã không hiểu mình là ai và nên làm thế nào. Đến khi biết giới tính thực của mình thì gặp phải sự kỳ thị của mọi người trong gia đình và xung quanh khiến họ sợ hãi chính bản thân mình.

Những khó khăn khi là người dị tính

Mặc dù quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) và người chuyển giới hiện không phải là vấn đề mới ở nước ta. Song, không phải ai cũng hiểu rõ về nhóm người này. MSM và người chuyển giới là nhóm thiểu số về giới tính và tính dục đang bị xã hội kỳ thị, phân biệt đối xử khá nặng nề. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cao trong nhóm này.

Sự kỳ thị khiến họ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày như khi mở tài khoản ngân hàng, đi máy bay... T.A kể có lần đi qua hải quan ở sân bay, cô phải mang trang phục nam, tóc ngắn, không trang điểm để vẫn phù hợp với giới tính nam trong giấy tờ của mình.

Trong chăm sóc y tế, người đồng tính cũng gặp rất nhiều rào cản. Tại Hội thảo “MSM, người chuyển giới - họ là ai?” do Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức mới đây, BS. Phạm Vũ Thiên, chuyên gia về người đồng giới cho biết, kỳ thị và phân biệt đối xử đã ngăn cản những người đồng giới nam tìm đến các dịch vụ chăm sóc y tế và tâm sự  hành vi tình dục đồng giới với các nhân viên y tế. Có đến 18-21% nam quan hệ tình dục đồng giới cảm thấy sợ hãi khi tìm đến các dịch vụ y tế.

Đến nay, ở Việt Nam chưa có cơ sở y tế nào phẫu thuật chuyển giới toàn bộ cơ thể, nên hầu hết người chuyển giới phải sang nước ngoài để phẫu thuật với giá khá đắt và nguy cơ không thành công khá cao. T.A chia sẻ: “Để có cơ thể của nữ giới, bọn em tự tìm mua và tiêm hormon thay thế. Biết ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng chúng em không biết đến đâu để được bác sĩ hướng dẫn”.

Có lần L.L đi khám bệnh, nhân viên y tế đọc thấy tên nam giới, nhưng xuất hiện lại là nữ, liền bỏ qua. Người đồng giới cũng bị từ chối khám, chữa bệnh về bộ phận sinh dục đã chuyển giới. L.L,T.A, H. và nhiều người thuộc giới này mong muốn có mô hình phòng khám thân thiện để được chăm sóc y tế bình đẳng như mọi người, tránh được bệnh tật và nguy cơ lây nhiễm bệnh cho cộng đồng. (Sức khỏe & Đời sống (trang 12):

 

Điều chỉnh viện phí theo Thông tư 37 : Chất lượng khám, chữa bệnh chưa tăng theo giá?

Sau hơn 1 tháng triển khai điều chỉnh giá viện phí theo Thông tư 37 của liên bộ Y tế - Tài chính, hầu hết các bệnh viện (BV) đều gặp khó khăn trong việc thanh toán cho bệnh nhân có thẻ BHYT. Điều đáng nói là dù giá dịch vụ y tế đã tăng nhưng người bệnh vẫn rất "tâm tư" bởi chất lượng khám, chữa bệnh chưa chắc tăng tương xứng. Bệnh viện vất vả, người bệnh chưa hài lòng

Từ ngày 1-3-2016, các BV chính thức áp dụng Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC (gọi tắt là Thông tư 37) của liên Bộ Y tế - Tài chính, theo đó, tăng khoảng 30% giá đối với 1.887 loại dịch vụ y tế. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại một số đơn vị y tế trên địa bàn TP Hà Nội sau hơn 1 tháng áp dụng việc điều chỉnh này, nhiều người dân chưa biết cụ thể mức tăng, danh mục các loại kỹ thuật, thuốc được BHYT chi trả. Vì vậy, nhiều người tỏ ra băn khoăn với giá viện phí mới được áp dụng.

Một người dân ở Điện Biên Phủ (Hà Nội) đi khám sức khỏe định kỳ tại BV Đa khoa Xanh Pôn, cho rằng, khi áp dụng Thông tư 37, Bộ Y tế khẳng định việc điều chỉnh giá sẽ có tác động tích cực đối với người dân. Thế nhưng, ngay cả khi có thẻ BHYT thì với khoản viện phí 3 triệu đồng, người dân phải đóng 2,5 triệu đồng - chỉ được giảm trừ 500 nghìn đồng. Câu hỏi mà bệnh nhân này đặt ra là: Đâu là những khoản phí nằm ngoài danh mục BHYT, đâu là phần mà người bệnh phải đồng chi trả…(?)

Bà Nguyễn Thị Quế (61 tuổi, ở đường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) mới đưa chồng đi khám lao. Bà chia sẻ, khi giá viện phí tăng thì chất lượng khám, chữa bệnh cũng phải được nâng lên. Hiện nay, khâu tiếp đón ở các BV đã tốt hơn trước, nhưng cần phải được thực hiện tốt hơn nữa. Đặc biệt, ngành y tế phải tiếp tục thay đổi quy trình khám chữa bệnh để giảm bớt phiền hà cho người bệnh và người nhà bệnh nhân. Có như vậy thì người dân mới yên tâm và không thắc mắc khi viện phí tăng.

Sau khi áp dụng viện phí mới đối với người có thẻ BHYT, một số BV đang gặp khó khăn. Thứ nhất, có BV không thể công khai giá bằng bảng biểu vì số lượng dịch vụ y tế quá nhiều; thay vào đó, họ chỉ có thể niêm yết... trên một cuốn sổ để ở phòng khám. Nhưng, ngay cả với BV đã niêm yết công khai bảng giá các loại dịch vụ y tế thì người dân cũng không dễ theo dõi mức giá cho mỗi loại dịch vụ khám chữa bệnh, kỹ thuật, thủ thuật… bởi chữ và số quá bé, lại có nhiều thuật ngữ.

Thứ hai, do có hai mức giá khác nhau (giữa bệnh nhân có thẻ BHYT và bệnh nhân không có thẻ) nên BV cũng gặp không ít khó khăn trong việc áp dụng mức giá cụ thể cho từng trường hợp. Theo TS Phạm Minh Hưng, Trưởng khoa Dược (BV Đa khoa Xanh Pôn), trước đây, người có thẻ và không có thẻ BHYT cùng được áp một mức giá. Sau khi áp dụng Thông tư 37, việc thanh toán viện phí phức tạp hơn. Để tránh sự nhầm lẫn, BV phải dò chi tiết từng khoản chi phí dịch vụ đối với bệnh nhân. Với cách thanh toán này, không chỉ BV vất vả hơn mà người bệnh cũng mất thời gian. Thêm vào đó, việc Bộ Y tế ban hành danh mục dịch vụ kỹ thuật chưa hoàn chỉnh cũng khiến việc thanh toán gặp khó khăn.

Tăng cường kiểm tra việc thực hiện giá dịch vụ BHYT

Đề cập đến việc triển khai Thông tư 37, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Phạm Lương Sơn cho biết, đến ngày 21-3, BHYT đã tiến hành rà soát 11.002 dịch vụ thuộc 28 chuyên khoa, thống nhất xếp loại 5.650 dịch vụ tương đương về kỹ thuật và chi phí. Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành quy định cho 1.389 dịch vụ (thuộc 6 chuyên ngành) được xếp tương đương về kỹ thuật, chi phí và đang tiếp tục hoàn thiện để ban hành danh mục dịch vụ tương đương của 12 chuyên ngành tiếp theo (gần 2.500 dịch vụ, kỹ thuật). Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ đưa vào áp dụng phần mềm giám định điện tử để giám sát chi phí khám chữa bệnh, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Tài chính để tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế.

Sau hơn 1 tháng triển khai Thông tư 37, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký ban hành chỉ thị về việc tăng cường bảo đảm chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi thực hiện điều chỉnh, thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Người đứng đầu ngành Y tế yêu cầu giám đốc các BV, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường tổ chức thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh, liên tục cải tiến quy trình khám bệnh, thực hiện nghiêm túc việc công khai giá dịch vụ y tế...

Mặt khác, các cơ sở y tế cần nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị nội trú, hạn chế tối đa tình trạng nằm ghép, tuyệt đối không để người bệnh nằm ghép quá 48 giờ kể từ khi nhập viện. Cùng với đó, các BV được yêu cầu kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Thuốc và Điều trị; tăng cường kiểm tra việc kê đơn, bình bệnh án, tuân thủ đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, quy trình kỹ thuật, quy trình chăm sóc người bệnh; phòng ngừa và giảm các tai biến, sai sót chuyên môn... Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu không thu tiền tạm ứng đối với người bệnh BHYT khi khám bệnh, không thu thêm các chi phí đã kết cấu trong giá của dịch vụ…Theo Ths Vũ Văn Thạch, Trưởng khoa Khám bệnh (BV Ung bướu Hà Nội), đến nay, dù đã hết quý I nhưng BHYT chưa hoàn thành đấu thầu thuốc của năm 2016 nên phải sử dụng thuốc đấu thầu từ năm 2015 nên không đủ số lượng. Có những loại thuốc đã hết và phải chờ đến tháng 6 tới, khi đấu thầu xong thuốc của năm 2016 thì mới có. Do đó, có những loại thuốc nằm trong danh mục BHYT nhưng vì đấu thầu chưa được nên người bệnh phải tự mua thuốc ở bên ngoài và chịu thiệt. (Hà Nội mới (trang 5):

 

Cơ sở KCB không thu tiền tạm ứng của người bệnh BHYT

Chỉ thị của Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh cần nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị nội trú, hạn chế tối đa tình trạng người bệnh nằm ghép và tuyệt đối không để người bệnh phải nằm ghép quá 48 giờ kể từ khi nhập viện.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa ban hành Chỉ thị số 06/CT-BYT về tăng cường bảo đảm chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi thực hiện điều chỉnh, thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo của Bộ Y tế về giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh; thẩm định kỹ năng lực trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện kỹ thuật chuyên môn khi phê duyệt và chịu trách nhiệm về danh mục kỹ thuật đã được phê duyệt cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tại các cơ sở khám chữa bệnh cần tăng cường tổ chức thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh. Công khai giá dịch vụ y tế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, lắp đặt hệ thống bấm số tự động, phân luồng đăng ký khám bệnh; sắp xếp quy trình khám bệnh liên hoàn, theo một chiều; bố trí bộ phận lấy bệnh phẩm ngay tại khu khám bệnh.

Chỉ thị của Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh cần nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị nội trú, hạn chế tối đa tình trạng người bệnh nằm ghép và tuyệt đối không để người bệnh phải nằm ghép quá 48 giờ kể từ khi nhập viện.

Đồng thời các cơ sở khám chữa bệnh cần bảo đảm điều kiện phòng bệnh thông thoáng, sạch sẽ, đủ ấm về mùa đông và mát vào mùa hè. Thực hiện tốt công tác chăm sóc người bệnh trong bệnh viện; công tác dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện; công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện; kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Thuốc và Điều trị của bệnh viện; tăng cường kiểm tra việc kê đơn, bình bệnh án, tuân thủ đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, quy trình kỹ thuật, quy trình chăm sóc người bệnh; phòng ngừa và giảm thiểu các tai biến, sai sót chuyên môn... Chủ động, tích cực triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh nhằm chuyển giao các kỹ thuật cao, giảm chuyển tuyến và tạo thuận lợi cho người bệnh được điều trị ngay ở tuyến dưới.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện dành tối thiểu 5% số thu từ dịch vụ khám bệnh và 5% số thu từ ngày giường điều trị (tối thiểu 3% đối với bệnh viện hạng III, IV) để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng khu vực khám bệnh và mua bổ sung thiết bị và các điều kiện phục vụ người bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đặc biệt, tại Chỉ thị này, Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh không thu tiền tạm ứng đối với người bệnh bảo hiểm y tế khi khám bệnh, không thu thêm các chi phí đã kết cấu trong giá của dịch vụ, trừ các chi phí chưa tính vào giá dịch vụ và phần đồng chi trả của người bệnh có bảo hiểm y tế theo quy định hoặc phần chênh lệch giữa giá thanh toán với cơ quan Bảo hiểm Xã hội và giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2):

Ngày hội hiến máu tình nguyện “Giọt hồng trên miền đá” tại Hà Giang đã thu hút đông đảo mọi người tham gia.

Ngày 3/4, tại Quảng t rường 26/3 TP Hà Giang, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Hiến máu tình nguyện tỉnh Hà Giang tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện “Giọt hồng trên miền đá”.

Ngày hội đã tiếp nhận được trên 500 đơn vị máu từ đông đảo cán bộ, công chức các sở, ban, ngành tỉnh Hà Giang và đoàn viên thanh niên, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, góp phần thắp sáng sự sống, niềm tin của người bệnh nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc.

Là tỉnh vùng cao biên giới nằm ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, những năm qua nhu cầu sử dụng máu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang trung bình mỗi năm là gần 4.000 đơn vị máu, nhưng số máu hiến tình nguyện toàn tỉnh chỉ đạt trên 2.600 đơn vị, đáp ứng được trên 60% nhu cầu sử dụng. *Hà Nội mới (trang 1), Nhân dân (trang 3):

 

Khánh Hòa cảnh giác trước nguy cơ dịch bệnh Zika

Đến nay trên địa bàn Khánh Hòa chưa phát hiện người nhiễm bệnh do vi-rút Zika, nhưng ngành y tế đã nâng mức cảnh báo lên mức độ hai.

Thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về một công dân Ô-xtrây-li-a nhiễm vi-rút Zika sau khi du lịch một số nơi ở Việt Nam, trong đó có Nha Trang, khiến nhiều người dân Khánh Hòa lo lắng. Bên cạnh đó, tại Thái-lan, Phi-li-pin, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Lào... đã ghi nhận có người nước ngoài nhiễm vi-rút Zika sau khi trở về từ các nước này cũng rất đáng quan tâm và nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nước ta là rất lớn. Đáng chú ý, theo bác sĩ (BS) Nguyễn Hoa Hội, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Khánh Hòa, có tới 80% số ca bệnh do vi-rút Zika không có triệu chứng rõ ràng.

Hiện Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Khánh Hòa tăng gấp đôi lực lượng kiểm dịch viên, trực suốt 24 giờ tại các cảng hàng hải, cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; phát tờ rơi tuyên truyền về dịch bệnh vi-rút Zika bằng hai thứ tiếng Việt và Anh; phun hóa chất diệt muỗi tại các cửa khẩu; tập huấn, cập nhật thông tin cho kiểm dịch viên về quy trình kiểm dịch, phác đồ điều trị, giám sát phòng, chống dịch bệnh Zika; chuẩn bị trang phục phòng hộ, hóa chất, máy phun thuốc phục vụ công tác kiểm dịch và xử lý y tế khi phát hiện có bệnh nhân mắc Zika.

Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa Nguyễn Đông cho biết: Người bệnh đến khám, nếu có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh do vi-rút Zika sẽ được xét nghiệm ngay lập tức. Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa Bùi Xuân Minh cho biết: Kết quả xét nghiệm 26 trường hợp nghi nhiễm vi-rút Zika đều âm tính. Tuy vậy, tỉnh không chủ quan, hàng loạt biện pháp phòng, chống dịch đã được triển khai.

Song, điều đáng quan tâm nhất là tinh thần, thái độ của người dân trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Bệnh sốt xuất huyết, bệnh do vi-rút Zika đều qua trung gian gây bệnh là muỗi. Mặc dù ngành y tế và các cấp chính quyền rất cố gắng tuyên truyền, vận động người dân nhưng một bộ phận không nhỏ người dân vẫn rất chủ quan, thậm chí một số người dân còn ngăn cản việc phun thuốc diệt muỗi. Hậu quả là số ca nhiễm, mắc bệnh sốt xuất huyết của Khánh Hòa luôn ở mức cao nhất cả nước. Ba tháng đầu năm 2016, Khánh Hòa có tới 2.896 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp tám lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó có một trường hợp tử vong. Cứ theo đà diễn biến đó, công tác phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika ở Khánh Hòa chắc chắn sẽ hết sức khó khăn.

Ngày 28-3 vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, loăng quăng phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika và sốt xuất huyết” trên địa bàn toàn tỉnh, nâng cảnh báo dịch lên mức độ hai (mức độ đã có người nhiễm bệnh). Hy vọng với sự quyết tâm và hành động của chính quyền và ngành y tế, việc phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika sẽ thay đổi. (Nhân dân (trang 8):

 

Phẫu thuật kéo xương hàm cho bệnh nhi

Bệnh nhi này bị mắc hội chứng Pierre Robin (thiểu sản xương hàm dưới 2 bên, lưỡi tụt ra sau, khe hở vòm gây khó thở).

Ngày 16.3, ca mổ được thực hiện và kéo dài hơn 3 giờ, các bác sĩ đã cắt xương hàm 2 bên và đặt dụng cụ kéo giãn xương MDO cho bệnh nhi. 24 giờ sau mổ, bác sĩ bắt đầu tiến hành xoay phương tiện giãn xương; cháu bé được chăm sóc đặc biệt, thở máy trong 4 ngày.

Quá trình kéo giãn xương kéo dài 12 ngày. Hiện tại, sau hơn 2 tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhi ổn định, xương hàm dưới được kéo ra phía trước 18 mm. Bệnh nhi đã thở dễ dàng hơn, tự ăn uống, hàm vững, khuôn mặt cân đối hơn, không còn tình trạng cằm tụt. Trước mổ, bệnh nhân L. bị đa dị tật, luôn cần được chăm sóc rất đặc biệt vì thường xuyên khó thở, nuốt kém...

Trong năm 2015, Bệnh viện Nhi T.Ư đã mổ thành công cho 3 bệnh nhi sơ sinh mắc hội chứng Pierre Robin. Phương pháp mổ kéo giãn xương hàm là kỹ thuật khó, đòi hỏi chuyên môn cao và thiết bị hỗ trợ hiện đại. (Thanh niên (trang 4)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang