Lai Châu giải thích việc chấm dứt hợp đồng 137 nhân viên y tế
Sáng 3-4, UBND tỉnh Lai Châu tổ chức họp báo về việc chấm dứt hợp động lao động đối với 137 nhân viên, người lao động thuộc ngành y tế tỉnh này từ ngày 1-4.
Theo đó, lý do là 137 trường hợp trên không đạt yêu cầu trong đợt xét tuyển vào viên chức ngành y tế do tỉnh này tổ chức cuối năm 2017 vừa qua.
Cụ thể, trong giai đoạn 2014 trở về trước, Sở Nội vụ và Sở Y tế Lai Châu đã thực hiện hợp đồng khá nhiều lao động trong chỉ tiêu biên chế còn thiếu của ngành y tế để bảo đảm phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân.
Năm 2012, tỉnh Lai Châu đã tổ chức xét tuyển cho số lao động hợp đồng này. Trong đợt xét tuyển đó, đã có 399 lao động được vào biên chế. Số còn lại vẫn được Sở Y tế tạo điều kiện tiếp tục hợp đồng lao động tại các đơn vị chuyên môn do nhu cầu công việc và chỉ tiêu biên chế được giao hằng năm của Sở Y tế chưa sử dụng hết.
Năm 2016, qua rà soát của Thanh tra Sở Nội vụ Lai Châu, ngành y tế tỉnh này còn 258 nhân viên đang hợp đồng dưới nhiều hình thức nhưng chưa bảo đảm theo quy định của pháp luật hiện hành. Thực hiện kết luận thanh tra, từ tháng 1-2017, Sở Y tế đã điều chỉnh lại phương thức hợp đồng đối với toàn bộ số hợp đồng nói trên cho phù hợp quy định hiện hành là ký hợp đồng lao động có thời hạn một năm.
Cuối năm 2017, tỉnh Lai Châu tổ chức xét tuyển viên chức ngành y tế với 222 chỉ tiêu. Kết quả thi tuyển, có 174 người trúng tuyển; trong đó, có 80/258 trường hợp đang hợp đồng nêu trên đã trúng tuyển, còn lại 137 trường hợp do không đạt kết quả nên phải chấm dứt hợp đồng lao động.
Trả lời tại cuộc họp báo, Giám đốc Sở Y tế Lai Châu Nguyễn Văn Đối cho biết, đơn vị mong muốn sử dụng số lao động đang hợp đồng này vì họ đã có thâm niên, kinh nghiệm, được tập huấn và đào tạo chuyên môn bài bản. Mặc dù theo quy định hiện hành, Sở Y tế buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động đối với 137 trường hợp này. Tuy nhiên, hiện Sở Y tế vẫn còn nhiều chỉ tiêu biên chế được tỉnh giao. Những trường hợp trên vẫn còn cơ hội làm việc trong ngành trong đợt tuyển dụng thời gian tới.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải cho biết, phương án tiếp tục sử dụng số lao động trên do Sở Nội vụ, Y tế phối hợp các ngành liên quan bàn bạc thống nhất và tham mưu cho tỉnh để có giải pháp xử lý; tuy nhiên phải bảo đảm hợp lý, đúng luật, đúng quy định và bảo đảm quyền lợi cho các lao động đã hợp đồng trong ngành y tế. (Nhân dân, trang 8)
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Làm rõ 137 cán bộ viên chức y tế tỉnh Lai Châu bị mất việc”; Báo Công an Nhân dân, trang 2: “Về việc chấm dứt hợp đồng đối với 137 nhân viên y tế tại Lai Châu”
Hải Phòng hợp nhất trung tâm y tế với bệnh viện đa khoa tuyến huyện
Ngày 3-4, TP Hải Phòng đã công bố các quyết định về việc hợp nhất trung tâm y tế với bệnh viện đa khoa tuyến huyện tại hai huyện Kiến Thụy và An Dương. Tên mới của các đơn vị này sẽ là Trung tâm Y tế huyện và bắt đầu hoạt động theo mô hình mới từ ngày 1-6-2018.
Bác sĩ Nguyễn Đức Quân, Chánh Văn phòng Sở Y tế Hải Phòng cho hay, đây là hai đơn vị đầu tiên của Hải Phòng có đủ điều kiện để thực hiện hợp nhất hai đơn vị về một đầu mối. Các địa phương còn lại sẽ tiếp tục thực hiện hợp nhất theo lộ trình và Hải Phòng phấn đấu thực hiện xong trong năm 2020. Sau khi hợp nhất, số lượng người, nhất là số lượng người đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo tại trung tâm và các khoa, phòng sẽ giảm nhiều so với tại hai đơn vị trước đó.
Theo Quyết định số 647/QĐ-UBND của UBND TP Hải Phòng về việc hợp nhất Trung tâm Y tế huyện Kiến Thụy và Bệnh viện Đa khoa huyện Kiến Thụy thành Trung tâm Y tế huyện Kiến Thụy; Quyết định số 646/QĐ-UBND của UBND TP Hải Phòng hợp nhất Trung tâm Y tế huyện An Dương và Bệnh viện Đa khoa huyện An Dương thành Trung tâm Y tế huyện An Dương.
Sau khi hợp nhất, trung tâm y tế các huyện này là đơn vị sự nghiệp công lập hạng III, trực thuộc Sở Y tế Hải Phòng, có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu, tài khoản riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng theo quy định của pháp luật. Trung tâm chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp về tổ chức, nhân lực, hoạt động, tài chính và cơ sở vật chất của Sở Y tế Hải Phòng; chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các đơn vị y tế tuyến thành phố, tuyến Trung ương; chịu sự quản lý nhà nước của UBND huyện theo quy định của pháp luật.
Trung tâm có chức năng cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác theo quy định của pháp luật. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm thực hiện theo Thông tư số 37/2015/TT-BYT ngày 25-10-2016 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. (Nhân dân, trang 5)
Hạn chế tình trạng cán bộ y tế vùng cao nghỉ việc
Biên chế đóng, chỉ tiêu tuyển mới ít nhưng năm nào ngành y tế tỉnh Ðiện Biên cũng diễn ra tình trạng bác sĩ, dược sĩ có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản bỏ việc để về xuôi. Thực trạng này không chỉ gây xáo trộn trong cán bộ, nhân viên của ngành mà còn ảnh hưởng không nhỏ chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân ở tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn này.
Trước thực trạng ngày càng nhiều cán bộ, viên chức trong ngành bỏ việc về xuôi, ngày 24-1-2018, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ðiện Biên đã ký công văn gửi các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, sở y tế các tỉnh, thành phố với đề nghị vừa khẩn thiết vừa khuyến cáo: "Không tiếp nhận, sử dụng bác sĩ tự ý bỏ việc tại tỉnh Ðiện Biên". Công văn nêu đích danh hai thạc sĩ, bác sĩ của Bệnh viện Ða khoa tỉnh và Trung tâm Giám định y khoa đã tự ý bỏ việc cơ quan cũ sau khi hoàn thành các khóa đào tạo nâng cao. Cũng như nhiều trường hợp khác, trước khi đi học, những bác sĩ này đều làm đơn với cam kết "sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ trở lại cơ quan (tại tỉnh Ðiện Biên) công tác lâu dài". Trong suốt thời gian đi học, những cán bộ này đều đặn nhận đầy đủ lương cùng các khoản thanh toán chi phí học hành, nhưng khi cầm bằng tốt nghiệp họ đã không trở lại như đã cam kết, mà đến những đơn vị có thu nhập hấp dẫn hơn. Cùng đợt học với hai bác sĩ nêu trên, có tám bác sĩ khác ở trung tâm y tế các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Ðiện Biên và TP Ðiện Biên Phủ, cũng tự ý bỏ việc về xuôi.
Không chỉ có kinh nghiệm công tác, hầu hết các bác sĩ bỏ việc đều được cơ quan đánh giá là có trình độ kỹ thuật cao, là niềm hy vọng của đơn vị và hàng nghìn người dân trên địa bàn họ từng công tác. Trao đổi với chúng tôi về trường hợp hai bác sĩ bỏ việc tại đơn vị, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng Bùi Thanh Hải thừa nhận: Rất tiếc về hai đồng chí ấy, nhưng cá nhân tôi và cả tập thể cũng không biết làm thế nào.
Thừa nhận thực trạng báo động đã nhiều năm, nhưng khi được hỏi thì phần lớn những người liên quan đều "khéo léo" tránh nói thẳng vấn đề. Còn theo ông Ðinh Danh Tuân, nguyên Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Ðiện Biên, ngoài nguyên nhân chung là thu nhập, điều kiện làm việc, chế độ chính sách dành cho cán bộ y tế ở vùng cao còn thiếu hấp dẫn và chênh lệch khá lớn so với ở đồng bằng, Trung ương thì phía địa phương cũng chưa thật sự có cơ chế đãi ngộ, thu hút nhân lực cho ngành đặc thù, trong khi các tỉnh như: Phú Thọ, Lào Cai… sẵn sàng trả hàng trăm triệu đồng thu hút bác sĩ, dược sĩ về địa phương làm việc. Một nguyên nhân khá tế nhị là tình trạng "gửi" người nhà từ các tỉnh khác vào biên chế lấy chỉ tiêu đi học rồi chuyển vùng. Ðây là nguyên nhân gây bức xúc với người trong ngành và nhân dân địa phương. Bởi trong khi người địa phương được đào tạo trong tỉnh không xin được việc thì người nơi khác lại dễ dàng có việc làm và coi đó như bước đệm cho mục tiêu chuyển vùng đã được "hoạch định" sẵn. Ông Ðinh Danh Tuân cho biết, mỗi năm có hàng trăm học sinh Trường cao đẳng Y tế Ðiện Biên tốt nghiệp ra trường nhưng chỉ số ít các em may mắn được tuyển dụng vào ngành. Còn hầu hết đi làm thuê, chờ đợi làm cộng tác viên cho những dự án y tế cơ sở... Trong khi học sinh nơi khác lại vào ngành chỉ để được đi học rồi bỏ ngành về xuôi.
Điện Biên là tỉnh nghèo, nhiều khó khăn, trong đó khó khăn về y tế rất đặc thù. Ngành y tế tỉnh hiện có gần 3.300 cán bộ viên chức, trong đó 664 bác sĩ và 62 dược sĩ đại học chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe hơn 570 nghìn dân thuộc 130 xã, phường, thị trấn. Ở nhiều cơ sở y tế tuyến huyện không có dược sĩ nào có bằng đại học, thậm chí có nơi không có cả dược sĩ trung cấp, vì hầu hết họ tập trung về tỉnh. Ngay cả khi đã làm việc nhiều năm tại tuyến tỉnh, nhiều người vẫn không yên tâm công tác; không ít dược sĩ, bác sĩ đã và đang tìm cách chuyển vùng, thậm chí là bỏ việc khi có cơ hội tốt hơn. Trong khi thực tế, cuối năm 2017, toàn tỉnh còn nhiều huyện, như: Nậm Pồ, Mường Nhé, tỷ lệ bác sĩ mới đạt gần 50% so với trung bình cả nước... Bởi thiếu hụt nhân lực đào tạo bài bản, có kinh nghiệm cho nên công tác khám, chữa bệnh tại nhiều huyện vùng cao của Ðiện Biên còn nhiều hạn chế; tại huyện này, xã kia có nhiều người bệnh phải chuyển tuyến cấp cứu dù chỉ bệnh thông thường. Cũng vì khó khăn nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật cho nên Ðiện Biên luôn nằm trong diện được Bộ Y tế quan tâm đặc biệt, thường xuyên tăng cường các đoàn bác sĩ trẻ lên hỗ trợ công tác khám, chữa bệnh.
Khi thống kê số bác sĩ, dược sĩ đã thôi việc, chuyển công tác từ năm 2015 đến năm 2017, Giám đốc Sở Y tế Ðiện Biên Triệu Ðình Thành vừa không khỏi buồn rầu: Khắc phục thiếu hụt nguồn lực bác sĩ ở các tuyến, nhất là tuyến huyện, xã, ngành y tế đã thực hiện chế độ đào tạo bác sĩ theo hệ cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, song chẳng khả quan hơn. Vì số bác sĩ được đào tạo trở về địa phương công tác hằng năm cũng bằng số bác sĩ, dược sĩ chuyển vùng và thôi việc. Cứ người mới về thì người cũ đi, thậm chí nhiều người vừa cầm bằng cũng bỏ đi luôn. Giai đoạn 2015 - 2017, ngành y tế Ðiện Biên đã có 25 bác sĩ, dược sĩ bỏ việc, chuyển vùng. Năm nào ngành cũng đề ra các giải pháp, như: Tuyên truyền, vận động để khơi dậy tình yêu, nhiệt huyết cống hiến trong trái tim người thầy thuốc. Cùng với đó là thực hiện nghiêm các quy định tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn theo đúng vị trí việc làm, nhưng hiệu quả không cao. Vì vậy, thời gian tới có thể ngành sẽ thực hiện biện pháp cứng rắn hơn, kể cả phải kiện ra tòa đòi bồi thường chi phí đào tạo và các chi phí khác.
Những ngày này, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế Ðiện Biên đang nỗ lực hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập (1-5-1953 - 1-5-2018). Tuy nhiên, trong số cán bộ ấy có không ít người vẫn lại đang nhấp nhổm phép tính ở lại, về xuôi. Làm thế nào để thu hút, giữ chân người tài, có năng lực, gắn bó lâu dài yên tâm cống hiến với ngành, có lẽ vẫn là bài toán khó đối với ngành y tế Ðiện Biên. Bên cạnh các biện pháp ngành y tế đã triển khai, việc sớm có những giải pháp phù hợp với đặc thù địa phương, nhanh chóng tháo gỡ các bất cập, khơi dậy và tạo động lực làm việc, cống hiến từ chính bản thân mỗi cán bộ, nhân viên trong ngành... như kiến nghị của nhiều cán bộ, bác sĩ lâu năm tại địa phương có lẽ cũng là điều cần thiết để ngành y tế Ðiện Biên nhanh chóng giải quyết tình trạng này. (Nhân dân, trang 8)
Hà Nội: Sẽ thí điểm trạm y tế chất lượng ngang Singapore
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị Hà Nội làm mẫu về trạm y tế đạt chuẩn giống mô hình của Singapore để phục vụ nhân dân tốt nhất trong công tác khám chữa bệnh.
Về công tác khám chữa bệnh, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, số lượt khám chữa bệnh hàng năm ở Hà Nội là từ 5,8 đến 6,4 triệu người. Năm 2018, Hà Nội lên kế hoạch là 11.010 giường bệnh. Cơ bản không còn tình trạng nằm ghép. Ngoài ra, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân; triển khai 2 bộ quy tắc ứng xử tại cơ quan đơn vị và nơi công cộng của TP. Năm 2017, Sở Y tế Hà Nội đã khảo sát 67 bệnh viện trong và ngoài công lập đánh giá sự hài lòng của bệnh nhân, nhân viên y tế. Kết quả rất tích cực khi 84,2 % bệnh nhân điều trị ngoại trú đánh giá hài lòng và rất hài lòng; 91,36% bệnh nhân nội trú hài lòng và rất hài lòng…Hà Nội đã chú trọng quản lý chất lượng các bệnh viện, phát triển chuyên sâu nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện Trung ương.
Đến nay Hà Nội đã có 5 bệnh viện tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên là các bệnh viện: Tim Hà Nội, Hòe Nhai, Xanh Pôn, Phụ sản Hà Nội, Ung bướu Hà Nội. Năm 2018, sẽ có thêm 13 bệnh viện tự chủ; 16 bệnh viện còn lại sẽ thực hiện trong năm 2019.
Công tác y tế cơ sở của Hà Nội cũng được đổi mới, với 103 phòng khám bác sỹ gia đình được thành lập; triển khai lập hơn 2,4 triệu hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử; tầm soát ung thư đại tràng cho 130.000 người trên 40 tuổi (dương tính 5,2%)…
Theo Sở Y tế, ngay từ đầu năm 2018, Hà Nội đã chủ động công tác phòng dịch; phát động chiến dịch vệ sinh môi trường khử khuẩn, chủ đồng phòng bệnh tay chân miệng ở hơn 1.300 trường mầm non, mẫu giáo; chủ động phòng dịch sốt xuất huyết; ký cam kết phòng dịch giữa Sở Y tế với các quận huyện thị xã; nghiêm túc thực hiện giám sát dịch. Tính đến hết tháng 3-2018, hầu hết các dịch bệnh có số mắc giảm so cùng kỳ…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao ngành y tế Hà Nội trong công tác phòng chống dịch, nâng cao cơ sở hạ tầng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong phòng chống sốt xuất huyết, thực hiện công tác khám nâng cao sức khỏe, tầm soát ung thư... Đầu tư y tế cơ sở để phục vụ nhân dân
Với các kiến nghị của Hà Nội để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cũng như nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị tăng chỉ tiêu đào tạo bác sỹ nội trú cho Hà Nội từ 25 chỉ tiêu/năm lên 50 chỉ tiêu/năm. Bộ trưởng cũng đồng ý cho phép bệnh viện hạng I là cơ sở đào tạo bác sỹ nội trú.
Khẳng định Hà Nội có nhiều tiềm năng mở rộng hệ thống y tế với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để có thêm nhiều cơ sở chất lượng phục vụ nhân dân, Bộ trưởng đề nghị Hà Nội tiếp tục có cơ chế thông thoáng để tư nhân đầu tư, nhất là cơ sở khám chữa bệnh; trạm y tế xã phường kết hợp công tư. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị Hà Nội làm mẫu về trạm y tế đã có đạt chuẩn giống mô hình của Singapore về trạm y tế xã phường đạt chuẩn, đặc biệt là làm mẫu mô hình bác sỹ gia đình; làm mẫu về chương trình sữa học đường để nâng cao chiều cao, sức khỏe... để nâng cao sức khỏe cho người dân.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội sẽ sẽ triển khai ngay để sắp xếp lại các trung tâm y tế, quán triệt với các quận huyện để sắp xếp gọn, quy định rõ nhiệm vụ, xây dựng quy chế, quy trình, phối hợp chỉ đạo giữa TP và quận huyện để công tác y tế bảo đảm hiệu quả nhất.
Đối với xây dựng trạm y tế mẫu, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị Bộ Y tế giúp đỡ Thành phố trong quá trình xây dựng mô hình mẫu. Chủ tịch UBND TP cũng thông tin Hà Nội đã hợp tác với một số bệnh viện của của Pháp để khảo sát và kết quả khảo sát cho thấy trình độ bác sỹ, y tá, điều dưỡng của Hà Nội đều không thua kém thế giới nhưng còn kém về quy trình khám chữa bệnh chưa rõ ràng, cơ sở vật chất chưa đồng bộ.
“Hà Nội sẽ khẩn trương triển khai mô hình để phục vụ nhân dân tốt nhất”, Chủ tịch UBND TP khẳng định… (An ninh Thủ đô, trang 2)
Chuẩn bị vào hè, nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát
Theo Sở Y tế Hà Nội, chỉ tính riêng trong tuần qua (từ ngày 26-3 đến 1-4), trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận thêm 26 trường hợp mắc tay chân miệng (gấp 2 lần so với những tuần trước đó). Tích lũy từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 70 trường hợp mắc tay chân miệng.
Ngoài ra, tuần qua, thành phố cũng ghi nhận thêm 3 ca mắc SXH, 8 ca sởi và 2 ca ho gà, nâng tổng số mắc từ đầu năm đến nay lên 69 trường hợp SXH, 49 trường hợp sởi và 8 trường hợp ho gà…
Trước thực trạng đó, Sở Y tế Hà Nội đề nghị, ngay tại thời điểm này, các quận, huyện, thị xã cần triển khai ngay các biện pháp vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, chủ động phòng chống dịch bệnh SXH và vệ sinh môi trường khử khuẩn phòng chống bệnh tay chân miệng, đặc biệt lưu ý triển khai thường xuyên tại các nhà trẻ, mẫu giáo.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, ngày 2-4, tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đã tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường và ký cam kết giữa UBND huyện Ứng Hòa với các xã, thị trấn về việc thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh XHH cùng các dịch bệnh mùa hè năm 2018.
Được biết, từ đầu năm 2018 đến nay, tại Ứng Hòa đã ghi nhận các ca bệnh thủy đậu, quai bị, cúm A, trong khi các yếu tố nguy cơ để SXH phát sinh, phát triển thành dịch vẫn hiện hữu như tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu, thời tiết mùa hè diễn biến bất thường, nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi phát sinh các bệnh dịch…
Do vậy, tại lễ phát động, UBND huyện Ứng Hòa đã kêu gọi các xã, thị trấn cần tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo công tác phòng chống dịch SXH và các dịch bệnh mùa hè trên địa bàn. Huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và vận động người dân tích cực tham gia vào các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng chống SXH với mục tiêu không để dịch bùng phát, lan rộng… (An ninh Thủ đô, trang 2)
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2018: Thủ tướng biểu dương Bộ Y tế về cắt giảm thủ tục hành chính
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2018, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ cố gắng duy trì tăng trưởng cao, đồng thời phấn đấu nâng cao chất lượng tăng trưởng để người dân sống an toàn, hạnh phúc hơn, doanh nghiệp kinh doanh ổn định và thành công hơn. Điểm lại tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm, Thủ tướng bày tỏ, quý I tăng trưởng 7,38% là điều đáng mừng, là mức tăng trưởng cao nhất của quý I trong 10 năm qua. Về tăng trưởng, Thủ tướng nêu rõ, tất cả các cấp, các ngành đều có kế hoạch tăng trưởng phục vụ mục tiêu tăng trưởng đề ra (là đạt ít nhất 6,7% năm 2018), coi đây là nhiệm vụ chính trị đối với các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, rà soát kịch bản tăng trưởng theo quý của từng ngành, từng lĩnh vực để làm căn cứ chỉ đạo, điều hành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổ trưởng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có vấn đề tăng trưởng, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng.
Liên quan đến vấn đề cắt giảm những thủ tục hành chính, Thủ tướng đã biểu dương các Bộ: Y tế, Tư pháp, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan khác đã công bố chương trình cắt giảm 50% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực mình quản lý, Thủ tướng lưu ý cần sớm trình văn bản để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành thì việc cắt giảm đó mới có hiệu lực.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều ngày 2/4, liên quan đến thông tin vào đầu tháng 3, trên mạng xã hội, người có nickname Minh Phương đã lan truyền thông tin hai mẹ con tử vong vì sinh thuận tự nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: “Sau khi nhận được thông tin, ngành y tế đã điều tra, hoàn toàn không có vụ việc như vậy. Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi Bộ TT&TT và Bộ Công an đề nghị tìm ra ai là người đăng tin như vậy để xử lý theo đúng pháp luật hiện hành. Chúng tôi cũng đã trả lời là nếu để sinh theo tự nhiên như thế thì nguy cơ tử vong rất cao. Người ta chỉ cho phép sinh theo tự nhiên nếu thuận lợi và trong trường hợp không thể thuận lợi thì phải can thiệp bằng cách khác”. Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, hiện tại Bộ TT&TT đang tiến hành xác minh nhưng trên thực tế xác minh một nick không đơn giản, cần có thời gian. Khi có kết luận Bộ TT&TT sẽ thông báo. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)
Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương: “Việt Nam chú trọng y tế cơ sở là đúng hướng”
TS.Shin Young-soo, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO chia sẻ ông ấn tượng với mức tuổi thọ cao (76 tuổi) của Việt Nam, ngang với các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người 8000USD/năm hoặc cao hơn, trong khi thu nhập bình quân của Việt Nam chỉ là 2500USD/người/năm. Chưa có một quốc gia nào từ lúc thu nhập đầu người mới 1000USD/năm đã cam kết chính trị mạnh mẽ xây dựng hệ thống Bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân như Việt Nam, và tới nay đã bao phủ rộng khắp tới gần 90% người dân.
Bên lề khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam (29/3-2/4) về y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm tăng cường bao phủ sức khỏe toàn dân, TS. Shin Young-soo đã trả lời phỏng vấn của báo suckhoedoisong.vn:
PV: Ông đã tới thăm các trạm y tế xã Mường Phăng (Điện Biên) và Chiềng An (Sơn La), cảm nhận của ông về hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) ở nơi hẻo lánh này?
TS. Shin Young-soo: Tôi đã đến thăm hai trạm y tế xã Mường Phăng (Điện Biên) và Chiềng An (Sơn La). Đây không phải là lần đầu tiên tôi từng tới thăm các trạm y tế xã của Việt Nam. Gần đây, Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 20 về nâng cao sức khỏe nhân dân, trong đó có nội dung phát triển y tế cơ sở. Việt Nam là đất nước có nhiều vùng miền với bối cảnh khác nhau: khu vực nông thôn, thành thị, đặc biệt miền núi có sự khác biệt rõ hơn hẳn. Ở Sơn La, Điện Biên, dịch vụ y tế chủ yếu do Chính phủ cung cấp. Trong hệ thống này, CSSKBĐ khởi điểm từ các trạm y tế ở cấp xã. Ở Việt Nam, trạm y tế xã đã làm việc trong nhiều năm rất hiệu quả về y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, mở rộng tiêm chủng,.... Đối với những nước cùng mức độ phát triển, Việt Nam được coi là có hệ thống y tế cấp xã hiệu quả nhất.
PV: Đánh giá của ông về hệ thống y tế cơ sở ở Việt Nam. Theo ông, cần làm gì để thúc đẩy y tế cơ sở và công tác CSSKBĐ ở Việt Nam?
TS. Shin Young-soo: Việt Nam đã phát triển trong 10 năm gần đây về hệ thống BHYT công. Ở Việt Nam, mức bao phủ BHYT công đã lên đến 85%. Đặc biệt ở các vùng nông thôn, độ bao phủ BHYT đã lên tới 100%. Hầu như ai cũng có thẻ BHYT. Ở Việt Nam, người dân chỉ chi trung bình 170USD/năm cho các dịch vụ y tế, trong mức này ở các nước phát triển hơn là 3000USD/năm và Mỹ là 10.000USD/năm. Vậy trong tình huống cụ thể, làm thế nào chúng ta có thể cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dân? WHO cho rằng hơn 80% số bệnh có thể phòng ngừa nếu như có thể chăm sóc tốt thông qua bác sĩ gia đình hoặc các trạm y tế xã, nếu như họ cung cấp được dịch vụ y tế thích đáng. Hệ thống CSSKBĐ cần phải được phát triển. Trong Nghị quyết 20 đã đề cập rất rõ tới cần phải tăng cường hệ thống y tế cơ sở, WHO sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh này. Và trong quá trình này, các trạm y tế xã cũng giữ vai trò dẫn đầu. Việt Nam nên tăng mức chi BHYT cho CSSKBĐ ở các trạm y tế xã; mở rộng độ BHYT cho cả hệ thống bác sĩ gia đình và y tế tư nhân để người dân có thể tiếp cận dịch vụ CSSKBĐ với chi phí thấp hơn và dịch vụ thân thiện hơn.
PV: Việt Nam mới ban hành Nghị quyết 20 về nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới (trong đó có các mục tiêu như tăng tuổi thọ, phòng chống bệnh không lây, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân....). Việc đẩy mạnh y tế cơ sở và nâng cao CSSKBĐ, theo ông, sẽ có đóng góp gì cho việc hiện thực hóa các mục tiêu trong Nghị quyết này?
TS. Shin Young-soo: Như tôi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường năng lực y tế cơ sở để đạt bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, Nghị quyết 20 có tầm quan trọng rất lớn trong lĩnh vực y tế, đây là văn kiện rất quan trọng với tương lai của Việt Nam. Các quốc gia đều rất khác nhau về bối cảnh, đặc biệt về mặt kinh tế xã hội mà bệnh viện chỉ cung cấp được một lượng dịch vụ nhất định thôi. Việt Nam là nước có mức độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh, là một trong những nước có kết quả về dự án y tế thành công nhất. Đối với cả mục tiêu phát triển thiên niên kỷ giai đoạn 2000-2015, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia duy nhất đã đưa ra và đạt được tất cả các chỉ số trong các mục tiêu này. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều người dân mong muốn có những dịch vụ y tế tốt hơn. Trong bối cảnh để Chính phủ dễ đạt được hệ thống y tế hiệu quả nhất, hiệu suất cao nhất- nội dung của Nghị quyết 20 về phương hướng và nhiệm vụ tiếp theo, đó chính là tăng cường hệ thống y tế cấp cơ sở, đào tạo ra những bác sĩ có năng lực, phù hợp với bối cảnh. Hiện nay chỉ có một số người có đủ khả năng sử dụng bệnh viện chứ không phải ai cũng tiếp cận được với dịch vụ đó, nếu chỉ tập trung nguồn lực đầu tư cho bệnh viện sẽ là sự lãng phí. Đặc biệt hệ thống y tế cần sắp xếp lại, từ các bệnh viện lớn nhỏ cho đến các cơ sở chăm sóc y tế ban đầu. WHO đã làm việc với Chính phủ Việt Nam để phát triển và ban hành Nghị quyết 20. Giờ đây, WHO sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam thi hành Nghị quyết này. WHO tin rằng, Nghị quyết 20 sẽ giúp chăm sóc sức khỏe trong tương lai tốt đẹp hơn. (Sức khỏe & Đời sống, trang 16)
Bệnh nhân chạy đôn chạy đáo tìm vắc xin ngừa bệnh dại
Ngày 3.4, nhiều bệnh nhân chạy đôn chạy đáo tìm điểm tiêm vắc xin ngừa bệnh dại. Bệnh nhân cho biết 2 điểm tiêm vắc xin lớn tại TP.HCM là Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới và Viện Pasteur TP đều không còn vắc xin phòng ngừa bệnh dại Verorab.
Trao đổi với PV Thanh Niên, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP, cho biết vắc xin tiêm ngừa dại đã hết một tuần qua. BV đã báo cáo Sở Y tế để có hướng giải quyết. Những bệnh nhân đang tiêm chưa đủ liều thì được giới thiệu qua Viện Pasteur TP để tiêm tiếp. Tuy nhiên, Viện Pasteur TP.HCM hôm qua cũng cho biết đã hết vắc xin tiêm ngừa bệnh dại Verorab. Viện đã báo cáo cho Cục Quản lý dược để làm việc với nhà cung cấp.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, một điểm tiêm lớn khác là Trung tâm y tế dự phòng TP cũng không còn vắc xin ngừa bệnh dại. Một số điểm tiêm tư nhân còn nhưng số lượng rất hạn chế.
Hiện VN đang sử dụng 2 loại vắc xin tiêm ngừa dại là Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Tuy nhiên, vắc xin Verorab được ưa chuộng sử dụng nhiều hơn. Trước đó, tháng 2.2018 BV Bệnh nhiệt đới cũng đứt gián đoạn vắc xin Verorab. (Thanh niên, trang 4)
Thu nhập thấp, nhiều bác sĩ rời bệnh viện công
Từ đầu năm 2017 đến tháng 3-2018, hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước đã ghi nhận tổng cộng 125 bác sĩ tại các bệnh viện công xin nghỉ việc để chuyển sang các bệnh viện, phòng khám tư nhân làm.
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Phước, thời gian qua, toàn tỉnh có 23 bác sĩ nghỉ việc. Nguyên nhân do chính sách đãi ngộ chưa tương xứng, cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu thực hành y khoa, môi trường công tác chưa thuận lợi, đặc biệt thu nhập quá thấp.
Vừa nghỉ việc tại Bệnh viện đa khoa Bình Phước chuyển sang làm việc tại một bệnh viện tư nhân ở thị xã Đồng Xoài, bác sĩ N.C.C. (46 tuổi), cho biết: "Tôi về Bệnh viện đa khoa Bình Phước công tác từ những ngày đầu bệnh viện thành lập (năm 1997) nhưng vừa rồi tôi quyết định nghỉ việc và đã được giải quyết theo nguyện vong.
Tại Đồng Nai, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận tổng cộng 108 bác sĩ, dược sĩ nghỉ việc tại các cơ sở y tế trực thuộc sở. Trong đó, có 7 bác sĩ chuyên khoa 1 (CKI), 18 bác sĩ chuyên khoa 2 (CKII), 4 thạc sĩ bác sĩ, 73 bác sĩ. Riêng 3 tháng đầu năm 2018 có 22 bác sĩ nghỉ việc.
Trong số các bệnh viện "nhảy việc" nhiều nhất ở Đồng Nai là Bệnh viện đa khoa Thống Nhất với 23 bác sĩ nghỉ việc trong năm 2017, tiếp đến là Bệnh viện đa khoa Đồng Nai với 18 trường hợp.
Theo bác sĩ Phạm Văn Dũng - giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai, nguyên nhân chính các bác sĩ nghỉ việc là do "đồng lương thấp quá", số ít chuyển công tác do theo gia đình. (Tuổi trẻ, trang 4)
Đá thải độc là trò lừa đảo
Những viên đá thải độc, màu đen, hạt nhỏ được quảng cáo là có khả năng thải độc, tăng cường sức khỏe, theo các chuyên gia là một trò lừa…
Loại hết độc tố chỉ nhờ 1 viên đá nhỏ
Theo phản ánh của một số người dân Tổ dân phố số 1 và 2 Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nội, thời gian gần đây tại Nhà văn hóa Tổ dân phố số 1 và 2 có một đơn vị kinh doanh ghế massage về cho người dân nằm thử máy miễn phí. Để thu hút khách hàng đến thử máy, nhân viên ở đây có giới thiệu chương trình khuyến mãi cho khách hàng bằng tặng những viên đá có khả năng thải độc, tăng cường sức khỏe.
Nếu đi liên tục trong 1 tuần thì sẽ được tặng 1 viên đá nhỏ, đi liên tục trong 3 tháng sẽ được tặng viên đá hình lục giác. Những viên đá này có tác dụng tăng cường sức khỏe nếu dùng làm trang sức, thải độc nếu cho vào nồi cơm, luộc rau.
Theo quảng cáo của nhân viên thì đây là đá được làm từ 13 loại đá khác nhau, có tác dụng thải độc trong rau củ và bảo vệ sức khỏe. Khi nấu ăn, chỉ cần cho viên đá vào nấu cùng là độc tố sẽ tan biến hết. Hoặc khi uống nước, thả viên đá vào cốc nước là những chất độc hại sẽ được xử lý triệt để. Đây là hàng tặng cho khách hàng nằm ghế massage chứ không bán trên thị trường. Vì lý do này, rất nhiều người đã kiên trì đi nằm ghế massage, giới thiệu bạn bè đến trải nghiệm để được tặng đá.
Bà Lê Thị Tuyết Lan (tổ dân phố số 1, Mễ Trì Hạ) cho biết, bà đi nằm trải nghiệm ghế massage đã 3 tuần và được tặng 3 viên đá nhỏ. Bà sẽ cố gắng đi 3 tháng để được tặng viên đá hình lục giác có tên Gwisamonsok. Tuy nhiên, không biết là những viên đá này có tác dụng thực như quảng cáo không?
GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện Đá quý, vàng và trang sức Việt khẳng định, trong tự nhiên, không có bất cứ loại đá nào có tên đó, cũng không có loại đá nào có khả năng chữa bệnh, thải độc cũng như hóa giải độc tố trong đồ ăn thức uống.
Trường hợp nghiền nhiều loại đá ra rồi ép thành các viên đá khác nhau thì về bản chất, nó cũng chỉ là đá, không phải là hóa chất nên không thể có bất cứ tác dụng gì trong việc tạo ra phản ứng để trung hòa hay hóa giải chất độc. Trường hợp người ta trộn hóa chất vào đá sau khi nghiền nhiều loại đá ra, thì có thể có tác dụng nào đó. Nhưng đó là tác dụng của hóa chất đó, chứ không phải đá.
“Ngày xưa người ta hay dùng bạc để thử độc tố trong đồ ăn. Nếu đồ ăn có thuốc độc thì bạc sẽ biến màu đen. Ngày nay, người ta có thể cho ion bạc vào đá xay, tuy nhiên khả năng khử độc, tăng cường sức khỏe chỉ là quảng cáo, huyễn hoặc chứ không có cơ sở khoa học”, GS.TSKH Phan Trường Thị cho biết.
Nằm lên đá chữa bệnh là hoang đường
Theo phản ánh của những người tham gia trải nghiệm nằm ghế massage miễn phí thì nếu dùng những viên đá này đặt dưới đệm để nằm lên thì sẽ cải thiện được sức khỏe một cách đáng kể. Thậm chí, một số bệnh đơn thuần như đau lưng, nhức mỏi xương khớp có thể được chữa bằng những viên đá nhỏ này.
GS.TSKH Phan Trường Thị khẳng định, không có bất cứ loại đá nào có khả năng thần kỳ như vậy. Có một số loại đá như tuocmelin có thể giúp con người sảng khoái, thư giãn hơn, song không thể có khả năng chữa bệnh. Nằm lên mấy viên đá mà nói có thể chữa được bệnh là hết sức hoang đường.
“Có một điều phải cảnh báo với người tiêu dùng cả tin là hiện nay, rất nhiều sản phẩm đá có nguồn gốc từ Trung Quốc được quảng cáo là đá phong thủy, có nhiều khả năng thần kỳ như hút tài lộc, thăng quan tiến chức, chữa bách bệnh, đem lại vạn điều may nếu đem theo bên người… Đây là những điều bịp bợm, không hề có một chút cơ sở nào. Người tiêu dùng không nên tin để bỏ tiền ra mua, nhiều khi “tiền mất, tật mang”, rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo”, GS.TSKH Phan Trường Thị cho biết. (Khoa học & Đời sống, trang 4)
Phiên họp Chính phủ thường kỳ: Thủ tướng yêu cầu đảm bảo vệ sinh trong trường học, bệnh viện
Đây là một trong những nội dung được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề cập trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2018 diễn ra sáng nay 3/4. Thủ tướng yêu cầu bộ GD&ĐT nghiêm túc rà soát và chấn chỉnh việc trên.
Nhắc lại việc ngay từ khi nhậm chức đã chỉ đạo về việc xây dựng nhà vệ sinh đảm bảo chất lượng cho học sinh tại các trường học, Thủ tướng yêu cầu: “Khi nhận chức Thủ tướng, tôi đã lưu ý bảo đảm nhà vệ sinh tại các trường học. Nay yêu cầu ngành giáo dục chỉ đạo rà soát xem có tiến bộ gì, bởi đây là một chủ trương liên quan đến dân, đến học sinh”.
Ông yêu cầu bộ GD&ĐT phải làm rõ việc cải thiện, thực hiện chủ trương của Chính phủ về vấn đề bất cập này hiện đến đâu. Vì đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe của học sinh nên Bộ GD&ĐT phải kiểm tra kỹ lưỡng.
“Người ta vào bệnh viện sợ nhất là nhà vệ sinh. Có phải tất cả các bệnh viện và ngành y tế phải tập trung làm việc này không? Tất cả các trường học phải làm nhà vệ sinh cho học sinh? Phải làm cụ thể như vậy bởi liên quan đến quyền lợi của người dân. Còn chúng ta nói trên trời dưới đất mà không nói cụ thể việc này làm sao có sự thúc đẩy phát triển được?” – ông nhấn mạnh.
Vấn đề nhà vệ sinh trường học lâu nay luôn là nỗi ám ảnh của học sinh và phụ huynh tại các trường phổ thông công lập. Nhiều trường tại Hà Nội có cả nghìn học sinh nhưng chỉ có vài nhà vệ sinh. Nhiều nơi có nhà vệ sinh nhưng không dùng được hoặc bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện có khoảng 2.700 nhà vệ sinh trên tổng số 2.622 trường học ở các cấp chưa đạt chuẩn. Nhiều nhà vệ sinh hư hỏng, các hạng mục như trần, tường, đường ống nước, bốc mùi…
Sở này hiện đã có rà soát, đánh giá hiện trạng sơ bộ, lập đề án báo cáo UBND thành phố đề xuất phương án cải tạo 2.700 nhà vệ sinh trường học các cấp, trị giá khoảng 395 tỷ đồng.
Trước thực trạng này, tùy điều kiện và nhu cầu cải tạo, sửa chữa số phòng vệ sinh chưa đạt chuẩn của mỗi trường, Sở sẽ tham mưu để có sự đầu tư của thành phố và huy động xã hội hóa cho các trường cải tạo các nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn. Dự kiến, từ năm 2018 - 2020, Sở sẽ đề xuất thành phố tiếp tục nâng cấp các nhà vệ sinh xuống cấp hoặc những khu vệ sinh còn thiếu. (Phụ nữ Việt Nam, trang 3)
Hiến tạng - “mở đường” để sự sống tiếp diễn
Để ca ghép tạng được thành công không chỉ nhờ vào kỹ thuật, chuyên môn... mà cần sự hy sinh, đồng thuận, tấm lòng cao cả của người hiến tạng và gia đình. Một người bị tai nạn chết não có thể cứu sống cả chục người, tuy nhiên, ở Việt Nam, số ca chết não được hiến tạng còn hiếm. Bên cạnh những rào cản về văn hóa, định kiến, luật pháp còn nhiều điều chưa khích lệ người đăng ký hiến tạng.
Không chỉ là câu chuyện về những trái tim rời người chết lại tiếp tục đập trong lồng ngực người khác, những đôi mắt vẫn tiếp tục trong veo mở ra nhìn đời mà còn là chuyện kể về trái tim – tấm lòng nhân hậu, cao cả của những người mẹ, người vợ, đã gạt nỗi đau, cho đi một phần cơ thể của con, của chồng mình, để con lại tiếp tục nối dài sự sống khi đã mất đi.
Món quà trong veo giữa đời
Cách đây vài ngày, lễ tôn vinh thiếu tá Lê Hải Ninh (45 tuổi, quê ở Ninh Bình) do Bệnh viện Quân đội 108 tổ chức, đã diễn ra trong tiếng khóc nghẹn ngào, kìm nén và những tràng vỗ tay tự hào. Mọi người tiếc thương nhưng cũng vô cùng cảm phục về người lính dù mất đi nhưng vẫn cứu giúp được nhiều đồng đội, người bệnh.
Chết não là tình trạng não không còn hoạt động nhưng tim còn hoạt động với sự trợ giúp của máy móc. Tim “sống”, giúp đưa oxy về các tạng nên tạng vẫn còn hoạt động. Người chết não sẽ bị tử vong sau một vài ngày, không thể cứu được nữa. Từ khi được chẩn đoán chết não thì thời gian lấy tạng tốt nhất là sau 36 giờ. Quy trình công bố một bệnh nhân chết não rất nghiêm ngặt. Sau khi chẩn đoán các dấu hiệu lâm sàng, các bác sĩ tiến hành doppler xuyên sọ để xem sóng mạch ở động mạch não; ghi điện não, phân tích khí máu... Kết luận chết não phải được hội đồng ít nhất 3 bác sĩ chuyên khoa: hồi sức cấp cứu – bác sĩ nội thần kinh – bác sĩ phẫu thuật thần kinh, từ chuyên khoa cấp I, thạc sĩ trở lên được tập huấn về chết não và do Ban Giám đốc bệnh viện phê duyệt. Ba bác sĩ này khám độc lập và xác nhận là bệnh nhân chết não. Do đó, nỗi lo lắng “chẩn đoán nhầm” người không chết não thành người chết não là không thể xảy ra.
Nhiều ngày túc trực, chăm sóc chồng bị bạo bệnh, chị Kiều không ngừng mong mỏi chồng tai qua nạn khỏi. Đến khi biết chồng không qua khỏi, chị Kiều lại không ngừng tự tranh đấu với bản thân. Chị vừa mong anh ra đi thanh thản, nhưng lại muốn anh cứu sống nhiều người khác. Cuối cùng, với tấm lòng thiện nguyện, cao cả, chị đã chia sẻ nguyện vọng được hiến tạng của chồng để cứu sống nhiều người khác. Gia đình nội ngoại đã hiểu và đồng ý với nguyện vọng của chị.
Ca mổ đã diễn ra vào ngày 26.2. Trước giờ lên bàn mổ, thay lời từ biệt, chị Kiều khẽ chạm tay vào chồng và thì thào: “Em không biết hành động của em là đúng hay sai, em không biết anh có giận em không nữa, nhưng em muốn anh cứu sống được nhiều người khác. Anh mất đi nhưng em muốn trái tim anh vẫn đập, lá phổi của anh vẫn thở và đôi mắt ngời sáng theo dõi mẹ con em sống như thế nào”.
Trung tướng Mai Hồng Bàng – Giám đốc Bệnh viện 108 cho biết – người trực tiếp thực hiện ca ghép tạng xuyên Việt đã xúc động chia sẻ: “Thiếu tá Lê Hải Ninh dường như đã thấu hiểu tình yêu thương vô bờ và quyết định đầy nhân văn, cao cả của vợ. Nhờ quyết định đó mà dù anh mất đi nhưng trái tim anh đang đập trong lồng ngực anh Nguyễn Quốc Hùng 30 tuổi, hai lá phổi của anh đang giúp anh Trần Ngọc Hanh hít thở, 2 quả thận của anh được tặng cho 2 người khác ở 2 đầu Nam – Bắc; 2 giác mạc đang trong 2 đôi mắt sáng ngời, đang dõi theo cuộc sống của vợ con anh, gia đình anh”.
Và 4 người đã được cứu sống một cách kỳ diệu, 2 người khác có lại ánh sáng. Hai trong số 6 người là đồng đội của thiếu tá Ninh. “Món quà tuyệt diệu, trong veo giữa cuộc đời này với nhiều ước nguyện được gửi gắm” – Trung tướng Mai Hồng Bàng đã nghẹn giọng. Ông Lê Xuân Cựu – bố đẻ thiếu tá Lê Hải Ninh chia sẻ nghẹn ngào: “Nhận được thông tin các ca ghép tạng từ tạng của con tôi thành công là niềm an ủi, tự hào của gia đình họ tộc chúng tôi. Chúng tôi hiểu rằng sự cho đi còn mãi mãi. Và đâu đó trên đời này con trai tôi vẫn còn hiển hiện và dõi theo chúng tôi”.
Ông Cựu cũng mong muốn phong trào hiến tạng sẽ lan tỏa rộng rãi trong xã hội, để giúp cho nhiều người cần tạng.
Cô bé lay động triệu trái tim
Nhiều người vẫn còn xúc động khi nhắc đến sự ra đi của bé Hải An – cô bé 7 tuổi bị u não. Nhưng khi mất, bé đã hiến hai giác mạc để đem lại ánh sáng cho hai người khác vào ngày 22.2.
Chị Nguyễn Trần Thùy Dương (sinh năm 1985, trú tại Hà Nội) – mẹ bé An chia sẻ, con gái Hải An của chị bị phát hiện ung thư thần kinh thể sao hồi tháng 9.2017. Từ khi con bị bệnh, chị đã thôi việc để đồng hành với con từng giây, từng phút trong bệnh viện. Khi biết được con chị khó qua khỏi, chị đã có nguyện vọng muốn hiến tạng của con để sự sống của con được nối dài mãi. Chị cho biết, chị cũng từng tâm sự với con về việc hiến tạng cứu giúp người khác và con chị đã đồng ý. Gần lúc con mất, chị gọi điện cho Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để hy vọng cứu giúp người khác.
Tuy nhiên, nguyện vọng của chị và con gái đã không thành vì con chị chưa tròn 18 tuổi, theo luật chưa thể hiến tạng nên chị chỉ có thể hiến giác mạc của con sau khi cháu mất. Là người trực tiếp lấy giác mạc cho cháu bé, ông Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc Ngân hàng Mắt thuộc Bệnh viện Mắt Trung ương kể lại: “Trước khi các phẫu thuật viên làm thủ tục nhận giác mạc hiến, mẹ cháu bé ôm con gái và nói: "Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé" rồi đặt nụ hôn lên trán cháu. Hơn 10 năm làm công việc này tôi chưa bao giờ cảm xúc đến thế”– ông Hoàng xúc động.
Hai giác mạc của bé Hải An đã được trao tặng cho 1 phụ nữ và một nam giới vì có cơ địa phù hợp sau nhiều năm họ sống trong bóng tối. Khi lại có thể nhìn được cuộc đời đầy màu sắc, hai người nhận giác mạc đã đến nhà thắp hương cho bé Hải An, nói một lời thấm thía từ đáy lòng: “Cảm ơn cháu đã tặng lại ánh sáng cho bác”.
Chị Dương trong buổi gặp xúc động đó cũng chia sẻ: “Khi nhìn vào mắt của hai người nhận, tôi cảm giác như con tôi vẫn đang ở cạnh mình. Lúc con còn sống, hai mẹ con thường cụng đầu và nhìn vào mắt nhau. Và giờ đây, mắt của con tôi vẫn sáng long lanh”.
Chỉ sau 4 ngày con mất, chị Dương cũng đã đến Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, để đăng ký hiến tạng sau khi mất.
Trái tim nhân hậu của bé Hải An và mẹ Dương đã làm lay động trái tim hàng triệu người. Ông Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, sau câu chuyện bé Hải An, tổng cộng có gần 1.000 người đăng ký hiến tạng (trên tổng số 1.200 người hiến từ đầu năm đến nay).
“Gặp” con qua 5 người khác
Đó là câu chuyện của bà mẹ Cấn Thị Ngần (58 tuổi, trú tại xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Ngày 27.7.2016, con trai mà là anh Trịnh Đình Vàng (sinh năm 1984) đột ngột ra đi do bị ngã từ sân thượng xuống, được chẩn đoán chết não. Bà đã dũng cảm ký đơn hiến tạng để các bác sĩ Bệnh viện Quân Y 103 thực hiện ca ghép tạng hồi sinh sự sống cho 5 người khác (tim, 2 quả thận, 2 giác mạc).
Bà Ngần chỉ là một bà mẹ nghèo, làm nông nghiệp. Chồng bà mất sớm, khi anh Vàng mới 5 tuổi. Bà ở vậy, tần tảo, khó nhọc nuôi 3 con lớn khôn. Dù chỉ là một phụ nữ lam lũ, chất phác, nhưng vào giờ khắc đang quặn thắt đau đớn vì mất con nhưng tấm lòng người mẹ đã khiến bà hiểu được sự mong ngóng con được khỏe mạnh của nhiều người mẹ khác. Vì thế, bà nén đau, ký vào đơn hiến tạng của con trai để con trai người mẹ khác được cứu sống.
Trái tim của con trai bà đã được trao tặng cho anh Nguyễn Nam Tiến – một chiến sĩ pháo binh lính biển bất ngờ bị viêm cơ tim, thời gian sống của anh được bác sĩ tiên lượng chỉ còn chưa đầy 1 tháng. Nhưng nhờ trái tim của anh Vàng, anh Tiến tiếp tục sống khỏe mạnh. Sau 20 ngày ghép tim, vẫn còn nằm trên giường hồi sức, anh Vàng nhận được tin vợ vừa sinh cho anh thêm một cô con gái. Và anh được tái sinh, để vợ không mất chồng, 2 con không mất bố.
Nhiều tháng sau, khi anh Tiến đến thăm bà, bà Ngần nghẹn ngào. Bà cứ vuốt ve mãi lồng ngực của Tiến, nơi mà sau 6 tháng chôn cất con trai mình, bà lại nghe được tiếng tim đập của con như một phép màu.
Ngày giỗ đầu của Vàng (27.7.2017), điều kỳ diệu đã xảy ra khi cả 5 người nhận tạng của anh Vàng đã về thắp hương và cùng ngồi quây quần bên mâm cơm với bà Ngần. Bà đã được gặp lại con thông qua 5 người khác. “Như thể con trai tôi chưa bao giờ rời khỏi” – bà Ngần nghẹn ngào. (Nông thôn Ngày nay, trang 1)
"Bóc" khối u tử cung "khủng" 7kg cứu bệnh nhân nguy cấp vì suy thận
Nữ bệnh nhân 54 tuổi ở Hải Phòng có hiện tượng đau bụng kéo dài nhưng chỉ đến khi bụng to lên, sờ rõ khối u, thì bệnh nhân mới chịu vào viện.
Ngày 2/4, Bệnh viện K cho biết, các bác sĩ của Bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân 54 tuổi mang trong mình một khối u cổ tử cung khổng lồ nặng 7kg, chèn ép vào ổ bụng, gây suy thận, tắc ruột nếu không phẫu thuật kịp thời nguy cơ tử vong rất lớn.
Trước đó, bệnh nhân Nguyễn Thị P. (54 tuổi) trú tại Hải Phòng nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, đau hạ vị và bụng căng to.
Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ Khoa Ngoại Phụ khoa cho biết, bệnh nhân có triệu chứng đau bụng kéo dài 6 tháng, nhưng do chủ quan nên không đi thăm khám sức khỏe định kì. Tuy nhiên 1 tháng trở lại đây, gia đình phát hiện bụng bệnh nhân ngày càng to ra kèm theo dấu hiệu mệt mỏi, ăn uống kém thấy đau tức bụng, chướng bụng nhiều hơn, sờ rõ khối u kích thước lớn nổi gồ, đẩy lệch hẳn về bên phải thành bụng, đại tiện khó khăn nên gia đình đưa bệnh nhân vào viện.
Bệnh nhân được làm các xét nghiệm để chẩn đoán, chỉ điểm khối u, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng và hội chẩn toàn khoa. Kết quả chụp cắt lớp vi tính ổ bụng cho thấy vùng tiểu khung lệch trái có khối tỷ trọng kích thước 26x15x18 cm phát triển lên phía trên bên phải ổ bụng, đè đẩy các quai ruột, ngấm thuốc sau tiêm kèm theo vôi hóa và có dịch trong khối, kèm theo hạch nhỏ lân cận. Các bác sĩ chẩn đoán khối u lớn tiểu khung theo dõi u xơ tử cung kích thước lớn hoặc u quái buồng trứng phải.
Tiên lượng đây là một ca bệnh khó vì khối u rất lớn, chèn ép nhiều cơ quan, cộng thêm thách thức là bệnh nhân bị suy thận, nếu không phẫu thuật kịp thời, nguy cơ bệnh nhân tử vong rất cao. Không còn thời gian chờ đợi, các bác sĩ quyết tâm tiến hành phẫu thuật.
Kíp mổ gồm các y bác sĩ khoa Ngoại phụ khoa là Ths.Bs Phạm Thị Diệu Hà, Phó trưởng khoa và BS Trương Văn Hợp cùng kíp gây mê đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u. Do khối u kích thước lớn làm biến đổi giải phẫu các cấu trúc trong tiểu khung như niệu quản, trực tràng, động mạch chậu 2 bên, mặt khác u lại giàu mạch máu nuôi dưỡng nên nguy cơ chảy máu rất cao nên gây nhiều khó khăn trong việc phẫu tích. Các bác sĩ đã thực hiện phẫu tích tỉ mỉ bóc tách và bảo tồn được các cấu trúc quan trọng trong cuộc mổ.
Đúng như dự đoán trước mổ thân tử cung có nhiều khối u xơ kích thước đường kính khoảng 30cm, vùng cổ tử cung có khối u lan rộng vào trong dây chằng rộng kích thước 15x13 cm, dính sát mặt sau bàng quang và mặt trước trực tràng, làm biến đối cấu trúc giải phẫu tiểu khung, gây giãn và đẩy lệch niệu quản 2 bên. Khối lượng khối u lấy ra khỏi cơ thể là 7kg.
Sau mổ các bác sĩ chẩn đoán đa u xơ ở thân tử cung và dây chằng rộng kích thước lớn. Ca phẫu thuật đã diễn ra thành công, bệnh nhân dần ổn định.
Ths.Bs Phạm Thị Diệu Hà, Phó Trưởng khoa Ngoại phụ khoa - Bệnh viện K cho biết, nếu không được phẫu thuật kịp thời, sức khỏe bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)