Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 04/5/2021

  • |
T5g.org.vn - Công điện của Thủ tướng chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid -19; Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Lào vượt qua khó khăn trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19; Bộ trưởng Bộ Y tế: Hà Nam cần quyết tâm nhanh chóng dập dịch COVID-19 sớm nhất; BV Ung bướu cơ sở 2 TP.HCM sẽ sớm đi vào hoạt động…

 

Công điện của Thủ tướng chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid -19

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 570/CĐ-TTg ngày 2-5-2021 về việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19.

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các quy định, quy chế về phòng, chống dịch của Bộ Y tế. Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch phải được xác định trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

2. Trên cơ sở bám sát tình hình thực tiễn, kinh nghiệm phòng chống dịch của các nước và các địa phương trong thời gian qua; bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định hiện hành về phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần phân cấp, phân quyền tối đa đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và cá thể hóa trách nhiệm cho các cấp, các ngành, các địa phương chủ động, sáng tạo, linh hoạt phòng, chống dịch có hiệu quả nhất, đồng thời chịu trách nhiệm về kết quả công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình hiện nay.

3. Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đề nghị các cấp có thẩm quyền khẩn trương rà soát, xem xét khen thưởng kịp thời theo quy định đối với các địa phương: Vĩnh Phúc, Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lâm Đồng… đã kịp thời, phản ứng nhanh, chủ động có các biện pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Thủ tướng Chính phủ phê bình, nhắc nhở, yêu cầu:

- Các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời chấn chỉnh nghiêm tình trạng không tuân thủ quy định “5K” của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia, nhất là việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc nơi công cộng.

Các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang rút kinh nghiệm trong việc chậm triển khai các khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm điều kiện vật chất, trang thiết bị phòng chống dịch và năng lực xét nghiệm tại địa phương.

- Các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Hà Nam, Yên Bái bám sát quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, căn cứ hậu quả xảy ra để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, xử lý theo quy định, kể cả xử lý trách nhiệm hình sự, theo tinh thần khách quan, công bằng, nghiêm minh.

Bộ Y tế kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nội dung này; tăng cường đôn đốc, kiểm tra giám sát việc bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc và điều kiện phòng chống dịch ở các địa phương.

4. Các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong công tác quản lý nhập cảnh. Tổ công tác liên ngành gồm 5 Bộ: Y tế, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Giao thông - Vận tải tập trung thống nhất xử lý, kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh của người Việt Nam ở nước ngoài, của các chuyên gia, công nhân kỹ thuật cao nước ngoài.

5. Bí thư Cấp ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tại địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, động viên tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân để tập trung cho việc phòng chống dịch hiệu quả. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để phải trả giá đắt. Mọi sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác sẽ phải trả giá về tính mạng con người, sức khỏe cộng đồng, tiền của, cơ hội, phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội và niềm tin, uy tín với nhân dân.

6. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không gây tâm lý hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh, nhất là gây mất ổn định và hoảng loạn trong xã hội.

7. Tăng cường phối hợp hơn nữa giữa các cơ quan trong công tác phòng chống dịch; luôn tỉnh táo, sáng suốt bám sát thực tế, tích cực, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong việc xử lý tình huống.

8. Các lực lượng chức năng trên tuyến đầu chống dịch nêu cao tinh thần trách nhiệm, xả thân, cống hiến vì danh dự, nghĩa vụ thiêng liêng, cao quý, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, sức khỏe cộng đồng, vì hạnh phúc của nhân dân. Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và sẽ có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời, phù hợp.

9. Về việc đảm bảo vaccine tiêm phòng dịch Covid-19:

a) Bộ Y tế rà soát toàn bộ số vaccine còn lại, thúc đẩy tiến độ tiêm hết số vaccine này nhanh nhất và công bố trên thông tin đại chúng để cho nhân dân biết và giám sát.

b) Bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 50, Nghị quyết số 21 của Chính phủ để rà soát, xem xét tiếp cận nhiều nguồn vaccine nhất có thể để chủ động mở rộng phạm vi tiếp cận, tăng tính cạnh tranh và các sinh phẩm xét nghiệm mới, hiện đại, tập trung đàm phán với các đối tác, tận dụng các mối quan hệ, tổ chức mua và kiểm soát được nguồn cung cấp, chất lượng, giá vaccine và các sinh phẩm xét nghiệm một cách công khai, minh bạch.

c) Quản lý và sử dụng có hiệu quả, kịp thời nguồn tài chính ngân sách đã được bố trí. Đồng thời có cơ chế, chính sách và các giải pháp kiểm tra, giám sát để các doanh nghiệp và người dân tích cực, chủ động tham gia xã hội hóa trên cơ sở đặt lợi ích chung, lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết. Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong việc mua bán, sử dụng vaccine.

10. Bộ Y tế bám sát kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ về nhập khẩu, sản xuất và tiêm vaccine, cập nhật tình hình trong và ngoài nước để chỉ đạo xây dựng Báo cáo và Tờ trình ngắn gọn xin ý kiến thành viên Chính phủ tại phiên họp Chính phủ tháng 5-2021 cho một số chủ trương lớn, trong đó chuẩn bị cho tình huống có 30.000 ca nhiễm Covid-19 để Bộ Y tế có cơ sở thực hiện mua trang thiết bị dự trữ; phương án thúc đẩy nghiên cứu sản xuất, nhập khẩu và tổ chức tiêm vaccine.

11. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thay mặt Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo toàn diện các công việc liên quan đến phòng, chống dịch; trường hợp cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Y tế phát huy trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về phòng, chống dịch, nêu cao trách nhiệm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, chủ trì tổ chức, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc triển khai thực hiện. (An ninh Thủ đô, trang 2; Công an nhân dân, trang 1; Nhân dân, trang 1).

 

Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Lào vượt qua khó khăn trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

Chiều ngày 29/4/2021, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có cuộc trao đổi trực tuyến với ông Bounfeng Phoummalaysith – Bộ trưởng Bộ Y tế Lào.

Chiều ngày 29/4/2021, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có cuộc trao đổi trực tuyến với ông Bounfeng Phoummalaysith – Bộ trưởng Bộ Y tế Lào.

Tại cuộc trao đổi, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà Lào đang gặp phải khi ứng phó dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp. Bộ trưởng khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong phòng chống COVID-19 ở Việt Nam, đồng thời muốn lắng nghe những đề nghị của Bộ Y tế Lào về những hỗ trợ của Việt Nam và Bộ Y tế Việt Nam trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 đang xảy ra tại đất nước Lào.

Ông Bounfeng Phoummalaysith – Bộ trưởng Bộ Y tế Lào - bày tỏ lời cảm ơn đến Chính phủ VIệt Nam và Bộ Y tế Việt Nam trong thời gian qua đã kề vai sát cánh, giúp đỡ nhân dân Lào.

Đại diện Bộ Y tế Lào cho biết từ 20/4/2021 đến nay, dịch COVID-19 ở Lào đã bùng phát mạnh, lây lan trên 15/18 tỉnh trên toàn quốc, số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng cao, cao điểm có ngày tới 100 ca mắc mới. Qua quá trình điều tra dịch tễ thì các ca bệnh COVID-19 trong thời gian này tại Lào liên quan chủ yếu đến nhập cảnh không hợp pháp.

Các tỉnh, thành phố ở Lào đã có những biện pháp nhằm khống chế sự lây lan. Hiện Lào chưa có ca bệnh tử vong vì COVID-19. Tại thủ đô Vientiane, người bệnh COVID-19 đã lấp đầy các bệnh viện tuyến đầu (trung ương) và hiện Lào đã phải sử dụng các cơ sở y tế dã chiến để đón người bệnh COVID-19.

Đại diện Bộ Y tế Lào cũng cho biết, để kịp thời xét nghiệm phát hiện sớm các trường hợp mắc COVID-19, với những thiết bị xét nghiệm hiện có, Lào đang cần khoảng 10 máy xét nghiệm Realtime Rt-PCR với công suất xét nghiệm 40.000 mẫu/ngày.

Phía Bộ Y tế Lào cũng chia sẻ mong muốn được Việt Nam giúp đỡ về trang thiết bị, vật tư phòng dịch, điều trị bệnh nhân. Đặc biệt, Bộ Y tế Lào mong muốn Việt Nam hỗ trợ chuyên gia xét nghiệm Rt-PCR và chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong phòng dịch và điều trị bệnh nhân COVID-19.

Qua nghe thông tin từ Bộ Y tế Lào, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ những phức tạp, khó khăn mà đất nước Lào đang gặp phải khi dịch COVID-19 lây lan, bùng phát mạnh thời gian gần đây, và đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế Lào trong đối phó đại dịch, đặc biệt là việc lực lượng y tế của Lào đã triển khai đồng loạt các hoạt động phòng, chống dịch.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong đối phó đại dịch, đặc biệt là việc ngăn chặn lây nhiễm trong cộng đồng, Việt Nam rất quan tâm và đã triển khai đồng bộ mọi hoạt động trên tinh thần nhanh nhất có thể.

Trước hết, Việt Nam đã triển khai truy vết rất triệt để, làm sao truy hết những trường hợp tiếp xúc gần với ca dương tính SARS-CoV-2 để cách ly.

Thứ 2, Việt Nam thực hiện các chiến lược xét nghiệm khác nhau, và quan điểm hiện nay là xét nghiệm trên diện rộng để kiểm soát tình hình, không chỉ người tiếp xúc gần mà cả những trường hợp tF2 cũng được lấy mẫu xét nghiệm.

Việt Nam cũng áp dụng chiến lược gộp mẫu, có vùng dịch gộp tới 16 mẫu, công suất xét nghiệm nâng lên nhanh chóng, đáp ứng được yêu cầu. Bộ Y tế hướng dẫn, cho phép địa phương gộp 5 mẫu cho giám sát cộng đồng, giám sát các ca nghi ngờ tại các cơ sở y tế. Điều này giúp tăng công suất xét nghiệm và đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh thiếu nguồn lực cho xét nghiệm.

Đến nay, Việt Nam đã xét nghiệm cho hơn 2 triệu lượt người, công suất xét nghiệm tăng lên nhanh chóng, điển hình là trong đợt dịch thứ 3 xảy ra tại Hải Dương.

Thứ 3, một trong những kinh nghiệm quý báu Việt Nam với chiến lược áp dụng từ đầu dịch trên tinh thần kiên quyết, triệt để là cách ly tập trung những người tiếp xúc gần (F1) với ca dương tính, nhằm mục đích đưa mầm bệnh ra khỏi cộng đồng, cắt đứt đường lây nhiễm tại cộng đồng.

Thứ 4, về điều trị, với đại dịch COVID-19 đặc biệt khi dịch xảy ra với nhóm đối tượng có nhiều yếu tố nguy cơ (như người cao tuổi, người có bệnh lý nền) khả năng tỷ lệ tử vong cao hơn với nhóm đối tượng khác nên Việt Nam rất chú ý vấn đề điều trị.

Cũng liên quan đến điều trị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay với bệnh nhân không có hoặc có triệu chứng nhẹ sẽ điều trị ở bệnh viện dã chiến. Trường hợp có diễn biến nặng hơn thì đưa đến các trung tâm hoặc bệnh viện khu vực có sẵn sàng hệ thống hồi sức cấp cứu để có những hỗ trợ chuyên môn thích đáng.

“Ngay từ đầu, Việt Nam đã thiết lập hệ thống khám chữa bệnh từ xa kết nối mọi cơ sở điều trị COVID-19. Đến nay đã kết nối 1.500 điểm trên tất cả tỉnh/thành, quận/huyện. Bệnh nhân COVID-19 điều trị bất cứ nơi đâu đều có sự hỗ trợ kịp thời của các chuyên gia đầu ngành” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.

Người đứng đầu ngành Y tế Việt Nam cũng chia sẻ, có những bệnh nhân nặng, Việt Nam có hội chẩn toàn tuyến với sự tham gia của chuyên gia, các cơ sở có kinh nghiệm để có hướng điều trị tốt nhất. Vì thế, trong đợt dịch thứ 3, số ca nhiễm rất cao nhưng không có ca tử vong.

Về đề nghị hỗ trợ của bộ Y tế Lào, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Lào vượt qua khó khăn này.

Bộ trưởng cho biết, Đảng, Nhà nước Việt Nam chính thức quyết định hỗ trợ cho Lào 200 máy thở, 2 triệu khẩu trang y tế, 10 tấn chlorominB và các trang thiết bị phòng dịch khác.

Về hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, Bộ Y tế sẽ cử chuyên gia xét nghiệm để giúp cho Lào thiết lập hệ thống xét nghiệm nhanh nhất. “Việt Nam là nơi thứ 4 trên thế giới phân lập thành công virus SARS-CoV-2”- Bộ trưởng chia sẻ thêm.

Cùng với đó, Bộ Y tế sẽ cử chuyên gia rất có kinh nghiệm trong lập bệnh viện dã chiến đặc biệt là thiết lập phòng Hồi sức cấp cứu (ICU) điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Việt Nam có những bệnh viện dã chiến thiết lập trong 10 tiếng đồng hồ. Các chuyên gia có thể hỗ trợ, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm điều trị bệnh nhân nặng.

Trên tinh thần sẵn sàng hỗ trợ tất cả cơ sở điều trị của Lào, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết sẽ hỗ trợ điều trị từ Việt Nam thông qua kết nối trực tuyến bằng hệ thống Telehealth (khám chữa bệnh từ xa) của các bệnh viện của Việt Nam, với sự tham gia của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong điều trị COVID-19 sẽ hỗ trợ, trao đổi với các đồng nghiệp Lào các ca bệnh khó. Đây là bài học quý báu trong điều trị COVID-19. Thiết lập kết nối telehealth sẽ do các kỹ sư Việt Nam thiết lập ngay tại các cơ sở điều trị COVID-19 ở Lào.

Về các đề nghị hỗ trợ trang thiết bị chẩn đoán, sinh phẩm, Bộ Y tế Việt Nam sẽ có báo cáo Chính phủ và sẽ có thông báo sau. “Về phương thức hỗ trợ, chúng tôi sẵn sàng cử máy bay chở hàng hoá và chuyên gia Việt Nam sang thủ đô Viên Chăn bất cứ khi nào phía Lào thu xếp được” – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Y tế Lào bày tỏ cảm ơn với những chia sẻ quý báu của phía Việt Nam về kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19. Ông Bounfeng Phoummalaysith đánh giá những chia sẻ này rất có ý nghĩa với Lào trong tình hình dịch hiện nay. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Bộ trưởng Bộ Y tế: Hà Nam cần quyết tâm nhanh chóng dập dịch COVID-19 sớm nhất

Ngay khi đã xuất hiện chùm ca bệnh COVID-19 trong gia đình gồm 5 người mắc với nguồn lây từ nam thanh niên vừa hết cách ly tập trung, chiều tối ngày 29/4, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế đã về Hà Nam làm việc khẩn với địa phương về công tác phòng chống dịch.

Tiếp và làm việc với đoàn công tác của Bộ Y tế về phía tỉnh Hà Nam có bà Lê Thị Thuỷ- Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam; ông Trương Quốc Huy- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND Tỉnh Hà Nam.

Báo cáo của UBND tỉnh Hà Nam cho biết, đến nay đã truy vết 113 trường hợp F1, số F2 khoảng hơn 200 người và hiện đang tiếp tục điều tra, truy vết. Ngay chiều nay, Thường trực tỉnh uỷ Hà Nam đã họp khẩn với các sở, ban, ngành liên quan về công tác phòng chống dịch, trong đó tỉnh xác định việc xét nghiệm truy vết nhanh hết sức cần thết, trước hết lấy mẫu rộng tại các thôn, xét nghiệm mẫu gộp nếu có mẫu dương thì xét nghiệm từng mẫu.

Hiện nay tỉnh xét nghiệm được khoảng 400 mẫu ngày, từ ngày mai có thêm 1 máy xét nghiệm nữa đặt tại BVĐK tỉnh Hà Nam, có thể nâng công suất lên đến 1.000 mẫu/ngày. Đến nay năng lực xét nghiệm vẫn đủ, tuy nhiên, nếu số người cần xét nghiệm mở rộng nữa thì Hà Nam khó khăn. Do đó, tỉnh đề nghị Bộ Y tế, quan tâm hỗ trợ.

Hiện tỉnh có 100 máy thở phục vụ điều trị, Hà Nam mong muốn Bộ Y tế quan tâm hỗ trợ BVĐK Hà Nam thiết lập khu điều trị rộng hơn. Tỉnh cũng mong muốn Bộ Y tế quan tâm cấp thêm vắc xin phòng COVID-19, hiện tỉnh đã được cấp 4.500 liều, hiện mới tiêm gần 1.500 liều.

Phải nhanh chóng, khẩn trương, thần tốc truy vết

Tại cuộc họp, PGS.TS Trần Như Dương- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW đánh giá tốc độ xử trí của Hà Nam nhanh, tuy nhiên tỉnh cần phải tiếp tục thần tốc truy F1 ngay, không chỉ để riêng ngành y tế truy vết mà phải có sự vào cuộc của ngành công an, để tránh sót mấu chốt dịch tễ.

“Nếu chúng ta chậm trễ giờ nào là nguy hiểm thêm, chỉ 2 ngày F1 thành F0. Phải truy hết mốc dịch tễ xem các bệnh nhân đi đâu làm gì. Đề nghị thực hiện theo hướng dẫn bài bản của Bộ Y tế, thực hiện triệt để nếu không sẽ rất phức tạp. Phải truy thần tốc tất cả các mẫu dịch tễ, tránh bỏ sót, nếu phát hiện F1 thì đưa ngay ra khỏi cộng đồng và lấy ngay mẫu xét nghiệm đơn, tuyệt đối không xét nghiệm mẫu gộp các trường hợp F1. Có như thế tốc độ của chúng ta mới theo kịp dịch. Chứ nếu thực hiện xét nghiệm mẫu gộp thì chúng ta lại chạy theo dịch”- PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh.

Hà Nam phải tổ chức giám sát tất cả các trường hợp sốt, ho, đau họng. Tất cả những trường hợp này phải cách ly tại nhà, lất mẫu đơn xét nghiệm ngay. Đây là những trường hợp có dấu hiệu chỉ điểm, đặc biẹt là tại khu vực lân cận bệnh nhân sinh sống, giao lưu.

Đồng thời, Hà Nam phải thành lập ngay các tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng ngay trong thôn Quan Nhân đêm nay, và toàn xã vào ngày mai. 2 người 1 tổ phụ trách 30-50 người để đi từng ngõ, gõ từng nhà, theo dõi chặt từng truòng hợp, nếu ho, sốt thì báo cáo lấy mẫu xét nghiệm ngay. Bên cạnh đó, tỉnh phải huy đông toàn bộ sinh viên trường Y để tập huấn về công tác lấy mẫu xét nghiệm, chuẩn bị sẵn tình huống chống dịch khi cần.

Điều động chuyên gia chủ lực hỗ trợ Hà Nam ngay trong đêm về xét nghiệm và truy vết

Phát biểu tại buổi làm việc, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá Hà Nam đã nhanh chóng triển khai các giải pháp phòng chống dịch.

Theo Tư lệnh ngành y, hiện ổ dịch này đã liên quan đến nhiều tỉnh thành khác, vì bệnh nhân đã đi taxi, xe khách, đã có người tiếp xúc bay vào TP Hồ Chí Minh, do đó yêu cầu các địa phương có người đi chung chuyến bay ở Nhật về Đà Nẵng hôm 7/4; đi chung xe khách từ Đà Nẵng về Hà Nam và cách ly chung với bệnh nhân tại khách sạn ở TP Đà Nẵng phải cách ly tập trung ngay, lấy mẫu xét nghiệm. 121 người cách ly cùng bệnh nhân tại khách sạn Alisia Bench ở Đà Nẵng chúng tôi đánh giá rất nhiều nguy cơ.

“Những trường hợp còn lại cách ly tại các khách sạn khác phải lấy mẫu xét nghiệm ngay. Tất cả các hành khách đi cùng chuyến xe với bệnh nhân phải cách ly ngay, đồng thời truy vết ngay những người tiếp xúc với người đi cùng xe, để khi những trường hợp F1 thành F0, chúng ta đã có danh sách sẵn để quản lý”-  Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu.

Thực hiện giãn cách xã hội ngay tại xã, riêng thôn Quan Nhân phải phong tỏa cứng không có chuyện đi lại giao lưu giữa người này với nười khác.

“Chúng ta truy vết hết những người là F1 để có kịch bản cụ thể, rà soát F2 để khi F1 thành F0 thì F2 thành F1 phải có biện pháp cách ly tập trung ngay. Trong đêm nay tỉnh Hà Nam phải lấy mẫu toàn bộ 1.068 nhân khẩu của 322 hộ gia đình trong khu vực đã phong tỏa ngay. Trường hợp F1 phải xét nghiệm mẫu đơn, còn lại xét nghiệm gộp 5 mẫu. 20h tối nay GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai sẽ về Hà Nam hỗ trợ về xét nghiệm; BV Bạch Mai cũng về hỗ trợ; PGS.TS Trần Thanh Dương ở lại giúp Hà Nam về công tác truy vết”- Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

 Lưu ý Hà Nam phải chủ động việc lấy mẫu (nhân lực như học sinh, sinh viên, giáo viên phải được tập huấn thực hiện). Nếu quá tải, phải thiết lập ngay phòng xét nghiệm của BV Bạch Mai ở Hà Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: Điều lo ngại nhất, cần lưu ý nhất là điều phối lấy mẫu từ bài học Đà Nẵng và Hải Dương.

 “Tốc độ lây nhiễm nhanh, phải làm càng nhanh mới kiểm soát được dịch”

Về cách ly, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định lại, tất cả F1 phải cách ly tập trung, với F2 tạm thời cách ly tại nhà. “Với dịch lần này, chúng ta xác định tốc độ lây nhiễm nhanh nên phải phòng khi F1 thành F0 thì F2 cách ly tập trung ngay”- Bộ trưởng nói.

Hiện Hà Nam có hai cơ sở cách ly, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu phải chuẩn bị kịch bản kỹ càng cho cơ sở cách ly, giao cho quân đội quản lý, lực lượng y tế chỉ hỗ trợ chuyên môn, tránh trường hợp lây nhiễm chéo trong khu cách ly.

Về điều tri, trước mắt Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu tiếp tục điều trị bệnh nhân COVID-19 tại BVĐK tỉnh Hà Nam. 

Ngay trong sáng mai, Cục Quản lý Khám chữa bệnh và BV Bạch Mai sẽ về BVĐK tỉnh Hà Nam để giám sát và hỗ trợ công tác điều trị; kiêm tra công tác phân luồng, sàng lọc, cách ly tại một số cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn; đồng thời BV Bạch Mai nhanh chóng triển khai cơ sở 2 của BV Bạch Mai tại Hà Nam để sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 khi cần.

Đặc biệt lưu ý vấn đề đeo khẩu trang, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Hà Nam yêu cầu người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; tiến hành xử phạt hành chính những người vi phạm.

Bên cạnh đó, kiểm soát các đơn vị sản xuất, cơ sở y tế cũng là nội dung được Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam bày tỏ cảm ơn đến sự quan tâm Hà Nam và về làm việc với tỉnh ngay. “Sau buổi làm việc này, trong đêm nay Hà Nam sẽ triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch như Bộ trưởng Bộ Y tế và các thành viên đoàn công tác của Bộ Y tế khuyến cáo với tinh thần quyết tâm khoanh vùng, dập dịch sớm nhất”- Bà Lê Thị Thuỷ nói. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

BV Ung bướu cơ sở 2 TP.HCM sẽ sớm đi vào hoạt động

Ông Phạm Xuân Dũng - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh khẳng định BGĐ BV Ung bướu đã sẵn sàng triển khai cả về nhân sự, các quy trình chuyên môn và cả quy trình chuyển nguồn bệnh nhân đang điều trị trong ngày tại cơ sở cũ hiện hữu (vốn đang quá tải) sang khu điều trị ban ngày mới của Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 khi các hạng mục của công trình được bàn giao cho bệnh viện trong 2 tuần tới theo như cam kết của Ban Quản lý dự án. Hiện trung bình mỗi ngày Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1 tiếp nhận 1.000 lượt bệnh nhân đến điều trị trong ngày, trong đó có khoảng 200 lượt xạ trị trong ngày và 400 lượt hóa trị trong ngày.

Trong khi chờ bàn giao khu điều trị nội trú, việc đưa khu điều trị trong ngày của BV Ung bướu cơ sở 2 đi vào hoạt động là một nhu cầu cấp thiết, sẽ giải quyết hình quá tải hàng chục năm qua tại khu khám bệnh của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1.

Kế hoạch cụ thể như sau: Ban Quản lý dự án khẩn trương bàn giao cho bệnh viện để đưa 6 hệ thống xạ trị gia tốc phục vụ người bệnh đến xạ trị trong ngày, đưa khu pha chế thuốc tập trung và 100 giường điều trị trong ngày phục vụ người bệnh đến hóa trị trong ngày, kế đến là đưa các trang thiết bị chẩn đoán như C.T scanner, MRI, PET - CT, SPECT-CT, SPECT và khu nội soi đi vào hoạt động để phục vụ các bệnh nhân đến tái khám theo hẹn sau thời gian xuất viện (không cần xạ trị và hoá trị).

Theo kế hoạch này, khi khu điều trị ban ngày của BV Ung bướu cơ sở 2 đi vào hoạt động, cụ thể là công suất phục vụ lên đến 240 lượt xạ trị và 300 lượt hóa trị mỗi ngày, điều này sẽ làm giảm 70 - 80% tải điều trị ban ngày của cơ sở 1.

Về nguồn nhân lực, bệnh viện đã chuẩn bị đủ nguồn nhân lực phục vụ tại BV Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 với 1.350 người, đạt chuẩn nhân lực của bệnh viện hạng 1 (1,35 nhân lực cho 1 giường bệnh nội trú), trong đó: 297 bác sĩ; 650 điều dưỡng, 40 dược sĩ, 120 kỹ thuật viên và các nhân viên hành chính hỗ trợ.

Đa số nhân viên (gần 2/3 trong tổng số 1.350 nhân viên) làm việc ở BV Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 là các nhân viên y tế có thâm niên làm việc nhiều năm tại BV Ung bướu cơ sở 1, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành.

Bên cạnh đội ngũ nhân viên y tế nhiều kinh nghiệm được điều chuyển từ cơ sở 1, từ năm 2014 đến nay bệnh viện cũng đã tuyển thêm 500 nhân viên mới để làm việc tại cơ sở 2.

Đặc biệt, tất cả các bác sĩ tuyển dụng mới đều đã hoặc đang được đào tạo chuyên khoa 1 hoặc thạc sĩ chuyên ngành ung bướu và các chuyên ngành hỗ trợ khác, sẵn sàng đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh chuyên khoa ung bướu.

BV Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 khi đưa vào hoạt động toàn bộ sẽ phát huy hiệu quả, đáp ứng được kỳ vọng của người dân thành phố và khu vực phía Nam về một bệnh viện chuyên khoa ung bướu chất lượng cao ngang tầm các nước trong khu vực, góp phần quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025 về việc xây dựng thành phố trở thành một trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á.

Ông Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu tiếp tục tích cực chủ động phối hợp với chủ đầu tư công trình là BQL dự án sớm đưa Khu Điều trị ban ngày vào hoạt động.

Phấn đấu từ ngày 10/5/2021 bắt đầu đưa Khu Xạ trị đi vào hoạt động nhằm giảm tải và rút ngắn thời gian chờ xạ trị hiện nay tại BV Ung bướu cơ sở 1, sau đó là khu nội trú và khối phòng mổ để cơ sở 2 có thể đi vào hoạt động một cách đồng bộ.

Lãnh đạo Sở Y tế cũng chỉ đạo các phòng chức năng theo sát tiến độ triển khai các hoạt động của cơ sở 2 để có hỗ trợ kịp thời, đồng thời đề nghị Bảo hiểm xã hội TP.HCM quan tâm và hỗ trợ BV Ung bướu cơ sở 2 ở giai đoạn mới hình thành nhằm đảm bảo các quyền lợi của người bệnh BHYT khi bệnh nhân đến khám, điều trị tại BV Ung bướu cơ sở 2.

Ngoài ra, theo định hướng của UBND TP TP.HCM và kế hoạch của Sở Y tế, khi toàn bộ cơ sở mới của BV Ung bướu cơ sở 2 đi vào hoạt động, BV Ung bướu cơ sở 2 sẽ là cơ sở chính chịu trách nhiệm khám, chẩn đoán và tiếp nhận điều trị nội trú cho tất cả bệnh nhân mắc các loại bệnh ung bướu, thay thế cho BV cơ sở 1 tại số 3 Nơ Trang Long hiện nay.

Khi đó, cũng tại vị trí này, TP.HCM sẽ đầu tư xây dựng mới một loại hình phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân các tỉnh và cả khách du lịch, đó là “Trung tâm chuyên tầm soát sức khoẻ và phát hiện sớm các bệnh bằng công nghệ cao” - đây cũng là một trong những hoạt động trọng tâm của Kế hoạch xây dựng TP.HCM trở thành một trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

       

Bộ Y tế đề nghị ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử, shisha tại trường học

Thuốc lá điện tử đang xâm nhập vào các trường học, ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh, sinh viên. Đồng thời, gây ra các hậu quả trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế, xã hội.

Bộ Y tế vừa có công văn gửi Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) về việc tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới (bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha) tại các cơ sở giáo dục.

15.500 loại hương liệu được sử dụng để sản xuất thuốc lá điện tử

Bộ Y tế cho biết, hiện nay trên thị trường Việt Nam đang xuất hiện nhiều sản phẩm thuốc lá mới. Trong đó, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (rlectronic nicotine delivery - ENDs), thuốc lá nung nóng (heated tobacco product - HTPs), shisha...

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để sản xuất các sản phẩm thuốc lá điện tử có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng. Trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe, các sản phẩm này đều có chất nicotine là chất gây nghiện.

Các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha (gọi chung sản phẩm thuốc lá mới) rất có hại cho sức khỏe cả người hút và người xung quanh. Đây còn là nguyên nhân của nhiều trường hợp ngộ độc nicotine, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa.

Thuốc lá điện tử xâm nhập trường học, ảnh hưởng lối sống giới trẻ

Sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và lối sống của giới trẻ. Nhất là hậu quả lâu dài như rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập, rối loạn tâm thần.

Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến người dùng ở nhóm tuổi này dễ bị nghiện nicotine hơn. Vì thế, ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.

Năm 2019, kết quả điều tra sức khỏe học sinh toàn cầu của WHO thực hiện tại 21 tỉnh, thành cho thấy, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng lên 2,6% (năm 2015 tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 0,2%).

Nghiên cứu do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành năm 2020 cho kết quả tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8 - 12 là 8,35%, độ tuổi học sinh lớp 10 - 12 cao hơn với 12,6%.

Thuốc lá điện tử đang xâm nhập vào các trường học, ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh, sinh viên. Đồng thời, gây ra các hậu quả trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế, xã hội.

Xây dựng môi trường không khói thuốc tại các cơ sở giáo dục

Trước tình hình trên, để ngăn ngừa tình trạng sử dụng các sản phẩm thuốc lá bao gồm cả các sản phẩm thuốc lá mới trong học sinh, sinh viên, giảm thiểu các tổn thất về sức khỏe, kinh tế, xã hội do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá, thuốc lá mới gây ra trong học sinh, sinh viên và cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục phổ biến tác hại của thuốc lá và các quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Bên cạnh đó, phổ biến rộng rãi về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới cho học sinh, sinh viên, học viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục. Đặc biệt là xây dựng môi trường không khói thuốc tại các cơ sở giáo dục.

Bộ Y tế đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo các Sở GD-ĐT tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc sử dụng thuốc lá mới tới sinh viên, học sinh các cấp và tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha tại các cơ sở giáo dục.

Cùng với đó, Bộ GD-ĐT cần phối hợp với các địa phương thực hiện nghiêm quy định cấm bán thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Cách ly toàn bộ BV Đa khoa Phúc Yên trong vòng 14 ngày

Thiết lập vùng cách ly y tế đối với toàn bộ Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên từ 0h ngày 3/5/2021 đến 24h ngày 16/5/2021, có thể gia hạn thêm theo quy định.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bênh COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc đã ra Quyết định về việc thiết lập vùng cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, thiết lập vùng cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19 đối với toàn bộ Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, địa chỉ tại Tổ 1, Phường Hùng Vương, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc từ 0h ngày 3/5/2021 đến 24h ngày 16/5/2021, có thể gia hạn thêm theo quy định.

Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động về chuyên môn y tế, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo đúng quy định.

Công an tỉnh phối hợp với Sở Y tế, UBND thành phố Phúc Yên và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc đảm bảo an ninh, trật tự cũng như các nhiệm vụ khác trong công tác cách ly, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định.

UBND, Ban Chỉ đạo thành phố Phúc Yên phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh trong thực hiện các nhiệm vụ cách ly, phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, UBND phường Hùng Vương và các cơ quan, đơn vị có liên quan của Thành phố thực hiện tốt công tác chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo của tỉnh...

Ngay trong tối qua, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-CTUBND về việc việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 và đề nghị Nhân dân bình tĩnh, tự tin, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thủ trưởng các sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị, các cơ quan đơn vị trong tỉnh tạm dừng các công việc chưa thật sự cần thiết; tập trung cao độ chỉ đạo áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ 00 giờ ngày 01/5/2021.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị Bộ Y tế tiếp tục cử đoàn công tác về trực tiếp hỗ trợ tỉnh chống dịch và hỗ trợ trang thiết bị phục vụ hoạt động xét nghiệm giúp Vĩnh Phúc sớm đẩy lùi COVID-19. (An ninh Thủ đô, trang 2).

 

Đà Nẵng: Nhân viên bán vé kiêm giao hàng dương tính lần 1 với COVID-19

Chiều 3-5, một nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết một bệnh nhân tại Đà Nẵng có kết quả xét nghiệm ban đầu dương tính với SARS-CoV-2, hiện đang chờ xét nghiệm khẳng định.

Theo đó, bệnh nhân tên Ng.T.Ng. (nam, 23 tuổi, quê Hội An, tỉnh Quảng Nam), nhân viên bán vé khu vực spa tại khách sạn Phú An ở đường 2 tháng 9, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Anh Ng. bắt đầu làm việc từ ngày 28-4, thường làm việc ca đêm và thường xuyên tiếp xúc với khách hàng.

Chiều 2-5, anh có triệu chứng sốt, mệt mỏi. Tối cùng ngày, anh đến Bệnh viện Hoàn Mỹ, thành phố Đà Nẵng, sau đó được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm lần đầu dương tính với SARS-CoV-2, hiện đang chờ xét nghiệm khẳng định.

Trước khi có triệu chứng, anh Ng. đã đến nhiều nơi ở Hội An và Đà Nẵng. Ngoài công việc thường ngày, anh Ng. còn là nhân viên giao hàng và đã đi khá nhiều nơi trong thành phố.

Trong khi chờ kết quả xét nghiệm khẳng định, Bệnh viện Hoàn Mỹ đã tổ chức cách ly y tế một phần.

Khẩn cấp cách ly tại chỗ 11 người ở khách sạn Phú An

Tối 3-5, Đà Nẵng đã quyết định cách ly khẩn cấp khách sạn Phú An (số 48 Đường 2 tháng 9, phường Bình Hiên, quận Hải Châu) cùng 11 người tại đây. Thời gian cách ly 14 ngày tính từ 16h ngày 3-5 và có thể gia hạn thêm.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu khách sạn cung ứng suất ăn, đảm bảo cơ sở vật chất thiết yếu cho nhu cầu sinh hoạt của người được cách ly; đảm bảo người được cách ly không tiếp xúc trực tiếp với người thân hoặc ra khỏi khu vực cách ly trừ các trường hợp phải chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.

Các ngành chức năng sẽ hỗ trợ cung ứng suất ăn cho những người liên quan.

Người được cách ly không tuân thủ yêu cầu cách ly hoặc không phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn tại khu vực cách ly sẽ bị cưỡng chế. (Tuổi trẻ, trang 3).

 

Thêm 10 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước

Ngày 3.5, Bộ Y tế thông báo ghi nhận 19 ca bệnh Covid-19 mắc mới là các bệnh nhân (BN) Covid-19 thứ 2.963 - 2.981 tại Việt Nam. Trong các BN mới, 9 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Ngày 3.5, Bộ Y tế thông báo ghi nhận 19 ca bệnh Covid-19 mắc mới là các bệnh nhân (BN) Covid-19 thứ 2.963 - 2.981 tại Việt Nam. Trong các BN mới, 9 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh (tại Bà Rịa-Vũng Tàu 1 ca, Kiên Giang 1 ca, Đà Nẵng 2 ca, Khánh Hòa 5 ca) và 10 ca lây nhiễm trong nước (tại Vĩnh Phúc 8 ca, Hà Nam 2 ca).

Ngày 3.5, Bộ Y tế thông báo ghi nhận 19 ca bệnh Covid-19 mắc mới là các bệnh nhân (BN) Covid-19 thứ 2.963 - 2.981 tại Việt Nam. Trong các BN mới, 9 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh (tại Bà Rịa-Vũng Tàu 1 ca, Kiên Giang 1 ca, Đà Nẵng 2 ca, Khánh Hòa 5 ca) và 10 ca lây nhiễm trong nước (tại Vĩnh Phúc 8 ca, Hà Nam 2 ca).

Liên quan diễn biến bệnh dịch Covid-19, theo Bộ Y tế, tại Vĩnh Phúc, thêm chùm 5 ca mắc là các BN 2972 - 2976. 5 BN này là các nữ nhân viên tại trung tâm chăm sóc sức khỏe ở TP.Vĩnh Yên, đều có tiền sử tiếp xúc gần với một chuyên gia Trung Quốc (chuyên gia này nhập cảnh và cách ly từ ngày 9 - 23.4 tại Yên Bái, đã hoàn thành cách ly); 3 ca khác tại Vĩnh Phúc là các BN liên quan quán karaoke, nơi chuyên gia Trung Quốc từng đến. Tại Hà Nam, 2 ca mới là BN 2980 và 2981, cùng liên quan chùm ca bệnh tại Hà Nam đã được Bộ Y tế công bố trước đó. Trong ngày 3.5, thêm 11 BN được công bố khỏi bệnh. Trong số 2.981 BN Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam từ đầu dịch đến nay, 2.560 ca đã được điều trị khỏi; 1.605 ca mắc do lây nhiễm trong nước.

Ngày 3.5, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đã kiểm tra công tác chống dịch, điều trị người bệnh tại Bệnh viện (BV) đa khoa khu vực Phúc Yên (Vĩnh Phúc).

Tại BV này, 14 cán bộ y tế khai báo đã đến quán bar Sunny (tại Vĩnh Phúc), là nơi đã ghi nhận chùm 6 nhân viên karaoke dương tính Covid-19. Trong 14 người trên, 1 bác sĩ (35 tuổi) có kết quả lần 1 dương tính Covid-19, đã được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (H.Đông Anh, Hà Nội) điều trị. Mẫu bệnh phẩm của bác sĩ này cũng được chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Hà Nội) làm xét nghiệm khẳng định. Sau khi ghi nhận ca nghi nhiễm Covid-19, BV đa khoa khu vực Phúc Yên thực hiện cách ly y tế đến ngày 16.5. (Thanh niên, trang 2).

 

Lãng phí trong dự án y tế 14 triệu USD

PV Thanh Niên đã “mục sở thị”, chứng kiến cảnh ở một số trung tâm y tế, trang thiết bị y tế được “trùm mền”. Trước nhiều ý kiến của chính người trong ngành y tế Cà Mau về sự lãng phí của dự án AP kinh phí 14 triệu USD, PV Thanh Niên đã “mục sở thị”, chứng kiến cảnh ở một số trung tâm y tế, trang thiết bị y tế được “trùm mền”.

Ngày 16.2.2011, đại diện UBND tỉnh Cà Mau và Tổ chức Atlantic Philanthropies tại VN (gọi tắt Atlantic Philanthropies, đơn vị tài trợ - PV) ký kết hợp tác dự án AP với tổng ngân sách 14 triệu USD. Trong đó, Atlantic Philanthropies tài trợ 7 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của T.Ư và địa phương.

Trang thiết bị mua về rồi… “trùm mền”

Mục đích của dự án trên nâng cấp cơ sở vật chất cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu trong việc xây dựng và nâng cấp các trạm y tế (TYT) trong toàn tỉnh; cung cấp trang thiết bị y tế (TTBYT) thiết yếu và hệ thống máy tính cơ bản nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ nhân dân tại tuyến y tế xã, thị trấn của tỉnh. Dự án sẽ xây dựng mới 52 TYT, nâng cấp mở rộng 49 TYT; mua TTBYT cần thiết cho 101 TYT xã, phường; thiết lập hệ thống xử lý chất thải rắn cho 101 TYT... Thời gian thực hiện 36 tháng, kể từ ngày 1.3.2011.

Ngày 23.4, PV Thanh Niên ghi nhận thực tế tại một TYT được dự án AP đầu tư TTBYT. Trưởng TYT này cho biết đơn vị được nhận nhiều TTBYT từ dự án như: máy khí dung, máy đếm giọt trong truyền dịch, máy nghe tim thai, máy phân tích nước tiểu... Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận về thì đơn vị không có người sử dụng và cũng không có bệnh nhân để sử dụng. Trưởng TYT này cũng thừa nhận với PV việc TTBYT nhận về hơn 7 năm qua, nhưng vẫn còn để trong thùng... đem cất. Sau đó, vị này lôi ra cho PV xem máy phân tích nước tiểu, máy điện tim, máy đếm giọt dịch truyền... đều còn nằm y nguyên trong thùng. Thậm chí, có thiết bị chưa mở túi hướng dẫn sử dụng xem hoặc máy bơm hút cũng “trùm mền” để ở góc phòng vì không biết sử dụng như thế nào.

“Máy đếm giọt dịch truyền cần ở các bệnh viện, khoa cấp cứu, được dùng cho người bệnh cần đưa một lượng dịch lớn nhanh hoặc những người bệnh cần kiểm soát chính xác lượng dịch đưa vào cơ thể. Còn TYT của chúng tôi làm sao có bệnh nhân để xài tới nên từ khi nhận về tới giờ chỉ biết để đó. Đó là chưa nói đến chuyện không có người sử dụng được các TTBYT mà đơn vị nhận về”, vị trưởng TYT nói.

Tương tự, tại một TYT vùng ven TP.Cà Mau khi lãnh đạo đơn vị này cho biết: “Máy hút dịch cũng “trùm mền” vì không biết sử dụng và cũng không có bệnh để sử dụng”. Còn tại một TYT nằm trong trung tâm TP.Cà Mau cũng nhận “combo” TTBYT, lãnh đạo đơn vị thông tin: “Nhận về cũng để đó chứ đâu có biết sử dụng và bệnh nhân đâu mà sử dụng. Có lần, đoàn thanh tra về thanh tra đơn vị, tôi nói và chỉ cán bộ thanh tra về sự lãng phí của TTBYT của dự án AP tại đơn vị, nhưng không được quan tâm”.

Một bác sĩ nguyên lãnh đạo một bệnh viện bức xúc: “Nhìn vào danh mục TTBYT, tôi thấy sự lãng phí rất lớn. Thứ nhất, không đồng bộ với năng lực tại các TYT thời điểm đó và hiện tại. Thứ hai, nhu cầu ở các TYT không cần TTBYT như thế, nhất là các TYT ở trung tâm TP.Cà Mau, vốn một ngày không có bệnh nhân nào đến khám”.

Đủ kiểu lãng phí

Liên quan các bất cập trên, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cung cấp cho PV Thanh Niên báo cáo giám sát của HĐND tỉnh này đối với dự án AP. Theo báo cáo, hầu hết TYT được đầu tư TTBYT từ dự án AP không còn đảm bảo tiêu chí đạt chuẩn quốc gia do cơ sở vật chất TYT xuống cấp nhiều hạng mục, nhưng không có kinh phí sửa chữa. Đặc biệt, các TYT đều chưa có hệ thống xử lý chất thải, nước thải và hầu hết lò đốt rác thải xuống cấp không sử dụng được.

Trong khi đó, một số TTBYT không cần thiết, nhưng vẫn được trang bị nên không phát huy được tính năng sử dụng, như máy đếm giọt truyền ở TYT xã Tân Thuận (H.Đầm Dơi); bộ đếm hồng cầu, máy đếm giọt dịch truyền ở TYT xã Tân Đức (H.Đầm Dơi). Bên cạnh đó, một số TYT được đầu tư TTBYT, nhưng không có người sử dụng như trường hợp máy siêu âm và máy đo điện tim ở TYT xã Thới Bình, máy xét nghiệm công thức máu, máy quay ly tâm ở TYT xã Trí Lực (cùng H.Thới Bình).

Ngoài ra, còn có tình trạng TTBYT hư hỏng không có thiết bị thay thế. Đơn cử, tại TYT Tân Thuận (H.Đầm Dơi), máy xét nghiệm 12 thông số phân tích nước tiểu ban đầu được cấp 25 que kèm theo, nhưng khi sử dụng hết thì không mua được que phù hợp để sử dụng nên giờ phải “trùm mền”. Cũng ở TYT Tân Thuận, được trang bị máy hút chân không, ghế khám răng nhưng lại thiếu trang thiết bị đi kèm… (Thanh niên, trang 5).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang