Hà Nội: Gần 60% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đủ vaccine
Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 6-2016, thành phố đã triển khai có trọng tâm, trọng điểm công tác y tế dự phòng.
Trong đó, 6 tháng đầu năm nay, toàn thành phố đã đạt 58,9% số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine: lao, ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, Hib và sởi; 95,5% trẻ từ 16-17 tuổi được tiêm vaccine sởi-rubella… góp phần quan trọng trong phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2016, thành phố ghi nhận 419 trường hợp sốt xuất huyết, tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2015; có 675 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 10% so với cùng kỳ nhưng các trường hợp mắc đều ở thể nhẹ và rải rác. Ngoài ra, các dịch bệnh như sốt phát ban nghi sởi, viêm não virus, viêm não Nhật Bản... đều có số mắc giảm so với cùng kỳ.
Duy Tiến
An ninh thủ đô (trang 2)
Cứu sống bé sơ sinh chỉ nặng 1,4 kg, mắc bệnh tim phức tạp
Bệnh viện Tim Hà Nội vừa phẫu thuật cứu sống một trẻ sơ sinh, sinh thiếu tháng, nặng 1,4 kg, mắc bệnh tim bẩm sinh vô cùng phức tạp. Đây cũng là ca bệnh nhẹ cân nhất được phẫu thuật thành công tại Bệnh viện Tim Hà Nội.
Bác sĩ Vương Hoàng Dung, Phụ trách Khoa Hồi sức nhi - Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, bệnh nhân là Trần Khánh N. (ở Hải Dương), chào đời khi được 35 tuần thai, là một trong hai bé song sinh, nhẹ cân do hiện tượng truyền máu song thai nguy hiểm.
Bé N. được chuyển đến viện khi mới 6 ngày tuổi, nặng hơn 1,4kg, được chẩn đoán mắc chứng còn ống động mạch- một thể dị tật tim bẩm sinh, kèm theo tình trạng da xanh tái và vàng da bệnh lý. Nếu để lâu, bệnh nhân sẽ gặp nguy cơ suy tim, đặc biệt là tình trạng viêm ruột, hoại tử. Bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật để đóng ống động mạch càng sớm càng tốt.
Theo bác sĩ Vương Hoàng Dung, về nguyên lý, ống động mạch tồn tại trong quá trình phát triển của bào thai, tạo sự thông thương giữa động mạch chủ và động mạch phổi. Sau khi trẻ sinh ra đời bình thường ống động mạch đóng lại. Khi trẻ sinh ra nếu ống động mạch vẫn còn tồn tại sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, suy tim, khó tăng cân, tăng nguy cơ xuất huyết não và viêm ruột hoại tử cũng như loạn sản phổi phế quản.
Ca phẫu thuật cho bệnh nhi kéo dài 1,5 tiếng. Một ngày sau phẫu thuật, bé đã cai máy thở, da hồng hào. Đến thời điểm này sau 10 ngày phẫu thuật, bệnh nhi tăng cân tốt (lên 1,8kg), sức khỏe tiến triển thuận lợi. Dự kiến, trong thứ 2, hoặc thứ 3 tuần này, bệnh nhi sẽ được xuất viện.
Duy Tiến
An ninh thủ đô (trang 2), Gia đình & xã hội (trang 7), Nông thôn ngày nay (trang 3)
Thai phụ suýt tử vong vì tự phá thai bằng thuốc
Theo tin từ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông ngày 3-7, bệnh viện này vừa cứu sống một trường hợp sốc mất máu sau khi tự phá thai bằng thuốc tại nhà.
Bệnh nhân là chị Nguyễn Thị N. (33 tuổi, quê Chương Mỹ, Hà Nội), được Bệnh viện Chương Mỹ chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cấp cứu trong tình trạng rất nặng, mất máu nhiều, đang rơi vào tình trạng sốc mất máu.
Trước đó, bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Chương Mỹ trong tình trạng da xanh, niêm mạc nhợt, mạch nhanh nhỏ, gọi hỏi lơ mơ, âm đạo ra nhiều máu loãng lẫn máu cục, được chẩn đoán là băng huyết do phá thai một tháng bằng thuốc.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, bệnh nhân lập tức được chỉ định phẫu thuật cấp cứu, cầm máu. Trong suốt thời gian cấp cứu và phẫu thuật kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, bệnh nhân đã được truyền đến 13 đơn vị hồng cầu, 10 đơn vị chế phẩm máu, tương đương 6 lít.
Hiện bệnh nhân đã tỉnh táo và đang tiếp tục được theo dõi điều trị. Dự kiến giữa tuần này, bệnh nhân có thể được xuất viện.
Duy Tiến
An ninh thủ đô (trang 2)
Nhiều cơ sở ở Hà Nội không có chứng nhận an toàn thực phẩm
Kết quả sau 6 tháng thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tại Hà Nội cho thấy, đã có 2.563 cơ sở được thanh tra, kiểm tra. Có 543 cơ sở vi phạm bị xử lý.
Các lỗi vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc có nhưng đã hết hiệu lực, không có giấy khám sức khỏe, không rõ nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, điều kiện vệ sinh không đảm bảo…
TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tăng tần suất thanh tra chuyên ngành, tập trung thanh tra đột xuất các địa bàn trọng điểm. Tiền phong (trang 2), Sức khỏe đời sống (trang 2)
Bệnh viêm não Nhật Bản gia tăng: Ăn vải gây viêm não là thông tin nhảm nhí
Mới đây, lại có thông tin ăn vải gây viêm não Nhật Bản khiến người dân vô cùng hoang mang và có thể gây thiệt hại lớn cho thị trường vải miền Bắc. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã lên tiếng bác bỏ thông tin này và cho biết vào mùa vải, tức tháng 6-7 cũng là thời gian trùng với tháng cao điểm có nguy cơ dễ mắc bệnh viêm não Nhật Bản.
Đa số ca bệnh do trẻ không tiêm vắc-xin đủ liều
Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian qua số ca bệnh nhập viện vì viêm não Nhật Bản đang gia tăng, thậm chí có nhiều ca bệnh do sự chủ quan của gia đình mà trẻ đến viện trong tình trạng nặng. Tuy nhiên, trên thực tế đa số trường hợp trẻ mắc bệnh đều do chưa tiêm phòng vắc-xin hoặc chưa tiêm đủ mũi, trong khi các chuyên gia khuyến cáo tháng 6 và 7 hàng năm thường được coi là đỉnh dịch viêm não Nhật Bản với nhiều ca nhập viện trên khắp cả nước...
PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, người dân cần hiểu đúng về bệnh viêm não Nhật Bản để có thể phát hiện, phòng, chống căn bệnh này một cách hiệu quả. “Viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính do virut gây ra, làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương. Do đó, việc ăn quả vải không liên quan đến lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản” - Cục trưởng Trần Đắc Phu khẳng định.
Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, ổ chứa virut viêm não Nhật Bản trong thiên nhiên là các loài sống hoang dã như chim, một số loài bò sát và các loài động vật có xương sống - nơi virut nhân lên, lưu trữ lâu dài trong tự nhiên và phát tán tới vật nuôi gần người, đặc biệt là lợn, sau đó đến trâu, bò, ngựa, dê... và từ đó truyền sang người. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người hoặc từ động vật sang người mà lây truyền thông qua muỗi đốt.
Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Các quốc gia lưu hành viêm não Nhật Bản cao bao gồm các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Philippine.
Ở Việt Nam, bệnh viêm não Nhật Bản ghi nhận ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Các ổ dịch thường gặp ở vùng đồng bằng, trung du và cả ở một số khu vực miền núi Tây Bắc nơi trồng nhiều lúa nước có kết hợp nuôi nhiều lợn gần người. Hàng năm ở nước ta có khoảng từ vài trăm đến 1.000 trường hợp mắc viêm não virut và khoảng 20% trong số này là viêm não Nhật Bản. Từ năm 1997, sau khi triển khai vắc-xin viêm não Nhật Bản trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, số ca mắc và tử vong do viêm não Nhật Bản đã giảm đi rất nhiều.
Theo TS. Phu, dấu hiệu mắc viêm não Nhật Bản thường gặp như: Sốt cao đột ngột 39-40oC kèm đau đầu, buồn nôn và nôn, sau đó co giật, co cứng, liệt và có rối loạn về tinh thần như vật vã, mê sảng, li bì, lú lẫn, hôn mê.
Với trẻ nhỏ, các dấu hiệu không điển hình và khó phát hiện hơn nên cần phải dựa vào một số dấu hiệu quan trọng như: sốt, nôn nhiều, thóp phồng, co giật, co cứng, cử động bất thường, li bì hoặc hôn mê. Tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10-20%.
Để phòng bệnh hiệu quả, TS. Trần Đắc Phu khuyến cáo, tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản là biện pháp hiệu quả nhất.
Vẫn còn trường hợp chữa viêm não bằng thầy cúng, vẽ bùa
Thông báo của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, tính đến ngày 25/6, thành phố ghi nhận 9 trường hợp viêm não Nhật Bản. Số mắc gia tăng nhanh trong tuần qua với 6 ca bệnh. Viêm não Nhật Bản là bệnh hay gặp vào mùa hè, đặc biệt ở trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm không đầy đủ vắc-xin phòng bệnh.
Vì thế, để phòng bệnh, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và các Trung tâm Y tế cấp quận, huyện, xã tăng cường giám sát dịch tại bệnh viện và cộng đồng; kịp thời phát hiện bệnh nhân để khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch. Đồng thời, Trung tâm Y tế dự phòng đôn đốc các đơn vị tổ chức tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản đạt tỷ lệ theo quy định.
Số trẻ nhập viện vì viêm não Nhật Bản đang gia tăng tại một số bệnh viện TP. Hồ Chí Minh. Hiện mỗi ngày BV Nhi đồng 1 tiếp nhận từ 7-10 trẻ mắc bệnh này. Có đến 60% trẻ phải thở máy do có các biến chứng suy hô hấp, sốc. Đa số trường hợp mắc bệnh đều chưa tiêm phòng vắc-xin hoặc chưa tiêm đủ mũi. BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 cho biết, khoa vừa tiếp nhận một bệnh nhi 8 tuổi bị viêm não Nhật Bản đã có biến chứng suy hô hấp. Tuy nhiên khi thăm khám cho trẻ, các bác sĩ phát hiện trên lưng và bụng bé trai có nhiều vết rạch nguệch ngoạc bằng dao lam. Qua tìm hiểu gia đình cho biết, trước khi nhập viện Nhi đồng 1, gia đình đã đưa cháu đến một thầy cúng và được vẽ bùa để trị bệnh. Mặc dù vậy, theo BS. Trương Hữu Khanh, Khoa Nhiễm đã từng tiếp nhận nhiều ca tương tự, trong khi phụ huynh không biết rằng việc dùng dao lam rạch lên người bệnh nhi có thể gây nhiễm khuẩn máu nguy hiểm.
Thái Bình
Sức khỏe đời sống (trang 3)
Bảo đảm chất lượng trang thiết bị y tế xuất nhập khẩu
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 36/2016/NĐ-CP quy định việc quản lý trang thiết bị y tế bao gồm phân loại trang thiết bị y tế; sản xuất, lưu hành, mua bán, cung cấp dịch vụ trang thiết bị y tế; thông tin, nhãn trang thiết bị y tế và quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế.
Theo đó, việc quản lý trang thiết bị y tế phải bảo đảm chất lượng, an toàn và sử dụng hiệu quả trang thiết bị y tế; thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về đặc tính kỹ thuật, công dụng của trang thiết bị y tế và các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra đối với người sử dụng; bảo đảm truy xuất nguồn gốc của trang thiết bị y tế. Quản lý trang thiết bị y tế phải dựa trên phân loại về mức độ rủi ro và tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành, thừa nhận hoặc do tổ chức, cá nhân công bố áp dụng theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân thực hiện việc xuất khẩu, nhập khẩu trang thiết bị y tế phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu và phải chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng của trang thiết bị y tế mà mình xuất khẩu, nhập khẩu... Sức khỏe đời sống (trang 3)