Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 04/7/2018

  • |
T5g.org.vn - Giả mạo bác sĩ, lừa đảo chữa hiếm muộn, bán thuốc online; Đảm bảo công tác khám chữa bệnh trong điều kiện thời tiết nắng nóng; "Giải thoát" khối u màng não khổng lồ cho cụ bà 76 tuổi...

 

Đảm bảo công tác khám chữa bệnh trong điều kiện thời tiết nắng nóng

Trước tình hình nắng nóng đang diễn biến phức tạp, ngày 3-7, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (KCB), Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện phải bảo đảm công tác KCB trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB chỉ đạo các bệnh viện bố trí đủ ghế ngồi, bổ sung quạt mát thông thoáng cho người bệnh trong thời gian chờ khám; lắp điều hòa nếu có điều kiện; cung cấp nước uống miễn phí; bố trí đủ bàn khám….

Các bệnh viện cũng tổ chức tiếp đón nhanh chóng, giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh; tăng cường phân luồng, cách ly, nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo các bệnh dịch truyền nhiễm trong bệnh viện; bảo đảm đủ thuốc cấp cứu, giường bệnh, sẵn sàng phương tiện cấp cứu các trường hợp do nắng nóng bất thường gây ra như tim mạch, tai biến mạch máu não, đột quỵ do nóng hô hấp, tiêu hóa… Các bệnh mùa hè như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm màng não do não mô cầu và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác....

Cục Y tế dự phòng của Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng; uống nhiều nước,

đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng; không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.

Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể; tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh;

Vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường…

Cũng trong dịp này,  Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị y tế triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phòng chống nắng nóng cho người bệnh và nhân viên y tế. 

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị rà soát, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện chống nóng cho người bệnh đến khám và điều trị. Bổ sung quạt, bạt che, đảm bảo đủ nước uống, nước sinh hoạt cho người bệnh.

Có phương án giảm tải khu vực khám bệnh, nơi thu viện phí… giảm thời gian chờ đợi của người bệnh; hạn chế tình trạng nằm ghép, với các khoa hồi sức, nhi, sản, phòng cấp cứu phải có đủ quạt thông gió hoặc điều hòa nhiệt độ.

Đồng thời, các đơn vị tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế về sơ cấp cứu, xử lý các trường hợp say nắng, say nóng, các bệnh dịch thường gặp trong mùa nắng, nóng…

Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phân luồng, cách ly điều trị những trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, phòng lây nhiễm chéo tại cơ sở y tế.

Thời tiết mùa hè là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não mô cầu, tiêu chảy cấp… khiến cho số người mắc bệnh có thể gia tăng.

Chính vì vậy, từng đơn vị cần có kế hoạch, phương án tiếp nhận, xử trí, điều trị cho những trường hợp mắc bệnh dịch truyền nhiễm.

Các đơn vị kể cả khối dự phòng và điều trị phải sẵn sàng nhân lực, cơ số thuốc, vật tư phòng chống dịch bệnh mùa hè, chủ động trong công tác phòng chống dịch, không để dịch bùng phát trên địa bàn. Đặc biệt, tuyên truyền cho người dân về các nội dung phòng chống nắng, nóng cũng như hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, chủ động bảo vệ sức khỏe. (Công an Nhân dân, trang 4)

Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 8: “Chủ động đối phó các bệnh do nắng nóng”; Báo Hà Nội mới, trang 1: “Sẽ kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống nắng nóng tại đơn vị y tế”; Báo An ninh Thủ đô, trang 6: “Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện lắp điều hòa phục vụ người bệnh”

 

"Giải thoát" khối u màng não khổng lồ cho cụ bà 76 tuổi

Chiều 3-7 thông tin của bác sĩ Bệnh viện (BV) Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, một cụ bà 76 tuổi vừa được xuất viện tại đây sau khi được các bác sĩ điều trị phẫu thuật thành công khối u màng não khổng lồ chiếm trọn vùng não phải. Đây là trường hợp có nguy cơ tử vong rất cao nếu không được chữa trị kịp thời.

Trước đó, cụ bà N.T.U (76 tuổi) nhập viện trong tình trạng có các cơn đau đầu, chóng mặt và buồn nôn kéo dài hơn 1 năm nay dù có khám bệnh ở nhiều cơ sở y tế khác nhau.

Bên cạnh đó, bà U. còn có bướu giáp, chèn ép khí quản, và bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp. Kết chụp MRI não tại BV Hoàn Mỹ đã phát hiện cụ bà có khối u màng não với kích thước rất lớn: (7cm x 5cm), chiếm trọn phần trán của não phải.

Lo ngại nhất là biến chứng suy hô hấp ở người bệnh có chèn ép khí quản và có nguy cơ đột tử trên bàn mổ. Các bác sĩ đã tổ chức hội chẩn, phối hợp với nhiều chuyên khoa để tiến hành phẫu thuật, lấy khối u ra ngoài.

Theo các Chuyên gia, nếu kích thước khối u não từ 6 cm trở lên được coi là khổng lồ

Ngày 3-7 các bác sĩ cho biết, sau hơn 1 tuần được phẫu thuật và được chăm sóc chu đáo, cụ bà N.T.U. đã hồi phục hoàn toàn, không còn tình trạng đau đầu và được xuất viện.

Cũng theo các bác sĩ, qua trường hợp này cho thấy, bệnh nhân không nên chủ quan đối với những cơn đau đầu, vì cho rằng đó là triệu chứng thường gặp của các loại bệnh thể nhẹ như viêm xoang và được điều trị bằng thuốc giảm đau mà không tìm nguyên nhân gây ra các triệu chứng đó, đến khi phát hiện ra bệnh và chữa trị thì cũng đã muộn. Để phát hiện sớm u màng não, người bệnh hãy chọn đúng bác sĩ, đúng chuyên khoa thần kinh thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. (Công an Nhân dân, trang 4)

 

Bệnh viện hỗ trợ 375 triệu đồng cho bệnh nhân bị cắt nhầm 2 quả thận

Ngày 3-7, TAND TP Cần Thơ mở phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án dân sự “Tranh chấp bồi thường thiệt hại theo hợp đồng dịch vụ” giữa nguyên đơn Hứa Cẩm Tú (ngụ thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai) với bị đơn là Bệnh viện Đa khoa (BV) TP Cần Thơ.

Theo nội dụng vụ án, ngày 1-12-2011, bà Tú đau vùng bụng nên đến BV đa khoa TP Cần Thơ khám. Kết quả chụp CT cho thấy thận phải của bà Tú tốt, còn thận trái ứ nước độ III-IV, có sạn buộc phải mổ.

Ngày 6-12-2011, bà Tú được chỉ định mổ nội soi thận trái ứ nước. Trong quá trình mổ xảy ra tai biến nên bác sĩ Trần Văn Nguyên (Trưởng Khoa Ngoại thận - Tiết niệu) chuyển sang mổ hở và cắt hết 2 quả thận của bệnh nhân này. Những ngày sau đó, bệnh nhân Tú bị biến chứng phù nề, tình trạng sức khỏe xấu đi nên đi siêu âm phát hiện không còn quả thận nào.

Sau đó, bà Tú được chuyển ra Bệnh viện Trung ưng Huế tiếp tục điều trị và được ghép một quả thận. Kết luận của Viện Pháp y Quốc gia cho thấy mặc dù được ghép một quả thận nhưng sức khỏe của bà Tú suy giảm đến 81%.

Năm 2013, bà Tú chính thức khởi kiện BV. Vụ án được TAND quận Ninh Kiều xử sơ thẩm buộc BV bồi thường một lần số tiền 302 triệu, bồi thường hàng tháng 5,8 triệu đồng. Sau khi xử sơ thẩm, BV kháng cáo lên cấp phúc thẩm.

Ở phiên xử phúc thẩm ngày 22 và 23-11-2017, BV đồng ý hỗ trợ một lần cho bà Tú số tiền 200 triệu đồng nhưng ông Nguyễn Thiện Trí (chồng bà Tú và cũng là người đại diện theo ủy quyền) không thống nhất số tiền này nên toà đã tạm hoãn.

Trong phiên toà lần này, luật sư Nguyễn Trường Thành, Trưởng Văn phòng Luật sư Vạn Lý (được BV uỷ quyền) cho rằng, tình trạng bệnh của bà Tú là tai biến y khoa số 1 của Việt Nam và đã được ngành y tế quan tâm ghép thận và sống nhiều năm nay. Phía BV đồng ý nâng mức hỗ trợ 200 triệu đồng lên 350 triệu đồng.

Sau vụ kiện này, luật sư Thành cho biết sẽ vận động thêm hỗ trợ cho bà Tú. Còn chồng bà Tú, ông Trí cho biết hiện nay gia đình đã kiệt quệ, nợ nần chồng chất, 3 đứa con đang đi học, với số tiền 350 triệu đồng thì chỉ giải quyết được tình hình hiện tại. Về sau này, ông Trí không biết tính sao vì vợ thường xuyên bệnh tật do uống thuốc chống thải ghép, cần bồi bổ hàng ngày.

HĐXX nhận định, phía BV đã có thiện chí hoà giải và thấy được thiệt hại của bà Tú. Với số tiền mà BV hỗ trợ một lần có thể giúp gia đình giải quyết được rất nhiều việc như: gửi tiết kiệm, đầu tư công việc khác để sinh lời… Sau khi HĐXX phân tích, giữa hai bên thống nhất phía BV nâng mức hỗ trợ một lần là 375 triệu đồng (Văn phòng Luật sư Vạn Lý hỗ trợ 100 triệu đồng) và điều trị y khoa suốt đời cho bà Tú. (Công an Nhân dân, trang 5)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 2: “Cắt nhầm 2 quả thận, bệnh viện phải bồi thường 375 triệu đồng”; Báo Sài Gòn giải phóng, trang7: “Bệnh nhân bị cắt 2 quả thận sẽ được hỗ trợ y khoa suốt đời”

 

Thiếu thuốc chứa Salbutamol sản xuất trong nước

Ngày 3-7, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, sở y tế các tỉnh: Đồng Tháp, Đồng Nai, Trà Vinh, Ninh Bình... phản ánh, hiện nay, một số công ty sản xuất trong nước đã trúng thầu cung ứng thuốc chứa salbutamol cho các cơ sở điều trị trong địa bàn các tỉnh, nhưng không có đủ thuốc và thông báo tạm ngừng cung ứng thuốc chứa salbutamol đường tiêm.

Nếu tình trạng ngừng cung ứng thuốc kéo dài, một số cơ sở điều trị phải tính đến việc sử dụng thuốc chứa salbutamol đường tiêm nhập khẩu, nhưng giá thành cao hơn nhiều lần so với thuốc sản xuất trong nước.

Cục Quản lý Dược đề nghị các sở y tế địa phương khẩn trương báo cáo và chỉ đạo các cơ sở sản xuất kinh doanh nộp đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu salbutamol để kịp thời giải quyết ngay nhu cầu nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước trong thời gian sớm nhất.

Thuốc có chứa salbutamol thuộc danh mục thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với chỉ định điều trị hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và chống đẻ non. Tuy nhiên, nguyên liệu salbutamol để sản xuất thuốc đã bị một số doanh nghiệp, cá nhân thuộc ngành khác sử dụng sai mục đích, làm chất tạo nạc trong chăn nuôi. Để tăng cường quản lý chặt chẽ nguyên liệu salbutamol, tránh sử dụng sai mục đích, Bộ Y tế đã đưa thuốc có chứa salbutamol vào danh mục thuốc quản lý đặc biệt và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dược phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mới được cấp phép nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thuốc. (Nhân dân, trang 5)

 

13 tỉnh, thành phố bội chi quỹ bảo hiểm y tế trên 200 tỷ đồng

Ngày 3-7, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, có tổng số 84,9 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).

Số chi khám chữa bệnh là 47.309 tỷ đồng, chiếm 51,91% dự toán Chính phủ giao, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2017. Chi phí bình quân/lượt khám chữa bệnh là 557.300 đồng (trong đó, ngoại trú là 235.000 đồng/lượt, nội trú là 3.853.000 đồng/lượt), tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính 6 tháng đầu năm 2018, số tiền đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT là 47.309 tỷ đồng, với tỷ lệ sử dụng quỹ là 122,57%. Có 60/63 tỉnh, thành phố chi vượt quỹ được sử dụng trong kỳ, trong đó có 13 tỉnh, thành phố ước bội chi quỹ trên 200 tỷ đồng, gồm: Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Thái Bình, Quảng Ninh, Nam Định, Hà Nội, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Hải Dương, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế. Chỉ 3 tỉnh, thành phố cân đối được quỹ BHYT, gồm: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. (Hà Nội mới, trang 1)

 

Ngày Dân số Thế giới năm 2018 đề cao vai trò của kế hoạch hóa gia đình

Ngày Dân số thế giới là một sự kiện thường niên diễn ra vào ngày 11-7 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức của toàn thế giới về các vấn đề dân số toàn cầu. Năm nay, chủ đề của Ngày Dân số Thế giới là “Thành công của kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho phát triển bền vững”.

Hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11-7, Việt Nam sẽ tổ chức nhiều hoạt động ở cấp Trung ương, tỉnh, huyện. Trong đó, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) sẽ phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức sự kiện hưởng ứng.

Cùng với đó, các sự kiện truyền thông trọng điểm sẽ tập trung vào các vấn đề đang đặt ra đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình như: Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; mất cân bằng giới tính khi sinh; duy trì vững chắc mức sinh thay thế; nâng cao chất lượng dân số; cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em; cơ cấu dân số vàng, già hóa dân số; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân.

Đặc biệt, các đơn vị chức năng cũng sẽ kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá việc thực hiện các chủ trương, luật pháp, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, nhất là thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách về chăm sóc sức khỏe sinh sản, vị thành niên, thanh niên các cấp... (An ninh Thủ đô, trang 4)

 

Khởi tố phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình

Ông Hoàng Đình Khiếu - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, và ông Trần Văn Thắng - nguyên trưởng phòng vật tư - bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Xác nhận với Tuổi Trẻ Online tối ngày 3-7, ông Phạm Hồng Tuyến - giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình - cho biết thông tin trên.

Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình Công an tỉnh Hòa Bình điều tra vụ án 9 bệnh nhân tử vong do sự cố chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình theo theo quyết định trả hồ sơ, điều tra bổ sung của TAND TP Hòa Bình.

Quyết định khởi tố ông Khiếu và ông Thắng được ký ngày 2-7. Cả hai bị can được cho tại ngoại cấm đi khỏi nơi cư trú.

Cơ quan điều tra xác định hai bị can Khiếu và Thắng đã thiếu trách nhiệm trong quá trình bệnh viện sửa chữa hệ thống lọc nước RO và xảy ra sự cố y khoa làm 9 bệnh nhân thiệt mạng.

Bị can Hoàng Đình Khiếu, 56 tuổi, trú tại phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Thời điểm xảy ra sự cố ông Khiếu là trưởng khoa hồi sức tích cực. Sau này ông được bổ nhiệm làm phó giám đốc bệnh viện.

Bị can Trần Văn Thắng, 53 tuổi, trú tại xã Sủ Ngòi, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Thời điểm xảy ra sự cố ông Thắng là trưởng phòng vật tư thiết bị Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Trước đó, ngày 5-6 (sau 12 ngày xét xử và một tuần nghị án), TAND TP Hòa Bình đã tuyên trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vụ 9 bệnh nhân chạy thận tử vong xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, điều tra làm rõ chứng cứ buộc tội và gỡ tội cho bác sĩ Hoàng Công Lương.

Đặc biệt, HĐXX kiến nghị khởi tố, điều tra ông Hoàng Đình Khiếu về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng do không quản lý, giám sát hoạt động của đơn nguyên thận nhân tạo trong quá trình sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 dẫn đến sự cố.

Ông Trần Văn Thắng cũng bị kiến nghị khởi tố cùng tội danh do không quản lý, giám sát hoạt động của đơn vị này trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2.

Ngoài ra, HĐXX cũng kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của nguyên giám đốc Bệnh viên đa khoa Hòa Bình Trương Quý Dương và giám đốc Công ty Thiên Sơn trong việc ký hợp đồng mua bán cũng như sửa chữa, báo dưỡng máy móc chạy thận tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Liên quan đến vụ án này còn có bị can Trần Văn Sơn - cán bộ phòng vật tư thiết bị Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, Bùi Mạnh Quốc - giám đốc Công ty Trâm Anh và bác sĩ Hoàng Công Lương đã bị khởi tố từ trước đó. (Tuổi trẻ, trang 4)

Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 4: “Vụ án chạy thận khiến 8 người tử vong: Khởi tố Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình”

 

Người bị đột quỵ não nhập viện tăng kỷ lục

Nắng nóng khủng khiếp những ngày qua khiến số lượng người bị đột quỵ, tai biến mạch máu não nhập viện tăng kỷ lục.

Khoa Cấp cứu - BV Bạch Mai cho biết những ngày nắng nóng này, bệnh nhân đột quỵ có gia tăng đột biến. Mỗi ngày có khoảng trên 30 ca đột quỵ nặng vào bệnh viện tuyến cuối này. Tuy nhiên, đáng buồn là chỉ 5% trong số này đến sớm để được cứu sống và không để lại di chứng.

Còn tại BV Thanh Nhàn, liên tiếp trong những ngày qua, số lượng bệnh nhân cấp cứu do đột quỵ cũng tăng kỷ lục. Nhiều bệnh nhân nặng, tiên lượng xấu, không ít bệnh nhân đột quỵ lần thứ 2, thứ 3 phải nhập viện khiến các y bác sỹ dù đã căng mình làm việc hết công suất vẫn "mướt mát" vì bệnh nhân quá đông.

Tại khoa Cấp cứu tích cực hồi sức, ông Nguyễn Anh Tuấn, chồng bệnh nhân Hà Thị Thu H (59 tuổi, thường trú tại Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội), một trong những bệnh nhân nặng nhất vừa cấp cứu vào sáng 1/7  kể, công việc thường ngày của bà H. là buôn bán ngoài chợ. Bà H. có tiền sử huyết áp hơn 10 năm và vẫn uống thuốc đều. Vì thế, mặc dù mấy ngày vừa qua thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, những cơn đau đầu hành hạ suốt nhưng bà H vẫn chủ quan nghĩ là bệnh đau đầu bình thường như nhiều năm qua nên chỉ uống thuốc huyết áp và vẫn đi chợ.

Khi bà H có biểu hiện mệt, tay run rẩy, ông Tuấn đã khuyên vợ nghỉ ở nhà, do nghĩ mình chỉ mệt sơ sơ do thời tiết nắng nóng và bệnh huyết áp có từ nhiều năm nay nên bà H vẫn quảy quả đi chợ. Chỉ bước mấy bước chân chưa ra đến cửa, bà H ngã vật ra đất, dù được cấp cứu đưa vào bệnh viện ngay nhưng hiện bà H đang hôn mê sâu, chảy máu não và có tiên lượng rất xấu.

Một ca khác cũng nhập viện vào ngày 1/7 là bệnh nhân nam Đào Ngọc S (ở Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị tai biến lần thứ ba, sau lần tai biến đầu tiên cách đây 12 năm. Ông vào viện trong tình trạng cứng hàm, cứng người và còn mắc nghẹn miếng bánh bao ở cổ vì tai biến đột ngột khi đang ngồi ăn sáng.

BSCKII Phạm Thị Trà Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm vừa qua, bệnh nhân bị tai biến do huyết áp tăng cao đột ngột bất thường.

BS Giang khuyến cáo, nhồi máu não không đến rầm rộ như xuất huyết não. Tuy nhiên, nhồi máu não chiếm tỷ lệ cao, đến 85% trong tỷ lệ đột quỵ do tai biến mạch máu não. Đột quỵ chỉ 15-20% xuất huyết não. Triệu chứng của xuất huyết não là nôn, ngất, chóng mặt, việc tăng huyết áp làm vỡ mạch não.

Để phòng chống tai biến, đột quỵ mùa nóng, BS Giang khuyên, người bệnh phải dùng thuốc kiểm soát định kỳ, dùng theo đúng liệu trình thuốc bác sĩ đã kê đơn; phải kiểm tra huyết áp ngày hai lần. Nếu thấy huyết áp cao bất thường phải đến bác sĩ kiểm tra và chỉnh đơn thuốc. (Tiền phong, trang 4)  

 

Giả mạo bác sĩ, lừa đảo chữa hiếm muộn, bán thuốc online

Thầy thuốc ưu tú.ThS.BS Trần Hùng Mạnh – Phó Giám đốc BV Bưu điện cho biết, thời gian gần đây BV liên tục nhận được các cuộc gọi, thông tin từ bệnh nhân phản ánh có tình trạng nhiều người tự nhận là y bác sĩ của BV Bưu điện tư vấn online, bán thuốc online… cho người bệnh.

Qua kiểm tra, rà soát nhanh chóng tất cả các bộ phận, ông Trần Hùng Mạnh khẳng định, họ không phải là nhân viên của BV Bưu điện. “Ở đây có sự mạo danh nhân viên y tế của BV Bưu điện để lừa đảo người dân, gây ảnh hưởng đến uy tín của BV”- ThS.BS Trần Hùng Mạnh nhấn mạnh.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã – Trưởng Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản của BV là người liên tục bị mạo danh trên facebook để tư vấn hướng dẫn, bán thuốc cho bệnh nhân đang điều trị vô sinh, hiếm muộn. BS. Nhã lúc thì xuất hiện với danh xưng là Bác sĩ Phương Mai, lúc thì xuất hiện với danh xưng là Bác sĩ Phương Thảo trên nhiều facebook khác nhau nhưng cùng sử dụng hình ảnh BS. Nhã.

Không chỉ có vậy, các trang facebook này còn sử dụng nhiều hình ảnh, bài viết từ fanpage và website chính thức của BV Bưu điện, chủ yếu là các bài viết về chữa vô sinh, hiếm muộn thành công để tạo sự tin tưởng của nhiều người.

"Tôi vô cùng bức xúc vì bị mạo danh. Cách đây nhiều năm tôi cũng đã bị mạo danh vài lần, nhưng gần đây thì việc làm này càng rầm rộ hơn bao giờ hết, lúc thì là bác sĩ đông y, lúc lại là bác sĩ sản khoa, rồi bán thuốc chữa rụng tóc... Điều này ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân tôi và uy tín của BV, đặc biệt là khiến người dân tiền mất tật mang"- BS. Nhã bức xúc.

Bên cạnh đó, một facebook khác có tên là Bác sĩ Hiếu cũng tự nhận là "đang làm việc tại BV Bưu điện, là bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn – nam khoa – phụ khoa có Tâm với nghề?!". Các bài viết trên facebook Bác sĩ Hiếu đều copy từ fanpage và trang web của BV Bưu điện, sử dụng logo của BV.

Trước tình trạng liên tục bị mạo danh như vậy, lãnh đạo BV Bưu điện cho biết đã gửi yêu cầu đề nghị chủ nhân của các facebook nói trên gỡ bỏ toàn bộ thông tin, hình ảnh, bài viết đã mạo danh hoặc copy từ các trang thông tin của BV Bưu điện và Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của BV.

Phía BV cũng cho biết sẽ gửi văn bản đến các cơ quan chức năng để phối hợp xử lý việc này, tránh gây hậu quả xấu cho người bệnh.

ThS.BS Trần Hùng Mạnh khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, không bị các đối tượng mạo danh uy tín và thương hiệu của các bác sĩ tại các BV để điều trị, kê đơn, bán thuốc… gây thiệt hại không đáng có. Khi cần thông tin cần vào các trang web chính thức của BV, đến trực tiếp khám tại BV để có thông tin tư vấn điều trị tin cậy.

Mọi thông tin liên quan đến việc mạo danh, mượn danh Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và BV Bưu điện người dân có thể phản ánh trực tiếp đến số điện thoại: 0243 2247765.

Trước đó, không ít các bác sĩ đã phải lên tiếng về việc hình ảnh của bản thân bị sử dụng tràn lan trên mạng xã hội. Điển hình như hình ảnh của BS. Trương Hữu Khanh - BV Nhi đồng 1 TP.HCM bị chỉnh sửa, cắt ghép rất nhiều nơi để quảng cáo bán thuốc trị đau lưng, thuốc nam khoa, thuốc tăng trưởng chiều cao... Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần hết sức tỉnh táo trước các thông tin tràn lan trên mạng xã hội như hiện nay tránh bị những hậu quả đáng tiếc. (Sức khỏe & Đời sống, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang