Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 04/8/2017

  • |
T5g.org.vn - Thu hồi lô sản phẩm tăng bài tiết sữa Baby Mamy; Thanh tra Bộ Y tế thu hồi sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ; Liên thông kết quả xét nghiệm giữa 38 BV tuyến TƯ: thực hiện như thế nào?; Chấn chỉnh việc liên doanh liên kết tại các cơ sở y tế công lập; Hà Nam công bố dịch sốt xuất huyết; ...

 

Thu hồi lô sản phẩm tăng bài tiết sữa Baby Mamy

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa có thông báo thu hồi hiệu lực Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Baby Mamy.

Ngày 02/8/2017, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Quyết định số 559/QĐ-ATTP về việc thu hồi hiệu lực Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm số 17968/2016/ATTP-XNCB ngày 04/8/2016 đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Baby Mamy.

Sản phẩm của Công ty TNHH Hưng Nam Thịnh (địa chỉ: 48/17 đường TX25, khu phố 2, phường Thạnh Xuân, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh). Đồng thời, Cục An toàn thực phẩm ban hành Quyết định số 560/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Hưng Nam Thịnh về hành vi: Sản xuất, kinh doanh lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Baby Mamy (số lô: 010417, NSX:260417, HSD:260420) vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa với số tiền 07 triệu đồng; Buộc Công ty TNHH Hưng Nam Thịnh thu hồi lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Baby Mamy có nhãn vi phạm nêu trên đang lưu thông trên thị trường; tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm theo quy định.

Cục An toàn thực phẩm đã gửi thông báo đến Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để giám sát thực hiện (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

Thanh tra Bộ Y tế thu hồi sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ

Thanh tra Bộ Y tế vừa ban hành quyết định số 111/QĐ-TTB về việc thu hồi 4 sản phẩm dinh dưỡng dung cho trẻ nhỏ của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hàn Việt, (phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội) do có vi phạm về ghi nhãn sản phẩm (nhãn phụ sản phẩm ghi sai hạn sử dụng so với hồ sơ công bố). Cụ thể gồm: Sản phẩm dinh dưỡng công thức S26 số 1 - Gold Newborn dành cho trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi; ngày sản xuất 30/6/2016; hạn sử dụng ghi trên hộp sản phẩm 30/3/2018. Sản phẩm dinh dưỡng công thức S26 số 2 - Gold Progress dành cho trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi, ngày sản xuất 19/9/2016; hạn sử dụng ghi trên hộp sản phẩm 19/9/2018. Sản phẩm dinh dưỡng công thức S26 số 3 - Gold Toddler dành cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, ngày sản xuất 9/11/2016; hạn sử dụng ghi trên hộp sản phẩm 9/8/2018. Sản phẩm dinh dưỡng công thức S26 số 4 - Gold Junior dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, ngày sản xuất 11/10/2016; hạn sử dụng ghi trên hộp sản phẩm 11/7/2018. Thời hạn thực hiện thu hồi sản phẩm là 14 ngày, thời hạn xử lý sản phẩm sau thu hồi là 7 ngày kể từ ngày ký (Lao động, trang 3)

 

Liên thông kết quả xét nghiệm giữa 38 BV tuyến TƯ: thực hiện như thế nào?

Việc liên thông kết quả xét nghiệm sẽ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, kiểm soát lạm dụng xét nghiệm, giảm chi phí và phiền hà cho bệnh nhân khi khám chữa bệnh. Tiết kiệm hơn 230 tỷ đồng mỗi năm...  

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, liên thông xét nghiệm thực chất là việc cơ sở khám chữa bệnh này công nhận và có thể sử dụng kết quả xét nghiệm của cơ sở khám chữa bệnh khác trong một số trường hợp xét nghiệm đó có giá trị sử dụng trong một thời gian và trên cơ sở tình trạng người bệnh.

Thực hiện được điều này có nghĩa là một số xét nghiệm sau khi đã có kết quả có thể được cơ sở khám chữa bệnh khác sử dụng để chẩn đoán, điều trị, theo dõi bệnh, giúp tiết kiệm chi phí thực hiện xét nghiệm trong một số trường hợp.

Nhưng để thực hiện được việc liên thông này, phòng thí nghiệm của các BV phải có chất lượng tương đương, đáp ứng các tiêu chí mà Bộ Y tế đã đưa ra. Theo đó, 38 BV thực hiện liên thông kết quả đều là các BV trực thuộc Bộ Y tế. Vì thế, đại diện các BV cho biết họ rất yên tâm khi thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm giữa các viện với nhau.

Thông tin từ Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, hằng năm, chỉ tính riêng số lượt xét nghiệm của các bệnh viện đã có khoảng 250 triệu lượt xét nghiệm hóa sinh, hơn 200 triệu lượt xét nghiệm huyết học và khoảng 25 triệu lượt xét nghiệm vi sinh. Tỷ lệ tăng trưởng trong khối xét nghiệm trung bình khoảng 10% mỗi năm.

“Theo đánh giá của chúng tôi, liên thông xét nghiệm mang lại nhiều lợi ích về chất lượng, tài chính cũng như giảm chờ đợi phiền hà. Khi xét nghiệm có độ tin cậy cao hơn, cơ sở khám chữa bệnh này có thể sử dụng kết quả xét nghiệm của cơ sở khám chữa bệnh khác, một số xét nghiệm không phải làm lại sẽ tránh được lãng phí”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nói.

Đánh giá của Bộ Y tế cho thấy, chỉ cần giảm được 1% số xét nghiệm thì mỗi năm chỉ tính riêng số xét nghiệm không phải thực hiện tại các BV đã là khoảng 4,75 triệu lượt. Nếu tính trung bình mỗi xét nghiệm có giá 50.000 đồng thì chúng ta đã tiết kiệm được khoảng 237,5 tỉ đồng.

Theo đánh giá của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, hiện nay chất lượng xét nghiệm giữa các cơ sở điều trị và giữa các tuyến điều trị hiện nay nhìn chung chưa đồng đều. Chất lượng xét nghiệm thường tốt hơn ở các BV tuyến T.Ư, tuyến tỉnh và còn hạn chế ở các BV tuyến dưới.

Trên thực tế, tình trạng các BV không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau khiến bệnh nhân phải xét nghiệm nhiều lần đã gây mất thời gian và tốn kém tiền của. Các BV cho rằng, việc phải xét nghiệm lại là điều mà các bác sĩ không muốn nhưng buộc phải thực hiện. Lý do là nhiều năm qua việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các BV vẫn chưa được thực hiện.

Được biết, để có một phòng xét nghiệm, các BV cũng đã đầu tư hàng chục tỷ đồng. Vì vậy, việc liên thông kết quả xét nghiệm không chỉ giúp người bệnh có thể giảm chi phí và thời gian, mà còn giúp các BV tiết kiệm chi phí đầu tư. Tuy nhiên, điều mà người dân quan tâm là kết quả xét nghiệm phải đồng bộ, đó mới thật sự là điều cốt lõi của việc liên thông kết quả xét nghiệm. Việc tự kiểm tra và chịu sự kiểm tra chất lượng xét nghiệm bên ngoài là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng phòng xét nghiệm mà Bộ Y tế đã đề ra bộ tiêu chí gồm 12 chương.

Hiện Bộ Y tế xây dựng tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học theo 5 mức: rất tốt, tốt, khá, trung bình khá, trung bình và chưa xếp hạng. Các BV liên thông phải cùng mức điểm với nhau, mức tối đa mức 5 phòng xét nghiệm sẽ phải đạt bằng hoặc trên 95% các tiêu chí và khuyến khích đạt chất lượng quốc tế. Hầu hết các BV đếu thống nhất với quyết định này.

Theo nguyên tắc, việc liên thông kết quả xét nghiệm chỉ áp dụng cho một số xét nghiệm có thể liên thông được, khi kết quả xét nghiệm đó có giá trị trong một thời gian nhất định. BV đó chỉ sử dụng và công nhận kết quả xét nghiệm của BV khác mà phòng xét nghiệm của BV khác đó có mức chất lượng tương đương hoặc cao hơn, BV xét nghiệm cho người bệnh là nơi chịu trách về dịch vụ xét nghiệm mình thực hiện.

“Đặc biệt quan trọng là trong quá trình thực hiện, quyền chỉ định xét nghiệm vẫn là của bác sĩ nếu thấy cần thiết, tất nhiên, việc chỉ định xét nghiệm phải dựa trên tình trạng cụ thể của người bệnh”, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Theo lộ trình, đến năm 2020 thực hiện liên thông xét nghiệm đối với các BV trong cùng một địa bàn tỉnh, thành phố. Đến năm 2025, liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Không để dịch lớn xảy ra, khống chế tốc độ gia tăng bệnh không lây nhiễm

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hnahf Quyết định số 1125/QĐ-TTg phe duyệt Chương trình mục tiêu y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020.

Các mục tiêu gồm: Chủ động phòng, chống dịch bệnh, phát hiện sớm, kịp thời khống chế không để dịch lớn xảy ra; giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khống chế tốc độ gia tăng các bệnh không lây nhiễm phổ biến, bệnh tật lứa tuổi học đường bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm; bảo đảm cung cấp máu, an toàn truyền máu và phòng, chống hiệu quả một số bệnh lý huyết học; khống chế và giảm tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng để giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; duy trì mức sinh thay thế, hạn chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tăng cường công tác kết hợp quân dân y trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân vùng biên giới, biển đảo và vùng trọng điểm an ninh quốc phòng… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

Chấn chỉnh việc liên doanh liên kết tại các cơ sở y tế công lập

Ngày 3/8, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh thành phố, các đơn vị y tế trực thuộc Bộ, yêu cầu chấn chỉnh việc liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế, đặt máy tại các cơ sở y tế công lập. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát các đề án liên doanh, liên kết đang thực hiện tại các đơn vị, trường hợp chưa thực hiện đúng cần khẩn trương khắc phục. Đặc biệt cần rà soát phương án chi phí, mức thu, thời gian thu hồi vốn của các nhà đầu tư. Trường hợp thời gian thu hồi vốn nhanh hơn so với hợp đồng đã ký cần phải thương thảo để điều chỉnh thời gian hoặc giảm giá dịch vụ cho phù hợp.

Bộ Y tế yêu cầu khi các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sử dụng máy xã hội hóa để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế cho người bệnh bảo hiểm y tế phải giải thích rõ cho người bệnh hiểu và đồng ý chi trả phần chi phí chênh lệch giữa mức giá dịch vụ kỹ thuật được Cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán và mức giá dịch vụ được quy định theo quy định về xã hội hóa… (Nhân dân, trang 5)

 

Tìm giải pháp triển khai mô hình điều trị rối loạn sử dụng chất và HIV

Ngày 3/8, tại TPHCM, Bộ Y tế phối hợp Tổ chức Dịch vụ sức khỏe con người Hoa Kỳ tổ chức hội nghị quốc gia lần thứ 4 với chủ đề “Phát triển mô hình điều trị rối loạn sử dụng chất và HIV”. Hội nghị thu hút 250 đại biểu từ các quốc gia, các bộ, ngành và nhiều chuyên gia, diễn giả trong nước và quốc tế tham dự. Hội nghị thảo luận các nội dung: Chăm sóc người bệnh rối loạn sử dụng chất và mục tiêu 90-90-90 trong điều trị HIV; cập nhập tình hình về Methamphetamine và các chất ma túy mới xuất hiện tại Việt Nam; điều trị hỗ trợ bằng thuốc khi nghiện các chất dạng thuốc phiện; Methadone, Buprenorphine và Natrẽone; chuyển đổi mô hình điều trị nghiện bắt buộc sang tự nguyện, cập nhật mô hình vê các tòa án ma túy; tình hình sử dụng rượu bia, thuốc lá tại Việt Nam và các chương trình can thiệp… (Nhân dân, trang 5)

 

Hà Nam công bố dịch sốt xuất huyết

UBND tỉnh Hà Nam sáng 3/8 quyết định công bố dịch sốt xuất huyết trên địa bàn, là địa phương đầu tiên trong năm công bố dịch. UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Y tế phối hợp Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai biện pháp phòng chống dịch; theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch, không để phát sinh các ổ dịch mới. Trong 7 tháng đầu năm, Hà Nam ghi nhận gần 100 người mắc sốt xuất huyết, có 13 chùm ca bệnh. Số ca bệnh có chiều hướng tăng dần và tăng mạnh nhất từ ngày 15/7 đến nay (Nông thôn ngày nay, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang