TP.HCM tăng điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em
Sở Y tế TP.HCM cho biết, toàn thành phố đã có 262 điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân, trong đó, có 157 điểm tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi. Bao gồm 82 điểm tiêm tại trường và 75 điểm tiêm tại các cơ sở y tế.
Trong khi trước đó, ngày 1/8, toàn thành phố chỉ có 24 trường thuộc 7 quận, huyện tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh đang học tại trường.
Ngày 2/8, số điểm tiêm tại trường đã tăng lên 64 điểm tại 13 quận, huyện.
Ngày 3/8, ngày cao điểm thứ ba của chiến dịch có 82 trường học tại 14 quận huyện tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại trường với tổng số bàn tiêm là 154.
Các quận đã triển khai điểm tiêm cho trẻ em tại các trường học là Quận 1, 4, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Chánh, Bình Thạnh, Cần Giờ, Củ Chi, Phú Nhuận, Gò Vấp và TP Thủ Đức.
Cũng theo Sở Y tế TP.HCM, 7 quận, huyện tổ chức tiêm vaccine cho trẻ tại các cơ sở y tế trên địa bàn bao gồm: Quận 3, Quận 6, Bình Tân, Hóc Môn, Tân Bình, Tân Phú, Nhà Bè.
Riêng Quận 5 vẫn chưa triển khai tháng cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ.
Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo tất cả các bệnh viện đa khoa thành phố, chuyên khoa sản, nhi, bệnh viện quận, huyện tiếp tục duy trì tháng cao điểm tiêm vaccine tại đơn vị đến hết ngày 31/8/2022 để tiêm cho người thuộc nhóm nguy cơ. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Bộ Y tế gia hạn đăng ký lưu hành 133 thuốc, đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc
Cục Quản lý dược – Bộ Y tế vừa quyết định gia hạn đăng ký lưu hành thêm 133 loại thuốc, gồm nhiều thuốc phổ thông như điều trị bệnh đường tiêu hóa, hô hấp, dạ dày, kháng sinh…
Cụ thể, theo quyết định do Cục trưởng Cục Quản lý dược Vũ Tuấn Cường vừa ký, trong danh mục 133 thuốc được gia hạn giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam có 128 thuốc sản xuất trong nước được gia hạn 5 năm; 5 thuốc còn lại có hiệu lực gia hạn trong 3 năm.
Các thuốc này nhằm điều trị bệnh đường tiêu hóa, hô hấp, dạ dày, nhóm thuốc homrone - nội tiết tố, kháng sinh… Đây là đợt gia hạn đăng ký lưu hành thuốc thứ 3 của Bộ Y tế kể từ tháng 6 đến nay. Trước đó, ngày 3-6 và 20-7, Cục Quản lý dược đã hai lần gia hạn đăng ký lưu hành với tổng số thuốc được gia hạn lên gần 10.000 loại.
Cục Quản lý dược đề nghị các cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm sản xuất thuốc theo đúng các hồ sơ, tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in số đăng ký được Bộ Y tế Việt Nam cấp lên nhãn thuốc.
Cùng đó, các cơ sở chỉ được sản xuất, đưa ra lưu hành các thuốc kiểm soát đặc biệt khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, phạm vi kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở đáp ứng quy định tại Nghị định số 54/2017 của Chính phủ...
Thời gian qua, hàng loạt cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế…
Mới đây nhất, ngày 1-8, Bộ Y tế có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất tháo gỡ nhiều quy định trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và khó khăn trong triển khai công tác thanh toán bảo hiểm.
Theo tờ trình do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên ký, thống kê từ 34 Sở Y tế, 21 bệnh viện tuyến Trung ương và 2 bệnh viện trực thuộc trường Đại học cho thấy: 40/55 Sở Y tế và bệnh viện Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc.
Đáng chú ý, trong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ được Bộ Y tế xây dựng có sửa đổi một số thông tư liên quan đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, đặc biệt về mua sắm, đấu thầu.
Cụ thể, sẽ quy định thời điểm mua bán trang thiết bị y tế khi mua sắm, đấu thầu được xác định là thời điểm phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, thay vì quy định tại thời điểm mua bán như trước đây. Dự thảo còn có các nội dung về số đăng ký lưu hành thuốc, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế... (An ninh Thủ đô (trang 17).
Hà Nội đề xuất hỗ trợ một lần với nhân viên y tế, tối đa 10 triệu đồng
UBND TP Hà Nội đề xuất chi gần 250 tỷ đồng để hỗ trợ nhân viên y tế từ 5 đến 10 triệu đồng theo đặc thù công việc (trực tiếp làm công tác chuyên môn hoặc làm công tác quản lý, hành chính).
UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên một lần cho công chức, viên chức, người lao động ngành y tế Thủ đô.
Tại dự thảo tờ trình, UBND TP Hà Nội cho biết, việc đề xuất hỗ trợ, động viên một lần cho công chức, viên chức, người lao động ngành y tế Thủ đô là cần thiết, thể hiện sử quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND TP nhằm động viên, khích kệ, ghi nhận sự đóng góp, cống hiến của công chức, viên chức, người lao động ngành y tế Thủ đô trong công tác phòng, chống dịch bện Covi-19 và công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đối tượng đề xuất được hỗ trợ là người lao động trong các cơ quan, đơn vị về y tế gồm: công chức, viên chức, người lao động ngành y tế Thủ đô.
Mức hỗ trợ chi tiết như sau:
Người làm trực tiếp chuyên môn y tế tại các bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật, trung tâm cấp cứu 115, trung tâm kiểm nghiệm thuốc, dược phẩm, thực phẩm, sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng. Người không làm trực tiếp chuyên môn (quản lý, hành chính) sẽ được hỗ trợ 7 triệu đồng.
Tại trung tâm giám định y khoa, trung tâm pháp y, trung tâm tư vấn dân số kế hoạch hóa gia đình, Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, người trực tiếp làm chuyên môn sẽ được hỗ trợ 7 triệu đồng, người làm quản lý, hành chính nhận 5 triệu đồng.
Viên chức, người lao động các phòng Nghiệp vụ y, Kế hoạch Tài chính, Văn phòng Sở Y tế sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng; Phòng Nghiệp vụ dược, Tổ chức cán bộ, Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Thanh tra Sở được 7 triệu đồng.
Nhân viên y tế thuộc Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã dự kiến được hỗ trợ 7 triệu đồng.
Dự kiến, tổng mức kinh phí hỗ trợ là gần 250 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên một lần cho công chức, viên chức, người lao động ngành y tế Thủ đô sẽ được trình HĐND TP Hà Nội xem xét, thông qua tại kỳ họp chuyên đề vào tháng 9 tới đây. (An ninh Thủ đô, trang 17).
Hà Nội: Bệnh viện Đống Đa được giao tập huấn, chỉ đạo tuyến về phòng bệnh đậu mùa khỉ
Sở Y tế Hà Nội giao cho Bệnh viện Đa khoa Đống Đa tổ chức tập huấn, hỗ trợ và chỉ đạo tuyến cho các cơ sở y tế của thành phố thực hiện hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ…
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội ngày 3-8, Sở đã giao cho Bệnh viện Đa khoa Đống Đa - chuyên khoa đầu ngành về truyền nhiễm tiếp tục tập huấn, tập huấn lại, hỗ trợ và chỉ đạo tuyến cho các đơn vị thực hiện Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người của Bộ Y tế.
Trước đó, vào tháng 5-2022, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các đơn vị liên quan tăng cường giám sát tại Cảng hàng không để phát hiện những trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, đồng thời triển khai các biện pháp quản lý, xét nghiệm, phòng, chống dịch.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập trên địa bàn phối hợp với CDC Hà Nội, Trung tâm Y tế các quận, huyện thị xã tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân tại các cơ sở khám, chữa bệnh, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong.
Ngoài ra, tại các cơ sở y tế cần tăng cường công tác khám, phát hiện các trường hợp mắc, nghi mắc bệnh... Khi phát hiện ca mắc phải liên hệ ngay với Trung tâm Y tế và CDC Hà Nội để phối hợp điều tra dịch tễ, thu thập bệnh phẩm và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. (An ninh Thủ đô, trang 17).
Hà Nội yêu cầu kiểm tra, xử lý các cơ sở găm hàng, đẩy giá thuốc điều trị cúm
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải bảo đảm cung ứng đầy đủ, không để thiếu thuốc điều trị cúm, đồng thời sẽ kiểm tra để xử lý các cơ sở đầu cơ, găm hàng nhằm trục lợi…
Ngày 3-8, Sở Y tế Hà Nội cho biết đã có Công văn số 3398/SYT-NVD về việc bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị cúm mùa.
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm, đặc biệt là thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc. Cụ thể là niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, mua thuốc theo giá không cao hơn giá bán buôn, bán lẻ kê khai, kê khai lại công bố; đồng thời không lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi.
Sở Y tế đề nghị Phòng y tế các quận, huyện, thị xã tham mưu cho UBND các quận, huyện, thị xã và phối hợp với các cơ quan chức năng khác tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thuốc, đặc biệt là các thuốc kháng virus dùng trong điều trị cúm, thuốc điều trị cúm A và các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý. (An ninh Thủ đô, trang 17).
Yêu cầu nộp hơn 9 tỷ đồng phí test nhanh thu vượt mức tại Đắk Lắk
Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh này chỉ đạo các đơn vị nộp số tiền thu phí test nhanh vượt mức quy định hơn 9 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ.
Mua sắm vượt, không có kế hoạch hơn 11,7 tỷ đồng
Ngày 3/8, theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk vừa công bố kết luận thanh tra chuyên đề về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin phòng chống COVID-19 trên địa bàn tỉnh này trong năm 2020-2021.
Theo kết luận, trong giai đoạn trên, Sở Y tế Đắk Lắk thực hiện 44 gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng chống COVID-19 với tổng số tiền 281,5 tỷ đồng. Thanh tra tỉnh đã thanh tra 33/44 gói thầu, trong đó có 7 gói đấu thầu rộng rãi, 26 gói chỉ định thầu rút gọn.
Theo Thanh tra tỉnh Đắk Lắk, về cơ bản, chủ đầu tư – Sở Y tế triển khai thực hiện mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng chống COVID-19 tuân thủ đúng quy định, trình tự thủ tục, pháp luật, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk.
Các gói thầu được kiểm tra có tỷ lệ giảm thầu so với giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt bình quân 9,12%, tương đương số tiền 24 tỷ đồng. Công tác nghiệm thu, bàn giao cơ bản đảm bảo thời gian thực hiện hợp đồng, phân bổ đáp ứng kịp thời phòng, chống COVID-19.
Tuy nhiên, qua xác minh, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk phát hiện Sở Y tế chưa công khai, minh bạch trong việc lựa chọn loại test nhanh để mua sắm, chỉ lựa chọn duy nhất một loại test để thẩm định, xây dựng giá gói thầu. Cụ thể, Sở Y tế Đắk Lắk không tổ chức họp Hội đồng khoa học, Đảng ủy, ban lãnh đạo đơn vị…để phân tích, đánh giá ưu nhược điểm, giá cả, năng lực để quyết định lựa chọn.
Theo Thanh tra, đối chiếu với danh sách các sinh phẩm, trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2 đã được cấp sổ đăng ký, giấy phép nhập khẩu kèm thông tin hiệu năng, khả năng cung ứng và giá bán do Bộ Y tế thông báo cho thấy, Sở Y tế Đắk Lắk phê duyệt dự toán 6 gói thầu mua sắm kit xét nghiệm COVID-19 thuộc nhóm 6, có đơn giá cao hơn so với một số loại kit xét nghiệm thuộc nhóm 5 hoặc cùng nhóm 6.
Ngoài ra, theo Thanh tra, Sở Y tế Đắk Lắk lựa chọn một số thiết bị y tế để mua sắm có số lượng vượt, hoặc không có trong đề xuất của Hội đồng khoa học, tổng số tiền chênh lệch hơn 11,7 tỷ đồng. Thanh tra tỉnh đề nghị Sở Y tế nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, khi mua sắm cần đầy đủ hồ sơ.
Thu phí test nhanh vượt hơn 9 tỷ đồng
Vẫn theo kết luận của Thanh tra tỉnh Đắk Lắk, qua kiểm tra hồ sơ thẩm định giá của 33 gói thầu cho thấy, đơn vị tư vấn thẩm định giá chỉ thực hiện so sánh trên 3 báo giá hoặc đưa ra 3 đơn giá tài sản của đơn vị cung cấp, không có tài liệu, báo giá chứng minh. Quá trình thẩm định giá chưa khảo sát thực tế, thu thập thông tin…về tài sản cần thẩm định giá, không đầy đủ các nội dung theo quy định.
Thanh tra cho rằng, Sở Tài chính Đắk Lắk chưa tuân thủ đúng quy trình thẩm định giá, chủ yếu căn cứ vào hồ sơ, tài liệu và chứng thư thẩm định do Sở Y tế cung cấp để xem xét và cho ý kiến về giá mua sắm, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, giao chủ đầu tư tiến hành thủ tục đấu thầu mua sắm.
Qua tham khảo giá trúng thầu của 6 trang thiết bị y tế so với giá nhập khẩu, Thanh tra phát hiện giá trị mua sắm có chênh lệch, song không cao hơn giá gói thầu được phê duyệt.
Ngoài ra, Thanh tra cũng phát hiện Sở Y tế lập và phê duyệt dự toán 4 gói thầu Đầu tư hệ thống y tế trung tâm có khí nén và áp lực âm; Hệ thống bồn chứa oxy hóa lỏng phục vụ cấp bách phòng chống dịch COVID-19 tính thừa khối lượng với số tiền 378 triệu đồng…Kiểm tra hiện trường xây lắp 4 gói thầu trên, Thanh tra Đắk Lắk phát hiện còn một số hạng mục công trình thi công chưa đúng thiết kế, khối lượng với tổng số tiền 49 triệu đồng.
Ngoài ra, với công tác nghiệm thu, bàn giao, quản lý sử dụng các gói thầu, Thanh tra Đắk Lắk phát hiện đến thời điểm kiểm tra ngày 26/3/2022, Sở Y tế Đắk Lắk còn tồn kho 39.000 test xét nghiệm COVID-19.
Qua thanh tra các đơn vị trực thuộc Sở Y tế Đắk Lắk, Thanh tra phát hiện 13 đơn vị thu phí test nhanh COVID-19 chưa đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế với tổng số tiền thu vượt hơn 9 tỷ đồng.
Từ kết quả trên, Thanh tra tỉnh đề nghị Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có sai phạm nộp 9,1 tỷ đồng thu vượt vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh ngay sau khi có quyết định thu hồi tiền của Chánh Thanh tra tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo Phòng Kế hoạch–Tài chính và các đơn vị, cá nhân có liên quan giảm trừ quyết toán số tiền 427 triệu đồng của các gói thầu nêu trên.
“Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo và tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm theo thẩm quyền, có hình thức xử lý phù hợp với các tổ chức, cá nhân thuộc sở có liên quan trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện việc mua sắm để xảy ra khuyết điểm, tồn tại như đã nêu tại kết luận” – Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đề nghị. (Tiền phong, trang 15).
TPHCM số ca mắc sốt xuất huyết xu hướng giảm chậm
Chiều 3-8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM họp trực tuyến với các sở-ngành, quận huyện và TP Thủ Đức về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức. Báo cáo tại buổi làm việc, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, số ca mắc Covid-19 tuần qua có xu hướng tăng với 136 ca mắc mới mỗi ngày, số ca nhập viện và nặng có xu hướng tăng nhẹ; số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) mới có xu hướng giảm ở 2 tuần liền kề.
Các quận huyện có số ca mắc giảm gồm: quận 10, Tân Bình, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Phú, huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi và TP Thủ Đức khu vực 1, 2); 6 quận huyện có số ca mắc giảm nhưng chậm: quận 11, 8, 7, 1, huyện Nhà Bè, TP Thủ Đức khu vực 3).
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, từ đầu năm đến nay, ngành y tế thành phố đã ra 263 quyết định xử phạt để phát sinh lăng quăng. 3 quận huyện có quyết định xử phạt nhiều: Bình Tân, Bình Chánh, TP Thủ Đức; 3 quận huyện chưa có quyết định xử phạt: quận 5, huyện Cần Giờ, Nhà Bè. Các quận huyện có số ca mắc SXH cao nhưng số lượt xử phạt còn thấp: quận 1, 12, Tân Bình.
Trước thực trang này, Sở Y tế đề xuất UBDN quận huyện TP Thủ Đức cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động vệ sinh triệt nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh SXH, kết hợp tăng cường phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực nguy cơ cao; tăng cường xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 117/2020/ NĐ-CP, nhất là đối với quận huyện có tình hình phức tạp mà số quyết định xử phạt còn ít.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Dương Anh Đức yêu cầu ngành y tế thành phố tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng cho trẻ em để chuẩn bị vào năm học mới và cho đối tượng ưu tiên. Ông đánh giá cao kết quả tiêm vaccine cho trẻ em đã có khả quan hơn khi số liệu tăng hơn 100% so với những tuần trước đó. Tuy nhiên, con số tuyệt đối vẫn chưa được như mong đợi, bởi tỷ lệ tiêm vaccine cho trẻ em ở mũi nhắc thứ 2 (mũi 4) vẫn còn khá thấp, TPHCM vẫn đang nằm phía dưới trung bình của toàn quốc.
Liên quan đến dịch bệnh SXH, ông Dương Anh Đức yêu cầu ngành y tế và các địa phương chủ động hơn nữa có những biện pháp cũng như điều chỉnh hoạt động phòng chống dịch hiệu quả hơn. Bởi nếu kiểm soát được bệnh SXH sẽ có thêm nguồn lực phòng chống dịch Covid-19 cũng như các dịch bệnh khác.
Đối với việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định 08-2022 của Thủ tướng Chính phủ, ông yêu cầu các địa phương tập trung nguồn lực chủ động đề nghị các lực lượng hỗ trợ như: Đoàn Thanh niên, ngành giáo dục, Hội Liên hiệp phụ nữ,… cùng tham gia hỗ trợ cho Phòng LĐ-TB-XH. Bên cạnh đó, lắng nghe các nguyện vọng, góp ý, các biện pháp của các lực lượng hỗ trợ để hoàn thiện; đồng thời ghi nhận những biện pháp hiệu quả của địa phương có tốc độ giải ngân nhanh để học hỏi kinh nghiệm.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM, đến 2-8, đơn vị đã thực hiện giải ngân chi hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg cho 4.605 đơn vị doanh nghiệp (chiếm 5,93% so với dự kiến hỗ trợ), 187.047 lao động (chiếm 17,03%), 99,644 tỷ đồng (chiếm 5,61%). Các quận, huyện có tỷ lệ giải ngân cao: huyện Củ Chi, TP Thủ Đức, quận Gò Vấp, Bình Tân, Phú Nhuận. Các quận huyện có tỷ lệ giải ngân thấp: quận 1, 11, 3, 6, 12. (Sài Gòn giải phóng, trang 8).
Nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực y tế
Ðồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ bác sĩ/10 nghìn dân thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Trong khi đó, chất lượng vẫn còn nhiều hạn chế, thời gian gần đây, nhiều cán bộ y tế địa phương trong vùng xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Ðiều này đang nguy cơ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh.
Nguyên nhân chính các y, bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc để chọn việc khác hoặc chuyển từ khu vực y tế công sang y tế tư nhân là do lương thấp, trong khi áp lực công việc ngày càng cao.
Bài toán thu nhập thấp
Hơn 15 năm làm việc ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long, kể cả đã được bổ nhiệm làm Phó Trưởng khoa Ngoại, bác sĩ Lê Minh vẫn “dứt áo” ra đi, xin chuyển sang làm ở bệnh viện tư nhân do thu nhập thấp, không đủ tiền nuôi gia đình. 15 năm làm việc chăm chỉ, cống hiến, ba lần nâng lương trước thời hạn nhưng đến nay, mức lương bác sĩ Minh nhận được chỉ khoảng 8,7 triệu đồng/tháng. Ðể có quyết định đi khỏi nơi mình từng gắn bó nhiều năm, bác sĩ Minh đã phải suy nghĩ, cân nhắc gần một năm.
Theo báo cáo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm đến hết tháng 6/2022, đã có 35 nhân viên y tế làm đơn xin nghỉ việc, trong đó có 21 bác sĩ. Số lượng nhân viên y tế xin nghỉ việc từ đầu năm đến nay gần bằng số xin nghỉ và đã nghỉ việc của năm 2021 (38 người). Số lượng nhân viên y tế nghỉ việc nhiều nhất là ở Trung tâm Y tế thành phố Vĩnh Long (chín bác sĩ), Bệnh viện Y dược cổ truyền (bốn bác sĩ), còn lại là Bệnh viện đa khoa tỉnh và các trung tâm y tế.
Nguyên nhân là do chế độ tiền lương không đủ bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt cho bản thân và gia đình. Chính sách ưu đãi, đãi ngộ cho viên chức y tế chưa hấp dẫn, chưa thật sự giữ chân được đội ngũ y tế. Hiện có sự chênh lệch cao về tiền lương giữa y tế công lập và y tế tư nhân. Vì thế, viên chức y tế, nhất là đội ngũ bác sĩ ở các bệnh viện công đã xin thôi việc để tìm đến các cơ sở y tế tư nhân có chế độ tiền lương cao hơn.
Cũng vì lý do nêu trên nên thời gian gần đây tại Sóc Trăng có nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác, khiến các đơn vị thiếu hụt nhân lực, ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Y sĩ Dương Quang Lai, Phó Trưởng Trạm Y tế thị trấn An Lạc Thôn (thị trấn vùng sâu của huyện Kế Sách và cũng là địa bàn xa nhất tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Hiện nay, thu nhập của các y, bác sĩ của đơn vị chỉ có lương, không còn phụ cấp nên rất khó khăn trong cuộc sống. Tại trạm, đã có một y sĩ có hơn 20 năm gắn bó với nghề xin nghỉ việc và một bác sĩ có thâm niên cũng nộp đơn xin nghỉ hưu sớm.
Trong khi đó, theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, trong năm 2021 và sáu tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 162 viên chức y tế nghỉ việc, trong đó, có 46 bác sĩ, 43 điều dưỡng, sáu kỹ thuật y, sáu hộ sinh, 17 dược sĩ và 44 nhân viên hành chính. Trong 46 bác sĩ nghỉ việc, có 10 bác sĩ nội khoa, tám bác sĩ ngoại khoa và còn lại là các bác sĩ ở các chuyên khoa khác. Bác sĩ Trần Văn Khải, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cho biết: Thời gian qua, ngành y tế đã tuyển dụng thêm được 191 nhân sự, trong đó có 82 bác sĩ mới được tuyển dụng và dự kiến đến tháng 8/2022 ngành sẽ tiếp nhận thêm 40 bác sĩ đào tạo theo địa chỉ về công tác, bổ sung thêm nhân lực bác sĩ cho tuyến y tế công lập.
Tuy nhiên, nhân lực nghỉ việc thuộc nhóm nhân lực đã qua đào tạo và có kinh nghiệm, trong khi nhóm mới tuyển dụng cần có thời gian để làm quen công việc. Do vậy, khi số này nghỉ cũng làm ảnh hưởng cục bộ đến hoạt động chuyên môn của một số đơn vị trong tỉnh.
Sáu tháng đầu năm 2022, thành phố Cần Thơ có 111 y, bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc, rải đều ở các tuyến từ thành phố đến cơ sở. Trong đó, Bệnh viện Nhi đồng và Bệnh viện Huyết học-Truyền máu thành phố Cần Thơ có cùng 17 người nghỉ việc, với khoảng 40% là bác sĩ có chuyên môn cao. Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ có bảy bác sĩ, sáu điều dưỡng, một kỹ thuật viên xin nghỉ việc đều được đào tạo chuyên sâu. Phần lớn các bác sĩ có tay nghề cao chuyển sang y tế tư nhân, nơi có mức lương, chế độ đãi ngộ cao hơn khu vực công lập.
Theo Sở Y tế thành phố Cần Thơ, các bệnh viện công trên địa bàn thành phố đều giao quyền tự chủ chi thường xuyên (chủ yếu chi lương, phúc lợi). Tuy nhiên, hơn hai năm qua, tình hình dịch Covid-19 kéo dài nên lượng bệnh nhân đến khám, điều trị giảm rất nhiều. Ngoài ra, các bệnh viện lại phải dành nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 nên doanh thu giảm sâu, không thể tăng phúc lợi, trong khi áp lực công việc lớn nên khó giữ chân được người lao động, nhất là y, bác sĩ có chuyên môn cao.
Gỡ khó để giữ chân cán bộ y tế
Bác sĩ Trần Văn Dễ, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ cho biết, đơn vị này đã tuyển bổ sung số lượng y, bác sĩ nghỉ việc và tiến hành đào tạo, huấn luyện để đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Tuy nhiên, với thu nhập thấp và áp lực công việc cao như hiện nay, khó có thể giữ chân đội ngũ y tế đã qua đào tạo của bệnh viện và có nguy cơ nhiều bác sĩ nghỉ việc, chuyển sang bệnh viện tư trong thời gian tới.
Vì vậy, bệnh viện báo cáo với Sở Y tế, lãnh đạo thành phố xem xét, bổ sung kinh phí chi thường xuyên, sớm thanh toán chi phí chữa bệnh Covid-19 để bệnh viện có thêm nguồn tiền duy trì hoạt động, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người lao động.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long có quy mô 800 giường, thực kê hơn 900 giường nhưng chỉ có 625 cán bộ, nhân viên, đang thiếu hàng trăm viên chức y tế nhưng không tuyển được do mức lương của bác sĩ mới ra trường thấp. Trước tình trạng nêu trên, Vĩnh Long đã đưa ra nhiều giải pháp thu hút bác sĩ về công tác tại tỉnh. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Văn Công Minh cho biết: Ngành y tế đang xây dựng dự thảo nghị quyết về chính sách thu hút, đãi ngộ và hỗ trợ đào tạo cho đội ngũ nhân viên y tế giai đoạn 2022-2026.
Các ưu đãi được đưa ra là hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt để thu hút nhiều chuyên gia giỏi tại các bệnh viện tuyến trên về chuyển giao các kỹ thuật cao cho bệnh viện tuyến tỉnh, huyện. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho nhân viên y tế được cử đi đào tạo nhằm nâng cao năng lực chuyên môn phục vụ cho ngành y tế của địa phương, ưu tiên cho nhân viên y tế nữ, người dân tộc... Sở Y tế đang đề nghị cấp có thẩm quyền cho xây dựng nhà ở xã hội để bố trí cho nhân viên y tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ Y tế sớm ban hành và có hướng dẫn các địa phương thực hiện mô hình tổ chức trạm y tế theo quy mô dân số; hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 60/2021/NÐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập cho ngành y tế; điều chỉnh, bổ sung giá dịch vụ y tế tại các thông tư quy định về giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ; cấp kinh phí và chỉ đạo ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố sớm chi trả dứt điểm các chế độ phụ cấp chống dịch cho nhân viên y tế trong năm 2021 và sáu tháng đầu năm 2022. (Nhân dân, trang 5).
Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh không để thiếu thuốc điều trị cúm
Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 3398/SYT-NVD về việc bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị cúm mùa gửi các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố; phòng y tế các quận, huyện, thị xã.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở trên chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm, đặc biệt là thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc. Cụ thể là niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, mua thuốc theo giá không cao hơn giá bán buôn, bán lẻ kê khai, kê khai lại được công bố; đồng thời, không lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi.
Riêng với các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện nghiêm quy định về thặng số bán lẻ theo quy định tại Điều 136 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8-5-20217 của Chính phủ.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố chủ động, phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược và người dân về việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị cúm theo đúng quy định.
Phòng y tế các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm tham mưu UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp các ban, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thuốc, đặc biệt là các thuốc kháng vi rút dùng trong điều trị cúm, thuốc điều trị cúm A và các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong 6 tháng năm 2022, cả nước ghi nhận gần 142.000 ca mắc cúm nhưng chưa ghi nhận ca tử vong. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7-2022 đến nay, số bệnh nhân nhập viện có xu hướng tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối và một số tỉnh, thành phố, trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm mùa.
Riêng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày ghi nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám liên quan đến cúm, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em. Trong tổng số hơn 3.500 người đến khám nghi nhiễm cúm tại bệnh viện, số có test nhanh dương tính với cúm A là 1.134 ca (chiếm gần 33%) và 34 trường hợp cúm B. Số ca phải nhập viện điều trị là 178. Về cơ bản đều là những trường hợp mắc cúm thông thường, chưa ghi nhận chủng độc lực cao. (Hà Nội mới, trang 5).