Trẻ sơ sinh tử vong ở huyện Ea H’leo (Đác Lắc) không liên quan đến tiêm vắc-xin viêm gan B
Ngày 3-9, Hội đồng y khoa gồm đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, lãnh đạo Sở Y tế Đác Lắc, Trung tâm Pháp y tỉnh, Trung tâm Y tế và Bệnh viện đa khoa huyện Ea H’leo đã họp và đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân cái chết của bé trai sơ sinh, con sản phụ Nguyễn Thị Hồng Loan, sinh năm 1989, trú tại buôn Chăm Hoai, xã Ea Sol, huyện Ea H’leo, sau khi tiêm vắc- xin viêm gan B. Sau khi nghe báo cáo, ý kiến phân tích của các nhà chuyên môn, Hội đồng y khoa đã kết luận: Trẻ tử vong chưa rõ nguyên nhân, không liên quan đến tiêm phòng vắc-xin viêm gan B.
Trước đó, ngày 21-8, chị Nguyễn Thị Hồng Loan nhập viện tại Bệnh viện đa khoa huyện Ea H’leo để sinh con thứ hai. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, chị Loan sinh thường được một bé trai khỏe mạnh nặng 3 kg. Đến khoảng 10 giờ ngày 22-8, bé được các bác sĩ chỉ định tiêm vắc-xin viêm gan B. Tuy nhiên, đến khoảng 21 giờ cùng ngày, bé lên cơn sốt và đến khoảng 19 giờ 30 phút ngày 23-8 bé tử vong tại Bệnh viện đa khoa huyện Ea H’leo. Người nhà nạn nhân tố cáo bác sĩ bệnh viện tắc trách dẫn đến cái chết của cháu bé.( Nhân dân trang 5)
Làm rõ việc giám đốc Sở Y tế Long An nhận 400 triệu đồng
Chủ tịch UBND tỉnh Long An chỉ đạo làm rõ việc dư luận cho rằng ông Lê Thanh Liêm - giám đốc Sở Y tế Long An - nhận 400 triệu đồng của một cá nhân.
Ngày 3-9, ông Đỗ Hữu Lâm - chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho biết đã chỉ đạo các ngành chức năng làm rõ việc dư luận cho rằng ông Lê Thanh Liêm - giám đốc Sở Y tế Long An - nhận 400 triệu đồng của một cá nhân mà không báo lên cấp trên có thẩm quyền.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Thanh Liêm cho biết số tiền trên là của đại diện công ty trúng thầu dự án san lấp Bệnh viện Đa khoa khu vực Mộc Hóa (thị xã Kiến Tường, Long An). Sau khi trúng thầu, đại diện của công ty này đến nhà riêng của ông Liêm đưa 400 triệu đồng.
Dù ông Liêm không nhận nhưng người này nhất quyết bỏ lại nên sáng hôm sau, ngày 22-12-2014, ông Liêm báo cho Thanh tra Sở Y tế Long An và nộp số tiền vào phòng tài chánh Sở Y tế Long An với lý do ghi rõ trên phiếu thu là “nhận tiền hỗ trợ của ông Đỗ Hữu Quân”.
Dư luận cho rằng việc ông Liêm nhận tiền rồi gửi vào phòng tài chánh dưới quyền là sai nguyên tắc. Trước đó, liên quan đến việc chọn vị trí xây dựng và dự án san lấp Bệnh viện Đa khoa khu vực Mộc Hóa, UBND tỉnh Long An cũng có quyết định thanh tra vì dư luận cho rằng vị trí xây dựng bệnh viện tại vùng trũng gây tốn kém thêm nhiều chi phí và nhà thầu san lấp mặt bằng không đúng với yêu cầu của gói thầu ban đầu.( Tuổi trẻ trang 4)
Nguy cơ bệnh do chờ văcxin dịch vụ
Nhiều văcxin dịch vụ mà chương trình tiêm chủng mở rộng không có đang rơi vào cảnh hết. Hai năm nay cha mẹ có con nhỏ cứ phải canh – chờ đợi – nhanh chân đưa con đi tiêm ngừa khi có thông tin văcxin vừa về…
Trang Sống khỏe từng nhận được câu trả lời của một số vị đại diện ngành y tế trong các số báo trước là các phụ huynh cứ cho con đi tiêm theo chương trình tiêm chủng mở rộng văcxin dịch vụ thiếu là do các bệnh viện – cơ sở y tế dự trù không đủ, các công ty cung cấp văcxin cũng đổi quy trình sản xuất cho nhiều nước… Tuy nhiên, hai năm nay tình hình vẫn chưa có gì thay đổi…( Tuổi trẻ trang 14)
Hà Nội ghi nhận gần 1.300 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Chiều 3-9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của thành phố. Trong các dịch bệnh được ghi nhận thời điểm hiện tại, tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) đang có chiều hướng gia tăng.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 1-9, toàn thành phố đã ghi nhận gần 1.300 trường hợp mắc SXH (tăng khoảng 3 lần so với cùng kỳ năm 2014). Dịch bệnh SXH cũng đã phân bố ở 29/30 quận, huyện, thị xã (trừ huyện Phúc Thọ), trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao như: Thanh Trì (248 ca), Hoàng Mai (241 ca), Hai Bà Trưng (182 ca), Hà Đông (149 ca)... Đặc biệt, số ca mắc SXH liên tục gia tăng trong tháng 7 và tháng 8. Cụ thể, riêng tháng 8 có 633 ca mắc (chiếm 49,4% tổng số ca mắc). Bên cạnh đó, tích luỹ từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận 682 ca mắc tay chân miệng, 253 ca sốt phát ban, 14 trường hợp viêm não Nhật Bản, 148 trường hợp ho gà, 12 trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn lợn…
Nhận định về tình hình dịch bệnh SXH, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, dự báo trong 4 tháng cuối năm, tình hình dịch SXH sẽ diễn biến phức tạp, số ca mắc có thể tăng cao, đặc biệt thời tiết diễn biến bất thường, nóng bức mưa nhiều thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Do đó, trong khi dịch bệnh SXH chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu thì hoạt động chính trong công tác phòng chống chính là vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hoá chất diện rộng. Tuy nhiên, dù toàn thành phố đã thực hiện được 490 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, tổ chức 39 chiến dịch phun hoá chất diện rộng tại 10 quận, huyện trọng điểm SXH nhưng tỷ lệ gia đình được phun hoá chất chưa cao. Hiện mới chỉ có hơn 61 nghìn hộ gia đình đã được phun xử lý (đạt tỷ lệ 64,6%), vẫn còn hơn 35% số hộ từ chối phun hoá chất, không hợp tác với cán bộ y tế hoặc đi vắng.
Không chỉ riêng Hà Nội, số mắc SXH trên cả nước cũng đang gia tăng. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có hơn 25 nghìn trường hợp mắc SXH (tăng gấp 50% so với năm 2014), trong đó có 16 trường hợp tử vong, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khen ngợi Hà Nội đã quyết liệt trong việc phòng chống dịch bệnh SXH nhưng cũng tỏ ra lo ngại khi quận, huyện nào cũng có ổ bệnh. PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, xu thế dịch bệnh SXH sẽ còn tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu việc phun hoá chất phòng dịch không được triển khai quyết liệt và đồng bộ, chỗ phun, chỗ không thì muỗi gây bệnh sẽ không được tiêu diệt hết. Như vậy, dịch bệnh vẫn còn nguy cơ lây lan và bùng phát. Do đó, các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô cần có kế hoạch phòng và dập dịch SXH cụ thể, trong đó các chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hoá chất dập dịch phải được triển khai quyết liệt, triệt để.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã biểu dương sự vào cuộc quyết liệt của các quận/huyện, xã/phường, đồng thời nhấn mạnh, với diễn biến tình hình dịch SXH như hiện nay không còn ở cấp độ phòng mà phải ở cấp độ dập dịch, vì vậy, các địa phương không thể chủ quan, lơ là.( Gia đình & xã hội trang 3, Hà Nội mới trang 1)
85% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến nay có khoảng 85% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế. Trong đó, có khoảng 94% học sinh tham gia và tỷ lệ tham gia của sinh viên là 76%. Trước tình hình này, Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi các Sở GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) tăng cường triển khai thực hiện công tác bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên.
Để tiến tới 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện theo đúng quy định, tập trung vào việc tăng cường công tác giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh về chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế và vai trò của bảo hiểm y tế đối với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho học sinh, sinh viên…( An ninh thủ đô trang 2)
Gần 80 người được xử lý y tế trong lễ diễu binh
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Hà Nội về kết quả triển khai công tác đảm bảo y tế phục vụ các hoạt động kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, trong lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành sáng 2-9, các tổ trực cấp cứu ngành y tế Hà Nội đã xử lý, cấp cứu y tế kịp thời cho 76 trường hợp bị rối loạn tiêu hóa, viêm họng, mệt mỏi, say nắng, tăng huyết áp, sốt, tai biến mạch máu não, dị ứng, vết thương phần mềm...
Trong số này có 1 trường hợp tai biến mạch máu não đã được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Số còn lại đều được các tổ cấp cứu khám, xử lý tại chỗ, tình hình sức khỏe tạm ổn định, không có gì đặc biệt.( An ninh thủ đô trang 6)
Hơn 10% người nhiễm HIV bị từ chối hoặc mất việc làm
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo vận động chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV do Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Bộ Y tế và Chương trình phối hợp phòng chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc (UNAIDS) tổ chức sáng 3-9.
Theo đó, chính sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đang cản trở tiến độ của các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Kết quả nghiên cứu đánh giá mức độ kỳ thị với người nhiễm HIV ở Việt Nam năm 2014 tại 5 tỉnh, thành phố (gồm: Hà Nội, TP.HCM, Điện Biên, Hải Phòng và Cần Thơ) với hơn 1.600 người cho biết, bị xì xào bàn tán là một trong các dạng kỳ thị và phân biệt đối xử phổ biến nhất chiếm tỷ lệ 23,3%; tiếp đến là 6,7% người nhiễm HIV bị từ chối việc làm; 5,8% bị xúc phạm; 4,2% bị mất việc làm hoặc nguồn thu nhập; 2,8% phụ nữ nhiễm HIV bị hành hung và 2,6% bị loại khỏi các hoạt động xã hội…( An ninh thủ đô trang 6, Hà Nội mới trang 5)
Bệnh viện Đa khoa Xanh pôn Hà Nội: Vận hành tốt đơn nguyên điều trị huyết học cho bệnh nhi
Bệnh viện Đa khoa Xanh pôn Hà Nội đã thành lập đơn nguyên huyết học lâm sàng (nằm trong Khoa nhi tổng hợp) chủ yếu tiếp nhận, khám bệnh, điều trị và quản lý trẻ em mắc bệnh về máu; tư vấn để phòng ngừa sớm các bệnh di truyền cho những cặp vợ chồng trước khi kết hôn. Đơn nguyên gồm 6 giường và 6 nhân viên y tế do ThS.BS. Nguyễn Văn Thường – Trưởng khoa Nhi tổng hợp trực tiếp phụ trách…(An ninh thủ đô trang 6)
Bay xuyên đêm cứu bệnh nhân từ Trường Sa
Sáng 3/9, tổ bay do thượng tá phi công Ngô Vi Sơn, Chủ nhiệm bay, lái chính Trung đoàn Không quân 917 đã hạ cánh xuống khu vực quân sự sân bay Tân Sơn Nhất, chở theo bệnh nhân Nguyễn Thành Trung (46 tuổi), thủy thủ tàu vận tải Hoàng Phúc, vận chuyển hàng hóa ra đảo Trường Sa. Tối 1/9, ông Trung bị tan nạn ngã từ tàu xuống bị chấn thương sọ não nặng. Đêm 2/9, các bác sĩ Bệnh xá đảo Trường Sa mổ lấy khối máu tụ, mảnh xương sọ bị lún, giải áp nội sọ và mở hộp sọ để giải phóng chèn ép cho bệnh nhân. Để cấp cứu kịp thời bệnh nhân, tổ bay đã bay về đất liền ngay trong đêm và chuyển cho Bệnh viện 175 tiếp tục điều trị. ( Tiền phong trang 2, Thanh niên trang 2)